SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐAN VIỆN CÁT MINH SÀI GÒN
Cát Minh Sài Gòn đã được thành lập và cũng như bất cứ một tổ chức, một cá nhân sống nào, Đan viện đã từng bước phát triển trên cả hai bình diện: vật chất và tinh thần; Cả hai chiều kích thiêng liêng và vật chất của Nhà dòng được quan tâm và phát triển song hành trong suốt dòng lịch sử 150 năm qua.
- Những công trình xây dựng ban đầu
Khi mới đặt chân đến Sài Gòn, ngôi nhà tranh vách đất được Đức cha Dominique chuẩn bị chỉ là giải pháp tạm thời cho các Nữ tu Cát Minh trong giai đoạn đầu. Để cho sự phát triển lâu dài, vấn đề cơ sở vật chất như nơi chốn cầu nguyện, chổ ăn, ở và sinh hoạt là vấn đề mà các Đấng sáng lập phải đặc biệt quan tâm. Ý thức sự cần thiết về những vấn đề cơ bản này, Đức cha Dominique và Mẹ Philomène đã thỉnh cầu vị đại diện chính quyền thuộc địa, Chuẩn Đô đốc Léonard Charner,[1] xin được cấp đất làm cơ sở cho Dòng Kín, phần đất mà Đức cha đã đưa Mẹ đi xem ít hôm sau khi đặt chân đến Sài Gòn và chính quan Charner đã cấp phần đất này cho Dòng Kín Cát Minh Sài Gòn.
Phó Đô Đốc Léonard Victor Joseph Charner
Khi đã nhận được khu đất mà hiện nay là cơ sở của Đan viện, bước đầu, Mẹ Philomène chỉ dám mơ ước dựng lên vài cái nhà bằng lá để làm nơi cư trú cho cộng đoàn nhỏ bé của Mẹ mà thôi. Dù vậy, chỉ với ước mơ nhỏ bé, nhưng tiền bạc là một vấn đề lớn. Mặc dù, cho đến lúc này, cha Yves Marie Croc, người thay cha Jean Marie Poret[2] làm tuyên úy cho dòng Kín, dù hết sức quan tâm, nhưng vẫn chưa thể tiến hành công việc xây dựng cơ sở cho Đan viện Cát Minh Sài Gòn.
Bằng tất cả sự tận tụy, cha Yves Croc đã thỉnh ý Đô đốc Louis Bonnard [3] xin giúp đỡ cho việc xây dựng Đan viện Cát Minh Sài Gòn. Quan toàn quyền Bonnard đồng ý sẽ giúp xây dựng nhà cho các Nữ tu Cát Minh, tuy nhiên, đó chỉ mới là lời hứa. Bởi vì vào thời điểm này, triều đình Pháp ra lệnh, yêu cầu các bộ ngành phải giảm thiểu những chi phí nhà nước đối với các vùng thuộc địa, nên cuối cùng dự án đã không thể thực hiện được.
Người ta chỉ còn biết tin tưởng cậy trông. Trước sự khó khăn túng quẩn, các nữ tu Cát Minh chỉ còn biết chạy đến với Thánh Giuse để van xin Ngài trợ giúp và Chúa đã thương nhận lời nhờ sự chuyển cầu của Đấng Thánh Quan Thầy khả ái. Lời cầu khẩn chân thành của con cái đã được nhận lời cách nhiệm lạ, Thánh Giuse đã đưa dẫn đến cho con cái mình một vị ân nhân vượt quá sự mong đợi của mọi người. Câu chuyện đã xảy ra như sau:
Khi ấy, cha Jean Claude Roy,[4] một thừa sai thuộc Địa phận Đông Đàng Trong, đang trú ngụ tại Singapore được Đức cha Dominique Lefèbvre gởi đến Sài Gòn giúp đỡ cho công việc truyền giáo vì tại đây, số các thừa sai quá ít. Vâng lời Đức cha, nhưng dường như, cha Roy cảm thấy không vui vì e rằng, tại Sài Gòn, ngài phải giúp công việc tuyên úy cho Dòng Kín, bởi vì cách ba tháng trước đây, cha Roy đã gặp bốn Nữ tu Cát Minh khi tàu quá cảnh ở Singapore chờ nhổ neo đi Sài Gòn. Hơn nữa, cha Roy cũng đã gặp lại hai Nữ tu: Emmanuel và Marie Baptiste quay trở về Pháp, ngài được nghe nói rằng: “Sài Gòn không thể sống được”.
Người ta thường nói: “Sợ của nào, Trời trao của ấy!” Đúng như cha Jean Claude Roy lo lắng, ngay hôm đến Sài Gòn, Đức cha Dominique đã giao cho ngài nhiệm vụ giúp Dòng Kín. Sáng sớm hôm sau, cha đến dâng thánh lễ đầu tiên cho các nữ tu Cát minh. Sau Thánh lễ, Mẹ Philomène xin gặp chào thăm cha tuyên úy mới tại nhà khách. Mẹ kể lại: chính Mẹ cũng hồi hộp về cuộc gặp mặt đầu tiên này vì Mẹ cũng nghe nói rằng: cha Roy cũng không ủng hộ việc Dòng Kín được thiết lập tại vùng đất truyền giáo Sài Gòn này.
Trong cuộc gặp thăm, lúc đầu, bầu khí có vẻ nặng nề, thậm chí là lạnh nhạt. Trong cuộc trao đổi, cha Roy đặt vấn đề với Mẹ Philomène rằng: tại sao Mẹ và các chị em không ở lại nước Pháp cho tốt hơn mà lại đi đến xứ sở rừng thiêng nước độc, xa xôi hẻo lánh này. Mẹ Đáng kính trả lời rằng: “Thưa cha, các Đấng bề trên đã sai con đến đây để lập dòng thì con sẽ làm hết sức có thể cho công việc này. Khi không còn cách nào để trông cậy được nữa, lúc đó con mới chịu lùi bước”. Cha liền nói: “Nhưng ở đây, Mẹ tưởng có thể giữ được các lời khấn giống như bên xứ sở chúng ta hay sao?” Mẹ Philomène đáp: “Thưa cha, con không thấy điều gì cản trở; vì ở đâu chúng con cũng sống đức vâng lời được, ở đâu chúng con cũng giữ đức khiết tịnh; Riêng về đức khó nghèo, thiết tưởng rằng, không nơi nào dưới trần gian này có thể giúp chúng con giữ trọn nhân đức này cách tốt hơn như ở đây, bởi vì, nơi đây, chúng con phải thiếu thốn mọi bề, cả về tinh thần lẫn vật chất”.[5]
Khi nghe Mẹ Philomène đối đáp như vậy, cha Roy đột ngột thay đổi Không còn giữ thái độ miễn cưỡng và sắc mặt lạnh như tiền lúc ban đầu, ngài nói: “Vâng, Mẹ ở lại đây thì phải lắm! Như vậy, phải làm hết sức có thể, đừng bỏ lỡ thời gian và công việc. Tôi sẽ hết lòng cộng tác và giúp đỡ cho Mẹ. Nhưng hiện tại, Mẹ có được bao nhiêu tiền để có thể xây dựng Nhà nầy?” Mẹ Philomène trả lời: “Thưa cha, con có được một ngàn tám trăm quan”. Cha Roy nói: “Tốt lắm, vậy hãy trao hết số tiền này cho tôi. Để thử xem, chúng ta có thể làm được việc gì”.[6] Mẹ Philomène đã trao hết “kho tàng” mà Mẹ có được cho cha Roy. Mẹ tin rằng, mọi thiếu thốn trong nhà cứ tin tưởng phó thác cho Chúa, Ngài sẽ lo liệu và ngay ngày hôm sau, cha Roy bắt tay vào công việc xây dựng Đan viện.
Vào thời điểm ấy, người ta đang phá vách thành Bát Quái, cũng gọi là thành Quy.[7] Cha Roy xin phép lấy gạch củ rồi tìm mua cây gỗ và ngói để dựng nhà, ngài hết lòng với công việc này. Hằng ngày, cha hiện diện để kiểm tra công thợ làm việc và chính cha cũng cầm bay, búa, đục đẻo để cùng làm việc và hướng dẫn cho thợ hồ xây gạch. Với quyết tâm cộng tác giúp xây dựng Nhà Kín Sài Gòn, cha Roy đã viết thư cho các Bề trên Dòng Kín Lisieux rằng: “Suy cho cùng, nếu cản trở công việc này, sẽ là chống lại thánh ý Thiên Chúa. Hơn nữa, không ai có thể ngăn cản được công trình này, bởi vì Mẹ Philomène đã quyết tâm như thế. Tôi thấy Mẹ thật kiên cường, chính điều đó thuyết phục và làm cho tôi rất cảm động. Quả thật, Mẹ được ơn Chúa kêu gọi để làm một công việc mà trước đây tôi nghĩ rằng đó không phải do ý Chúa định. Công việc này khi mới khởi sự, xem ra trái với luật khôn ngoan thông thường, chính vì thế, ai cộng tác và giúp cho công trình này, sẽ bị thiên hạ chê cười vì cho rằng: đó là việc luống công và điên rồ. Quả thật, chỉ một mình Thiên Chúa, chính Ngài mới hiểu rõ công việc của chúng ta mà thôi”.[8]
Thật vậy, không thể kể cho hết những việc cha Roy đã làm, công sức, sự tận tâm lo lắng cho công việc xây dựng Đan viện Cát Minh Sài Gòn. Dù rất tiết kiệm, nhưng chẳng bao lâu, một ngàn tám trăm quan pháp nhận từ Mẹ Philomène đã hết sạch. Cha Roy đã sẵn sàng cho mượn cả tiền lương của ngài để cho công việc xây dựng được tiếp tục.
Về phần mình, Mẹ Philomène đã thức thâu đêm để viết thư cho các Nhà Kín bên Pháp, Mẹ trình bày sự thiếu hụt của Đan viện Sài Gòn và xin sự trợ giúp. Với tinh thần tương thân tương ái, các Đan viện Cát Minh Pháp đã hết lòng giúp đỡ. Nhờ số tiền trợ giúp ấy, Mẹ Philomène gởi lại số tiền lương mà cha Roy đã bỏ ra cho công việc, nhưng ngài chỉ giữ lấy một ít cho nhu cầu chi phí cá nhân.
Khi ấy, gần đến mùa mưa, việc dời Nhà Cát Minh từ chổ ở tạm ban đầu đến cư sở đang được xây dựng là công việc cấp thiết, bởi vì, tại ngôi nhà củ do Đức cha Dominique chuẩn bị sẵn cho các Nữ tu Cát Minh là một nơi rất ẩm thấp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các nữ tu, nhất là vào mùa mưa. Tuy nhiên, phải đợi thêm một ít thời gian để ổn định chổ ở mới cho cả cộng đoàn.
Ngày 25 tháng 6 năm 1862, việc dọn nhà hoàn tất. Cuộc hành trình phải băng qua một con sông, chiếc xuồng chất đầy các vật dụng suýt nữa bị chìm và chỉ có phép lạ mới đến bờ bên kia bình an.
Mẹ Benjamin, Bề Trên Dòng Thánh Phaolô tỏ ra rất quý mến các nữ tu Dòng Cát Minh, Mẹ đưa xe đến đón các nữ tu Cát Minh. Mẹ Philomère và Mẹ Xavier ngồi trong xe, năm chị đệ tử đi bộ theo. Dọc đường, Mẹ Benjamin mời mọi người viếng thăm nhà nuôi trẻ mồ cô của các nữ tu Dòng Thánh Phaolô. Tại đây, Mẹ Benjamin dọn bữa trưa thiết đãi Mẹ Philomène và các nữ tu Cát Minh. Sau đó, cha Jean Claude Roy đưa mọi người đã đến nhà mới. Buổi tối đầu tiên khi đến ở tại nơi ở mới, các nữ tu Cát minh phải chịu nhịn đói, vì chưa thể chuẩn bị nhà bếp để nấu nướng cho bữa ăn đầu tiên. Dù vậy, niềm vui và hạnh phúc được ở trong ngôi nhà mới, được nhập vào khu nội cấm thật sự, các chị không còn cảm thấy cần sự gì khác, nên thiếu một bữa ăn không làm bận tâm mọi người. Đó là sự khởi đầu cho cuộc sống tại cư sở mới, nơi Dòng Kín Saigon hiện diện và phát triển suốt dòng thời gian một trăm bốn mươi chín năm qua.
Vào thời điểm này, diện tích của phần đất thuộc Dòng Kín được xây tường bao quanh là năm chục mét vuông, phần còn lại thì vẫn bị bỏ trống, nhưng được vây quanh bởi hàng rào tre và có một căn nhà nhỏ cho người giúp trông coi đất.
Ngay khi đến định cư tại nơi ở mới, các nữ tu Cát Minh nhanh chóng lo sắp đặt và chuẩn bị cho Thánh lễ trọng thể đón nhận cư sở chính thức. Nhà nguyện bên ngoài và ngay cả trong Chôrô vẫn chưa được lót gạch, các nữ tu Cát minh phải tìm một tấm thảm trải trên nền đất để đón Đức cha và các cha đồng tế thánh lễ.
Vào ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, đức cha Dominique chủ sự Thánh lễ cùng với cha Wibaux và cha Puginier.[9] Hôm ấy Đức cha Gauthier từ địa phận Nam Đàng Ngoài[10] vì cơn bách hại đã tạm lánh vào Sài Gòn cũng đến tham dự cùng với các cha thừa sai ở vùng lân cận Sài Gòn; Mẹ Benjamin và các nữ tu dòng thánh Phaolô cũng đến tham dự Thánh lễ. Một vị quan lớn là ông Génie, nhiều sĩ quan quân đội Pháp và Tây ban Nha cũng đến tham dự Thánh lễ. Trong bài giảng Thánh lễ, Đức cha Dominique nhấn mạnh rằng: “Việc thiết lập Dòng Kín tại xứ truyền giáo là một việc có thể làm được, rất cần thiết và phù hợp”. Vào buổi chiều, người ta chầu Phép lành Mình Thánh Chúa cách trọng thể. Ngày hôm ấy, Mẹ Philomène và các Nữ tu Cát minh hết sức vui mừng, một cuộc sống mới đang từng bước được ổn định.
Tuy nhiên, cho dù đã có được nơi ở ổn định, những vẫn còn đó những thiếu thốn và rất nhiều khó khăn. Khi ấy, đang là giữa mùa mưa, nhà cửa vẫn còn rất thô sơ, khắp nơi đầy dẫy những đất cát, sình lầy. Nhiều lần đi qua nhà cơm, gặp mưa gió và sình lầy, có người bị trượt té làm cho tu phục dính đầy bùn bẩn và ướt đẩm trông thật đáng thương. Mẹ Philomène nổi tiếng là người rất can đảm và luôn nổ lực vướt qua khó khăn, nhưng Mẹ vẫn nói rằng: “Thú thật, nhiều lúc tôi không còn đủ sức để chịu đựng. Nhưng tôi đoan chắc với các chị em sẽ ở sau này là: các chị ấy sẽ không khi nào sẽ phải khốn cực như chúng tôi đã chịu trong năm đầu tiên tại nhà nầy. Quả thật, những gì tôi kể ra đây, vẫn không bằng một phần mười các sự cực khổ chúng tôi đã chịu về chổ ở cũng như của ăn, đồ mặc. Tuy nhiên, phải nói ngay rằng: những sự khốn khó ấy trở nên dễ chịu, nhờ vào sự bình an trong tâm hồn, bởi vì Chúa Giêsu ban ơn an ủi trong tâm hồn, cho nên nhiều lần, chúng tôi tiếc nuối thời thời kỳ khó khăn của thuở ban đầu ấy!”.[11] Quả thế, như nhà thơ Thế Lữ đã viết: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”.
Cho dù phải trải qua nhiều khó khăn thử thách, nhưng điều đem lại an ủi lớn lao cho Mẹ Philomène là những người trẻ cứ tiếp tục đến xin gia nhập đời tu tại Đan viện nghèo hèn, nhỏ bé này. Con số thành viên trong cộng đoàn mỗi ngày một gia tăng và như thế, cơ sở vật chất và ngôi nhà thiêng liêng đồng thời được xây dựng và phát triển.
Thời gian trôi qua, nhờ sự giúp đỡ của các Đan viện tại nước Pháp và được sự chia sẽ cách quảng đại của Mẹ Benjamin, công việc tu bổ Nhà Cát minh Sài Gòn tiến triển từng bước như việc lót ván sàn trong các phòng, lót gạch các dãy hành lang, đường đi để tránh sình lầy, trơn trợt trong mùa mưa.
Đến cuối năm 1862, việc xây dựng Đan viện Sài Gòn bước đầu đã tương đối ổn định. Mẹ Philomène rất vui vì nhận thấy rằng, những cản trở đối với công việc thiết lập Dòng Cát minh ở Saigon đã không phát huy được tác dụng. Những thành quả ban đầu chứng tỏ cho thấy Thiên Chúa là Đấng trung tín và yêu thương: sự quan phòng, quyền năng và tình thương của Ngài đã thể hiện tuyệt hảo cho những ai tin tưởng, cậy trông và yêu mến Ngài.
Tuần đầu tiên đến sống tại nhà mới, việc không có thánh lễ mỗi ngày là một bất hạnh lớn cho các nữ tu Cát minh, lý do là vì cha Jean Claude Roy chưa sắp xếp đến dâng Thánh lễ được. Nhưng thật may mắn, vào thời điểm này cha Jean Denis Gauthier, sau này trở thành Giám mục Giáo phận Nam Đàng Ngoài (Vinh), Ngài đang lánh nạn tại Saigon do cuộc bách hại đạo Công giáo vẫn còn tiếp diễn ở Đàng Ngoài. Cha Gauthier đã đến dâng Thánh lễ cho Dòng Kín. Lúc này, Nhà nguyện dòng Cát minh còn rất thô sơ, nền nhà vẫn chưa được lát gạch, cha Gauthier phải quỳ trên nền đất, các đồ vật cần thiết dùng cho việc dâng Thánh lễ còn rất thiếu thốn, nên Cha phải đem theo những vật dụng từ nhà của Ngài.
Cuối năm 1862, cha Théodore Louis Wibaux Wibaux[12] dọn đồ đến ở tại Đại chủng viện, nơi đối diện với Đan viện Cát Minh Saigon, Mẹ Philomène viết rằng: “Từ đó, cha trở nên bạn hữu nghĩa thiết của chúng tôi. Cha tận tình giúp đỡ, không chút bận tâm đến lợi ích cá nhân của Ngài. Chúng tôi mang ơn Ngài và các Cha nhà trường La tinh rất nhiều, bởi vì nhờ các Ngài mà từ nay, chúng tôi không bao giờ bị mất Thánh lễ Misa.”[13]
Như chúng tôi đã nói, đang khi ngôi nhà vật chất được xây dựng thì đồng thời, ngôi nhà thiêng liêng của Đan Viện Cát Minh Saigon cũng không ngừng được củng cố. Cho đến thời điểm này, Tập viện của Dòng kín Saigon đang phát triển rất tốt đẹp, các tập sinh người Việt tỏ ra bền đỗ. Đã có những Thánh lễ trọng thể nhận tu phục của nhiều Tập sinh và được nhiều giáo dân tham dự rất sốt sắng. Do đó, ngày càng có thêm những người mới, đến xin gia nhập Đan Viện. Cứ như thế, xen lẫn giữa những khó khăn của buổi ban đầu, nhiều điều dấu hiệu tốt lành đã mang lại nhiều an ủi cho Mẹ Philomène, Mẹ Saint Xavier và các nữ tu người Việt Nam.
Về vấn đề nhân sự, như chúng ta đã đề cập ở những phần trên, khởi đầu có bốn nữ tu đã đến Saigon nhưng sau đó chỉ còn Mẹ Philomène và Mẹ Saint Xavier bám trụ lại, hai nữ tu Emmanuel và Marie Baptiste đã trở về nước sau ba tháng, do đó, nhu cầu cần có thêm các nữ tu từ Pháp đến hổ trợ cho công việc phát triển Đan viện Cát Minh Saigon là nhu cầu cấp bách. Mẹ Philomène viết: “Chúng tôi chỉ có hai chị em từ khởi đầu cho đến bây giờ, công việc thì nhiều, vừa lo xây dựng nhà cửa, vừa lo việc huấn luyện và còn những bổn phận trong đời sống thiêng liêng, vì thế sức khỏe của chúng tôi mỗi ngày một giảm sút, thú thật, có hôm chúng tôi rất mệt mỏi và nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn chúng tôi”.[14]
Một thời gian sau, chúng tôi nhận được tin báo, sẽ có ba nữ tu từ Pháp sắp đến Saigon trong số đó có nữ tu Emmanuel đã đến Saigon cùng với Mẹ Philomène vào năm 1861, nhưng vì bệnh tật nên phải quay trở về. Với thao thức truyền giáo, nữ tu Emmanuel lại xin Bề Trên Dòng Kín Lisieux để chị được phép trở lại Saigon, ban đầu, Mẹ Bề Trên tỏ ra do dự, nhưng khi thấy nữ tu Emmanuel cứ nài nỉ nên Mẹ đã đồng ý theo ước nguyện của chị.
Nhận được tin báo, Mẹ Philomène và Mẹ Xavier biết sẽ có người đến trợ giúp cho công việc phát triển Đan Viện Saigon, quý Mẹ rất vui mừng và lo chuẩn bị để việc đón tiếp. Hôm ấy, Mẹ Benjamin, bề trên Dòng Thánh Phaolô vẫn luôn hết lòng giúp đỡ, chính Mẹ Benjamin đã đến tận bến tàu để đón ba nữ tu Cát Minh mới đến từ Pháp Quốc. Nhưng Mẹ rất đau lòng trở về báo tin cho Mẹ Philomène và Nhà dòng Cát Minh rằng: khi tới Suez, một trong ba nữ tu Cát Minh ngã bệnh rất nặng, nên cả ba phải trở lên bờ, bởi vì chủ tàu đã không đồng ý cho bệnh nhân mang bệnh truyền nhiễm tiếp tục cuộc hành trình, họ sợ bệnh lây truyền sang những người trên tầu, bệnh nhân ấy chính là nữ tu Emmanuel. Như vậy, Mẹ Phlomène và Mẹ Saint Xavier lại tiếp tục gánh vác tất cả công việc, Mẹ chỉ còn biết tin tưởng, phó thác tất cả cho Thiên Chúa với lòng cậy trông: “In te, Domine, speravi; non confundar in aeternum” (Lạy Chúa, con trông cậy Chúa, mãi mãi con không bao giờ hổ ngươi). Quả thật, với niềm cậy trông ấy, Mẹ đã được đền bù xứng đáng! Chí một thời gian sau đó, một số các nữ tu Pháp được gởi đến Saigon để cộng tác với Mẹ Philomène và Mẹ Saint Xavier.
Theo dòng thời gian, Đan Viện Cát Minh đã hiện diện trên vùng đất Saigon được ba năm (1861-1864) và đang đi vào ổn định. Thế nhưng, một biến cố thật đau buồn xảy đến khi phải xa cách người cha thân yêu, Đấng là tổ phụ của Đan viện Cát Minh Saigon. Sau 24 năm Giám Mục, Đức Cha Dominique Lefèbvre đã phải trải qua rất nhiều những khó khăn thử thách, chịu bách hại, tù đày và những sự đau lòng khác… sức khỏe mỗi lúc một suy yếu, nên đã hai lần Đức cha Dominique xin Tòa Thánh cho Ngài được từ chức… và cuối năm 1864, Tòa Thánh đã chấp nhận đơn từ chức của ngài.
Đức Cha Dominique Lefèbvre đã coi sóc Giáo phận Tây Đàng Trong từ năm 1844 đến năm 1864. Hai mươi năm qua với rất nhiều những biến động chính trị, xã hội, ngài đã đóng góp công sức rất lớn cho việc xây dựng và phát triển Giáo phận, đặc biệt cho việc thành lập Dòng Cát Minh Saigon. Sự ra đi của ngài là một mất mát lớn cho Giáo phận, cách riêng với Đan viện Cát Minh và Mẹ Philomène.
Một cuộc chia ly trong ngậm ngùi và nước mắt! Đức Cha Dominique rời Saigon vào cuối năm 1864, ngài xuống tàu đi Rôma để triều yết Đức Giáo Hoàng và báo cáo cho Tòa Thánh tình hình của Giáo Hội Việt Nam cũng như về Giáo Phận Tây Đàng Trong mà ngài đã được trao phó. Sau đó, Đức Cha trở về Pháp, đến trụ sở truyền giáo tại Marseille và tại đây ngày 30 tháng 4 năm 1865, Đức Cha Dominique Lefèbvre đã được Chúa gọi về trong bình an.
Sự từ nhiệm và cái chết của Đức Cha Lefèbvre làm cho Mẹ Philomène hết sức đau buồn, tuy nhiên, Thiên Chúa hằng ban ơn an ủi đối với con cái của Ngài. Năm 1866, công trình mà Mẹ Philomène đã ra sức gầy dựng, nay đã đến lúc sinh hoa trái đầu mùa, Mẹ hân hoan đón nhận lời khấn của vị Nữ tu Cát Minh Việt Nam đầu tiên, người đã xin gia nhập Dòng ngay từ những ngày đầu khi Mẹ mới đến Saigon. Với tất cả niềm vui, Mẹ Philomène viết: “Đây quả là ngày hân hoan, vui mừng cho tất cả chúng tôi, bởi vì, những công khó bấy lâu, nay đã kết trái đươm bông cách mỹ mãn”.[15] Đồng thời, nhiều ơn gọi trẻ khác tiếp tục đến xin gia nhập một cộng đoàn vây quanh Mẹ Philomène tràn ngập niềm vui và lòng thương mến. Về phần mình, Mẹ Philomène sống hết tình với con cái, mẹ hằng làm gương trong việc tuân giữ luật lệ, tận tụy với mọi bổn phận. Chính Mẹ Philomène trực tiếp lo việc coi sóc Nhà tập, dù bận rộn, Mẹ không hề bỏ sót bất cứ giờ cầu nguyện hay sinh hoạt đạo đức chung nào tại Ca triều ngay cả những công việc vui chơi, giải trí chung trong cộng đoàn. Mẹ Philomène luôn là mẫu gương sống tinh thần hy sinh một cách nhiệm nhặt và một lòng yêu mến nồng nàn. Từ khi đặt chân lên đất Nam kỳ, thời tiết, khí hậu là một trong những thử thách rất lớn đối với người Tây phương như Mẹ. Nhưng Mẹ đã vuợt thắng tất cả và không những thế, mẹ còn nhanh chóng thích nghi với những phong tục tập quán của xứ sở, nơi Mẹ chọn làm quê hương thứ hai. Một trong những thích nghi mà Mẹ đã thực hiện như việc nằm đất và đi chân không: người dân địa phương ở miền Nam lúc bấy giờ thường hay nằm đất và đi chân không, v.v. Mẹ Philomène đã bỏ giày dép, đi chân đất, Mẹ cũng bỏ nệm rơm và thay vì trải chiếu trên ván để ngủ, Mẹ nằm trên mặt đất và chỉ dùng cuốn sách để gối đầu.
Mặc dù công việc xây dựng nhà cửa đã tạm ổn định, nhưng lúc này, Đan viện Cát Minh còn thiếu một khoản nợ khá lớn. Mẹ Philomène dạy con cái mình chạy đến kêu xin Thánh Cả Giuse để xin Người trợ giúp. Là Đấng Bảo trợ, là Quan thầy của giới cần lao, như một sự soi dẫn cho công việc hoạt động, các nữ tu bắt đầu công việc làm ảnh tượng, tràng hạt v.v. rồi gởi đến các họ đạo để bán và xin giúp đỡ cho Nhà dòng. Vậy mà đến cuối năm, số tiền thu được lên tới mười ngàn quan, một số tiền không nhỏ so với thời bấy giờ.
Hơn nữa, Chúa quan phòng còn gởi đến cho Nhà Dòng một linh mục nhiệt tâm khác là cha Le Mée, tên Việt là Lễ, [16] được Đức Cha đặt làm tuyên úy Dòng Kín Sài Gòn. Cha Le Mée đã hết lòng quan tâm, lo lắng cho công việc, ngài tìm mọi cách để trả món nợ mà Đan Viện còn phải gánh chịu. Cha đã phát động việc quyên góp và chính cha Lễ đã đi đến từng nhà các tin hữu để xin bố thí, đôi khi ngài còn bị người ta mắng nhiếc, xỉ vả. Nhờ sự phù trợ của Thánh Giuse, cùng với sự cộng tác của cha Lễ, chỉ trong hai năm, số nợ của Đan viện Cát minh kể trên đã được hoàn trả.
- Tái thiết và đặt nền móng vững chắc cho Đan Viện
Tuy nhiên, khi những khó khăn trước đó vừa được giải quyết thì những khó khăn khác lại tiếp diễn, nhưng qua đó, người ta nhận thấy nổi bật lên sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa và sự phù trợ đặc biệt của Cả Thánh Giuse, Quan Thầy của Đan viện.
Như chúng tôi đã nói, ngôi nhà nguyện Dòng Cát Minh Saigon được xây dựng từ số gạch củ của tường thành và với cây gỗ cũ, cho nên chỉ một thời gian ngắn, do mối mọt đụt phá, cộng với mưa gió, bảo táp, Nhà nguyện đã bị bị sập và một phần vách rào bên ngoài cũng bị ngã đổ vì nhà nước khi ấy đang cho ủi đất làm đường sát chân bờ tường của Đan viện.
Dân gian Việt Nam thường nói: “Trong cái họa có cái may”. Vào thời điểm này, Đô đốc Grandière[17] đang làm Nguyên Soái Nam Kỳ nghe tin vách tường của Dòng Kín bị sập, chính ông đã đến hiện trường để xem xét và đồng ý bồi thường cho Nhà Dòng để sửa chữa lại tường rào. Sau đó, quan Nguyên Soái thấy cần thiết phải xây dựng lại ngôi Nhà nguyện của Đan viện đã bị đổ, nên ông đã ký chi cho một số tiền khá lớn, đủ để xây dựng ngôi Nhà Nguyện mới. Cũng chính nhờ Đô đốc De la Grandière mà giấy tờ nhà đất của nhà Dòng Kín đã được Nhà nước cấp trao chủ quyền cách đầy đủ. Nguyên soái Grandière cũng cho phép Dòng Cát minh làm Đất thánh trong khu nội vi của Đan viện để làm nơi an nghỉ cho các nữ tu qua đời.
Đất thánh Đan viện Cát Minh xưa
Đất thánh hiện nay trong Đan viện Cát Minh Sài Gòn
(Ảnh chụp năm 2010)
Gia đình của Nguyên soái rất đạo đức và họ hết lòng quý mến các Nữ tu Cát Minh, chính Đô đốc De la Grandière, vợ, con và những người hầu đã thường xuyên đến tham dự Thánh lễ tại Đan viện Cát Minh. Hơn nữa, bà còn được vinh dự nhận làm mẹ đỡ đầu cho các Tập sinh người Việt Nam trong Đan viện. Chính nhờ lòng hảo tâm của gia đình quan Nguyên Soái cùng với sự lo lắng tận tình của cha Le Mée, công việc xây dựng kiên cố Nhà nguyện và cơ sở của Nhà Dòng với bê tông cốt sắt, được thiết kế theo đúng luật dòng Cát minh đã được tiến hành và cơ sở này vẫn còn bền vững cho đến ngày hôm nay. Mẹ Philomène tỏ ra hết sức vui mừng vì những ơn trọng hậu do bởi sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho Đan viện và cho con cái của Mẹ.
Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên cho công trình mới được cử hành trọng thể do Đức cha Jean-Claude Miche, tên Việt là Mịch[18] chủ sự ngày 8 tháng 10 năm 1867, Đức cha đã đi vào khu nội vi cùng với các cha đồng tế; Quan Nguyên Soái De la Grandière, gia đình của ông, các quan chức trong chính quyền thành phố và các nữ tu Dòng Thánh Phaolô là những người ơn nghĩa từ thuở ban đầu cũng hiện diện đông đủ trong ngày lễ đặc biệt này.
L’Amiral de la Grandière
Tượng Đô đốc Pierre-Paul de La Grandière (1807-1876)
Cuộc rước kiệu khai mạc Thánh lễ được dẫn đầu bởi các nữ tu Cát Minh khoác áo choàng trắng, lúp đen rất trang trọng; Mọi người hân hoan bước theo đoàn rước cho đến nơi được chọn để đặt làm phép viên đá đầu tiên, cuộc rước còn được hòa nhịp bởi đội quân nhạc ở sân ngoài của Đan viện.
Khi đoàn rước đến nơi cử hành Thánh lễ, Mẹ Philomène ngỏ lời cám ơn Đức cha, mọi người tham dự, đặc biệt Mẹ cám ơn quan Nguyên Soái De la Grandière đã làm giấy tờ trao chủ quyền đất cho Đan Viện Cát Minh và đã giúp kinh phí cho công việc xây dựng này. Sau lời cám ơn của Mẹ Bề Trên, Đức Cha cử hành nghi thức làm phép viên đá đầu tiên, ngài ngỏ lời vắn tắt với cộng đoàn và Thánh lễ được cử hành thật sốt sắng.
Sau thánh lễ, Nguyên Soái De la Grandière, gia đình ông và cha Le Mée còn ở lại trong khu nội vi, ông muốn đi xem khắp Đan Viện để tìm hiểu cuộc sống và nơi ăn ở của Nhà Dòng. Mẹ Philomène nói: “Thật không thể diễn tả sao cho xứng hợp, bởi vì quan Nguyên Soái đã tỏ lòng nhân hậu và giúp đỡ cho chúng tôi là ngần nào!”.[19]
Khi bước ra khỏi nội vi, Đô đốc De la Grandière đã trao cho Mẹ Philomène những đồng tiền vàng có giá trị khoảng ba trăm quan Pháp, ông hỏi han cách cẩn thận về giờ giấc làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi của Đan viện. Sau đó, đúng 11 giờ, một người nhà của quan Nguyên Soái đem đến cho Dòng Cát Minh một ổ bánh ngọt rất lớn, trên ổ bánh, quan Nguyên Soái cho viết dòng chữ: “Que Dieu garde ce couvent !” (Xin Chúa gìn giữ Nhà dòng này !). Mẹ Philomène và cả Đan viện hết sức cảm động về lòng quảng đại của Quan Nguyên Soái.
Sau ngày lễ đặt viên đá đầu tiên, công việc xây dựng Đan Viện mới được tiến hành. Mẹ Philomène lúc này lại đóng vai trò của một kiến trúc sư, bởi vì hơn ai hết, Mẹ đã sống nhiều năm tại Đan viện Cát Minh Liesieux, nên Mẹ có thể sắp đặt những nơi chốn cho đúng quy định của một Đan Viện kín Cát Minh, Mẹ ân cần coi sóc hết mọi công việc trong ngoài của Đan Viện.
Bước sang năm 1868, một dãy nhà đã được xây dựng xong và được Cha Le Mée đã làm phép thánh hóa. Những năm tiếp theo, Đan viện lại có những ngày lễ rất trang trọng cho các dịp lễ nhận Tu phục và tuyên khấn của các nữ tu, ngôi nhà thiêng liêng đang được xây dựng vững chắc, chính đây là điều làm cho Mẹ Philomène hạnh phúc hơn hết, đó chính là hoa trái đích thực của « cây sự sống » mà Mẹ đã nổ lực vun trồng.
Công trình xây dựng Nhà Kín Saigon đã kéo dài nhiều năm, được khởi sự từ năm 1867, từ thời đức cha Jean Claude Miche cho đến khi ngài qua đời ngày 1 tháng 12 năm 1873, cho đến thời đức cha Isidore Colombert.[20] Thời gian này, cha Louis Théodore Wibaux vừa là Giám đốc Đại chủng viện Saigon, vừa làm Tổng Đại diện, cha Favreau [21] làm tuyên úy Dòng kín, Đức cha Colombert Mỹ và các cha thừa sai đều tỏ lòng quý mến đặc biệt đối với Đan Viện Cát Minh. Qua Đức cha và các cha, tiền của giúp Nhà kín Cát Minh được tiếp tục rất dồi dào, điều đó chứng tỏ rằng tình thương quan phòng của Thiên Chúa và của các Đấng bề trên. Vào lúc này, Mẹ Philomène ghi nhận: Đức cha, các linh mục người Pháp, người Việt, chính quyền thành phố, người Việt Nam, kẻ giàu, người nghèo khó, nhiều người đã rộng tay góp sức cho công việc xây cất Nhà nguyện và cơ sở của Dòng kín, nhiều người nghèo trong xứ đã nhịn ăn, nhịn mặc để giúp đỡ cho nhà Cát Minh.[22] Chính với tấm lòng quảng đại của nhiều người, nhà nguyện kiên cố của Đan viện Cát Minh Saigon đã được khánh thành ngày mùng 9 tháng 12 năm 1876. Hôm ấy, Thánh lễ trọng thể được cử hành Mẹ Philomène kể lại: “Hai ngàn người chen chúc nhau trong nhà thờ, còn ở phía ngoài đại lộ, hơn 300 chiếc xe đậu chật hết đường đi. Đức cha Isidore Colombert Mỹ chủ sự Thánh lễ, ngài vào trong nội cấm làm phép và xức dầu trên các bức tường của Ca triều.
Bàn thờ và cung thánh ban đầu của Nhà nguyện
Bàn thờ kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Nguyên soái Duperré [23]đang đi kinh lý, nhưng cũng đã tranh thủ trở về để tham dự Thánh lễ trọng thể này, ngài mặc y phục đầy đủ của ngày lễ trọng, ông quỳ dự lễ tại gian cung thánh giữa các linh mục đồng tế. Trong lòng nhà thờ, có các quan hầu Nguyên Soái, quan sáu, quan cai binh thủy và nhiều quan chức chính quyền khác cũng đến tham dự.
Bên kia song màn của Ca triều, Mẹ Philomène và các nữ tu, lòng tràn ngập hân hoan và tâm tình cảm mến, tri ân Thiên Chúa. Mẹ không ngừng dâng lời cảm tạ Chúa vì Ngài đã thương chúc phúc cho công trình mà Mẹ đã dày công gầy dựng ».[24]
Nhìn toàn cảnh từ bên ngoài
Lối vào Đan viện Cát Minh và Nhà Nguyện
Nguyên Soái Duperré, người đã quảng đại giúp đỡ Nhà Dòng Cát Minh nay sắp kết thúc nhiệm vụ ở Nam kỳ. Trước khi lên đường trở về Pháp Quốc, ông đã đến thăm viếng và từ giả Đan Viện Cát Minh Saigon, nhân dịp này, ông đã dâng tặng thêm một số tiền lớn cho Mẹ Philomène.
Tiếp sau Nguyên Soái Victor Duperée, Chuẩn đô đốc Lafont [25] đến Nam kỳ để kế nhiệm, ông cũng tỏ tình thương mến đặc biệt đối với Đan Viện Cát Minh như Nguyên Soái Victor Duperée. Chỉ vài ngày sau khi đến Saigon, Nguyên Soái Lafont đã tháp tùng với Đức cha Isidore Colombert Mỹ đến thăm Nhà Kín và hứa sẽ tiếp tục hổ trợ cho những công trình xây dựng tại đây. Từ đó, ông đặc biệt quan tâm và ưu ái giúp đở cho Đan viện.
Thiên Chúa Quan phòng còn ban cho Đan Viện Cát Minh những vị ân nhân khác đó là ông De Nédonchel và ông Roque. Suốt nhiều năm, hai ông đã quảng đại giúp đỡ Nhà kín. Nhờ đó, mẹ Philomène có thể tiếp tục nhiều công trình khác như: xây vách tường vây quanh cả khu đất mà Đan Viện được cấp sở hữu ; Mẹ cũng cho xây dựng thêm những dãy nhà khác trong khu nội vi của Đan Viện. Cùng với sự củng cố vững chắc cơ sở vật chất, số ơn gọi của Đan Viện cứ tiếp tục gia tăng. Những dịp lễ tuyên khấn tiếp tục diễn ra làm gia tăng hơn nữa bầu khí sốt sắng và niềm an ủi cho những gian khó mà Mẹ Philomène đã trải qua. Cùng với những niềm vui thánh thiện trong đời sống Đan Viện, niềm an ủi gia tăng hơn nữa khi có nhiều người bên ngoài : các tín hữu, các nhà chức trách, ngày càng thêm lòng yêu quý Đan Viện Cát Minh.
Năm 1882, dịp kỷ niệm Ba trăm năm ngày qua đời của Thánh Têrêsa (15/10/1582-15/10/1882),[26] Đức cha Isodore Colombert Mỹ đã sắp xếp chương trình cho ngày lễ và chính ngài đã đến chủ tế Thánh lễ trọng thể hôm ấy. Nhiều linh mục trong Giáo phận như cha Le Mée, cha Thiriet và Dumas, với lòng quý mến Nhà kín cũng đến đồng tế trong Thánh lễ. Vào buổi chiều, có các cha và các thầy Đại Chủng sinh qua Nhà kín hát Kinh chiều trọng thể do cha Thiriet, Giám đốc chủng viện chủ sự.[27] Người ta ghi nhận rằng: từ sau dịp khánh thành Nhà thờ Chánh tòa Saigon cho đến lúc này, chưa thấy một Thánh lễ nào được cử hành long trọng như ngày lễ mừng Ba trăm năm ngày qua đời của Thánh Têrêsa tại Đan Viện Cát Minh Saigon. Nhân dịp mừng kỷ niệm này, Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã ban Ân xá đặc biệt cho Dòng Cát Minh, do đó ngày lễ càng trở nên long trọng hơn. Trước đó, Đan Viện Cát Minh Saigon tổ chức Tuần Cửu nhật, rồi sau tuần Cửu nhật là Tam nhật để mừng lễ. Suốt cả tuần Cửu nhật, những ngày Tam nhật và ngày chính ngày lễ 15 tháng 10 năm 1882, Nhà nguyện của Đan viện chật kín các tin hữu đến tham dự.
Cùng với rất nhiều những ơn trọng đại mà Thiên Chúa đã ban, Mẹ Philomène vẫn phải tiếp tục đón nhận và vác lấy Thập giá Chúa trao gởi. Vào năm 1883, hai nữ tu người Pháp trong Đan viện Cát Minh Saigon mà Mẹ Philòmène đã gắn bó lâu nay đã ra đi chỉ cách nhau chỉ trong vòng hai tháng. Sự mất mát này đã gây ra nỗi buồn phiền và đau đớn to lớn cho Mẹ Philomène. Người thứ nhất là Mẹ phó bề trên Marie de Jésus, đến từ Đan viện Blois, nước Pháp, chỉ sau 5 tháng lâm bệnh, dù được Mẹ Philomène và các chị em tận tình lo chạy chữa, nhưng Mẹ đã qua đời ngày 25 tháng 10 năm 1883 trong sự thương tiếc vô vàn của cả Đan viện. Trong nỗi đau, Mẹ Philomène viết: “Lạy Chúa, chỉ một mình Chúa mới biết con phải chịu đau đớn dường nào và trái tim con phải chịu tan nát ra sao”.[28] Mẹ Phó Bề trên Marie de Jésus là người đã có công rất lớn, cùng với Mẹ Philomène, suốt 19 năm cộng tác cho Đan Viện Cát Minh Saigon được hình thành và phát triển. Nhưng thập giá vẫn chưa hết, chỉ hơn một tháng sau, Mẹ Philomène và các nữ tu Cát Minh lại phải uống thêm một chén đắng khác, nữ tu Marie Thérèse, đến từ Đan viện Pau và Mangalore, Ấn độ và đã sống tại Nhà kín Saigon được tám năm, do căn bệnh ung thư không thể chữa trị được, đã qua đời ngày 4-12-1883. Dầu vậy, mẹ Philomène và các cái của Mẹ cũng được an ủi nhờ vào sự quan tâm, thương mến của nhiều người, nhất là của Bề Trên Giáo phận. Chính đức cha Colombert đã đến chủ sự lễ an táng cho hai nữ tu qua đời và các cha bên Đại Chủng Viện, các linh mục trong Địa phận Saigon và những vùng lân cận cũng đến phân ưu, đồng tế trong các Thánh lễ an táng này; Bên cạnh Đan viện, cò có Mẹ Benjamin và các nữ tu Dòng Thánh Phaolô cũng hết lòng chia sẽ, nâng đỡ rất chân thành ; Nhiều tín hữu quen biết cũng đến chia sẽ nỗi buồn, tham dự Thánh lễ và đưa tiễn hai nữ tu về nơi an nghỉ cuối cùng. Cho đến thời điểm này, tức năm 1883, Đất thánh của Dòng Kín Saigon đã chôn cất ba nữ tu người Việt Nam và hiện tại thêm hai nữ tu người Pháp.
Năm 1889 có thể nói là năm Đại tang của Đan viện Saigon, những thử thách tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi đối với Mẹ Philomène và mọi người trong Đan Viện. Vào năm này, tại Saigon bệnh dịch tả đang hoành hành dữ dội khắp Nam kỳ, cách riêng tại vùng Saigon. Chỉ trong vòng ba mươi sáu tiếng đồng hồ, ba thành viên của Đan viện đã ngã bệnh nặng và qua đời. Hai nữ tu Henry du Mont Carmel và Louis de la Croix cùng qua đời ngày 5-6-1889 ; nữ tu Marcel du Coeur de Jésus, qua đời ngày hôm sau mùng 6-6-1889, đây quả thật là nỗi kinh hoàng, cái tang lớn và gây ra sự đau buồn không kể xiết cho Nhà dòng. Nhưng cũng qua những qua khổ này mà Nhà dòng được chứng nghiệm tình thương mến của nhiều người. Cha Jean Augustin Dumas[29] lúc này đang là tuyên úy Nhà Kín, ngài đã hết lòng lo lắng cho Đan viện trong thời gian tang lễ của ba nữ tu vừa mới qua đời. Mẹ Philomène kể lại: “Cha Dumas, tuyên úy của chúng tôi đã chứng tỏ cách anh dũng lòng bác ái và nhiệt thành của ngài. Dù cha đã rất mệt mỏi, nhưng ngài cũng ở lại đêm ngày để giúp đỡ các bệnh nhân đáng thương và chính Đức cha cũng đến dâng lễ an táng, làm phép xác và đưa xác đến nơi an nghỉ trong Đất thánh của Đan viện”.[30]
III. Mộng ước bay xa
Như chúng tôi đã nói rất nhiều ở những phần trên đây, suốt cả cuộc đời, Mẹ Philomène đã dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, cách đặc biệt cho sứ mệnh được Chúa trao phó qua Bề Trên của Đan viện tại Lisieux, đó là thiết lập Nhà Cát Minh đầu tiên tại vùng đất truyền giáo ngoài Châu âu. Đây là vinh dự lớn lao, nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ nặng nề mà Mẹ phải kiên cường đón nhận. Dù gặp rất nhiều những khó khăn và thử thách khôn lường, nhưng Mẹ vẫn kiên trì, vượt thắng tất cả. Quả thật, Mẹ Philomène là mẫu gương sáng chói về một đời sống hy sinh, tận tụy cho Danh Thánh Chúa được vinh quang. Mẹ luôn sống mẫu mực trong việc tuân giữ lề luật cách nhiệm nhặt, Mẹ là mẫu gương của sự hy sinh, lòng đơn sơ, khiêm tốn và luôn gắn bó đời sống cách mật thiết với Chúa Giêsu, Đức Trinh nữ Maria và một niền cậy trông phó thác đối với Thánh cả Giuse, bổn mạng của Đan viện Cát Minh Saigon Với ơn trợ giúp của Chúa, bằng một đời sống đạo đức thánh thiện, với chí khí cang trường, vượt khó, Mẹ Philomène đã gầp dựng cho Chúa, cho Giáo hội, cho Dòng Cát Minh tại vùng đất truyền giáo Saigon một cơ đồ lớn lao cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần.
Năm 1893 là dịp may để con cái của Mẹ Philomène tại Đan viện Cát Minh Saigon bày tỏ lòng cảm mến tri ân đối với Đấng sáng lập qua dịp mừng Lễ Vàng, kỷ niệm năm mươi ngày Mẹ gia nhập Dòng Kín tại Lisieux (9/12/1843-9/12/1893). Với lòng khiêm tốn, Mẹ không muốn cho tổ chức lễ mừng trọng thể bề ngoài với lý do chờ đến năm 1896 sẽ mừng Lễ Vàng kỷ niệm năm mươi năm khấn Dòng của Mẹ (9/2/1846-9/2/1896). Nhưng ý Chúa dường như không muốn như vậy, ngày lễ Vàng mừng năm mươi năm khấn Dòng của Mẹ phải được cử hành ở trên trời!
Với sự nài xin tha thiết của con cái của Mẹ, cuối cùng, ngày 9 tháng 12 năm 1893 đã trở nên một ngày vui mừng và tạ ơn Thiên Chúa. Nhiều nơi đã bày tỏ lòng quý mến Mẹ, các Đan viện Cát Minh từ bên Pháp cùng hiệp thông với Nhà Kín Cát Minh Saigon để tạ ơn Chúa cùng với Mẹ Philomène. Các vách tường của Nhà dòng được trang trí đầy những băng rôn, cổng chào với hoa, cờ được trang hoàng thật đẹp mắt. Mọi người trong Đan viện đều tỏ lòng trìu mến và thảo hiếu cách đặc biệt đối với Mẹ kính yêu, người đã dày công xây dựng Nhà dòng. Những ngày mừng lễ của Mẹ Philomène diễn ra long trọng, tốt đẹp, tràn đầy niềm vui và ân sủng của Thiên Chúa trên Mẹ và trên cả Đan Viện.
Đến đây chúng ta cũng nên nhắc lại, Mẹ Philomène sinh ngày 17-12-1820, như vậy cho đến thời điểm này, Mẹ đã bước vào tuổi “Thất thập cổ lai hy”, sức khỏe Mẹ đã suy yếu rất nhiều vì biết bao khó khăn thử thách mà Mẹ đã phải trải qua và những trọng trách mà Mẹ đã và đang gánh vác, nhưng Mẹ vẩn tỏ ra lạc quan, tin tưởng và rất kiên cường. Quả thật, Mẹ có một sức lực thật phi thường, Mẹ chịu đựng và làm tốt ngay cả những công việc nặng nhọc về thể xác cũng như những khó khăn về tinh thần. Dầu vậy, tình trạng xuống cấp về sức khỏe của Mẹ Đáng kính, qua những dấu hiệu bên ngoài đã làm cho con cái của Mẹ hết sức lo lắng. Thế nhưng, Chúa thấy Mẹ vẫn còn rất cần thiết đối với Đan viện Saigon, Ngài vẫn muốn Mẹ tiếp tục cuộc sống trong một thời gian nữa, để cho những ước mơ mà Mẹ đang ấp ủ được chấp cánh bay xa.
Có thể nói rằng, không chỉ với một tâm hồn yêu mến nồng nàn và một ý chí kiên cường không gì lay chuyển nổi, Mẹ Philomène còn là một con người với những ước vọng lớn lao. Sau khi đã nổ lực hết mình để vượt qua những khó khăn và thành công trong việc thiết lập bền vững Đan viện Cát minh tại Saigon, với lòng nhiệt thành truyền giáo, Mẹ còn nuôi ước vọng cao xa hơn, muốn cho đời sống và linh đạo Cát minh được lan rộng đến xứ sở khác. Tuy nhiên, những khó khăn và kinh nghiệm mà Mẹ đã trãi qua khi thiết lập Nhà kín Saigon đòi hỏi Mẹ phải kiên trì và thận trọng hơn.
Thiên Chúa là Đấng Quan phòng kỳ diệu, Ngài dùng những phương thế khác nhau để khơi động và làm cho mọi ước vọng ngay lành của con người đạt tới sự thành toàn. Thật vậy, ước vọng cao đẹp của Mẹ Philomène đã được chấp cánh bởi Đức cha Jean-Marie Dépierre, Giám mục Giáo phận Tây Đàng Trong. Ngày 12-4-1895, cha Jean-Marie Dépierre[31] được tấn phong Giám Mục tại nhà thờ Chính tòa Saigon. Sau khi làm Giám Mục, Đức cha đã bày tỏ ý nguyện muốn phát triển Dòng Kín Cát Minh tại những vùng truyền giáo khác, ý tưởng này làm cho Mẹ Philomène rất đổi vui mừng. Đặc biệt, khi Đức cha đi ra xứ Đàng Ngoài trở về, ngài cho biết, Đức cha Gendreau[32] rất sẵn lòng và tha thiết muốn lập Dòng Kín trong địa phận của ngài ở Hà Nội. Từ đó, Mẹ Philomène bắt đầu những sự chuẩn bị và bàn hỏi với Đấng bản quyền tại Saigon, với cha tuyên úy Đan viện, các linh mục cũng như với Mẹ Bề Trên Đan viện Cat Minh tại Lisieux, cũng như với con cái của Mẹ tại Đan viện Cát Minh Saigon nhằm chuẩn bị cho công việc thiết lập một Đan viện Cát minh mới tại Hà Nội.
Trước đây, Mẹ đã cố công huấn luyện con cái của Mẹ với hy vọng sẽ là những cột trụ vững chắc cho Dòng Kín tại Saigon, nhưng giờ đây, Mẹ sẵn lòng hy sinh để gởi những người con thân yêu mà Mẹ đặt tất cả hy vọng để các chị lên đường cho công việc thành lập một Đan viện mới. Về phần mình, Mẹ sẵn sàng tiếp tục những công việc thay cho các chị ấy trong công việc thường ngày, nhất là trong việc huấn luyện những ơn gọi trẻ mới gia nhập.
Đối với mẹ Philomène, việc ra đi để thiết lập một Đan viện Cát Minh mới là một ân phúc lớn lao, nhưng vì khiêm nhường nên Mẹ không muốn dành cho mình phúc lộc ấy. Mẹ vui lòng ở lại theo lời con cái nài xin và sẵn sàng chỉ dẫn những kinh nghiệm cần thiết mà Mẹ đã gặp phải cho những con cái Mẹ sắp được sai đi. Mẹ lo chuẩn bị đóng Bàn xoay, các song mành và những vật dụng cần thiết để khi đến nhà mới, con cái Mẹ có sẵn để sử dụng cho đúng luật phép của dòng Cát Minh, bởi vì theo kinh nghiệm của Mẹ khi mới đến Saigon, người ta chưa bao giờ thấy loại bàn xoay như vậy, nên thợ mộc không thể nào đóng được những cái bàn theo như ý muốn của Nhà dòng. Sau hết, Mẹ cũng lo chuẩn bị cho những con cái mình có đủ phương tiện tài chính cho việc tạo dựng và chi dùng tại nơi ở mới, Mẹ bắt đầu viết thư cho những nhà Cát Minh ở Pháp để xin trợ giúp.
Nhân dịp lễ tấn phong Giám mục ngày 12-4-1895, Đức tân Giám mục Dépierre và các Đức cha của các Giáo phận về Sài Gòn dự lễ đã đến thăm Dòng kín Saigon, hôm ấy nhằm ngày 15-7-1895, áp lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh. Ba Giám mục đã đến thăm Đan viện và được Mẹ Philomène đưa đi khắp mọi nơi trong nhà, kể cả trong khu nội vi, Mẹ rất vui mừng khi được các Đức cha ngỏ ý muốn lập thêm hai nhà Cát Minh khác trong xứ sở Annam.
- Những ngày cuối đời và cái chết của Mẹ Philomène
Sau cuộc thăm viếng của các Đức cha, đang khi những ước vọng được chấp cánh, thì hôm sau, ngày lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh 16-7, Mẹ Philomène cảm thấy trong người đau mệt, đó như là triệu chứng của bệnh cúm mà hai mươi tám nữ tu trong nhà đang phải trải qua do bởi cơn dịch đang hoành hành. Hôm ấy, Mẹ lên cơn sốt và mê sảng. Những ngày tiếp theo, Mẹ yếu liệt hơn làm cho các con cái của Mẹ hết sức lo lắng vì sợ không qua khỏi, với tất cả tình thương mến, ngày đêm các chị thay nhau túc trực để chăm sóc cho Mẹ. Phần Mẹ, với chí khí can trường, Mẹ chịu đựng bệnh tật cách vui tươi và bình an. Hơn nữa, ý hướng thiết lập Đan viện mới luôn mãnh liệt trong tâm hồn, nên Mẹ không muốn cho ai bên ngoài Đan viện biết tin Mẹ đang yếu mệt, Mẹ nói với con cái mình rằng: “Nếu các cha biết được, họ sẽ tưởng Mẹ gần chết, rồi chuyện đi lập Nhà mới sẽ ra làm sao?… Mẹ chỉ yếu mệt vậy thôi, nghỉ ngơi vài ngày thì khỏe lại…. Các con đừng quá lo lắng cho Mẹ, chuyện lập nhà mới chắc chắn sẽ thành hiện thực”.[33]
Mẹ Philomène đã phải trải qua những cơn sốt và nằm liệt suốt bốn ngày liền, nhưng Mẹ vẫn thể hiện các nhân đức và việc tuân giữ luật của người tu sĩ Cát minh cách trọn hảo. Đối với Mẹ, việc đọc Kinh Nhật tụng là công việc hết sức quan trọng, vì thế, dù bệnh tật và yếu mệt, Mẹ vẫn không bỏ mất giờ kinh này. Có những lúc vì mệt nhọc và đuối sức, đôi khi Mẹ bị lẫn lộn, nhưng rồi Mẹ đọc lại cách cẩn thận những câu hay đoạn đã quên sót. Khi Đức cha hay tin Mẹ Philomène ngã bệnh và ngài đến thăm và ban phép chuẩn cho Mẹ khỏi đọc Kinh Nhật tụng, Mẹ vâng lời nhưng nói rằng: “Đức cha cấm không cho tôi đọc Kinh Nhật tụng nữa, dĩ nhiên tôi phải vâng lời, bởi vì, đọc kinh như thế làm cho tôi quá mệt; Trong tuần này kinh Nhật tụng thật phức tạp làm cho tôi dễ bị lẫn lộn”.[34]
Từ đó Mẹ giữ thinh lặng cách nhiệm nhặt, và cho đến lúc này, tai Mẹ không còn nghe rõ nữa, nên Mẹ cứ hỏi: sao các con không đổ chuông đúng giờ theo luật dạy? Trong những ngày nằm liệt không thể di chuyển đến sân chơi, Mẹ lo lắng rằng: mình sẽ làm gương xấu cho con cái, nên có người nói: “Xin Mẹ đừng lo lắng, tất cả chúng con đều biết Mẹ ân cần thế nào trong việc tuân giữ luật chung” và Mẹ trả lời: “Vậy thì hãy nói cho mọi người biết, khi nào Mẹ bình phục và có thể đi đứng trở lại, Mẹ sẽ đi đến đó ngay, nhưng hôm nay Mẹ không đi được”.[35] Quả thật, tất cả những lời của Mẹ là sự thể hiện lòng yêu mến và tinh thần tuân giữ luật chung của đời sống Đan viện cũng như việc từ bỏ ý riêng mình.
Tính từ ngày 16 tháng 7, sau hơn một tháng lâm bệnh, sức khỏe của Mẹ Philomène ngày càng xấu hơn, cho nên đến ngày 21 tháng 7 các con cái của Mẹ nghĩ đến việc lo cho Mẹ chịu các Bí tích sau hết, nhưng Mẹ vẫn xác quyết rằng: Mẹ còn mạnh khỏe, rồi đây Mẹ sẽ khỏe lại. Hôm sau, Đức cha Louis Caspar [36] đến thăm và ban các Bí tích sau hết cho Mẹ Philomène. Đêm hôm ấy, Mẹ đã trải qua giấc ngủ thật tốt, con cái vây quanh Mẹ đọc kinh cầu nguyện và ai cũng nghĩ rằng: Mẹ sẽ bình phục trở lại.
Hôm sau, người ta nhận thấy bất cứ dấu gì tỏ cho thấy Mẹ Philomène đang trải qua cơn hấp hối, nhưng thật bất ngờ, Mẹ đã ra đi thật nhẹ nhàng, đang khi các con cái quay quần chung quanh, quả thật, đây là cái chết của một người lành thánh! Mẹ ra đi cách thanh thản và bình an trong ơn nghĩa Chúa! Đó chính là ngày 23 tháng 7 năm 1895, khi ấy, Mẹ Philomène de l’Immaculée Conception được 75 tuổi, Mẹ đã gia nhập Dòng kín 52 năm trong đó có 34 năm trải qua vô vàn những gian nan khốn khó cho việc thành lập và phát triển Đan viện Cát minh Saigon.
Sau khi được tin Mẹ Philomène qua đời, cha Bề Trên Chủng viện và các thầy Đại chủng sinh đã đến cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho Mẹ.
Thánh lễ an táng cho Mẹ Philomène diễn ra thật long trọng vào lúc 5h00 chiều. Đức cha Jean-Marie Dépierre, Giám mục Giáo phận Tây Đàng Trong đã đến chủ sự Thánh lễ cùng với rất nhiều linh mục trong và ngoài Giáo phận đã đến tham dự Thánh lễ và đưa tiễn Mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Mẹ Philomène biết các con cái muốn giữ xác Mẹ trong Nhà Dòng như thói quen người ta giữ xác Đấng sáng lập hay ít là chôn táng trong Nhà Nguyện của Đan viện, nhưng với lòng khiêm nhường, Mẹ muốn được chôn cất trong Đất thánh giữa những con cái của Mẹ đã và sẽ an nghỉ. Vì thế, xác Mẹ Philomène được an tang dưới chân Thánh giá trong Đất thánh của Đan viện đúng như ý Mẹ mong muốn. Trong mộ phần được xây kim tĩnh của Mẹ, Đức cha Jean-Marie Dépierre đã viết một Văn bằng với ấn ký của ngài, được đựng trong một ống bằng chì và được chôn trong mộ ấy, với những lời như sau: “Đây là nơi an nghỉ của Mẹ Đáng kính Philomène de l’Immaculée Conception. Trong suốt ba mươi bốn năm, Mẹ đã giữ các nhân đức đời sống tu trì và sự trung thành tuân giữ cẩn thận luật Dòng Cát minh để nêu gương sáng cho Nhà Dòng này”.
Phần mộ của Mẹ Philomène tại Đất thánh của Đan viện Sài Gòn
Vâng, Mẹ Đáng kính Philomène đã ra đi, Mẹ đã hoàn thành sứ vụ mà Mẹ đã lãnh nhận là thiết lập Đan viện Cát minh Saigon, đó cũng là Đan viện đầu tiên tại vùng truyền Giáo Á Đông. Công trình của Mẹ là bất biến, đó không chỉ là cơ sở vật chất của các Đan viện, nhưng nhất là công trình thiêng liêng của Mẹ, là đời sống thánh thiện, là gương sáng đức tin, niền cậy trông bất khuất và lòng yêu mến nồng nàn đối với Thiên Chúa và tha nhân. Một trăm năm mươi năm đã qua, công trình do Mẹ gầy dựng đã tồn tại và phát triển cách bền vững, ước vọng bay xa của Mẹ đã trở thành hiện thực, không chỉ tại Saigon, nhưng nhiều Nhà Cát Minh, khởi đi từ công trình của Mẹ đã được được thiết lập và phát triển để cho Danh Chúa được vinh quang.
[1] Phó Đô Đốc Léonard Victor Joseph Charner sinh ngày 13-2-1797, tại Saint-Brieuc. Qua đời ngày 7-2-1869 tại Paris. Toàn quyền tại Nam kỳ từ 6-1 đến 29-11-1861.
[2] Cha Jean Marie PORET sinh ngày 2-8-1833, tại Orglandes, vùng Manche, thuộc Giáo phận Coutances, nước Pháp. Chịu chức Linh mục ngày 19-12-1857, lên đường truyền giáo ngày 20-2-1859. Qua đời ngày 1-4-1914.
[3] Đô đốc Bonnard người vừa thay thế Đô đốc Charner làm toàn quyền tại Nam kỳ.
[4] Cha Jean Claude ROY, sinh ngày 1-11-1831 tại Arc-et Senans, miền Doubs, giáo phận Besanç Aix, nước Pháp. Chịu chức linh mục ngày 17-5-1856. Lên đường truyền giáo ngày 13-7-1856, đến Giáo phận Tây Đàng Trong năm 1864.
[5] Fondation du carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 32.
[6] Fondation du carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 32.
[7] Tại Sài Gòn – Gia Định, thành Bát Quái, cũng gọi là thành Quy, được xây bởi Gia Long-Nguyễn Phúc Ánh vào năm 1790, bị phá hủy vào năm 1835 sau khi cuộc khởi nghĩa của Lê văn Khôi thất bại. Năm 1837, vua Minh Mạng cho xây dựng lại với diện tích nhỏ hơn, được gọi là thành Phụng hay thành Gia Định mới. Năm 1859, khi quân Pháp xâm lược Việt Nam, thành Phụng bị phá hủy ngày 18-2-1859, bởi tướng Đô đốc Charles Rigault de Genouilly. Sau khi triệt hạ thành Gia định, quân Pháp dùng gạch và sắt củ của thành này để xây thành quân đội của họ, được gọi là trại 11c R.I.C.
[8] Fondation du carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 32-33.
[9] Cha Paul François Puginier, tên Việt là Phước, sinh ngày 4-7-1835, tại Saix. Gia nhập Hội thừa sai Paris ngày 1-7-1854. Chịu chức linh mục ngày 29-5-1858. Lên đường đi truyền giáo tại Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) ngày 29-8-1858, nhưng vì cuộc chiến tranh Pháp-Việt, nên ngài phải tạm trú tại Sài gòn từ tháng 4-1860. Ngài được giao phụ trách các vùng Gò Vấp, Thị Nghè, Thủ Dầu Một. Tháng 8-1862, cha Puginier đến Giáo phận Tây Đàng Ngoài, được đức cha Theurel tấn phong Giám mục phó ngày 26-1-1868 và kế vị đức cha Thuerel vào tháng 11-1868.
[10] Năm 1846, Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) được tách chia để thành lập Giáo phận Nam Đàng Ngoài (Vinh). Tân giáo phận, bao gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và một phần tỉnh Quảng Bình, được ủy thác cho Đức cha Jean Denis Gauthier tên Việt là Ngô Gia Hậu.
[11] Fondation du carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 35.
[12] Xem mục tham chiếu số 37.
[13] Fondation du carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 35-36.
[14] Fondation du carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 36.
[15] Fondation du carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 39.
[16] Cha Henry Louis Le Mée sinh ngày 6-4-1834 tại Fougeroilles-du-Plessis, miền Mayenne, Giáo phận Coutances, nước Pháp. Ngài chịu chức linh mục ngày 19-12-1857. Gia nhập Hội Thừa sai Paris và lên đường đi truyền giáo ngày 14-2-1864. Ngài làm việc tại Giáo phận Tây Đàng Trong , tên Việt là Lễ. Ngài qua đời ngày 5-4-1900 tại Sài Gòn.
[17] Đô đốc Pierre-Paul de La Grandière sinh ngày 28-6-1807, tại Redon, miền Ille et Vilaine. Tháng 5 năm 1863, ông được bổ nhiệm làm Toàn quyền xứ Nam Kỳ cho đến năm 1866. Sau đó, ông làm việc tại Hàn quốc và năm 1868, ông trở về Pháp. Ông qua đời ngày 25 tháng 8 năm 1876.
[18] Đức cha Jean-Claude Miche sinh 9.8.1805 tại Bruyères-en-Vosges thuộc giao phận Saint Dré nước Pháp. Chịu chức linh mục 5.6.1830. Gia nhập Hội Thừa sai Paris 10.9.1835. Ngày 27.2.1836, cha Miche được gởi đến Việt nam, trú ngụ tại Gò thị thuộc Giáo phận Đàng Trong. Được tấn phong Giám mục ngày 13.6.1847. Giám mục Giáo phận Nam Vang ngày 30.9.1860. Khi đức cha Lefèbvre từ nhiệm, đức cha Miche được bổ nhiệm làm Giám mục Tây Đàng Trong (Sài gòn) kiêm Giám quản tông tòa giáo phận Nam Vang. Đức cha qua đời ngày 1.12.1873 tại Sài Gòn, hưởng thọ 68 tuổi.
[19] Fondation du carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 42.
[20] Đức cha Isodore François Joseph Colombert, tên Việt là Mỹ, sinh ngày 20-3-1838 tại Sainte Marie-du-Bois, vùng Bretagne, phía tây nước Pháp. Chịu chức linh mục ngày 30-5-1863. Đến Sài Gòn ngày 22-8-1863. Được tấn phong Giám mục tại Sài Gòn ngày 25-7-1872. Kế vị đức cha Miche cai quản Giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) sau khi từ trần ngày 1-12-1873. Đức cha Colombert Mỹ qua đời ngày 31-12-1894 tại Sài Gòn, hưởng thọ 60 tuổi.
[21] Cha François Honoré Favreau sinh ngày 16-1-1846, tại Chéméré, miền Loire-Atlantique, thuô%C Giáo phận Nantes, nước Pháp. Ngài gia nhập Hội Thừa sai Paris, chịu chức linh mục ngày 22-5-1869. Lên đường đi truyền giáo ngày 6-71869, đến Giáo phận Tây Đàng Trong. Ngài qua đời ngày 18-12-1891.
[22] Fondation du carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 43.
[23] Chuẩn Đô đốc Victor Duperée làm Nguyên soái cai trị Nam Kỳ từ tháng 12 -1874 đến tháng 1-1876 và từ tháng 7-1876 đến tháng 10- 1877.
[24] Fondation du carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 43-44.
[25] Chuẩn Đô đốc Lafont làm Nguyên soái Nam Kỳ từ ngày 17-10-1877 đến ngày 6-7-1879.
[26] Thánh Têrêsa Avile, cũng gọi là Têrêsa Giêsu, sinh tại Avila vào năm 1515, vào dòng Cát minh năm 19 tuổi. Thánh Têrêsa bắt đầu công cuộc cải tổ Dòng Cát minh từ năm 1562, trở về với truyền thống và luật dòng nguyên thủy của Đấng sáng lập. Thánh Terêsa qua đời ngày 7-10-1582
[27] Sau khi cha Théodore Louis Wibaux, Đấng sáng lập Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn qua đời ngày 7-10-1877, cha Julien Thiriet được Đức cha Isodore Colombert bổ nhiệm làm Giám đốc chủng viện. Cha Thiriet sinh ngày 21-2-1839, tại Hoéville, vùng Meurthe-et-Moselle, Giáo phận Nancy. Chịu chức linh mục ngày 14-6-1862, lên đường đi truyền giáo ngày 18-8-1862, ngài qua đời ngày 2-8-1897, tại Sài Gòn.
[28] Fondation du carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 46.
[29] Cha Jean Augustin Dumas sinh ngày 26-1-1848, tại Caudecoste, miền Lot-et-Garonne, thuộc Giáo phận Agen, nước Pháp. Ngài chịu chức linh mục ngày 7-6-1873, lên đường đi truyền giáo ngày 2-7-1873, làm việc tại Giao phận Tây Đàng Trong. Ngài qua đời ngày 24-1-1916, tại Phan Thiết.
[30] Fondation du carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 46.
[31] Đức cha Jean-Marie Dépierre tên Việt là Để, sinh ngày 18-1-1855 tại Savoie Thoiry, miền tây nước Pháp, gần giáp với Thụy Sĩ. Ngài gia nhập Hội Thừa sai Paris ngày 8-12-1876, chịu chức Linh mục ngày 20-9-1879, đến Sài Gòn ngày 26-11-1879 là giáo sư Đại chủng viện. Ngày 12-4-1895, cha Dépierre được tấn phong Giám mục tại nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, kế vị đức cha Colombert cai quản giáo phận Tây Đàng Trong. Ngài lãnh đạo Giáo phận chỉ được ba năm sáu tháng, qua đời ngày 17-10-1898 khi mới 43 tuổi và được an táng trong nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn.
[32] Đức cha Pierre Jean Marie Gendreau, tên Việt là Đông, sinh ngày 26-11-1850, tại Poiré-sur-Vie, miền Vandée, thuộc Giáo phận Luçon. Gia nhập Hội Thừa sai Paris năm 1871, chịu chức linh mục ngày 7-6-1873. Lên đường đi truyền giáo ngày 16-7-1873, đến Kẻ Sở (Hà Nội). Ngày 16-10-1887, cha Gendreau được tấn phong Giám mục tại Kẻ Sở và kế vị Đức cha Pual François Puginier tháng 4 năm 1892. Ngài qua đời ngày 7-2-1935 sau 62 năm truyền giáo và 48 năm làm Giám mục tại Giáo phận Tây Đàng Ngoài.
[33] Fondation du carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 49.
[34] Fondation du carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 50.
[35] Fondation du carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 50.
[36] Đức cha Marie-Antoine Louis Caspar tên Việt là Lộc sinh ngày 23-7-1841 tại Obernai, miền Vosges, tỉnh Bas-Rhin, giáo phận Strasbourg vùng Alsace, kế cận Tây nam nước Đức. Vào Đại chủng viện Mans năm 1851. Ngày 17-12-1864, Đức cha Sohier của giáo phận Huế phong chức linh mục cho thầy Caspar và thầy Nguyễn Ngọc Tuyên tại chủng viện Mans nhân dịp đức cha Sohier về Pháp năm 1864. Ngày 15-2-1865, cha Caspar đến địa phận Tây Đàng Trong, được đức cha Miche bổ nhiệm làm giáo sư tại chủng viện Lái Thiêu. Khi đức cha Pontvianne qua đời vào tháng 7-1879, cha Caspar được Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám mục địa phận Bắc Đàng Trong (Huế) thay Đức cha Pontvianne. Thánh lễ tấn phong tại nhà thờ chính tòa Sài gòn ngày 24-8-1880, ngài nhận nhiệm vụ ngày 19-9-1880. Ngài từ chức Giám mục ngày 18-7-1907 và qua đời ngày 13-6-1917 tại quê hương Obernai, thọ 75 tuổi.
Con chào sr ạ . Con muốn đến tìm hiểu dòng , sr có thể cho con biết thời gian con có thể vào để tìm hiểu dòng không ạ.
Chào em,
Xin cảm ơn em đã ghé thăm trang web của nhà Dòng.
Em vui lòng để lại số điện thoại liên lạc của mình.
Cha sẽ chuyển số liên lạc của em tới Đan Viện Cát Minh Sài-gòn để họ có thể liên lạc lại với em sớm nhất.
Chào thân ái trong Chúa Ki-tô Phục Sinh.
Cha Đặc Trách Ơn Gọi OCD