Một ngày trong tu viện Cát Minh

Trời chưa sáng, thinh lặng đêm khuya còn phủ trùm địa cầu sắp tỉnh giấc để lao vào những công việc hằng ngày. Đó đây, ánh sáng đã bắt đầu chiếu qua các khung cửa sổ. Từ xa, vang lên một tiếng chuông…Đó là tiếng chuông của Tu Viện Cát Minh. Mỗi ngày vào đúng cùng một giờ, có lẽ từ hằng bao thế kỷ, nó kêu gọi các anh em hay các chị em đến dự công việc hàng đầu của mình là cầu nguyện. “Ngợi khen Chúa Giê-su Kitô và Đức Trinh Nữ Mẹ Người, mời anh em đến cầu nguyện ngợi khen Chúa.”

Một ngày mới bắt đầu cho Tu Viện Cát Minh, về nếp sống hằng ngày của các tu sĩ Cát Minh, nam cũng như nữ, người ta đôi lần đã có nhưng ý nghĩ kì lạ, và thường hơn, chẳng có ý nghĩ gì cả. Họ làm gì trong đó? Và khi đến gần họ, người ta đã ngạc nhiên khi thấy mình đang ở giữa con người cũng đầu đen máu đỏ, không tốt cũng không xấu hơn người khác. Cũng ăn, cũng uống, ngủ nghỉ, làm việc, cũng đau khổ và cười vui như mọi người, những con người cũng như các bạn láng giềng của họ, cũng quét nhà, tưới rau, đi nha sĩ chữa răng, đọc báo, đóng thuế…

Như tất cả mọi người, đúng vậy! Tuy nhiên cũng khác biết bao, bởi vì nếu đối với họ mọi sự giống nhau, thì mọi sự lại diễn ra khác hơn: từ sáng đến tối, từ tối đến sáng. Thiên Chúa có đó, thân cận, được nhận ra trong niềm tin, tinh tuyền vô hình, nhưng lại là bạn đồng hành, chí thiết, không rời nhau. Thiên Chúa được ngắm nhìn, được yêu mến, được phục vụ, Thiên Chúa luôn hằng được tưởng nhớ tới, chiếu tỏa trên mọi sự vật một ánh sáng mới của Thiên Chúa. Bạn hãy thay đổi cách nhìn, rồi có thể cả thế giới chung quanh bạn cũng đổi thay…Tập sách nhỏ này cố gắng trình bày cho bạn về Tu Viện Cát Minh. Lần giở từng trang, bạn sẽ phát hiện ra tâm hồn nó! Đó dĩ nhiên là điều chính yếu. Nhưng chưa phải là hết: Tu viện Cát Minh cũng còn là “nhập thể”. Dù đôi mắt có bị Thiên Chúa mê hoặc thu hút đến đâu, thì cuộc đăng sơn có muốn thực gọn nhẹ, Cát Minh vẫn chìm sâu trong bề dày cái thường nhật, và chính trong đó, chính trong mảnh đất cuộc sống mà nó phải thực hiện định mệnh của nó. Vậy thì cái hằng ngày đó, tu viện Cát Minh sống nó như thế nào.

Trước hết, bạn hãy loại bỏ đi cái ý nghĩ là có một sự khác biệt tận căn giữa các nam và nữ tu sĩ Cát Minh: các nữ tu thì sống kín, còn các nam tu thì không. Các nam tu sĩ, thỉnh thoảng người ta còn gặp họ trên đường, đang thi hành sứ vụ Tin Mừng, còn các nữ tu thì chẳng bao giờ. Quả thế, nhưng bạn hãy yên tâm: cả nam lẫn nữ tu sĩ không ai nghĩ rằng phải than van cho thân phận họ đã lựa chọn. Và đối với họ, điểm khác biệt quá lắm cũng chỉ liên quan đến hình thể của một nơi chốn. Tuy điều chính yếu, họ hoàn toàn ở trên một làn sóng.

Điều chính yếu ấy đã được ban cho họ trong đặc sủng, nơi nguồn cội của họ, và chính nó chi phối toàn bộ chương trình sống của họ. Qui luật Cát Minh ra đời đầu tiên năm 1209 – 1214. Theo đó các nam tu sĩ Cát Minh đầu tiên tự định nghĩa là: Những anh em ẩn tu của Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh”. Nói theo ngôn ngữ tân thời, những vị ẩn sĩ sống cộng đoàn, trong ngôi nhà của Đức Trinh nữ Maria. Đây là ba điểm chính yếu đủ để qui định cả một cung cách sống nào đó trong cái thường nhật. Điều mà thánh Têrêsa một ngày kia đã gọi là: “Chúng ta tìm hiểu một chút.”

1. Ẩn tu sĩ: tức là đánh giá cao sự thinh lặng và cô tịch. Ở thế kỷ 13, các tu sĩ Cát Minh thường sống trong hang động của họ, “gẫm suy ngày đêm Luật Chúa”, trừ khi bận công việc khác cách chính đáng. Tuy nhiên, công việc bận ấy cũng phải được thi hành, trong mức độ có thể: trong thinh lặng. Như thế bầu khí bình thường và tự nhiên của một ngày trong tu viện Cát Minh là sự thinh lặng tốt đẹp mang lại niềm bình an lớn lao trong tâm hồn. Bạn không thể tưởng tượng được một câu chuyện nói to tiếng trong hành lang tu viện là điều không đúng mức nào. Những gò bó của đời sống hiện đại, chính sứ vụ nữa, đôi khi bắt buộc phải phá vỡ sự thinh lặng tốt đẹp ấy. Nhưng sẽ hoàn toàn sai khi ai đó nghĩ rằng sự phá vỡ ấy được tiếp nhận như một dịp “xả hơi”. Hoàn toàn ngược lại….Tất cả nghệ thuật lúc bấy giờ là làm sao giữ được lòng mình cho Thiên Chúa, xuyên qua những dấn thân ồn ào nhất, như một việc nguyện cầu được tiếp diễn, một tình thân thiết không gì có thể làm tan vỡ.

2. Anh em và Chị em
Một nếp sống cộng đoàn. Cuộc sống trôi qua trong cùng một ngôi nhà, vào cùng một giờ, các cử hành phụng vụ qui tụ trong cùng một nhà nguyện, các bữa ăn tập họp trong cùng một phòng ăn, các lần công nghị hay chia sẻ định kỳ hội họp quanh một dự tính, trong khi các buổi giải trí tạo niềm hiệp thông trong thư giãn, những trao đổi, các trò chơi, đi dạo,vv. Những buổi giải trí ấy, các nữ Cát Minh lại thích nói chuyện “tào lao” hơn, trong khi vẫn chăm chú lo nhặt gọt các giỏi rau, củ.

Cô tịch và sống cộng đoàn, hai điều có vẻ loại trừ nhau. Nhưng trái lại, giúp chúng tạo ra một thế cân bằng tốt đẹp trong cuộc sống. Thinh lặng và cô tịch giúp luôn nghĩ tưởng đến Thiên Chúa, tránh được cảnh lúc nào cũng bận rộn lu bu với những cuộc trò chuyện vô ích, và như thế tránh khỏi phung phí thời giờ và năng lực thiêng liêng, còn đời sống cộng đoàn lại là phương thuốc tốt nhất chống lại nguy cơ sống khép kín, mối đe dọa của tín qui kỷ, và cũng là phương thế kiểm tra thường xuyên tính chân chính của lòng dâng hiến bản thân phẩm chất của tình bác ái huynh đệ.

3. ĐỨC TRINH NỮ LÀ NỮ VƯƠNG VÀ SẮC ĐẸP CỦA NÚI CÁT MINH.
Mãi từ đầu, các tu sĩ Cát Minh đã nhận thấy nới Đức Maria người mẹ, người chị, người bạn và mẫu gương tuyệt hảo. Đức Maria trầm lặng “suy niệm mọi sự trong lòng”. Đức Maria, mẹ sự sống ban Đức Kitô cho thế gian, không kèn trống. Đức Maria, nơi phòng tiệc ly, hiệp thông với các tông đồ đầu tiên. Phải, Cát Minh phải là “toàn Maria”.
Tất cả trên đây, một cách vắn tắt, giúp bạn thoáng thấy nào là bầu khí một ngày trong tu viện Cát Minh. Một cách cụ thể hơn, nó diễn ra như thế nào?

Ở đây không thể cung cấp cho bạn một thời khóa biểu chính xác, vì nó thay đổi từ cộng đoàn này sang cộng đoàn khác, từ xứ này sang xứ khác. Nhưng nội dung chính yếu đều được khắp nơi gìn giữ chặt chẽ. Cầu nguyện ở hàng đầu.

Thánh thể: Mỗi ngày đối với người con Cát Minh là cách cầu nguyện mật thiết nhất với Chúa Giêsu. Trong tu viện người ta luôn luôn bận bịu công việc. Theo truyền thống, việc lười nhác ở không được xem như là kẻ thù độc hại nhất, theo cái nghĩa là nó mở cửa cho tất cả kẻ thù khác.

Lao động! Một giá trị nhân bản, một giá trị Tin Mừng hàng đầu. “Cha tôi làm việc luôn và tôi cũng đang làm việc” Chúa Giêsu bảo thế (Ga 5,17). Ai đã dâng tấm lòng cho Thiên Chúa cũng đặt hết tấm lòng trong công việc, và do đó, họ cũng yêu mến Giáo Hội. Lao động trong yêu thương, là đi vào công trình vĩ đại của Thập Giá.

Lại nữa, Thánh Phaolo đã dạy: “Ai không muốn làm việc thì cũng đừng ăn”. “Mỗi người hãy ăn tấm bánh do tay mình làm ra” (2Tx 3,6). Do đó, bạn hiểu tại sao Cát Minh là một tổ ong âm thầm, trong đó mỗi người chu toàn phận vụ nhỏ bé của mình. Mặt khác, đã qua rồi cái thời đại mà các gia đình đại phú thành lập và bảo dưỡng các tu viện. Ngày nay, đời sống cầu nguyện không còn tha miễn cho chúng ta một thứ hóa đơn nào. Và như thế thì tốt hơn.

Các bữa ăn cũng như hầu như giống mọi người, tuy nhiên, điểm thêm một nét kín đáo: kiêng thịt chay tịnh những giá trị không bao giờ được quên. Dùng bữa trong thinh lặng, lắng nghe một quyển sách hay, những bản thánh ca, điều giúp tâm thần thư thái không thể tưởng.

Tôi cũng không quên kể các ngày lễ: Lễ Phụng Vụ, lễ của người này người kia, các ngày kỷ niệm trọng đại. Tùy theo mức độ quan trọng ngày lễ mà phụng vụ mang vẻ lễ lạc hơn, cả bữa ăn nữa, và giờ giải trí cũng được kéo dài. Các nữ Cát Minh không bao giờ thiếu sáng kiến (và các anh em cũng cố gắng noi bước) để các ngày lễ thêm hương thêm sắc, để làm vui lòng: một bức ảnh, một bó hoa, một bài hát hài hước, cả một vở kịch và còn bao thứ khác nữa! Thánh Têrêsa kiên trì bảo tồn những ngày lễ ấy, mà Ngài muốn phải luôn rạng rỡ niềm vui, chính Ngài cũng không ngần ngại giữ trống gõ nhịp và nhảy múa (khiêu vũ) với Chúa Hài Đồng trong vòng tay…. Còn một điều cuối cùng mà tôi tha thiết nói lên, vì nó cũng nằm trong cái thường ngày đó là tình thương chúng tôi dành cho những tu sĩ kỳ cựu và các người đau ốm. Họ được cộng đoàn cưng chìu trước tất cả mọi thức khác. Họ mang lại cho cộng đoàn sự khôn ngoan của họ kinh nghiệm của một cuộc sống dài lâu, tấm gương hy sinh cua lòng từ bỏ và niềm thanh thản của họ, còn các người trẻ hơn đem nguồn sinh lực còn mới nguyên phục vụ họ, chờ đến lượt mình… Các tu sĩ kỳ cựu, các tu sĩ tật bệnh của chúng tôi, chúng tôi luôn giữ hộ ở với chúng tôi cho đến cùng và bao lâu mà lợi ích, về sức khỏe hay việc điều trị không đòi buộc chúng tôi phải xa rời họ. Trong tu viện Cát Minh, người ta chết như trong gia đình, được bao quanh bởi những con người đã từng chung sống suốt cả một đời.

Tôi còn có thể kể thêm bao điều khác, mà tôi cho là thật tốt đẹp, để giúp bạn thấy được cùng chung sống huynh đệ thắm thiết với nhau quả là êm dịu nhường nào! Ồ, dĩ nhiên là không nên lý tưởng hóa! Các nam Cát Minh không phải là Thiêm Thần (tạ ơn Chúa) các nữ Cát Minh cũng không phải là những cô gái gương mẫu. Tất cả cái thường ngày tôi vừa phác họa cho bạn, không phải diễn ra mà không gặp nhiều vấp váp, mà không có những va chạm nảy lửa nho nhỏ, mà không phải “hằng trăm lần đặt lại công trình lên khung cửi”.

Bạn cũng quá hiểu rằng người ta không thể vươn tới những chân trời rực rỡ như thế mà không có những hy sinh bản thân! Con người cũ tội lỗi của tất cả chúng ta không dễ mà nhường chỗ cho con người mới, cho người con Thiên Chúa, chúng ta “cứng cổ” và không phải một sớm một chiều mà trở nên ngoan ngùy.

Nhưng phải chăng chính vì thế mà quả là một việc làm thật đẹp khi biến cái thường ngày giản đơn và tầm thường thành một cái thường ngày của hy vọng và yêu thương? Thấy nhau và biết rõ nhau đầy xấu xa ti tiện, không còn là một trở ngại nặng nề làm tê liệt, khi người ta cũng biết rằng, với những cái xấu xa ấy, Thiên Chúa cũng có thể làm nên những kỳ quan. Phải, dù bạn nghèo nàn đến đâu chăng nữa, bạn vẫn có thể cứu độ thế gian, nếu bạn biết tự đánh mất mình trong cõi lòng Thiên Chúa. Một ngày trong tu viện Cát Minh trên , trước hết mọi sự, là thế đấy.

PIERE MARIE SALINGARDES – Tu huynh Cát Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *