Đức Mẹ Núi Cát Minh và Áo Đức Bà
Đức Mẹ Núi Cát Minh
Mối quan hệ giữa Đức Mẹ và Núi Cát Minh có tính địa lý và kinh thánh. Núi Cát Minh nằm cách khoảng 20 dặm từ Nazareth nhìn ra Biển Địa Trung Hải. Núi Cát Minh được coi là một biểu tượng của sự ban phước và vẻ đẹp cho thảm thực vật phong phú và sắc đẹp của nó. Kinh thánh nói rằng tiên tri Êlia đã cầu nguyện với Thiên Chúa trên Núi này để có mưa trong cơn hạn hán và Thiên Chúa đã nhận lời cầu nguyện và đã có mưa và đã mang lại cuộc sống mới dồi dào. Những đám mây bay lên từ biển khiến mưa sau đó trở thành một biểu tượng cho Đức Maria là Ngôi Sao của Biển Khơi. Núi Cát Minh cuối cùng đã thu hút các ẩn sĩ muốn sống đời sống ẩn tu, và từ thế kỷ 12 Núi Cát Minh trở thành một nơi cư ngụ cho nhiều người. Sau đó, các ẩn sĩ quy tụ và lập thành dòng Núi Cát Minh và tận hiến cho Ðức Mẹ qua đời sống chiêm niệm.
Đức Mẹ Núi Cát Minh là danh hiệu dành cho Đức Trinh Nữ Maria trong vai trò là người bảo trợ Dòng Cát Minh. Các Hiến pháp của dòng vào thế kỷ thứ mười ba đã cho thấy rằng. “Các ẩn sĩ đã được thúc giục bởi một tình yêu mến đặc biệt đối với Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, và họ bắt đầu tỏ lòng sùng kính lớn lao đối với Mẹ. Vì vậy, họ xây dựng một nhà nguyện nhỏ để tôn vinh Đức Mẹ. Ở đó, họ tập trung thường xuyên trong ngày để diễn tả tâm tình của họ đối với Đức Trinh Nữ Maria trong các buổi cầu nguyện, lễ nghi và ca tụng. Do đó, họ được gọi bởi cái tên là anh em dòng Đức Mẹ Núi Cát Minh.
Cũng vào thế kỷ XII. Tổng giáo mục Albertô thành Giêrusalem đã qui tụ tất cả thành một nhà dòng, ban hành cho họ một quy luật sống và được Giáo hoàng Hônôriô III phê chuẩn năm 1226. Cũng năm ấy, Giáo hoàng cho phép mừng trọng thể trong dòng lễ Đức Bà Cát Minh. Vì gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn Đất thánh bị Hồi giáo chiếm đóng, dòng Cát Minh đã di chuyển về Cambridge, nước Anh. Năm 1674, Lễ mừng Maria núi Cát Minh lan rộng tới các nước có vua công giáo. Năm 1679, tới các vương quốc Áo, Bồ Đào Nha. Các nước thuộc quyền giáo hoàng mừng lễ này từ năm 1725. Giáo hoàng Biển Đức XIII phổ biến lễ này trong toàn Giáo hội do sắc lệnh ban hành ngày 24 tháng 9 năm 1726. Ngày 15 tháng 5 năm 1892, Giáo hoàng Lêô XIII đã ban đặc ân “Portiuncula” (ơn đại xá cho ai viếng nhà thờ) trong lễ này. Lễ này được mừng trong toàn giáo hội công giáo vào ngày 16 tháng 7 hàng năm.
Áo Đức Bà Núi Cát Minh:
Khi đất thánh bị xâm chiếm bởi người Hồi giáo, dòng Cát Minh di chuyển về Châu âu. Lúc này Thánh Simon Stock làm Bề Trên Cả của Dòng, ngài lo lắng vì sự mới mẻ của Dòng khi vừa di cư đến Châu Âu. Ngài đêm ngày cầu nguyện xin Đức Mẹ dẫn đường và bảo vệ dòng trong lúc khó khăn. Ngày 16 tháng 7 năm 1251, Đức Mẹ hiện ra, có nhiều thiên thần hầu cận, Đức Mẹ trao cho thánh nhân chiếc áo gồm hai mảnh vải và phán: “Con hãy nhận áo này làm áo riêng Dòng Mẹ, là dấu chỉ Mẹ thương Dòng và các con cái ở đây. Đây là áo ban bình an, tượng trưng sự liên kết, che chở khỏi nguy hiểm. Ai chết khi mang áo này thì được thoát khỏi lửa hỏa ngục”.
Thế kỉ 14, sau khi thánh Simon Stock qua đời (1265) Đức Mẹ hiện ra với Đức Giáo hoàng Gioan XXII khi ngài đang cầu nguyện, Đức Mẹ mang Áo Đức Mẹ Cát Minh và dạy ngài phải công bố cho hết những ai mang Áo Ðức Mẹ biết: “Nếu những ai là tu sĩ dòng hoặc là người vào hội Áo, bởi tội lỗi mình phải vào Luyện ngục, Mẹ sẽ xuống, như người Mẹ nhân lành, vào ngày thứ Bảy sau khi chúng qua đời để cứu vớt chúng và đem chúng về hưởng phúc muôn đời”. Năm 1951, Đức Piô XII, dịp kỷ niệm 700 năm Đức Mẹ hiện ra với thánh Simon Stock, đã gửi một Tông thư cho Bề trên Cả Dòng Cát Minh cũng nói về Đặc ân ngày thứ Bảy: “Áo Đức Mẹ là dấu hiệu và bảo chứng sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa. Nhưng những người mặc Áo này đừng tin rằng dù họ trễ nải và lơ là việc thiêng liêng mà được ơn Cứu rỗi, như thánh Phaolô căn dặn: ‘Anh em hãy biết kính cẩn và lo sợ mà gắng công lo việc rỗi linh hồn mình’ (Pl 2:12)