Những chỉ dẫn về huấn thị “Cor Orans” của Cha Tổng Quyền (Phần 2)
NỘI DUNG
CHA BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN CHIA SẺ TIẾP VỀ HUẤN THỊ COR ORANS:
NHỮNG NGHI NGẠI, PHẢN ĐỐI VÀ SỢ HÃI
Roma, ngày 01 tháng 10 năm 2018
Lễ Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu
Thưa chị em quí mến của tôi,
Cách đây hai tháng, vào dịp lễ kính trọng thể Đức Mẹ Núi Cát Minh, tôi đã gởi cho chị em một lá thư trong đó tôi đã trình bày về việc áp dụng Huấn Thị Cor Orans, giải thích phương pháp tiếp cận căn bản và nhấn mạnh một số khía cạnh đặc biệt quan trọng đối với chị em để tiếp thu và đưa nó áp dụng vào trong cuộc sống. Như thường lệ, chị em đã quan tâm đón nhận thư đó và không ít cộng đoàn đã bày tỏ lòng biết ơn đối với tôi về sự giúp đỡ nhỏ bé này và về việc khích lệ chị em đào sâu học hỏi tài liệu này hơn nữa. Kết quả là chúng ta đã đi vào việc suy tư một cách đầy đủ được thể hiện nơi nhiều cuộc hội họp, gặp gỡ, Hội Nghị qua đó để tiếp tục suy tư và chia sẻ tiến trình hấp thụ và thích nghi những chỉ dẫn của Huấn Thị Cor Orans vào đời sống Cát Minh Tê-rê-xa.
Trong thời gian này, tôi đã có thể lắng nghe và ghi lại không chỉ là những nghi ngại và thắc mắc chính đáng về ý nghĩa và giới hạn của những chỉ dẫn được Huấn Thị đề ra, mà còn có những phản đối đằng sau đó nữa mà theo cái nhìn của tôi là do những định kiến sai lầm. Vì vậy tôi buộc phải trở lại chủ đề của Cor Orans để nói không những về những vấn nạn khách quan được nêu ra trong bản văn mà còn nói về những thái độ chủ quan của những ai đọc bản văn đó mà nó làm ngăn trở một sự tiếp nhận thanh thản và hữu hiệu và vì đó ngăn trở cho việc áp dụng đúng đắn vào đời sống Cát Minh Tê-rê-xa.
Nhiều nghiên cứu về chú giải đã dạy chúng ta rằng đọc là giải thích, là diễn giải. Vì vậy, thái độ tâm tính của người đọc mang tính quyết định đối với việc hiểu bản văn. Không phải mọi khó khăn đều được tìm thấy nơi bản văn bởi vì không ít những khó khăn đó lại nằm nơi tâm trí và cái nhìn của người đọc. Những điều mới mẻ quan trọng thì bị bỏ qua bị coi nhẹ, còn những nguy hiểm và sự đe dọa lại được thấy ở nơi có sự mở ra cho những con đường, những cơ hội, những chỉ dẫn mà ở đó có chỗ cho sự tự do của các chủ thể và lại còn bị coi là rối rắm và không phù hợp. Đang khi đó họ lại phàn nàn về sự quá chi li của luật lệ.
Theo tôi, phân biệt ba loại phản ứng khác nhau về Huấn Thị là điều hữu ích. Những phản ứng này đòi hỏi những cách thức trả lời và giải thích khác nhau: những nghi ngại và vấn nạn xuất phát từ bản văn; những phản đối có thể thấy được nơi một vài điều mới mẻ được Cor Orans đưa ra, nhiều thứ rủi ro cho đời sống của các nữ đan sĩ Cát Minh Tê-rê-xa, những sợ hãi và chống cự ẩn đằng sau đó.
Việc một bản văn thuộc loại quan trọng và cô đọng như Cor Orans có thể đặt ra vô số câu hỏi cho những ai đọc và có ý thực hành nó là một điều hoàn toàn bình thường. Cho dù những người soạn thảo bản văn đã hết sức cố gắng để diễn tả vấn đề một cách rõ ràng và dễ hiểu, chắc chắn không thể tránh được khả năng hiểu sai và không chắc chắc về ý định chính xác của bản văn. Thực ra, Nhà Tổng Quyền đã nhận được một con số đáng kể những vấn nạn được gởi đến mà nhìn chung tất cả đều chính đáng nghĩa là có thể được biện minh bởi một vài khó khăn khách quan. Giữa một rừng các câu hỏi, ba loại nghi ngại có thể được phân biệt:
- Nghi ngại trong việc hiểu bản văn mà vì lý do này hay lý do khác nó không rõ ràng[1].
- Nghi ngại về việc áp dụng cụ thể một vài luật lệ và có thể thay đổi thực hành truyền thống xưa nay.
- Nghi ngại về một vài điểm mà không được Huấn Thị giải thích rõ ràng cụ thể.
Tôi sẽ cố gắng trả lời chính xác hết sức có thể những nghi ngại này mà không có ý định gì khác là đưa ra những tiêu chí và phương pháp để tìm các giải pháp hợp lý.
Các số 1 và 3. Ở đây có một câu hỏi về ý nghĩa của việc phân biệt lời khấn đơn và khấn trọng thể được Huấn Thị làm sống lại. Chắc chắn tự nó không phải là một câu hỏi có gì đặc biệt quan trọng và còn ít quan trọng hơn đối với các nữ đan sĩ Cát Minh Tê-rê-xa là những người luôn duy trì việc thực hành việc khấn trọng thể. Bên cạnh đó, bộ Giáo Luật mới không còn phân biệt giữa các Dòng có lời khấn trọng thể và các Dòng có lời khấn đơn. Khoản 607 triệt 2 chỉ nói đến “lời khấn công vĩnh viễn hoặc tạm thời”. Chỉ trong khoản 1192 triệt 2 nói đến sự phân biệt giữa lời khấn đơn và lời khấn trọng thể, tuy nhiên lại không nói rõ sự khác biệt đó nằm ở điều gì. Nói chung có sự thống nhất khi cho rằng không có sự khác biệt giữa lời khấn đơn và lời khấn trọng thể liên quan đến lời khấn vâng phục và lời khấn khiết tịnh (x. 1008). Thay vào đó, với lời khấn trọng thể của đức khó nghèo, những gì khoản 668 triệt 4 và 5 qui định thì nó liên hệ đến việc từ bỏ triệt để của cải và mất khả năng thủ đắc và sở hữu tài sản[2].
Các số 7, 8 và 13. Điều nảy sinh ở đây là liệu có sự khác biệt giữa các Liên Hiệp và các Hiệp Hội và điều gì làm nên sự khác biệt đó. Thực ra, việc định nghĩa hạn từ “Liên Hiệp” ở số 7 và hạn từ “Hiệp Hội” ở số 8 dường như không ám chỉ sự khác biệt về bản chất. Theo ngôn từ của những tài liệu gần đây của Tòa Thánh[3], cả hai hạn từ được sử dụng như những từ đồng nghĩa và còn qui định rõ những gì được nói liên quan đến Liên Hiệp thì cũng được áp dụng cho Hiệp Hội. VDQ không bao giờ dùng từ Hiệp Hội và Cor Orans cũng không ngoại trừ ở các số 8 và 13 và ở phần qui định cuối cùng. Số 13 nhắc rằng “Các quy định của Huấn Thị này dành cho Liên Hiệp các đan viện cũng có giá trị đối với Hiệp Hội các đan viện và Hội Đồng các đan viện, tuy vẫn lưu ý bản chất riêng biệt và quy chế riêng đã được Toà Thánh phê chuẩn”. Cũng tương tự như thế, phần qui định cuối cùng thứ hai cũng nói rằng: “Những quy định của Tông Hiến Vultum Dei quaerere dành cho tất cả các đan viện liên quan đến nghĩa vụ gia nhập Liên Hiệp các đan viện cũng áp dụng cho các cơ cấu hiệp thông khác như Hiệp Hội các đan viện hoặc Hội Đồng các đan viện”.
Tóm lại vì những lý do thực tế, Các qui chế sẽ phân biệt Liên Hiệp và Hiệp Hội. Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể coi Hiệp Hội “nhẹ” hơn Liên Hiệp. Một sự giải thích như thế chẳng thể tìm thấy cơ sở nào trong VDQ cũng như trong Cor Orans. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp hơn là việc Hội Đồng các đan viện, “được hiểu là một cơ cấu hiệp thông giữa các đan viện tự trị, thuộc các Dòng khác nhau và hiện diện trong cùng một vùng”, được thêm vào cùng với Liên Hiệp và Hiệp Hội có ý nghĩa gì và thậm chí là tại sao. Rõ ràng một cơ cấu hiệp thông giữa các đan viện thuộc các dòng khác nhau tự nó hoàn toàn có những đặc điểm và mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, khi nghĩ về một vài tình huống cụ thể, chẳng hạn ở những vùng mà Giáo Hội Công Giáo hoàn toàn là thiểu số và hệ quả là sự hiện diện của các đan viện nữ sống đời chiêm niệm chỉ là một số nhỏ. Vậy theo ý kiến của tôi, có thể có lý khi ban cho Hội Đồng các đan viện ít nhất một phần của các chức năng của Liên Hiệp hay Hiệp Hội hơn là thiết lập một Liên Hiệp bao gồm các đan viện xa cách nhau về địa lý và thuộc về những truyền thống, ngôn ngữ và văn hóa khác nhau.
Các số 11 và 96. VDQ trong khoản 9 triệt 4 nói rằng việc thiết lập một ủy ban quốc tế phải được tất cả các Đan viện ủng hộ. Cor Orans sáp nhập lời đề nghị này và nói rằng Ủy ban có “mục đích khuyến khích việc nghiên cứu các chủ đề liên quan đến đời sống chiêm niệm có liên hệ đến đặc sủng riêng” (CO 96). Việc thiết lập hoặc công nhận một Ủy ban như thế và phê chuẩn Qui chế của nó thuộc quyền của Thánh Bộ. Tuy nhiên chúng ta có thể tự hỏi làm thế nào trong thực tế chúng ta có thể thiết lập được một Ủy ban như vậy. Bởi vì đặc tính của nó là “một cơ quan trung ương để phục vụ và nghiên cứu nhằm đến lợi ích của các nữ đan sĩ trong cùng một Dòng” (CO 11), với tôi dường như sự trợ giúp của Trung ương Dòng, và một cách tích cực hơn nữa từ cha Bề trên Tổng quyền “là người có bổn phận phục vụ tất cả các Đan viện của Dòng hoặc trực tiếp hoặc qua các vị cộng tác của ngài” (HP 242), không những là thích hợp và còn cần thiết. Sự phục vụ này sẽ cho phép ngài cổ vũ trong “sự đối thoại với họ (các nữ đan sĩ) nhằm khơi dậy những dự phóng và sáng kiến trong lãnh vực đời sống tâm linh và lãnh vực đào tạo. Phù hợp với tinh thần của Tòa Thánh, Ngài khuyến khích thành lập những Liên Hiệp và Hiệp Hội, chăm chú theo dõi đời sống và hướng đi của các tổ chức ấy” (HP 242). Vì vậy, tôi tin rằng để thực hiện chỉ thị này của VDQ và CO, cần phải bắt đầu (hoặc nối lại) việc đối thoại với các Liên Hiệp và Hiệp Hội về việc thành lập một Ủy ban quốc tế. Cá nhân tôi tin rằng, đặc biệt trong thời điểm thay đổi này của lịch sử, sẽ là một sự trợ giúp lớn lao khi có thể cậy dựa vào sự cộng tác của một nhóm các nữ đan sĩ đại diện cho các vùng địa lý và cảm thức khác nhau của Dòng. Ví dụ hãy nghĩ đến công việc đang đợi chúng ta về việc sửa đổi một vài số của Hiến Pháp và cũng có lẽ của Cẩm nang đào tạo Ratio Institutionis. Đó là để chỉ nêu hai trường hợp rõ ràng nhất cần sự can thiệp và vì vậy cần phải được nghiên cứu trước.
Các số 15, 39ª và 70. Trong số những đòi hỏi cần cho sự tự trị của một đan viện, số 15 của CO không những chỉ ra con số nhưng còn là “chất lượng” của các thành viên. Rõ ràng xác định con số thì dễ dàng hơn nhiều so với việc xác định chất lượng của các thành viên của cộng đoàn. Trong các số 39a và 70, “tuổi cao” là một trong các điều kiện. Chắc chắn, một cộng đoàn mà bao gồm phần đông là những nữ tu lớn tuổi thì mỏng dòn hơn và gặp nhiều nguy cơ cho tương lai hơn là một cộng đoàn trẻ trung. Tuy nhiên, chỉ tuổi tác không thì vẫn chưa đủ để lượng định sự tự trị của một con người và của một đan viện. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng có nhiều người tuy tuổi cao nhưng vẫn còn có khả năng và còn có thể đóng góp nhiều vào đời sống của cộng đoàn. Ngược lại, có những chị trẻ hoặc chưa già mấy nhưng vì nhiều lý do khác nhau lại cần được nâng đỡ và không thể đảm nhận những trách nhiệm quan trọng. Vì lý do này, cần phải áp dụng điều kiện này với sự khôn ngoan và linh động. Có lẽ sẽ công bằng hơn khi nói đến các nữ tu có sự ổn định cần thiết về thể lý, tâm lý và tâm linh.
Số 31. Số này qui định rằng bề trên của đan viện mẹ hoặc vị chủ tịch Liên Hiệp (nơi việc thành lập được Liên Hiệp thực hiện) là người bổ nhiệm bề trên địa phương của Đan viện mới. Về cách thức bổ nhiệm đó chúng ta cần phải tìm đến luật qui định về điều đó. Như chúng ta biết, Hiến Pháp của các Nữ đan sĩ số 207 qui định rằng bề trên của Đan viện mới, được gọi là chị đại diện, “sẽ được Bề Trên pháp định bổ nhiệm, nếu là một cộng đoàn thuộc quyền Dòng, hoặc được Đức Giám Mục giáo phận bổ nhiệm, nếu là một cộng đoàn được trao phó cho ngài chăm sóc”. Vì vậy, cho đến khi số này được sửa lại, sự nghi ngại về cách thức bổ nhiệm vẫn còn. Tuy nhiên, nếu chúng ta áp dụng cái gọi là tương đồng về luật pháp thì số 59 của CO có thể giúp đỡ. Số này qui định “Bề trên nhà của đan viện được kết nạp là một nữ đan sĩ khấn trọng, được Bề trên Cao Cấp của đan viện kết nạp hoặc Chủ tịch Liên Hiệp (khi đan viện được kết nạp vào Liên Hiệp) đặt lên ad nutum (tùy ý), với sự thỏa thuận của Ban Cố Vấn tương ứng, sau khi lắng nghe các nữ đan sĩ trong cộng đoàn của đan viện được kết nạp”.
Các số 45, 54-64. Các số này bàn đến những qui định mới liên quan đến đan viện tự trị sui juris mà “vốn chỉ tự trị trên giấy tờ, nhưng trên thực tế, rất bấp bênh hoặc thực sự không còn nữa” (CO 54). VDQ qui định rõ “một con số các nữ tu nào đó, dù là nhỏ nhoi, với điều kiện là đa số không quá lớn tuổi” (VDQ 8,1) như là đòi hỏi đầu tiên để xác định sự tự trị sống động của một đan viện. Huấn Thị áp dụng qui định rõ con số nhỏ nhoi đó là 5 nữ tu khấn trọng thể (CO 45) không kể tuổi tác. Hệ quả đầu tiên là đan viện “mất quyền bầu cử bề trên của mình” (CO 45). Bề trên đan viện sau khi đã có được sự chấp thuận của Thánh Bộ, bổ nhiệm một bề trên điều hành sau khi tham vấn từng cá nhân của các thành viên của đan viện. Rõ ràng đây là một biện pháp tạm thời trong khi chờ đợi Thánh Bộ đưa ra quyết định cho tương lai của đan viện. Cần phải lượng định một cách thực tế các khả năng hồi sinh và tăng trưởng của cộng đoàn là gì và tiến trình đồng hành nào hiệu quả và thích hợp hơn. Theo VDQ 8,2 tiến trình phân biện bình thường được thực hiện bởi một Ủy Ban được thiết lập tạm thời bao gồm Đức giám mục, Chủ tịch Liên Hiệp, vị trợ tá Liên Hiệp và bề trên cao cấp của đan viện (x. CO 43, 45, 56, 69). Trong thực tế, CO đề nghị hai giải pháp: 1) Kết nạp với triển vọng vượt qua tình trạng nguy khó hoặc đồng hành với đan viện tiến đến việc đóng cửa; 2) Đóng cửa ngay khi đã thấy rõ các điều kiện để tiến hành việc đóng cửa.
Cần phải làm rõ một vài nguyên tắc của tiến trình mới này:
- Một đan viện không còn khả năng tự trị sống động nữa không thể bị để một mình nhưng cần được đồng hành trong việc lượng định tình trạng hiện tại của nó và trong việc đưa ra những quyết định cho tương lai. Đây là một nguyên tắc nền tảng. Vì trong quá khứ, chúng tôi nhiều lần đã giúp đỡ ở những nơi đã có những nỗ lực vụng về để “xoay sở” với một tiêu chuẩn không gì khác là nhằm duy trì sự tồn tại của đan viện bằng mọi giá.
- Cộng đoàn là một phần trọn vẹn trong tiến trình phân biện. Họ được tham vấn khi bề trên điều hành được chỉ định. Họ được đại diện nơi Ủy Ban qua người bề trên và qua vị ấy họ bày tỏ ý kiến của mình.
- Sự kết nạp là một “sự nâng đỡ có bản chất pháp lý”, thông thường để giúp cộng đoàn trong tiến trình đi đến việc đóng cửa (hiếm khi sự kết nạp là nhằm để giúp đỡ đan viện vượt qua sự khủng hoảng tạm thời của mình để làm hồi sinh sự sống của đan viện vì những rối chức năng nội tại – internal dysfunctions). Nhờ việc kết nạp mà có thể tránh được tiến trình quản trị bằng việc bổ nhiệm một đại diện bên ngoài theo như tiến trình được áp đặt trên đan viện để giải quyết những tình huống khủng hoảng.
- Cách đồng hành đan viện được kết nạp sẽ khác nhau tùy từng trường hợp không những tùy thuộc tình trạng của đan viện được tháp nhập và những nhu cầu của nó mà cũng còn tùy thuộc mối liên hệ được thiết lập với đan viện kết nạp.
- Huấn Thị không nói đến việc cũng cố cộng đoàn bằng việc gởi chị em đến từ những cộng đoàn khác. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là một khả năng như thế không tồn tại. Điều quan trọng là những quyết định như thế này cần được thực hiện trong sự đối thoại và sự thỏa thuận với những thành phần khác của giáo hội được mời gọi để tư vấn và đồng hành với đan viện để rồi họ cùng hưởng ứng với một lý lẽ thích hợp và rõ ràng.
Các số 51, 53, 106. Với những chi tiêu và các hoạt động ngoại thường của việc quản trị của một đan viện tự trị sui juiris, cần phải có sự chuẩn nhận của Ban Cố Vấn và của Hội Đồng đan viện theo như tổng số “được qui chế của đan viện xác định”. Về cơ bản, theo luật riêng của các nữ đan sĩ Cát Minh (HP 252), với việc quản trị ngoại thường, cần có sự đồng ý của Hội Đồng đan viện. Khi nào “liên hệ đến việc mua bán mà giá trị vượt quá tổng số đã được Tòa Thánh qui định cho mỗi vùng, cũng cần có phép của Tòa Thánh”. Vấn đề là chị em tìm đâu ra những chi tiết cho thẩm quyền khác nhau về việc chi tiêu. Hiến pháp của các nữ đan sĩ Cát Minh qui định trong số 254 rằng “để giúp các cộng đoàn biết áp dụng cho đúng những quy tắc về việc quản trị tài sản, ngoài những quy định hợp pháp khác của các nội quy riêng, Tổng Tu Nghị của Dòng có thể cung cấp cho các vùng khác nhau một bảng ấn định ở cấp nào được chi tiêu bao nhiêu, bảng này được cập nhật hóa theo các điều kiện kinh tế từng vùng và theo các quy định của Tòa Thánh”. Trong thực tế, qua nhiều năm, Hội Đồng Giám Định đã đưa ra những bản ấn định cho các vùng khác nhau dựa trên tổng số chi tiêu tối đa được các Hội Đồng Giám Mục qui định và được Thánh Bộ về đời sống thánh hiến chấp nhận[4].
Các số 52 và 81d. Cor Orans đưa ra một trường hợp miễn trừ với điều 638, triệt 4 của Bộ giáo luật trong đó qui định rằng để việc chuyển nhượng tài sản hoặc bất kỳ việc mua bán nào khiến ảnh hưởng nguy hại đến tài sản của đan viện, có hiệu lực thì cần phải có sự đồng ý bằng văn bản của Đức giám mục nếu đan viện được đặt dưới quyền coi sóc của ngài. Vì vậy, từ bây giờ trở đi, các đan viện không cần phép này nữa nhưng cần có sự đồng ý của Hội Đồng đan viện và “ý kiến của vị chủ tịch Liên Hiệp” (52)[5].
Tuy nhiên, triệt 3 của điều khoản 638 vẫn giữ nguyên không thay đổi. Khoản này qui định cần có phép bằng văn bản của bề trên của Dòng. Vì vậy số 253 của Hiến Pháp vẫn giữ nguyên hiệu lực với những đan viện đặt dưới quyền coi sóc của Giám tỉnh (hoặc Tổng quyền). Cần phải xin phép bằng văn bản của Bề trên cho những hoạt động quản trị ngoại thường đã được đề cập ở trên.
Số 72. Câu hỏi được nêu ra là “Quỹ cho các nữ tu” là gì. Thánh Bộ sẽ có thể trích một khoản từ tài sản của đan viện bị đóng cửa để cho vào quỹ này. Tôi nghĩ đây là quỹ được điều hành bởi Văn phòng giúp đỡ các nữ tu, một cơ cấu được Đức Pio XII thiết lập năm 1954 mà vị thư ký của Thánh Bộ về đời sống thánh hiến làm chủ tịch. Mục đích cụ thể của quỹ này là giúp đỡ các đan viện gặp khó khăn về tài chính và các nữ tu cần trợ giúp về y tế (ở Roma họ được chữa trị ở “Villa Nostra Signora della meditazione).
Số 79. Được đề cập lần nữa là khoản 9, triệt 4 của phần kết luận và điều lệ của VDQ: “Sự liên kết, dù chỉ có tính pháp lý, của các đan viện trực thuộc dòng nam tương ứng cần được khuyến khích”. Chúng ta tự hỏi không biết câu này có ý nghĩa gì và phải áp dụng nó trong thực tế thế nào. Để thử trả lời, trước hết cần phải xác định rõ nghĩa của cụm từ “Sự liên kết, dù chỉ có tính pháp lý, của các đan viện trực thuộc dòng nam tương ứng” mà giáo luật số 614 nói đến. Thực ra, “sự liên kết có thể giao động giữa đơn thuần là quan hệ gần gũi thân thuộc về tinh thần rồi chuyển thành bổn phận giúp đỡ mục vụ đối với phía dòng nam và một sự lệ thuộc đích thực về pháp lý đối với một Bề trên hợp pháp”[6]. Theo loại hình học được cha Torres giải thích, chúng ta có thể phân biệt ba hình thức liên kết: liên kết thiêng liêng, liên kết thiêng liêng và pháp lý, liên kết pháp lý[7]. Còn về các đan viện của các nữ đan sĩ Cát Minh, tất cả (ngay cả những đan viện theo Hiến Pháp 1990) cùng chia sẻ một sự liên kết thiêng liêng với nhánh nam. Sự liên kết pháp lý cũng được đưa ra bởi hai yếu tố: Mối liên hệ thiêng liêng pháp lý với Bề trên Tổng quyền và mối liên hệ pháp lý với Bề trên hợp pháp về việc giám sát trông coi (thường là Bề trên giám tỉnh nhưng trong một vài trường hợp là với chính Bề trên tổng quyền). VDQ và CO khuyến khích cũng cố sự liên kết, thậm chí cả về pháp lý, với nhánh nam của Dòng bằng việc chuyển từ việc giám sát chăm sóc của Đức giám mục qua Dòng nam khi thích hợp và có thể được. Tuy nhiên, việc đan viện được đặt dưới sự giám sát chăm sóc của Đức giám mục không lấy đi sự liên kết thiêng liêng pháp lý vững bền hơn với Dòng nam qua mối liên hệ với Bề trên Tổng quyền (cụ thể được nhấn mạnh ở các số 242-243 của Hiến Pháp 1991). Nó là một sự đảm bảo cho sự hiệp nhất và căn tính với đoàn sủng của chúng ta cho toàn Dòng.
Số 81e. Trong Dòng của chúng ta, do bởi đặc quyền từ Tòa thánh, Bề trên Tổng quyền cho thể ban phép chuẩn cho một nữ tu khấn tạm được rời đan viện. Tuy nhiên, như đã được chỉ ra trong số 194 của Hiến Pháp của các nữ đan sĩ Cát Minh, với các đan viện đặt dưới sự chăm sóc của Đức giám mục, Bề trên cũng có thể ban hành phép chuẩn với sự ưng thuận của Ban Cố Vấn nhưng phải được Đức giám mục phê chuẩn (x. Gl 688, 2).
Số 81f. Sắc lệnh sa thải một nữ tu hoặc được Bề trên tổng quyền hoặc được Đức giám mục ban hành thì để có hiệu lực cần phải được Thánh Bộ xác nhận (x. Gl 700).
Số 92. Trong số các chức năng của Liên Hiệp, “việc trao đổi nữ tu và tài sản vật chất” được lưu ý. Điều này dấy lên mối quan ngại liệu vị Chủ tịch Liên Hiệp dưới danh nghĩa đức vâng phục có thể bắt buộc một nữ tu chuyển từ một đan viện này đến một đan viện khác (tương tự như Bề trên thượng cấp của một Dòng hoạt động). Rõ ràng trường hợp này không phải như vậy: Liên Hiệp chỉ dừng lại ở cơ cấu của sự hiệp thông chứ không phải quản trị và vì vậy Chủ tịch Liên Hiệp không phải là Bề trên thượng cấp (x. CO 110).
Các số 94 và 145. Trụ sở pháp lý của Liên Hiệp phải được đặt ở một đan viện cụ thể vào thời điểm cần sự công nhận pháp lý trong những vấn đề dân sự. Vì lý do này, nó có tính cách vĩnh viễn (nó không gắn liền với việc thay đổi các chức vụ của Liên Hiệp) mà theo lẽ thường thì không có ngụ ý là nó không thể được thay đổi khi cần phải thay đổi. Số 145 đề nghị nếu có thể được, thư ký Liên Hiệp là một nữ tu cư ngụ ở Đan viện được chọn đặt trụ sở của Liên Hiệp và cũng là nơi lưu trữ văn thư của Liên Hiệp.
Các số 111-114. Điều mới mẻ mà Huấn Thị đưa ra về chức năng của Chủ tịch Liên Hiệp trong các cuộc kinh lý đã dấy lên nhiều câu hỏi về cách thức thực hiện điều đó trong thực tế. Tôi chỉ giới hạn mình vào việc nhắc lại những điểm có rõ ràng trong Huấn Thị mà dựa trên đó cách thực hiện các cuộc kinh lý cần được làm theo bắt đầu từ ngày Huấn Thị được công bố:
- Cuộc kinh lý hoặc thăm viếng mục vụ mà trong các đan viện của chúng ta sẽ được thực hiện “ít nhất một lần trong 3 năm” (HP 244-245) sẽ được Bề trên đan viện và Chủ tịch Liên Hiệp cùng thực hiện. Cách thức cụ thể để thực hiện và cộng tác sẽ được thỏa thuận với nhau giữa hai vị kinh lý. Khả năng có thể có mặt của chị thủ quĩ của Liên Hiệp không được dự kiến trước thậm chí số 143 có nói về sự cộng tác của chị ấy với vị chủ tịch “trong bối cảnh của một cuộc kinh lý thông thường”.
- Vị chủ tịch Liên Hiệp cũng có thể thăm viếng mục vụ các đan viện trong Liên Hiệp “khi nào có nhu cầu” (CO 113). Điều này có nghĩa là chị ấy có thể thực hiện theo sáng kiến riêng của mình. Chị ấy không cần Cộng đoàn được thăm viếng mời hoặc đồng ý. Trong những trường hợp như thế, chị ấy sẽ được một cố vấn đi cùng và sẽ hành động như người đồng kinh lý và nếu thích hợp được đồng hành bởi chị quản lý của Liên Hiệp.
- Tuy nhiên, tất cả các cuộc kinh lý khác mang tính huynh đệ và chị em, cần có sự thỏa thuận với Bề trên của đan viện (CO 114).
Số 125. Chủ tịch Liên Hiệp buộc phải tham vấn Ban Cố Vấn Liên Hiệp sau khi hoàn tất mỗi cuộc kinh lý trước khi gởi cho bề trên của đan viện “những giải pháp thích hợp nhất cho các trường hợp và tình huống phát hiện trong cuộc kinh lý” (CO 115). Chúng ta có thể tự hỏi điều khoản này có ý nghĩa gì bởi vì chỉ có vị chủ tịch thực hiện cuộc kinh lý. Bên cạnh đó, người ta còn lo sợ cho việc vi phạm quyền được giữ kín của đan viện được kinh lý. Về vấn đề này, tôi thấy cần phải phân biệt hai khía cạnh:
- Mục đích của việc tham khảo Ban Cố Vấn không phải là về bản báo cáo của việc kinh lý nhưng là về một vài quyết định cần phải đưa ra để giải quyết những vấn đề cụ thể nảy sinh trong cuộc thăm viếng. Nó là phương tiện để đảm bảo tính khách quan của các quyết định. Vị chủ tịch biết lắng nghe những ý kiến và quan điểm khác trong tinh thần của tính hiệp đoàn là điều tốt và đó phải là đặc tính của việc phục vụ của quyền bính trong đời tu và trong Giáo Hội.
- Điều này không có nghĩa là có những vấn đề không nên được nói ra vì bởi bản chất của nó là để bảo vệ danh dự của đan viện, của những người liên hệ và bảo vệ quyền giữ kín thông tin nhận được. Vì thế, vị kinh lý phải cẩn thận phân biệt điều gì cần được chia sẻ và điều gì là bí mật.
Số 141e. Hội Nghị Liên Hiệp đưa ra các quyết định và qui định buộc mọi nữ tu thi hành sau khi đã được Tòa Thánh dứt khoát chuẩn nhận. Một vài cộng đoàn tự hỏi những qui định này là những qui định gì. Tôi nghĩ ý nghĩa của qui định này là ban cho Hội Nghị Liên Hiệp quyền ban hành các luật lệ mà sau khi đã được Thánh Bộ đồng ý thì có giá trị ràng buộc với mọi đan viện trong Liên Hiệp. Thêm vào các mục đích và thẩm quyền được Huấn Thị ban cho Liên Hiệp, những qui định này cũng có thể có liên hệ đến đời sống của mỗi đan viện (ví dụ đào tạo sơ khởi, các hình thức tách biệt khỏi thế gian, hoặc việc sự dụng các phương tiện truyền thông). Tuy nhiên trong trường hợp này, để những luật lệ đó có hiệu lực thì cần có sự chuẩn nhận của Thánh Bộ.
Số 141h. Hội Nghị Liên Hiệp “xác định một đan viện để làm nơi đào tạo ban đầu chung cho các đan viện của Liên Hiệp”. Trước hết, cần nhớ rằng CO số 258 lặp lại rằng “mỗi đan viện là sui juiris tự trị và từ lúc nó được thành lập thì nơi đó là nhà tập là nơi đào tạo ban đầu, liên tục trường kỳ của Dòng và VDQ số 14 nói rằng “Việc huấn luyện, đặc biệt là tiến trình huấn luyện liên tục… được đặt nền tảng trên đời sống hàng ngày của cộng đoàn. Vì thế, các chị nên phải nhớ rằng, không gian của việc huấn luyện phải là chính đan viện, và đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, trong mọi mặt của nó, phải góp phần vào tiến trình này”. Vì lý do đó, tôi không cho rằng VDQ và CO khuyến khích có một chương trình ban đầu chung. Tuy nhiên những gì đã được thấy trước trong số 259 vẫn có thể xảy ra khi “một đan viện tự trị không thể đảm bảo một chương trình đào tạo chất lượng”. Trong trường hợp này, cần phải chuyển việc đào tạo đến một đan viện khác của Liên Hiệp hoặc đến một nơi đào tạo chung cho các đan viện. Ngoài trường hợp này ra, tôi cho rằng Hội Nghị Liên Hiệp cũng quyết định một địa điểm nào đó để thực hiện các thời kỳ đào tạo chung dành cho các chị em khấn tạm mà nó sẽ là một sự làm giàu thêm cho việc đào tạo đã tiếp nhận ở cộng đoàn của mình cả về nội dung cũng như về tương quan huynh đệ.
Số 153. Một vài cộng đoàn hỏi nhiệm kỳ của vị trợ lý của Liên Hiệp sẽ là bao lâu. Số 153 nói rằng “vị trợ lý được Tòa thánh tự ý bổ nhiệm”, nghĩa là không có thời hạn xác định cho đến khi Tòa Thánh thay đổi cách khác. Số 10 của sắc lệnh trước đây của Thánh Bộ về đời sống thánh hiến ngày 08 tháng 09 năm 2012 đã qui định rằng “cứ mỗi 4 năm, Chủ tịch Liên Hiệp và Ban Cố Vấn sau khi đã tham khảo ý kiến của từng cộng đoàn của các đan viện trong Liên Hiệp hoặc Hiệp Hội, thông báo cho Thánh Bộ này ý kiến của các đan viện thuộc Liên Hiệp hoặc Hiệp Hội về việc tiếp tục tại chức hay khả năng thay thế vị trợ lý của Liên Hiệp”. Tuy nhiên điều khoản này không có ý nói đến việc mãn nhiệm kỳ nhưng là việc lượng định theo chu kỳ về trách vụ mà vị trợ lý đảm nhận. CO không đi theo sắc lệnh này.
Các số 166 và 188c. Luật nói rằng sự tách biệt khoảng không gian dành riêng cho các nữ đan sĩ ra khỏi thế giới bên ngoài cần phải là “vật thể và thực chất, chứ không chỉ mang tính biểu tượng hay thiêng liêng” (số 188c còn thêm “một cách triệt để, cụ thể, hiệu quả chứ không chỉ mang tính biểu tượng). Nói cách khác, trong thực tế nó phải thực hiện những gì đã được nói ở trong các số trước, đó là nhằm bảo vệ “một không gian của đời sống nội bộ và gia đình. Ở đó cộng đoàn sống đời sống huynh đệ trong chiều kích thân mật nhất của nó” (số 164) và “ngăn chặn sự xâm nhập của người ngoài” (số 165). Tuy nhiên, Huấn Thị để cho cộng đoàn khả năng xác định hình thức tách biệt phù hợp với đan viện. Sự chừng mực của bản văn bao hàm hết mọi ý nghĩa, nếu so sánh nó với 2 tài liệu về nội cấm có trước khi công bố Hiến Pháp của các nữ đan sĩ Cát Minh Tê-rê-xa[8]. So với Hiền Thê của Ngôi Lời Verbi Sponsa, thì không cần phải xin phép Tòa Thánh về hình thức cụ thể về sự tách biệt với thế giới bên ngoài.
Số 184. Những gì đã được qui định ở khoản 667 triệt 3 của Bộ giáo luật được khẳng định lại. Đó là sự liên hệ pháp lý giữa nội cấm giáo hoàng và sự công nhận một dòng tu là dòng thuần túy chiêm niệm. Theo nghĩa này thì không có gì thay đổi đối với các đan nữ Cát Minh Tê-rê-xa về việc họ hoàn toàn dâng hiến đời mình cho việc cầu nguyện (HP 109). Một số đan viện nêu câu hỏi liệu điều này còn có hiệu lực bởi số 10 của VDQ đưa ra khả năng một đan viện riêng biệt nào đó có thể xin Tòa Thánh cho phép theo một hình thức nội cấm khác với hình thức có hiệu lực hiện nay. Bởi vì chúng ta đang nói đến Tông Hiến nên rõ ràng điều khoản này vẫn giữ nguyên hiệu lực. Tuy nhiên không được quên rằng việc xin theo một hình thức nội cấm khác vẫn phải tôn trọng “truyền thống của riêng nó và những gì Hiến Pháp đòi buộc”. Nói cách khác, hình thức nội cấm vẫn phải gìn giữ căn tính của đoàn sủng của đan viện. Cá nhân tôi tin rằng khả năng này hoàn toàn thích hợp đặc biệt với một vài đan viện ở những nơi cụ thể không thể làm theo hình thức thông thường của nội cấm giáo hoàng.
Các số 232 và 247. Huấn Thị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo thường xuyên đối với tu sĩ chiêm niệm mà “cần phải được coi là mối ưu tiên cả trong kế hoạch sống của cộng đoàn và trong kế hoạch sống của mỗi nữ tu”. Số 247 nêu ra một khó khăn và đó là điều thường chống lại việc thực hiện một tiến trình đào tạo liên tục. Khó khăn đó là quá nhiều việc. Dù không coi nhẹ tầm quan trọng về tài chính, nhân bản và tâm linh của công việc, chúng ta phải hoàn toàn tránh làm cho công việc trở nên nguy hiểm khi nó được tuyệt đối hóa và thu hút sự chú ý đến độ gây thiệt hại cho đời sống tâm linh”. Những lời đề nghị đó cần phải được cộng đoàn xem xét một cách nghiêm túc trong việc duyệt lại đời sống và lên kế hoạch cho cộng đoàn.
Số 251. Theo số này việc đào tạo sơ khởi được cơ cấu theo 3 giai đoạn liên lục: thỉnh viện, tập viện, học viện (thời gian khấn tạm). Tuy nhiên, giai đoạn đệ tử được thêm vào trước 3 giai đoạn này. Có người hỏi liệu giai đoạn được mới thêm vào này có được xem là một phần của tiến trình đào tạo. Theo ý tôi, câu trả lời là có (bao gồm xét từ quan điểm của việc tính đến thời gian đào tạo), nhưng có lý khi không được xem nó ngang hàng với các giai đoạn kia bởi vì đệ tử không luôn luôn ở trong đan viện.
Các số 262-268. Sự mới mẻ của giai đoạn đệ tử, chưa được tiên liệu trong Hiến Pháp của các nữ đan sĩ Cát Minh, đã là nguồn gốc của nhiều câu hỏi. Tuy nhiên trong thực tế, nó không hệ tại ở việc kéo dài thời gian phân biện và tìm biết nhau như được cho phép ở số 134 của Hiến Pháp. Từ bây giờ trở đi, yêu cầu tối thiểu là một năm với việc tự do sử dụng thời gian này một cách hợp lý hơn với hoàn cảnh của đương sự và của cộng đoàn. Đệ tử có thể được theo dõi một cách ổn định từ bên ngoài trong một thời gian nhất định. Điều quan trọng là phải giao cho một nữ tu cụ thể nào đó (có thể là chị tập sư) trách nhiệm đồng hành em đệ tử (số 267). Cần tận dụng thời gian này để mời gọi em đệ tử “bù đắp những gì còn thiếu trên hành trình đào tạo nhân bản và tu trì” (số 262). Vì vậy, “việc thiết lập thời gian và cách thức em đệ tử ở trong và ngoài đan viện” hoàn toàn tùy thuộc vào sự suy xét thận trọng của Bề trên và Ban Cố Vấn (số 263).
Số 287. Để áp dụng các điều khoản của VDQ 15, qui định này yêu cầu không được cho khấn trọng thể trước khi hoàn tất 5 năm khấn tạm. Khấn lần đầu cũng được qui định là 3 năm và sau đó lặp lại mỗi năm cho hai năm kế tiếp. Mặc đù qui định đã rõ ràng, vẫn không có ít nghi ngại và thắc mắc từ các cộng đoàn:
- Có người hỏi liệu có phải áp dụng qui định này cho các nữ tu đã khấn tạm trước khi Huấn Thị được chấp thuận. Những qui định này chỉ được áp dụng cho những ai đang bắt đầu một trong các giai đoạn đào tạo sau khi CO được công bố. Với những ai đã khấn tạm trước khi CO được công bố thì có thể theo những qui định cũ cho giai đoạn khấn tạm bởi vì mọi hành vi đều phải chịu giám sát bởi luật lệ đang có hiệu lực vào thời điểm hành vi đó được thực hiện.
- Người ta cũng hỏi liệu có cần thiết phải thực hiện việc khấn tạm theo qui định của CO hay là chúng ta chỉ tiếp tục với việc lặp lại lời khấn mỗi năm. Đây chỉ là khía cạnh thứ yếu. Tuy nhiên, theo lý lẽ của Giáo Luật, chị em buộc phải xin phép Thánh Bộ để tiếp tục với cách thức khác với qui định hiện hành.
- Cũng có người hỏi liệu Cẩm nang đào tạo Ratio institutiones có phải được sửa lại thể theo việc kéo dài thời gian khấn tạm. Cuối cùng chúng ta cũng phải xem xét để cập nhật Cẩm nang đào tạo Ratio institutiones sau khi Những hướng dẫn cho việc đào tạo được công bố như đã được đề cập ở số 289 của CO.
Trong số những nhận xét được các cộng đoàn gởi đến từ những cuộc họp khác nhau, không thiếu những phản đối với các điều khoản của Huấn Thị. Về những phản đối tôi muốn nói đến một số thăm dò phê bình những điều khoản của Huấn Thị, việc áp dụng những điều khoản đó có thể tạo ra những khó khăn cho các nữ đan sĩ Cát Minh Tê-rê-xa. Vì vậy đó là những phản đối xuất phát từ kinh nghiệm và lối sống của chị em. Thông thường, đi kèm với sự phản đối là lời đề nghị sửa đổi hoặc có sự linh động đối với qui tắc cho Dòng chúng ta. Tôi đã xác định được những phản đối chính sau và những lời đề nghị đi kèm sau đây.
Các số 110 và 135. Đối với một số người thời gian 6 năm cho chức vụ Chủ tịch và các chức vụ khác của Liên Hiệp được CO qui định có lẽ là quá lâu. Đề nghị giữ lại thời gian 3 năm như trước đây với khả năng có thể tái cử. Trong trường hợp này, Đai hội Liên Hiệp giữa kỳ (số 136) cũng có bổn phận gia hạn các chức vụ của Liên Hiệp.
Về điểm này, tôi quan sát thấy cả Sponsa Christi (cả Huấn Thị áp dụng Inter praeclara) và VDQ đều không xác định thời gian của bổn phận của các chức vụ Liên Hiệp. Chỉ có ở trong mô hình hoặc biểu thức của qui chế dành cho Liên Hiệp các nữ đan viện được Thánh Bộ về đời sống thánh hiến ban hành năm 1974 mới nói rằng “Hội Nghị Liên Hiệp sẽ gặp nhau thường kỳ 6 năm một lần” và “vị chủ được được bầu cho nhiệm kỳ 6 năm và có thể được bầu lại cho 6 năm kế tiếp”[9]. Tuy nhiên, trong Dòng chúng ta, tất cả các Liên Hiệp đều qui định một nhiệm kỳ 3 năm với khả năng có thể được tái cử thể theo thời gian được bầu vào chức vụ Bề trên nữ thượng cấp trong Dòng chúng ta. Theo ý kiến khiêm tốn của tôi, vì đó là một qui định cụ thể và không làm giảm đi điều gì về bản chất của Liên Hiệp, chúng ta có thể xin phép cho những Liên Hiệp ao ước muốn duy trì nhiệm kỳ 3 năm. Chúng ta có thể viện dẫn lý do rằng một nữ tu chiêm niệm mà phải giải quyết đời sống của các đan viện khác và điều đó đòi buộc phải thường xuyên ra ngoài và gánh nặng trách nhiệm đáng kể trong một thời gian dài như thế là điều không dễ để chị ấy sống ơn gọi của mình.
Các số 149-151. Mặc dù CO không nói một cách rõ ràng mọi Liên Hiệp buộc phải có vị tu sĩ trợ tá, tuy nhiên cũng không nói sự hiện diện của ngài là tùy chọn như Sponsa Christi (khoản 7 triệt 7 của Inter Praeclara). Cũng có không ít Liên Hiệp của các đan nữ Cát Minh Tê-rê-xa thấy không cần có vị trợ tá và cho tới lúc này muốn tùy ý chọn lựa của họ. Trong trường hợp này, tôi cho rằng xin Thánh Bộ một sự giải thích linh động về điểm này là không có gì là không thể. Tuy nhiên, vị trợ tá tu sĩ cần phải được thay thế bằng một vị khác trong Ủy ban tạm thời vì cần có sự hiện diện của ngài ở đó (chẳng hạn có thể là Bề trên tổng quyền và vị đại diện của ngài).
Số 287. Điều đã gây ra nhiều ngạc nhiên là việc kéo dài thời gian khấn tạm đến 5 năm trái ngược với việc thực hành hiện nay trong Dòng chúng ta là cần giữ tối thiểu 3 năm (HP 162). Điều đó cần phải được lưu ý rằng thể theo ý nguyện của vị sáng lập của mình và còn hơn thế nữa trong nhiều trường hợp thiếu ơn gọi, các cộng đoàn của các nữ đan sĩ Cát Minh thì ít về số lượng và vả lại các ứng sinh hiện nay thì không còn quá trẻ. Một tiến trình đào tạo ít nhất 9 năm có thể khiến tình trạng bấp bênh của các đan viện của chúng ta trở nên nghiêm trọng hơn cũng như khiến việc chuyển giao thế hệ càng phức tạp thêm vì thường con số nữ tu trong Hội Đồng là ít.
Các giá trị của những nhận định này không thể bị phủ nhận. Hơn nữa khá ngạc nhiên khi thấy Huấn Thị đã siết chặt cách trình bày linh động của VDQ. Trong phần kết luận và các qui tắc, VDQ chỉ nói đến việc cần đưa ra “thời gian vừa đủ” cho việc đào tạo ban đầu (khoản 3 mục 5) và trong phần trình bày VDQ đề nghị thời gian này là “trong mức độ có thể […] không ít hơn 9 năm và không quá 12 năm” (VDQ 15). Vì Giáo luật số 655 nói rằng: “Việc khấn tạm sẽ được thực hiện trong một giai đoạn được luật riêng qui định, không ít hơn 3 năm và không quá 6 năm” và không thấy có luật trừ nào được đưa ra cho điều khoản này với các nữ tu chiêm niệm, nên theo ý kiến của riêng tôi các nữ đan sĩ Cát Minh Tê-rê-xa có thể xin Thánh Bộ cho phép thời gian khấn tạm 3 hoặc 4 năm dù là phép ở hình thức ngoại lệ.
Tôi tự hỏi hình thức nào là tốt nhất và hữu hiệu nhất để trình bày những thỉnh cầu này lên Tòa Thánh. Một cách đó sẽ là xin chấp thuận qui chế của các Liên Hiệp. Những thỉnh cầu này có thể được kết hợp vào với chính các qui tắc mà đi ra khỏi luật chung. Theo CO 141e, những luật này liên hệ đến không những đời sống của Liên Hiệp và còn liên hệ đến những khía cạnh khác của đời sống tự trị của các đan viện trong Liên Hiệp, chẳng hạn khoảng thời gian của số năm của khấn tạm. Một khi các qui chế đã được Tòa Thánh chấp thuận, luật riêng của Dòng chiếm ưu thế hơn luật chung.
Như tôi đã nói ban đầu, cũng không thiếu sự phê bình gay gắt về CO. Một số cho rằng đó chỉ là một loạt những qui tắc áp đặt, tước đoạt sự tự do của các nữ tu, đang khi đó một số khác thì nói rằng đó là sự tấn công với căn tính của đoàn sủng của các nữ đan sĩ Cát Minh Tê-rê-xa và cũng với toàn bộ đời sống chiêm niệm. Chẳng có gì mới dưới mặt trời này! Khi Sponsa Christi được công bố, cũng đã có những phản ứng tương tự. Trong một tài liệu ít được biết đến của Thánh Bộ về đời sống thánh hiến năm 1953, chị em có thể đọc một loạt các chỉ thị dành cho các đặc ủy viên nhằm chuẩn bị cho Liên Hiệp của các đan viện (dĩ nhiên đã có vào thời đó) như sau:
“Vả lại, thưa các đặc ủy viên đáng kính, hãy làm việc bằng cách thuyết phục các đan viện, nêu bật những điều trong các tài liệu của Tòa Thánh và giới thiệu cho họ các Liên Hiệp là phương tiện nhằm đảm bảo thiện ích đích thực của chính các đan viện mà không cần tập trung giải thích tại sao họ phải thay đổi đời sống và việc tổ chức hiện hành. Anh em có thể nhắc nhở họ rằng luật của Giáo Hội không cho phép có những đan viện cô lập của các đan sĩ hoặc tu sĩ. Và kiên trì nỗ lực xua tan một vài suy nghĩ sai lầm, những nỗi sợ hãi không có căn cứ, những mối bận tâm vô bổ liên quan đến việc áp dụng và thi hành Huấn Thị Sponsa Christi.
Một số những suy nghĩ này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về những gì họ nói một cách long trọng và rõ ràng về các tài liệu của Giáo Hội. Chẳng hạn, họ đã nói rằng nội cấm Giáo hoàng sẽ biến mất, rằng lời khấn trọng thể sẽ bị bãi bỏ, rằng các Liên Hiệp sẽ ảnh hưởng đến sự tự trị, rằng chúng sẽ giới hạn các quyền của các Bề trên thông thường và hợp pháp trên các đan viện. Tất cả những điều này là hoàn toàn trái ngược với các tài liệu của Đức Thánh Cha và Thánh Bộ.
Không ít những mối lo sợ của các nữ tu sẽ biến mất nếu anh em nói với họ rằng các Liên Hiệp không áp đặt một tập viện chung, làm mất sự ổn định trong chính đan viện của họ; trái lại, mỗi đan viện vẫn giữ quyền có tập viện của riêng mình và việc thuyên chuyển tu sĩ từ đan viện này sang đan viện khác chỉ là một gì đó ngoại lệ vì những lý do mà họ đã nhiều lần chạy đến Tòa Thánh dù ngay cả bây giờ khi chưa có các Liên Hiệp nhằm giúp đỡ các đan viện đang cần sự trợ giúp huynh đệ của các đan viện khác[10].
Mặc dù 65 năm đã trôi qua từ khi phác thảo bản văn này, nó cũng có thể được viết hôm nay để trả lời cho những sợ hãi của nhiều chị em. Rất lý thú khi thấy rằng những nỗi sợ hãi vẫn y như vậy: chúng ta đang trở nên giống như các nữ tu hoạt động, sự tự trị của đan viện đang bị ảnh hưởng, Bề trên không còn quyền gì nữa, chúng ta bị ép buộc phải mở những nơi đào tạo chung, v.v. Tôi mong những nỗi lo sợ này sẽ tan biến và con đường mà Giáo Hội muốn chúng ta bước đi phải được tiếp nhận một cách khách quan hơn và bình thản hơn để rồi chúng ta có thể dành năng lượng của mình cho những vấn đề hiện nay cần chúng ta sự dấn thấn tìm hiểu, thích nghi và thực hành.
Điều gây ra sự lo lắng và bận tâm nhất là việc nới rộng quyền của vị chủ tịch Liên Hiệp:
- Sợ rằng vai trò và các bổn phận của vị Chủ tịch sẽ lấn át và thay thế vai trò và bổn phận của Bề trên của Đan viện.
- Sợ vị Chủ tịch sẽ điều khiển quá mức (một số gọi nó là “sự bao vây”).
- Sợ tình thần hiệp thông, là đặc điểm chính của cơ cấu Liên Hiệp, bị thay thế bởi tinh thần nệ luật.
- Sợ rằng việc chất đầy trách nhiệm trên vị Chủ tịch làm đi ngược lại với ơn gọi chiêm niệm, thinh lặng và ẩn dật của riêng một nữ tu Cát Minh Tê-rê-xa.
- Người ta còn lý luận rằng những đổi mới này đi ngược lại với tinh thần của Mẹ thánh Tê-rê-xa của chúng ta khi trích lời phê bình của mẹ với các cha kinh lý, những người đưa thêm những qui định luật lệ không cần thiết.
Tôi có thể trả lời cho những lo sợ này như sau: Điều một cộng đoàn chiêm niệm phải thực sự sợ là sự thiếu vắng những người quan tâm đến họ và nhìn ngó đến họ. “Hai thì luôn tốt hơn một, bởi vì họ có thể nhận lại được điều tốt cho sự lao động của họ: Nếu một trong hai người vấp ngã, người nọ có thể giúp người kia đứng dậy. Nhưng thật đáng thương khi bất kỳ ai vấp ngã mà không có ai để giúp họ chổi dậy (Qô-he-let 4,9-10). Không ai xác tín vào chân lý này hơn mẹ Tê-rê-xa của chúng ta, mà nó xuất phát hoặc từ chính kinh nghiệm của Mẹ hoặc liên hệ đến đời sống của các đan viện do mẹ lập ra. Tất cả chúng ta đều nhớ những gì Mẹ đã viết trong cuốn Tiểu Sử Tự Thuật: “Tôi thích chúng ta thỉnh thoảng tìm cách qui tụ lại với nhau để giải thoát mỗi người chúng ta khỏi những ảo tưởng và nói về việc làm sao sửa lại những cách sống của chúng ta và làm sao để làm vui lòng Chúa hơn vì chúng ta không biết chính mình cũng như không biết những người quan sát chúng ta nếu họ làm vậy vì yêu thương chúng ta và muốn chúng ta thăng tiến”[11].
Đối với các cộng đoàn, vì là một người thực tế và là một người phát xét tuyệt vời về những nhân đức cũng như tật xấu của con người, Mẹ thánh Tê-rê-xa bày tỏ mối bận tâm về cách thức lãnh đạo của các bề trên (và các bề trên hiện thời lúc đó khi đọc những điều này thì không lấy làm khó chịu: Đó là cách nói thẳng thắn thông thường của Mẹ). Mẹ biết có một số dù được bầu lên nhưng không có khả năng để hướng dẫn cộng đoàn và mẹ đã cảnh báo cho vị kinh lý để ngài có thể xử lý mà không do dự[12]. Mẹ biết các nguy cơ do quá nhiệt thành và sốt sắng dẫn đến việc áp đặt trên người khác lối đạo đức và khổ chế của riêng mình[13], hoặc ngược lại về mối nguy hiểm của sự hời hợt và buông thả[14]. Mẹ sợ các Bề trên có thể nghĩ mình đã biết mọi thứ và bắt đầu hành động theo những ý nghĩ của riêng mình mà không chịu bám sát vào những gì đã được Hiến Pháp qui định[15], hoặc họ có thể kết nhóm với một số người một cách thái quá và đối xử với những người khác theo cách khác với họ[16], hoặc nhận tập sinh và không qua phân biện[17]. Mẹ cũng còn biết được một vài thực hành thiếu minh bạch và việc quản lý tiền bạc thiếu khôn ngoan[18]. Vì những lý do này mà mẹ thánh Tê-rê-xa coi việc cần có một sự giám sát ở cấp cao hơn để theo dõi và lượng định một cách khách quan những hành vi của họ và cách sống như một cộng đoàn là điều cần thiết: “Bề trên phải hiểu rằng cần có một người để theo dõi điều này và thông báo cho vị kinh lý. Tôi cho rằng một bề trên không thể chu toàn tốt bổn phận của mình nếu chị ấy khó chịu khi vị kinh lý biết một vài điều về những gì chị ấy làm. Một dấu chỉ cho thấy có một điều gì đó được thực hiện không hoàn toàn vì việc phục vụ Thiên Chúa là tôi không muốn một ai đó là người đại diện Chúa biết về việc đó”[19]. Thậm chí mẹ thánh Tê-rê-xa còn coi là một điều thích hợp khi vị kinh lý giao cho một nữ tu trách nhiệm báo cáo cho ngài biết liệu những chỉ dẫn của ngài có được tuân thủ hay không: “Bằng cách đó vị kinh lý hiện diện vì vậy mà các nữ tu sẽ thực hiện một cách cẩn thận hơn và giữ mình không làm trái với mệnh lệnh của ngài”[20].
Chúng ta có thể thêm nhiều trích dẫn, nhưng điều tôi quan tâm là cho chị em thấy học thuyết nhân văn của mẹ thánh Tê-rê-xa không ngây ngô cũng không phải để xoa dịu. Thật quan trọng phải nắm bắt được mối bận tâm của mẹ thánh Tê-rê-xa về việc không để lặp lại nơi các cộng đoàn được mẹ thành lập những gì mẹ đã thấy ở những nơi khác. Sự thật và khiêm nhường phải là những nền tảng để xây dựng cộng đoàn trên đó. Nếu chị em quá tự tin và không chấp nhận để người khác sửa lỗi hoặc tìm cách để che đậy hoặc bóp méo sự thật thì chị em đang đánh mất sự giúp đỡ Chúa ban cho chị em qua Giáo Hội và qua anh chị em của mình. Hiển nhiên, những đề nghị của mẹ thánh thể hiện văn hóa và não trạng của thời đại của mẹ cũng như thể hiện một hệ thống pháp lý khác nhau. Nhưng không thể nói rằng những nguy hiểm, những cám dỗ và những lỗi lầm chị em đã nhận thấy là những điều của quá khứ và vì vậy không cần phải giám sát chúng nữa: “Cho dù các nữ tu có thánh thiện đến mức nào đi nữa, để ý đến những điều này luôn là cần thiết”[21].
Về việc mẹ thánh nói đến một vị kinh lý nam và một thừa tác viên được thụ phong chứ không phải là một nữ tu, một điều không thể tưởng vào thời đó, cần phải nói rằng mẹ thánh Tê-rê-xa thấy được những thuận lợi của việc thăm viếng thực hiện bởi một nữ tu là người sống bên trong nội cấm và trực tiếp chứng kiến cuộc sống được diễn tả như thế nào bên trong đó mà không cần chỉ tin vào lời của các chị, cụ thể là lời của Bề trên:
“Chính vị kinh lý không phải là nhân chứng, thế nhưng sự việc được kể cho ngài theo cách mà ngài không thể không tin chúng được. Vì những lý do này, sau khi kinh lý, mọi sự lại vẫn đâu vào đấy. Nếu giả như ngài là người trực tiếp chứng kiến ở cộng đoàn trong vài ngày, có lẽ ngài sẽ biết sự thật. Các bề trên không nghĩ là họ không chân thật, nhưng lòng yêu mình này cho biết quả là sự lạ liệu đã bao giờ chúng ta tự đỗ lỗi cho mình hoặc chúng ta đã tự biết mình. Chính tôi đã nhiều lần có kinh nghiệm về điều này và với các bề trên mà tôi hết lòng tin tưởng và là những tôi tớ rất rất tốt lành của Chúa, thì với tôi sự thật không thể khác đi được. Tuy nhiên có một lần sau khi trãi qua thời gian nhiều ngày ở một đan viện, tôi đã ngạc nhiên khi thấy một gì đó ngược lại với những gì tôi đã được báo cáo, và trong một vấn đề quan trọng, và tôi đã nhận ra cùng với gần một nửa của cộng đoàn liên quan đến sự chia rẽ. Chính bề trên lúc đó không nhận ra điều này và sau đó bà đã hiểu”[22].
Để kết luận, tôi tin rằng mẹ thánh Tê-rê-xa không những không có gì để nói về những qui định mới của CO mà thực ra còn hân hoan đón nhận chúng. Thực ra thậm chí nếu mẹ có kinh nghiệm không may của tất cả chúng ta, nghĩa là “nếu những đan viện này được kinh lý theo cách truyền thống hiện nay trong Dòng, sẽ có rất ít hoa trái và sẽ có nhiều điều xấu hơn là điều tốt”[23].
Một mối quan tâm khác được các cộng đoàn bày tỏ liên hệ đến sự suy yếu của các mối liên hệ giữa Dòng nam và Dòng nữ do việc gia tăng thẩm quyền của Liên Hiệp và cụ thể là của vị chủ tịch Liên Hiệp. Tuy nhiên, trong thực tế không thể nói rằng VDQ và CO lấy đi điều gì trong mối tương quan mà nhánh nam và nhánh nữ của Dòng có với nhau. Các năng quyền của Bề trên Tổng quyền vẫn còn hiệu lực như được mô tả trong Hiến Pháp của các Nữ đan sĩ Cát Minh Tê-rê-xa. Việc CO không đề cập đến điều đó có nghĩa là CO không đặt vấn đề về nó. Về sự giám sát của Giám tỉnh, một số trách nhiệm của ngài, chẳng hạn trách nhiệm thực hiện việc kinh lý, được chia sẻ cùng với vị Chủ tịch của Liên Hiệp, nhưng không bị hủy bỏ hoàn toàn. Những điều khác, ví dụ như năng quyền miễn chuẩn nội cấm và phép được vắng mặt đan viện, được trao cho Bề trên để cho phù hợp với tình trạng pháp lý của Bề trên thượng cấp của mình.
Về cá nhân tôi, tôi tin rằng mối liên hệ giữa các anh em và chị em là một chiều kích thiết yếu của ơn gọi và đời sống của chúng ta. Đó là lý do tại sao nó không được bị giản lược vào những tiến trình pháp lý. Trên hết như tôi đã thường nói trong vài dịp, kiểu mẫu xưa cũ của sự lệ thuộc một chiều đã được vượt qua rồi. Thay vào đó chúng ta phải hướng về kiểu mẫu của sự hỗ tương và liên đới trong việc chăm sóc ơn gọi và sứ mạng chung Cát Minh Tê-rê-xa của chúng ta. Nếu những điều mới được luật pháp ban hành gần đây giúp chúng ta tiến bước theo hướng này, chúng ta chỉ có thể vui mừng với nhau. Tuy nhiên, vấn đề thực sự không phải ở chỗ các qui tắc nhưng là ở chỗ não trạng cần được canh tân bằng việc trở về với cội rễ của đoàn sủng chung liên kết chúng ta. Chúng ta càng trung thành với những cội rễ này, các mối liên hệ của chúng ta càng được cũng cố và làm phát sinh sự sống mới.
Tôi kết luận lá thư đã dài này. Tôi đã tìm cách trả lời những thắc mắc của chị em, nhưng không lời giải thích lý thuyết nào có thể thay cho kinh nghiệm. Vấn đề không phải là bao nhiêu bài học lý thuyết về bơi lội mà bạn đã nghe, không có gì có thể thay thế được kinh nghiệm đắm mình vào nước và khám phá ra rằng nếu chúng ta không sợ hãi, chính nước sẽ nâng đỡ chúng ta và cho chúng ta một sự tự do di chuyển mới.
Bằng những lời chào hỏi và mời gọi bước đi “trong yêu mến và tin tưởng”[24], tôi thân ái chào chị em trong Chúa.
Lm. Saverio Cannistra, OCD
Bề trên Tổng quyền
Chuyển ngữ từ bản Anh ngữ:
Lm. Fx Nguyễn Quách Tiến, OCD
[1] Bản văn không rõ nghĩa (chú thích của người dịch).
[2] X. V. De Paolis, La Vita Consecrata nella Chiesa, Marcianum, Venice 2010, tr. 305-306, 507.
[3] X. VC 59; VS 27.
[4] X. CICLSAL, Economia a servicio del carisma e della missione, LEV, Vatican City 2018, số 57. Trong phần phụ lục được đính kèm bảng của các tổng số hạn chế dành cho việc trao đổi mua bán bất động sản của một tu sĩ, được Thánh Bộ về đời sống thánh hiến chấp thuận.
[5] Hơn nữa, số 81 của CO cũng cho phép khả năng hồi phục một sự bắt buộc phải có sự ưng thuận như vậy mà hiện nay không còn trong luật chung.
[6] J. Torres, Le casa religiose: commentario ai canoni 608-616, CICLSAL: Practical school of Theology and Law of consecrated life, promanuscripto, Rome, 1994-1995, tr. 45.
[7] Cũng xem C. Durighetto, I monasteri di monache associati agli ordini mendicani (can. 614), LEV, Vatican City 2010, tr. 141-151.
[8] Inter cetera of 1956 (các số 13-17; EVC 2939-2943), Venite seorsum of 1969 (các số 4497-4498).
[9] Các qui định cho Liên Hiệp của Thánh Bộ về đời sống thánh hiến để chuẩn bị cho các qui chế của Liên Hiệp của các đan viện của các nữ đan sĩ, được công bố trong “Commentarium pro religiosis et missionariis” 55 (1974), tr. 365-377 (=EVC 4936-4953).
[10] Hướng dẫn Consapevole của Thánh Bộ về đời sống thánh hiến cho các đặc ủy viên để chuẩn bị Các Liên Hiệp của các đan viện của các đan nữ (15 tháng 12 năm 1953), trong EVC 2737-2739.
[11] “Procurásemos juntarnos alguna vez para desengañar unos a otros, y decir en lo que podríamos enmendarnos y contentar más a Dios; que no hay quien tan bien se conozca a sí como conocen los que nos miran, si es con amor y cuidado de aprovecharnos” (Vida 16,7).
[12] Về việc thực hiện kinh lý, số 9: “Không thể tất cả những người được bầu làm bề trên đều có khả năng lãnh đạo. Khi khám phá họ không có khả năng thì bằng mọi cách phải đưa họ ra khỏi chức vụ trong năm đầu tiên”.
[13] Sách đã dẫn, 29: “Vị kinh lý cần phải tìm hiểu xem liệu các bề trên có thêm những lời nguyện và hãm mình so với những gì bắt buộc. Có thể xảy ra rằng mỗi bề trên tùy theo sở thích của mình thêm vào những điều cụ thể khác gây thêm gánh nặng cho các nữ tu đến nỗi họ mất sức khỏe và không thể chu toàn những gì họ bị đòi buộc” (xem thêm Ký sự 18,7-8).
[14] Sách đã dẫn, 21: “Bề trên sẽ gây thiệt hại lớn lao cho cộng đoàn khi quá tự do không tuân thủ những điều khoản của Hiến Pháp khi không có lý do gì hoặc thường xuyên làm vậy và nghĩ rằng nó chẳng có gì hệ trọng. Chị em hãy hiểu điều này và nếu thiệt hại chưa đến ngay thì thời gian sẽ chứng minh điều đó”.
[15] Thư gởi Maria của Thánh Giu-se, 11 tháng 11 năm 1576: “Hỡi con gái, ta nói cho con hay rằng con cần cẩn thận về những gì các bề trên bé nhỏ mơ ước”; Thư gởi cha Gracian, 21 tháng 2 năm 1581: “Có những bề trên khi chép lại Hiến Pháp thêm vào hoặc bỏ bớt bất kỳ điều gì họ thích và nghĩ rằng họ chẳng làm gì sai. Cần phải đưa ra một qui định nghiêm ngặt và rõ ràng cấm thêm bớt vào Hiến Pháp”.
[16] Sách đã dẫn, 19: “Ngài phải dò hỏi xem bề trên có tình bạn riêng tư với nữ tu nào hay không. Ngài phải thường làm việc này với bề trên hơn với các nữ tu khác”.
[17] Sách đã dẫn, 25: “Về việc cho phép nhận nữ tu, một vấn đề hết sức quan trọng, vị kinh lý không nên cho phép mà chưa nhận được một bản báo cáo đầy đủ. Và ngài nên tự mình tìm hiểu xem ngài có ở đúng nơi để làm điều đó. Bởi vì có thể có những bề trên quá thích nhận vào các nữ tu ít hội đủ điều kiện. Và nếu bề trên muốn nhận vào một ai đó và nói rằng vị ấy đã được thông báo đầy đủ, thì các bề dưới dường như luôn đồng ý với những gì bề trên muốn. Nhưng cũng có thể xảy ra việc bề trên nhận một đệ tử vì người ấy là bạn, là bà con họ hàng hay vì một vài lý do cá nhân nào khác. Và chị ấy nghĩ rằng chị ấy đúng nhưng thực tế lại là sai”.
[18] Sách đã dẫn, 35: “Việc vị kinh lý cần tìm hiểu xem liệu tiền có đến tay của bề trên mà những người giữ chìa khóa lại không biết là điều rất quan trọng. Vì điều này có thể xảy ra mà không có liên hệ gì đến vị ấy và ngay cả khi vị ấy sở hữu một cái gì đó ngoại trừ phù hợp với Hiến Pháp”; Sách đã dẫn, 40: “Cũng cần phải khuyên bảo các bề trên không được quá quảng đại và tự do nhưng luôn nhớ rằng họ buộc phải suy nghĩ về cách tiêu tiền thế nào. Họ không gì khác hơn là những người quản gia và không được tiêu tiền như thể tiền đó là của riêng họ nhưng theo lý trí và hết sức cẩn trọng để rồi các chi tiêu của họ không quá mức”.
[19] Sách đã dẫn, 22: “Bề trên phải hiểu rằng sẽ có một người sẽ theo dõi điều này và thông báo cho vị kinh lý. Tôi cho rằng một bề trên không thể chu toàn tốt bổn phận của mình nếu chị ấy khó chịu khi vị kinh lý biết một vài điều về những gì chị ấy làm. Một dấu chỉ cho thấy có một điều gì đó được thực hiện không hoàn toàn vì việc phục vụ Thiên Chúa là tôi không muốn một ai đó là người đại diện Chúa biết về việc đó”.
[20] Sách đã dẫn, 31: “Về những mệnh lệnh quan trọng, sẽ rất hữu ích nếu vị kinh lý ra lệnh cho một trong các nữ tu, vì đức vâng phục, trước sự hiện diện của bề trên, viết cho ngài biết có mệnh lệnh nào của ngài không được thi hành hay không để rồi bề trên hiểu rằng chị nữ tu đó không thể làm cách khác. Bằng cách đó vị kinh lý hiện diện vì vậy mà các nữ tu sẽ thực hiện một cách cẩn thận hơn và giữ mình không làm trái với mệnh lệnh của ngài”.
[21] Sách đã dẫn, 36: “như tôi đã nói, dù các đan nữ có thánh thiện đến nào đi nữa, điều đó vẫn cần thiết”.
[22] Sách đã dẫn, 51-52.
[23] Sách đã dẫn, 54.
[24] Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, Yellow Notebook, 12 tháng 08, 2.