Giới thiệu ĐVCM Bình Triệu

 

Tên chính thức của Hội Dòng :
 Dòng Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh
Năm thành lập tại Việt Nam : 1861
Châm ngôn Dòng :
“Tôi nhiệt thành vì vinh quang Thiên Chúa”
(1V 19,14a)
 “Vạn tuế Thiên Chúa hằng sống, Đấng tôi hằng chiêm ngưỡng” (1V17,1).
Mục đích Dòng : Sống đời cầu nguyện liên lỉ và yêu mến để cầu nguyện cho Giáo Hội, cùng mọi đấng bậc trong Hội Thánh và nên nhân chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu.
Biểu tượng của Dòng :
Chú thích “Zélo zelátus sum pro Dónimo, Deo execituum”
 Tôi nhiệt thành vì vinh quang Thiên   Chúa.
 Linh đạo và Đoàn sủng của Dòng
Ơn gọi Dòng Cát Minh là một ơn huệ của Chúa Thánh Thần, nhằm mời gọi các nữ đan sĩ sống kết hiệp thân tình với Thiên Chúa trong tình thân hữu với Đức Kitô và sự mật thiết với Đức Maria, qua sự cầu nguyện và chiêm niệm các thực tại thần linh, nhờ việc thực hành các lời khuyên Phúc Am trong một cộng đoàn huynh đệ nhỏ, được thiết lập trên nền tảng cô tịch, nguyện gẫm và khó nghèo triệt để. Do vậy, việc tông đồ của Dòng Cát Minh là việc tông đồ thuần tuý chiêm niệm hệ tại ở cầu nguyện và hy sinh với Giáo Hội và cho Giáo Hội, không có các hình thức hoạt động bên ngoài.
Đúng theo lý tưởng Mẹ Thánh Têrêsa–Đấng cải tổ Dòng. Các nữ đan sĩ sống đời chiêm niệm hướng về Giáo Hội trong sự hài hoà giữa bầu khí cô tịch và thinh lặng, lấy lòng mến Chúa làm trung tâm và lấy tình bác ái huynh đệ hiệp với sự từ bỏ quảng đại theo tinh thần Phúc Am làm quy luật.
Lễ Bổn Mạng chính của Hội Dòng
Ngày 16/7 – Kính Đức Mẹ Núi Cát Minh.
Thánh Kinh luôn ca tụng vẻ đẹp núi Cát Minh, nơi tiên tri Êlia đã chiến đấu bảo vệ niềm tin của dân Israel đối với Thiên Chúa hằng sống. Ơ đó, bên dòng suối mang tên của Vị Tiên Tri, bắt đầu từ thế kỷ XII trở đi, một số đan sĩ đã đến lập Dòng và xây cất một nguyện đường kính nhớ Mẹ Thiên Chúa và đã xin Giáo Chủ Giêrusalem một quy luật để sống. Chính vì thế mà họ được gọi là đan sĩ Dòng Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh. Các đan sĩ này đã chọn Đức Maria làm quan thầy, chẳng những cho thánh đường mà còn cho cả cộng đoàn, coi Người như Mẹ và gương mẫu hướng dẫn đời sống tu trì. Lễ này được cử hành đó đây từ thế kỷ XIV, lần hồi đã lan rộng ra cả dòng ở khắp nơi như biểu hiện lòng tri ân của con cái trong Dòng về bao phúc lộc mà Mẹ Thiên Chúa đã ban cho gia đình Cát Minh của Người.
Đôi nét lịch sử Dòng
 – Đời sống đan sĩ có nguồn gốc từ thời tiên tri Êlia sống trên núi Carmel (Năm 854 trước Công Nguyên)
 – Đến năm 1247, Đức Giáo Hoàng Innocente IV đã phê chuẩn quy luật tiên khởi Dòng Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh.
 – Sau cơn dịch, tiếp đến chiến tranh đói kém tại Châu Au năm 1347, sức khoẻ con người suy yếu, dần dà đời sống tinh thần trong Đan viện cũng lỏng lẻo, nên các đan sĩ đã sống theo Luật Dòng Cát Minh giảm chế. – Đến thời Thánh Têrêsa vào thế kỷ XV, vì muốn hoàn toàn thuộc về Chúa và sống cho Ngài, để cầu nguyện cho hàng Giáo phẩm đã thoái hoá và chống lại nhóm ly khai, nên Thánh Têrêsa đã cùng một số chị em say mê lý tưởng tu kín đi thành lập Dòng Cát Minh Cải Tổ đầu tiên tại thành Avila ngày 24 tháng 8 năm 1562.
Đến năm 1585, nhóm Cải tổ đã tách ra thành Tỉnh Dòng tự trị với tên:
“Lordre Des Carmes Déchaussées” (OCD)
 – Năm 1604 : Dòng Cát Minh cải tổ được thành lập tại Pháp.
 – Carmel Lisieux (Pháp) đã lập Dòng Cát Minh Sài Gòn là đan viện Cát Minh đầu tiên tại Việt Nam năm 1861, do Mẹ Philomène de L Immaculée Conception.
 – Sau đó, Dòng Cát Minh Sài Gòn đi lập Dòng Cát Minh Hà Nội (1895).
 – Dòng Cát Minh Hà Nội lập Dòng Cát Minh Huế (1909) và Dòng Cát Minh Bùi Chu (1923)
 – Dòng Cát Minh Huế lập Carmel Jalo Iloilo (1923) ở Philippines, Carmel Cholet (1925) ở Pháp và Dòng Cát Minh Thanh Hóa (1929) tức là Dòng Cát Minh Nha Trang bây giờ.

 

 

 

 

 

Lịch sử hình thành và phát triển của Đan Viện Cát Minh Bình Triệu

Vào tháng 4/1975, hoàn cảnh đất nước đang biến động. Các Dòng Tu ở Huế đều di tản vào Nam để tránh bom đạn. Dòng Cát Minh Huế cũng di tản vào Sài Gòn. Cha Giám Đốc Võ Văn Bộ đã cho Đan Viện Cát Minh một khu đất gần Nhà thờ Fatima thuộc Giáo xứ Bình Triệu. Trong hoàn cảnh thiếu thốn này, chúng tôi chỉ có thể xây dựng được một căn nhà nhỏ, lụp xụp như nhà các giáo dân chung quanh để tiếp tục sống cuộc đời chiêm niệm với lòng tín thác hoàn toàn vào Chúa, mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn của xã hội mới.

Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, các Dòng tu đều trở về Huế. Riêng Dòng Kín Huế đã ở lại Bình Triệu theo lệnh của Đức Cố Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền. Nhưng rồi vì hoàn cảnh sinh sống, các chị phải tạm chia đôi: các chị lớn tuổi ở tại nhà Bình Triệu. Các chị trẻ hơn thì đi xa hơn để làm ăn sinh sống…. Tháng 10 năm 1975, hầu hết các chị trẻ đi Phú Lâm, ngụ tạm trong khu đất của Nhà Xứ. Rồi năm 1976 các chị dọn về Phương Lâm, định cư tại  Họ 9 trong khu đất do nhà Xứ cấp cho. Trong thời kỳ này, các chị không thể giữ Luật Nội Vi được, bởi lẽ vì hoàn cảnh xã hội mới, tại Bình Triệu vài chị buộc lòng phải tham gia làm việc tại xí nghiệp để cộng đoàn được tồn tại theo Pháp lý.  Tại Phương Lâm, các chị phải đi làm rẫy, làm ruộng ở ngoài Nhà Dòng. Rồi vì sự phân chia này, cà hai cộng đoàn Bình Triệu và Phương Lâm đều thiếu nhân sự để có thể thi hành các bổn phận trong kinh nguyện cũng như đời sống hằng ngày. Vì thế, cần phải quy tụ các chị về sống chung trong một cộng đoàn… Tháng 8 năm 1989, các chị Phương Lâm đã về lại Nhà chính tại Bình Triệu. Lúc này cộng đoàn vẫn còn sống chật vật trong căn nhà nhỏ nghèo nàn như nhà giáo dân. Từ năm 1975 cho đến năm 1989, Mẹ Bề Trên Aimée  vẫn còn tại chức, vì hoàn cảnh xã hội,  các chị chưa có được cuộc bầu cử nào trong thời gian này.

Khi cộng đoàn được hợp nhất, vào ngày 15/08/1989, các chị đã tiến hành cuộc bầu cử dưới sự chủ toạ của Cha Simon Nguyễn Văn Lập, và Mẹ Cécile được bầu làm Bề Trên. Từ giai đoạn này, việc sửa sang nhà ở được khởi hành một chút, chuyển đất lấp các ao hồ xung quanh nhà, chuẩn bị cho việc xây cất trong tương lai. Nhưng Mẹ Cécile chỉ phụ trách cộng đoàn trong thời gian hai năm. Rồi sau cuộc kinh lý, Đức Tổng Giám Mục đã quyết định đưa Mẹ Cécile về nghỉ bệnh tại Đan Viện Sài Gòn. Và chị cố vấn thứ nhất là chị M. Thérèse Consolata tiếp tục điều hành cộng đoàn.

Ngày 19/06/1992 dưới sự chủ toạ của Cha Bề Trên Giám Tỉnh Nguyễn Công Đoan, Hội Đồng Đan Viện đã tiến hành cuộc bầu cử mới và Chị M. Thérèse Consolata đã đắc cử làm Bề Trên.

 

Ngày 16/07/1994, cộng đoàn cùng hiệp dâng Thánh Lễ Tạ Ơn, khánh thành nhà Nguyện mới. Thánh lễ đồng tế gồm một số đông linh mục với sự tham dự của đông đảo tín hữu. Việc xây cất đã tạm ổn định, các nữ đan sĩ sung sướng sống trong bầu khí cô tịch với Đấng Lang Quân trong khung cảnh thích hợp cho việc cầu nguyện và phát triển ơn gọi chiêm niệm.
Từ đó đời sống cộng đoàn bắt đầu chuyển sang một bước ngoặc quan trọng: Trở về nguồn, canh tân đời sống tinh thần lẫn vật chất cho phù hợp với ơn gọi chiêm niệm, với đoàn sủng Mẹ Thánh Têrêsa và Nội vi Giáo Hoàng. Ngày 16/07/1993 dưới sự phù trợ của Đức Trinh Nữ Maria Núi Carmel và Cha Thánh Giuse, chúng tôi đã khởi sự xây cất lại Đan viện: tường thành nội cấm, Nhà Nguyện, nhà ở, khu vườn thánh …v,v. Tất cả đều được thiết lập xây dựng lại cho phù hợp với nếp sống cộng đoàn và đời sống đan tu. Chỉ trong vòng một năm, Đan viện đã hoàn toàn đổi mới.

 

 

Ngày 16/09/1995, Mẹ M. Thérèse Consolata lại được đắc cử Bề Trên trong nhiệm kỳ 2. Cộng đoàn không ngừng phát triển và lớn mạnh trong niềm tin yêu phó thác nơi Chúa.

Đầu năm 1996, Nhà Nước bắt đầu giao trả các cơ sở tôn giáo lại cho các nhà Dòng. Nhà Dòng con Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Huế đã được trả lại (vì từ năm 1975, sau khi giao nhà cho Nhà Nước các chị đã dọn qua ở Nhà Kín Huế). Đây là dịp thuận tiện để các chị Dòng Kín Huế trở về Đan viện của mình.

Vào tháng 3/1996, sau khi đã cầu nguyện nhiều, Mẹ M. Thérèse Consolata và Chị M. Ange đã về lại Huế để xem tình hình và chuẩn bị cho việc trở về tái thiết Dòng Kín Huế. Tình hình khó khăn, gặp rất nhiều cản trở tưởng là không thể vượt qua được, nhưng chị em vẫn tin cậy vào Chúa và tiến bước. Chúa toàn năng vô cùng và những ai tin cậy vào Chúa sẽ không thất vọng.

Ngày 14/04/1996 Mẹ Bề Trên đã đưa 6 chị Khấn trở về Huế để tái thiết, mặc dù phải đương đầu với bao khó khăn thử thách, các chị vẫn kiên trì cầu nguyện và âm thầm sống ơn gọi chiêm niệm như hạt giống chon vùi trong lòng đất chờ ngày mọc lên và đơm hoa kết trái. Lòng thương xót của Chúa đã đoái nhìn đến Đan viện Carmel Huế và mọi việc được tiếp diễn bình an tốt đẹp.

Ngày 15/10/1996, ngày lễ Mẹ Thánh Têrêsa, từ trời cao Mẹ đã nhìn xuống đưa tay phù trợ cho Đan viện Carmel Huế mang tên là Đan viện Mẹ Thánh Têrêsa. Ngày hôm ấy Thánh Lễ Đồng Tế đầu tiên đã khai trương do Đức Tổng Giám Mục Stephano Nguyễn Như Thể cùng với 14 vị Bề trên các Dòng và các Cha Quản Hạt trong Giáo Phận với sự hiện diện của các Bề trên Dòng Nữ. Từ nay các chị đã công khai nói lên sự hiện diện của mình trong Giáo phận. Ngày 15/11/1996 các chị được hộ khầu thường trú theo Pháp Lý, và ngày 20/08/1997 các em được tạm trú dài hạn.

Tháng 3/1998, khi Đan Viện Cát Minh Huế đã ổn định, Toà Thánh gởi Sắc Chỉ công nhận Đan Viện Bình Triệu được chính thức thiết lập qua sự chấp thuận của Đức Hồng Y Gioan-Baotixita Phạm Minh mẫn – Tổng Giám Mục Tp. Hồ Chí Minh. Từ nay Đan viện Cát Minh Huế và Đan viện Cát Minh Bình Triệu là hai đan viện độc lập.

 

Ngày 04/06/1998 Đan viện Cát Minh Bình Triệu được chính thức thiết lập với danh hiệu “Đan viện Đức Mẹ Núi Cát Minh” gồm 23 nữ tu, dưới sự điều hành của Mẹ Bề Trên M. Thérèse Consolata du Saint Esprit Nguyễn Thị Thu Hương. Nhờ sự hiệp nhất trong tình bác ái, tất cả chị em luôn sống vui và bình an trong Tình Yêu Chúa. Ơn gọi ngày càng thêm đông, chị em càng sống kết hợp thâm sâu hơn với Thiên Chúa, trong tình thân hữu với Đức Kitô và Mẹ Người, qua cuộc sống tầm thường đơn sơ bé nhỏ mà việc cầu nguyện và hy sinh được nối kết với một tình yêu dành cho Thiên Chúa, Giáo Hội và các linh hồn.

 

Được sự chấp thuận của Cha Luiz Arostegui, OCD (Bề Trên Tổng Quyền dòng Carmel); ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (TGM. TGP.Tp.HCM)  và Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh (Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc), ngày 27 – 09 – 2006, Mẹ Bề trên M.Thérèse Consolata Nguyễn Thị Thu Hương đã đưa 7 đan nữ lên một cơ sở mới của Đan Viện tại Giáo Xứ Bình Minh, Giáo Hạt Gia Kiệm, Giáo Phận Xuân Lộc. Từ nay, một cộng đoàn chiêm niệm đã khởi sự, bén rễ sâu trong cầu nguyện và hy sinh, trong cô tịch thinh lặng, dưới bóng Hiền Mẫu của Đức Maria, là Mẹ và Nữ Vương Dòng Cát Minh.

Đời sống thiêng liêng.

Song song với việc xây dựng, thì đời sống thiêng liêng cũng được canh tân đổi mới cho hợp với đoàn sủng Cát Minh Têrêsa và đời sống chiêm niệm. Chị em ngày càng đi sâu vào đời sống nội tâm, tìm gặp Chúa trong đời sống thường ngày, chăm lo đời sống chiêm niệm, hướng về Giáo Hội trong sự hài hoà giữ bầu khí cô tịch thinh lặng và sự hiệp thông huynh đệ, lấy lòng mến Chúa làm trung tâm và lấy tình bác ái huynh đệ hiệp với sự từ bỏ quảng đại theo tinh thần Phúc Âm làm quy luật.

 

Cộng đoàn luôn dành ưu tiên cho việc cầu nguyện và Kinh Thần Vụ. Chị em được học hỏi qua các giờ đọc sách thiêng liêng, các buổi huấn đức cho các Tập sinh và thường huấn cho các chị Khấn hằng tuần. Việc học tập này giúp chị em ý thức rõ hơn ơn gọi chiêm niệm của mình, chuyên cần cầu nguyện liên lỉ, nối dài triền miên suốt ngày sống qua mọi việc mình làm, mở lòng đón nhận ơn huệ của Chúa Thánh Thần, để ngày càng kết hợp thâm sâu với Thiên Chúa, trong tình thân hữu với Đức Kitô và Mẹ Người qua cuộc sống tầm thường đơn sơ bé nhỏ. Lời cầu nguyện và hy sinh thấm nhuần tình yêu dành riêng cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội và các linh hồn. Ngoài ra chị em còn học Kinh Thánh, đặc biệt Tân Ước, Phụng vụ, Giáo lý, Công đồng và các Tông Huấn của Đức Thánh Cha và các thư luân lưu của Cha Bề Trên Tổng Quyền.

 

Nhờ ơn Chúa, chị em hiểu được mục đích, ý nghĩa và lối sống cộng đoàn mà Mẹ Thánh Têrêsa đã dạy. Chị em đã ân cần giúp đỡ nhau trên con đường tiến đến hoàn thiện, lấy tình yêu làm luật tối thượng. Tình yêu đó đã được biều lộ qua sự vâng phục, yêu thương, kính trọng nhau trong một gia đình Têrêsa.

Đời sống cộng đoàn

Với tình bác ái huynh đệ, chị em đồng tâm nhất trí với nhau cùng chia sẻ vui buồn, cùng giúp đỡ nhau trong bầu khí vui tươi lành mạnh, ân cần và niềm nở, là dấu chứng sự hiện diện của Chúa ở giữa cộng đoàn và duy trì được sự bình an hiệp nhất trong sự quân bình giữa những giờ cầu nguyện, lao động và nghỉ ngơi, cũng như sự hài hoà giữa những lúc sống trong cô tịch và những lúc chị em gặp gỡ nhau.
Nhờ sự hiệp nhất trong tình bác ái, tất cả chị em trong cộng đoàn luôn sống vui tươi và bình an. Chị em giúp đỡ nhau bằng lời cầu nguyện, bằng gương sáng và sự hợp tác, ngõ hầu mỗi chị em đều có thể cùng nhau góp phần vào việc mưu ích cho Giáo Hội và các linh hồn.

Hiện nay Đan Viện Cát Minh Bình Triệu có 54 nữ tu, trong đó có 9 nữ tu đang ở tại Cộng đoàn Cát Minh tại Giáo Xứ Bình Minh, Giáo Phận Xuân Lộc.

 

  1. 3.     Tiêu chuẩn để tuyển sinh ơn gọi

–  Tuổi : từ 20 đến 25

–  Trình độ văn hoá: tối thiểu : tốt nghiệp 12 ;  biết một trong 2 sinh ngữ : Anh hoặc Pháp.

–   Ứng sinh phải có khả năng về trí tuệ để hiểu được những sự thuộc về tinh thần, có óc phán đoán ngay thẳng để có thể đảm nhận những trách nhiệm và phận vụ trong cộng đoàn, có sức khoẻ tốt về thể xác và tâm linh, đủ quân bình để có thể sống lối sống thánh hiến trong nội cấm nhặt riêng biệt của đan viện.

  1. Các giai đoạn đào tạo.
  • Dự tu: 2 năm, tùy trường hợp của mỗi ơn gọi, Bề trên và Hội đồng Đan Viện có thể rút ngắn thời gian dự tu, nhưng với nền giáo dục ngày càng xuống cấp của xã hội chúng ta ngày nay, các em trẻ cần có thời gian để được đào tạo kỹ lưỡng hơn về mọi mặt.
  • Thỉnh sinh: 1 năm rưỡi.
  • Nhà Tập : 2 năm (1 năm nhặt phép theo Giáo luật)
  • Khấn Tạm : 6 năm, Khấn lại mỗi năm. Nếu phải kéo dài năm cuối thì chỉ nên kéo dài từ 3 đến 6 tháng.

 

  1. Địa chỉ liên hệ của Đan Viện Bình Triệu

ĐAN VIỆN CÁT MINH BÌNH TRIỆU            

 Số 21 Đường Số 15 – KP. 1 – P. Hiệp Bình Chánh

  1. Thủ Đức – Tp. HCM – Tel. (028) 3726 98 81

Email : catminhbt@yahoo.com