Huy hiệu dòng Cát Minh Cải Tổ

Nhìn toàn diện, chúng ta thấy có hai màu trắng và nâu. Những nét biểu tưởng màu nâu nằm trên nền trắng bạc. Một Thánh Giá cao nằm ngay chính giữa, chân rộng ra hai bên và khép kín lại thành một hình bầu tròn, nhọn chính giữa, tựa như nằm trên đỉnh núi. Phía dưới hai cánh Thánh Giá là hai ngôi sao cùng màu nâu và ngôi sao thứ ba màu trắng đặt chính giữa, phía dưới chân Thánh Giá, trên nền nâu hình bầu tròn nhọn. Ở phía trên huy hiệu, ta thấy một triều thiên, chính giữa triều thiên có một cánh tay phải cầm thanh gươm sáng chói tựa như ngọn đuốc sáng. Kế trên triều thiên là một vòng bán nguyệt 12 ngôi sao sáng. Toàn thể huy hiệu nằm giữa câu châm ngôn:

“Zélo zelátus sum pro Dómino,
Deo exercituum”
“Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh”

Ý nghĩa của biểu tượng

Quan sát kỹ huy hiệu của Dòng Cát Minh, chúng ta có thể đọc được ở đó lịch sử của dòng tu này. Chúng ta cũng sẽ khám phá ra lời mời gọi tất cả các phần tử trong Dòng hãy trung thành nắm giữ Quy Luật, bằng cách noi gương sáng của các nam nữ tu sĩ, mà từ bao thế hệ, sự thánh thiện của các ngài đã không ngừng tô thắm vẻ đẹp uy linh cũng như nét hùng vĩ của Núi Thánh Cát Minh

a.    Màu trắng và màu nâu:

1 – Màu nâu tiêu biểu cho y phục dòng Cát Minh

2 – Màu trắng là màu áo choàng mà tu sĩ nam nữ mặc trong các buổi nghi lễ phụng vụ

Hai màu nâu và trắng còn tượng trưng cho Áo Thánh (Áo Đức Bà Saint Scapulaire) mà Đức Trinh Nữ đã âu yếm ban cho Dòng này. Qua Thánh Simon Stock, Đức Mẹ hứa sẽ ban nhiều ơn lành hộ phù tất cả những ai mang Áo Thánh ấy với lòng sùng kính. Lời giao ước của Đức Mẹ có một thần lực mạnh đến nỗi những tu sĩ được đặc ân lãnh nhận Áo Thánh này không bao giờ lìa khỏi nó, bất cứ vì lý do nào. Họ thà chết hơn là dứt bỏ Áo Thánh của Mẹ Maria. Sĩ tử Cát Minh phải dâng hiến toàn thân để phụng sự Mẹ. Áo choàng trắng tiêu biểu cho một tâm hồn trinh trong. Màu nâu tượng trưng cho nếp sống khắc khổ, khó nghèo và tinh thần siêu thoát.

b.    Phần dốc dưới chân Thánh Giá: Là hình ảnh núi Cát Minh

c.      Ngôi sao trắng trên nền nâu:

Cho ta biết nguồn gốc Dòng Cát Minh phát sinh tại nơi đây và từ nơi đây sự thánh thiện tỏa ra trên các phần tử của Dòng cũng như trên toàn thể dân Chúa.

d.    Thánh giá cao:

Trổi vượt trên mọi phần khác tượng trưng cho núi Cát Minh, nghĩa là, nếp sống Cát Minh là con đường chật hẹp, khắc khổ. Chúng ta cần phải noi gương các Thánh Tổ phụ, cầu xin ơn Chúa để biết chấp nhận đau khổ, sống cuộc đời khắc kỷ tu thân hầu đạt tới đỉnh thánh thiện. Tất cả những ai muốn sống kết hiệp với Thiên Chúa đều phải trải qua con đường THánh Giá của Chúa Kitô, vốn luôn là luật bất di bất dịch.

e.    Nền trắng bạc:

Còn biểu hiện cụm mây huyền nhiệm mà thánh tổ phụ Êlia đã trống thấy và nhận ra dấu chỉ Đức Trinh Nữ Maria, Đấng sẽ đến để đem ơn cứu độ cho nhân loại.

f.     Hai vì sao nâu nằm trên nền trắng:

Có nghĩa là Ngôi Hai Nhập Thể, đã trở nên con Đức Maria, mang Nhân Tính và Thiên Tính. Nơi Đức Kitô, trong vinh quang của Chúa Cha hằng hữu, những ngôi sao kia còn tượng trưng cho các tu sĩ Dòng Cát Minh giờ đây đang hưởng vinh phúc trên quê trời. Các đấng mới gọi anh chị em trong đại gia đình Cát Minh hãy can đảm tiến bước theo các đấng, bằng cách hãy sống nơi cõi trần này với tất cả lòng sùng kính yêu thương.

g.    Ba ngôi sao:

Theo nghĩa rộng hơn, ta có thể hiểu đó là biểu tượng ba Nhân Đức đối thần Tin, Cậy, Mến vốn cần được chiếu sáng nơi tâm hồn mỗi nam nữ tu sĩ Cát Minh; hoặc còn tượng trưng cho ba nhánh Dòng: Dòng Cát Minh Nam, Dòng Cát Minh Nữ, và Cát Minh giữa đời (cũng gọi là Dòng Ba tại thế). Hai sao mầu nâu trên nền trắng nhắc ta luôn biết giữ xác hồn nhuần thấm đức thanh bần và khiêm tốn dù được sống trong ánh sáng mầu nhiệm và hiệp nhất với Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, đời sống Dòng Cát Minh là đời khổ giá, đời thanh luyện, là cuộc lữ hành gian nan về Tuyệt Đối qua những đêm giác quan và đêm tâm linh.Vì thế, đức tin của họ phải chiếu sáng như vì sao bạc giữa nền nâu. Họ phải đi trọn cuộc hành trình gian khổ, leo đến đỉnh trọn lành bằng một đức tin thuần khiết và anh hùng.

Vâng, đời họ chỉ có đức tin là bạn đường trần thế, chờ ngày chiếm hữu trọn vẹn Chúa Hằng Sống để được thay Đức Tin bằng Đức Ái vĩnh cửu, để được đắm đuối trong tình Chúa Ba Ngôi miên trường. Màu trắng của huy hiệu còn lưu ý ta nhớ đến chiếc áo choàng mà khi được cất nhắc lên trời, Thánh Tổ Phụ Êlia đã để lại cho môn đệ Êlisa hầu lưu tồn sứ điệp của ngài, mà mãi cho đến hôm nay các sĩ tử Cát Minh còn đang cố gắng noi giữ. Trên khía cạnh này, hai ngôi sao còn là hình ảnh tinh thần của Ngôn Sứ Êlia: lòng quý chuộc cảnh tịnh mạc, thính lặng của đời chiêm niệm, và lòng nhiệt thành của Đức Ái.

h.    Triều thiên đặt dưới hào quang 12 vì sao:

Đây là biểu tượng chính của huy hiệu, nói lên rằng: Dòng Cát Minh đã đặt trọn dưới sự bảo trợ của Đức Maria, Nữ Vương tuyệt mỹ núi Cát Minh.

Trong sách Khải Huyền, thánh tông đồ Gioan đã minh xác “Đức Mẹ đứng trên vầng trăng và đầu Người đội 12 vì sao”.

Thánh Bênađô cũng chấp nhận 12 sao sáng là 12 đặc ân cao trọng nhất mà Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho Đức Nữ Vương Thiên Đình. Mẹ Maria là mẫu gương của toàn thể Kitô hữu. Khi kính tôn Mẹ là Nữ Vương Dòng minh, các đan sĩ Cát Minh phải canh cánh bên lòng: sống sao cho mỗi ngày càng tới gần Vẻ Đẹp tuyệt mỹ mà họ được phúc chiêm ngắm nơi Mẹ.

i.      Cánh tay phải cầm thanh gươm lửa:

Chính là biểu tương đôi tay gân guốc của ngôn sứ Êlia. Ai từng đọc qua Cựu Ước hẳn đã hiểu những cầu chuyện hấp dẫn lạ lùng của ngôn sứ.

Huy hiệu nguyên thủy được biến chuyển qua nhiều thế kỷ, Đến năm 1590, theo lời yêu cầu của Thánh Gioan Thánh Giá, Dòng Cát Minh Cải Tổ mới thêm vào hình cây Thánh Giá trổi vượt trên nền màu nâu như chúng ta hiện đang thấy. Và huy hiệu này xuất hiện đầu tiên trên quyền “Nghi lễ của tu sĩ Cát Minh Cải Tổ” phát hành năm 1590 ở Marid, và sau đó trong quyển “Huấn dụ của các tập sinh”, xuất bản năm 1591. Huy hiệu này được công nghị Dòng chính thức công nhận ngày 10 tháng 6 năm 1593 tại Crémone và đã được Đức Giáo Hoàng Clémenté VIII chuẩn y vào cuối năm đó.

 

Cuối cùng, lời của Tiên Tri Êlia: “Tôi nhiệt thành làm vinh danh Thiên Chúa, chủ tướng các đạo binh thiên quốc” (1V 19, 10.14), nói lên tinh thần hăng say, nhiệt thành của tiên tri, để phục vụ Thiên Chúa. Trong sa mạc cô tịch hay giữa thị thành náo nhiệt, Thánh Tiên Tri luôn biết sống trước Uy Nhan Chúa. Người đã nhiệt tâm tìm tòi để rồi can đảm áp dụng vào cuộc sống mình, cái kinh nghiệm đời sống Thần Linh của Chúa và chia sẻ kinh nghiệm ấy với đồng loại mình. Một hình ảnh tuyệt diệu của Tiên Tri Êlia là lúc người đàm thoại và hướng kiến Thiên Chúa trên núi thiêng Horeb. Chúng ta cảm thấy nơi người, đó là cả một lòng say mến, ước muốn nhiệm hiệp và lòng hăng say chinh phục các linh hồn cho Thiên Chúa. Sống mật thiết với Chúa chưa đủ, tiên tri Êlia còn phải nhập thế để thi hành sứ mệnh Thiên Chúa truyền dạy (1V 17, 2. 8-9; 21, 17-18), ngài còn phải vận dụng hết can đảm, khôn ngoan để hoàn thành sứ mệnh nhiều khi rất nguy hiểm giữa một thời đại đảo điên,  nhất là cần phải có ít nhiều thần lực của Thiên Chúa, một khí cụ rất hữu hiệu trong việc cải thiện lòng người, mà chỉ ai sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa hằng sống mới hy vọng hưởng nếm được. Do đó, trước hết, người tu sĩ Cát Minh cần phải có một đời nội tâm phong phú trước khi mang ân lộc chiêm niệm thông truyền cho tha nhân. Tu sĩ Cát Minh chân chính không ích kỷ chỉ biết thành hóa bản thân và bỏ rơi đồng loại đang khao khát Chúa. Họ cũng không cần phải dấn thân liên tục trong việc tông đồ giữa chợ đời, để rồi chểnh mảng đời sống mật thiết với Chúa trong cô tịch, cầu nguyện. Bởi vì, không ai có thể ban tặng điều mình không có!.

Tóm lại, tinh thần của Dòng Cát Minh bắt nguồn từ tiên trí Êlia, phối hợp cách quân bình hai đời chiêm niệm và tông đồ vậy.Chính tiếng kêu của Thánh Tiên Tri phát xuất từ con tim chân thành và lòng sốt mến của người, đã lưu truyền lại cho Đại Gia Đình Cát Minh một chương trình Tình Yêu độc đáo. Lời vàng ngọc ấy vang dội từ Cựu Ước đến Tân Ước, sáng chói qua bao không gian và thời gian để nên linh động trong mỗi tâm hồn Cát sĩ, trở thành châm ngôn vĩnh cửu cho một dòng tu của Giáo Hội Chúa nơi trần gian

“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”
(Tv 117,1)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *