Lịch Sử Dòng
Các tu sĩ Cát Minh lấy tên của mình từ nơi khởi đầu của mình. Nơi ấy chính là Núi Thánh Cát Minh. Nơi đây được tôn kính như là một trong những nơi thiêng liêng ở Đất Thánh Palestine. Núi Cát Minh cũng được gắn liền với hai nhân vật nổi tiếng thời Cựu Ước – Tiên tri Êlia và Êlisha.
Vào thời thập tự chinh, một nhóm nhỏ quyết định ở lại trên Núi Thánh Cát Minh. Họ lấy tiên tri Êlia làm gợi hứng và mẫu gương cho đời sống của mình. Từ đó tiên tri Êlia trở thành tổ phụ của các tu sĩ Cát Minh.
Ngay từ khởi đầu, các ẩn sĩ đã dành một lòng tôn sùng đặc biệt đối với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Họ đã xây dựng nhà nguyện đầu tiên dâng kính Đức Maria và gọi chính họ là các anh em của Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh.
Khoảng từ 1206 – 1214, thánh Albert, thượng phụ thành Giêrusalem ban cho các tu sĩ Cát Minh một luật sống để hướng dẫn đời sống của họ.
Tuy nhiên, hoàn cảnh chính trị và tôn giáo càng ngày càng trở nên bất ổn. Điều này khiến họ phải rời đất thánh. Họ bắt đầu hành trình di cư qua Châu Âu. Hoàn cảnh tại Châu Âu khiến họ phải thích nghi với đời sống văn minh đô thị. Cuối cùng họ thích nghi với đời sống khất sĩ.
Là những nhà khất sĩ, họ tham gia vào các hoạt động tông đồ, và công việc phục vụ của Giáo Hội. Họ đến các thành thị và tham gia giảng dạy tại các trường đại học lúc đó nhằm đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội. Tuy tham gia vào các hoạt động tông đồ, các tu sĩ Cát Minh vẫn duy trì tinh thần và truyền thống chiêm niệm của mình.
Thời kỳ trung cổ được coi như là thời kỳ đen tối và buồn thảm trong lịch sử Giáo Hội. Nhiều sự kiện xảy ra vào thời ấy đã dẫn đến sự suy thoái trong đời sống của các dòng tu, trong đó có cả dòng Cát Minh. Chính vào lúc này các tu sĩ Cát Minh đã quyết định giảm nhẹ luật sống của mình. Việc giảm nhẹ luật sống gây ra một vài phản đối trong một số thành viên của dòng. Một trong số các phản đối là việc kêu gọi cải tổ trong dòng. Trong thời gian này có nhiều hoạt động cải tổ trong dòng. Một trong những hoạt động cải tổ ấy đã được thánh Têrêxa Chúa Giêsu ở Avila khởi sự và thực hiện. Đây là một công cuộc cải tổ thành công và lâu dài nhất.
Cùng với thánh Gioan Thánh Giá, thánh Têrêxa Chúa Giêsu đã tìm cách khôi phục lại tinh thần tiên tri cổ xưa của các tu sĩ Cát Minh tiên khởi giữa một thế giới đang thay đổi. Cũng như các các ẩn sĩ trên Núi Cát Minh, cả hai vị đều muốn đem lại một bầu khí ở đó người ta có thể cảm nghiệm được sự hiện diện đầy thân thương và chữa lành của Thiên Chúa trong một thế giới bị chia cát bởi xung đột và chia rẽ.
Ngày nay các tu sĩ Cát Minh ở thiên niên kỷ thứ III cũng đang đứng trước những thách đố tương tự. Theo chân của mẹ thánh Têrêsa và cha thánh Gioan, các tu sĩ Cát Minh được mời gọi làm chứng cho tinh thần tiên tri của các tu sĩ Cát Minh tiên khởi. Những người Cát Minh Têrêsa hôm nay được thách đố sống truyền thống chiêm niệm và tông đồ của mình. Họ được mời gọi trở nên một lời nhắn nhủ cho mọi người về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân ngài và mối bận tâm đầy yêu thương của ngài đối với họ.
Đôi Lời Giới Thiệu
Trong Hội Thánh, một trong những trung tâm đào tạo giúp người ta đạt được nghệ thuật cầu nguyện, nghệ thuật để có một mức độ cao siêu trong tình bạn với đức Kitô, là dòng Cát Minh.
Hiện nay Dòng có hơn 4000 nam tu sĩ và gần 13000 nữ đan sĩ. Các nữ tu Cát Minh ngày đêm sống gắn bó với Chúa. Họ không theo đuổi hạnh phúc nào hơn là sống đắm chìm trong Thiên Chúa. Tìm hiểu về họ một chút có thể bạn sẽ thấy sáng ra nhiều cảm hứng để đào sâu đời sống cầu nguyện.
Khoảng năm 1245, thánh Si-mon Stock, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Cát Minh được Đức Mẹ hiện ra, trao cho một mẫu áo màu nâu và hứa rằng những ai sống theo tinh thần Dòng Cát Minh và mang áo Đức Mẹ sẽ được bảo đảm ơn cứu rỗi. Người ta cũng có thể dùng một mẫu ảnh Đức Mẹ để thay cho áo ấy.
Ngoài “áo Đức Mẹ núi Cát Minh”, còn có con đường thơ ấu của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Hầu như người ta có thể bắt gặp những người mang “áo Đức Mẹ” và những người theo con đường nhỏ ở bất cứ đâu, nơi bất cứ ai.
Ngoài Dòng nhất là các nam tu sĩ Cát Minh và Dòng nhì là các nữ đan sĩ Cát Minh, còn có 69 Hội dòng và Tu hội liên kết, cùng mang danh hiệu Cát Minh, thường vừa sống đời chiêm niệm vừa hoạt động tông đồ – như Dòng Cát Minh Thánh Giuse mới đến Việt Nam mươi năm nay. Đó là chưa kể Dòng Cát Minh Gốc cùng với những Hội dòng và Tu hội liên két. Cũng chưa kể những tu hội không mang tên Cát Minh nhưng sống theo tinh thần Cát Minh, như các chị Tổ ấm Bác ái của bà Marthe Robin, như Dòng Thừa Sai Bác Ai của Mẹ Têrêxa thành Calcutta, Dòng Trinh Vương tại Việt Nam …
Lại cũng có rất nhiều người sống tinh thần Cát Minh giữa đời trong sắc áo giáo dân hoặc linh mục triều, quen gọi là Dòng Ba Cát Minh. Cả Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II của chúng ta cũng là một thành viên Cát Minh giữa đời. Tất cả thuộc về dòng chảy cầu nguyện triền miên của Hội thánh, nhiệm thể Chúa Kitô. Một lối mở cho mọi người
Các vị thánh Cát Minh trước khi là tu sĩ đã là giáo dân như bao người khác. Họ đã có thể đắm chìm trong cầu nguyện với tư cách là giáo dân. Tới một lúc, họ thấy đời sống cầu nguyện quá lôi cuốn nên họ mới vào Dòng.
Thánh Gioan Thánh Giá đã là một lễ sinh, đã là một y tá và về sau ngài được gọi là ca sĩ của Thiên Chúa. Thánh Têrêxa Bênêđicta đã là một sinh viên xuất sắc, một giáo viên dạy kèm, một giảng sư triết học rồi mới xin rửa tội và sau đó vào Dòng Cát Minh. Thánh Titus Brandsma là một nhà báo. Thánh nữ Maria Chúa Giêsu chịu đóng đinh đã từng là một thiếu nữ thất học, đi ở đợ nhiều năm. Các thánh nữ Têrêxa Avila, Têrêxa Hài đồng Giêsu, Têrêxa núi Andes là những tiểu thư đài các.
Đóng góp bằng cầu nguyện. Mục đích sâu xa nhất của đời sống người Cát Minh là trở thành những người bạn thân tình của Đức Kitô. Nói như thế không có nghĩa là họ chỉ cốt tìm vui hưởng tình thân mật với Đức Kitô. Tình thân mật chỉ là phương tiện họ dùng để hiến mình cho công cuộc cứu rỗi các linh hồn và mở rộng nước Đức Kitô. “Chúng ta khao khát dấn thân vào đời sống cầu nguyện, không phải để hưởng niềm vui riêng nhưng chính là vì chúng ta muốn có được sức mạnh hiến mình phục vụ Đó là lời của thánh nữ Têrêxa Avila, vị sáng lập dòng Cát Minh Về Nguồn.
Người tu sĩ Cát Minh “khi giảng cũng như khi làm chứng bằng đời sống chiêm niệm không phải chỉ tìm cách mang sứ điệp Tin Mừng đến cho đại chúng đông đảo nhưng trên hết và bằng phương thế riêng, họ tìm cách dẫn dắt những người khác đi vào những nẻo đường cầu nguyện, chiêm niệm, sống thân tình với Đức Kitô. Cầu nguyện là uy quyền lớn nhất trên thế gian này. Cha sở họ Ars đã nói: “Tôi biết có một người mạnh hơn Thiên Chúa – Đó là người cầu nguyện. Người ấy có thể làm cho Chúa nói ‘có’ khi Ngài đã nói ‘không.
Ảnh hưởng của việc cầu nguyện thật vô giới hạn. Vì thế, người nữ tu Cát Minh có thể chuyển cầu cho toàn thể thế giới. Cách riêng chị cầu nguyện cho các linh mục, để giữa cuộc chiến đấu, họ được Thiên Chúa gìn giữ trong tay Ngài và cứu thoát khỏi mọi hiểm nguy ở trần thế.
Thánh Têrêxa nói với các nữ tu của ngài: “Nếu chúng ta có thể cùng chiến thắng với Thiên Chúa thêm chút xíu trong việc cầu nguyện, thì ngay cả đang lúc ở trong nội cấm, chúng ta vẫn có thể dự phần chiến đấu trong cuộc chiến của Ngài.
Đời sống người Cát Minh được rập khuôn theo đời sống của Đức Maria và thánh Giuse.
Nội cấm và các kỷ luật tu sĩ trong dòng Cát Minh chỉ là để tạo nên môi trường hay bầu khí trong đó linh hồn có thể vươn rộng và mở ra đón lấy Thiên Chúa. Nó giúp người ta dễ tiến vào cuộc tiếp xúc thường xuyên với Thiên Chúa. Tóm lại, cách sống của người Cát Minh được sắp xếp cho một mục đích đơn giản: Tạo thuận lợi cho một đời sống thân tình với Đức Kitô.