LỊCH SỬ DÒNG CÁT MINH

LỊCH SỬ DÒNG CÁT MINH

Đôi nét về Dòng Cát Minh

      Có thể nói rằng, mốc điểm thành lập Dòng Cát Minh trong dòng lịch sử không được xác định cách rõ ràng. Tuy nhiên, có thể xác định những giai đoạn của sự hình thành và phát triển Hội dòng này như sau:

  1. Núi Cát Minh

     Cát Minh là tên một ngọn núi nằm ven biển, ở miền Bắc nước Do Thái, thuộc thành phố Haifa, thành phố lớn thứ ba của Israel, chạy dọc theo sườn dốc phía bắc, trải dài từ Địa Trung Hải về phía đông nam. Núi Carmel theo tiếng Do Thái (Hebrew) là הַר הַכַּרְמֶל (Har HaKarmel), tiếng Việt phiên âm là Cát Minh, nghĩa đen là vườn nho của Chúa. Tiếng Hy Lạp là Κάρμηλος, (Kármēlos) và tiếng Ả Rập là الكرمل‎ (Kurmul).

                                                                                     Núi Cát Minh

    Theo truyền thống Kinh Thánh, núi cao được coi là chốn linh thiêng, nơi ngự trị và hiển linh của Thiên Chúa. Theo sách các Vua, có một bàn thờ kính Yahweh (GiaVê) ở trên núi này, nhưng đã bị đổ nát thời vua Akab, được tiên tri Êlia dựng lại và ngài đã sống trong một hang động trên ngọn núi này.

                                                                   Bàn thờ trong Hang động Êlia trên núi Cát Minh

                                            Tượng Tiên tri Êlia trong hầm mộ của tu viện trên núi Carmel.

                                     (Theo truyền thuyết, hầm mộ này xưa kia là hang động nơi Êlia cư trú)

  1. Thời nguyên thủy

     Truyền thống dòng Cát Minh bắt nguồn từ một cộng đoàn các ẩn sĩ trên núi Cát Minh, kế thừa các trường phái ngôn sứ ở vương quốc Israel cổ, họ chọn sống theo gương mẫu đạo đức, thánh thiện và yêu mến đời sống cô tịch của tiên tri Êlia. Các ẩn sĩ sống thanh tịnh trên núi Cát Minh, trong những hang động nhỏ, gần một dòng suối chảy ngang qua gọi là Suối Êlia. Vào khoảng năm 1206 đến 1214, Thánh Albertô, Thượng Phụ thành Giêrusalem đã tập trung các vị ẩn sĩ sống rải rác lại thành cộng đoàn. Ngài đã soạn thảo cho họ một Qui luật sống, theo lý tưởng chiêm niệm và theo tinh thần của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem. Sau khi người Hồi giáo Saraxens chiếm đóng Thánh địa Palestine, cộng đoàn các ẩn sĩ tại núi Cát Minh đã di chuyển đến Châu Âu và tại đây, họ sống đời tu theo hình thức khất sĩ giống như các tu sĩ dòng Phanxicô và Đa Minh.

      Năm 1247 bản Luật Dòng nguyên thủy của Thánh Albertô được Đức Innôcentê IV phê chuẩn và bổ sung cho phù hợp với điều kiện sống ở Tây Phương. Huynh đoàn Cát Minh dấn thân vào đời sống hoạt động và phục vụ theo lý tưởng chung của các tổ chức Dòng tu thời bấy giờ, dầu vậy, họ vẫn giữ những đặc điểm đoàn sủng nguyên thủy chính yếu. Vào thời Trung Cổ, Dòng Cát Minh nổi tiếng khắp Châu Âu và đã sản sinh nhiều vị thánh, nhiều thần học gia, nghệ sĩ, thi sĩ, thậm chí những chính trị gia. Đầu thế kỷ XV các Đan viện nữ cũng được thành lập và được chân phước Gioan Soreth chuẩn nhận vào năm 1415.

  1. Công cuộc cải cách

     Cho đến đầu thế kỷ XVI, Thánh Têrêxa Avila và thánh Gioan Thánh giá thực hiện cuộc Phục hưng để cải tổ Dòng Cát Minh, các ngài mong muốn Tu sĩ Cát Minh quay về với truyền thống ban đầu, sống theo bản quy luật nguyên thủy của thánh Albertô.

                                                 Đức Mẹ Núi Cát Minh (Tranh của Pietro Novelli)

     Thánh Têrêxa và thánh Gioan Thánh Giá đã thành lập nhiều Đan viện theo tinh thần cải tổ cho các những ai muốn sống ơn gọi như các vị ẩn sĩ tiên khởi ở núi Cát Minh và trung thành với bộ luật nguyên thủy của Thánh Albertô thành Giêrusalem. Do đó, từ thế kỷ 16 đến nay, những tu sĩ Cát Minh nam, nữ sống trong một theo hai hệ dòng: Cát Minh Gốc (OCARM) và Cát Minh Têrêxa (OCD- còn gọi là Cát Minh Về Nguồn).

One thought on “LỊCH SỬ DÒNG CÁT MINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *