ÊLIA – VỊ NGÔN SỨ BỐC LỬA
Tiên tri Êlia xuất hiện trong Kinh thánh như là người của Thiên Chúa, người luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa và chiến đấu quyết liệt cho việc thờ phượng một Thiên Chúa thật. Việc ông sống thân mật với Thiên Chúa và nhiệt thành cho vinh quang Ngài đã trở nên nguồn cảm hứng cho các ẩn sĩ đầu tiên trên núi Cát Minh. Chính vì vậy, ngay từ thuở ban đầu trên Đất Thánh, Dòng Cát Minh đã nhìn nhận ngôn sứ Êlia là vị Thủ lãnh về mặt tinh thần, là vị Tổ Phụ. Lý tưởng của ngài là lý tưởng của Dòng: chiêm niệm và nhiệt tình tông đồ.
ÊLIA BỐC LỬA
Tiếng kêu tự tâm hồn ngôn sứ Êlia hiện vẫn còn khắc ghi trên huy hiệu của Dòng Cát Minh: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh nung nấu con!”(1V 19, 14a) Tôi hằng phủ phục trong tôn thờ cầu khẩn, hay ngồi xuống trên hai gót chân mà say mê ngắm nhìn Ngài: Lạy Đức Giavê, Đấng Cao Cả, Toàn Năng.
Thế nhưng giữa lúc đang suy niệm, Êlia chợt bốc thành lửa: “Bấy giờ ngôn sứ Êlia đứng lên như một ngọn lửa phừng phừng, lời ông rực cháy như một ngọn đuốc” (Hc 48, 1) và những hành động nhiệt thành của ông làm rạng rỡ vinh quang Thiên Chúa. “Lửa đã từ trời xuống trên hy lễ của ông, thiêu rụi tất cả, trước mặt các ngôn sứ giả hiệu và đám thần Ba-an vô tích sự của họ” (1V 17, 9 -17).
NGỒI XUỐNG, ĐỨNG LÊN
Đó là “nhịp kép” của tu sĩ Cát Minh. Ngồi xuống để chiêm niệm, để lòng được tràn đầy Thiên Chúa, để bắt lửa trong Tình yêu. Đứng lên để tuôn tràn, để mang Tin Mừng Cứu Độ đến cho thế giới vô tín và lạnh lùng.
Ngồi xuống như Đức Mẹ Maria ở Nadarét. Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời của Chúa Cha vào lòng, nhưng rồi bất chợt, cả Mẹ nữa, Mẹ cũng đã đứng lên và “hối hả ra đi” viếng thăm người chị họ để chia sẻ hồng ân Thiên Chúa, để thánh hoá cả Gioan, Giacaria và Élisabeth trong niềm vui rộn rã.
Ngồi xuống như các tông đồ ở phòng tiệc ly, cùng cầu nguyện với Đức Mẹ, rồi thình lình “Thánh Thần đến, với những lưỡi lửa, cuồng phong, phép rửa bằng lửa. Họ được đầy tràn Chúa Thánh Thần (Cv 2,2)”, họ đã đứng lên và khởi đầu sứ vụ ra đi truyền giáo cho thế giới mãi đến tận cùng địa cầu và tới thời cánh chung.
CẦU NGUYỆN THIẾT THA
Điều gây ấn tượng nơi ngôn sứ Êlia, chính là lời cầu nguyện của ngài thật mạnh mẽ và lòng tin của ngài thật tuyệt đối, cho nên thánh Giacôbê mới đưa ngài lên làm gương mẫu cầu nguyện: “Lời cầu xin thiết tha của người công chính rất có hiệu năng. Ngôn sứ Êlia xưa cũng là người như chúng ta; ngài đã tha thiết cầu xin cho đừng có mưa, thì đã không có mưa xuống trên mặt đất suốt ba năm sáu tháng. Rồi ngài lại cầu xin, trời liền mưa xuống và đất đã trổ sinh hoa trái.” (Gc 5, 16-18).
Nối bước Êlia, các tu sĩ Cát Minh phải chuyển cầu cho thế giới và nâng thế giới “đứng lên” (Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu). Họ phải có trách nhiệm “giữ cho tinh thần cầu nguyện luôn cháy nóng như một ngọn lửa trong Giáo Hội” (Đức Giáo Hoàng Lêô XIII).
VƯỢT QUA SA MẠC
Một điều khác cũng gây ấn tượng nơi ngôn sứ Êlia, đó là ngài đã vượt qua sa mạc. Quả là một cuộc chạy ráo riết để thoát khỏi đám kỵ binh của Jézabel gian ác đang săn đuổi ngài lúc bấy giờ. Có lúc người khổng lồ ấy đã kiệt sức, phơi bày cả nỗi yếu đuối và tuyệt vọng của mình. (Đó là lúc ngài thật gần gũi với chúng ta).
Thế nhưng thần sứ Thiên Chúa đã đến tiếp tế cho ngài bánh và nước để sống. Ngài lại lên đường đến Horeb và đã được gặp Thiên Chúa ở đó, không phải trong những chấn động mãnh liệt của lửa, của động đất, nhưng trong cơn gió nhẹ thoảng qua, trong thinh lặng của tâm hồn và vạn vật.
Các môn đệ của Êlia phải luôn thính tai sáng lòng nghe ngóng, để kịp thời nhận ra trong thinh lặng và cô tịch những bước chân nhẹ nhàng của Thiên Chúa đi qua, những lần gặp gỡ sâu sắc tăng cường sức lực cho người tông đồ, và lại đẩy họ lên đường đến với những anh em loài người của họ.
Kinh Thánh không nói đến cái chết của ngôn sứ Êlia. Những con ngựa lửa kéo chiếc xe lửa đã mang ngài đi. Người Ả rập bảo Êlia là “con người xanh tươi”. Ngọn lửa của ngài vẫn còn tiếp tục bừng cháy trong tâm hồn một Têrêxa của Chúa Giêsu, một Gioan Thánh Giá, một Têrêxa bé nhỏ, và của bao người khác.
Ngài tiếp tục hét lên cho các tâm hồn ngày nay: “Nếu Chúa quả là Thiên Chúa đích thực, là Đấng Toàn Thể độc nhất, thì anh em hãy theo Ngài. Anh em còn đi khập khiễng hai chân cho đến bao giờ? Còn ngập ngừng cho đến bao giờ giữa Đấng là sung mãn, hạnh phúc, chân lý, tức là Đức Kitô Con Thiên Chúa thực sự phục sinh, Đấng hằng sống muôn đời, và các thần tượng rỗng tuếch: tiền bạc, chức quyền, tình dục, các lạc thú lừa dối. Tại sao lại chạy theo điều dối trá, đuổi bắt cái hư vô?”
“Hỡi các tâm hồn được gọi để nhìn thấy Thiên Chúa và chiếm hữu Đấng vô biên, các bạn đùa vui với những gì? Những cao vọng của các bạn thật khốn cùng, những ước mơ của các bạn chỉ là bọt xà phòng và cát bụi.” (Thánh Gioan Thánh Giá).
Đấng tôi đã được chiêm ngưỡng trên núi Tabor, đang đến mang lửa tình yêu xuống trần gian, để cho thế giới phải bùng cháy lên. Nếu không, biết bao người sẽ chết vì cóng lạnh.
HÃY ĐỨNG LÊN VÀ ĐI VỀ HƯỚNG ĐÔNG
Êlia, vị ngôn sứ của Chúa đó, là đan sĩ đầu tiên. Ngài là nguồn cội của cơ chế thánh thiện này. Thực vậy, nhằm được chiêm ngắm Thiên Chúa, khao khát tiến thật nhanh trên đường trọn hảo, ngài xa lánh phố phường, giũ bỏ mọi của cải trần gian. Và như thế, ngài đã là người đầu tiên, một cách hoàn toàn tự nguyện, bắt đầu đời sống ẩn sĩ, tu sĩ và ngôn sứ.
Cuộc sống được khởi đầu và theo đuổi dưới sự linh hứng và theo lệnh của Thánh Thần. Bởi vì Thiên Chúa đã hiện ra với ngài, ra lệnh cho ngài phải xa lánh nơi loài người cư ngụ, ẩn mình trong sa mạc, cách xa các đám đông và sống đời đan sĩ trong cô tịch, theo quy luật đã chỉ cho ngài.
Thánh Kinh làm chứng về điều đó cách minh bạch, không thể hiểu khác được. Trong sách Các Vua chúng ta đọc thấy như sau: “Lời Thiên Chúa phán cùng Êlia rằng: Hãy đi khỏi đây, mà về hướng Đông, ngươi sẽ ẩn mình trong Khe Carith, đối diện với sông Jordan. Ngươi sẽ uống nước Khe, và Ta truyền lệnh cho quạ nuôi dưỡng ngươi ở đó.”
Đó là những mệnh lệnh cứu độ mà Thánh Thần đã soi sáng cho Êlia vâng theo, là những lời hứa đáng mơ ước, mà Thánh Thần đã khiến ông đứng lên thực hiện. Những lời ấy, các đan sĩ, ẩn sĩ, đều phải xem xét từng chữ một cả về mặt lịch sử, và hơn nữa, về mặt thần bí. Càng áp dụng, càng thấy những lời ấy chứa đựng một cơ chế phong phú: cung cách để đạt tới đỉnh trọn hảo trong ơn gọi ngôn sứ và đạt tới đích điểm của cuộc sống ẩn tu.
HAI MỤC TIÊU
Trong cuộc sống ấy, chúng ta phân biệt hai mục tiêu: mục tiêu thứ nhất chúng ta có thể đạt tới do cố gắng lao nhọc và sự thực hành các nhân đức với ân sủng Chúa hỗ trợ: dâng hiến cho Thiên Chúa một tâm hồn thánh thiện, trắng trong, sạch mọi vết nhơ tội lỗi hiện tại.
Mục tiêu ấy chúng ta sẽ đạt được khi chúng ta trở nên hoàn thiện, khi chúng ta đến Khe Carith, tức ẩn náu trong đức ái, như lời Đấng Khôn Ngoan đã dạy: “Đức ái phủ lấp mọi tội lỗi”. Thiên Chúa muốn cho Êlia đạt tới mục tiêu đó, nên Ngài đã bảo ông: “Hãy đi ẩn mình trong Khe Carith”.
Mục tiêu thứ hai của cuộc sống ấy được đề ra cho các đan sĩ như một hồng ân hoàn toàn do Thiên Chúa ban không. Điều đó cốt yếu ở chỗ hưởng nếm một cách nào đó trong lòng ta, và cảm nghiệm được trong tâm trí ta sức mạnh sự hiện diện của Thiên Chúa và cái dịu ngọt của vinh quang bởi trời, không chỉ sau khi chết, mà ngay giữa lòng cuộc sống trần gian.
Như thế mới đúng là uống nước nơi mạch suối niềm vui của Thiên Chúa. Mục tiêu này, Thiên Chúa đã hứa ban cho ngôn sứ Êlia khi bảo ngài: “Ở đấy, ngươi sẽ uống nước Khe”.
ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU
Chính là để thực hiện hai mục tiêu đó mà đan sĩ phải dấn bước vào đời ẩn tu, như vị ngôn sứ đã minh chứng: “Trong một vùng đất hoang vu khô cằn và không ai lui tới, con đã ra trước mặt Ngài như trong đền thánh, lạy Chúa, để chiêm ngưỡng quyền năng và vinh quang Chúa.”
Bởi ngài chọn ở lại trong “một vùng đất hoang vu, khô cằn và không ai lui tới” để ra trước mặt Thiên Chúa “như trong đền thánh”, tức là với tâm hồn sạch mọi tội lỗi, ông đã chỉ rõ mục tiêu thứ nhất của đời sống đan sĩ mà ông chọn: dâng hiến cho Thiên Chúa một tâm hồn thánh thiện, tức sạch mọi tội lỗi hiện tại.
Và khi ông nói thêm: “Để con được nhìn ngắm quyền năng và vinh quang của Chúa”, ông đã nêu rõ mục tiêu thứ hai của đời ẩn tu: cảm nghiệm cách nào đó ngay ở trần gian này, hay là nhìn thấy cách thần bí trong lòng mình sức mạnh sự hiện diện của Thiên Chúa và nếm trước hương vị êm ái ngọt ngào của vinh quang trên trời. Người ta đạt tới mục tiêu thứ nhất, tức sự trong sáng của tâm hồn, bằng khổ công tập luyện các nhân đức, với sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa.
Rồi nhờ sự trong sáng của tâm hồn, sự trọn hảo của tình yêu, người ta đạt tới mục tiêu thứ hai, tức cảm nghiệm về sức mạnh của Thiên Chúa và vinh quang trên trời, như lời Chúa đã phán: “Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến, và chính Thầy cũng yêu mến họ và sẽ tỏ mình ra cho họ.”
Qua những lời trên đây, khi đề ra các mục tiêu ấy cho ngôn sứ Êlia trong tư cách là vị thủ lãnh đầu tiên của các đan sĩ là những người sẽ nối bước theo ngài, trên hết, Thiên Chúa đã muốn họ phải noi gương bắt chước chính Ngài “trở nên trọn hảo như Cha chúng ta trên trời là Đấng trọn hảo”, và trên hết mọi sự, còn phải có đức ái là mối dây ràng buộc mọi điều trọn hảo.
Như thế, muốn đạt tới ơn nên trọn hảo và được nhìn ngắm vinh quang Chúa đã hứa, đan sĩ chăm chú lắng nghe với sự sáng suốt nhận định theo đúng trật tự từng lời trên đây và chăm chú thực sự theo sát phương cách mà Thiên Chúa đã đề ra cho Êlia để đạt tới mục tiêu ấy.
Khi nói với ngôn sứ Êlia, Thiên Chúa cũng nói với mọi đan sĩ của Cựu Ước và Tân Ước: “Hãy đi khỏi đây” tức ra khỏi các sự vật dễ hư nát và chóng qua của trần gian, và “hãy tiến về phương Đông” tức ngược với hướng các dục vọng của xác thịt, “hãy ẩn mình trong Khe Carith” để thoát khỏi cái xô bồ của các thành thị và đám đông, “đối diện sông Jordan” tức để được tránh xa tội lỗi nhờ đức ái.
Qua bốn giai đoạn trên, bạn sẽ tiến đến đỉnh trọn hảo trong đoàn sủng ngôn sứ: “Ở đó, bạn sẽ uống nước Khe, uống nước nguồn, nước mạch.”
Trích “Các bản văn cổ nhất của Cát-Minh”
(Trang 110 – 113 – Coll. Vie du Carmel.)
(Nguồn: https://trinhtuyetmaimarie.blogspot.com/2014/11/elia-vi-ngon-su-boc-lua.html)