Điều kiện thu nhận

Sổ tay OCDS

Nguyên bản :Aspirant’s Notebook  by an OCDS Aspirant Teacher with 40 years’ membership in the Order. Wenzel Press 1992.

Mục lục

 I. Hân hoan chào mừng các ứng sinh mới

1. Ứng sinh, bạn là ai ?

Bạn là người đang nghĩ trong lòng rằng mình rất ước ao gia nhập Dòng Ba Cát Minh tại thế (the Secular Order of Discalced Carmelites). Và chính niềm ao ước ấy biến bạn thành một ứng sinh (aspirant), tức là người đang khao khát gia nhập vào Đại Gia Đình Cát Minh.

Qua tập sổ tay này cũng như qua các khóa học hỏi kế tiếp, chúng tôi hy vọng trao vào tay bạn đầy đủ những chỉ dẫn cần thiết, để giúp bạn đi đến một quyết định đúng đắn về Ơn Gọi. Bạn cũng có thể lắng nghe nhiều ý kiến khác về cùng những chủ đề này từ những người không thuộc gia đình Cát Minh. Những ý kiến ấy rất đáng trân trọng.

2. Dòng Ba Cát Minh tại thế là gì ?

Giữa dòng chảy cuộc đời, một số  người được mời gọi theo chân Đức Kitô trong tác vụ Linh mục, một số người khác thì theo Người trong đời sống tu dòng hoặc tu hội. Nhưng tuyệt đại đa số thì được Chúa mời gọi theo Người trong tư cách những giáo dân, nam hoặc nữ, độc thân hoặc có gia đình. Tất cả họ đều phải nỗ lực đương đầu với những đòi hỏi đa dạng của gia đình và nghề nghiệp.

Dòng Ba Cát Minh tại thế chúng ta qui tụ những tâm hồn cùng cảm nhận một ơn gọi đặc biệt hướng đến một đời sống theo sát Tin Mừng, nhờ chiêm niệm nguyện cầu, trong tinh thần hiệp thông huynh đệ với các Linh mục và Nữ tu Cát Minh, đồng thời dõi theo mẫu gương và giáo huấn của các vị thánh thuộc Dòng Cát Minh.

Các thành viên trong chúng ta thường sinh hoạt trong một cộng đoàn địa phương nào đó ; nhưng nơi nào gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, thì có thể có những thành viên “đơn độc”, không thuộc một cộng đoàn đặc biệt nào.

Sống theo nếp sống của Dòng Ba Cát Minh tại thế đích thực là một ơn gọi, tức là sống theo một lời mời gọi phát xuất từ chính Thiên Chúa. Chúng ta không chọn nếp sống này, chính Thiên Chúa chọn cho chúng ta. Và nếu chúng ta được mời gọi sống đời sống này thì nó sẽ nâng đỡ và trợ giúp ta điều hòa được tất cả các phận vụ khác thuộc bậc sống riêng mình.

Thế nhưng, bạn phải nên nhớ chúng ta không có một cuộc sống như các Linh mục và Nữ tu giữa đời. Thiên Chúa đã muốn một số người trong chúng ta sống giữa thế gian bằng một cuộc sống khác với cuộc sống của các Nữ tu và Linh mục. Các vị đó có cuộc sống của các vị, còn người giáo dân có một cuộc sống khác nhưng không thua kém chút nào về giá trị cũng như về phẩm chất cầu nguyện.

3. Các đòi buộc của luật sống Dòng Ba Cát Minh tại thế

Các đòi buộc này rất đơn sơ : hằng ngày nếu có thể được thì tham dự Thánh Lễ, nguyện gẫm nửa giờ và nguyện các Giờ Kinh Phụng Vụ sáng – chiều. Ngoài ra, chúng ta cũng luôn mang bộ áo Đức Bà Núi Cát Minh màu đà, ăn chay vào một số ngày lễ đặc biệt của Dòng, đọc một số sách thiêng liêng, sùng kính Đức Mẹ theo cách riêng mình chọn và hy vọng tham dự đầy đủ kỳ tĩnh tâm hàng năm theo tinh thần Cát Minh. Sau hết, mỗi thành viên còn được mời gọi tham dự đều đặn các buổi họp của cộng đoàn địa phương mình.

4. Thánh Lễ hàng ngày

Hẳn bạn đã biết, qua Thánh Lễ tạ ơn hằng ngày, bạn sẽ nhận được muôn phúc lành vô biên của Thánh Lễ và của việc hiệp lễ. Nhưng nếu Thiên Chúa đặt bạn vào một hoàn cảnh mà bạn không thể nào dễ dàng tham dự Thánh Lễ hằng ngày được, và nếu như điều đó làm bạn thấy áy náy âu lo thì bạn hãy cứ chắc chắn là mình vẫn nhận được những ân phúc của Thánh Lễ và hiệp lễ như thể bạn thực sự tham dự Thánh Lễ và hiệp lễ hằng ngày vậy. Chắc chắn Thiên Chúa sẽ ban cho bạn ơn huệ ấy bởi vì Người biết rõ bạn rất ước ao dự lễ mỗi ngày nếu có điều kiện.

Tuy nhiên, nếu bạn đã không dự lễ hằng ngày và lương tâm bảo thật với bạn rằng, bạn rất có thể tham dự Thánh Lễ nếu bạn chỉ cần cố gắng thêm một chút thôi, trong trường hợp đó chắc chắn là bạn phải cố gắng thêm rồi. Nhưng bạn chỉ cố gắng như vậy khi lương tâm cho bạn biết thật sự bạn đã không dự lễ chỉ vì bạn hơi lười thôi.

Đàng khác, cũng đừng cố gắng như vậy nếu lý do bạn không dự lễ là vì bạn cần phải ở nhà với gia đình hoặc cần phải bảo vệ sức khỏe. Hãy quyết định vấn đề dự lễ ngày thường cách khôn ngoan : nên hỏi ý kiến của một  Linh mục từng trải. Đừng vượt qúa sức mình để dự lễ hằng ngày cho bằng được rồi hủy hoại luôn sức khỏe cũng như bầu khí bình an vốn có của gia đình. Chúa không muốn bạn hành động như thế đâu ! Người sẽ tuôn tràn trên bạn muôn phúc lộc chan hòa của Thánh Lễ và hiệp lễ hằng ngày nếu bạn phải ở nhà vì những lý do chính đáng.

5. Nguyện gẫm

Một yêu cầu nữa của luật Dòng Ba là phải dành ít nhất nửa giờ mỗi ngày để nguyện gẫm. Đây là nét chủ yếu khiến Dòng Ba Cát Minh tại thế khác hẳn với các Dòng Ba khác.

Nói chung, cầu nguyện giúp ta nên bạn hữu của Thiên Chúa. Nhưng ta khó được xem là bạn hữu đích thực của Thiên Chúa nếu ta không dành một số thời gian cụ thể để sống với Người mỗi ngày. Vì thế, Dòng Ba Cát Minh tại thế yêu cầu bạn phải “chuyện trò” với Chúa trong giờ nguyện gẫm riêng tư  hằng ngày. Luật Dòng xin bạn cầu nguyện nửa tiếng, nhưng cũng khuyên bạn dành nhiều thời gian hơn nữa để cầu nguyện. Tuy nhiên đừng bao giờ trả giá việc kéo dài đó bằng hạnh phúc của gia đình bạn. Đó thực chất có thể là một buổi cầu nguyện tồi tệ đấy !

6. Kinh Thần Vụ (còn gọi là Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Yêu cầu thứ ba của Luật Dòng là nguyện hai giờ Kinh Sáng và Chiều của Kinh Thần Vụ. Đây là lời cầu nguyện chính thức của Hội Thánh và chủ yếu bao gồm các Thánh vịnh trong Kinh Thánh. Chúng ta sẽ bàn đến chi tiết và cách cầu nguyện trong các giờ kinh ấy ở phần sau.

Kinh Thần Vụ là kinh nguyện bằng lời. Ta có thể đặt câu hỏi : “Tại sao luật Dòng Ba Cát Minh tại thế lại yêu cầu đọc kinh này trong lúc Dòng nhấn mạnh rất nhiều đến tầm quan trọng của nguyện gẫm bằng trí (mental prayer) chứ không bằng lời (vocal prayer) ?”. Một trong những lý do đơn sơ có thể là vì chúng ta được dạy nên làm như thế. Thật vậy, chúng ta được dạy rằng, một số kinh nguyện bằng lời dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày chỉ đơn thuần cần thiết như một kỷ luật. Vậy cả cầu nguyện bằng trí lẫn bằng lời đều cần thiết trong đời sống hằng ngày của một người có đời sống thiêng liêng vững mạnh.

Nhưng lý do sâu xa và quan trọng hơn chính là vì Kinh Thần Vụ là lời kinh Chúa muốn ta nguyện mỗi ngày. Lại nữa, vì kinh này chủ yếu bao gồm các Thánh vịnh trong Kinh Thánh nên đó là những lời kinh do chính Thiên Chúa gợi ra. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ cầu nguyện theo cách Chúa muốn khi nguyện kinh này và chúng ta cũng sẽ không bỏ sót một ai trong số những người Chúa muốn ta cầu nguyện đâu.

Rất nên nguyện Kinh Sáng vào buổi sáng và Kinh Chiều vào buổi chiều. Nhưng bạn cũng có thể nguyện cả hai giờ kinh làm một với nhau nếu bạn muốn. Tuy nhiên vì cơ cấu của hai giờ kinh đó quá giống nhau nên nếu đọc  chung cả hai giờ thì hầu như có vẻ lập lại, dễ sinh nhàm chán lắm ! Vì thế thật không nên nguyện chung cả hai giờ Kinh Sáng – Chiều với nhau.

Kinh Tối thì tùy ý. Kinh này thường được dâng lên Thiên Chúa ngay trước khi đi ngủ. Một số anh chị cảm thấy khó nguyện kinh này lý do là vì cơn buồn ngủ “quái ác” thường đánh bại họ vào lúc đó. Một số khác thì thuộc lòng Kinh Tối của ngày Chúa nhật và luôn nguyện kinh này mỗi tối đúng như họ được phép. Có lẽ họ cảm thấy làm thế thì dễ hơn vào cái giờ dễ buồn ngủ đó ! Nhưng đối với một số người khác thì nguyện Kinh Tối là việc quá khó nên theo luật chung giờ kinh này có thể nguyện có thể không. Bạn hãy quyết định thực hiện điều tốt nhất cho chính mình.

Chúng tôi không khuyên bạn lập tức nguyện các giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV) ngay đâu (trừ khi bạn đã sẵn sàng). Loại sách “Giờ Kinh Phụng Vụ” mỏng cũng không phải dễ kiếm ! Vì thế, chúng tôi khuyên bạn khoan mua sách ấy đã. Đợi lúc bạn khá chắc chắn rằng mình sẽ tiếp tục theo ơn gọi Cát Minh rồi hẳn mua. Ở đây chúng tôi cũng sẽ không đi vào chi tiết, vì toàn bộ vấn đề Kinh Thần Vụ sẽ được bàn kỹ ở phần sau.

Điều quan trọng là trước khi mua sách cgkpv bạn nên tập quen với chương trình nguyện các kinh khác hằng ngày như thể bạn đang nguyện Kinh Thần Vụ vậy. Rồi vì mỗi giờ Kinh Sáng và Chiều phải nguyện trong vòng 10 phút nên chúng tôi khuyên bạn hãy tập nguyện lớn tiếng một số kinh cũng mất chừng ấy thời gian. Hãy nguyện các kinh ấy ưu tiên vào buổi sáng và buổi chiều như sẽ nguyện hai giờ chính của kinh Thần Vụ vậy. Dần dần bạn sẽ quen cầu nguyện vào những giờ khắc đó và sẽ dễ dàng đi vào khuôn khổ các giờ kinh Phụng vụ khi bạn đã quyết định thường xuyên nguyện các giờ kinh ấy. Một gợi ý khác là bạn có thể tập nguyện một vài Thánh vịnh trong Kinh Thánh mỗi sáng mỗi chiều trước cho quen. Bạn cũng có thể lần hạt.

7. Chương trình cầu nguyện hằng ngày

Có rất nhiều cách để vạch ra một chương trình cầu nguyện mỗi ngày cho riêng bạn. Theo kinh nghiệm, chúng tôi thấy có hai điều quan trọng trong việc lập một chương trình sống. Trước hết điều quan trọng nhất là phải làm sao để chương trình sống của bạn khá phù hợp với những người xung quanh. Đừng đặt những thuận lợi của bản thân lên trên thuận lợi của người khác. Thứ đến chúng tôi cũng khuyên bạn nên cố hết sức để giữ một chương trình cầu nguyện thật đều đặn mỗi ngày.

Một số lớn các thành viên cho rằng thời gian buổi sáng, lúc mọi người trong nhà chưa thức dậy, là thời gian sâu lắng tuyệt vời nhất cho việc cầu nguyện. Vì thế họ đã duy trì đều đặn việc cầu nguyện vào thời gian đó. Ngay cả những người sống một mình cũng cảm thấy những giây phút đầu tiên của ngày sống là thời gian dễ cầu nguyện nhất và cũng là lúc ít bị quấy rầy nhất. Thời gian này rất thuận tiện cho việc nguyện gẫm và nguyện Kinh Sáng.

Bạn cũng có thể chọn một thời gian khác vào ban chiều hoặc ban tối để nguyện gẫm thêm và nhất là để nguyện Kinh Chiều. Tuy nhiên bạn nên chọn một thời khắc tương đối ổn định, lúc bạn thường dễ cầu nguyện nhất để kết hiệp với Chúa cách sâu xa.

Một lợi điểm của việc giữ thời khóa biểu cầu nguyện đều đặn là bạn sẽ ít bỏ quên việc cầu nguyện mỗi ngày. Một lợi điểm khác là nhiều thành viên đã thật sự cảm thấy rằng dường như Thiên Chúa cũng chọn thời gian ấy để gặp họ ! Lợi điểm thứ ba là, nhờ thời khóa biểu cầu nguyện đều đặn như thế, khi hoàng hôn buông xuống, bạn sẽ không phải hoài nghi băn khoăn không biết hôm nay mình đã hoàn tất phận vụ kinh nguyện chưa ! (Băn khoăn vậy dễ sinh bệnh lắm đấy) ! Ngược lại, nếu bạn giữ chương trình ấy cách đều đặn bạn sẽ sống rất bình an thanh thản. Và bạn sẽ nghiệm ra rằng mỗi ngày sống của mình là một ngày của tình bằng hữu với Thiên Chúa chứ không phải là một ngày tù ngục, trong đó mình bị buộc phải làm một số công việc nào đó để vị cai ngục là Thiên Chúa khỏi tức giận …

Sắp xếp để có một chương trình cầu nguyện tốt đẹp và mang lại kết qủa mỗi ngày không phải là một chuyện dễ đâu. Bạn cần phải có sự trợ giúp mới được. Hãy hỏi xem các thành viên bạn bè, xem họ đã hoạch định chương trình cầu nguyện mỗi ngày của họ ra sao. Điều những người khác đã thực hiện rất có thể  sinh ích nhiều cho bạn.

8. Những ngày gặp khó khăn

Có thể có những ngày trong đó chúng ta tuyệt đối không thể hoặc rất khó nguyện các giờ kinh hằng ngày. Đừng quá lo lắng. Bạn có thể bỏ. Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi bạn điều bạn không thể làm. Và chúng ta cũng không buộc phải làm điều không thể. Chẳng hạn, có hôm bạn phải bận lu bu suốt ngày, rồi tối mịt mới muộn màng lê gót về tới nhà, mệt lả và buồn ngủ, bạn không thể nguyện kinh được và … bạn đã bỏ ! Thiên Chúa sẽ thông cảm ngay. Người biết rõ bạn rất ao ước cầu nguyện. Người cũng biết bạn đã từng cầu nguyện nhiều lắm rồi. Vì thế, nếu Người để xảy ra đôi lần bạn không thể cầu nguyện thì Người rất muốn bạn tin rằng Người chẳng hề giận bạn đâu. Người là Bằng Hữu của bạn mà ! Nói chung ai mà lại muốn bạn bè mình phải làm các việc cực kỳ khó khăn như thế cho mình. Hơn nữa, việc bạn không thể cầu kinh hôm nay sẽ giúp bạn khiêm tốn nhận  rằng mình không thể luôn luôn cầu nguyện cách hoàn hảo được.

9. Các vấn đề gia đình

Bạn cũng có thể gặp những khó khăn từ phía gia đình. Có thể họ không muốn bạn gia nhập Dòng Ba Cát Minh tại thế, hoặc không muốn bạn mất nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện, cho việc hội họp hoặc các việc tương tự khác. Nếu bạn phải rơi vào những khó khăn ấy, hãy nhớ hạnh phúc gia đình bạn luôn có quyền ưu tiên.

Nhưng có thể bạn vẫn có khả năng giải quyết các khó khăn đo, và vẫn tiếp tục gia nhập Dòng Ba nếu được nghe các lời khuyên hữu ích. Vì thế, bạn nên tìm gặp Cha linh hướng để xin ý kiến ngài về những khó khăn đó. Bạn cũng có thể xin ý kiến từ các thành viên khác của Dòng. Có một Dòng Ba đã đưa ra một số gợi ý sau đây cho bất cứ thành viên nào mà gia đình muốn ngăn cản họ nhập Dòng :

  1. Hãy ứng xử hết sức kín đáo nhẹ nhàng. Cố gắng dùng thời giờ trong ngày hoặc trong tuần để cầu nguyện lúc mọi người không chú ý đến việc cầu nguyện của bạn. Bạn có thể cầu nguyện khi ở nhà một mình hoặc trong cô tịch của trời đêm.
  2. Đừng quá lo lắng nếu không thể tham gia đầy đủ các buổi hội họp. Hãy giải thích hoàn cảnh mình cho vị phụ trách cộng đoàn. Vị này chắc chắn sẽ cảm thông cho hoàn cảnh của bạn.

10. Hãy kiên nhẫn

Sau hết, chúng ta hãy biết kiên nhẫn với chính mình và tin tưởng vào ơn Chúa. Cầu nguyện là một tiến trình luôn tăng trưởng và Thiên Chúa sẽ ban cho ta năng lực lớn lên ấy nếu ta cố gắng trung thành với những đòi hỏi của việc cầu nguyện. Nhưng chúng ta cũng rất dễ lỗi lầm thiếu sót. Và đấy chính là lúc ta nên kiên nhẫn với chính mình. Nên nhớ rằng giả như chúng ta luôn luôn nguyện kinh đúng y như chương trình đã hoạch định, đặc biệt vào thời kỳ đầu của đời sống trong Dòng Kín, chúng ta dễ rơi vào cám dỗ kiêu căng. Vì thế cứ nỗ lực cố gắng và hãy sống kiên nhẫn.

II. Các buổi hội họp hàng tháng

1. Lợi ích của việc tham dự hội họp hằng tháng

Giả như không có các buổi hội họp hàng tháng thì Dòng Ba sẽ thế nào ? Chắc chắn nó sẽ biến mất thôi. Và làm sao một buổi họp có thể diễn ra tốt đẹp nếu hầu như không một ai được kể là đã tham dự đều đặn cả ? Và ai sẽ huấn luyện các ứng sinh đây ?

Vì thế Dòng Ba Cát Minh tại thế hoàn toàn phụ thuộc vào sự trung thành tham dự các buổi họp của tất cả các thành viên. Dòng cũng phụ thuộc vào sự có mặt đều đặn của các thành viên mới nữa, tức là những người cần được huấn luyện để sau này có thể tiếp quản mọi sự.

Do đó có thể kết luận rằng thiếu tham dự đều đặn  các buổi họp là thiếu đức ái đối với các thành viên khác (dĩ nhiên trừ trường hợp vắng vì lý do chính đáng).

Việc thiếu hội họp đều đặn báo cho bạn biết rằng bạn sẵn lòng đón nhận lợi ích từ công lao khó nhọc của người khác nhưng lại không muốn cống hiến cho người khác chút gì cả. Khi có quá nhiều thành viên vắng mặt thì số ít thường xuyên hiện diện phải gánh lấy toàn bộ sức nặng công việc. Thử hỏi bạn có hạnh phúc không khi biết rằng mình đã gây ra nhiều phiền toái như thế cho những anh chị em đang lao động cực nhọc vì mình ?

Dĩ nhiên lợi ích từ các cuộc họp mặt hàng tháng thì rất lớn. Chắc hẳn bạn sẽ cảm động nhiều khi biết các thành viên bè bạn của mình đã phải sống một đời cầu nguyện với khá nhiều khó khăn, nhưng dường như họ vẫn khá thành công (và chắc bạn sẽ luôn nghĩ rằng các thành viên khác đều cầu nguyện thành công hơn bạn). Bạn cũng sẽ luôn luôn được hứng khởi nhờ sự hiện diện  của Cha linh hướng cộng đoàn. Không những bạn được hứng khởi bởi điều ngài nói nhưng còn được thêm phấn khích nhờ có dịp gặp gỡ và trò chuyện với ngài nữa. Ngoài ra thỉnh thoảng bạn cũng được nghe thêm kinh nghiệm sống của các Linh mục bạn bè của ngài nữa.

Trong các buổi gặp mặt hàng tháng, bạn cũng sẽ được chia sẻ những tin tức và biến cố mới xảy ra vốn rất ích lợi cho bạn, chẳng hạn thông tin về các hội nghị tổ chức ba năm một lần, hoặc thông tin về một vài biến cố mới bất ngờ xảy đến… Nếu bạn bỏ nhiều buổi họp, bạn có thể không nghe ai nói về các biến cố ấy cả.

Một số thành viên Dòng Ba không thể tham dự các buổi hội họp hàng tháng vì ở quá xa, hoặc vì bệnh tật hay vì một lý do chính đáng nào đó. Những thành viên này được gọi là những thành viên “đơn độc”. Nhưng nhiều người trong số họ có thể cho bạn hay rằng họ rất ao ước được hưởng những lợi ích từ các cuộc gặp gỡ với các thành viên bè bạn như bạn nhưng không được.

2. Sổ điểm danh (Attendance Record)

Ban Hội Đồng (Council) của cộng đoàn có trách nhiệm phải bỏ phiếu về việc tiếp nhận các thành viên vào Hội Dòng hoặc cho các thành viên khấn hứa. Vì thế, một trong các cơ sở họ dựa vào để quyết định là sổ ghi nhận sự tham dự hội họp của các thành viên. Nếu một thành viên tham dự không đều đặn thì đó là dấu người ấy không nghiêm chỉnh trong việc gia nhập Hội Dòng. Từ đó, Hội Đồng có thể hoãn lại việc chấp thuận cho đến khi đương sự tham dự đều đặn hơn.

Dĩ nhiên, cách duy nhất để Hội Đồng có thể biết một người có tham dự đều đặn các buổi hội hay không là nhìn vào sổ điểm danh của từng buổi. Đó là lý do chính của việc điểm danh trong từng buổi gặp mặt, thậm chí nếu cần thì mỗi thành viên phải tự ký vào nữa.

Khi một thành viên không thể dự họp vì một lý do hết sức chính đáng, họ được yêu cầu gọi điện thoại cho một người bạn hoặc một trong những người có trách nhiệm (officer) để báo cho người ấy biết lý do mình vắng mặt. Sau đó, trong phần điểm danh của buổi hội, khi nghe gọi đến tên người vắng mặt, người bạn được báo có thể nói : “Xin lỗi, anh A (chị B) vắng mặt”, và người điểm danh sẽ ghi vào sổ “vắng có lý do”.

Khi thành viên được báo “vắng có lý do” thì có nghĩa là lý do đó phải trầm trọng thật sự chứ không phải lý do tùy tiện bâng quơ. Điều này sẽ giúp họ khi họ nằm trong danh sách phải xem xét để được phép gia nhập Hội Dòng hoặc được khấn hứa hay được đề cử làm người phụ trách.

3. Các dịp lễ

Khi tham dự các buổi họp mặt, không phải bạn chỉ được thêm hứng khởi nhờ các thành viên bè bạn mà thôi đâu. Bạn còn cảm thấy gần gũi thiết thân với họ như trong một gia đình nữa. Từ đó, bạn cảm thấy tin tưởng và tự do giãi bày tâm sự với họ và họ cũng làm thế với bạn. Giả như bạn không bao giờ có cơ hội trò chuyện với bất kỳ ai trong họ thì làm sao bạn có thể cảm thấy tất cả Hội Dòng thực sự là một gia đình được ? Đây là lý do tại sao chúng ta cần sắp xếp để có thời gian chuyện trò thân mật trong các cuộc hội họp. Đó là thời gian để quen nhau, hiểu nhau trong một bầu khí hết sức thân ái dễ chịu.

Ngoài ra chúng ta cũng có các dịp lễ lớn hàng năm. Các dịp này giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng tình gia đình. Đây cũng thường là dịp để tiếp nhận các thành viên mới hoặc để các thành viên khác khấn hứa. Đối với những thành viên này, những dịp lễ lớn ấy thật là những ngày trọng đại. Và họ rất mong ước các thành viên khác cùng cử hành biến cố ấy với họ.

III. Việc tiếp nhận vào dòng

1. Những yêu cầu

Thật ra những yêu cầu này rất ít. Quan trọng nhất là chính bạn phải cảm thấy lối sống này có lẽ dành cho mình. Và bạn cũng phải cảm thấy rằng mình có khả năng để chu toàn các luật lệ về việc cầu  nguyện và tham dự sinh hoạt hội họp hàng tháng.

Những yêu cầu khác thì đơn sơ thế này : ít nhất bạn phải tròn 18 tuổi, phải là một thành viên có tiếng tốt trong Giáo Hội Công Giáo, và nếu bạn là tu sĩ  của một dòng tu trong Giáo Hội thì cần được phép ra khỏi dòng tu đó đã.

2. Xin gia nhập

Khi một người mới đến với Dòng Ba Cát Minh lần đầu, người ấy dễ nghĩ rằng chắc chắn thế nào mình cũng gia nhập Dòng Ba. Và họ ao ước được nhận ngay một mẫu đơn để điền tên tuổi mình vào. Thật ra đây chưa phải là lúc xin phép vào Dòng đâu. Bạn cần suy nghĩ thật kỹ về bước quyết định quan trọng ấy. Và ít nhất bạn cũng phải qua nhiều buổi hội họp đã rồi mới đi đến quyết định chọn lối sống này hay không. Bạn chỉ được khuyên viết đơn sau khi đã qua thời gian tìm hiểu đầy đủ.

3. Hội Đồng chấp thuận

Hội Đồng của cộng đoàn phải bày tỏ sự chấp thuận đối với mỗi một thành viên mới, (Hội Đồng này bao gồm một vị Chủ tịch, một vị phụ trách huấn luyện, ba thành viên khác và một Linh mục linh hướng. Vị chủ tịch và các thành viên đều do các người đã khấn bầu chọn).

Hội Đồng bày tỏ sự chấp thuận thông qua một cuộc họp và phải bỏ phiếu cho từng trường hợp một. Họ không được phép nghĩ đối tượng của lá phiếu họ phải hoàn thiện đã mới được vào Dòng (vì chính bản thân các thành viên trong Hội Đồng đã hoàn thiện đâu). Thế nhưng họ cũng chỉ muốn chấp thuận những ứng sinh dường như thích hợp với đời sống cầu nguyện thôi. Nói cho cùng thì có nhiều hình thức sống đời tu trì hay đời tận hiến. Tất cả đều tốt và mọi người đều có thể theo. Vì thế chỉ những ai thích hợp với đời sống tâm nguyện hằng ngày mới nên gia nhập Dòng Ba Cát Minh.

4. Viết đơn

Các lá đơn (Application forms) rất quan trọng vì Hội Đồng sẽ dựa trên những lá đơn đó để bỏ phiếu cho một thành viên. Bởi thế bạn cần bỏ ra nhiều thời gian cho việc viết đơn. Nên ghi vào đó một ít suy nghĩ của cá nhân và đảm bảo mình đã trả lời đầy đủ và theo đúng luật định. Nếu bạn là người trở lại đạo Công Giáo thì thêm vào đó ngày tháng năm Rửa Tội và Thêm Sức nữa.

 Bạn cần viết hoặc điền vào hai lá đơn một lúc : một đơn gửi cho văn phòng trung tâm (Central Office) và một đơn bảo lưu tại cộng đoàn mình. Nhưng cả hai đơn đều phải được giữ tuyệt mật.

Bạn nên nộp đơn hai tháng trước ngày bạn hy vọng được nhận vào Dòng, không nộp trễ hạn đó. Vị phụ trách huấn luyện cần có đủ thời gian để nhận lại các câu trả lời từ phía các người được tham khảo ý kiến (references).

5. Các người được tham khảo ý kiến

Những người cần tham khảo ý kiến do bạn đề nghị cũng rất quan trọng trong việc giúp Hội Đồng có quyết định về việc tiếp nhận bạn. Những người này là những người đã biết rõ bạn nhiều năm trong lúc Hội Đồng chỉ biết bạn qua một vài tháng, bởi thế đôi lúc Hội Đồng phải dựa vào phần lớn ý kiến của họ. Vì lý do đó, bạn cần cẩn thận khi lựa chọn những người bạn muốn Hội Đồng tham khảo ý kiến.

Như thế mỗi một vị được tham khảo này phải biết rõ bạn trong nhiều năm. Trong số này ít là phải có một Linh mục hoặc tu sĩ. Nếu bạn chọn một thành viên Dòng Ba Cát Minh tại thế làm một trong số những người cần được tham khảo thì vị đó phải ở trong Hội Dòng lâu năm. Không được chọn một người ở quá gần bạn. Có thể chọn người ở xa.

Khi vị phụ trách huấn luyện nhận đơn của bạn, họ gửi thư cho tất cả các người cần được tham khảo do bạn đề nghị. Vì thế cần cho địa chỉ và số điện thoại của những người này thật chính xác. Nếu không sẽ trở ngại nhiều chuyện và có thể vì thế mà bạn không được nhận vào Dòng trong đợt đó và phải chờ đợt kế tiếp.

6. Sáu buổi hội họp

Sau khi nhận được câu trả lời từ những người được tham khảo, vị phụ trách huấn luyện sẽ trình bày tất cả các phúc đáp ấy cùng với lá đơn của bạn trong buổi họp tới của Hội Đồng. Sau đó, Hội Đồng sẽ bỏ phiếu thuận hoặc không. Nhưng Hội Đồng không thể xem xét đơn của bạn nếu bạn không tham dự đủ sáu buổi hội họp liên tiếp của cộng đoàn trong suốt thời kỳ đó. Luật Dòng Ba Cát Minh tại thế cho rằng mỗi một ứng sinh cần phải tham dự đầy đủ sáu buổi hội họp liên tiếp để các vị trong Hội Đồng có đủ cơ hội tiếp xúc với ứng sinh đó. Nếu bạn không tham dự đủ sáu buổi họp mặt, các vị ấy có thể không biết bạn cách đầy đủ để bỏ phiếu chấp thuận bạn vào Dòng.

Cũng vì lý do đó, nếu bạn không tham dự đầy đủ số các buổi họp cần thiết, bạn đừng ngạc nhiên và dĩ nhiên bạn cũng đừng cảm thấy bị thương tổn hay âu lo nếu Hội Đồng trì hoãn việc bỏ phiếu chấp thuận bạn. Họ sẽ đơn sơ bỏ phiếu chấp thuận bạn trong dịp lễ tới thôi, miễn là bạn chứng tỏ cho họ biết bạn vẫn thiết tha ao ước gia nhập Dòng.

7. Tên Dòng

Nếu bạn đã được chấp thuận vào Dòng, bạn sẽ được Dòng tiếp nhận qua một nghi thức vào dịp lễ kế đó. Đây là lúc bạn được yêu cầu điền vào đơn xin tiếp nhận (Reception Form). Đơn này là chứng từ bền vững (permanent record) về việc bạn được tiếp nhận. Trong đơn này, bạn cũng được yêu cầu ghi một danh xưng mà bạn đã chọn như “Tên Dòng” của mình. Tên này do bạn đích thân chọn. Có thể là tên một vị thánh, hoặc một mầu nhiệm Vượt Qua hay một khía cạnh nào đó nơi bản thân và cuộc đời Chúa Giêsu. Bạn cũng có thể lấy lại tên thánh bổn mạng Rửa Tội hoặc Thêm Sức của bạn để làm một yếu tố của tên Dòng. Bạn sẽ không bao giờ xử dụng tên ấy trong Hội Dòng. Tên ấy chỉ là danh xưng để dùng giữa Chúa và bạn thôi.

Tuy nhiên việc chọn một “Tên Dòng” hoàn toàn nhiệm ý, có thể chọn có thể không. Nếu muốn, bạn có thể không cần phải ghi một “Tên Dòng” nào vào đơn cả.

8. Y phục và nghi thức tiếp nhận

Các ứng sinh sẽ được chính thức tiếp nhận vào Hội Dòng trong một cuộc họp mặt hằng tháng của cộng đoàn do chính Linh mục linh hướng chủ sự. Nghi thức tiếp nhận được ghi rõ ở trang 38-41 của cuốn “Nghi thức và Luật của Dòng Cát Minh” (OCD  Rule and Ritual).

Khởi đầu nghi thức, Linh mục nêu lên điều ứng sinh thực sự ao ước khi xin gia nhập Dòng Cát Minh. Tiếp đó là các bài đọc Kinh Thánh và bài dẫn giải của Linh mục. Đoạn các ứng sinh đích thân ngỏ cùng Linh mục những điều mình ao ước khẩn xin và Linh mục chấp nhận thỉnh nguyện của họ. Tiếp đến, mỗi ứng sinh được khoác lên một khăn choàng (Scapular) và cộng đoàn hoan hỉ tiếp nhận họ vào Dòng.

Sau hết, nghi thức kết thúc bằng kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha, lời nguyện của Linh mục và hát kinh Salve Regina.

9. Khăn choàng vai (the Scapular)

Như bạn thấy đó, trong phần nghi thức tiếp nhận, các ứng sinh khoác lên mình một khăn choàng bằng len đà và rộng. Đây là tu phục của Dòng. Khăn choàng rộng này chỉ khoác vào buổi họp mặt và những dịp đặc biệt. Còn thường ngày ứng sinh luôn khoác một khăn len đà và nhỏ dưới lớp áo ngoài. Nhưng nếu có lý do chính đáng thì thay vì khăn choàng nhỏ đó bạn có thể chỉ mang một phù hiệu (scapular medal) thôi.

Thật ra, khăn choàng ấy là bản sao thu nhỏ của một khăn choàng bằng len màu đà và dài mà các Linh mục và Nữ tu Dòng Kín thường mang. Cái “tạp dề” (apron) hoặc khăn choàng ấy gồm hai dải vải bằng len, màu đà và dài đính ở phía dưới trước và sau lưng một người. Hai dải vải này nối với nhau bằng hai đai len đà và rộng khác choàng ngang qua hai vai. Khăn choàng này được khoác ngoài áo chùng rộng để làm cho chiếc áo chùng đơn sơ và có nịt thắt ấy trông dễ thương và gọn ghẽ hơn. Đây là dấu hiệu đặc trưng của Dòng Kín. Vì thế khi khoác lên mình tấm khăn choàng ấy là chúng ta đã thực sự mặc lấy tu phục của Dòng rồi. Nó nhắc ta rằng ta đã là những tu sĩ Cát Minh như các Nữ tu và Linh mục khác của Dòng và hãy luôn trung tín với Luật Dòng mỗi ngày.

10. Các giai đoạn huấn luyện

Sau ngày ứng sinh được tiếp nhận vào Dòng, ứng sinh sẽ trở thành “ứng viên được huấn luyện” (Candidate in Formation) và không còn tham dự các lớp dành cho ứng sinh nữa và chỉ dự các lớp dành cho ứng viên thôi. Bạn sẽ tham dự các lớp này trong vòng 2 năm. Trong thời gian đó bạn sẽ thấy rõ mình có được mời gọi sống theo luật Dòng Cát Minh hay không.

Nếu bạn quyết định đi theo luật Dòng Cát Minh và muốn trở thành thành viên có lời khấn của Dòng và nếu được Hội Đồng chấp thuận, bạn sẽ khấn tạm để sống theo luật Dòng trong vòng 3 năm. Sau đó bạn tiếp tục dự các lớp huấn luyện cao hơn và tìm hiểu kỹ hơn để xác định đời sống Cát Minh có thực sự dành cho mình không. Nếu xác định được điều ấy và nếu được Hội Đồng chấp thuận, bạn sẽ Tuyên Khấn vĩnh viễn.

 IV. Các giờ Kinh Phụng Vụ

Các giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV) hay Kinh Thần Vụ là kinh nguyện chính thức của Giáo Hội Công Giáo. Kinh nguyện này chủ yếu bao gồm các Thánh vịnh trong Kinh Thánh. Thực vậy, Kinh Thần Vụ gồm 150 thánh vịnh, và các Thánh vịnh này phần lớn là các Thánh vịnh ca tụng ngợi khen Thiên Chúa. một số Thánh vịnh có nội dung khác như tạ ơn, cầu khẩn v.v… Căn cứ vào phong cách thi ca và những yếu tố liên quan đến ca nhạc nơi các Thánh vịnh ta có thể xác định dường như các Thánh vịnh có ra là để hát. Vì thế, các Thánh vịnh chủ yếu là để hát xướng mà ca tụng Thiên Chúa.

1. Lịch sử cổ thời

Hát lên những Thánh vịnh để ngợi ca Thiên Chúa dường như là một truyền thống đã được thực hành trong suốt dòng lịch sử. Ngay cả trước khi các Thánh vịnh của vua Đavít được hát lên thì đã có nhiều người trong Israel chuyên việc hát xướng ca ngợi Thiên Chúa 1. Và ngay cả trước thời kỳ đó nữa, Môsê đã sáng tác một hoặc hai Thánh vịnh để ngợi khen Thiên Chúa rồi. Kinh Thánh ghi :”Môsê và toàn dân Israel đã hát bài ca ấy để ngợi khen Thiên Chúa, Đấng chiến thắng vẻ vang” (Xh 15,1). Nếu những bài ca ngợi Thiên Chúa đã có từ thời Môsê thì cũng có thể chúng có từ trước  đó nữa. Và chúng ta là những người may mắn được diễm phúc tiếp nối công việc ấy trong phần còn lại của lịch sử nhân loại.

2. Lịch sử hiện tại

Thật ra CGKPV chúng ta đang nguyện chỉ có hình  thức như ta thấy hiện nay kể từ những đổi thay của Công Đồng Vatican II trong thập niên 1960 và sau này thôi. Trước đó, CGKPV cũng có hình thức tương tự nhưng khó thực hành hơn, có nhiều Thánh vịnh trong mỗi giờ kinh hơn và hay bị lặp đi lặp lại.

Trong thực tế, CGKPV đã được Giáo Hội canh tân nhằm thích ứng với nhu cầu của các Linh mục là những người buộc phải đọc các giờ kinh này hằng ngày. Tuy nhiên, vào những thế kỷ đầu của lịch sử Giáo Hội, CGKPV lại chủ yếu thay đổi tùy lợi ích thiêng liêng của các đan viện.

3. Giáo dân tham dự vào Kinh Thần Vụ

Kinh Thần Vụ hay CGKPV đã trở thành kinh nguyện đại chúng đối với tín hữu nước Anh trước thời cải cách. Nó quá phổ thông đến nỗi các tín đồ Anh Giáo hoặc Chính Giáo hội Anh quốc là những người thực sự nắm quyền sau thời cải cách đã tiếp tục duy trì giờ Kinh Chiều trong các việc phụng tự của họ. Đến nay truyền thống này vẫn được tôn trọng.

Nhưng đối với các giáo hữu công giáo thì ngược lại. Kể từ thời cải cách, họ hầu như chấm dứt việc nguyện Kinh Thần Vụ, và mãi cho đến gần đây mới bắt đầu cử hành lại. Sở dĩ ngày càng có hiện tượng nhiều giáo dân đến với CGKPV một phần cũng do kinh nguyện này hiện nay vừa ngắn vừa dễ hiểu, lại vừa dễ đọc và ít lặp lại hơn so với trước đây.

Đối với Dòng Ba Cát Minh tại thế, nhờ Công đồng canh tân Kinh Thần Vụ dễ nguyện hơn nên anh chị em trong Dòng cũng đã bắt đầu dùng kinh này. Trước Công Đồng Vatican II, chúng ta đã từng nguyện kinh “Tiểu nhật tụng” hằng ngày. Kinh “Tiểu nhật tụng” này đơn giản chỉ gồm các kinh nguyện của ngày Chúa nhật rút ta từ Kinh Thần Vụ. Vì thế chúng ta chỉ nguyện các giờ kinh của một ngày trong Kinh Thần Vụ thôi và nguyện như thế suốt cả năm. Điều này đối với một số người thật nhàm chán, vì thế ngày nay chúng ta rất sung sướng khi hưởng được sự phong phú và đa dạng của toàn bộ Kinh Thần Vụ hiện đại.

4. Các Thánh vịnh

 Một trong các lý do khiến nhiều thành viên trong chúng ta rất hâm mộ Kinh Thần Vụ là vì chúng ta vừa đọc vừa nhấm nháp gẫm suy các Thánh vịnh. Càng đọc các Thánh vịnh bạn càng cảm nếm, càng hiểu sâu và càng thêm phấn khởi. Có một cái gì đó trong các Thánh vịnh luôn sinh ích lợi cho người đọc, tùy theo nhu cầu và trạng thái trong các giờ khắc. Nguyện cầu bằng Thánh vịnh suốt cả một đời vẫn không đủ để thực sự cảm nếm chúng.

Không ai nói về Thánh vịnh hay ho cho bằng thánh Ambrôsiô đã nói cách đây hằng trăm năm :

“Thánh vịnh là lời kinh nguyện cầu trên môi người tín hữu, là bài thánh thi ngợi ca Thiên Chúa, là bài suy tôn sùng mộ của cả cộng đoàn, bài hoan hô mừng hát của cả dương gian ! Thánh vịnh là một lời nói đầy ắp sự đồng tình của con tim, niềm vui của tự do, tiếng kêu của hạnh phúc và âm hưởng của hân hoan. Thánh vịnh làm dịu cơn nóng bức, xua tan nỗi muộn phiền, làm nhẹ gánh đau thương. Thánh vịnh là nguồn suối bình an trong đêm sâu thẳm, là bài học khôn ngoan giữa ánh sáng ban ngày. Nó là khiên che thuẫn đỡ khi ta sợ hãi, là một cử hành tôn vinh sự thánh thiện, là một thị kiến trong suốt, một lời hứa của bình an và hòa hợp. Thánh vịnh  như cây đàn muôn điệu rung lên một bài hòa tấu tuyệt vời từ muôn nốt nhạc khác nhau.

Một ngày bắt đầu bằng nhạc khúc của Thánh vịnh. Một ngày cũng khép lại bằng âm vang của Thánh vịnh. Trong Thánh vịnh, giáo huấn thi đua cùng vẻ đẹp. Chúng ta cất cao lời ca cho tâm hồn vui sướng. Chúng ta học hỏi cho cuộc đời thêm bao điều bổ ích. Có kinh nghiệm nào của cuộc sống mà Thánh vịnh không hề bàn tới không ?”.

Đức Thánh Cha Piô X nói về các Thánh vịnh với các lời lẽ như  sau :

“Ai có thể không xúc động khi đứng trước những trang Thánh vịnh đầy ắp vẻ huy hoàng tráng lệ của Thiên Chúa như thế ? Ai có thể dửng dưng trước sự toàn năng, công thẳng, tốt lành hiền dịu và các phẩm tính khác của Người đáng cho chúng ta ca ngợi như thế ? Ai có thể không xao xuyến với những tâm tình tạ ơn vì muôn ơn lành đã nhận hay với những lời cầu khiêm hạ đầy ắp cậy trông như thế ? Ai có thể không nôn nao khi lặp lại những lời cầu đầy khắc khoải đợi trông ơn Chúa trợ giúp hay khi hòa mình với tiếng kêu đau đớn của một tâm hồn đang chìm ngập trong tội lỗi như thế ?”.

Đức Thánh Cha Piô IX cũng đồng thời trích dẫn lời của các tác giả danh tiếng khác nói về Thánh vịnh :

Thánh Basiliô :Các Thánh vịnh là tiếng nói của Hội Thánh.

Đức Urbanô VII : Lời nguyện cầu của Thánh vịnh không ngừng bay lên trước tòa Chúa.

Thánh Augustinô : Thiên Chúa đã ca tụng chính bản thân Người vì thế con người cũng phải dâng lên Thiên Chúa những lời ngợi ca thích hợp.

Thánh Athanasiô : Thánh vịnh là cách thức ngợi khen Thiên Chúa tuyệt hảo đầy ắp những lời lẽ thích đáng. Đối với tôi, các Thánh vịnh như một tấm gương soi qua đó người xử dụng chúng có thể thấy được chính mình và thấy cả những xao động của con tim mình. Người ấy cũng có thể nguyện lớn tiếng  các Thánh vịnh ngược với những tâm tình thẳm sâu nơi chính bản thân mình.

5. Các phần của Giờ Kinh Phụng Vụ

Kinh Thần Vụ gồm 7 giờ kinh : Kinh Sách, Kinh Sáng, ba giờ kinh giữa ngày, Kinh Chiều và Kinh Tối. Mỗi giờ kinh đều bắt đầu bằng một thánh thi. Xen kẽ vào các Thánh vịnh là những lời nguyện ngắn (sách CGKPV bằng tiếng Việt không có các lời nguyện ngắn này – ND). Theo truyền thống lâu đời trong Hội Thánh, hai giờ quan trọng nhất của Kinh Thần Vụ là Kinh Sáng và Kinh Chiều. Đó là lý do tại sao chúng ta được yêu cầu phải nguyện hai giờ kinh ấy.

6. Kinh Sách

Một số thành viên trong Dòng chúng ta nguyện toàn bộ CGKPV hằng ngày chứ không chỉ nguyện hai giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều. Cũng có một số khác chỉ nguyện Kinh Sách cùng với hai giờ kinh chính Sáng và Chiều thôi. Các thành viên này thích Kinh Sách vì giờ kinh này gồm các bài đọc rất hay.

Kinh Sách chủ yếu gồm 3 Thánh vịnh và 2 bài đọc. Bài đọc 1 luôn luôn trích từ Cựu Ước hoặc Tân Ước (trừ 4 Tin Mừng). Bài đọc 2 là một bài giảng ngắn thường do các vị thánh cách đây hàng thế kỷ viết ra. Vì thế mỗi một bài giảng ngắn này đều rất giá trị vì đã qua sự sàng lọc của thời gian.

7. Mua sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ

Trước khi mua sách CGKPV bạn hãy suy nghĩ cân nhắc cẩn thận.

(Riêng ở Việt Nam, trước đây có một loại sách CGKPV mỏng chỉ gồm 4 tuần thường niên, không có các mùa cũng như chu kỳ kính Chúa và các thánh.

Loại sách CGKPV phổ biến nhất hiện nay là bản dịch của nhóm phiên dịch CGKPV do nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh ấn hành (1999), giá 150.000 đồng. Nếu nguyện giờ Kinh Sách thì phải mua thêm 4 tập “Kinh Sách – Các bài đọc” nữa. ND. )

Vì thế, theo ý chúng tôi bạn chỉ nên mua sách CGKPV khi đã dứt khoát quyết định vào Dòng Ba Cát-Minh.

8. Các phần phụ trương của Dòng Cát Minh

Một sách nguyện khác bạn cần có là cuốn phụ trương của riêng Dòng Cát-Minh. Cuốn này bao gồm các giờ kinh dùng trong các ngày lễ đặc biệt của Dòng Cát Minh mà sách kinh thường không có. Bạn thật sự cần có cuốn phụ trương này nếu không sẽ không thể cử hành các đại lễ của Dòng Cát-Minh cách đầy đủ được. Sách này có thể hỏi tại Dòng. Nó có thể dùng kèm với  các loại sách CGKPV và có đủ các bài đọc Kinh Sách của các ngày lễ của Dòng.

9. Khi nào thì bắt đầu nguyện Các Giờ Kinh Phụng Vụ ?

Dầu chúng tôi đã khuyên bạn không nên vội vã mua sách CGKPV cho đến khi bạn đã dứt khoát theo hẳn đời sống Cát Minh, nhưng một khi bạn đã quyết định gia nhập Dòng thì bạn nên mua ngay một cuốn CGKPV và bắt đầu nguyện Kinh Thần Vụ trong đời sống. Bạn có thể khởi sự Kinh Thần Vụ chính lúc đơn xin gia nhập Dòng của bạn được chấp thuận. Nếu bạn không bắt đầu nguyện Kinh Thần Vụ lúc này thì làm sao bạn có thể biết  được mình mộ mến đời tu sĩ Cát Minh hay không !

10. Những sai sót khi nguyện Các Giờ Kinh Phụng Vụ

Đôi lúc vừa nguyện xong Kinh Thần Vụ, bạn chợt khám phá ra rằng mình đã bỏ sót một phần nào đó. Hoặc khi chợt nhận ra mình đọc sai ngày hoặc sai lễ. Đừng quá lo lắng về vấn đề này ! Cũng đừng trở lại và đọc thêm một lần nữa từ đầu đến cuối, hoặc đọc lại phần đã bỏ sót. Ai cũng có thể sai lỗi trong vấn đề này, và xét cho cùng thì chính bạn đã muốn đọc Kinh Thần Vụ cách nghiêm túc mà ! Thiện ý của bạn là đã đủ. Thiên Chúa không đòi bạn lập tức hoàn thiện ngay đâu. Người chỉ muốn bạn sẵn sàng nỗ lực tránh lập lại những sai sót đó thôi. Lần tới có thể bạn sẽ hết sa vào lầm lỗi ấy. Nhưng có lẽ tất cả chúng ta sẽ không bao giờ hoàn toàn chấm dứt các sai sót trong việc nguyện Kinh Thần Vụ đâu ! Đôi lúc Chúa có thể muốn ta sai lỗi đôi chút để giữ ta luôn sống trong khiêm tốn.

11. Thay thế Các Giờ Kinh Phụng Vụ

Nếu có lý do chính đáng, luật Dòng cho phép bạn có thể thay thế Kinh Thần Vụ bằng một vài kinh nguyện khác. Nhưng bạn cần tham khảo ý kiến của vị phụ trách huấn luyện trước khi thực hiện điều đó.

V. Cầu nguyện

1. Tâm nguyện là gì ?

Tâm nguyện (Mental prayer) thật khó định nghĩa và cũng thật khó hiểu. Vì thế hầu hết các Linh mục Cát-Minh đều thích trích dẫn lời Mẹ Thánh Têrêxa Avila khi cần định nghĩa cầu nguyện. Thánh Têrêxa nói :”Theo thiển ý tôi, cầu nguyện không gì khác hơn là một cuộc chuyện trò của con tim với con tim giữa Thiên Chúa và con người là kẻ tin chắc rằng mình đang được Thiên Chúa yêu” (Tự thuật, chương 8).

2. Chiêm niệm là gì ?

Cũng có rất nhiều định nghĩa về chiêm niệm. Dường như người ta ít đồng ý với nhau về ý nghĩa đích thực của nó. Tuy nhiên, hễ ai muốn đề cập đến vấn đề chiêm niệm với bạn thì trước tiên họ thường giải thích các từ ấy có nghĩa gì  đã để rồi sau đó bạn có thể hiểu thêm về nội dung họ muốn nói.

3. Chia trí khi nguyện gẫm

Đừng quá băn khoăn khi thấy mình chẳng “đạt kết qủa gì” khi cầu nguyện. Cũng đừng lo lắng nếu bạn lo ra chia trí hầu như suốt cả buổi cầu nguyện, nếu việc lo ra chia trí  này không do chủ ý (và thường là không do chủ ý), thì bạn đã “đạt được một cái gì” rồi, nguyên chỉ bằng việc dành thời giờ ấy cho Chúa thôi. Nếu đó là tất cả những gì bạn có thể làm thì đó cũng là tất cả những gì Thiên Chúa muốn bạn làm.

Thường thì ai cũng lo lắng về chuyện lo ra chia trí trong khi nguyện ngắm. Nhưng có thể bạn vẫn cứ mãi lo ra chia trí cho đến hết phần còn lại của đời bạn ! Rốt cuộc thì bạn cũng đành thôi không than phiền về chuyện đó nữa. Thậm chí đôi lúc Thiên Chúa muốn bạn có những sơ xuất ấy. Chúng sẽ khiến bạn nên khiêm nhường hơn. Thật vậy phải rất khiêm nhường để nhận ra rằng mình không thể tập trung tư tưởng mãi vào nguyện ngắm được. Hãy cố gắng bình tâm với những lo ra chia trí đó.

4. Kỹ thuật cầu nguyện

Các kỹ thuật này có ra là để giúp bạn tập trung vào việc cầu nguyện. Nhiều người cho rằng nguyên xử dụng kỹ thuật trong khi cầu nguyện thôi đã là gai chướng đối với  họ rồi. Và đối với một số người thì quả đúng như  vậy. Họ chỉ muốn thực hành một lối chuyện trò với Thiên Chúa cách tự nhiên, bộc phát. Lý do họ đưa ra là chính Thiên Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta đi vào cầu nguyện cách hồn nhiên thoải mái.

Nhưng đối với một số người khác thì một vài kỹ thuật để cầu nguyện xem ra lại rất hữu ích. Các kỹ thuật này bao gồm : một đoạn sách đọc trước hoặc trong buổi cầu nguyện, hình dung mình đang ở trước mặt Chúa, tưởng tượng lại một biến cố nào đó trong cuộc đời Chúa Giêsu, hoặc suy nghĩ về một chân lý nào đó của đức tin hay có thể làm một vài động tác để tỏ bày tâm tình thờ phượng, tạ ơn v.v…

Mẹ Thánh Têrêxa Avila cũng thường viết về những kỹ thuật này. Mẹ đề nghị có thể đọc một đoạn sách, đọc chậm rãi kinh Lạy Cha hoặc chiêm ngắm một biến cố nào đó trong cuộc đời Chúa Giêsu. Đôi lúc dường như Mẹ Thánh cũng bảo rằng thỉnh thoảng mỗi người đều cần có một kỹ thuật nào đó để cầu nguyện. Nhưng Mẹ không muốn nói luôn luôn và mọi người đều cần, Mẹ chỉ bảo người ta nên dùng chúng nếu cảm thấy cần thôi.

Có một kỹ thuật khá mới đang dần dần trở nên phổ biến được gọi là “cầu nguyện tập trung” (centering prayer). Hầu hết các người hướng dẫn cầu nguyện tập trung đều bảo người ta ngồi xuống (rất thoải mái thanh thản và yên lặng, mắt nhắm lại) và cố tập trung tư tưởng bằng phương pháp lặp đi lặp lại một số từ đơn giản nào đó do họ chọn.

Tất cả các kỹ thuật trên đây được đề nghị chủ yếu nhằm giúp con người dễ tập trung tư tưởng trong lúc cầu nguyện. Nhưng đôi lúc các phương pháp và kỹ thuật ấy có thể tách rời bạn khỏi Thiên Chúa. Chúng có thể khiến bạn tập trung vào các kỹ thuật hơn là vào chính mối tương quan bản vị (personal relationship) giữa bạn với Chúa. Vì thế, ngay cả khi thoạt đầu chúng rất có ích lợi nhưng có lẽ đến một lúc nào đó bạn cũng phải quên chúng đi.

 Nếu bạn muốn học hỏi các kỹ thuật này thì có một cuốn sách rất hay nhan đề là :”Ôi một cuộc mạo hiểm hạnh phúc : khảo luận về cầu nguyện theo phương pháp Cát Minh” (Oh happy Venture : a treatise on Camelite prayer) của tác giả Tr. Peter Bourne, H.M.C, một trong các cư sĩ ở núi Cát Minh.

 VI. Các việc đạo đức khác

Không phải ai cũng có thể thích hợp với hết mọi việc đạo đức. Vì thế, đây là những việc đạo đức nhiệm ý, nghĩa là tùy bạn. Bạn có thể quyết định việc nào là thích hợp cho mình và mình sẽ thực hành ra sao. Bạn cũng không cần phải nói cho người khác các lựa chọn của mình.

1. Tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria

Vì ngay từ những ngày đầu tiên mới xuất hiện Dòng Cát Minh đã được dâng hiến cho Đức Mẹ nên mỗi thành viên được yêu cầu phải làm một vài việc sùng mộ đối với Mẹ mình. Nhưng điều bạn làm sẽ hoàn toàn tùy ý bạn. Bạn có thể chọn lần hạt Mân Côi, nguyện Kinh Cầu Đức Bà, Kinh Truyền Tin, hoặc nguyện bất cứ kinh nào khác. Nhưng bạn cũng có thể chọn tôn kính Mẹ theo cách riêng bạn mà không dùng đến các kinh nguyện bằng lời. Hoặc bạn cũng có thể dùng các kinh nguyện do chính bạn làm ra. Tất cả đều tùy vào chọn lựa của bạn.

2. Đọc sách thiêng liêng

Luật Dòng đòi hỏi bạn phải đọc một số sách thiêng liêng. Nhưng không qui định phải đọc trong bao lâu hoặc đọc sách nào. Vấn đề quan trọng là phải đọc, nếu không, việc cầu nguyện của bạn có thể trở nên khô khan và thiếu sức sống vì thiếu chất nuôi dưỡng từ những chia sẻ mới mẻ của người khác. Dĩ nhiên Kinh Thánh luôn là sách nuôi dưỡng tâm hồn ta tuyệt vời nhất. Nhưng sau Kinh Thánh, những tu sĩ Cát-Minh chúng ta còn được đặc biệt khuyên dạy nên đọc các tác phẩm của các vị Sáng Lập Dòng, tức Mẹ Thánh Têrêxa Avila và Thánh Gioan Thánh Giá. Và nói cho cùng thì chính các ngài là những vị đã tạo nên tinh thần Cát Minh vậy.

Nhưng đừng nhồi nhét quá nhiều sách thiêng liêng. Đôi lúc các phân tích suy nghĩ trí thức có thể trở thành chướng ngại cho việc cầu nguyện.

VII. Lịch sử Dòng Cát Minh

(Rút ra từ tập sách của Fr. Bonaventure Galvin, OCD, phát hành năm 1977)

Dòng kín Cát Minh phát xuất từ một cộng đoàn các ẩn sĩ “sống theo gương mẫu của một người thánh thiện và đơn độc là ngôn sứ Elia” (theo một văn sĩ cùng thời kể lại). Cộng đoàn này lập cư ở núi Cát Minh xứ Palestine vào đầu thế kỷ 13. Họ là các Kitô hữu Latinh (tức các Kitô hữu Tây Phương) và vào khoảng năm 1210 họ được thánh Albertô, Thượng phụ Giêrusalem, trao cho một luật sống. Kế đó giáo đường của họ và dĩ nhiên theo não trạng thời đó, cả Dòng tu của họ nữa đều được cung hiến cho Đức Thánh Nữ Đồng Trinh. Và cũng từ đó, các con cái Cát Minh luôn tự coi mình là con cái rất đặc biệt của Đức Mẹ, đồng thời là môn sinh của ngôn sứ Elia, người đã được Kinh Thánh liên kết cách mật thiết với Núi Cát Minh ( x. 1V, 18).

Kể từ khoảng năm 1238, các vị ẩn tu ở Núi Cát Minh đã bắt đầu thiết lập nhiều cộng đoàn tại nhiều miền khác nhau ở Châu Âu. Năm 1247 bộ luật sống của các cộng đoàn này được sửa đổi để thích nghi với các nhu cầu của một Dòng tu ngày càng lan rộng trong thế giới Kitô giáo. Hiện nay, bộ luật này đã được Tòa Thánh long trọng phê chuẩn.

Thế rồi trong những tháng năm dài của hậu bán thế kỷ 13, người ta thấy có những hoàn cảnh khác nhau dường như đã cùng hiệp lực đưa đẩy các tu sĩ Cát Minh càng ngày càng đi xa khỏi cội nguồn ẩn tu của họ, đến nỗi cuối cùng họ đã biến thành một Dòng khất thực, tự nắn đúc mình theo những đường nét của các tu sĩ Đa Minh. Dầu vậy họ vẫn không quên nếp sống ẩn tu xưa kia và tinh thần Cát Minh vẫn không phai mờ trong tâm trí. Nó vẫn luôn hiện diện trong luật sống hằng ngày của họ.

Bởi thế, nào năm 1562, một Nữ tu Cát Minh người Tây Ban Nha được chúng ta biết đến dưới danh hiệu Thánh Têrêxa thành Avila đã gặp được sự cộng tác đầy nhiệt tình của một khuôn mặt Cát Minh vĩ  đại khác là Thánh Gioan Thánh Giá ; cả hai cùng thiết lập các cộng đoàn  mà sau này trở thành một nhánh hoàn toàn mới của Dòng Cát Minh. Đó là Dòng Cát Minh không mang giầy (the Discalced Carmelites. Từ “Discalced” xuất phát từ La ngữ có nghĩa là “không mang giầy”. Sở dĩ các tu sĩ mới này được gọi như thế vì nét bề ngoài phân biệt rõ ràng nhất nơi họ là việc họ mang những đôi giầy bằng dây gai của người nghèo thay vì giầy da, để thể hiện nếp sống khắc khổ họ đã chọn). Các nữ tu lẫn những người làm việc ngoài xã hội thuộc Dòng này đều nhắm đến một đời sống ẩn khuất và chiêm niệm bằng cách ấp ủ trong lòng tinh thần của luật sống nguyên thủy thế kỷ 13.

Vì thế ngày nay chúng ta thấy có hai nhánh thuộc Đại Gia Đình Cát Minh : Dòng Cát Minh theo luật cũ (the Ancient Observance = O.Carm) và Dòng Cát Minh Về Nguồn (the Discalced = O.C.D. Mỗi chi nhánh đều có Dòng Ba riêng.

VIII. Cácvấn đề khác

1. Việc tông đồ

Chúng ta luôn được khích lệ đảm trách bất cứ việc tông đồ nào mà lương tâm và việc cầu nguyện mỗi ngày hướng dẫn ta chọn lựa. Hãy nhớ rằng các phận sự của bậc sống luôn có quyền ưu tiên, kế đó mới đến các phận sự của Dòng Ba (Bậc sống -“State of life”- là các phận sự riêng của mỗi người trong tư cách người vợ, người chồng, người cha người mẹ, hoặc nhân viên, độc thân, góa bụa v.v… và mọi trách nhiệm bao hàm trong đó).

2. Văn phòng trung tâm

Văn phòng trung tâm có trách nhiệm điều hợp tất cả các hoạt động thiêng liêng cũng như các hoạt động bên ngoài của các cộng đoàn Dòng Ba khác nhau ở mỗi Tỉnh Dòng (Province). Ở Mỹ có 3 Tỉnh Dòng : Tỉnh Dòng miền Đông, Tỉnh Dòng miền Trung và Tỉnh Dòng miền Tây.

Vị Linh mục được chỉ định phụ trách văn phòng trung tâm được gọi là đại diện của Tỉnh Dòng (Provincial Delegate) đối với Dòng Ba. Ngài sẽ chỉ định một vị Phụ Tá Tinh Thần (Spiritual Assistant) cho mỗi một cộng đoàn, lên chương trình cho các công nghị (Congresses) và xuất bản các tờ liên lạc để gửi cho mỗi cộng đoàn.

Chúng ta cũng được mời gọi tự nguyện đóng góp một số tiền quỹ nho nhỏ cho văn phòng trung tâm để chi phí cho các tờ liên lạc, các hoạt động của văn phòng trung tâm, các Hội Nghị và các thư tín liên lạc với các thành viên đơn độc sống quá xa không thể liên lạc với cộng đoàn nào cả.

3. Các hội nghị (Congresses)

Các Hội nghị Dòng Ba cấp miền (Regional Secular Order Congresses) diễn ra 3 năm một lần tại mỗi Tỉnh Dòng. Các Hội nghị này thường được tổ chức tại một đại học nào đó vì tại các đại học thường có các phòng giá thuê rất rẻ.

Toàn bộ Hội nghị thường diễn ra trong vòng bốn ngày, từ thứ năm đến Chúa nhật. Các Linh mục Cát Minh thường đồng tế trong cùng một Thánh Lễ và các Thánh Lễ này rất gây ấn tượng. Kinh Sáng và Kinh Chiều cũng được nguyện chung với nhau. Các Linh mục, tu sĩ và giáo dân xuất sắc trong một khía cạnh nào đó của linh đạo Cát Minh (Carmelite Spirituality) được mời lên tiếng chia sẻ. Cũng có giờ để chuyện trò san sẻ trong tình thân hữu giữa các thành viên của Đại gia đình Cát Minh : các Linh mục, anh chị em và tu sĩ Dòng Ba (Priests, brothers and seculars).

4.Phù hiệu của Dòng Cát Minh

Các quốc gia, các tổ chức cũng như cá nhân đều có huy hiệu riêng để diễn tả một vài sự kiện trong lịch sử của họ, hoặc biểu lộ một số nét tiêu biểu nào đó. Vì thế Dòng Kín Cát Minh cũng có phù hiệu riêng để biểu trưng cho ý nghĩa tinh thần và nguồn gốc của mình.

Ở giữa cái khiên là đỉnh núi Cát Minh, cái nôi của Dòng. Trên cái khiên này có 3 ngôi sao sáu cạnh tượng trưng cho 3 thời kỳ trong lịch sử của Dòng :thời đầu, tức thời Sứ ngôn (Prophetic area) tính từ Ngôn sứ Elia đến thánh Gioan Thánh Giá ; thời thứ hai còn gọi là thời Hy lạp (Greek epoch), tức thời Dòng Cát Minh lan rộng khắp Đông Tây tính từ thánh Gioan Thánh Giá đến Berthold, vị tướng Latinh đầu tiên ; thời thứ ba kể từ Berthold đến tận thế. Thánh Giá trên đỉnh núi chỉ được thêm vào từ thế kỷ 16 để làm dấu phân biệt Dòng Cát Minh Về nguồn với Dòng theo luật cũ.

Mươì hai ngôi sao trên mũ triều thiên tượng trưng cho các uy quyền của Đức Mẹ là Trinh Nữ mà Thánh Gioan Tông đồ đã từng thấy trong thị kiến Khải Huyền :” một Người Nữ mặc áo mặt trời… đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”. Các ngôi sao ấy cũng ám chỉ mười hai điểm chính trong luật Dòng, đó là : vâng phục, trinh khiết, khó nghèo, hồi tâm, tâm nguyện, Thần Vụ hội họp, chay tịnh, lao động, lặng thinh, khiêm tốn và khẩn cầu (Superorogation).

Phía trên cái khiên ấy là một cánh tay cầm cây gươm lửa bốc cháy tượng trưng cho nhiệt tâm bừng sáng của Ngôn Sứ  Elia, trên cánh tay có vòng chữ gồm các lời của vị Ngôn Sứ :”Zelo Zelatus sum pro Domino Deo exercituum” có nghĩa :”lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con” (1V 19,10).

Đừng để gì làm bạn xao xuyến
Đừng để gì làm bạn sợ hãi
Tất cả đều đang qua đi
Chỉ mình Thiên Chúa không bao giờ thay đổi
Đức kiên nhẫn rồi sẽ đạt được
Tất cả gì nó đang nỗ lực
Người có Thiên Chúa trong lòng
Sẽ không hề thiếu thốn chi
Chỉ mình Người là đủ !

Thủ bút của Mẹ thánh Têrêxa Avila

(Đây là bài thơ được tìm thấy

trong sách Kinh Thần Vụ của Mẹ sau ngày Mẹ qua đời).

1 Xem 1V 19,20 và chú thích của “New Catholic Edition” của Kinh Thánh do Confraternity  Edition xuất bản.