Đường lên núi Cát Minh – Thánh Gioan Thánh Giá
Đường lên đỉnh Cát Minh bao gồm 3 quyển(phần):
Dẫn vào “ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH”
I. ĐỈNH CAO NHẮM ĐẾN
Những dòng đầu tiên của lời phi lộ đã cho ta thấy rõ mục tiêu mà thánh Gioan Thánh Giá muốn dẫn đưa các độc giả ngài đến, đó là “đạt tới ánh sáng thần linh của việc nên một trọn vẹn với Thiên Chúa trong tình yêu như người ta có thể có được ở đời này”. Dọc dài tác phẩm, thánh nhân sẽ dùng nhiều nét khác nhau để xác định bản chất của mục tiêu ấy: “linh hồn được kết hiệp nên một với Thiên Chúa và được biến đổi nhờ tình yêu”.
Những chiều sâu thẳm của sự biến đổi ấy sẽ được thánh nhân phân tích với những tư tưởng cũng như từ ngữ diễn tả rất chính xác. Ngài không bỏ sót điều gì trong những điểm quan trọng chính yếu của mục tiêu ấy: Ân sủng có năng lực đồng hóa tới mức nào, tình yêu có khả năng làm cho đôi bên trở nên giống nhau, bất chấp những trở ngại được mô tả cách bình thản, cũng như những cấp độ khác nhau dành cho các linh hồn…
Cũng không được hấp tấp biến việc kết hiệp nên một với Thiên Chúa nhờ tình yêu thành một định đề toán học. Không được đưa sự chính xác máy móc của các quy luật vật lý vào lãnh vực tâm linh. Việc kết hiệp nên một với Thiên Chúa nhờ tình yêu nói đây tự bản chất có tính tương đối, nó tùy thuộc vào các khả năng của mỗi linh hồn.
Đọc kỹ thánh Gioan Thánh Giá, ta sẽ thấy ngài muốn hiểu rằng ẩn sau một cách diễn tả đồng bộ nào đó, sự kết hiệp nên một ấy được thể hiện rất đa dạng.
Xét trong cốt yếu, mục tiêu ấy vẫn là một đối với mọi người. Mặc dù Thánh Gioan Thánh Giá vẫn thường đề cập đến những mức độ khác nhau trong việc thực hiện mục tiêu ấy, khi ám chỉ đến những linh hồn thiếu lòng quảng đại, ngài đau đớn ghi nhận rằng số linh hồn đạt đến tầm vóc trưởng thành thật ít ỏi, thế nhưng ngài không bao giờ nêu ra một mục tiêu nào khác, bởi lẽ, làm sao tìm thấy nơi Tin mừng một thứ mục tiêu khác?
Đường Lên Núi Cát Minh thường xuyên nhắc đến mục tiêu ấy như một luận chứng cho nên, mặc dù xét bề ngoài tác phẩm có vẻ lý thuyết nhưng thực ra nó là một tác phẩm nêu bật kiến thức thực hành. Để trở thành một nhà siêu hình học sành sỏi, trước tiên thánh Gioan Thánh Giá đã là một nhà thực hành có tầm cỡ.
Trong quyển Dẫn vào Đường Lên Núi Cát Minh[1], cha Giêrađô đã nêu bật việc thánh Gioan Thánh Giá không ngừng nhắc nhở độc giả hướng mắt nhìn lên đỉnh cao hoàn thiện. Phải nói thêm rằng đây không phải là phương thế giả tạo vay mượn ở thuật hùng biện mà là một hệ luận hết sức quan trọng nơi tác phẩm của vị tiến sĩ huyền giao. Ta cảm nhận được sức sinh động của mục tiêu phải đạt đến trên mọi trang sách. Cả khi không được nêu rõ, mục tiêu ấy vẫn có ảnh hưởng lớn vì độc giả vẫn có thể dễ dàng đoán ra được. Cấu trúc chung của tác phẩm Thánh Gioan Thánh Giá, bố cục ngài chọn, cách phân đoạn và phương pháp của ngài trong đó có thể có phần hoạt động cá nhân, cũng như thái độ thánh nhân khuyến cáo chúng ta khi đã vượt khỏi tình trạng cam chịu, tất cả đều được trực tiếp dẫn dắt do sự tìm kiếm hiệp nhất với Thiên Chúa nhờ tình yêu. Có lẽ chính nhờ đó mà những trang sách được viết ra trong mối bận tâm duy nhất này mang sắc thái một cái gì tuyệt đối, một dáng vẻ trinh nguyên.
Tình yêu là điểm đến sẽ hoàn tất sự giống nhau giữa đôi bên và thực hiện sự kết hiệp nên một. Tuy nhiên, tình yêu cũng là phương tiện. Tình yêu hiện diện ngay từ khởi điểm. Tổng hợp của tư tưởng thánh Gioan Thánh Giá sẽ được thực hiện xoay quanh khái niệm tình yêu, nếu không, nó sẽ bị méo mó. Như thế, không hề có nghĩa là xem thường những dữ liệu trí thức chàng sinh viên từng học hành đàng hoàng ở Salamanca gặt hái được, nhưng chính là để nhấn mạnh chỗ đứng ưu tiên của tình yêu, cả trong việc xác định mục tiêu cũng như việc lựa chọn các phương tiện.
Dưới ngòi bút Thánh Gioan Thánh Giá, có một từ thường được dùng vừa để chỉ mục tiêu vừa để chỉ phương tiện, đó là từ chiêm niệm. Chúng ta chớ lầm lẫn! Cũng như từ nguyện ngắm đối vơí thánh nữ Têrêxa Avila, từ chiêm niệm đối với thánh Gioan Thánh Giá là môt từ đặc biệt phong phú với nội dung bao gồm tất cả toàn bộ tương quan của linh hồn với Thiên Chúa. Đây không phải là một cuộc thao luyện. Theo mẹ thánh Têrêxa, toàn bộ đời sống phải được đưa vào nguyện ngắm. Cũng thế, với thánh Gioan Thánh Giá, toàn bộ đời sống phải được đưa vào chiêm niệm. Người ta ghi nhận rất đúng rằng nơi các tác phẩm của thánh Gioan Thánh Giá những từ ngữ khác nhau: chiêm niệm, nên một với Thiên Chúa và sự hoàn thiện, trong thực tế có ý nghĩa tương đương. Việc chiêm niệm mà thánh Gioan Thánh Giá hướng dẫn môn đệ không phải là kết quả của một hoạt động thuần túy trí tuệ hoặc một thái độ hoàn toàn duy trí thức mà là sự thấu suốt của một tình yêu hiến dâng tất cả cho Đức Tình Quân để từ đó kết hiệp nên một với Ngài trong đức tin không gì ngăn trở.
II. NẺO HOÀN THIỆN
Có hai tác phẩm nhắm mô tả chủ yếu về cuộc hành trình thường là đau đớn của linh hồn đang tiến bước về đỉnh cao hiệp nhất là Đường Lên Núi Cát Minh và Đêm Dày. Đó là hai tác phẩm bổ sung nhắm đến cùng một lộ trình. Tác phẩm đầu mô tả vai trò chủ động của linh hồn, và những sáng kiến, kể cả những “sáng tạo” của nó (1Lên 14) – theo nghĩa thường dùng trong ngôn ngữ tình yêu. Linh hồn đóng vai chủ động khi nó nỗ lực tự một mình mình bước lấy những bước đầu trên con đường lởm chởm dẫn đến đỉnh núi Hoàn Thiện. Linh hồn cũng còn chủ động khi phải thực hành một sự khổ hạnh tinh tế hơn, đang khi ảnh hưởng của ân sủng, vượt khỏi mọi sáng kiến cá nhân và không còn theo bất cứ con đường nào đã vạch sẵn, vẫn đang mạnh mẽ lôi kéo nó tiến về đỉnh cao duy nhất. Tác phẩm sau mang tựa đề Đêm Dày nêu rõ sáng kiến của Thiên Chúa đến tiếp trợ sự bất lực của linh hồn. Cho dù thiện chí và những nỗ lực của linh hồn có thế nào đi nữa, sáng kiến này vẫn cần thiết. Sáng kiến này đánh dấu một sự thay đổi về nguyên lý và quy tắc trên những bước tiến tâm linh. Dầu vậy, sáng kiến của Thiên Chúa vẫn không loại trừ mọi phản ứng cũng như mọi sự chuẩn bị từ phía linh hồn. Và sẽ cứ như vậy cho đến tận đỉnh cao của đời sống tâm linh được mô tả trong Ca Khúc Tâm Linh và Ngọn Lửa Tình Nồng.
Nếu muốn minh họa cụ thể hoạt động hai chiều trên lộ trình tâm linh mà thánh Gioan Thánh Giá mô tả (dưới khía cạnh chủ động và dưới khía cạnh thụ động), ta có thể kẻ một đường thẳng từ dưới lên tượng trưng vai trò cá nhân trong hoạt động của linh hồn. Rồi từ một điểm nào đó trên đường thẳng này, vẽ một cung tròn tách ra từ đường thẳng ấy và sẽ gặp lại đường thẳng ấy tại đỉnh, để biểu thị sáng kiến của Thiên Chúa.
Ở đầu đời sống tâm linh, phần lớn thời gian một mình linh hồn chuyên cần cố gắng theo cung cách của “con cái loài người”. Ít ra là ơn thường sủng đang giúp linh hồn hoạt động tạo cho linh hồn ấn tượng ấy. Đó là giai đoạn khổ hạnh thuần túy. Không bao lâu sau đó, sớm hoặc muộn tùy theo mức quảng đại linh hồn đã chấp nhận vì Thiên Chúa mà lột bỏ tất cả những gì không phải là Thiên Chúa. Linh hồn sẽ cảm nhận được ảnh hưởng của Thiên Chúa song song với hoạt động riêng của mình. Đường Lên bắt đầu trước Đêm Dày. Xét theo góc độ thời gian, có sự chênh lệch ở điểm khởi hành. Kế đó, cả hai tác phẩm trình bày những tình trạng rõ là xảy ra cùng lúc. Giữa hai cách mô tả rất thường có sự đồng điệu. Không phải đêm giác quan được xem xét dưới khía cạnh chủ động (trong Đường Lên) tương ứng với đêm giác quan được nhắm đến dưới khía cạnh thụ động (trong Đêm Dày), nhưng là mỗi điểm trên lộ trình được mô tả trong Đêm Dày đòi phải có một thái độ được trình bày trong Đường Lên vào lúc này hoặc lúc khác của lộ trình.
Như thế, có cần phải nói dài dòng rằng hai tác phẩm ấy không thể tách rời nhau chăng? Những luận chứng tuyệt vời được trưng dẫn ra chứng tỏ rằng trong tư tưởng thánh Gioan Thánh Giá, hai tác phẩm ấy kết thành một tác phẩm duy nhất. Trong dự phóng ban đầu của tác giả, tác phẩm ấy được chia ra làm hai phần chính yếu. Tác phẩm mà chúng ta gọi vắn tắt là Đêm Dày đã được chính thánh Gioan Thánh Giá gọi rõ là: Đêm Dày của Đường Lên Núi Cát Minh[2]. Vì lẽ đó, sự kiện hai tác phẩm có những phân đoạn chính giống nhau, là chuyện bình thường.
Đêm theo Thánh Gioan Thánh Giá có nghĩa là từ bỏ các sự vật, một cách tự nguyện hoặc thụ động hứng chịu. Đêm theo nghĩa ấy trước hết được thực hiện nơi phần khả giác của con người: do đó mà có đêm giác quan chủ động hay chủ ý (và song song là đêm giác quan thụ động hay thuận tình); kế đó là nơi phần tâm linh, tức là đêm tâm linh chủ động (và thụ động).
Có thể diễn tả bằng đồ hình sau:
Xét riêng theo tác phẩm Đường Lên có hai phần chính mà phần thứ hai (đêm tâm linh) được chia nhỏ dựa theo ba quan năng của linh hồn: Trí hiểu, dạ nhớ[3] và lòng muốn (ý chí).
Từ đó, chúng ta có lược đồ sau đây:
Quyển I: Đêm giác quan.
Quyển II: Đêm tâm linh: Đêm của trí hiểu.
Quyển III: Đêm tâm linh: Đêm của dạ nhớ (Ch I – XIV).
Đêm của lòng muốn (Ch XV – hết).
Lời mở đầu rõ ràng là viết chung cho cả Đường Lên lẫn Đêm Dày bởi lẽ, Đêm Dày là tác phẩm duy nhất của thánh Gioan thánh giá không có lời mở đầu. Đó là điều hợp lý vì như chúng tôi đã nói, Đêm Dày đứng một mình thì tự nó sẽ không đầy đủ. Nó chỉ là một phần của tác phẩm toàn bộ là Đường Lên – Đêm Dày; thậm chí nhiều điểm trong lời mở đầu của Đường Lên chỉ phù hợp với Đêm Dày.
Trong quyển I của tác phẩm Đường Lên Núi Cát Minh, phải lưu ý tới một nhận xét tương tự. Hai chương đầu tiên là những chương chung cho toàn bộ Đường Lên – Đêm Dày. Chúng đưa ra những nguyên tắc chung và những định nghĩa sẽ được dùng như nhau trong cả hai tác phẩm.
Tiếp đó, tác giả bàn về đêm giác quan. Tuy nhiên mười chương tiếp theo có thể dùng để chuẩn bị cả cho đêm thuận tình lẫn đêm chủ ý. Chúng dệt nên những điều phải biết trước trong học thuyết thánh Gioan Thánh Giá về những mê thích khả giác.
Nếu nói một cách khắt khe, đêm giác quan chỉ bắt đầu ở chương XIII. Đọc kĩ phần đầu của chương này đủ thấy rằng chỉ sau khi đã đưa ra những chỉ dẫn có giá trị đối với đêm chủ động lẫn đêm thụ động, thánh Gioan Thánh Giá mới thật sự chuyển hướng và tập trung hẳn vào đêm chủ động. Ba chương ngắn gọn và tuyệt vời đủ để trình bày tất cả tư tưởng của thánh nhân về chủ đề ấy.
Những phần khác trong tác phẩm Đường Lên không mấy khó khăn. Nơi đêm tâm linh, thánh nhân tuần tự bàn về những từ bỏ phải thực hiện đối với trí hiểu, dạ nhớ và cuối cùng là đối với lòng muốn. Phần cuối cùng này vẫn chưa hoàn tất.
III. ĐÊM GIÁC QUAN
Muốn nghiên cứu rốt ráo đêm giác quan không thể chỉ dừng lại với quyển I của Đường Lên bởi lẽ phần cảm tính chỉ có thể gây trở ngại cho việc nên một với Thiên Chúa trong mức độ nó bị lòng muốn điều khiển. Rõ ràng là phần cảm tính ấy sẽ chỉ thật sự được thanh luyện vào lúc lòng muốn được thanh luyện. Vì thế, muốn cho việc nghiên cứu đêm giác quan được trọn vẹn, người ta phải vay mượn nhiều điểm liên quan nơi những phần khác của tác phẩm Đường Lên.
Đêm giác quan chủ động là công việc tiêu biểu của những người mới bắt đầu trên đường tâm linh. Trong thuật ngữ của thánh Gioan Thánh Giá, điều chủ yếu nơi người mới bắt đầu là việc người ấy còn phải dùng tới suy niệm (1Đêm 1). Như thế, cụm từ mới bắt đầu ở đây không nhất thiết mang ý nghĩa thời gian nhưng là phẩm chất. Người ta có thể kéo lê tình trạng mới bắt đầu suốt cả đời. Trong thực tế người ta có thể bỏ qua giai đoạn này, ít là nơi những gì liên quan tới việc dùng phương pháp suy niệm. Tuy nhiên người ta không bao giờ có thể tự chước miễn khỏi trải qua đêm giác quan chủ động. Ai cũng phải ra sức hãm dẹp con người khả giác của mình nếu như nó gây trở ngại cho việc kết hiệp nên một với Thiên Chúa. Bản chất và mức độ độc hại của những mê thích khả giác khác nhau được thánh nhân sáng suốt phân tích chi tiết, đôi khi thật gay gắt.
Trái với những gì người ta thường nghĩ, nơi thánh Gioan có đủ tất cả những yếu tố cần thiết cho việc đào sâu suy niệm. Chắc hẳn thánh nhân không lên lớp để nói về vấn đề này. Tuy nhiên, theo chứng từ của José de Jésus-Marie (Quiroga), Thánh Gioan Thánh Giá vốn rất xuất sắc trong việc hướng dẫn các tập sinh thực hành suy niệm để đưa họ tới chiêm niệm cách vững chắc, nên ngài đã không quên đưa ra những chỉ dẫn rất hữu ích cho vấn đề ấy.
Chủ đề thông thường của suy niệm là đời sống Đức Kitô (1Lên 13), vận hành tâm lý tiêu biểu của suy niệm (khởi đi từ công việc của trí tưởng tượng, kiến trúc của trí tuệ đưa đến một thái độ trìu mến kéo dài lâu hay mau), sự cần thiết của việc suy niệm ấy, cách thức đơn giản hóa việc suy niệm hoặc hướng suy niệm về một cái nhìn đơn giản nội tâm trìu mến, thời điểm khó khăn khi phải chuyển từ cố gắng bản thân sang tình trạng hầu như hoàn toàn bị Thiên Chúa “chi phối”… vân vân và vân vân… tất cả những điều ấy đều được ghi nhận với kinh nghiệm của một nhà tâm lý có cái nhìn sáng suốt và luôn nhân hậu. Nhờ đó, người ta đã có thể tránh cho các linh hồn biết bao sự vụng về và đau khổ!
Một bản văn quan trọng của tác phẩm Đường Lên (2Lên 29) được các bản văn khác triển khai, cho thấy thánh Gioan Thánh Giá cũng đã biết đến việc suy niệm thuần trí thức hoặc triết học. Nếu nhờ kinh nghiệm, ngài biết rằng việc suy niệm thường vận dụng trí tuệ và đương nhiên có trí tưởng tượng nhúng vào (mà mỗi người có thể tùy ý giản lược vào cách diễn tả đơn giản nhất của mình) thì ngài cũng biết rằng lắm người, sống động và tinh tế hơn, thực tế đã đi đến chỗ thoát khỏi hoạt động của các tài năng bên trong để hài lòng với một thứ sắp xếp các khái niệm và dễ rơi vào ảo tưởng. Thế nhưng tất cả điều đó, dù được làm cho tinh tế hơn tới hàng trăm lần thì cũng chỉ là công việc của con người và phải dừng lại để Thiên Chúa có thể thực hiện công trình của Ngài trong linh hồn.
Đối với vị tiến sĩ huyền giao, sở dĩ có suy niệm chính là để hướng linh hồn đến chiêm niệm. Ngài đã chỉ đề cập tới suy niệm khi bàn về chiêm niệm. Không gì nghịch lý khi nói rằng suy niệm theo thánh Gioan thánh giá có tính chiêm niệm cũng tựa như nói rằng việc khổ hạnh của thánh nhân có tính chất huyền giao. Nói chính xác là phải nói như thế.
Quả thật, nếu như suy niệm đối với thánh Gioan Thánh Giá chủ yếu hướng về chiêm niệm thì sự khổ hạnh được mô tả trong đêm giác quan chủ động cốt yếu hướng về huyền giao. Đó là điều đem lại cho khổ hạnh của ngài một tính chất riêng, tạo nên nét độc đáo sâu sắc nơi những trang đầu tác phẩm Đường Lên mà một cái nhìn hời hợt vẫn tưởng là thứ khổ hạnh cổ điển không hơn không kém.
Người ta có thể viết rằng: “Đối với một người như thánh Gioan Thánh Giá, những quy tắc về khổ hạnh sẽ mang tính huyền giao chứ không hẳn là khổ hạnh”[4]. Những quy tắc ấy mang tính huyền giao vì tự bên trong vốn hướng về sự kết hiệp nên một với Thiên Chúa nhờ tình yêu. Chúng mang tính huyền giao nhờ cái động lực kì lạ làm sống lên những trang viết đáng sợ và cháy bỏng của chương XIII, quyển I Đường Lên Núi Cát Minh.
Những quy tắc ấy còn mang tính huyền giao nhờ bởi chính cơ cấu của chúng, cơ cấu mà đêm chủ động của lòng muốn sẽ diễn tả rõ, tuy nhiên, các chương XIII và XIV cũng đủ sáng tỏ để chúng ta có thể nói ngay đôi điều về cơ cấu ấy. Khi bàn về sự mê thích các thụ tạo mà lòng muốn của con người thường vướng phải, thường “vẫn háo hức để hưởng thụ cho được”, thánh nhân đã viết rằng để chiến thắng thứ tình yêu và quyến luyến ấy, cần phải có “một sự háo hức khác lớn hơn, một thứ tình yêu khác tốt hơn” (1Lên 14).
Ở đó không chỉ kinh nghiệm riêng của một linh hồn đang lúc cuồng nhiệt cách tự nhiên, cũng không phải là một lúc vuột khỏi suy luận nhưng chính là sự dạy bảo rõ ràng đầu tiên về chỗ cốt lõi của khổ hạnh theo thánh Gioan Thánh Giá, khổ hạnh đối với các giác quan cũng như đối với lòng muốn. Tự nhiên ở đây ta thấy không nên dùng hai chữ phương pháp. Thay vào đó dùng từ cung cách (hay phương thức) có lẽ thích hợp hơn. Đây là từ mà một vị tu sĩ sau một thời gian dài tiếp xúc với thánh Gioan Thánh Giá đã dùng khi viết lại những kỉ niệm về thánh nhân[5]. Cung cách ấy ta cũng gặp được nơi thánh Phanxicô Salêsiô và nhiều vị khác không phải như một bản trình bày lý thuyết nhưng như những ví dụ cụ thể. Đó là cung cách để phản ứng khi “bị cám dỗ hoặc phải đối diện với một sự từ bỏ. Cung cách ấy không phải là chạy đến với những lập luận nằm trên cùng bình diện với cám dỗ (chẳng hạn lợi ích của các nhân đức cần thủ đắc, nguy cơ nhượng bộ cho những tính xấu đang đe dọa vv và vv…) nhưng là biến tình yêu và duy chỉ tình yêu thành phương thế, không phải để chống lại cám dỗ nhưng để vượt thắng cám dỗ”. Tất cả sự hữu hiệu của cung cách phản ứng ấy không cốt ở chỗ dùng sức để hành động nhưng ở chỗ chuyển đổi hoạt động của linh hồn, hút lấy cả linh hồn chỉ trong một động tác.
Thay vì lập luận chống lại cách vất vả và chỉ hiệu quả phần nào, linh hồn liền vỗ cánh bay thẳng lên cùng Thiên Chúa đang hiện diện trong nó, để nói với Ngài rằng nó yêu Ngài. Linh hồn gạt qua một bên cả sự cám dỗ lẫn những sự ưng theo không dám thú nhận mà người ta thường phải nghĩ đến, dù là để chống lại. Hành động yêu thương xuất thần này được thánh nhân diễn tả bằng một từ ngữ có vẻ hơi mộc mạc nhưng đầy gợi ý, đó là sự cất cánh vút bay của loài chim khi vừa bị người ta quăng lưới bắt. Thánh Kinh nói rằng quăng lưới trước những loài có cánh là một việc rất vô ích. Cũng thế, cám dỗ không thể làm hại một linh hồn đang mải miết nói lời yêu thương với Bạn Tình duy nhất. Thánh vịnh có viết: “Non accedet ad te malum”. Nghĩa là “nguy hiểm sẽ không đến với bạn”, một khi bạn kết hiệp nên một với Thiên Chúa.
Chúng ta nên đọc phần mô tả đầy đủ về cung cách phản ứng ấy mà cha Élisée Các Thánh Tử Đạo ghi lại cho chúng ta[6]. Ngay từ đêm giác quan, ta đã thấy cung cách phản ứng ấy thật quan trọng và cần thiết. Và rồi nó sẽ được áp dụng thường xuyên, nhất là nơi đêm của lòng muốn.
Cung cách phản ứng ấy đem lại lí do sâu xa khiến tất cả những ai viết về sự khổ hạnh theo thánh Gioan Thánh Giá đều thường khẳng định rằng: Mặc dù vẻ nghiêm khắc bề ngoài có thể làm người ta tưởng rằng có một thứ bi quan nào đó nơi vị tiến sĩ huyền giao nhưng đúng ra, khi thực hành việc khổ hạnh thống thiết ấy, không hề có chuyện phá hủy bất cứ điều gì nơi con người khả giác của chúng ta. Không hề có chuyện tiêu hủy bất cứ một khả năng vật lý nào của phần cảm giác nhưng chỉ loại bỏ mọi sự cố ý ưng theo một cách ích kỷ nơi một hoạt động khả giác mà trong nhiều trường hợp chúng ta không có khả năng loại bỏ.
Thánh nhân chỉ không muốn cho người ta quá “tha thiết”, “quyến luyến”, “say đắm”, “ham”, “mê thích” nhìn, cảm, nghe, đụng chạm…. Tức là ngài không có ý phá bỏ phần nhỏ nào của con người chúng ta vì tự thân các phần ấy đều tốt lành, bởi chúng đều được Thiên Chúa tạo nên (1Lên 9), hoặc phần nhỏ nào của những sự vật ngoại giới – “tự chúng là tốt lành” (2Lên 17) – nhưng điều thánh nhân muốn phá bỏ chính là việc cố ý quyến luyến, sự hưởng thụ dễ dãi và vô độ những sự vật bên ngoài mà giác quan ta cảm nhận.
Cần phải đọc đêm giác quan chủ động và phần còn lại của “Đường Lên” với mối bận tâm ấy, nếu không sẽ hiểu sai tư tưởng của thánh nhân. “Kẻ nào muốn yêu chuộng điều gì khác cùng lúc với yêu Thiên Chúa là đã coi thường Thiên Chúa” (1Lên 5). Đó là lý do tại sao “tác hại chính yếu đầu tiên mà các mê thích gây ra cho linh hồn, tức là sự chống lại Thần Khí của Thiên Chúa” (1Lên 6), loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi linh hồn.
Như thế, mục đích thánh nhân đeo đuổi, cách phản ứng dẫn đưa các linh hồn đến đó, lại chẳng nằm gọn trong những câu ấy sao? Dường như ở đây chúng ta chạm đến một khái niệm chủ yếu cho toàn bộ tác phẩm của thánh nhân.
Điều cho thấy cách giải thích tích cực về khổ hạnh theo thánh Gioan Thánh Giá như thế là xác đáng, chính là cái mục tiêu mà sự khổ hạnh ấy hướng tới. Chẳng những không hề có vấn đề phá bỏ những năng lực của phần cảm giác, nhưng còn khám phá ra ở đó một sự hiểu biết về các sự vật khả giác và một sự vui hưởng các thụ tạo, một sự vui hưởng vốn là một thực tế của phần cảm giác từ nay đã được thanh luyện. Dường như người ta có thể nói đến một sự tinh lọc của phần cảm giác. Linh hồn khám phá những điều tinh vi tế nhị mà cho tới lúc đó nó chưa hề nghĩ mình có, chẳng hạn những cách thức mới mẻ và tế nhị hơn trong sự thụ hưởng, khổ đau và yêu mến. Khi bàn đến không những sự hiểu biết Thiên Chúa nơi chính Ngài mà cả đến những sự hiểu biết về mọi thụ tạo trong Thiên Chúa, linh hồn nói rằng: “Bạn tình của nó là bản hòa âm thinh lặng ấy, bởi lẽ khúc nhạc tâm linh ấy được nhận biết và thưởng thức nơi Ngài” (Ca 15). Sự hòa điệu ấy đang do hết thảy mọi thụ tạo dệt nên được linh hồn nhận ra bản giao hưởng nơi Thiên Chúa, tựa như khúc nhạc của “nhiều nhạc sĩ cùng chơi với thứ nhạc cụ riêng biệt” (Ca 15). Ở phần cuối của Ca Khúc Tâm Linh khi diễn tả ước muốn được hiểu biết rừng cây với những vẻ duyên dáng của nó, như một “điều hết sức thú vị” (Ca 39) linh hồn xin cho được hiểu biết về các loài thụ tạo theo cách ấy. Câu thơ cuối cùng của Ca Khúc Tâm Linh đã “chẳng chỉ ra phần cảm giác của linh hồn đã được thanh luyện và một cách nào đó đã được tâm linh hóa hiện đang lắng đọng để “tham dự và thưởng thức” theo cách của nó, những điều cao cả thiêng liêng mà Thiên Chúa ban cho tinh thần? (Ca 40).
Chúng tôi muốn nhấn mạnh hơn đến phần đầu này của tác phẩm Đường Lên Núi Cát Minh. Thường thì nó dễ bị hiểu sai và dễ gây bối rối cho một số độc giả, thế nhưng đó lại là phần quan trọng và tiêu biểu. Hiểu được điều ấy trong chiều sâu rất giàu sức sống của nó, chúng ta có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa phần còn lại của tác phẩm thánh Gioan Thánh Giá và sẽ không cần phải diễn giải dài dòng.
IV. ĐÊM TRÍ HIỂU
Toàn bộ đêm chủ động của trí hiểu đặt trên khái niệm đức tin. Với đầu óc cực kỳ tổng hợp của thánh Gioan Thánh Giá, tất cả được tóm tắt trong một cái nhìn rõ về bản chất của đức tin, dựa vào mục tiêu đức tin nhắm đến là sự kết hiệp nên một với Thiên Chúa. Thế mà đức tin lại là sự lãnh hội sự thật về Thiên Chúa trong bóng tối. Điều đức tin giúp chúng ta đạt đến, chính là thực tại về Thiên Chúa. Trong một ý nghĩa nào đó, chẳng hệ gì nếu ta dùng những từ ngữ nhân loại để diễn tả điều không thể diễn tả… Cũng chẳng hệ gì nếu đôi khi chúng ta phải vất vả sắp xếp các khái niệm phàm nhân để gắng hết sức mà diễn tả điều đức tin muốn nói với chúng ta về sự sống của Thiên Chúa. Bởi lẽ dù cách nhận biết của chúng ta có què cụt đến đâu, đức tin vẫn giúp chúng ta đạt đến sự sống thân mật với Thiên Chúa.
Thiên Chúa được chúng ta tin ở trần gian cũng chính là Thiên Chúa chúng ta sẽ được thấy trên thiên đàng. Trong cả hai trường hợp, đàng sau chút khác biệt giữa thấy và tin, Đấng chúng ta cảm nhận vẫn là chính Thiên Chúa.
Cũng cần phải thêm rằng đức tin mà thánh Gioan Thánh Giá muốn nói với chúng ta không phải là thứ đức tin lý thuyết và trừu tượng được bàn đến trong một thủ bản thần học, nhưng là thứ đức tin được thực hiện trong đời sống, đức tin của một linh hồn tin tưởng, đức tin thấm đượm tất cả tình yêu mà nó nâng đỡ và soi dẫn. Đó cũng là đức tin thường được các ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Khi bàn đến đức tin tinh ròng, thánh Gioan Thánh Giá không đối lập nó với đức ái nhưng đối lập nó với những thứ pha trộn với những cái tự nhiên và khả giác cần phải lột bỏ để đức tin được lộ hiện. Đức tin tinh ròng theo thánh nhân là thứ đức tin sống động, được phong phú nhờ tình yêu và được các ân huệ Chúa Thánh Thần biến thành sâu sắc.
Như thế, rõ ràng đức tin là phương tiện trực tiếp duy nhất giúp kết hiệp nên một với Thiên Chúa. Toàn thể đêm chủ động của trí hiểu chỉ là một bài ca đức tin. Đức tin là phương tiện tuyệt vời, là phương tiện duy nhất thích đáng, tương xứng, trực tiếp và phù hợp giúp kết hiệp nên một với Thiên Chúa. Chỉ một mình đức tin có thể nối kết linh hồn với Thiên Chúa một cách hoàn hảo.
Chính khái niệm đức tin ấy cho phép ta tiến bước an toàn giữa hai mối nguy, một bên là thuyết bất khả tri cho rằng con người không sao đạt được bất cứ một hiểu biết nào về Thiên Chúa, và bên kia là thuyết thiên khải luôn khoe mình đã đạt đến Thiên Chúa cách rõ ràng. Thánh Gioan Thánh Giá không theo thuyết bất khả tri cũng không theo thuyết thiên khải. Ngài không theo thuyết bất khả tri, bởi lẽ mặc dù luôn mạnh mẽ quả quyết rằng Thiên Chúa là Đấng siêu việt, và luôn nhắc ta nhớ rằng không một thụ tạo nào có thể cho ta một ý tưởng tương xứng về Thiên Chúa, ngài vẫn biết rằng đức tin có thể giúp chúng ta đạt đến Thiên Chúa. Thánh nhân cũng không theo thuyết thiên khải, bởi lẽ ngài vừa khẳng định rằng con người có thể đạt đến Thiên Chúa, vừa biết rằng không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa theo đúng bản tính Ngài mà vẫn còn sống được. Nhờ đức tin, chúng ta đạt đến Thiên Chúa nhưng là trong bóng tối. Nơi một trong những bài thơ đẹp nhất ngợi ca “niềm vui được nhận biết Thiên Chúa trong đức tin”, ngài viết:
Tôi biết lắm dòng suối cuồn cuộn chảy
Cho dù là đêm.
Toàn bộ quyển II của Đường Lên Núi Cát Minh chỉ là đem đức tin đặt đối mặt với tất cả những nhận thức khác có thể có được. Đức tin là viên đá thử vàng, gạt bỏ hết những nhận thức thấp kém hơn, cho dù chúng có dồi dào hiểu biết nhân loại đến đâu hoặc có sức kích thích óc tò mò tự nhiên của chúng ta đến đâu đi nữa. Đức tin kéo theo hết thảy những cách nhận thức khác mà trong đó chính đức tin được nhìn nhận, đồng thời đem lại tính chất đáng tin cho những cách nhận thức ấy. Đây là một sự phân tích chặt chẽ những nhận thức có thể soi sáng trí hiểu con người theo trật tự luận lý chứ không theo trình tự thời gian các nhận thức ấy xuất hiện nơi linh hồn.
Về điểm này, có lẽ thánh Gioan Thánh Giá là tác giả đầu tiên đã khiến ta chú ý đến tầm quan trọng của việc chế ngự trí hiểu đến mức ấy. Một cách cụ thể, mọi nỗ lực của các tác giả viết về khổ hạnh hầu như chỉ tập trung vào việc chế ngự phần cảm giác và lòng muốn. Thế nhưng thánh Gioan Thánh Giá cho rằng, một khi trí hiểu đã được thuần thục, thì cả con người chỉ việc đi theo lối nó vạch ra vì nó là quan năng có sứ mạng soi đường cho chúng ta. Luôn luôn vẫn chỉ có đức tin mới là chuẩn mực, việc chế ngự bất khoan nhượng như thế chỉ là để tránh cho linh hồn đừng lạc khỏi nẻo đường đức tin, hoặc ít ra, tránh cho linh hồn khỏi lãng phí thời giờ và sức lực.
Có lẽ chỉ trong đêm trí hiểu cái nhan đề Đường Lên mới đạt được ý nghĩa trọn vẹn nhất: “…để họ biết thoát khỏi mọi sự thế tục, khỏi bị mắc kẹt vào những điều thuộc tâm linh, được trần trụi triệt để và được sự tự do tâm linh là điều cần có để được nên một với Thiên Chúa …”. Liệu còn có những lý do nào khác sâu xa hơn thế để khẳng định tầm quan trọng của đức tin?
Tầm quan trọng ấy lớn đến nỗi có thể ủng hộ cho người ta giải thích các tác phẩm của thánh Gioan Thánh Giá một cách duy trí. Nhưng không! Bí ẩn tột cùng của khoa huyền giao thánh Gioan Thánh Giá đâu phải là cái khoái hiểu biết! Không! Lời cuối cùng tác giả Đường Lên muốn nói với chúng ta không phải là để ca tụng một niềm vui thuần tri thức! Chỉ cần nhớ lại những khẳng định vô điều kiện của thánh nhân về vị trí hàng đầu của tình yêu. Nếu dồn tất cả vào một biện chứng pháp thuần túy dẫn đến chỗ linh hồn tự hiểu biết về mình một cách tinh tế, thì sẽ hiểu sai bản chất của đức tin mà thánh nhân giới thiệu với ta. Làm như thế là quên rằng sự tinh tuyền mà ngài đòi hỏi linh hồn gắt gao đến thế, loại hẳn mọi sự pha trộn của phần cảm quan hạ đẳng, nhưng không loại trừ sự đóng góp của tình yêu. Ngược lại chẳng mấy chốc tình yêu (2Lên 32) sẽ tỏ ra sáng suốt hơn cả trí hiểu và, nhờ đức ái, tình yêu sẽ thông ban cho trí hiểu chút ít ánh sáng của nó.
Khái niệm động này về đức tin nằm ở trung tâm mọi vấn đề mà việc thanh luyện chủ động trí hiểu đặt ra. Việc nghiên cứu toàn diện thánh Gioan Thánh Giá phải đưa ra đúng những vấn đề ấy và cho thấy thánh nhân đã giải quyết nó như thế nào.
Chỉ cần nêu lên đây một nghiên cứu đặc biệt quan trọng là nghiên cứu về “ba dấu chỉ” giúp nhận ra lúc nào là lúc thích hợp để bỏ việc suy niệm và nguyện gẫm suy lý hầu tiến lên bậc chiêm niệm (Chương 13). Việc nghiên cứu ấy phải được bổ túc bằng việc nghiên cứu từ một quan điểm khác được trình bày trong chương 9 của Đêm Dày quyển I. Như chúng tôi đã có dịp nói, hầu như bao giờ việc phân tích trong tác phẩm Đường Lên và những dấu chỉ rút ra từ đó đều giả định phần song song mang tính thụ động của chúng được nói trong Đêm Dày. Cần tách riêng ra để dễ trình bày nhưng trong thực tế cụ thể cả hai gắn liền với nhau trong một trạng thái duy nhất của linh hồn. Ở đây chúng tôi chỉ nêu lên chỗ lý thú đáng kể của chương ấy trong lộ trình theo thánh Gioan Thánh Giá, muốn rõ hơn xin xem thêm những gì chúng tôi đã nói trong bài dẫn nhập tổng quát.
Chương XIV cũng có một tầm quan trọng đáng kể ở chỗ nó bao hàm một nghiên cứu cực kỳ tinh tế về “nhận thức mờ mịt và chung chung” về Thiên Chúa. Muốn hiểu được chương ấy trong mọi nét tinh tế của nó, ta phải nghiên cứu nó song song với những bản văn khác của Đêm Dày bàn về cùng một chủ đề. Nhận thức ấy gọi là chung chung bởi vì nó loại trừ mọi cách hiểu biết cụ thể, phân minh rành rẽ; nó vừa là hiểu biết vừa là tình yêu. Nó là kết quả của một tia sáng ấm áp, mà Thánh Nhân gọi là “sự chú tâm trìu mến chung chung”. Nét tiêu biểu của nhận thức này là nó không bao gồm một yếu tố cụ thể nào mà trí hiểu có thể nắm bắt để thấy rõ ràng hoặc lòng muốn có thể dùng làm lí do để yêu thương. Đây là một thái độ tâm linh hơn là một hành vi chính xác. Vả lại, rõ ràng linh hồn chỉ có thể nhận lấy sự hiểu biết chung chung ấy mà thôi. Thường thì, chính lúc nhận được ơn ấy linh hồn chẳng cảm thấy điều gì. Chỉ sau đó, nó mới có cảm tưởng như vừa thức dậy. Tự nó, nhận thức ấy chẳng can dự gì với các giác quan và với những quan năng khác. Đó là một hạt mầm mà những vẻ huy hoàng của việc kết hiệp nên một với Thiên Chúa sẽ phơi bày ra sự sung mãn bị che giấu. Nhận thức của đức tin được phong phú thêm nhờ tình yêu thoạt đầu có thể xuất hiện như một mầm cây không màu sắc và yếu ớt, nhưng thực ra, nó biểu lộ một tiềm năng sự sống có thể phát triển đến vô tận. Cốt lõi của tất cả nhưng gì thánh Gioan muốn nói rõ với chúng ta nằm trong những trang sách ấy, thế nhưng “người ta bàn đến quá ít, theo cách mà thánh nhân trình bày…” (2 Lên 4).
Chương tiếp theo (XV) nói rõ về tinh thần mà trong thực tế rất được thánh Gioan Thánh Giá chú ý. Trong nghệ thuật chuyển tiếp, không phải trên lý thuyết nhưng ngay giữa cuộc sống, cần phải có biết bao uyển chuyển và tế nhị! Thánh nhân đã cung cấp những hướng dẫn hết sức mềm dẻo của một nhà thực hành! Vậy tại sao những trang ấy lại phải hứng chịu những lời bình giải quá cứng nhắc, lắm khi quá xa với bản văn mà chúng mong làm cho sáng tỏ?
Để đón nhận ánh sáng đang được ban cho nó cách thụ động – nghĩa là nó không cần làm gì với các quan năng – linh hồn không cần phải làm gì cả ngoài việc trìu mến chú tâm vào Thiên Chúa. Linh hồn chỉ cần đón nhận những gì được ban cho nó. Mọi hoạt động từ nay đã trở thành vô ích, chỉ cần chạy theo một hoạt động đủ gây trở ngại, khiến tê liệt cả một việc tốt hơn hẳn toàn bộ những việc linh hồn có thể tự làm. Từ nay trở đi, không một tài khéo nào của linh hồn là cần thiết. Thật ra, trước khi linh hồn đạt đến thái độ thuần túy đón nhận ấy, đã có biết bao vụng về cứng nhắc trong cách đón nhận đến nỗi có thể cản trở hồng ân được ban cho linh hồn, hay ít ra cũng gây cản trở sự phát triển của hồng ân ấy. Điều linh hồn phải làm chính là phải có một thái độ hoàn toàn buông xả, một “sự trần trụi thuần túy và sự nghèo khó tinh thần”. Thánh Gioan Thánh Giá khuyến khích các môn đệ “hãy ngắm nhìn Thiên Chúa với ánh mắt yêu thương, trong tinh thần thanh thản”. Ở đây đòi phải có một sự khổ hạnh tế nhị, là phải tự kiềm chế, đừng gây cản trở cho việc nhận lãnh ánh sáng ấm áp đang được ban không.
Nếu biết được một số kỹ thuật âm nhạc hiện đại, hẳn thánh Gioan Thánh Giá đã đề cập đến “sự thư giãn”. Theo kỹ thuật này, phải để cho các cơ bắp hoàn toàn mềm mại, buông lỏng theo trọng lượng tự nhiên của chúng. Mọi cố gắng cứng cỏi, mọi sự huy động bắp thịt đều ngăn cản, gây ra trở ngại. Nếu dám đẩy việc so sánh đi xa hơn, chúng ta sẽ nói rằng để không gây trở ngại cho việc nhận lãnh cung điệu nhiệm mầu và để có thể diễn tả cung điệu ấy bằng âm nhạc, người nghệ sĩ phải ở trong một tình trạng thụ cảm mềm mại, toàn thể con người nghệ sĩ ấy phải hoàn toàn chỉ còn là khả năng thuần túy diễn tả cung điệu ấy. Nếu không phải chính sự thư giãn kiện toàn điệu nhạc ấy thì ít ra nó cũng là điều kiện cần có để tạo ra sự hoàn hảo ấy. Có một thứ kỹ thuật tạo thư giãn, bao gồm cả việc giúp con người thực sự được phục hồi. Vì không hiểu điều ấy nên nhiều người không biết gì về sự mềm mại của nhịp sống thường nhật.
Trong lãnh vực tâm linh cũng thế. Linh hồn chỉ cần mở lòng ra mà đón nhận. Luôn cần phải có một thứ khổ hạnh thích hợp đặt linh hồn vào tình trạng đón nhận. Cần phải học hỏi về thứ khổ hạnh ấy để theo đó mà luyện tập. Thứ khổ hạnh ấy không hề là nguyên nhân của nguồn ánh sáng được thông ban cho linh hồn, nhưng nó tạo điều kiện giúp linh hồn lãnh nhận được nguồn ánh sáng ấy. Do không hiểu thứ khổ hạnh ấy, nhiều linh hồn sẽ gia tăng những cố gắng vụng về và sẽ luôn bị căng thẳng trong một thái độ gồng mình cứng cỏi! Phải biết cách tránh tất cả những cố gắng như thế. Chính vì thương xót những linh hồn bị lạc lối ngay tại ngưỡng cửa của con đường hẹp dẫn đến niềm vui, mà trong chương XV này thánh Gioan Thánh Giá đã mô tả cặn kẽ bước chuyển tiếp khó khăn đi từ việc suy niệm lên đến cái nhìn giản dị đượm nhuần yêu thương hướng về Thiên Chúa.
Khốn thay những bác thợ rèn đo lường một công việc chỉ bằng những tiếng động họ gây ra! Cũng đáng buồn thay cho những ai đem gắn một nhãn hiệu làm sẵn lên những điều thánh nhân mô tả, và muốn bằng mọi giá đặt gọn học thuyết của ngài vào cái khuôn vuông vắn của các phạm trù vốn chỉ làm cho những nét uyển chuyển của học thuyết trở thành thô bạo. Những phân tích của thánh nhân rất đúng bởi vì chúng khiêm nhường thuận theo kinh nghiệm cuộc sống.
Có lẽ không chương sách nào chỉ rõ hơn sự thâm nhập vào nhau giữa khổ hạnh với huyền giao, đồng thời nói lên được sự cần thiết phải nghiên cứu song song cả hành động của Thiên Chúa và những điều kiện tiếp nhận hành động ấy, vốn nằm trong khả năng của con người.
Để chuẩn bị cho các linh hồn được như thế và giúp họ sẵn sàng lãnh nhận ánh sáng của Thiên Chúa, thánh Gioan Thánh Giá đã gần như phát ghen. Đức tin mà ánh sáng ấy chỉ nói lên được một khía cạnh cụ thể, thì cao vượt hơn tất cả những gì mà các giác quan, chính trí hiểu cũng như các thị kiến và các mạc khải có thể dạy cho chúng ta về Thiên Chúa! Thiên Chúa là đấng siêu việt theo nghĩa sít sao nhất của từ ngữ này. Cũng thế, đức tin siêu việt mọi thứ hiểu biết khác. Đứng trước sự hiểu biết của đức tin, được mô tả trong các chương XIV và XV, không một ánh sáng nào khác có thể tồn tại. Do đó, xuyên suốt tất cả các chương sau, thánh nhân không nương tay loại bỏ tất cả những gì không phải là đức tin và, ngược lại, tán dương tất cả những gì thực sự chứa đựng đức tin.
Toàn bộ đêm trí hiểu chủ yếu cốt ở sự phân biệt đức tin khỏi những ánh sáng khác, cốt ở sự sùng thượng đức tin và loại trừ hết thảy những thứ ánh sáng khác. Thánh nhân đã gần như cưỡng bức người ta để giải phóng họ, ở đó ta cảm nhận được tất cả lòng ngài xót thương đối với những linh hồn đang lao vào không phải nẻo đường của tâm linh lầm lạc – là nẻo đường trên đó người ta kiếm tìm của cải trần gian – mà là lao vào nẻo đường của tâm linh bất toàn – là nẻo đường trên đó người ta kiếm tìm của cải trên trời nhưng lại không có đủ sự trần trụi và nghèo khó tâm linh cần thiết để gặp được những của cải ấy.
Tại sao chúng ta phải kiên quyết nhấn mạnh rằng lòng thánh nhân quý chuộng đức tin đến phát ghen lên chính là nền tảng cho tình yêu say đắm của ngài đối với Đấng mà ngài xiết bao khổ đau khi thấy “ngay cả những người tự nhận là bạn của Đấng ấy cũng rất ít biết đến Ngài” (2Lên 7), là Đấng mà thánh nhân thường thích gọi là “Đấng cứu chuộc chúng con” với tất cả lòng trìu mến biết ơn! Đêm trí hiểu bao gồm hai chương tuyệt vời (VII và XXII) chắc hẳn là đủ để gạt bỏ mãi mãi tư tưởng cho rằng thánh Gioan Thánh Giá đã mơ tưởng đến việc kết hiệp nên một với Thiên Chúa mà không cần đến Đức Kitô. Với tính cách trữ tình cảm động, hai chương ấy không phải là hai bài suy niệm riêng lẻ. Chúng là một bộ phận chủ yếu của cơ thể sống động là chính học thuyết thánh Gioan Thánh Giá. Đấng cứu độ chúng ta đã thiết lập đức tin ở mức viên mãn của nó trong khi trước kia đức tin chỉ được luyện lọc dần dần do trung gian các ngôn sứ và các thánh trong Cựu Ước. Vì lẽ đó, đối với những người cho rằng trong thực tế họ không bằng lòng với đức tin mà Chúa Kitô đã đem đến cho chúng ta, chắc hẳn Chúa Cha hằng hữu sẽ đáp lại như sau: “Nếu con muốn có một lời hoặc một mạc khải không chỉ là một phần mà là toàn phần thì con hãy chiêm ngưỡng Đức Kitô, con sẽ tìm thấy nơi Đức Kitô tất cả, bởi lẽ Đức Kitô là tất cả lời nói của Ta, là câu trả lời của Ta, là tất cả thị kiến và mạc khải về Ta”. Đức Kitô là ánh sáng duy nhất, là con đường duy nhất. Giáo huấn của Đức Kitô đem lại cho chúng ta đức tin trong sự viên mãn của nó. Gương sáng Đức Kitô vạch ra cho chúng ta con đường phải theo, đó là con đường hẹp dẫn đến sự lột bỏ hoàn toàn của Thập giá. Ôi ai có thể “nghe được mầu nhiệm của cái cửa và con đường là Đức Kitô để được kết hiệp nên một với Thiên Chúa, ấy sẽ là người thông thái biết bao! Nếu có một sự nồng nàn rất say đắm, một thứ trữ tình rất cao nơi hai chương nói trên, thì đó không phải là biểu hiệu của một “tình yêu nào đó” thánh nhân dành cho Đấng mà ngài thích tôn kính hình ảnh thật cảm động được vẽ lên tấm da ở Sêgovia. Đó là biểu hiện của một tình yêu đặt nền trên một chân lý chủ yếu, ấy là, chúng ta không thể đạt đến chỗ kết hiệp nên một với Thiên Chúa bằng con đường nào khác ngoài con đường đức tin mà Chúa Kitô đã dạy bảo, cũng không thể bằng một cách ứng xử nào khác hơn là việc lột bỏ hoàn toàn. Chỉ có cách ứng xử như thế mới hoàn toàn phù hợp với đức tin. Chính Chúa Cứu Thế đã sống như thế trước hơn ai hết khi tự lột bỏ bằng cái chết của Ngài trên Thập giá. Chặng thứ mười của đàng thánh giá cho thấy một khía cạnh chủ yếu trong học thuyết của thánh Gioan Thánh Giá. Đức tin vào Đức Kitô Phu Quân đã nâng đỡ linh hồn đang bị dằn vặt bởi đêm dày tăm tối thì ngay sau đó sẽ nở rộ thành tiếng hân hoan. Khi linh hồn được đưa vào khu vườn hằng ao ước để được kết hiệp nên một trọn vẹn với Ngài. Nơi đó, khi linh hồn được nghỉ ngơi, bờ cổ nhẹ nhàng tựa vào cánh tay của Đấng Chí Ái (Ca 27) thì những lời đầu tiên linh hồn thốt lên là để ngợi ca những mầu nhiệm của việc Nhập thể, nhất là mầu nhiệm trong đó, dưới cây táo, tượng trưng cho Thập giá, Chúa Kitô đã đính hôn mãi mãi với các linh hồn (Ca 29). Đức tin khổ đau và chan chứa mà vị tiến sĩ huyền giao ngợi ca, chảy xuống từ Thập giá, thấm đỏ màu máu của Đấng chịu đóng đinh, và đó là thứ đức tin duy nhất mà thánh nhân biết đến.
Ít ra người ta vẫn thường có cảm tưởng rằng thánh nhân cố ý đơn giản hóa cách trình bày của ngài và bằng lòng với việc khẳng định sự cần thiết phải đứng vững trong đức tin và lớn lên trong đức tin ấy. Điều chủ yếu là làm sao để đạt tới chỗ kết hiệp nên một với Thiên Chúa càng mau càng tốt. Về sau, thánh nhân sẽ diễn tả rõ hơn niềm khát mong được kết hiệp nên một với Thiên Chúa càng sớm càng tốt ấy nơi tác phẩm Ngọn Lửa Tình Nồng bằng những dòng chữ sau: “Vì thế, ngay ở đời này, linh hồn phải hết sức quan tâm thực hành những hành vi yêu thương, bởi lẽ một khi đã hoàn thiện được ít lâu, thì dù ở đời này hay đời sau, linh hồn đều không thể chịu nổi sự vắng bóng Thiên Chúa lâu dài” (Lửa I,34). Không nên phủ nhận rằng một số ân sủng siêu nhiên, ngay cả khi rõ ràng mang tính đặc sủng, có thể giúp đỡ linh hồn (2Lên 24). Tuy nhiên, con đẻ của đức nghèo khó tâm linh không ngừng được ngợi ca là đức tin, đã giúp đỡ linh hồn nhiều vô kể và không hề mang theo một chút gì trong những phiền phức mà những ân huệ ngoại thường vẫn thường kéo theo. Chính khi cố tình lột bỏ mọi nhận thức cụ thể thuộc trí hiểu như thế, đức tin lớn lên và “cùng với nó, lòng mến yêu Thiên Chúa cũng nhờ đó mà ăn sâu và bám rễ nhiều hơn nơi linh hồn” (2Lên 24,8). Nhờ càng lúc càng kiên trì từ bỏ cả bên trong lẫn bên ngoài như thế, cả ba nhân đức đối thần, luôn gắn chặt với nhau, ngày càng lớn mạnh.
Như thế, tới đây thánh nhân đã có thể kết luận chung việc nghiên cứu tất cả những nhận thức cụ thể ấy bằng cách đưa ra một lời khuyên chung là đừng nhắm đến cũng đừng mong ước những nhận thức loại ấy (2Lên 23). Thế nhưng, ngài vẫn tiếp tục và hoàn tất phần nghiên cứu về sự thanh tẩy trí hiểu bằng việc phân tích những nhận thức khác nhau có thể được ban cho linh hồn cách siêu nhiên. Người ta đã nói rất đúng rằng trong lịch sử huyền giao Công giáo, không gì cảm động hơn là bước tiến hướng tới sự hiệp nhất, xuyên qua cái thử thách của những nhận thức siêu nhiên mang tính cụ thể (Baruzi).
Trong cuộc hành trình ấy, thánh Gioan Thánh Giá đề cập nhiều vấn đề mà tất cả đều liên quan đến đời sống tâm linh chẳng hạn việc hiểu biết Thánh Kinh, mối liên kết cụ thể rất chặt chẽ giữa đức vâng lời và đức tin, những liên hệ với vị linh hướng, quan hệ giữa đức tin và lý trí. Nhiều điều nơi các vấn đề ấy sẽ thường được nhắc đến. Tuy nhiên vì chúng không chủ yếu liên quan đến lộ trình thuần túy của thánh Gioan Thánh Giá, chúng tôi chỉ nêu lên chứ không bàn luận.
Điều thánh nhân không bao giờ mệt mỏi là ca ngợi sự tuyệt hảo của đức tin. Trong Đêm Dày, đức tin là chiếc áo dài trắng linh hồn khoác lấy để dễ dàng trốn đi trong đêm tối (2Đêm, 21). Đức tin còn là dòng suối pha lê nằm ngay ở lối vào khu vườn, nơi diễn ra sự hiệp nhất hoàn hảo (Ca, lời mở đầu). Thánh nhân luôn nhắc nhở rằng điều quan trọng không phải là biết nhiều nhưng là yêu nhiều. Chỉ cần một đức tin thật trần trụi là đủ để thiêu đốt lòng muốn, không để mình rơi vào những vực thẳm tò mò khác mà sẽ là chuyện kì lạ nếu không xảy ra điều gì hiểm nguy (2Lên 29).
Đàng khác, cụ thể mà nói, khi được đẩy tới tận cùng những đòi hỏi của nó, đức tin sẽ lôi kéo trọn vẹn con người về với Thiên Chúa, mạnh đến nỗi, nơi trạng thái của một linh hồn luôn tập trung nhìn lên Thiên Chúa, người ta không còn dễ dàng phân biệt điều gì thuộc về đức tin và điều gì thuộc về tình yêu. Từ đó mới có được cách diễn tả tuyệt diệu dù không chính xác về mặt suy lý, rút ra từ lời tựa tác phẩm Ca Khúc Tâm Linh “… đức tin, ở đó dù không biết được Ngài Thiên Chúa chúng ta vẫn yêu mến” (Ca, lời mở đầu, 2). Một đức tin khiến cho chúng ta yêu mến! Để diễn đạt tình yêu, có những cái nhìn của linh hồn còn có sức diễn tả hơn cả những lời nói….
Để đạt đến đó, luôn cần có cùng một thái độ khổ hạnh chủ yếu. Lời khuyên sau cùng thánh nhân đưa ra cho chúng ta, về vấn đề những tình cảm tâm linh nơi những dòng cuối của đêm trí hiểu một lần nữa lại nhắn nhủ chúng ta về sự trần trụi và nghèo khó tâm linh: “Ước gì linh hồn hãy luôn luôn nhẫn nại, khiêm tốn và luôn cư xử thụ động đối với những lĩnh hội ấy”. Linh hồn phải luôn khiêm tốn và từ bỏ….
Dưới sức chi phối của Thiên Chúa, chỉ một thái độ mềm mại hoàn toàn, được kiên trì gìn giữ qua mọi niềm vui và thử thách của tinh thần, mới cho phép linh hồn đạt đến Thiên Chúa trong một cái nhìn đức tin chan chứa tình yêu mến Ngài.
V. ĐÊM CỦA DẠ NHỚ
Theo tổng hợp được đề ra ở chương VI quyển II của Đường Lên Núi Cát Minh, sau khi nghiên cứu việc thanh luyện trí hiểu bằng đức tin ở quyển II, đến quyển III của Đường Lên thánh Gioan Thánh Giá trình bày việc thanh luyện dạ nhớ bằng đức cậy trước khi kết thúc tác phẩm bằng việc nghiên cứu sự thanh luyện lòng muốn bằng đức ái.
Cha Crisógono[7] rồi tiếp đến là triết gia Jacques Maritain[8] đã cho thấy nền tảng vững chắc của việc liên kết đức cậy với dạ nhớ và sự phong phú của sự xếp đặt ấy trong lãnh vực thực hành. Dù không phải là một trong những phần được triển khai đầy đủ nhất, đây vẫn là một trong những phần độc đáo nhất, một trong những phần thánh nhân để lộ nét duyên dáng của ngài nhiều hơn cả, bởi lẽ phần này soi sáng, lập luận và đem lại một nguyên tắc dễ hiểu trong một lãnh vực mà có lẽ nhiều tác giả khác chỉ đưa ra những lời khuyên cổ điển cho vấn đề. Mặc dù tự bản năng họ trực giác thấy sự cần thiết của nó, họ không thấy rõ nền tảng thực sự của nó là phải gắn liền việc chế ngự dạ nhớ với một nhân đức đối thần là đức trông cậy.
Tất cả những điều chúng ta có thể “giữ lại” nơi mình, tất cả những điều chúng ta có thể “ghi vào sổ riêng” như những hiểu biết do trí tưởng tượng, có nguồn gốc tự nhiên hoặc siêu nhiên, cũng như những hiểu biết thuộc bình diện thuần túy khả tri, đã được thánh Gioan Thánh Giá liệt kê thành đối tượng của dạ nhớ. Cũng phải ghi nhận ngay rằng điều quan trọng với thánh nhân không phải là cái kỷ niệm cho bằng “sự quyến luyến vì có được kỷ niệm ấy” (3 Lên 15). Ở đây chúng ta gặp lại một chỉ dẫn đã được đưa ra khi bàn về trí hiểu.
Làm sao không ngạc nhiên khi hầu hết những chỉ dẫn của thánh nhân đều ngỏ với những linh hồn đã lên đường tiến về Ngọn Núi hoàn thiện, những linh hồn mà Thiên Chúa đã ghi dấu ấn sáng kiến của Ngài và đã bị Thiên Chúa chộp lấy không nhiều thì ít? Biết bao lời nhắn nhủ được ghi lại ở đây cho ta nhận ra thánh nhân đang ngỏ lời với một linh hồn ít nhất đã ở trong đêm giác quan, thậm chí có khi đã ở trong đêm tâm linh. Nhiều lần, để đúng theo tư tưởng thánh nhân, cần phải tham khảo những mô tả về đêm thụ động. Chắc hẳn đây không phải là lần cuối cùng chúng ta lưu ý tính chất song hành của hai tác phẩm bổ sung cho nhau. Cho nên dọc suốt hành trình đêm chủ động của dạ nhớ, cần phải cung cấp những chỉ dẫn theo thứ tự thời gian, đó là những chỉ dẫn thật quý giá mà thỉnh thoảng thánh nhân vẫn làm.
Hẳn thánh Gioan Thánh Giá đã linh cảm rằng ghi nhận của ngài về đề tài này sẽ gây ngạc nhiên cho một số người. Đôi khi ta thấy rõ – nhất là ở chương II và XIII – một cung giọng thật linh hoạt, thánh nhân như đối mặt với một người phản bác và đáp lại bằng một thứ văn phong trực tiếp, không kém phần nồng nhiệt. Lúc ấy, ta như cảm nhận được hơi thở của niềm xác tín, phát xuất từ kinh nghiệm, cho phép thánh nhân bàn đến vấn đề với tất cả uy thế.
Việc đầu tiên cần lưu ý là phải nhớ đến mục tiêu mà những lời khuyên của thánh nhân nhắm đến. Ngài không nhắm giáo huấn những người mới bắt đầu mà nhắm đến những linh hồn đã lên đường tiến đến sự kết hiệp nên một với Thiên Chúa, những linh hồn rõ ràng đã được Thiên Chúa chiếm đoạt không nhiều thì ít. Như thế, cần phải “lôi dạ nhớ ra khỏi phạm vi và những giới hạn tự nhiên của nó” và nâng nó lên cao đến “niềm cậy trông tối thượng” (3Lên 2,3). Để không bị lệch hướng, đừng rời mắt khỏi vẻ huy hoàng của mục tiêu nhắm tới, linh hồn phải dán chặt đôi mắt nhìn lên Thiên Chúa, tránh tất cả những gì có thể gây thành ấn tượng, chỉnh đốn ngay cả đến những động tác đầu tiên, kiên quyết chỉ hướng nhìn lên Thiên Chúa và đón lấy từ Ngài tất cả những gì mà linh hồn hy vọng. “Đối với một lợi ích to lớn như thế, thì chịu đựng và chấp nhận khổ đau với lòng nhẫn nại và cậy trông nào có sá gì?”
Điều kì lạ là nguyên lý nền tảng của đêm dạ nhớ chỉ được đưa ra để kết luận ở chương cuối, dù rằng trong suốt quá trình, nhiều lần nó đã được công thức hóa trong bản văn. Với kiểu lập luận tuyệt đối rất quen thuộc với ngài, vị tiến sĩ huyền giao đã viết công thức nguyên lý nền tảng ấy như sau: “…Và điều người ta trông đợi là điều người ta chưa có. Và càng trần trụi thiếu thốn tất cả những gì không phải là Thiên Chúa, người ta càng có khả năng và tư cách để trông chờ, càng có đức trông cậy. Ngược lại, càng có được nhiều, người ta càng mất khả năng và thiên khiếu để mong chờ, càng ít đức trông cậy. ” (3Lên 15,1). Người ta cảm thấy giữa đức cậy trông và đức nghèo khó có một khái niệm nối kết, cho phép ta có được nhiều áp dụng cụ thể, đó là khái niệm chiếm hữu. Vả lại, cũng không phải chỉ của cải trần thế mới khiến cho con người thành bất công… Đó là lý do giải thích những đòi hỏi của ngài.
Thánh nhân đã phát kiến ra một cách diễn tả mới mẻ rất tuyệt vời: “Những linh hồn sở hữu chủ”. Đây sẽ chẳng bao giờ là những linh hồn biết cậy trông. Không nên giảm nhẹ những đòi hỏi gắt gao của Thiên Chúa. Lúc nào, thánh nhân cũng như phát ghen lên khi nhắc lại những đòi hỏi ấy – đó là nguyên tắc ngài vẫn trung thành áp dụng – đồng thời cũng cho thấy lợi ích của những đòi hỏi ấy vì chúng sẽ dẫn đến “điều thiện tối cao là sự kết hiệp nên một”, ở đó từ nay Thiên Chúa sở hữu mọi thứ như một “vị chủ tể tuyệt đối” (3Lên 2).
Tuy nhiên, nếu cần thì hẳn nhiều người sẽ sẵn lòng chấp nhận sự nghèo khó bề ngoài với điều kiện được giữ lại kho tàng những kỷ niệm của mình. Họ lập luận như sau: “Thứ tài sản này tuyệt đối thuộc về chúng tôi và quả thật chỉ thuộc về chúng tôi, không ai được phép cướp đoạt”.
Nhưng không! Thánh Gioan Thánh Giá đòi ta phải tự nguyện làm cho mình trống rỗng cả trong lãnh vực này. Tại sao lại ngần ngại bởi vì “không gì có thể giúp ta yêu mến Thiên Chúa bằng động tác rất nhỏ bé của đức tin và đức cậy” (3Lên 8,5). Tựa như đức tin siêu việt vượt mọi hiểu biết, đức cậy siêu việt trên mọi sở hữu và đáng cho ta lột bỏ mọi sở hữu, nhất là những sở hữu bên trong. “Tiếc thay, nhiều người không muốn mất sự dịu dàng và hoan lạc do các nhận thức nơi dạ nhớ, cho nên cũng không đạt đến chỗ chiếm hữu trọn vẹn được sự chiếm hữu tối cao và sự dịu dàng tột đỉnh” (3Lên 7,2).
Thế nhưng nguyên lý nền tảng của sự nghèo khó bên trong đối với mọi ký ức được diễn tả bằng những chỉ dẫn cụ thể nào? Ở đây và hầu như tiềm ẩn khắp nơi, chúng ta gặp lại những khái niệm chủ chốt về thái độ khổ hạnh nền tảng được mô tả trong đêm trí hiểu. Khổ hạnh? Thật sao? Đúng thế, nếu như người ta không quên rằng đối với thánh Gioan Thánh Giá, tự yếu tính, khổ hạnh luôn hướng về huyền giao, khi sự khổ hạnh ấy không ngầm nói rằng một linh hồn đã sống đời huyền giao nghĩa là nhiều hay ít đã trở thành thụ động dưới sức chiếm hữu của Thiên Chúa.
Những đường nét chủ đạo trong khổ hạnh theo thánh Gioan Thánh Giá phải kể đến: Cần kíp là phải luôn hướng mắt về mục tiêu phải đạt tới; phải biết dùng phương cách huyền giao để vượt qua những khó khăn thay vì dùng sức mạnh để chống trả; phải biết trình bày những sự từ bỏ đã được ấn định dưới khía cạnh tích cực hơn là dưới khía cạnh tiêu cực; nhất là chủ yếu phải có thái độ mềm dẻo, tuyệt đối sẵn sàng, vốn là thái độ duy nhất cho phép Thiên Chúa hành động trong linh hồn một cách tự do không bị trở ngại.
Có lẽ chưa bao giờ thánh nhân mô tả tốt hơn thế về cách thức hoàn toàn sẵn sàng đáp lại sáng kiến của Thiên Chúa, không co cứng hoặc căng thẳng. Phải để cho “dạ nhớ được tự do và thanh thản” (3Lên 2). Chỉ lúc đó, khi dạ nhớ đã hoàn toàn trở nên mềm mại, mới diễn ra nhịp thở thần thiêng của đức cậy: “Nhờ buông quên và lắng lòng xa bỏ mọi điều ấy, linh hồn sẵn sàng để được Chúa Thánh Thần tác động và dạy dỗ” (3Lên 6,3).
Nếu cảm thấy một linh hồn còn bỡ ngỡ như một người thực tập vụng về phải gồng các cơ bắp, thánh nhân lại gia tăng những lời mời gọi nhắc linh hồn ấy phải thư thái và hãy buông mình vào đôi tay của Đấng Trọn Tốt Trọn Lành. “Người ta phải thu mình lại, không lo âu hay khổ sở” (3Lên 3). Nếu sợ hãi, linh hồn sẽ cảm thấy bối rối trong đêm tối của mình. “Linh hồn chỉ còn phải cầu nguyện chuyên chăm và cậy trông trong sự trơ trụi và trống rỗng, vì phúc lành của nó chẳng bao lâu sẽ tới” (3Lên 3,6).
Tuy nhiên, không thể tránh khỏi có những lúc linh hồn mắc phải ấn tượng nặng nề vì, xét về mặt nhân loại, nó nghiệm thấy trong dạ nhớ có biết bao khuyết điểm hạ nhục nó, khiến nó bị giảm giá trị trong mắt mình và trong mắt kẻ khác. Nhưng “người theo đường tâm linh không nên buồn rầu về điều đó vì Thiên Chúa chắc chắn sẽ đến đúng lúc của Ngài.” Với lập luận luôn đầy xác tín bất chấp mọi thứ, thánh nhân tuyên bố như sau: “Để đạt được một ơn lành lớn lao nhường ấy cần phải biết kiên tâm và chịu khổ với lòng kiên nhẫn đợi chờ và hy vọng” (3Lên 2,15).
Cả khi đối diện không phải với các cơn cám dỗ mà với những lời mời mọc tạo nên bởi những hình ảnh phù du, những hiểu biết cụ thể chẳng ích lợi gì cho việc dẫn đưa linh hồn đến với Thiên Chúa, thì luôn luôn thánh nhân vẫn khuyên ta hãy cất cánh vút bay theo cách thức huyền giao. Ngài nói: “…không được dừng lại đó nhưng hãy trút sạch hết khỏi dạ nhớ và lập tức hướng linh hồn về Thiên Chúa với lòng yêu mến” (3Lên 15,1).
Tất nhiên không nên quên những nguy hiểm của tính kiêu ngạo và những đòi hỏi của đức khiêm nhường tinh tế nhất. Cũng không nên coi thường những nguy hiểm do ảo tưởng mà ma quỷ có thể dễ dàng làm nảy sinh trong linh hồn. Nó gợi ý cho linh hồn nhờ vào những kỷ niệm còn giữ lại với bản năng chiếm hữu. Nhưng trên tất cả, phải nhớ rằng, ngang qua mọi hiểu biết cũng như mọi khô khan, mục tiêu mà linh hồn đeo đuổi phải định đoạt thái độ của linh hồn trước mọi việc. Chính vì thế, ngay cả trong trường hợp các thị kiến, lời nói, tình cảm hay mạc khải, linh hồn không nên coi trọng mặt chữ và cái vỏ bên ngoài “mà chỉ nên chú trọng xem mình có được lòng yêu mến Chúa mà những điều ấy gây ra trong linh hồn hay không” (3Lên 13,6).
Chính tình yêu sẽ quyết định nên hay không nên nhớ lại một điều nào đó. Điều chủ yếu là đừng “muốn cho mình được say sưa” bằng hình ảnh mà chỉ là “rút được mối lợi tình yêu” (3Lên 13). Trong trường hợp này, nhớ lại không phải là “muốn giữ chúng lại nhưng là để giục lòng yêu mến Thiên Chúa và thêm hiểu biết về Thiên Chúa” (3Lên 14,2).
Có cần nhấn mạnh dài dòng lời thánh Gioan Thánh Giá nhắn nhủ rằng tất cả sự phong phú về hình ảnh mà người ta muốn có, cũng như tất cả những điều lạ lùng và tinh tế của trí hiểu vẫn không đáng giá bằng thực chất của một hành vi đức tin và đức cậy là hai nhân đức trực tiếp dẫn đưa linh hồn đến kết hiệp nên một với Thiên Chúa nhờ tình yêu? Luôn luôn chỉ có tình yêu là quan trọng. “thay vì xài phí thời gian và năng lực để tìm hiểu các chuyện ấy, linh hồn có thể chuyên chăm vào một việc tập luyện tốt và hữu ích hơn: đó là tập cho lòng muốn phục tùng Thiên Chúa, chuyên lo tìm kiếm sự trơ trụi và nghèo khó tâm linh lẫn giác quan” (3Lên 13,1).
Bởi lẽ không gì có thể xếp đặt cho một linh hồn được luôn đánh động bởi tình yêu – theo gương Đức Mẹ Đồng Trinh Vinh Hiển (3Lên 2) – cho bằng sự mềm mại tinh tuyền mà đức nghèo khó tuyệt đối, vốn giàu sẵn một “đức cậy kiên định” thực hiện cho ta (2Đêm 21).
VI. ĐÊM CỦA LÒNG MUỐN
“Thanh tẩy trí hiểu để dựng xây đức tin, thanh tẩy dạ nhớ để vun trồng đức cậy cũng chỉ là luống công nếu chúng ta không thanh tẩy luôn lòng muốn vốn liên quan tới nhân đức thứ ba là đức mến” (3Lên 16,1). Tất cả những điều ta đã thực hiện cho trí hiểu cũng phải được thực hiện trong lãnh vực lòng muốn (hay còn gọi là ý chí). Vả lại, Thiên Chúa gìn giữ không để chúng ta lẫn lộn công việc của lòng muốn với tình cảm có thể đi kèm hoặc không đi kèm theo nó. Tựa như trí hiểu phải vượt trên mọi đối tượng cụ thể của trí tuệ, tin rằng mình vượt hẳn mọi điều mình có thể hiểu, cũng thế, lòng muốn cũng phải được hướng dẫn đến chỗ gắn bó với Thiên Chúa trong cảnh xa vắng trống rỗng mọi tình cảm, và vượt hẳn trên mọi tình cảm mà nó có thể cảm nhận. Làm được như thế, chính là yêu mến cách chắc chắn và chân thật “theo phong cách của đức tin”.
Việc tẩy luyện này rất gay go bởi lẽ những động tác của lòng muốn thường rất hỗn loạn, thiếu mực thước. Ngay cả nơi một linh hồn quyết chí tập luyện nhân đức, vẫn còn biết bao quyến luyến và hoạt động hỗn loạn, thiếu mực thước!
Những thái quá của một số đam mê có thể cho ta thấy rõ sự hỗn loạn bừa bãi ấy do đâu mà có. Sự hỗn loạn không nằm nơi chính các sự vật, bởi lẽ chúng đã được tạo nên thật tốt lành. Sự hỗn loạn nằm nơi cách người ta gắn bó với các sự vật như thể chúng là điều tốt tối thượng khiến người ta phải hy sinh những cái còn lại. Quả thế, “mặc dù những của cải trần thế tự chúng không nhất thiết khiến người ta phạm tội, thế nhưng bởi vì thường thì lòng người quá yếu đuối, dễ quyến luyến vào chúng quá đáng mà bỏ mất Thiên Chúa (Đây mới là tội, bởi vì tội chính là sự lìa bỏ Thiên Chúa). Về đề tài này, tác giả sách Huấn Ca nói rằng tội không chừa một ai (3Lên 18). Chỉ một mình Thiên Chúa mới xứng đáng được ta yêu mến hết lòng. Thế mà, một số người biến các thụ tạo thành chúa của mình. Đó là lý do Thánh Gioan Thánh Giá quở trách những người như thế bởi lẽ “họ đã nộp cống vật tình yêu của họ” cho tiền bạc (3Lên 19) hoặc cho bất cứ thứ gì có thể trở thành đối tượng để lòng muốn họ quyến luyến, dù với bất cứ danh nghĩa nào.
Để hiểu những quy tắc thanh luyện lòng muốn mà thánh nhân đưa ra, phải nhớ lại ý định thúc đẩy ngài viết. Chính mục tiêu ngài muốn các môn sinh đạt đến là thước đo những đòi hỏi nơi các lời khuyên ngài đề ra cho họ. Nhiều tác giả khác, mặc dù chỉ thuần túy khổ hạnh, cũng đã bàn cùng một đề tài như thánh nhân, nhưng sắc thái riêng ở phần cuối tác phẩm Đường Lên hoàn toàn khác với những sách bàn về khổ hạnh thuần tuý. Nên mở ngoặc một chút, chỉ cần đo lường sự khác nhau về tham vọng trong mục tiêu nhắm đến, đủ thấy sự khác nhau về những phương tiện đòi phải áp dụng. Bàn về một số niềm vui cảm giác vốn không phải là tội nặng, thánh nhân cho rằng dẫu sao người ta cũng phải lột bỏ chúng. Rồi như cao hứng, ngài nói thêm: “…Tôi không phủ nhận rằng nhiều nhân đức vẫn có thể cùng tồn tại với những thứ bất toàn đáng kể, nhưng nếu không chịu dập tắt thứ vui thỏa này thì không thể nào có được thứ tâm linh sâu lắng, tinh tuyền và ý nhị” (3Lên 22,2). Thánh nhân hẳn phải mỉm cười dịu hiền khi viết ra những dòng ấy, gợi tới những bản văn mà ngài biết rõ về tầng cư thất thứ ba của thánh nữ Têrêxa Avila. Bởi lẽ, “thực hành nhân đức” hoàn toàn khác việc chiếm hữu “tâm linh sâu lắng, tinh tuyền và ý nhị”.
Một khi đã biết được điểm khởi hành và cùng đích phải đạt đến, thì việc còn lại là xác định nguyên tắc dùng làm ánh sáng cho linh hồn trên bước đường đi lên buổi chiều hôm và trong đêm tối, khác nào “cây gậy” để bảo đảm bước đi. Thánh nhân viết nên công thức “nền tảng” ấy ngay ở đầu bài nghiên cứu của ngài như sau: “Lòng muốn chỉ được vui thỏa nơi những gì đem lại danh dự và vinh quang cho Thiên Chúa; và danh dự lớn lao nhất ta có thể dâng lên là phụng sự Thiên Chúa theo sự hoàn thiện mà Tin mừng đòi hỏi. Ngoài điều ấy ra, mọi thứ đều là vô giá trị và chẳng mang lại lợi ích gì cho con người” (3Lên 17,2).
Tuy nhiên, chúng ta chớ nhầm lẫn. Kiểu nói “phục vụ Ngài” thoạt nhìn có vẻ là một lối diễn tả thật khô khốc nhưng thực ra lại là một công thức đầy lòng tôn kính, qua đó thánh nhân muốn nói đến việc tận hiến chính mình, tức là tình yêu. Trong chương XXVII, ở một đoạn quan trọng, hai cách diễn tả tương đương trào ra từ ngọn bút của thánh nhân, cách nhau chỉ một dòng: “Chỉ vì tình yêu Thiên Chúa”, “chỉ để phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa” (3Lên 27,4). Như thế phục vụ Thiên Chúa một cách tuyệt hảo chính là yêu mến Ngài.
Chính “nền tảng” ấy làm nên sự nhất quán của tất cả đêm chủ động của lòng muốn. Khi nhắc lại giới răn đầu tiên: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực” thánh nhân nói thêm rằng lời ấy chính là bản tóm lược tất cả đời sống tâm linh, cũng là tóm lược tất cả giáo huấn của thánh nhân. “Lời này hàm chứa tất cả những gì người sống theo tâm linh phải làm và những gì tôi muốn chỉ bảo họ ở đây, ngõ hầu được thực sự đến gần Thiên Chúa trong sự hiệp nhất cùng một lòng muốn với Ngài nhờ vào đức mến” (3Lên 16,1). Người ta không thể diễn tả rõ hơn về sự trổi vượt của tình yêu trong giáo huấn của thánh Gioan Thánh Giá. Học thuyết của thánh nhân là học thuyết về tình yêu.
Như thế, tình yêu chủ yếu cốt ở điều gì? Tình yêu chủ yếu cốt ở chỗ hòa hợp lòng muốn của chúng ta phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, đến nỗi “từ hai lòng muốn ấy chỉ còn một mà thôi” (1Lên 11 và 2Lên 5). Nhờ từ đó mà phát sinh ra sự giống nhau giữa linh hồn với Thiên Chúa, hay đúng hơn, linh hồn được biến đổi nên Thiên Chúa (2Lên 5).
Việc hiệp nhất tạo nên biến đổi ấy đòi tất cả sức lực của linh hồn phải tập trung cả vào việc yêu mến, như trong câu thánh vịnh tuyệt vời được thánh nhân trích dẫn và chú giải tới ba lần trong các tác phẩm của ngài: “Con sẽ gìn giữ sức lực con cho Ngài, ôi lạy Chúa” (1Lên 11 và 3Lên 16, Đêm Dày).
Như vậy, xét cho cùng, người ta có thể dễ dàng quan niệm một tình yêu thuần triết học, lược bỏ hết khổ đau và chỉ giữ lại sự hiệp nhất giữa hai lòng muốn trong một thứ thanh thản siêu hình. Thế nhưng, một cách cụ thể, thánh Gioan Thánh Giá bảo rằng các cảm xúc của chúng ta ở trong tình trạng hết sức hỗn loạn. Ngài cũng ghi nhận rất đúng rằng tình yêu cốt ở chỗ “vì Thiên Chúa mà hành động để tự lột trần và tước bỏ hết những gì không phải là Thiên Chúa” (2Lên 5,7). Ngoài ra, thánh nhân còn khẳng định rằng ước muốn chịu thiếu thốn mọi sự dịu ngọt nơi cảm nghiệm và vì Chúa Kitô mà luôn “chọn tất cả những gì là nhạt nhẽo hơn, cả trong sự hưởng nếm Thiên Chúa và sự hưởng nếm thế gian, và như thế mới thật là yêu mến Thiên Chúa” (2Lên 7,5). Tư tưởng ấy rất quen thuộc với thánh nhân đến nỗi người ta thấy nó được lặp lại gần như y hệt nơi một trong những câu châm ngôn của ngài: “Tình yêu không cốt ở những rung động sâu xa, nhưng cốt ở chỗ biết triệt để từ bỏ và chịu đau khổ nhiều vì Đấng Chí Ái” (Châm ngôn I,65).
Như thế, chúng ta đã xa khỏi nền khổ hạnh thuần túy duy ý chí tới cả hàng trăm dặm! Nền khổ hạnh duy ý chí coi sự tiến bộ về các nhân đức tự nó là một điều thiện đang khi thật ra mọi nhân đức sẽ chẳng là gì cả nếu không có tình yêu. Không gì tiêu biểu cho cung cách của thánh nhân hơn là chương XXVII tuyệt diệu, trong đó ngài nghiên cứu cho thấy người ta có thể đặt niềm vui nơi những nhân đức họ sở hữu tới mức nào. Hẳn chúng ta đoán được niềm vui mà một người như chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu có được khi đọc phần cuối của chương này. Chị thánh thú nhận chị thật miễn cưỡng mỗi khi đọc câu này của thánh vịnh 118: “Inclinavi cor meum ad faciendas justificationes tuas, propter retributionem” nghĩa là: Xin cho con hết lòng tuân theo thánh chỉ, để con khỏi nhục nhã ê chề (Tv 118,80). Mỗi lần đọc câu ấy, chị lại vội vàng khẳng định tận cõi lòng về tình yêu vô vị lợi của mình[9]. Chắc hẳn chị thánh đã cảm thấy an vui biết bao khi tìm gặp cùng một tư tưởng ấy dưới ngòi bút của người Cha trên đường tâm linh của chị! Bởi lẽ khi tập nhân đức và làm việc lành, ta phải gặt hái niềm vui trong Thiên Chúa, khao khát đem những tập luyện và công việc ấy ra phục vụ Ngài, rồi trong lúc tự tẩy luyện và sống xa vắng niềm vui ấy, phải biết muốn sao cho chỉ một mình Thiên Chúa vui thỏa và tận hưởng việc phục vụ ấy trong thầm kín, không bận tâm tìm bất cứ một sự tôn kính hoặc lợi ích nào khác hơn là danh dự và vinh quang của Thiên Chúa (3Lên 27). Trong một lời cảm thán thật thống thiết ở chương XIX của Đêm Tâm Linh, thánh Gioan Thánh Giá than phiền rằng có quá ít người hành động như thế: “Ôi lạy Thiên Chúa, là Chúa của con. Có biết bao nhiêu người vẫn đến với Chúa để tìm nơi Chúa sự ủi an và vui thú cho bản thân họ, để được Chúa ban phúc ban ơn. Còn những kẻ muốn làm vui lòng Chúa, sẵn sàng gác bỏ tư lợi sang một bên và chịu thiệt để thực hiện một điều gì cho Chúa, thì quả là ít ỏi! (2Đêm 19,4).
Cần phải từ bỏ cả những ân sủng phi thường mà người ta gọi là đoàn sủng. Thử hỏi những việc không làm vì lòng mến Chúa nào ích gì và đáng giá gì trước nhan Ngài? (3Lên 30,5). Cần phải điều chỉnh lại việc tôn kính các ảnh tượng thánh. Chỉ chọn ảnh tượng nào giúp cho bạn yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn (3Lên 35). Dù là bất cứ sự gắn bó nào khác cũng chỉ có một điều quan trọng là nó phải gom sức mạnh của lòng muốn vào Thiên Chúa (3Lên 28), đó là điều giúp chúng ta chu toàn thật tốt điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.
Sự thiếu sót nghiêm trọng trong bản văn về đêm chủ động của lòng muốn lộ ra ngay lập tức khi chúng ta khảo sát những phân đoạn mà lẽ ra một bài trình bày đầy đủ phải có.
Tất cả sức mạnh của linh hồn “nằm ở nơi các quan năng, đam mê và mê thích của nó” (3Lên 16,2), chủ yếu là ở nơi bốn xúc cảm chính là: vui mừng, hy vọng, đau khổ và sợ hãi. Thế nhưng thánh nhân chỉ mới bàn đến niềm vui mà cũng vẫn chưa hoàn thành.
Quả thật thánh Gioan Thánh Giá đã duyệt qua tất cả những điều tốt mà lòng muốn có thể vui hưởng và sắp xếp chúng thành sáu đề mục như sau:
– Điều tốt trần thế (của cải vv…)
– Điều tốt tự nhiên (tài năng của thể xác và linh hồn)
– Điều tốt về mặt cảm giác (đối tượng của các giác quan bên ngoài và bên trong)
– Điều tốt luân lý (các nhân đức)
– Điều tốt siêu nhiên (theo nghĩa hẹp của siêu nhiên – những điều phi thường)
– Điều tốt tâm linh (tất cả những gì có thể giúp đỡ linh hồn đến với Thiên Chúa chẳng hạn: hình ảnh, các bài diễn thuyết, những nhà truyền giáo…vv…). Đề mục thứ sáu này vẫn chưa hoàn thành.
Ở mỗi đề mục thánh nhân lần lượt nghiên cứu:
- Làm thế nào để “uốn nắn cho lòng muốn hướng về Thiên Chúa nơi những điều tốt ấy?”
- Những thiệt hại khi lấy làm vui thỏa với những điều tốt ấy.
- Những ơn lành khi từ bỏ những điều tốt ấy.
Tất cả cái khó khăn của đời sống tâm linh liên quan tới lòng muốn chính là phải biết “uốn nắn cõi lòng, hướng lòng, nâng lòng lên Thiên Chúa nơi những điều tốt ấy”, là “xây dựng lòng muốn trên nền tảng một tình yêu khiêm nhường”. Thánh nhân phát ghen lên khi nói về sự tinh tuyền của một sự hiến dâng như thế cho Thiên Chúa. Điều quan trọng không chỉ là dâng lên hoặc hiến tế của lễ cho Chúa về mặt vật chất. Nơi tất cả những điều ấy, chúng ta phải hành động “chỉ vì yêu mến Chúa – chỉ để làm vui lòng Chua – chỉ để cho Chúa được vui”. Bởi lẽ sỡ dĩ Thiên Chúa phải được phục vụ thì chỉ đơn giản vì Ngài là Thiên Chúa chứ không vì lý do hay mục đích nào khác.
Đòi hỏi này không phải là nguồn gốc của điều mà chúng ta gọi là phương thức huyền giao đó sao? Phương thức này được xem như sự thể hiện thực tế “nền tảng” của đêm chủ động của lòng muốn. Khi bàn về đêm giác quan, chúng tôi đã ghi lại rằng phương thức ấy chủ yếu là “biết dùng tình yêu – và chỉ tình yêu thôi – làm phương tiện, không phải để chống lại cám dỗ mà để vượt qua cám dỗ”.
Ở đây, điều được phác họa nơi đêm giác quan đã đi đến chỗ triển nở trọn vẹn. Dù thánh nhân không nêu rõ từ phương thức – như nơi tác phẩm “những kỷ niệm” của cha Élisée Các Thánh Tử Đạo – chính phương thức tạo nên sự thống nhất và là linh hồn của tất cả nền khổ hạnh theo thánh Gioan Thánh Giá, đặc biệt nơi đêm chủ động của lòng muốn.
Nền tảng tâm lý mà phương thức ấy dựa vào được chỉ ra ngay từ những dòng đầu tiên của chương XVI như sau: “Bốn loại xúc cảm này càng thống trị linh hồn và giao chiến ở đó, lòng muốn sẽ càng bớt tập trung vào Thiên Chúa và càng lệ thuộc vào loài thụ tạo” (3Lên 16,4). Dưới hình thức phủ định, điều ấy muốn nói rằng lòng muốn càng hiệp nhất mạnh mẽ với Thiên Chúa nhờ tình yêu thì các nhân đức càng gia tăng và các xúc cảm càng bị chế ngự.
Do đó, khi phải đương đầu với cám dỗ – ví dụ như khi đối diện với những quyến rũ của vẻ duyên dáng và vẻ đẹp thể xác – người môn đệ của thánh nhân dĩ nhiên có thể và phải nghĩ đến tính chất hư ảo của mọi vẻ bề ngoài, vốn chỉ là một “làn khói, làn hơi trên mặt đất”. Nhưng trên tất cả là – và đầy là điều thuần túy Gioan Thánh Gía – người môn đệ ấy phải uốn nắn cõi lòng theo Thiên Chúa, hoan hỉ và vui mừng biết rằng nơi Ngài có được tất cả nét duyên dáng và vẻ đẹp ấy ở mức tuyệt hảo, đạt tới mức độ vô cùng và vượt trên mọi loài thụ tạo (3Lên 21). Ôi những lời lẽ dồn dập ấy thật hùng hồn biết bao!
Chúng tôi không nghĩ rằng có một tác giả nào khác trình bày “phương thức” trên một cách có hệ thống đến thế. Trong nhiều trường hợp phương thức này chứng tỏ là phương thức duy nhất mang lại hiệu quả. Phương thức này dường như tỏa sáng nơi toàn bộ đêm chủ động của lòng muốn. Chẳng phải vì nó được trình bày theo kiểu tuyệt đối. Thực ra, thánh Gioan Thánh Giá không thiếu những đoạn khổ hạnh cổ điển kể cả phong cách gần như kinh viện, nhưng đó không phải là chỗ độc đáo của ngài. Còn những đoạn ám chỉ cách chống trả cám dỗ và luyện tập nhân đức theo phương thức này dường như tạo thành mối dây cốt thiết làm nên sự thống nhất cho đêm của lòng muốn.
Sự thán phục mà thánh Gioan Thánh Giá thường đề cập dựa trên lối diễn tả nền tảng là “phục vụ Thiên Chúa” khi bàn về những điều tốt trần thế cũng như điều tốt trên trời mà trước tiên không phải là tình yêu, chỉ là một biểu hiện của phương thức này. Thán phục lại chẳng phải là một trong những hình thức cảm động nhất, đôi khi ngây thơ nhất của tình yêu đó sao?
Ý tưởng trên có thể mang những dạng thức hơi khác nhau và không ngừng được đổi mới, thế nhưng nó vẫn là một và không ngừng được lặp đi lặp lại: “Còn khi linh hồn đến gần Thiên Chúa với sự nghiêng chiều của lòng muốn thì nhờ đó tất cả mọi điều tốt sẽ đến với linh hồn. Cũng thế, khi linh hồn xa rời Thiên Chúa vì quyến luyến thụ tạo, thì mọi khổ đau và thiệt hại sẽ đè nặng linh hồn tùy theo mức độ vui thỏa và sự nghiêng chiều đang gắn chặt nó với loài thụ tạo và đang khiến nó xa lìa Thiên Chúa” (3Lên 19,1).
Phương thức này lập tức giúp linh hồn có được “lợi ích rất lớn lao và chính yếu” đó là được thoát khỏi niềm vui nơi loài thụ tạo và cõi lòng được tự do dành cho Thiên Chúa (3Lên 20).
“Phương thức” này cũng còn trở thành chuẩn mực giúp người ta nhận ra phẩm chất của những thứ tình yêu khác nơi linh hồn. Nếu trong khi trung tín thực hành phương thức ấy người ta nhận thấy lòng yêu thương của mình đối với người thân cận thay vì giảm bớt, lại càng gia tăng, thì đó là điều tốt lành theo ý Thiên Chúa, và lòng yêu thương ấy có cùng lý do và cùng nguyên nhân như tình yêu dành cho Thiên Chúa (3Lên 23). Nơi một vài trang sau đó (3Lên 24) ý tưởng trên lại xuất hiện khi bàn đến những sự vật khả giác.
Phương thức này thích hợp tuyệt đối đối với mục tiêu phải đạt đến. Chính trong cách hướng đến mục tiêu người ta đã chiếm được mục tiêu ấy phần nào. Sự ô uế nơi các đối tượng cám dỗ không còn tạo được ấn tượng đối với linh hồn và phần tâm linh (tức là linh hồn đã được hiệp nhất với Thiên Chúa) có được “một sự tương hợp thần thiêng với Chúa, biến cả linh hồn và thân xác họ thành một đền thờ xứng đáng của Chúa Thánh Thần” (3Lên 23, 4).
Điều tạo nên tính chất riêng của từ ngữ – sự tương hợp thần thiêng – đã nằm ngay trong phương thức vươn tới mục tiêu (bằng cách vượt lên nhờ sự cất cánh vút bay). Có bao giờ một cuộc đánh vật tay đôi mà không để lại một vết bẩn nào đó nơi linh hồn?
Làm sao giải thích khác được cách diễn tả mà thoạt nhìn tưởng không thích đáng, nhưng lại đầy ý nghĩa nơi tác phẩm Ca Khúc Tâm Linh: “Thậm chí người ta có thể ví những sáng tinh mơ là những hành vi yêu thương và bởi những hành vi ấy người ta sắm được các nhân đức” (Ca 21,2). Phương cách để sắm được các nhân đức không nhất thiết là phải thực hành ngay nhân đức ấy nhưng là phải thực hành yêu thương.
Còn phải trưng dẫn thêm nhiều bản văn khác chứa đựng những công thức tiêu biểu của “phương thức” huyền giao ấy. Người theo đường tâm linh dù gặp bất cứ sự thú vị nào “dù là tình cờ dù là chủ tâm, người sống theo tâm linh chỉ được hưởng dụng nó vì Thiên Chúa bằng cách nâng sự vui thỏa của linh hồn lên cùng Ngài” (3Lên 24,7).
Trước thánh Gioan Thánh Giá, nhiều vị khác cũng đã nói rằng người ta chỉ từ bỏ được mọi vật bởi lòng yêu mến Thiên Chúa (3Lên 24). Tuy nhiên theo như chúng tôi được biết, về điểm này chưa ai chỉ cho thấy được làm sao mà chỉ có tình yêu mới có thể là phương thế để từ bỏ mọi sự vật, hay đúng hơn, để thay thế các sự vật ấy bằng một điều gì đó tốt hơn đến nỗi không còn vấn đề đấu tranh mà chỉ là chọn điều ưu tiên hơn. Có thể đôi khi điều ưu tiên hơn ấy đòi phải vất vả hơn (mặc dù điều vất vả hơn ấy có thể lại là đối tượng của tình yêu và thậm chí là đối tượng của sự yêu chuộng hơn…)[10]
Tuy nhiên, chẳng bao lâu, điều ưu tiên hơn sẽ tỏ ra là giàu sức sinh sản đến đáng khâm phục và tỏa sáng trong niềm vui của Ca Khúc Tâm Linh và Ngọn Lửa Tình Nồng.
Bởi lẽ, tình yêu sẽ sớm thành chủ đề gần như là tuyệt đối của thánh Gioan Thánh Giá. Tình yêu đầy âu lo và đớn đau của Đêm Dày, tình yêu vinh thắng của Ca Khúc Tâm Linh, tình yêu hoàn tất của Ngọn Lửa Tình Nồng. Thế nhưng công trạng lớn lao của thánh Gioan Thánh giá chính là đã cho thấy rằng ngay từ những từ bỏ đầu tiên, ngay từ những đấu tranh ban đầu còn rất xa mục tiêu, đối với ngài, vấn đề lúc nào cũng chỉ là yêu mến.
[1] Ấn bản Critica q. I trang 6.
[2] Xem Ngọn Lửa Tình Nồng.
[3] Trong tiếng Việt ta có thể dịch memoria nhiều cách nhau khác: ký ức, trí nhớ, bộ nhớ, dạ nhớ. Chúng tôi chọn dịch là dạ nhớ, để đồng bộ với trí và lòng. Đây từ ta gặp trong Chinh Phụ Ngâm, câu 30:
Nước trong chảy lòng phiền chẳng rửa
Cỏ xanh thơm dạ nhớ khó quên.
[4] J. Baruzi Thánh Gioan Thánh Giá và vấn đề kinh nghiệm huyền giao.
[5] Tủ sách huyền giao Cát Minh, tác phẩm của thánh Gioan Thánh Giá do Cha Silverio xuất bản tập IV tr 348.
[6] Xem Opusculas p. 1366.
[7] San Juan de la Cruz, Su obra scientifica y su obra literaria q. I.
[8] Les degrés du savoir trang 655 – 658.
[9] Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu: Lời khuyên và kỷ niệm.
[10] Thánh Âu Tinh có nói: In eo quod amatur aut non laboratur, aut et labor amatur (Đã yêu thì không còn nặng nhọc mà nếu có nặng nhọc thì cũng là cái nặng nhọc đáng yêu).
Xin chân thành cám ơn Dòng Cát Minh VN, là nơi duy nhất đang phổ biến bản dịch các tác phẩm của thánh Gioan Thánh Giá cho khắp nơi có thể học và thực hành những điều thánh Gioan Thánh Giá dạy.