1. LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH
Giáo Hội dạy rằng, mọi người, tất cả mọi tín hữu dù ở bậc sống nào, dù ở hoàn cảnh nào, dù ở địa vị nào đều được mời gọi nên thánh: “Được củng cố bởi quá nhiều và những phương thế lớn lao như thế của ơn cứu độ, tất cả mọi tín hữu, bất luận hoàn cảnh và tình trạng của họ là gì, đều được Thiên Chúa mời gọi – mỗi người theo cách riêng của mình – đến với sự thiện hảo mà chính Chúa Cha là Đấng hoàn hảo” (LG 11). Được trở nên con cái của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi nên thánh vì Thiên Chúa là Đấng Thánh: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em. Vì có lời Kinh Thánh chép: ‘Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh’” (1Pr 1, 15-16). Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để nên thánh? Đâu là những phương thế, những con đường để giúp chúng ta nên thánh? Có nhiều con đường để giúp ta nên thánh. Có nhiều mẫu gương để giúp ta nên thánh. Hôm nay chúng ta chọn thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su làm mẫu gương cho chúng ta và chúng ta cùng nhau tìm hiểu về đời sống và giáo huấn của chị trong việc sống thánh thiện theo lời mời gọi của Chúa để noi gương bắt chước chị để rồi chúng ta cũng được trở nên thánh thiện như chị.
2. LÒNG KHAO KHÁT NÊN THÁNH
Để đáp lại lời mời gọi sống thánh thiện, điều kiện quan trọng đầu tiên là chúng ta phải có một lòng khao khát được nên thánh một cách lớn lao và mãnh liệt. Chúng ta phải thực sự muốn sống thánh thiện. Chúng ta phải thực sự dốc quyết và nỗ lực cố gắng để sống thánh thiện. Có lẽ điều này quá hiển nhiên. Bởi vì chẳng ai trong chúng ta muốn trở nên ma quỉ để chịu kết án sống đau khổ đời đời. Chị thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su đã thể hiện điều này trong cuộc sống của chị. Qua đời lúc chỉ mới 24 tuổi. Sống đời tu chỉ có 9 năm. Nhưng chị đã trở nên thánh và được Giáo hội tuyên phong là Tiến sĩ Hội thánh tức là thầy dạy về đường tâm linh.
Thiếu nữ Tê-rê-xa Martin, hôm trước ngày vào Dòng Kín Cát Minh, đã viết thư cho chị Agnès của mình như sau: “Em muốn nên thánh. Hôm nọ em đã đọc thấy một điều khiến em rất tâm đắc. Em không nhớ vị thánh nào đã nói điều đó, nhưng nó như thế này: “Tôi không trọn lành, nhưng tôi muốn trở nên trọn lành”. Người thiếu nữ này đã viết từ “muốn” bằng nét chữ rất lớn, và gạch bên dưới. Chị đã diễn tả cùng ý tưởng này với thân phụ: “Con sẽ cố gắng mang lại vinh quang cho cha bằng cách trở thành một vị thánh lớn”.
Sau này, khi một linh mục Dòng Tên, cha Blino, đến giảng tĩnh tâm tại Dòng Kín Cát Minh, chị đã bộc lộ với ngài niềm hy vọng suốt đời của mình: Trở thành một vị đại thánh và yêu mến Chúa nhiều như Mẹ Tê-rê-xa Avila. Vị giảng tĩnh tâm sửng sốt trước những nhận định này, xuất phát từ một nữ tu trẻ như thế. Tuy nhiên khi nhận thấy có chút kiêu hãnh và tự đắc nơi chị, ngài đã đáp lời: “Hãy tiết chế những ước vọng của con”. Và chị đã đáp lời: “Tại sao, thưa cha, Chúa Giêsu đã chẳng nói: “Hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành”?
Về sau khi đã là nữ tu, Tê-rê-xa không còn thỏa mãn với ơn gọi của mình là một nữ đan sĩ Cát Minh, một hiền thê, một người mẹ. Chị cảm thấy những nguyện vọng to lớn xem ra mâu thuẫn nhau trào dâng bên trong mình. Chị khát vọng những ơn gọi khác thường dành cho nam giới: Chị muốn trở thành một chiến sĩ, một linh mục, một phó tế, một tông đồ, một tiến sĩ Hội Thánh, một vị tử đạo.
3. CON NGƯỜI BẤT TOÀN YẾU ĐUỐI NHƯ CHÚNG TA
Vì cũng là con người bằng xương bằng thịt như chúng ta, nên thánh Tê-rê-xa HĐGS cũng có những yếu đuối bất toàn như chúng ta. Khi còn nhỏ, mẹ của chị thánh nhận xét: “Tê-rê-xa không hiền lành như Céline, trái lại có một tính nết ương bướng hầu như bất trị, khi nó nói không, thì không gì có thể làm nó nhượng bộ, dù có giam nó dưới hầm cả ngày. Cháu thà ngủ dưới đó hơn là nói có”. Vì thế sau này vào năm 22 tuổi, lúc bấy giờ là một nữ đan sĩ Cát Minh, Tê-rê-xa đã thú nhận: “Tôi bấy giờ, còn xa mới là một bé gái hoàn hảo”.
Về tính tình của mình, chị đã thốt lên như sau trước lúc qua đời: “Tính tình của tôi có nhiều điểm thật tương phản”. Vừa tư lự vừa hoạt bát, vừa trầm ngâm vừa thoải mái, vừa bướng bỉnh vừa hiền lành, chị thánh cảm nghiệm những giằng co nội tâm mãnh liệt mà những người chung quanh thường không nhận thấy. Bởi lẽ Têrêxa cũng đã từng chiều theo tính khí riêng. Chị muốn điều gì là làm ngay cho bằng được, không trì hoãn. Về điều này, mẹ chị có viết: “Hễ không bằng lòng chuyện gì là nó lăn ra đất như một kẻ thất vọng; nó tưởng rằng mọi sự đã mất sạch; có những lúc cái phản ứng ấy quá mạnh, đến nỗi nó bị nghẹt thở. Quả là một đứa bé nóng nảy!” – “Về sự hiền dịu thì nó kém xa chị Céline nó”, vẫn lời của mẹ chị, “nhất là nó cứng đầu không ai khuất phục nổi: nó mà đã nói “không” thì không gì có thể khiến nó lay chuyển; có lần mẹ đã vất nó xuống hầm rượu cả một ngày mà vẫn không khiến được nó phải thưa “vâng”; nó thà ngủ luôn trong đó chứ không chịu nhượng bộ!”
4. KINH NGHIỆM VỀ NHỮNG MẤT MÁT ĐAU KHỔ TRONG CUỘC SỐNG
Ngoài những khuyết điểm về tính cách do bản tính yếu đuối của con người, vì cũng là con người, sống kiếp con người nên bên cạnh những niềm vui, hạnh phúc, chị cũng đã trãi qua như khó khăn, thử thách, đau khổ của kiếp người như chúng ta như nhạc sĩ Trúc Phương đã diễn tả trong bài hát “Thói Đời” như sau: “Đường thương đau đày ải nhân gian ai chưa qua chưa phải là người”.
Trong số những đau khổ của kiếp nhân sinh, trước hết chị đã kinh nghiệm về sự mất mát, chia ly đặc biệt là mất đi những người thân yêu của mình. Trước hết là mất mẹ khi còn rất nhỏ. Biến cố ấy đã để lại một hệ quả tiêu cực nơi chị thánh. Chị nói về điều đó như sau: “Sau khi Mẹ qua đời, tâm tính lạc quan của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Con người tôi, vốn trước đây tràn đầy sức sống, thoải mái như thế, nay trở nên nhút nhát, trầm lặng và quá nhạy cảm. Chỉ một ánh mắt cũng đủ làm tôi khóc. Tôi chỉ hạnh phúc khi không một ai chú ý đến tôi. Có mặt người lạ, tôi không chịu được, và tôi chỉ lấy lại được sự vui tươi trong bầu khí thân mật của gia đình”. Bởi thế Tê-rê-xa “đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn, chẳng biết làm sao mà ra khỏi, bị cầm tù trong những dây tã lót của tuổi thơ”.
Tê-rê-xa tiếp tục kinh nghiệm về nỗi đau mất mát lần thứ hai khi người chị Pauline kể như là người mẹ thứ 2 của mình vào tu trong Dòng Cát Minh. Chị đã ghi lại nỗi đau đó như sau: “Điều này tựa như một lưỡi gươm đâm thâu tim tôi. Tôi chẳng biết Cát Minh là gì, nhưng tôi hiểu rằng chị Pauline sắp lìa xa tôi và vào một tu viện. Tôi hiểu rằng chị ấy sẽ chẳng chờ tôi và tôi sắp mất người mẹ thứ hai của mình! Ôi! làm sao tôi có thể diễn tả được sự khổ não trong tâm hồn mình? Trong phút chốc tôi hiểu cuộc sống là gì; cho tới lúc bấy giờ tôi đã không tưởng tượng nó có thể buồn thảm đến thế, nhưng nó đã xuất hiện với tôi trong thực tế trần trụi của nó. Tôi nhận thấy rằng cuộc đời chỉ là đau khổ và chia ly liên tục. Tôi đã đổ ra những giọt nước mắt cay đắng”. “Ôi! nơi phòng khách đan viện Cát Minh này, tôi đã đau khổ biết dường nào… Tôi phải nói rằng những nỗi khổ trước lúc chị Pauline vào Dòng chẳng là gì so với những nỗi khổ sau đó”. Ngay đến việc gặp lại chị Pauline tại phòng khách mỗi ngày thứ năm – một ân huệ Mẹ Bề Trên Đan viện dành cho gia đình Martin – cũng là nguyên do khiến Tê-rê-xa phải khổ sở. Tại nơi nghiêm nhặt này với hai lớp cửa sắt và màn che nửa giờ đồng hồ, do đồng hồ cát điểm, dường như trôi đi quá nhanh. Marie và mấy cô gái nhà Guérin nói chuyện huyên thuyên. Tê-rê-xa chỉ được hai hay ba phút ngắn ngủi vào lúc cuối. Pauline, nay là chị Agnès de Jésus, hoàn toàn bị cuốn hút trong câu chuyện, chẳng chú ý đến em gái út; chị chẳng lưu tâm đến chiếc “lúp” mới em đang mặc. Tê-rê-xa hờn dỗi rời khỏi nhà khách, nước mắt đầm đìa.
Sau đó lại thêm một nỗi đau chia ly nữa khi người chị khác là Marie vào Dòng Kín Cát Minh tại Lisieux. Tình trạng ốm yếu do dễ cảm xúc của Tê-rê-xa khiến chị không thể chịu nổi một cuộc chia ly khác nữa. Thật là quá sức chịu đựng. Chị thánh viết: “Khi tôi nghe biết chị Marie sắp ra đi, căn phòng của tôi mất hết sức lôi cuốn đối với tôi”. Có lẽ Tê-rê-xa đã ghét Nhà Kín Cát Minh vì đã lấy mất tất cả những người yêu quí nhất, gần gũi gắn bó nhất của mình; chắc hẳn chị cũng đã ghét lắm cái phòng khách tu viện, nơi mà chị đã chịu đau khổ quá nhiều trong những dịp thăm viếng.
Nhưng có lẽ mất mát và đau khổ lớn nhất là việc chứng kiến người cha của mình bị bệnh mất trí và qua đời sau một thời gian dài đau khổ. Người ta phải đưa cha của chị vào bệnh viện tâm thần và sống ở trong đó. Điều này khiến Tê-rê-xa phải rất đau khổ. “Vị Tổ phụ” khả kính đang sống với “người mất trí”. Chị thánh viết: “Em không biết rằng ngày 12 tháng hai, một tháng sau khi em mặc áo dòng, thân phụ của chúng ta phải uống chén đắng cay nhất và nhục nhã nhất của mọi chén đắng. Ngày hôm ấy, em không còn nghĩ rằng mình có thể chịu khổ hơn nữa! Lời nói không thể lột tả hết nỗi đau đớn của chúng ta”.
5. NHỮNG CÁM DỖ VÀ NHỮNG THỬ THÁCH
Ngoài ra, chị thánh Tê-rê-xa vì cũng là con người như chúng ta nên cũng chịu như cám dỗ và thử thách như chúng ta, nhất là vì một số những điều bối rối có lẽ liên quan tới sự thanh khiết. Tê-rê-xa đã lâm phải “chứng bệnh bối rối khủng khiếp. Phải trải qua cơn thử thách này mới hiểu được nó là thế nào. Thật tôi không thể nói những gì tôi đã chịu đựng trong mười tám tháng”.
Sau đó chị phải chờ đợi một thời gian 3 tháng rồi mới được vào Dòng Kín Cát Minh để thực hiện ước mơ dâng hiến của mình: “Tôi không nghĩ rằng tôi đã vô lý khi không chấp nhận một cách vui vẻ ba tháng lưu đày của mình, nhưng tôi cũng tin rằng, dù không tỏ ra như thế, nhưng cuộc thử thách này đã rất lớn và làm cho tôi trưởng thành rất nhiều trong sự phó thác và các nhân đức khác”.
Sau này nhắc lại chín tháng đầu tiên trong cuộc đời tu trì tại Đan viện Cát Minh, Chị thánh Tê-rê-xa tuyên bố rằng những bước đầu tiên của “cô dâu mười sáu tuổi bé nhỏ đã gặp nhiều gai nhọn hơn hoa hồng”. Thức ăn mới, thiếu ngủ, tình trạng lạnh lẽo, nhưng nhất là những sự sỉ nhục, những tình cảm dồn nén, những nỗi khổ của đời sống chung.
Đặc biệt vào những ngày cuối đời, Tê-rê-xa đau đớn cùng cực vì căn bệnh lao phổi của mình. Chị phải vất vả mới có thể hô hấp được. Phía bên trái của thân mình rất đau đớn và hai chân bắt đầu sưng phù. Cộng thêm vào đó là những đau đớn tinh thần, sự khổ não nội tâm do bị thử thách về đức tin về sự sống đời sau. Tất cả khiến chị phải thốt lên: “Tôi nhìn bầu trời vật lý còn bầu trời kia ngày càng đóng lại đối với tôi”. Từ hôm 19 tháng tám năm 1897 trở đi chị không được chịu lễ bởi vì chị không còn có thể tham dự nghi thức phức tạp. Một lần chị suýt bị suy sụp thần kinh. Một hôm chị đau đớn đến nỗi chị nói rằng những thứ thuốc nguy hiểm không nên để gần các bệnh nhân ốm nặng. “Tôi lấy làm ngạc nhiên rằng nhiều người vô thần không tự kết liễu đời sống của họ. Nếu tôi không có đức tin, có lẽ tôi cũng đã kết liễu cuộc đời của tôi chẳng chút do dự”.
6. BÍ QUYẾT CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Trước những yếu đuối bất toàn, những mất mát đau khổ và thử thách, chị thánh đã có thái độ, phản ứng và cách sống như thế nào để trở thành một con người thánh thiện? Ở điểm này chúng ta sẽ thấy sự khác biệt giữa chúng ta và các thánh. Cái ngài có cái nhìn và cách hành xử hoàn toàn khác chúng ta. Vì vậy nếu chúng ta muốn được trở nên thánh thiện giống như các ngài, chúng ta phải noi gương bắt chước thực hành trong đời sống hằng ngày của mình những gì các ngài đã sống.
Liệu chẳng có một phương thế tương tự để đạt tới sự thánh thiện ư? “Hỡi người bé nhỏ hãy đến với Ta” (Cn 9,4). “Các ngươi sẽ được ẵm vào lòng, được nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy”! (Is 66,12-13). Vậy bí quyết để sống thánh thiện, con đường để đạt đến sự thánh thiện của chị thánh là lao vào vòng tay yêu thương từ mẫu của Chúa để được nâng đỡ và an ủi, để được yêu thương và nhờ đó chia sẻ tình thương đó cho những người chung quanh.
Trước những yếu đuối bất toàn, chị thánh “đã tập được thói quen tốt là không bao giờ than phiền”, cho dầu khi ai đó lấy cái gì của chị, hoặc khi chị bị buộc tội cách bất công. Chị thích “giữ thinh lặng hơn là bào chữa”. Chị viết: “Tôi đã kiểm soát chặt những hành động của mình”. Và vì ý thức được những yếu đuối bất toàn của mình nên chị dễ dàng cảm thông và kiên nhẫn chịu đựng những lỗi lầm của người khác. Đó là dấu chỉ của tình yêu đích thực. Đó là chịu đựng yếu đuối lỗi lầm của người khác: “Bây giờ tôi hiểu rằng đức ái hoàn hảo hệ tại việc chịu đựng khuyết điểm của người khác, không ngạc nhiên trước sự yếu đuối của họ, trong việc biết khen ngợi những hành vi nhân đức nhỏ nhặt nhất mà chúng ta thấy họ thực hành”.
Với những mất mát, đau khổ do bệnh tật thử thách, điều giúp Tê-rê-xa vượt lên trên mọi nỗi đau là cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa: “Tình yêu thương của Chúa đã đi trước con, đã lớn lên với con, và giờ đây nó là một vực thẳm mà con không thể đo được chiều sâu của nó… Ôi Giêsu của con, có lẽ đây là một ảo tưởng, nhưng đối với con dường như Chúa không thể đổ vào một linh hồn nào nhiều tình yêu hơn tình yêu mà Chúa đã đổ đầy linh hồn con… Ở thế gian này, con không thể quan niệm được một tình yêu nào vô cùng lớn lao hơn tình yêu mà Chúa đã khấng ban cho con một cách nhưng không, CHẲNG CÓ MỘT CÔNG TRẠNG NÀO VỀ PHẦN CON”. Nhờ vậy mà, dù phải sống trong đau khổ, thử thách chị vẫn còn vui tươi và hài hước, vẫn làm thơ được. “Tôi luôn tươi vui và hạnh phúc”. Dù biết rằng mình rất mệt mỏi, nhưng chị để cho mình ngã vào vòng tay của Thiên Chúa.
Chị thánh Tê-rê-xa dùng hình ảnh thang máy để diễn tả tinh thần phó thác đơn sơ của mình vào Thiên Chúa. Cánh tay Chúa Giêsu sẽ bế chị lên những đỉnh núi thánh thiện. Chị rút kết luận khác từ chân lý kỳ diệu này. Để được bồng bế trên cánh tay của Thiên Chúa, không những ta phải ở bé nhỏ, mà còn phải trở nên bé nhỏ nữa! Và điều cần thiết là dám liều đi tới một cách tự tin, như ông Phêrô trên biển hồ Tiberia, “trên đợt sóng tin tưởng và yêu mến”. Sự bé nhỏ của Tê-rê-xa, sự bất lực của chị đã trở thành căn nguyên khiến chị vui mừng, bởi lẽ đó là cơ sở mà Tình Yêu Thương Xót có thể biểu hiện. Chị viết: “Không tỏ mình ra, không nghe được tiếng của Người… Chúa Giêsu vui lòng chỉ cho em con đường duy nhất dẫn tới lò lửa thần linh ấy, và con đường này là sự phó thác của một trẻ nhỏ đang ngủ thật bình an trong vòng tay của Cha mình”.
Kể từ hôm ấy, chị thường ký tên ở thư là “Tê-rê-xa nhỏ”. Có những người chỉ nhìn thấy ở chữ ký này một ám chỉ về vị trí của đương sự trong gia đình hay, tệ hơn, một sự màu mè văn vẻ. Đối với chị những thành ngữ “bé nhỏ, sống bé nhỏ”, từ nay sẽ quy chiếu về sự khám phá này được thực hiện vào cuối năm 1894. Điều con người không thể làm thì Thiên Chúa có khả năng thực hiện. Chỉ cần phó thác hoàn toàn cho người cha nhân lành này. Chị Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu ngày càng minh chứng chân lý về “con đường tin tưởng và yêu mến” trong cuộc sống hằng ngày của mình. Chẳng bao giờ còn gì trở lại như trước đây.
Sở dĩ chị có thể sống phó thác và trở nên nhỏ bé vì Tê-rê-xa đã khám phá chiều sâu của lòng Thương Xót. Nhờ đó chị Tê-rê-xa hiểu rõ hơn ý nghĩa của cả đời mình. Qua nhiều đau khổ khác nhau mà chị kể lại một cách chi tiết, Tê-rê-xa phát biểu rằng tình yêu không bao giờ bỏ rơi chị. Thiên Chúa chẳng bao giờ bỏ chị dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù khi thân mẫu qua đời hay khi các chị từ giã ra đi, dù trong thời gian bệnh tật, những lúc khó khăn về tình cảm hay những bối rối tâm linh, dù trong suốt thời gian thân phụ hấp hối, dù khi chị gặp những gai nhọn của những ngày đầu sống trong đan viện Cát Minh.
Nhờ đó thái độ tin tưởng phó thác của Tê-rê-xa vào Lòng thương xót của Chúa mà chị có thể yêu mến chấp nhận mọi thử thách đau khổ. Chị viết: “Đau khổ giang tay đón tôi và tôi đã gieo mình vào khổ đau với lòng yêu mến”. Và sở dĩ sự đau khổ được chấp nhận là vì Chúa Giêsu. “Hạnh phúc thay được đau khổ vì Đấng vốn đã yêu thương ta đến điên khùng, và bị coi như điên rồ dưới con mắt của thế gian… Phu quân của chúng ta đã điên rồ đến nỗi xuống trần gian tìm kiếm những kẻ tội lỗi để biến họ thành bạn hữu của mình… Hạnh phúc thay, Ngài đã trở thành người để chúng ta có thể yêu mến Ngài. Nếu Ngài đã không làm như thế, chắc hẳn chúng ta đã chẳng dám”.
Khi có thái độ và sống như thế, chị thánh đã không sa đà trong sự thương thân trách phận về những nỗi khổ của mình. Chị dâng những đau khổ của mình để cứu các linh hồn. Chị viết: “Chúng ta hãy trở nên tông đồ, nhất là chúng ta hãy cứu linh hồn của các linh mục… Hỡi ôi! có biết bao linh mục xấu, những linh mục chưa thánh thiện đủ… Chúng ta hãy cầu nguyện, chúng ta hãy chịu đau khổ vì các ngài”. Tất cả là vì tình yêu: tình yêu dành cho Chúa và cho tha nhân: “Chị Marie thân yêu, về phần em, em chẳng biết con đường nào khác để đạt tới sự trọn lành ngoài lòng yêu mến. Thật kỳ diệu biết bao, con tim của chúng ta được dựng nên để yêu mến! Đôi lúc em cố gắng tìm một từ khác để diễn tả lòng yêu mến, nhưng trên dương thế lưu đày này, lời lẽ thật là bất lực khi truyền đạt tất cả những rung động của linh hồn, và do đó em phải hài lòng với từ duy nhất này: lòng yêu mến”! Lòng yêu mến và sự phó thác cho Tình yêu và Lòng thương xót Chúa đã biến mọi sự đau khổ, mất mát trở nên nhẹ nhàng và có ý nghĩa cho cuộc sống của chị. “Không thể nghi ngờ được, vậy là đức tin và đức cậy không còn cần thiết nữa. TÌNH YÊU làm chúng ta gặp thấy trên trần gian Đấng mà chúng ta đang tìm kiếm”.
Để có được lòng yêu mến dạt dào và sự phó thác mạnh mẽ cho Tình yêu và Lòng thương xót của Chúa, Tê-rê-xa phải tìm đến trú ẩn lâu giờ trước Bí tích Thánh Thể. Nơi đây chị gặp “người Bạn duy nhất của mình”. “Em thấy điều em đã tin. Em chiếm hữu điều em đã hy vọng. Em kết hợp với Đấng mà em đã yêu mến với tất cả sức mạnh của tình yêu của em”.
7. CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI KHÁC ĐẶC BIỆT LÀ TỘI NHÂN
“Ôi! Céline, chúng ta chớ quên các linh hồn, nhưng hãy quên mình vì các linh hồn”.
Tội nhân đầu tiên mà chị thánh cầu nguyện cho là Henri Pranzini, 30 tuổi, sinh tại Alexandria. Anh ta là người đã giết hai phụ nữ và một thiếu nữ tại Paris. Tội ác giết chết cùng lúc ba mạng người này đã lôi cuốn sự chú ý của công chúng. Sau khi bị bắt và buộc tội, anh ta liên tiếp phủ nhận những lời buộc tội. Một cách tự tin anh ta đối đầu với các nhân chứng và thẩm phán. Tất cả báo chí tại Pháp và hải ngoại đã theo dõi vụ án này kéo dài từ tháng ba tới tháng sáu và đã đưa ra những chi tiết đê tiện nhất. Sau một thời gian xét xử, Pranzini bị kết án tử hình.
Tê-rê-xa đã nghe tin về kẻ tội phạm này. Chị chỉ có một ước ao: cứu linh hồn anh ta. Khi tất cả báo chí – kể cả tờ La Croix – đều chỉ nói tới “tên đồi bại ghê rợn”, “ác quỷ” hay “kẻ hung ác cực kỳ xấu xa”, thì chị thiếu nữ thành Lisieux coi phạm nhân như đứa con đầu lòng của mình. Chị đã cầu nguyện cho người này; chị đã gia tăng những hy sinh và yêu cầu Céline xin lễ cầu nguyện cho anh ta, mà không nói cho chị mình biết ý chỉ! Cuối cùng Céline cũng biết được bí mật của em mình và cả hai đã hợp sức lại.
“Tôi đã xác tín tận thâm tâm rằng những ước nguyện của chúng tôi sẽ được đoái nhậm; nhưng để cho mình can đảm tiếp tục cầu nguyện cho các kẻ tội lỗi, tôi thưa với Chúa tôi tin chắc rằng Ngài sẽ tha thứ cho Pranzini bất hạnh đáng thương và tôi tin điều ấy cho dù anh ta không xưng tội hay tỏ dấu sám hối. Tôi đã tin tưởng như thế vào lòng nhân từ vô cùng của Chúa Giêsu, nhưng tôi vẫn xin một “dấu chỉ” sám hối, chỉ để an ủi mình”.
Cho đến gần phút cuối, Pranzini vẫn phản đối về sự vô tội của mình trước lưỡi gươm của máy chém và đã từ chối các phép sau hết của linh mục Faure, Tuyên úy nhà tù. Tuy nhiên, vào phút chót, anh ta đã xin cho được cây thánh giá và hôn kính hai lần trước khi chết.
Ngày hôm sau, bất chấp quyết định không đọc báo của Bố, Tê-rê-xa mở tờ La Croix và đọc bài tường thuật về cái chết của Pranzini. Chị đã phải giấu những giọt nước mắt của mình. Lời cầu nguyện của chị đã được “chuẩn nhận theo từng chữ”! Dấu chỉ mà chị cầu xin đã được ban cho. Điều này đáp ứng đúng với ân huệ mà Chúa Giêsu đã ban cho chị để động viên chị cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi. Pranzini đã hôn những vết thương của Chúa Giêsu bị đóng đinh mà Máu của Ngài Tê-rê-xa muốn đón lấy cho cả thế giới.
“Ân huệ độc đáo” này đã làm tăng thêm sự cương quyết vào Dòng Cát Minh của Tê-rê-xa: cầu nguyện và hiến đời mình cho những kẻ tội lỗi. Nếu Chúa đã ban cho chị Pranzini như đứa con đầu lòng, thì chính là để chị sẽ có rất nhiều đứa con khác nữa.
Vì thế, trước khi qua đời, Tê-rê-xa khao khát cầu nguyện cho ơn cứu rỗi của các linh hồn. Tê-rê-xa viết cho cha Roulland ở Trung Hoa: “Em muốn cứu các linh hồn và muốn quên mình vì họ – Em muốn cứu các linh hồn cả sau khi em chết”.
8. TÌNH YÊU DÀNH CHO THA NHÂN
Ngoài tình yêu đặc biệt dành cho các tội nhân, Tê-rê-xa còn dành một tình yêu đặc biệt dành cho các linh mục để cầu nguyện cho họ như chị đã tuyên bố: “Tôi vào dòng Cát Minh là để cầu nguyện cho các linh hồn và các linh mục”. Ngoài ra Tê-rê-xa còn dành một lòng yêu mến đặc biệt dành cho những người thân trong gia đình, cách riêng là cho người bố của mình. Chị viết: “Tôi không thể nói được tôi yêu cha tôi dường nào, mọi sự nơi người đều làm cho tôi yêu mến người”. “Lạy Thiên Chúa, con cầu xin Chúa, cho thân phụ con được lành bệnh nếu đó là thánh ý của Chúa”!
9. KẾT LUẬN
Cuộc đời của thánh nữ Tê-rê-xa cho chúng ta thấy rằng các thánh cũng là những con người như chúng ta. Họ cũng phải chiến đấu với những yếu đuối bất toàn của bản tính con người. Họ cũng trải qua những đau thương, mất mát trong cuộc đời. Tuy nhiên qua mẫu gương của chị thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, chúng ta khám phá ra rằng những tật nguyền về cảm xúc, những bệnh tật khác nhau, những mất mát đau khổ trong cuộc sống không gì có thể tách họ ra khỏi Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Nhờ “tình yêu táo bạo”, nhờ “lòng can đảm sáng chói” của chị, thánh nữ đã xua tan mọi sợ hãi để sống và chết cho Tình Yêu trong một cuộc sống rất đỗi bình thường. Với các thánh, mỗi ngày một lần nữa lại trở thành môi trường có thể phát triển sự thánh thiện. Lạy Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su xin cầu cho chúng con!
Lm Fx Nguyễn Quách Tiến, OCD
Viết theo Truyện Một Cuộc Đời
Của Guy Gaucher