Hình ảnh con người theo Thánh Gioan Thánh Giá

HÌNH ẢNH CON NGƯỜI THEO THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ

Lm. F.X. Nguyễn Quách Tiến, OCD 

MỤC LỤC

DẪN NHẬP.

CON NGƯỜI THEO CÁI NHÌN CỦA THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ..

III. CƠ CẤU CỦA CON NGƯỜI.

  1. Phần cảm giác.
  2. Phần tâm linh.

III. SỰ THANH TẨY..

  1. Giải thích hạn từ.
  2. Sự cần thiết của thanh tẩy.
  3. Thực hiện sự thanh tẩy.
  4. THÁI ĐỘ CỦA LINH HỒN ĐỐI VỚI SỰ THANH TẨY..
    1. Tình yêu.
    2. Vâng lời và khiêm nhường.
    3. Đức Tin và Đức Cậy.
  5. NHỮNG HIỆU QUẢ CỦA SỰ THANH TẨY..
  6. TẠM KẾT.

VIII. BIBLIOGRAFÍA..

I. DẪN NHẬP

Để trình bày về tư tưởng và học thuyết của thánh Gioan Thánh Giá, cần phải luôn nhớ hai tiền đề quan trọng. Thứ nhất, thánh Gioan Thánh Giá chiêm ngắm tất cả mọi sự dưới ánh sáng của ơn gọi tối hậu và duy nhất của con người: sự hiệp nhất, sự nên một với Thiên Chúa. Tiền đề thứ hai là thánh Gioan Thánh Giá quan tâm một cách sâu xa đến con người, quan tâm đến việc hiện thực hóa sự viên mãn toàn diện của con người và xác tín rằng con người chỉ đạt được sự viên mãn đó khi toàn bộ khả năng của mình được qui về Thiên Chúa và được chính Thiên Chúa thanh luyện[1].

Theo thánh Gioan Thánh Giá, con người chiếm vị trị trung tâm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Con người được dựng nên bởi Thiên Chúa và cho Ngài. Con người là “một hình ảnh toàn hảo và hết sức lộng lẫy của Thiên Chúa” (1S 9, 1), có khả năng thông truyền với Thiên Chúa là “Đấng luôn ở trong linh hồn trao ban cho linh hồn, duy trì bảo toàn hữu thể của nó” (2N 5, 4): “Bởi lẽ vạn vật khác nào dấu chân của Thiên Chúa, qua đó ta lần ra sự cao cả, quyền năng, khôn ngoan và những phẩm tính khác của Thiên Chúa” (C 5,3). Bị tình yêu của Thiên Chúa đả thương, với tình cảm và những mong mỏi thao thức của mình, con người đi tìm Thiên Chúa và vì Người mà sẵn sàng từ bỏ mọi sự (cf. C 1,1-2). Bởi trên thế gian này chẳng có gì có thể làm thỏa mãn con người. Tựa như dân Do Thái thời lưu đày bên Babilon hồi tưởng nhớ về Sion, con người cảm thấy như đàn đã đứt dây. Lời ca như lời ai oán. Thế gian như là chốn lưu đày, một thế giới xa rời Thiên Chúa. Chỉ có sự hiện diện của Thiên Chúa mới làm thỏa lòng khao khát của con người[2].

Hãy tỏ cho thấy Người đang hiện diện

Để cái nhìn và vẻ đẹp của Người giết chết em đi

Người coi kìa, trận ốm vì yêu

Làm sao chữa lành được

Nếu không phải bằng sự có mặt và dung nhan Người Yêu Dấu (Ca Khúc 11)

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, con người kinh nghiệm nơi chính mình một bi kịch hiện sinh. Bi kịch đó nằm ở chính trong tâm hồn của con người. Bị thương tích và hỗn độn bởi nguyên tội, con người phải chịu sự phân mảnh và xung đột nơi chính mình. Chúng ta có thể nói được rằng, con người là một hữu thể xác phàm, đúng hơn con người là một nhục thể, yếu hèn, khiếm nhã, nô lệ cho các nhục dục và mê thích tự nhiên. Vì thế, chúng ta có thể thấy có một sự khác biệt, cách biệt lớn lao giữa Thiên Chúa và con người: “Thiên Chúa ở trên trời và phán bảo thông qua con đường vĩnh cửu, còn chúng ta, những kẻ đui mù trên mặt đất này, chúng ta chẳng hiểu gì ngoài những nẻo đường của xác thịt và tạm bợ” (2S 20,5). Thêm vào đó, tâm trí của con người lại bị mù quáng và luôn ở lại trong bóng tối.

Làm thế nào để thoát ra khỏi tấn thảm kịch này để trở về với những gì chúng ta là khi được tạo dựng: những con người có lý trí và nhờ ân sủng, những đứa con của Thiên Chúa được dành riêng và mời gọi đi vào sự hiệp thông với Ngài? Theo thánh Gioan Thánh Giá, linh hồn một khi đã bị Tình yêu của Thiên Chúa đả thương (CB 1, 1), chọn Thiên Chúa và việc phục vụ Người (1N 1, 2), bắt đầu một tiến trình thanh tẩy dài nhờ đó sẽ được biến đổi để kết hiệp với Thiên Chúa, bởi vì sự cách biệt lớn lao giữa Thiên Chúa và linh hồn, sự kết hiệp không thể nào xảy ra nếu linh hồn trước tiên không trãi qua sự thanh luyện này. Chúng ta còn sẽ thấy rằng, sự thanh tẩy không chỉ là điều kiện, đòi hỏi cho sự nên một với Thiên Chúa, nó còn là điều kiện cần có cho sự trưởng thành, sự thống nhất viên mãn của con người, sự hài hòa của “các tiềm năng và giác quan” của con người (CB 18,3; 25,11).

II. CON NGƯỜI THEO CÁI NHÌN CỦA THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ

Chúng ta không thể hiểu được đêm tối của thánh Gioan Thánh Giá như là tiến trình của sự thanh tẩy, thanh luyện, nếu chúng ta không hiểu cái nhìn của ngài về con người, về ơn gọi, về cơ cấu của con người.

1. Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa

Đó là đặc điểm đầu tiên về con người mà thánh Gioan Thánh Giá đề cập trong các tác phẩm của mình và ngài đã thể hiện trong chính cuộc sống của mình. Thánh Gioan Thánh Giá nhấn mạnh, nêu bật giá trị và phẩm giá của con người và sẵn sàng hy sinh, từ bỏ tất cả những gì đi ngược lại hoặc làm hạ giá phẩm giá đó để đạt đến căn tính đích thực của mình. Theo ngài, con người chính là chủ thể và trung tâm của chương trình cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, “con người nơi chính mình là hình ảnh huy hoàng và toàn hảo của Thiên Chúa” (1S 9,1). Con người được mời gọi đi vào sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa. Vì vậy, “phẩm giá của con người không hệ tại ở việc sở hữu nhưng ở sự hiện hữu như các trường phái nhân học hiện đại vẫn thường nhấn mạnh và sứ điệp Ki-tô giáo cũng lặp lại điều đó. Vì thế cần phải giúp con người trở nên chính mình, trở nên chính điều mà con người được mời gọi để trở thành bởi ơn gọi của mình. Đó chính là sứ điệp nhân học chính yếu của thánh Gioan Thánh Giá. Con đường để đạt đến điều đó không phải là những “thuộc tính nhân loại”, cũng chẳng phải điều gì khác được thêm vào từ bên ngoài, mà là sự thâm nhập, sự thấu suốt trong nơi sâu thẳm nhất của hữu thể của con người”[3]. Vì được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, theo thánh Gioan Thánh Giá, lý trí con người có một giá trị hết sức lớn lao. Bởi vì những gì hợp với “lý trí và phán đoán” của con người thì Thiên Chúa sẽ không ban cho điều đó qua con đường khác (2S 22,13). Chúa Thánh Thần “tránh xa những suy tư mà nằm ngoài lý trí” (3S 6,3) và “những suy tư không được lý trí hướng dẫn để qui về Thiên Chúa” (3S 23,4). Thế nên, lý trí cần phải được thanh tẩy khỏi sự vui thích, nếm hưởng cả những điều thiện hảo tạm bợ cũng như những thiện hảo tự nhiên để rồi lý trí và sự phán đoán của nó được tự do và soi sáng (3S 20-22).

2. Hữu thể siêu việt và hướng thần được tiền định cho sự “bình đẳng ngang hàng trong tình yêu”

Vì được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên thánh Gioan Thánh Giá “nhấn mạnh rằng con người tự mình thì không bao giờ đủ và cũng không bao giờ bị khánh kiệt trong cái khung đóng kín của sự nội tại của mình. Con người có khả năng mở ra với người khác; có thể thông ban chính mình với sự siêu việt và đón nhận sự siêu việt đó. Vì lí do đó mà thánh Gioan Thánh Giá nói về con người với những hạn từ như là tinh thần, linh hồn, chủ thể con người nhiều hơn là những hạn từ như vật thể, vật chất và thân xác. Con người – linh hồn ám chỉ về tính thích hợp duy nhất của con người để sống qui hướng về Thiên Chúa và với Thiên Chúa… Vì thế con người có sự sống tự nhiên nơi Thiên Chúa nhờ hữu thể mà con người có nơi Thiên Chúa và cả sự sống thần linh nhờ tình yêu mà con người yêu mến Thiên Chúa. Vì thế mà con người càng sống động khi nó yêu mến hơn là sống trong thân xác là nơi con người sống (Hombre-alma apunta a la idoneidad única de la persona humana para vivir en referencia constitutiva-estrictamente persona-con Dios…Por eso el hombre tiene su vida natural en Dios por el ser que en Él tiene, y también su vida espiritual por el amor con que le ama. De ahí que más viva donde ama que en el cuerpo donde anima”[4]).

Thiên Chúa là “trung tâm sâu thẳm nhất” của linh hồn. vì thế, linh hồn luôn luôn hướng về Thiên Chúa như hòn đá luôn hướng về trung tâm của trái đất do bởi lực hấp dẫn của nó (LlB 1,11-12). Vì thế, thánh Gioan Thánh Giá nói về khả năng vô biên của linh hồn khi bàn về “những hang động sâu thẳm của giác quan”: Chúng là những quan năng của linh hồn. Chúng sâu thẳm đến mức mà đối với tất mọi điều thiện hảo lớn lao, chúng đều có khả năng, bởi vì chúng không thể được lấp đầy bởi bất kỳ điều gì ngoại trừ những điều vô biên (LlB 3,18). “Điều thích hợp với chúng chỉ là Thiên Chúa. Mà Thiên Chúa lại sâu thẳm, khôn dò khôn thấu, vô cùng nên một cách nào đó khả năng của linh hồn là vĩnh cửu, vô cùng, cũng vì thế mà sự khao khát của linh hồn là vô tận, cái đói của nó cũng sâu xa và vô tận, nỗi đau và sự bỏ mình là cái chết vĩnh cửu” (LlB 3,22).

Khía cạnh siêu việt và hướng thần này là đặc điểm sâu xa nhất của hữu thể của con người. Nó là nền tảng của cả phẩm giá của con người cũng như năng lực nội tâm của nó[5]. Vì thế, người nào quyến luyến, dính bén với thụ tạo thì trước mặt Thiên Chúa kẻ ấy “không là gì cả, thậm chí còn tệ hơn thế nữa” (1S 4,4; 2S 8,3). Không có bất kỳ thụ tạo nào có thể là phương tiện cho sự nên một với Thiên Chúa (1S 4-5; 2,8). Vì vậy mà thánh Gioan Thánh Giá than rằng: “Ôi hỡi những linh hồn đã được tạo dựng cho những điều cao cả ấy và được mời gọi hưởng những điều cao cả ấy! Các bạn đang làm gì vậy? Đang tiêu phí thời giờ vào việc gì vậy? Tham vọng của các bạn thật thấp hèn, những gì các bạn có được thật đáng thương biết bao! Ôi tội nghiệp thay cho đôi mắt tâm linh các bạn đã bị mù loà! Các bạn mù loà trước một thứ ánh sáng rạng rỡ đến thế! Các bạn điếc lác trước những âm thanh vang dội đến thế! Các bạn không thấy sao? Bao lâu các bạn còn tìm kiếm lợi lộc và hư danh trần thế, các bạn sẽ vẫn mãi khốn khổ và thấp hèn, trở thành những kẻ không biết đến và không đáng hưởng những điều tốt lành cao cả dường ấy!” (CB 39,7). Bởi thế, để nên một với Thiên Chúa, linh hồn cần phải loại bỏ tất cả mọi quyến luyến đối với các thụ tạo khỏi chính mình, phải khước từ mọi tình cảm đối với các thụ tạo, có nghĩa là phải trải qua đêm tối. Đêm tối là bước cần thiết để đi đến sự nên một, hiệp nhất với Thiên Chúa (1S 2,1).

3. Con người là một hữu thể đa phần

Chúng ta thấy trong các tác phẩm của ngài, thánh Gioan Thánh Giá sử dụng các phạm trù nhân học của nền triết học kinh viện để mô tả, trình bày về con người. Tuy nhiên, ngài nhìn con người như là một thực thể thống nhất (cf. 2N 1,1; 1N 4,2), với nhiều quan năng, xu hướng và giác quan khác nhau. Khía cạnh thống nhất này của con người được thánh nhân “mô tả bằng những hạn từ của sự tương quan và của sự thông truyền, trao ban giữa các phần khác nhau của hữu thể của con người: giữa phần giác quan hạ đẳng và phần tâm tinh thượng đẳng (1S 14,2; 2N 3,1), giữa các giác quan và lý trí (CB 18,7; 19,5), giữa sự hiểu biết và yêu mến (CB 2,6; 6,2). Nếu có sự lệ thuộc lẫn nhau và sự trao đổi giữa các bộ phận này với nhau là bởi vì chúng tạo nên một thực thể không thể thiếu nhau được “vì lý do hiện hữu nó chỉ là một thực thể duy nhất” (2N 1,1). Để diễn tả sự thống nhất này, thánh nhân dùng ba phạm trù khác nhau: ‘năng lực của linh hồn – el caudal del alma’, ‘ngon đồi – la montiña’, ‘thành phố và vùng ngoại biên – la ciudad y sus arrabales’[6]. Cha thánh nhấn mạnh đến sự thống nhất của con người chống lại mọi hình thức của thuyết nhị nguyên và thuyết nhất thể. Con người là một tinh thần hoặc linh hồn có thể xác hoặc là một thể xác tâm tinh. Bởi sự thống nhất này mà có một sự lệ thuộc lẫn nhau giữa phần giác quan và phần tâm linh[7]. “Trong một con người cụ thể không thể có chuyện một bên là tinh thần, bên kia là vật chất. Tinh thần trong con người không phải là duy tinh thần nhưng là linh hồn, có nghĩa là linh hồn là hình thể của vật chất. Vật chất trong con người trở thành thân xác. Cái thân xác đó không chỉ đơn thuần là vật chất nhưng được phú bẩm cho một linh hồn. Con người toàn diện kết cục là linh hồn và thể xác một trật”[8].

Tuy nhiên, sự thống nhất cấu thành này chịu những biến đổi, thay đổi (phân mảnh) sâu xa do các đam mê gây ra cả về phần cảm giác cũng như phần tâm linh. Con người bắt gặp mình ở trong tình trạng lệ thuộc, mê đắm các thụ tạo, làm nô lệ cho các thụ tạo và xa rời Thiên Chúa. Con người cảm nghiệm sự căng thẳng tự nhiên giữa phần giác quan và phần tâm linh. Hai thực tại giác quan và tâm linh này, thánh Gioan Thánh Giá mô tả là hai hình thức xử sự tương xứng với hai hạng người: con người xác thịt, nhục dục và con người tâm linh (chúng ta có thể thấy rõ điều này nơi kinh nghiệm của thánh Phao-lô). Con người nhục dục có đặc điểm là tập trung cuộc sống của mình vào cảm xúc, có cách hành xử được điều khiển, khống chế bởi những xung lực bốc đồng: “Người đi tìm sự vui thỏa nơi các sự vật giác quan và đặt nơi chúng niềm vui thích của mình thì không xứng và không đáng với tên gọi gì khác ngoài những cái tên mà chúng ta đã nói đến. Đó là: nhục cảm, thú vật, chóng qua, v.v. (3S 26,3). Trái lại, con người tâm linh, siêu nhiên hướng cuộc sống của mình về thần khí, tinh thần chính là phần có liên hệ và thông giao với Thiên Chúa (3S 26,4) và liên hệ đến điều siêu nhiên (2S 4,2). Con người siêu nhiên, tâm linh qui chiếu niềm vui thích của mình nơi các sự vật khả giác vào trong Thiên Chúa (3S 26,2) và đạt được sự tự do và sự giàu có đích thực và chúng mang lại những điều thiện hảo vô giá (2N 14,3)”[9]. Vì thế con ngược được mời gọi đạt đến sự thống nhất, sự biến đổi từ con người nhục dục thành con người tâm linh, đạt đến sự hòa hợp thống nhất của các năng lực và giác quan (CB 18,3; 25,11) “để rồi một khi đã loại bỏ được tất cả những gì là trái ngược, không hợp với Thiên Chúa, con người sẽ được lại trở nên giống Thiên Chúa” (2S 5,4). “Công việc, bổn phận mà thánh Gioan Thánh Giá đề ra trong các tác phẩm của mình không gì khác là hướng dẫn con người đạt đến hình ảnh hoàn hảo của hình ảnh của Thiên Chúa mà theo bản tính tự nhiên con người đã được tạo dựng nên”[10]. Thánh Gioan Thánh Giá muốn giúp con người trở về với tình trạng thánh thiện nguyên thủy của mình, trở về với sự hài hòa, thống nhất thuở ban đầu khi con người mới được tạo dựng (CA 33,3)[11].

4. Con người được tình yêu cứu chuộc, biến đổi và thần hóa

Như chúng ta đã thấy trên đây, theo thánh Gioan Thánh Giá, con người về căn bản thiết yếu là một tương quan với Thiên Chúa, có liên hệ mật thiết với Thiên Chúa. Con người luôn qui hướng về Thiên Chúa là trung tâm sâu xa và sâu thẳm nhất của mình (LlB 1,11-12). Nhưng con người chỉ đạt đến sự viên mãn khi được thần thánh hóa, tức là được trở nên giống Thiên Chúa, được trở nên Thiên Chúa nhờ dự phần, nhờ thông phần bản tính của Thiên Chúa. Để được như thế, con người phải chết đi cho chính mình, cho con người cũ của mình, phải được mai tác cùng với Đức Ki-tô. Thánh Gioan Thánh Giá mô tả cái chết đó như sau: “Đó là cái chết của toàn bộ con người cũ, tức là chết đi đối với việc sử dụng các năng tực, ký ức, sự hiểu biết, ý muốn, để bận tâm và day dưa vào những sự vật trần thế và cho những mê thích và niềm vui thỏa nơi các thụ tạo. Tất cả việc sử dụng đó là thực hành một lối sống cũ mà khiến cho đời sống mới, tức đời sống siêu nhiên bị chết đi. Trong cuộc sống mới linh hồn sẽ không thể sống hoàn hảo nếu nó không chết đi đối với con người cũ của mình như thánh Tông đồ đã cảnh báo khi nói răng: anh em hãy cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới là con người được Thiên Chúa tạo dựng trong công chính và sự thánh thiện (Ef. 4, 22-24)(LlB 2,33).

Sau cái chết của con người cũ, con người mới, con người đã được thần hóa đó được thấy như thế nào? Đó là con người “đã được đổi mới, được tạo dựng theo Thiên Chúa như thánh Tông đồ nói (Ef 4,24)”. Đó là con người mới với cái nhìn, cách nghĩ, cách yêu hoàn toàn mới, có nghĩa là con người có cách tương giao chính mình với Thiên Chúa hoàn toàn mới, hoàn toàn hướng thần trong đức tin, đức cậy và đức mến: “Điều đó không gì khác hơn là trí hiểu được soi sáng bằng ánh sáng siêu nhiên đến độ trí hiểu nhân loại trở nên thần linh nhờ được hiệp nhất với thượng trí Thiên Chúa; cũng tương tự như thế, lòng muốn được rập khuôn theo tình yêu Thiên Chúa cho nên cũng không kém phần mang tính cách thần linh, được đổi mới và hiệp nhất với lòng muốn và tình yêu của Thiên Chúa; cả bộ nhớ cũng vậy; và ngay cả những nghiêng chiều và mê thích đều được biến đổi theo Thiên Chúa một cách thần linh. Thành thử từ đây linh hồn này đã nên một linh hồn của trời cao thuộc thiên giới và mang tính cách thần linh hơn là nhân loại” (2N 13,11). Linh hồn ở đây đã được “mặc lấy chính Thiên Chúa và được tắm gội trong sự thần linh” (CB 26,1), (Col 3,10; CB 26,17).

5. Hữu thể lịch sử với ơn gọi phục vụ của tình yêu

Sự mô tả của thánh Tê-rê-xa Chúa Giê-su về thánh Gioan Thánh Giá như là “con người của trời cao và con người thần linh” cùng với cái nhìn của thánh nhân về con người là “hữu thể siêu việt, hướng thần trong trạng thái dằng co để tiến đến sự hiệp nhất và gặp gỡ vĩnh viễn với Thiên Chúa làm chúng ta có cảm tưởng thánh nhân không mấy lưu tâm đến lịch sử tính vốn rất thiết yếu đối với con người và nhờ đó mà có một sự nhạy cảm đặc biệt”. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng qua đời sống tông đồ và các tác phẩm của mình, thánh Gioan Thánh Giá “cho chúng ta thấy ngài đặc biệt bén nhạy nắm bắt các chuyển động của lịch sử vào thời của ngài. Dường như ngài cũng bám rễ sâu trong lịch sử nhờ đó chính kinh nghiệm thần bí của ngài có tính nhạy bén của nó. Chính từ viễn cảnh này, chúng ta có thể suy ra chiều kích lịch sử của con người mà thánh nhân mô tả trong các tác phẩm của mình. Thánh nhân có một cái nhìn thống nhất về lịch sử bởi sự qui hướng nội tại của nó về Thiên Chúa như là nguốn gốc và kết cục của toàn bộ lịch sử nhân loại. Thánh nhân có được cái nhìn thống nhất về lịch sử và vũ trụ là nhờ qua trung gian của kinh nghiệm tôn giáo của mình. Việc ngây ngất mở ra với Thiên Chúa được chuyển thành việc ngây ngất mở ra với thực tại tạo dựng và điều đó khiến ngài tuyên bố, khẳng định sự chiếm hữu được cả thế gian: “Các tầng trời là của tôi, đất là của tôi; các dân tộc là của tôi, những người công chính là của tôi và những người tội lỗi là của tôi, và Mẹ Thiên Chúa và tất cả mọi thứ đều là của tôi; chính Thiên Chúa cũng là của tôi và cho tôi bởi vì Đức Ki-tô là của tôi và tất cả là cho tôi” (Avisos 1,27). Chính kinh nghiệm này đã dẫn thánh nhân đến việc thấy Thiên Chúa trong tất cả mọi sự:

Người Yêu Dấu của em, là những núi,

Những thung lũng xanh um quạnh quẽ

Những đảo lạ lùng

Những dòng sông vang ngân

Và tiếng gió thì thào trìu mến (CB 14).

Và thấy tất cả mọi sự trong Thiên Chúa (LlB 4,5), trong Ngài tất cả đều hiện diện “ảo, thật và bản thể (virtual y presencial y substancialmente)” (LlB 4,7)[12].

Chúng ta cũng không thể giải thích cho rằng cái nhìn thần bí về lịch sử – tức chỉ về Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Ngài – như là một sự thoái thác, sự trốn chạy bổn phận đối với lịch sử. Trái lại, qui chiếu về Thiên Chúa như một hữu thể tối thượng (tối cao) và là nguồn mạch của sự cứu rỗi, biến đổi và giúp cho chất lượng của sự dấn thân, của bổn phận lịch sử được tốt hơn. Mục đích trước mắt, tức thời của sự dấn thân đó là nhân tính hóa con người (làm cho con người trở thành thực sự là con người), nhưng vẫn không đánh mất cái nhìn về cùng đích của con người ở chính Thiên Chúa là Đấng nối kết và đem lại ý nghĩa cho bổn phận và trách nhiệm của con người.”[13]: “Mọi hoạt động của phần tâm linh cũng như phần cảm giác (của con người), do mình làm hay mình phải hứng chịu (đau khổ), hoặc bằng cách nào đi nữa, cũng đều luôn làm cho nó thêm mến yêu và hân hoan trong Thiên Chúa” (CB 28,9). Với con người mới, đã được thần hóa giờ đây hoạt động duy nhất của nó là yêu mến: “Nghĩa là: từ đây tất cả những phận sự ấy được thu gọn vào một việc là thực hành tình yêu mến Thiên Chúa, nghĩa là, toàn thể khả năng của linh hồn và thân xác tôi, bộ nhớ (ký ức, trí nhớ), trí hiểu và lòng muốn, các giác quan bên trong và bên ngoài cũng như các mê thích về mặt cảm giác cũng như về mặt tâm linh, tất cả đều được điều động bởi tình yêu và trong tình yêu. Mọi việc phải làm, tôi đều làm với tình yêu; mọi khổ đau phải chịu, tôi đều chịu với sự dịu ngọt của tình yêu” (CB 28,8). Sự thật này chúng ta thấy rõ nơi chính đời sống của cha thánh. “Tất cả đời sống của ngài được được dẫn dắt, hướng dẫn bởi ý nghĩa của sự từ bỏ theo phúc âm, bởi ý nghĩa của đức ái và sự trao hiến cho tha nhân, bởi sự bén nhạy trước những nhu cầu của tha nhân, bởi sự nhiệt thành tông đồ không biết mỏi mệt mà từ đó trổ sinh ra chính các tác phẩm của ngài. Ngài không phải là con người khép kín nơi chính mình và vô cảm, thiếu liên đới với những người khác”[14].

III. CƠ CẤU CỦA CON NGƯỜI

Như ở trên chúng ta đã đề cập rằng trong các tác phẩm của ngài, thánh Gioan Thánh Giá sử dụng các phạm trù nhân học của nền triết học kinh viện để mô tả, trình bày về con người. Ngài nhìn con người như là một thực thể thống nhất, với nhiều quan năng, xu hướng và giác quan khác nhau: linh hồn, thân xác, phần giác quan, phần tâm linh, phần thượng đẳng, phần hạ đẳng (cf. 2S 7,11; 1N pról., 1; 2N 1,1; 1N 4,2; 2N 6,4; 24,2). Trong phần này chúng ta sẽ tìm hiểu một cách chi tiết hơn quan niệm, nhận thức của cha thánh về con người để nhờ đó chúng ra hiểu rõ hơn giáo huấn của ngài về sự thanh tẩy trong hành trình nên một với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về hai phần của con người: phần giác quan và phần tâm linh, cũng gọi là phần hạ đẳng và phần thượng đẳng của con người.

1. Phần cảm giác

a) Bản chất của giác quan

Trong cách dùng từ của thánh Gioan Thánh Giá, giác quan là “tất cả toàn bộ những gì thuộc về phần cảm giác của linh hồn trong đó bao gồm thân xác với tất các các giác quan (sentido) và quan năng (potencias) của nó cả bên trong cũng như bên ngoài, và tất cả khả năng tự nhiên của nó với bốn xúc cảm (vui mừng, hy vọng, sợ hãi và đau đớn), các mê thích tự nhiên và những năng lực khác của linh hồn (el demás caudal del alma)” (CB 28,4). Phần cảm giác “là những gì có liên hệ đến các thụ tạo và những gì là chóng qua” (2S 4,2). Phần cảm giác này của con người được phân biệt với phần tâm linh là phần “không chỉ là một thực thể tâm linh khác với thân xác, nhưng nó là một thực tại thánh thiêng hay là khía cạnh siêu việt mà nhờ đó Thiên Chúa thông giao với con người và cho con người được thông phần vào sự sống của chính Ngài”[15]. Theo thánh Gioan Thánh Giá, “tất cả mọi sự bất toàn và vô trật tự của phần cảm giác có sức mạnh và gốc rễ nơi tâm linh mà chính ở đó mọi thói quen tốt và xấu được cắm rễ” (2N 3,1).

“Phần cảm giác này cùng các quan năng (potencias) của nó không có khả năng vui hưởng những điều thiện hảo tâm linh một cách “thích đáng” (esencial y propiamente), không những chỉ ở đời này mà cả đời sau cũng vậy” (CB 40,6; cf. 1S 6,1-2; 1N 9,4). Nó không có khả năng thấu hiểu sự thật của các sự vật. Giác quan cùng lắm là chỉ đạt đến cái phụ thuộc của các sự vật, của các giá trị, của hiện hữu, chứ không đạt đến chân lý của chính những điều ấy (3S 20,2). Đối với những trường hợp (instancias) tâm linh, giác quan vô minh tựa như con lừa với những sự vật thuộc lý trí, và còn vô minh hơn thế nữa: “Tất cả những sự vật thuộc thân xác ấy không có bất kỳ sự tương xứng nào với những điều tâm linh” (2S 11,3). Về Thiên Chúa, thì nó hoàn toàn bất lực: “Thiên Chúa không có liên hệ gì với giác quan” (Ll B 3,73). Vì vậy, sự nên một với Thiên Chúa “không thể nằm ở giác quan và sự khôn ngoan của con người” (2S 4,2). Bởi vì “giác quan của phần hạ đẳng của con người…không có khả năng nhận biết và hiểu biết Thiên Chúa như chính Ngài là” (3S 24,2).

Đặt “giác quan” và “các sự vật tâm linh” đối diện với nhau thì thánh Gioan Thánh Giá khẳng định rằng chúng khác nhau trời vực như “thân xác và linh hồn, như nhục cảm và lý trí” (2S 11,2). Quan trọng hơn nữa là “giữa hữu thể Thiên Chúa và hữu thể các thụ tạo có một khoảng cách vô tận khiến nó ảnh hưởng đến tất cả mọi trật tự: trật tự hữu thể, trật tự nhận thức, và trật tự tình cảm.[16] Vì vậy, người nào vui thú với thụ tạo thì trước mặt Thiên Chúa, người ấy “không là gì cả và thậm chí còn tệ hơn không là gì cả” (S 1,4,4; S 2,8,3). Không có bất kỳ thụ tạo nào có thể là phương tiện cho sự hiệp nhất với Thiên Chúa (S 1,4-5; 2,8)”[17]. Bên cạnh đó, do bởi sự sa ngã nguyên thủy, phần cảm giác luôn đi ngược với “sức mạnh và hoạt động tâm linh” (3S 26,4). Nó có xu hướng “kéo ý chí của phần lý trí về phía nó” (C 18,4), luôn bị thúc đẩy vượt rào và xâm phạm “phần tâm linh” theo đó áp đặt hình thức hiện hữu của con người theo những mê thích: “con người nhục dục”, “con người cầm thú”. Hậu quả là con người luôn luôn cảm nghiệm một sự căng thẳng giữa hai hình thái hiện hữu.

Vậy con người nhục dục được hiểu như thế nào? Con người nhục dục là “con người chỉ sử dụng giác quan” (2S 19,11), “là con người chỉ đi tìm và đặt sự vui thỏa nơi các sự vật khả giác” (3S 26,3), “là con người chỉ thực hiện ý chí của mình nơi những gì là khả giác (3S 26,4) như là động lực của hành vi, thái độ của mình mà rõ ràng quên đi các đối tượng hoặc lãnh vực mà mình hoạt động có khi chúng thuộc vật chất, có khi tâm linh, có khi là trần thế, có khi là thánh thiêng[18]. Ngoài ra, ở nơi giác quan, “thông thường thì có nhiều hiểm nguy và ngụy biện” “bởi vì theo tôi giác quan thuộc thể xác vô minh với những điều thuộc lý trí, tâm linh tựa như chú cừu với những điều thuộc lý trí và thậm chí còn tệ hơn nữa” (2S 11,2).

b) Phân loại giác quan

Phần cảm giác bao gồm “các giác quan bên ngoài thuộc thể xác như là: thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác và xúc giác” (2S 11,1) kèm theo những mê thích và sự vui thỏa của chúng (1S 3,2) và các giác quan bên trong thuộc thể xác như là: trí tưởng tượng và hoang tưởng (imaginación y fantasía) (2S 12, 2), “trong đó có thể hiểu là tất cả những gì trí tưởng tượng có thể tiếp tu, bịa đặt hoặc tự chế tạo ra” (2S 10,3; 2S 12,2.3; C 19,7). Trong phần cảm giác này, thánh Gioan Thánh Giá còn muốn nói đến những quan năng (potencias) cảm giác (2S 14,6). Các giác quan là tất cả những gì liên hệ đến “các vật cảm giác (los objetivos sensibles) (2S 6,6). Hạn từ được sử dụng luôn ở hình thức số nhiều: “các quan năng cảm giác (potencias sensitivas)” (2S 14,6.7; 1N 12,5); “các quan năng thuộc thân xác (potencias corporales)” (C 16,11; 39,12).

Vì vậy trên hành trình nên một với Thiên Chúa, trên hành trình trưởng thành nhân bản, “trước hết chúng ta bàn về việc lột bỏ các giác quan bên ngoài khỏi mọi hiểu biết tự nhiên nơi các sự vật, kèm theo đó là sức mạnh tự nhiên của các mê thích (1S) … Sau đó chúng ta bắt đầu lột bỏ cũng chính các giác quan này khỏi mọi hiểu biết siêu nhiên bên ngoài mà thông thường xảy ra với những giác quan bên ngoài” (2S).

Chúng ta không nên quên rằng “việc sử dụng hạn từ sốt sắng mộ đạo “linh hồn” và những minh họa cụ thể của nó để phân tích các giác quan và quan năng không thể che giấu sự thật hiển nhiên rằng rốt cuộc điều quan trọng là chính con người toàn diện, con người thống nhất. Khi thánh nhân nói về các giác quan bên ngoài hoặc các mê thích hạ đẳng, hay khi nói về bất kỳ cơ quan hoặc chức năng nào dù nó trông có vẻ ngoài lề, không quan trọng, thì ở nơi mỗi điều đó thánh nhân đặt tầm quan trọng và ý định của toàn bộ con người. Nơi các cử chỉ và xu hướng của con người mà đối với chúng ta, chúng ta có thể tin là chẳng mấy ý nghĩa và quan trọng thì thánh Gioan Thánh Giá lại thấy phản chiếu ở đó điều kiện và sự tham dự của toàn bộ con người, sức khỏe cũng như bệnh tật của nó”[19].

c) Vai trò của giác quan

Dù không có khả năng về những điều thiêng liêng và về Thiên Chúa, giác quan đóng những vai trò không thể thay thế được và Thiên Chúa sử dụng giác quan để thông giao với mỗi cá nhân con người trong những giai đoạn đầu. Giác quan là cửa chính và cửa sổ cho thần khí (3S 23,3; 1S 3,3; 2S 14,6): “Khởi đầu Thiên Chúa hướng dẫn và làm cho linh hồn trở nên tâm linh, bắt đầu thông giao cho nó sự tâm linh thông qua những sự vật ngoại tại, rất hiển lộ và thích hợp với giác quan và phù hợp với sự bé nhỏ và khả năng ít ỏi của linh hồn” (2S 17,5). “Đó chính là việc suy niệm, là hình thức đầu tiên của tương quan cầu nguyện với Thiên Chúa, là “thông qua giác quan” (2S 13,5), thông qua “suy niệm tự nhiên”.

Các giác quan là những con đường, phương thế mà qua đó trí hiểu có thể tiếp nhận thông tin và sự hiểu biết cả tự nhiên và siêu nhiên, ví dụ như các thị kiến và sự lĩnh hội (aprehensión) cảm giác; các thị kiến tưởng tượng: “Đường tự nhiên là tất cả những gì trí hiểu có thể nhận biết hoặc nhờ các giác quan thuộc thân xác hoặc nhờ chính nó. Đường siêu nhiên là tất cả những gì được cung cấp cho trí hiểu, vượt ngoài khả năng và sự khéo léo tự nhiên của nó” (2S 10,2).

“Trong những điều tiếp nhận qua đường siêu nhiên, một số qua thân xác và một số qua tâm linh. Qua thân xác lại do hai cách: một số được tiếp nhận qua con đường giác quan thân xác bên ngoài; số còn lại qua con đường giác quan thân xác bên trong, gồm tất cả những gì trí tưởng tượng có thể tiếp thu, bịa đặt hoặc chế tạo ra” (2S 10,3). “Việc suy niệm thuộc về hai giác quan này. Nó là một động tác phô diễn tư tưởng bằng những hình ảnh, mô hình và dáng dấp do các giác quan ấy sáng chế ra và hình dung ra. Chẳng hạn, hình dung thấy Đức Kitô chịu đóng đinh hoặc bị trói vào cột hoặc ở một tình huống nào khác. Hoặc hình dung thấy Thiên Chúa uy nghi cao cả ngự trên ngai. Hoặc nghiền ngẫm và tưởng tượng ra vinh quang như một luồng sáng rất diễm lệ. . . hay là nhiều điều khác tương tự, hoặc về Thiên Chúa hoặc về người phàm, mà trí tưởng tượng có thể hình dung ra được” (2S 12,3).

“Bởi chính thực thể của riêng nó, giác quan, ngay cả trong mối liên hệ thông thường với những thiện hảo tự nhiên, có thể gây hại không ít cho con người. Thánh Gioan Thánh Giá viết rằng, bởi vì “những thiện hảo tự nhiên đó gắn bó với con người hơn cả những thiện hảo trần tục chóng qua (temporales), vui thỏa nơi những thiện hảo tự nhiên để lại ấn tượng và dấu vết nơi giác quan còn hiệu quả và nhanh chóng hơn và còn thường làm giác quan mê mẫn hơn nhiều. Do đó, lý trí và trí phán đoán không còn được tự do và hóa thành tăm tối bởi thứ tình cảm vui thoả ấy cứ đeo bám” (3S 22,2). Giác quan trở nên suy giảm trong việc đón nhận tâm linh, dễ dàng tác động một cách tiêu cực đối với lý trí và sự phán đoán, đối với toàn bộ tầm nhìn, sự nhận thức của sự hiện hữu của con người (Ll B 3,18; 1S 8,3). Điều này còn trở nên tỏ tường hơn khi bàn về “hoạt động thái quá của giác quan” (3S 26,2), hoặc khi “sức mạnh cảm giác mà làm gia tăng nhục dục tính, duy trì và dưỡng nuôi nó, thống trị hoạt động của nó (3S 26,7)”[20].

2.      Phần tâm linh

a) Bản chất của tâm linh

Phần tâm linh của con người “là phần thượng đẳng của linh hồn” và “nó có sự liên hệ và thông truyền với Thiên Chúa” (3S 26, 4; 2S 4,2) và “với những gì là tâm linh” (2S 4,2). “Tuy nhiên, nó không chỉ được giới hạn thuần túy ở phần tâm linh, nhưng bao trùm toàn bộ con người. Nó là khả năng tự qui hướng toàn bộ hữu thể của mình hướng về các giá trị cao cả của tâm linh, tháp nhập các giá trị của giác quan thành một sự tổng hợp sống động”[21]: “Hạn từ ‘tâm linh’ là hạn từ yêu thích của thánh Gioan Thánh Giá dùng để chỉ trạng thái hoặc điều kiện trong đó diễn ra sự hiệp nhất giữa linh hồn và Thiên Chúa. Nó là điểm tháp nhập của cái siêu nhiên vào cái tự nhiên. ‘Tâm linh’ trong trường hợp này không tương đồng với khái niệm ‘thụ tạo tâm linh’ của De Lubac. Nó không phải là phần lý trí, nghĩa là linh hồn, mà chính thánh Gioan cũng có nói đến và đối với De Lubac nó là khía cạnh của con người giả định sự thông hiệp (sự tháp vào, lồng ghép vào) của cái siêu nhiên. Trái lại, nó là phần thượng đẳng của linh hồn, nơi diễn ra sự thông hiệp với Thiên Chúa. Nó được xây dựng trên khái niệm ‘tâm linh’ của Kinh thánh, là chiều kích siêu nhiên theo mạc khải; đó là nút thắt vô hình cho phép con người đặt chính mình vào trong mối tương giao với Thánh Thần của Thiên Chúa. Chính theo nghĩa này mà vị tiến sĩ thần bí nói về ‘sự thông truyền với Thiên Chúa trong tâm linh’ (1S 2,4), khẳng định rằng ‘đối với Thiên Chúa, thông ban chính mình với tâm linh thì thích hợp và thông thường hơn là… với giác quan’ (2S 11,2). Chính nơi phần tâm linh diễn ra sự hiệp nhất: ‘Ai nên một với Thiên Chúa, thì cũng nên một tinh thần với Người (tức trở nên tâm linh như chính Thiên Chúa)’ (3S 2,8)”[22]. Vì thế, con đường phải đi để đạt đến sự thông truyền thần linh đó, đạt đến sự trưởng thành nhân bản, đạt đến sự sống viên mãn không phải là con đường của giác quan nhưng là con đường tâm linh, con đường của thần khí. Con người phải đi qua, vượt qua đời sống của giác quan, của những mê thích để đi đến đời sống tâm linh hơn, siêu nhiên hơn.

b) Phân loại tâm linh

Phần tâm linh của con người có “những quan năng (potencias) tâm linh: trí nhớ, trí hiểu và ý muốn” (2S 14,6). Chúng sâu thẳm đến nỗi chúng có khả năng cho tất cả mọi điều thiện hảo lớn lao, bởi chúng không thể được lấp đầy bởi điều gì ngoại trừ sự vô biên” (Ll B 3,18).

c) Vai trò của tâm linh

Các quan năng tâm linh là những con đường qua đó linh hồn có thể vui hưởng sự nhận thức đã lãnh nhận nhờ làm việc với các quan năng của giác quan trong suy niệm và suy tưởng, và cũng vui hưởng các nhận thức đã lãnh nhận cũng nhờ chính công việc đó trong chiêm niệm (2S 14,7).

Phần tâm linh này cũng có “những bất toàn tâm linh và các mê thích muốn chiếm hữu về mặt tâm linh” mà buộc phải bị tước bỏ (2S 1,1): “Phần tâm linh, một khi đã vượt qua được hình thức của lương tâm hướng ngoại, sơ khai, trực tiếp, còn dính bén với vật chất bởi những mê thích quá nặng nề, bắt đầu trực tiếp bận tâm chính mình với đối tượng (objeto) của sự cứu rỗi: đối tượng tôn giáo. Tuy nhiên lại xuất hiện trong hành trình của nó một trở ngại thứ hai tinh vi hơn: sự dính bén làm tê liệt đối với những hình ảnh biểu tượng tôn giáo và với chính cái tôi của mình mà bây giờ càng hiện diện rõ với chính nó bởi nó đã bị tước đoạt khỏi tính vật chất nặng nề và tức thời của những kích thích cảm giác và của các mê thích”[23]. Mỗi quan năng tinh thần được thanh tẩy bởi một trong ba nhân đức đối thần: đức tin đối với trí hiểu, đức cậy đối với trí nhớ và đức mến đối với ý muốn (2S 6,1). “Tất cả ba nhân đức đó sẽ làm trống rỗng trong các quan năng: đức tin đối với trí hiểu, trống rỗng và tăm tối đối với trí hiểu; đức cậy làm cho trí nhớ trống rỗng đối với mọi sở hữu; đức mến, trống rỗng trong ý muốn và tước đoạt khỏi cảm xúc và vui thỏa tất cả những gì không phải là Thiên Chúa” (2S 6,2). Bởi vì “linh hồn không kết hợp với Thiên Chúa ở đời này nhờ hiểu biết, cũng chẳng nhờ vui thỏa, cũng chẳng nhờ tưởng tượng, cũng chẳng nhờ bất kỳ giác quan nào khác, nhưng chỉ nhờ đức tin theo trí hiểu, đức cậy theo trí nhớ và đức mến theo ý muốn” (2S 6,1).

III. SỰ THANH TẨY

1. Giải thích hạn từ

Mở đầu bản văn Đường lên đỉnh núi Cát Minh tác giả đã muốn khẳng định sự tương đồng giữa ba hạn từ sự tẩy rửa, sự thanh tẩy và đêm tối (cf. 1S 1,1-3). Trong cuốn 1 Đường lên đỉnh núi Cát Minh, hạn từ đêm tối được sử dụng nhiều hơn ở các tác phẩm khác; trong cuốn Đêm Dày hạn từ sự thanh tẩy-sự tẩy rửa được sử dung nhiều hơn lúc tách biệt lúc dùng chung với nhau (1N 3,3; 5,3; 2N 1,1). Tuy nhiên, theo thánh Gioan Thánh Giá, đêm tối của giác quan “một cách nào đó có thể và nên phải được gọi là sự cải giáo và sự chế ngự mê thích hơn là một cuộc thanh tẩy. Lý do là bởi vì tất cả mọi bất toàn và hỗn loạn của phần cảm giác có sức mạnh và gốc rễ của chúng nơi tâm linh, là nơi mọi tập quán tốt xấu đều được bám chặt, do đó, chỉ khi nào các tập quán ấy được thanh tẩy, những cuộc nổi loạn và những cái tiêu cực của giác quan mới được thanh tẩy trọn vẹn” (2N 3,1). Vì thế, theo thánh Gioan Thánh Giá, sự thanh tẩy đích thực chỉ có được khi nào linh hồn bước vào con đường thanh tẩy thụ động của tâm linh. Theo đó, tất cả mọi thứ khác, kể cả sự thanh tẩy thụ động của giác quan, đều là sự chuẩn bị, sự sắp xếp cần thiết[24].

Trong học thuyết của thánh Gioan Thánh Giá, “sự thanh tẩy” là một tiến trình bỏ mình và mở ra đối với Thiên Chúa và đối với thực tại. Tiến trình đó được thực hiện như là sự mở ra (disposición) và hiệu quả của sự nên một. Nó là một tiến trình của sự thống nhất giữa giác quan và tâm linh (1S 1,2), là cuộc vượt qua của con người “nhục cảm” thành con người “tâm linh” (3S 26,3) và của con người cũ thành con người mới (1S 5,7; 2N 3,3). Đó là con đường để đạt đến sự tự do tâm linh (1S 4,6; 2N 14,3). “Hạn từ này (thanh tẩy) được triển khai theo một hình thức ẩn dụ và có tính chuyên môn, tương đương với hành động làm sạch linh hồn, loại bỏ khỏi linh hồn hoặc triệt tiêu khỏi linh hồn mọi bất toàn của nó”[25] cả ở phần cảm giác và phần tâm linh bởi vì cả hai phần này đều thuộc về bản thể của cùng một con người.

Đối với phần cảm giác thì đó là tiến trình ra khỏi “căn nhà của nhục cảm” (2N 14,3; 1N 14,1). Đó là một tiến trình “làm cho mọi xúc cảm và mê thích trong căn nhà nhục cảm ngủ yên và chết đi” (1N prologo 2): “Phần cảm giác là căn nhà của tất cả mọi mê thích… Bởi vì bao lâu các mê thích chưa được làm ngủ yên nhờ sự thanh tẩy trong phần nhục cảm, và cả chính phần nhục cảm được ngủ yên nơi các mê thích đến độ không còn sự gây chiến nào với tâm linh, thì linh hồn vẫn chưa đạt đến sự tự do đích thật để vui hưởng sự nên một với Tình Quân của mình” (1S 15,2). “Đêm tối của giác quan này mà nhờ đó linh hồn bị tước đoạt và trở nên trần trụi để đi qua cửa hẹp đó” chính là cuộc vượt qua cửa hẹp (1N 11,4).

Đối với phần tâm linh, sự thanh tẩy “tác động đến các quan năng thượng đẳng: trí hiểu, trí nhớ và ý muốn. Toàn bộ con người được biến đổi trong sự toàn vẹn của nó. Sự biến đổi này được thực hiện nhờ các nhân đức hướng thần: đức tin (2S), đức cây và đức mến (3S). Chúng làm nên đêm tối chủ động của tâm linh. Thế nhưng, sự biến đổi đích thực chỉ được thực hiện trong đêm tối bị động của tâm linh”[26] “bởi vì trong đó hai phần cảm giác và tâm linh của linh hồn sẽ được tẩy rửa hoàn toàn bởi vì một phần này không thể toàn hoàn được tẩy sạch mà thiếu phần kia, bởi vì sự tẩy rửa chỉ có giá trị đối với giác quan khi nó thực sự bắt đầu với sự tẩy rửa tâm linh” (2N 3,1).

2. Sự cần thiết của thanh tẩy

Khảo luận của thánh Gioan Thánh Giá về thanh tẩy trong con người đi kèm với hai ý niệm căn bản. Một đàng nó là mục đích và lời mời gọi tiến về sự hiệp nhất hoàn hảo với Thiên Chúa, cũng còn được gọi là tình trạng của sự hoàn thiện cao cả (S arg; pról. 1; 1S 1, 1). Bởi vì, “rốt cuộc, vì mục đích cuối cùng này của tình yêu mà chúng ta được dựng nên” (CB 29, 3; cf. 39,7). Còn đàng kia, thì toàn bộ lý lẽ nằm chung quanh thực tại ô uế gần như là tự nhiên của con người lúc con người phạm tội nguyên tổ và phạm tội riêng (1S 1, 1; 9; 15).

a) Vì bản thể của Thiên Chúa và sự hiệp nhất với Ngài

Do bởi bản thể của Thiên Chúa, đêm tối bao trùm toàn bộ hành trình tâm linh. Đích điểm chúng ta phải đạt đến là “ánh sáng thần linh của sự nên một hoàn hảo của tình yêu của Thiên Chúa” (S pról, 1). Các phương tiện để đạt được điều đó buộc phải tùy theo mức độ của chính cùng đích điểm đó bởi vì “hai thực tại đối lập không thể tồn tại trong cùng một chủ thể; và bởi vì bóng tối, tức là những tình cảm đối với thụ tạo, và ánh sáng tức là Thiên Chúa là hai thực tại đối lập và giữa chúng chẳng có bất kỳ một điều gì tương đồng và tương hợp với nhau… Bởi đó, linh hồn không thể nào đón nhận ánh sáng của sự nên một thần linh nếu trước tiên không thoát khỏi những tình cảm đối với thụ tạo” (1S 4, 2).

Theo thánh Gioan Thánh Giá, tình yêu thiết lập một sự ngang hàng và giống nhau giữa đối tượng yêu và được yêu. “Như vậy, ai yêu một thụ tạo cũng thành thấp kém như thụ tạo ấy, và một cách nào đó còn thấp kém hơn, vì không những tình yêu hạ người ta xuống ngang hàng với đối tượng mình yêu, mà còn bắt phải lụy phục đối tượng ấy nữa. Do đó, cũng tương tự như thế, khi linh hồn yêu mến một điều gì đó, thì nó không còn có khả năng cho sự hiệp nhất tinh ròng với Thiên Chúa và cho sự biến đổi của mình; bởi vì nếu bóng tối không thể tiếp nhận ánh sáng thì sự thấp hèn của thụ tạo càng không thể tiếp nhận sự cao cả của Thiên Chúa… Và như kẻ ở trong bóng tối không thâu nhận được ánh sáng, cũng vậy linh hồn nào đặt sự vui thỏa của mình nơi các thụ tạo sẽ không thể nhận biết Thiên Chúa; bởi vậy, bao lâu nó chưa được tẩy sạch, linh hồn vẫn không thể nào chiếm hữu Ngài, cả ở đời này nhờ sự biến đổi thật tinh ròng của tình yêu, cả ở đời sau nhờ sự hưởng kiến nhãn tiền” (1S 4, 3).

Để giải thích điều này, thánh Gioan Thánh Giá dùng nhiều ví dụ. Ngài muốn chia sẻ kinh nghiệm của ngài cho chúng ta. Chúng ta có thể cảm nghiệm lời mời gọi gần như tha thiết, thống khổ của ngài: “Ôi! Giá như những kẻ tâm linh biết được rằng họ đã đánh mất biết bao thiện ích và phong phú về tâm linh vì họ không chịu quay lưng lại với những chuyện ấu trĩ, và làm sao họ tìm được sự vui hưởng (el gusto) của tất cả mọi sự vật nơi thức ăn hảo hạng giản dị này của tâm linh nếu họ lại không muốn cảm nếm chúng” (1S 5, 4).

Tuy nhiên điều đáng nói hơn cả là Thiên Chúa thì trong sạch (Cf. 2S, 5), và vì thế sự trong sạch là điều kiện không thể thiếu để sống sự nên một của tình yêu với Ngài. “Tái sinh trong Thánh Thần nơi đời này là có một tâm hồn hết sức giống Thiên Chúa về sự trong sạch, không có trong chính nó bất kỳ sự pha trộn nào của sự bất toàn, và vì thế có thể được biến đổi nhờ dự phần vào sự nên một cho dù chưa phải là về yếu tính (esencialmente)” (2S 5, 5). Thiên Chúa thì cao cả, trong sạch, thánh thiện vô cùng, còn chúng ta là những thụ tạo thấp hèn. Giữa Thiên Chúa và chúng ta thì như đôi bờ của vực thẳm vì thế để đến với Thiên Chúa, nên một với Ngài, chúng ta cần phải được giải thoát khỏi sự thấp hèn của mình: “Thật vậy, có một khoảng cách hết sức xa giữa những sự vật ấy và ơn được ban trong tình trạng này, là ơn được hoàn toàn biến đổi trong Thiên Chúa” (1S 5, 2).

Đối với thánh Gioan Thánh Giá, sự thanh khiết mà phải được tìm kiếm và đạt đến, không phải là sự thanh khiết hoàn toàn phi vật chất mà là sự thanh khiết của toàn bộ con người được thủ đắc nhờ sự thanh tẩy và biến đổi của con tim và ý muốn. Thực ra, trong sự nên một với Thiên Chúa, con người không đánh mất bản tính của mình dù nó đã được biến đổi và trở nên giống Thiên Chúa hơn là thụ tạo (cf. 2S 5, 8).

b) Vì thân phận thấp hèn của con người

Trong cuốn 1 Đường lên Núi Cát Minh, thánh Gioan Thánh Giá dành nhiều chương để nói về những hậu quả nơi linh hồn chưa được thanh tẩy khỏi những mê thích và quyến luyến đối với các sự vật của thế gian. Trước hết thánh nhân mô tả những hậu quả, tác hại trực tiếp trên linh hồn và vì đó mà làm cho linh hồn mất khả năng đón nhận Thiên Chúa.

Cụ thể, thánh nhân nêu ra 5 tác hại một cách gói gọn như sau: “Những mê thích mà linh hồn sống với chúng khiến linh hồn mỏi mệt, hành hạ nó, làm cho nó ra tăm tối, làm nó ô uế và làm nó suy yếu” (cf. 1S 6, 1; 6, 5). Chúng ta lần lượt tìm hiểu sơ qua về 5 tác hại này.

1) Tác hại thứ nhất là các mê thích “làm cho linh hồn rã rời và mệt mỏi bởi chúng như những đứa bé bất an và khó chịu, luôn đòi mẹ cái này cái nọ, và chẳng bao giờ chịu vừa lòng cả. Tựa như kẻ khao khát tìm kho tàng phải đào đất hết sức rã rời mệt mỏi, linh hồn cũng chán chường mệt mỏi vì theo đuổi những điều các mê thích của nó đòi hỏi” (1S 6, 6).

2) Tác hại thứ hai là các mê thích “hành hạ và khiến linh hồn đau khổ. Chúng khiến linh hồn nên như người khốn khổ vì bị dây trói chặt vào một vật nào đó và chẳng được nghỉ ngơi cho tới khi nào được giải thoát khỏi cực hình ấy” (1S 7, 1). Mê thích càng lớn thì khiến linh hồn càng đau khổ nhiều và càng nhiều mê thích chiếm hữu linh hồn, thì sẽ càng có nhiều đau khổ. Giáo huấn của thánh nhân về chương này có thể tóm gọn như sau: “Thụ tạo hành hạ khổ sở, còn Thánh Thần Thiên Chúa làm vui sướng” (1S 7, 4).

3) Tác hại thứ ba là các mê thích “làm cho lý trí mù quáng và tối tăm. Cũng tựa như hơi nước khiến không khí thành tối tăm và ngăn cản không cho mặt trời soi sáng, hoặc như tấm gương mờ không sao nhận rõ hình ảnh được, hay như nước đục không thể phản chiếu rõ ràng khuôn mặt kẻ soi mình trong đó. Cũng vậy, linh hồn nào để mình bị các mê thích cầm giữ, thì về phương diện trí hiểu, nó cũng bị mù tối, không còn chỗ cho mặt trời của lý trí tự nhiên cũng như mặt trời siêu nhiên của Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa chạm đến và soi sáng. Cho nên tác giả Thánh vịnh có nói: “Tội ác con đổ xuống trên mình, làm tối tăm mặt mũi” (Tv 39/40,13). Chính vì thế, trí năng trở thành u mê, lòng muốn bị tê liệt, trí nhớ trở nên lú lẫn, tóm lại các hoạt động cần thiết của linh hồn đều bị hỗn loạn” (1S 8, 1-2). Chương này quan trọng bởi vì nó giúp chúng ta thấy các mê thích làm cho con người chúng ta, trí hiểu, trí nhớ và ý muốn của chúng mù quáng và tăm tối thế nào. Và nó còn làm chúng ta mất khả năng nhận biết và yêu mến Thiên Chúa.

4) Tác hại thứ tư là các mê thích “khiến cho linh hồn bị nhơ nhớp, bị tì vết, đúng như lời trong sách Huấn ca: “Ai chạm phải nhưạ thông sẽ lấm” (Hc 14,1). Kẻ chạm vào nhựa thông là kẻ làm vui thoả ý muốn mê thích nơi một thụ tạo nào đó. Cần lưu ý cách nhà hiền triết so sánh các thụ tạo với nhựa thông. Bởi vì, giữa sự ưu việt của linh hồn so với tất cả những gì tốt nhất nơi các thụ tạo, sự khác biệt còn cách xa hơn sự khác biệt giữa ngọc sáng hay vàng ròng so với nhựa thông. Nếu đem một viên ngọc hay vàng đã nung nóng đặt trên nhựa thông, chúng sẽ hóa đen và bị nhơ nhớp tùy theo độ nóng làm chảy nhựa và dìm chúng xuống. Cũng thế, linh hồn bị mê thích nung nấu, quyến luyến với các thụ tạo nào đó, cũng sẽ bị sức nóng của mê thích hút sự nhơ nhớp vào mình và phải mang tì vết” (1S 9, 1). Ý tưởng nền tảng ở đây là thánh nhân nhắc nhở chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa, tội lỗi làm nó trở nên xấu xí và đánh mất vẻ đẹp của nó. Hơn nữa dù chỉ một mê thích lệch lạc dù nó không phải là chất thể (materia) của tội nặng, nó cũng đủ làm cho linh hồn lệ thuộc, nhơ bẩn và xấu xí và không có cách nào khác để được xứng hợp với Thiên Chúa trong một sự hiệp nhất cho đến khi mê thích được thanh tẩy.

5) Tác hại thứ năm là các mê thích “làm cho linh hồn nguội lạnh và suy yếu để rồi linh hồn không còn sức mạnh để theo đuổi nhân đức và bền đỗ trong nó” (1S 10, 1). Lý do được đưa ra ở đây là “sức mạnh của mê thích được chia nhỏ, trở nên ít mạnh mẽ hơn là khi nó tập trung chỉ vào một sự vật; và càng chia nhỏ vào nhiều sự vật, thì sức mạnh cho mỗi vật càng yếu đi” (1S 10, 1).

Những tác hại này là do các mê thích lệch lạc gây ra. Bởi thế, chúng cần được thanh tẩy hoặc cần được cải tạo, giáo hóa lại. Con người cảm giác là con người hướng dẫn cuộc sống của mình hoàn toàn bởi điều kiện của các mê thích cảm giác, là điều khiến nó mất khả năng nhận biết và mở lòng ra cho bất kỳ kinh nghiệm nhân loại và thần linh nào mà không đi qua đó hoặc vượt trên các thông số đó. Để có khả năng cho Thiên Chúa, cho sự nên một với Ngài, con người phải xây dựng lại hoàn toàn sự quân bình nội tâm của mình.

Ở các chương 2 đến chương 7 của cuốn 1 Đêm Dày, thánh Gioan Thánh Giá mô tả thân phận của những người mới bắt đầu đời sống tâm linh với những thiếu xót và bất toàn cần được thanh tẩy để được nên một trong tình yêu với Thiên Chúa. Thánh nhân mô tả 7 mối tội đầu của những linh hồn này. Trong số bảy mối tội này, ngài mô tả một cách cẩn thận và tỉ mỉ tội kiêu ngạo và tham lam thiêng liêng.

c) Để bước theo đức Giêsu Kitô

Ngoài hai khái niệm căn bản đã được đề cập ở trên, để đạt đến sự nên một với Thiên Chúa và có khả năng đón nhận chứ không ngăn cản quà tặng đó của Thiên Chúa, sự thanh tẩy các giác quan cũng quan trọng trong việc bước theo Đức Ki-tô, nghĩa là, việc giáo dục các giác quan được đặt nền tảng trên mệnh lệnh của Tin Mừng, từ bỏ mọi sự vì Nước Thiên Chúa và mang lấy thập giá của Đức Ki-tô để làm môn đệ của Ngài: “Đó là lý do tại sao Chúa Cứu Thế, khi dạy chúng ta con đường từ bỏ, đã phán trong Tin Mừng: “Ai không từ bỏ của cải mình đi hết thảy thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14,33). Điều ấy rất rõ ràng, vì giáo lý Con Thiên Chúa đã đến dạy chúng ta chính là khinh miệt hết mọi sự, để có thể lãnh nhận phần thưởng là chính bản thân Thánh Thần Thiên Chúa. Vậy, bao lâu linh hồn chưa gỡ mình khỏi những điều ấy thì không có khả năng lãnh nhận được Thánh Thần Thiên Chúa và đạt tới sự hoàn toàn biến đổi trong Ngài” (1S 5, 2).

Sự từ bỏ hoàn toàn theo Tin Mừng để trở nên có khả năng đón nhận Thần Khí của Thiên Chúa, để có thể theo Đức Giê-su Ki-tô trên con đường mà Ngài đã dạy chúng ta là điều hết sức quan trọng. Việc có khả năng hay không có khả năng để đón nhận Thần Khí của Thiên Chúa về phía của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc vào việc chúng ta nhiều hay ít sẵn lòng từ bỏ tất cả mọi sự. Bên cạnh đó, để đạt đến đích điểm của việc nên một với Thiên Chúa, cần có một ước muốn, ý chí từ bỏ tất cả vì Tin Mừng và ước muốn bước theo Đức Ki-tô theo giáo huấn của người và theo con đường hạ mình, bỏ mình trên thập tự giá của Ngài. Thánh Gioan Thánh Giá viết: “Ở đâu Thiên Chúa ngự trị thì Ngài chỉ cho phép được có một mê thích duy nhất là mê thích giữ luật Ngài cách hoàn hảo và vác lấy thánh giá Chúa Giêsu Kitô… Linh hồn nào không nhắm điều gì khác hơn là gìn giữ cách hoàn hảo Luật Thiên Chúa và vác lấy Thánh giá Chúa Giêsu Kitô, sẽ nên khám giao ước đích thật. Nó sẽ có được man-na chân chính, là Thiên Chúa, và sẽ đi đến chỗ gìn giữ được luật ấy và cây gậy ấy cách hoàn hảo không còn vấn đề nào khác (Đnl 31,26; Ds 17,16 –26)” (1S 5, 8).

d) Theo ánh sáng của lý trí và của đức tin

Khía cạnh mê thích và cảm giác của con người phải được cải tạo dưới ánh sáng của lí trí và đức tin. Lý trí phải là kẻ dẫn đường cho kẻ mù của các mê thích và giác quan, chứ không phải ngược lại bởi vì nếu như thế thì xảy ra việc kẻ không thấy, tức là giác quan lại dẫn đường cho kẻ thấy, nghĩa là lý trí (cf. 1S, 8, 3). Về phần mình, đức tin phải soi sáng cho lý trí nếu nó muốn đạt đến sự viên mãn mà Thiên Chúa mời gọi con người đạt đến bởi vì trên những con đường đó chính đức tin làm cho thấy (cf. 2S 1, 2; 3, 2)[27].

Không chỉ lý trí cần được đức tin soi dẫn mà là cả toàn bộ chiều kích siêu nhiên của con người, với các quan năng của nó, cần phải được cải tạo và tái sinh. Theo thánh nhân, để đạt đến đích điểm đó, không có con đường nào khác ngoài các nhân đức hướng thần: “Có lẽ chúng ta đã chẳng làm gì cả trong việc thanh tẩy trí hiểu để xây dựng nó trong đức tin, và trí nhớ trong đức cậy, nếu chúng ta cũng không thanh tẩy ý muốn theo nhân đức thứ ba, đó là đức mến và chính nhờ đức mến mà những việc làm được thực hiện trong đức tin trở sống động và có giá trị lớn lao và không có nó thì chúng chẳng có giá trị gì bởi như thánh Gia-cô-bê đã nói không có việc làm của đức mến, đức tin là đức tin chết (2, 20)” (3S 16, 1).

3. Thực hiện sự thanh tẩy

Toàn bộ con người phải được thanh tẩy để đạt đến sự nên một với Thiên Chúa. Sự thanh tẩy diễn ra nơi hai phần của con người: phần cảm giác và phần tâm linh. Tức là con người phải vượt qua đêm tăm tối cả đêm giác quan và đêm tâm linh “nhằm đạt tới ánh sáng thần linh của việc nên một trọn vẹn với Thiên Chúa trong tình yêu như người ta có thể có được ở đời này” (1S prol. 1).

Sự thanh tẩy là công việc vừa thuần túy của con người vừa thuần túy của Thiên Chúa, có nghĩa là vừa chủ động và vừa thụ động: “Chủ động là những gì linh hồn có thể thực hiện và thực hiện phần của mình để tiến vào sự thanh tẩy đó… Thụ động tức là linh hồn không làm gì cả nhưng chính Thiên Chúa thực hiện tất cả trong sự thanh tẩy trong linh hồn và linh hồn hành xử như là bệnh nhân” (1S 13, 1; cf. 2S 6, 6). Thánh Gioan Thánh Giá bàn về đêm giác quan chủ động ở cuốn 1 Đường lên Núi Cát Minh; đêm giác quan thụ động ở cuốn 1 Đêm Dày. Còn đêm tâm linh chủ động được bàn ở cuốn 2 và 3 Đường lên Núi Cát Minh; Đêm tâm linh thụ động được bàn ở cuốn 2 Đêm Dày. Chúng ta lần lượt tìm hiểu từng phần một của cuộc thanh tẩy của linh hồn.

a) Thanh tẩy giác quan

 – Thanh tẩy giác quan chủ động

Đêm tối chủ động của giác quan được Thánh Gioan Thánh Giá giải thích ở cuốn 1 Đường lên Núi Cát Minh, đặc biệt ở chương 13 như sau: “Cần biết rằng linh hồn thông thường đi qua đêm tối cảm giác dưới hai cách: chủ động và thụ động. Chủ động là những gì linh hồn có thể thực hiện và thực hiện phần của mình để tiến vào sự thanh tẩy đó… Thụ động tức là linh hồn không làm gì cả nhưng chính Thiên Chúa thực hiện tất cả trong sự thanh tẩy trong linh hồn và linh hồn hành xử như là bệnh nhân” (1S 13, 1). Trong đêm tối thụ động, thái độ của linh hồn là thụ động. Chính Thiên Chúa thực hiện sáng kiến. Chính trong đêm thụ động mà linh hồn bắt đầu cảm nếm sự nên một với Thiên Chúa.

Đêm tối của giác quan là “sự tước đoạt của sự thích thú, sự vui hưởng (gusto) nơi sự mê thích đối với tất cả các sự vật; … tước đoạt linh hồn sự vui hưởng nơi sự mê thích đối với tất cả các sự vật là khiến linh hồn ở lại trong bóng tối và không còn gì cả” (1S 3, 1). “Được Thiên Chúa lôi kéo, linh hồn đã ra đi chỉ nguyên vì yêu mến Ngài, được đốt cháy bằng tình yêu mến Ngài trong một đêm tăm tối, tức là trong sự tước đoạt và thanh tẩy khỏi mọi mê thích thuộc giác quan, liên hệ đến mọi chuyện bên ngoài của thế gian, và những gì đem lại khoái cảm cho nhục thể cũng như những gì thú vị cho lòng muốn của nó. Tất cả những điều đó được thực hiện trong cuộc thanh tẩy giác quan” (1S 1,4).

“Lý do là vì, theo triết học, khi mới được Thiên Chúa cho hiệp nhất với thân xác, linh hồn hệt như một tấm bảng trống trơn nhẵn nhụi, chưa có một chút gì vẽ lên đó cả. Linh hồn tựa như kẻ ở trong ngục tối, chẳng biết gì hơn những điều thấy được qua những cửa sổ của ngục tối; và nếu như qua đó mà chẳng thấy được gì thì không thấy được qua chỗ nào khác. Cũng thế, nếu loại bỏ những gì biết được qua các giác quan, tựa như những cửa sổ nhà tù, thì theo lẽ tự nhiên, linh hồn sẽ không biết được gì qua một con đường nào khác” (1S 3, 3).

Đêm tối chủ động là điểm xuất phát. Linh hồn khao khát tiến xa trong các nhân đức, hãm mình chiến đấu để loại bỏ các trở ngại nhờ đêm tối của giác quan, nhờ làm chủ được giác quan. Đây là con đường linh hồn phải bước đi để vượt qua những chiến đấu của con người của mình nhờ đó linh hồn có thể đạt đến sự hiệp nhất trọn vẹn với Thiên Chúa. Linh hồn chiến đấu để hoàn thiện chính mình và giải thoát mình khỏi mọi thiếu xót và tội lỗi. Nó phải chết đi đối với tội lỗi, đối với sự vui thỏa, đối với sự mê thích với tất cả các sự vật: Linh hồn phải “thao luyện được một thời gian trên đường nhân đức, biết kiên trì suy niệm và tâm nguyện, rồi nhờ cảm nghiệm được hương vị và sự thích thú, họ thôi nghiêng chiều về các sự vật trần gian và thu tích được phần nào sức mạnh tâm linh nơi Thiên Chúa. Nhờ sức mạnh tâm linh này họ kiềm chế được lòng mê thích các thụ tạo và cũng nhờ đó họ đã có thể vì Chúa mà chịu được đôi chút nặng nề và khô khan mà không quay trở lại” (1N 8,3).

Trong đêm tối chủ động của giác quan, linh hồn được thúc đẩy bởi tình yêu đối với Thiên Chúa. Linh hồn đi tìm con đường để đến với Ngài. Linh hồn thực hiện sáng kiến và ý thức về điều mình đang thực hiện. Linh hồn tiến vào và ra khỏi đêm tối của giác quan này để đến với sự hiệp nhất với Thiên Chúa “với âu lo và trong tình yêu nồng cháy”. “Bởi vì, nhằm vui hưởng các mê thích, lòng muốn đã thường yêu chuộng chúng và nghiêng chiều về chúng đến độ cháy bừng, cho nên muốn chiến thắng hết mọi mê thích và từ bỏ sự nếm hưởng mọi sự, nó cần phải có một vụ cháy bừng khác lớn hơn của một tình yêu khác tốt đẹp hơn, tức là tình yêu của Đức Lang Quân của nó để rồi một khi có được sự thích thú và sức mạnh nơi tình yêu này, lòng muốn sẽ có được nghị lực và sự kiên trì để dễ dàng từ bỏ hết mọi tình yêu khác” (1S 14,2).

Hậu quả của đêm tối, của sự thanh tẩy chủ động của giác quan sau khi đã từ bỏ mọi thú vui của thế gian là linh hồn cảm nghiệm sự khô khan và trống rỗng như thể nó thiếu một điều gì đó, nghĩ rằng thiện hảo tâm linh không còn đối với mình nữa và Thiên Chúa đã để cho linh hồn một mình. Thực ra chính xác mà nói linh hồn đang ở trên con đường rất an toàn cho dù cảm thấy tối tăm. Bên cạnh đó linh hồn trở nên khiêm nhường; không còn kiêu ngạo như trước kia bởi vì linh hồn không còn thấy có gì nơi mình để mà chỉ trích tha nhân; trái lại đối với linh hồn dường như tha nhân còn hoàn hảo hơn và từ đó phát sinh trong con tim của linh hồn tình yêu và sự quí trọng dành cho tha nhân. Nhờ sự từ bỏ, linh hồn lại trở nên vâng phục, ao ước tìm thấy con đường ngay chính để đến gần Thiên Chúa. Trong trường hợp này, linh hồn thực hiện tất cả để chu toàn ý muốn của Thiên Chúa và không còn đi tìm sự vui thỏa cho chính mình. Con đường dẫn linh hồn đến đích điểm là con đường của đức tin; đức tin dẫn đưa linh hồn đến sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Linh hồn có thể tự dâng mình để được đóng đinh nhưng không thể tự mình đóng đinh chính mình được; tự mình linh hồn không thể chủ động thanh tẩy chính mình. Khi đêm tối chủ động đã khởi sự, nó cần được hoàn tất nhờ đêm tối thụ động và chính Thiên Chúa sẽ là Đấng hoàn tất nó.

Thanh tẩy giác quan thụ động

Có rất nhiều lần thánh Gioan Thánh Giá khẳng định rằng “không bao giờ được tất cả, và còn lâu mới được” con người có thể tự thanh tẩy chính mình (1N 7,5) “dù con người tự giúp mình nhiều đến bao nhiêu…” (1N 3,3; 2N 13,11). Thánh nhân nói tiếp: “Về những bất toàn này cũng không thể, cũng như những bất toàn khác, linh hồn không thể tự mình thanh tẩy hoàn toàn cho đến khi Thiên Chúa đặt linh hồn vào sự gột rửa bị động của đêm tối kia” (1N 3,3). Vì vậy, nhất định cần đến sự can thiệp của Thiên Chúa, cần “Ngài nắm lấy bàn tay” (1N 3,3; 2N 16,7; Ll 3,29.54). “Thiên Chúa đặt vào đêm tối những ai ngài muốn thanh tẩy tất cả những bất toàn để dẫn đưa họ tiến về phía trước” (1N 2,8). Giai đoạn thanh tẩy này được bắt đầu ở cuối giai đoạn của những người khởi sự (principiantes), tức là giai đoạn suy niệm và lúc bắt đầu giai đoạn của những người đã tiến xa (aprovechantes), tức là giai đoạn chiêm niệm: “Các linh hồn bắt đầu tiến vào trong đêm tối này khi Thiên Chúa tiếp tục lôi họ ra khỏi tình trạng khởi đầu, là giai đoạn của những người suy niệm trên hành trình thiêng liêng, và Thiên Chúa bắt đầu đặt họ vào giai đoạn của những người tiến xa (los aprovechantes)” (1N 1,1; 1S 1,3) như người mẹ tách đứa con của mình ra khỏi sự âu yếm của bà và bắt nó bước đi bằng những bước đi của chính nó và cho nó những thức rắn đặc (cf. 1N 1,2).

Thiên Chúa đặt linh hồn vào đêm tối này như thế nào? Trong đêm tối thụ động của giác quan, “Thiên Chúa thực hiện sự trao đổi mà chúng ta đã nói trên đây, bằng cách kéo linh hồn ra khỏi đời sống của giác quan và dẫn vào đời sống của tâm linh, tức là từ suy niệm qua chiêm niệm trong đó linh hồn không còn có thể lao động, không còn suy tư về những điều của Thiên Chúa bằng các quan năng (potencias) của riêng mình nữa” (1N 10,1). Thiên Chúa “kéo họ ra khỏi cách yêu mến còn thấp để đưa lên cấp độ cao hơn trong tình yêu Thiên Chúa. Ngài giải thoát họ khỏi việc thao luyện giác quan còn quá thấp và việc nguyện gẫm suy lý vốn còn rất giới hạn và quá nhiều bất tiện trên con đường họ đi tìm kiếm Thiên Chúa, để đưa tới sự thao luyện tâm linh là nơi họ có thể hiệp thông với Thiên Chúa cách phong phú hơn và thoát khỏi nhiều cái bất toàn” (1N 8,3). “Thiên Chúa dẫn linh hồn vào đêm này để thanh tẩy giác quan thuộc phần hạ đẳng, cho nó thích ứng, thuận phục và hiệp nhất với phần tâm linh bằng cách bắt nó phải chịu tối tăm và chấm dứt thói quen suy luận (về sau cũng thế, để thanh tẩy tâm linh và cho nó được hiệp nhất với Ngài, Thiên Chúa cũng đặt linh hồn vào đêm tâm linh, như chúng tôi sẽ nói sau)” (1N 11,3).

Khi Thiên Chúa “cảm thấy linh hồn bây giờ đã giống như những kẻ đã trưởng thành đôi chút” (1N 8,3), Ngài thay đổi cách trao đổi với chúng để chúng “ra khỏi tã lót trẻ con” (1N 8,3): “Trước đây vì họ còn yếu đuối mỏng giòn nên Ngài để cho cửa mở ra trước mắt họ như lời thánh Gioan trong sách Khải Huyền (3,8). Giờ đây Thiên Chúa bỏ họ trong cảnh tối tăm dày đặc tới nỗi họ không biết đi về đâu với cái tưởng tượng và suy luận của họ. Họ không thể nào tiến được một bước trong việc suy gẫm như đã quen trước đây, mà hơn nữa, các quan năng bên trong bị chìm đắm trong đêm tăm tối ấy, khiến họ bị bỏ lại trong tình cảnh khô khan tới nỗi không còn thấy được sự thỏa mãn và sự thích thú nơi các việc tâm linh và thao luyện tốt lành như từng có trước kia. Thay vào đó họ cảm thấy chán chường và cay đắng nơi các việc ấy, bởi vì, như tôi đã nói, một khi Thiên Chúa thấy họ đã trưởng thành đôi chút, Ngài liền cất khỏi họ bầu sữa mẹ dịu ngọt và đặt họ xuống đất cho họ tự bước đi một mình hầu giúp họ nên mạnh mẽ và rời bỏ tã lót trẻ con. Điều ấy khiến họ hết sức sửng sốt bởi đối với họ mọi thứ có vẻ như bị đảo lộn” (1N 8,3).

Trong đêm tối thụ động của giác quan này, Thiên Chúa đưa linh hồn “lên tình trạng của những người đã tiến khá xa. Điều ấy Thiên Chúa sẽ thực hiện bằng cách đặt họ vào đêm dày mà giờ đây chúng ta sẽ bàn đến. Trong đêm tối này Thiên Chúa sẽ dùng những sự khô khan thuần túy và những sự tối tăm nội tâm để khiến họ phải lìa bỏ những sở thích và hương vị ấy, Thiên Chúa sẽ cất đi khỏi họ những gì không thích hợp và ấu trĩ đồng thời giúp họ đạt được các nhân đức bằng những nẻo đường khác hẳn. Thật vậy, dù có tập hy sinh hãm mình tới đâu trong mọi hành động và xúc cảm, người mới bắt đầu vẫn không bao giờ có thể hoàn tất được tất cả những điều ấy, và còn lâu mới được, phải chờ mãi cho tới lúc Thiên Chúa cho họ đạt được điều ấy một cách thụ động qua sự thanh tẩy bằng đêm dày nói trên (1N 7,5).

Thánh nhân xác định “những người đã tiến được chút gì đó – algo crecidillos” là những người mới bắt đầu (principiantes), vào lúc Thiên Chúa đặt họ vào đêm tối này. Lý do là để “thanh tẩy họ khỏi tất cả những thói ấy trĩ ấy” (1N 6,6), bởi vì họ làm việc như những trẻ nhỏ. Làm việc như trẻ nhỏ là làm như thế nào? “Họ giống như những đứa trẻ không làm theo lý trí mà chỉ làm theo sự thích thú. Tất cả sự học hỏi của họ chỉ cốt để tìm kiếm các sự thích thú và an ủi tâm linh và vì chủ đích đó, họ miệt mài đọc sách: khi thì nguyện gẫm cách này, lúc thì nguyện gẫm cách khác, để đuổi bắt những sự thích thú ấy nơi những gì thuộc về Thiên Chúa”. “Nếu không thể tìm được sự thích thú, họ liền ngã lòng nản chí, cho rằng mình đã chẳng làm được gì. Tham vọng ấy khiến họ đánh mất lòng sùng mộ và đời sống tâm linh đích thực vốn cốt ở chỗ biết luôn kiên trì trong sự nhẫn nại và khiêm nhường, biết ngờ vực chính mình và chỉ luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa. Vì lẽ ấy, một khi không nếm hưởng được hương vị nơi việc linh thao này hoặc linh thao nọ, họ liền chán chường và không thích trở lại công việc ấy và đôi khi họ bỏ luôn” (1N 6,6).

Còn nữa “bởi vì họ dính bén với sự thích thú và ý riêng của mình – mà họ coi như là Thiên Chúa của họ – nên vừa khi các linh sư đòi lấy đi những thứ ấy và muốn họ tuân theo ý Thiên Chúa thì họ liền buồn bã, mất hết nhuệ khí và bị suy sụp. Họ tưởng rằng chỉ khi nào nếm được những điều ấy và cảm thấy lòng được vui thỏa thì mới là phụng sự Thiên Chúa và làm đẹp lòng Ngài” (1N 6,3), “khao khát và niềm vui thích duy nhất của họ là làm những điều đánh động họ” (1N 6,2). “Đây là sự khước từ tình yêu. Các động cơ rất nông cạn, hời hợt bề ngoài. Vì vậy, những người mới bắt đầu rất dễ bị tổn thương: họ dễ bị buồn bã, mất hết nhuệ khí và bị suy sụp. Họ không có sự kiên tâm”[28] trong việc phải thao luyện một thời gian trên đường nhân đức, “biết kiên trì suy niệm và tâm nguyện, rồi nhờ cảm nghiệm được hương vị và sự thích thú, họ thôi nghiêng chiều về các sự vật trần gian và thu tích được phần nào sức mạnh tâm linh nơi Thiên Chúa. Nhờ sức mạnh tâm linh này họ kiềm chế được lòng mê thích các thụ tạo” (1N 8,3).

Bởi vì đêm tối của giác quan thì “thông thường hơn” và đã “được viết nhiều”, nên thánh Gioan Thánh Giá chỉ đề nghị nói cách ngắn gọn (1N 8,2). Ngài muốn kết thúc sớm để “chuyển qua bàn đến đêm tâm linh thụ động (1N 13,3). Nhưng không phải tất cả chuyển qua cùng một cách mà tùy theo ý muốn của Thiên Chúa và tùy thuộc vào mức độ của sự hiệp nhất của tình yêu và khả năng chịu đau khổ nhiều hơn của linh hồn.

Đêm tối giác quan thụ động này rất cay đắng và kinh hồn đối với giác quan (1N 8,2). Nó gây ra sự khô khan, trống rỗng nơi các quan năng của linh hồn đặc biệt thời gian đầu (1N 9,4,6; 1N 11,2): “Nguyên nhân sự khô khan này là vì Thiên Chúa đang chuyển đổi các điều tốt và sức mạnh từ giác quan sang tâm linh; phần giác quan và sức mạnh tự nhiên của linh hồn không đủ khả năng tiếp thu điều ấy nên vẫn cứ trơ trơ, khô khan và trống rỗng. Phần giác quan không có khả năng tiếp nhận những điều tốt thuần tuý tâm linh, vì thế đang khi tâm linh nếm được nhiều hương vị thì xác thịt chẳng được thích thú gì cả và trở thành uể oải trong công việc của nó. Tuy nhiên phần tâm linh nhờ được bổ dưỡng, lại trở nên mạnh mẽ hơn, tỉnh táo hơn và chăm chú hơn trước, luôn lo sao để khỏi thiếu sót đối với Thiên Chúa. Sở dĩ linh hồn không ý thức ngay được cái hương vị và sự hoan lạc tâm linh mà chỉ thấy khô khan vô vị chính là vì sự thay đổi này quá mới mẻ, khẩu vị của nó vốn quen với những thích thú khả giác kia nên vẫn cứ hướng mắt về đó. Vì khẩu vị tâm linh chưa tập quen và chưa được thanh tẩy để nếm được sự thú vị tinh tế như thế, bao lâu tâm linh chưa được chuẩn bị sẵn sàng nhờ đêm khô khan và tối tăm này, nó chưa thể cảm nghiệm được cái thú vị và điều tốt tâm linh mà chỉ cảm được sự khô khan vô vị và tiếc nhớ những gì nó từng được nếm hưởng trước kia một cách quá ư dễ dàng” (1N 9,4). “Điều linh hồn mang theo mình giữa những khô khan và trống rỗng nơi các quan năng là một nỗi bận tâm và lo lắng thường xuyên kèm với nỗi khổ tâm sợ mình đã không phụng sự Thiên Chúa. Thế nhưng đó là một hy sinh không kém phần đẹp lòng Thiên Chúa, bởi tâm linh bị ưu sầu lo lắng là vì yêu mến Ngài” (Sal. 50, 19)” (1N 11,2).

“Chính Thiên Chúa mới là Đấng hoạt động nơi nó. Thiên Chúa buộc hết các quan năng bên trong của linh hồn lại, không để cho linh hồn bám vào trí hiểu, sự vui thỏa nơi lòng muốn hoặc suy luận nơi trí nhớ. Vậy, như chúng tôi đã nói, vào thời điểm này, bất cứ điều gì linh hồn làm theo ý riêng đều ngăn cản sự an bình nội tâm và công việc Thiên Chúa đang hoàn tất nơi tâm linh qua sự khô khan giác quan ấy” (1N 9,7).

Đêm giác quan là một điều rất chung và dễ nhận biết. Có ba dấu hiệu chính để nhận biết linh hồn đang đi qua đêm giác quan thụ động. Dấu hiệu thứ nhất là khi không thấy được thú vị và ủi an nơi những gì thuộc về Thiên Chúa thì đồng thời cũng chẳng thấy thú vị và ủi an nơi bất cứ loài thụ tạo nào, bởi một khi Thiên Chúa đưa linh hồn vào đêm tối tăm này để thanh tẩy nó và dập tắt các mê thích khả giác của nó thì Ngài cũng không để cho nó thấy thích thú hoặc gặp được hương vị nơi bất cứ sự vật nào… Tuy nhiên sự không tha thiết cả với siêu nhiên và tự nhiên như thế cũng có thể phát sinh từ một sự khó chịu hay một khí chất đa sầu nào đó khiến cho người ta không còn thấy thích thú bất cứ thứ gì, do đó cần phải nhờ đến dấu hiệu và điều kiện thứ hai sau đây” (1N 9,2).

Dấu hiệu và điều kiện thứ hai để linh hồn có thể tin mình đang trải qua cuộc thanh tẩy ấy, đó là linh hồn thường vẫn tưởng nhớ tới Thiên Chúa với nỗi bận tâm và âu lo khổ sở nghĩ rằng mình chẳng phụng sự Thiên Chúa gì cả mà chỉ đi thụt lùi vì thấy mình chẳng còn thích thú những gì thuộc về Thiên Chúa. Điều đó cho ta thấy được rằng sự chán chường và khô khan này không phát xuất từ sự hèn nhát hay nguội lạnh bởi tật nguội lạnh có đặc điểm là chẳng tha thiết cũng chẳng bận tâm gì đến những điều thuộc về Thiên Chúa. Do đó, giữa sự khô khan và tật nguội lạnh có sự khác biệt rất lớn, vì tật nguội lạnh khiến cho lòng muốn và tinh thần trở nên thờ ơ và uể oải, chẳng lo gì đến việc phụng sự Thiên Chúa, còn sự khô khan thanh tẩy thì, như tôi vừa nói, thường kèm theo nỗi bận tâm canh cánh pha lẫn sự âu lo khổ sở vì chưa phục vụ Thiên Chúa đúng mức” (1N 9,3).

Dấu hiệu thứ ba giúp nhận biết một cuộc thanh tẩy giác quan chính là sự kiện linh hồn dầu có cố gắng hết sức cũng không sao còn suy niệm hay suy luận được theo tưởng tượng như đã quen trước đây. Bởi giờ đây Thiên Chúa bắt đầu thông truyền chính Ngài cho linh hồn không qua nẻo giác quan dựa vào việc phân tích và tổng hợp suy diễn các ý tưởng như trước đây Ngài thường làm, nhưng bằng con đường thuần túy tâm linh là nơi không hề có các chuỗi suy luận. Thiên Chúa tự thông truyền cho linh hồn qua một tác động chiêm niệm giản dị mà các giác quan hạ đẳng thuộc bên ngoài lẫn bên trong đều không thể đạt tới. Từ đây trí tưởng tượng và óc sáng tạo vẽ vời không thể dựa vào bất cứ sự cân nhắc suy xét nào và cũng không còn chỗ đứng” (1N 9,8).

Chúng ta cần phải để ý đến hai điều. Thứ nhất là “việc phủ nhận giác quan như là phương thế để đạt đến Thiên Chúa không có nghĩa là phủ nhận chiều kích cảm giác và thân xác của con người nhưng là nhu cầu cần thống nhất với chiều kích tâm linh là nơi sự thông giao với Thiên Chúa được thực hiện. Con người đến gặp gỡ Thiên Chúa, theo thánh nhân, bằng tất cả sức mạnh của mình, nghĩa là với tất cả các quan năng, cảm xúc và đam mê của mình (3S 16,2), và với tất cả năng lực của mình, nghĩa là tất cả những gì thuộc về phần cảm giác và phần lý trí và tâm linh của con người (CB 28,4)”[29].

Thứ hai là như chúng ta đã thấy sự thống nhất, hài hòa làm nên con người bị đỗ vỡ nghiêm trọng do các đam mê cả của phần cảm giác và phần tâm linh. Hậu quả là nó ngăn cản con người trên hành trình đến để nên một với Thiên Chúa. Vì thế chỉ có thanh tẩy phần cảm giác thôi thì vẫn chưa đủ, nhưng còn phải thanh tẩy cả phần tâm linh nữa: “Hai thành phần của linh hồn, cả phần tâm linh lẫn phần cảm giác, sẽ được thanh tẩy hoàn toàn, bởi lẽ bên này sẽ không bao giờ được thanh tẩy thỏa đáng mà không có bên kia, và cuộc thanh tẩy giác quan chỉ hữu hiệu khi cuộc thanh tẩy tâm linh thực sự bắt đầu. Do đó cuộc thanh tẩy quen gọi là thanh tẩy giác quan đúng ra phải gọi là một cuộc cải tạo hoặc một cuộc chế ngự các mê thích hơn là một cuộc thanh tẩy. Lý do là vì tất cả những bất toàn và hỗn loạn của phần cảm giác đều múc sức mạnh và bắt nguồn từ nơi tâm linh. Mọi tập quán tốt xấu đều lưu ngụ nơi tâm linh, do đó, chỉ khi nào các tập quán ấy được thanh tẩy, những cuộc nổi loạn và những cái tiêu cực của phần giác quan mới được thanh tẩy trọn vẹn” (2N 3,1).

b) Thanh tẩy tâm linh

– Thanh tẩy tâm linh chủ động

– Thanh tẩy tâm linh bị động

IV. THÁI ĐỘ CỦA LINH HỒN ĐỐI VỚI SỰ THANH TẨY

1. Tình yêu

Tình yêu là điều cần thiết để bắt đầu sự thanh tẩy và duy trì luôn luôn trên hành trình này. Ở đầu cuốn 1 Đường lên Núi Cát Minh, thánh Gioan đã giải thích như sau: “Được Thiên Chúa lôi kéo, linh hồn đã ra đi chỉ nguyên vì yêu mến Ngài, được đốt cháy bằng tình yêu mến Ngài trong một đêm tăm tối, tức là trong sự tước đoạt và thanh tẩy khỏi mọi mê thích thuộc giác quan, liên hệ đến mọi chuyện bên ngoài của thế gian, và những gì đem lại khoái cảm cho nhục thể cũng như những gì thú vị cho lòng muốn của nó” (1S 1, 4). “Yêu Thiên Chúa là vì Thiên Chúa mà hành động để tự lột trần và tước bỏ hết những gì không phải là Thiên Chúa, tự tẩy trừ hết mọi lớp màn và mọi tì vết của thụ tạo, tức là biết giữ cho ý muốn mình được hoàn toàn hiệp nhất với ý muốn Thiên Chúa” (2S 5, 7).

“Linh hồn nói rằng nó “nồng nàn yêu thương và âu lo”, nó vượt qua và tiến vào đêm tăm tối của giác quan để hiệp nhất với Đức Tình Quân. Bởi vì, nhằm vui hưởng các mê thích, lòng muốn đã thường yêu chuộng chúng và nghiêng chiều về chúng đến độ cháy bừng, cho nên muốn chiến thắng hết mọi mê thích và từ bỏ sự nếm hưởng mọi sự, nó cần phải có một vụ cháy bừng khác lớn hơn, do một tình yêu khác tốt đẹp hơn, tức là tình yêu của Đức Lang Quân của nó. Một khi có được sự thích thú và sức mạnh nơi Ngài, lòng muốn sẽ có được nghị lực và sự kiên trì để dễ dàng từ bỏ hết mọi tình yêu khác” (1S 14,2).

2. Vâng lời và khiêm nhường

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là không ngăn chặn hoặc làm cản trở Thiên Chúa, đồng thời ra khỏi mình với ý chí và con tim của người có thể ngăn cản trên con đường tiến về hiệp nhất với Thiên Chúa. Ngay từ đầu đó là con đường của sự bỏ mình: “Vậy, quả là dốt nát tột độ nếu linh hồn nghĩ rằng có thể vươn cao trong việc hiệp nhất cùng Thiên Chúa, mà trước hết không chịu trút bỏ hết mọi sự mê thích những điều tự nhiên cũng như siêu nhiên có thể ngăn cản sự hiệp nhất ấy. Thật vậy, có một khoảng cách hết sức xa giữa những sự vật ấy và ơn được ban trong tình trạng này, là ơn được hoàn toàn biến đổi trong Thiên Chúa” (1S 5, 2). Thánh nhân cũng có nói trong Ca Khúc Tâm Linh như sau: “Ở đây linh hồn cho ta hiểu rõ rằng để thực sự tìm gặp được Thiên Chúa thì cầu nguyện bằng tâm hồn và miệng lưỡi chưa đủ, nhờ vả lòng tốt của kẻ khác cũng chưa đủ mà, cùng với những điều ấy, còn phải đích thân hành động với hết sức mình. Thiên Chúa thường quí chuộng một việc ta đích thân làm hơn là nhiều việc do người khác làm thay ta” (CB 3, 2).

Vào lúc khởi đầu hành trình tâm linh, linh hồn được tái sinh bởi tình yêu của Thiên Chúa bắt đầu yêu mến những thiện hảo và những sự thuộc về Thiên Chúa. Linh hồn cảm thấy sẵn sàng để từ bỏ mọi sự để đi vào con đường hiệp nhất với Thiên Chúa. Đây chỉ mới là sự khởi đầu cần thiết dù linh hồn chưa có các nhân đức và thái độ đổi mới, canh tân vững chắc. Vì vậy linh hồn cần bàn tay dẫn dắt nâng đỡ của Thiên Chúa trong sự thanh tẩy. Bởi chính Thiên Chúa là Đấng thanh tẩy và không có Ngài, không có thanh tẩy đích thực: “Cũng thế, nó đã ra đi trong đêm, nghĩa là trong khi Thiên Chúa tước đoạt hết các mê thích ấy của nó, và đối với nó, điều này đúng là một đêm tối. Thật là một vận may điễm phúc cho nó khi được Thiên Chúa đặt vào đêm tối ấy, từ đó nó được biết bao điều tốt; đó cũng là nơi nó không sao tự mình mà vào được; vì không ai có thể tự mình loại trừ được hết mọi mê thích để đến với Thiên Chúa” (1S 1, 4-5).

Chính hành động của Thiên Chúa là điều mà linh hồn cảm thấy lúc khởi đầu như là nguồn gốc của sự thanh tẩy đau đớn và như là đêm tối tột bậc dường như không thể nào chịu nổi và sau đó thì cảm thấy nó như là hành động biến đổi và soi sáng. Tuy nhiên ngay từ ban đầu, hành động của Thiên Chúa như chính nó vẫn luôn là chính nó và chỉ duy nó mà thôi. Chính ánh sáng của Thiên Chúa là nguyên nhân chính yếu và duy nhất của sự thanh tẩy đau đớn và của sự biến đổi.

3. Đức Tin và Đức Cậy

Ngoài tình yêu, sự khiêm nhường, vâng lời, linh hồn cũng cần phải có hai nhân đức kia là Đức tin và Đức cậy: “Cũng vậy, trong đêm tối tâm linh này, với ơn Chúa giúp, chúng tôi sẽ chỉ phương cách để giải tỏa và thanh tẩy các quan năng tâm linh khỏi tất cả những gì không phải là Thiên Chúa, ngõ hầu chúng được chìm trong sự tăm tối của ba nhân đức ấy là phương thế và sự chuẩn bị giúp linh hồn được hiệp nhất cùng Thiên Chúa. Bằng cách ấy linh hồn sẽ được hoàn toàn vững chắc trước các mưu chước lừa gạt của ma quỷ, và trước mãnh lực của tính tự ái và các nhánh của nó, là điều vẫn thường lừa gạt cách tinh tế và ngăn cản bước tiến của những người theo đường tâm linh, chỉ vì họ không biết tự trút bỏ để làm chủ lấy mình dựa theo ba nhân đức ấy. Và do đó, họ chẳng bao giờ đạt được thực chất và cốt tủy của ơn lành tâm linh, và không tiến bước được trên con đường thẳng và ngắn mà lẽ ra họ đã có thể làm được” (2S 6, 6-7).

V. NHỮNG HOA TRÁI CỦA SỰ THANH TẨY

Trãi qua đêm tối là một vận may diễm phúc vì những ích lợi mà nó mang lại cho đời sống của con người. Chúng ta không nên quên rằng con người trong suốt đêm tối được đặt trong sự chữa trị: “Chữa trị nó khỏi nhiều bất toàn và đặt trên nó nhiều nhân đức” (1N 11, 2).

Trong số những lợi ích và hiệu quả của đêm tối thụ động của giác quan, chúng ta nên nhấn mạnh đến việc linh hồn bước vào con đường tốt nhất và chân thực nhất trong việc hiểu biết Thiên Chúa và hiểu biết chính mình: “Giữa bao nhiêu lợi ích khác, điều đầu tiên và trọng yếu ở đây đêm chiêm niệm khô khan tối tăm đem lại cho linh hồn chính là linh hồn hiểu biết được chính mình và nỗi khốn cùng của mình. Ngoài sự kiện mọi hồng ân Thiên Chúa ban cho linh hồn thường được gói ghém trong sự hiểu biết này, những nỗi khô khan và trống rỗng của các quan năng, khác với sự phong phú linh hồn đã cảm nghiệm trước đây, cùng với những khó khăn phải đương đầu trong việc thực thi các việc thiện cũng sẽ khiến linh hồn nhận ra được sự thấp hèn và khốn cùng của nó, điều mà trong thời gian gặp thuận lợi trước đây nó không thể thấy được” (1N 12,2).

Với những người mới bắt đầu, đêm giác quan cũng cố và làm phát triển những việc lành của linh hồn: “Mong rằng khi đã hiểu được tình trạng yếu nhược hiện thời của mình, họ sẽ can đảm và khát khao được Thiên Chúa đưa vào đêm ấy, để qua đó, linh hồn được mạnh mẽ và vững vàng trong các nhân đức và được chuẩn bị sẵn để hưởng những niềm hoan lạc khôn tả của tình yêu Thiên Chúa” (1N 1,1).

Sự thúc đẩy của đam mê ích kỷ của linh hồn được kìm hãm, làm cho giác quan thích nghi với tâm linh (2N 2,1; 3,1). Nhờ đêm tối này, linh hồn được chữa lành rất nhiều bất toàn và được mặc lấy rất nhiều nhân đức (1N 11,2); “không còn bị quấy phá chút nào vì những sự đáng gớm ghiếc và trái nghịch của nhục cảm” (CB 36,1); nhục cảm đã được thanh tẩy và không còn ngăn cản tâm linh được nữa (2N 4,1). Linh hồn được tham dự vào bữa tiệc của sự hiệp nhất giữa nhân loại và thần linh và chính thú vui cảm giác cũng đạt đến bình diện và chất lượng đáng ngạc nhiên[30].

“Cuối hành trình, nhục cảm được tìm lại trong sự nguyên tuyền của chính nó và sự thật đã được cứu rỗi. Thánh nhân mô tả tình trạng trước đây và bây giờ như sau: ‘Trước đây với nhục tính bất toàn, linh hồn đón nhận thần khí của Thiên Chúa nhiều lần với chính sự bất toàn đó; bây giờ sau khi đã được cải hóa, không còn những sự yếu đuối đó nữa; linh hồn không phải là người đón nhận nữa mà là chính mình được đón nhận vào trong Thần Khí và linh hồn có được tất cả theo cách của Thần Khí’ (1N 4,2). Sau khi được thanh tẩy, ‘Thiên Chúa đã khiến cho mọi sức mạnh, mọi quan năng và mọi mê thích của linh hồn cả về mặt tâm linh lẫn cảm giác đều lắng đọng lại để tất cả được hài hoà với nhau’ và ‘tất cả sự hài hòa này’ không loại bỏ bất kỳ điều gì của con người, cũng chẳng loại trừ điều của nó đối với tình yêu này, được lắng đọng lại một cách mật thiết trong Thiên Chúa”[31]: “Theo đó, nơi một tâm linh mà Thiên Chúa đã khiến cho mọi sức mạnh, mọi quan năng và mọi mê thích của linh hồn cả về mặt tâm linh lẫn cảm giác đều lắng đọng lại để tất cả được hài hoà với nhau và cùng vận dụng mọi năng lực vào tình yêu này, người ta có thể phần nào ước đoán nơi tâm linh ấy sự bốc cháy tình yêu sẽ lớn lao và mạnh mẽ biết bao. Khi ấy linh hồn sẽ thực sự đạt tới chỗ chu toàn được điều răn thứ nhất. Điều răn này không gạt bỏ một điều gì của con người và cũng không loại trừ một điều gì khỏi tình yêu ấy khi xác định rằng: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Đnl 6,5)” (2N 11,4).

“Phần cảm giác của linh hồn, với tất cả sức mạnh, quan năng và mê thích của nó, giờ đây đã phù hợp với tâm linh, đã thuần thục và dẹp yên các cuộc nổi loạn. Nhờ linh hồn đã trải qua đủ thứ luyện tập sâu rộng và chiến đấu về mặt tâm linh, giờ đây ma quỷ đã thua và bị đẩy ra xa. Linh hồn được nên một với Thiên Chúa và được biến đổi rất dồi dào phong phú với những ân huệ thiên quốc. Do đó, sau khi được chuẩn bị, sẵn sàng và mạnh mẽ, Tân Nương linh hồn “nép mình vào Đức Lang Quân” (x. Dc 8,5) để “băng qua sa mạc chết chóc, lòng ngập tràn vui thú”, linh hồn tiến lên tận những ngai toà vinh quang của Đức Lang Quân. Tha thiết ước mong Đức Lang Quân sớm kết thúc hẳn sự việc. Nơi ca khúc này Tân Nương trình lên Ngài tất cả những sự kiện nhằm hối thúc Ngài mạnh hơn. Nàng nói lên năm điều: Thứ nhất, linh hồn này giờ đây đã siêu thoát và lìa xa khỏi mọi sự. Thứ hai, ma quỷ đã bị thua cuộc và đã bỏ trốn. Thứ ba, các xúc cảm đã bị khuất phục và các mê thích tự nhiên đã được hãm dẹp. Thứ tư và thứ năm, phần giác quan và hạ đẳng đã được cải tạo và thanh luyện, đã phù hợp với phần tâm linh, đến nỗi, chẳng những không còn cản trở việc nhận lãnh những ơn lành tâm linh, mà trái lại, còn thích ứng với các ơn lành ấy. Thật vậy, giờ đây trong khả năng của nó, phần giác quan hạ đẳng tham dự vào những ơn lành linh hồn đang chiếm hữu” (CB 40,1).

Thực ra giờ đây tất cả “mọi năng lực” của linh hồn “chỉ còn dành cho việc phục vụ Tình Quân mà thôi” (CB 28,4), “tất cả tài năng được cử động, di chuyển bởi tình yêu và trong tình yêu” (CB 28,8): “Ở đây “hết năng lực” được Tân Nương ám chỉ đến tất cả những gì thuộc về phần khả giác của linh hồn. Phần khả giác này bao gồm thân xác cùng với mọi giác quan và quan năng của nó, cả bên trong lẫn bên ngoài, tất cả khả năng tự nhiên của nó với bốn xúc cảm, các mê thích tự nhiên và những năng lực khác của linh hồn. Tân Nương bảo rằng nàng đã sử dụng tất cả những thứ ấy để phục vụ Đức Lang Quân cũng như đã sử dụng phần lý trí và tâm linh của linh hồn vào việc ấy như đã đề cập nơi câu thơ trên đây. Các hoạt động của giác quan bên trong lẫn bên ngoài đều được điều khiển và qui hướng về Thiên Chúa, do đó thân xác cũng được linh hồn giúp hướng trọn về Thiên Chúa. Bốn xúc cảm của linh hồn cũng đều được Tân Nương cột trói lại nộp cho Thiên Chúa vì nàng chỉ còn biết mừng vui nơi Thiên Chúa, chỉ còn biết hy vọng vào Thiên Chúa, chỉ còn sợ mỗi mình Thiên Chúa, chỉ còn đớn đau theo ý Thiên Chúa. Tất cả mê thích và lo lắng của nàng cũng chỉ còn quy hướng về Thiên Chúa mà thôi” (CB 28,4).

Tóm lại, hoa trái của sự thanh tẩy là con người cũ hoàn toàn bị chết đi, con người mới được sinh ra theo giống hình ảnh nguyên thủy mà Thiên Chúa đã tạo nên nhờ sức mạnh của Thánh Thần, là Đấng duy nhất có khả năng canh tân toàn bộ con người cũ và làm tái sinh con người mới (cf. 1N 2, 4; LlB 2, 33-34).

“Qua những điều nói trên, ta hiểu được cách Thiên Chúa tỏ lòng thương xót đối với linh hồn ở đây. Ngài lau sạch và chữa lành linh hồn bằng thứ thuốc giặt loại mạnh và với sự thanh tẩy đầy đắng cay, nơi phần giác quan và tâm linh của linh hồn, đối với mọi thứ nghiêng chiều và thói quen bất toàn của nó trên bình diện vật chất, tự nhiên, cảm giác và tâm linh. Thiên Chúa thực hiện điều này bằng cách khiến cho các quan năng nội tại của linh hồn thành tối tăm, làm chúng trống rỗng hết mọi mọi chuyện ấy. Ngài chế ngự và dập tắt những nghiêng chiều khả giác và tâm linh của linh hồn. Ngài làm suy yếu những năng lực tự nhiên của linh hồn đối với tất cả những đối tượng nói trên. Đây là điều linh hồn chẳng bao giờ tự mình làm nổi, như chúng ta sẽ bàn sau. Bằng cách ấy, Thiên Chúa khiến linh hồn chết đi đối với tất cả những gì vốn không phải là Thiên Chúa, để khi linh hồn đã chịu lột bỏ lớp vỏ cũ và trở nên trơ trụi, Ngài sẽ bận cho nó y phục mới. Và như thế “tuổi xuân của linh hồn được đổi mới như tuổi xuân của phượng hoàng” (Tv 102/103,5), và theo lời thánh Tông Đồ, “được mặc lấy con người mới, con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa” (Ep 4,24). Điều đó không gì khác hơn là trí hiểu được soi sáng bằng ánh sáng siêu nhiên đến độ trí hiểu nhân loại trở nên thần linh nhờ được hiệp nhất với thượng trí Thiên Chúa; cũng tương tự như thế, lòng muốn được rập khuôn theo tình yêu Thiên Chúa cho nên cũng không kém phần mang tính cách thần linh, được đổi mới và hiệp nhất với lòng muốn và tình yêu của Thiên Chúa; cả bộ nhớ cũng vậy; và ngay cả những nghiêng chiều và mê thích đều được biến đổi theo Thiên Chúa một cách thần tình. Thành thử từ đây linh hồn này đã nên một linh hồn của trời cao thuộc thiên giới và mang tính cách thần linh hơn là nhân loại” (2N 13, 11).

VI. TẠM KẾT

Nhờ đọc, chiêm niệm Kinh Thánh, cùng với kinh nghiệm của riêng mình, thánh Gioan Thánh Giá đã khám phá ra rằng, con người đã được dựng nên “giống hình ảnh của Thiên Chúa (1S 9,1; CB 39,4), được tiền định để kết hiệp với Ngài, “được trở nên ngang hàng trong tình yêu với Ngài” (CB 38,3). Con người là một hữu thể thống nhất trong thân xác. Quan niệm này cho thấy thánh nhân có cái nhìn trái ngược với quan niệm nhị nguyên về con người theo trường phái tân Plato và trường phái của Thánh Âu Tinh. Tuy nhiên sự thống nhất cấu thành này của con người đã bị phân mảnh sâu xa do tội nguyên tổ. Vì thế con người kinh nghiệm nơi chính mình một sự căng thẳng tự nhiên giữa giác quan và tâm linh, một cuộc giằng co, đấu tranh với những đam mê của cả phần cảm giác và phần tâm linh. Sự quân bình hài hòa của hữu thể con người dễ dàng bị bẻ gãy và con người rơi vào tình trạng vô trật tự về mặt luân lý. Cho nên nó cần một sự thanh tẩy cả phần cảm giác và phần tâm linh nhằm thiết lập lại sự hòa hợp đã bị đánh mất và để chuẩn bị con người cho sự nên một hiệp nhất với Thiên Chúa: “Đêm chúng ta nói đây là sự chiêm niệm, gây ra nơi những người theo đường tâm linh hai thứ tối tăm hay hai cuộc thanh tẩy tương ứng với hai thành phần của con người tức phần cảm giác và phần tâm linh. Như thế, đêm thứ nhất hay cuộc thanh tẩy thứ nhất là đêm giác quan qua đó linh hồn tự thanh tẩy phần giác quan bằng cách làm cho nó được thích ứng với tâm linh; còn đêm kia là đêm tâm linh hoặc cuộc thanh tẩy tâm linh qua đó linh hồn được thanh tẩy và trở nên trơ trụi về mặt tâm linh bằng cách chuẩn bị và làm cho tâm linh được thích ứng với sự hiệp nhất trong tình yêu với Thiên Chúa” (1N 8,1)[32].

VIII. BIBLIOGRAFÍA

SAN JUAN DE LA CRUZ, Obras completas, Monte Carmelo, Burgos 2005.

DUQUE, María Jesús Mancho, El símbolo de la noche en San Juan de la Cruz, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006.

GAITÁN, José Damián, Purificación, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 1229-1249.

GARCÍA, Ciro, Antropología sanjuanista, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 123-142.

GARCÍA, Ciro, Hombre, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 737-755.

GARCÍA, Ciro, Juan de la Cruz y el misterio del hombre, Monte Carmelo, Burgos 1990.

HERRAÍZ, Maximiliano, Sensualidad, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 1291-1297.

HERRAÍZ, Maximiliano, Unión con Dios, Gracia y Proyecto, Catecismo Sanjuanista, EDICEP C.B., Valencia 1991.

PACHO, Eulogio, El hombre. Aleación de Espíritu y materia, en AA. VV. Antropología de San Juan de la Cruz, Diputación Provincial de Ávila, Ávila 1988.

RUIZ, Federico, Síntesis doctrinal, en AA.VV. Introducción a la lectura de San Juan de la Cruz, Junta de Castilla y León, Salamanca 1993.

URBINA, Fernando, Comentario a Noche oscura del espíritu y Subida al Monte Carmelo de San Juan de la Cruz, Ediciones Marova S.L., Madrid 1983.

Chú Thích

[1] HERRAÍZ, Maximiliano, Sensualidad, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 1291.

[2] Cf. San Juan de la Cruz, Super flumina Babilonis.

[3] GARCÍA, Ciro, Hombre, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 746.

[4] PACHO, Eulogio, El hombre, aleación de espíritu y materia, en AA.VV., Antropología de San Juan de la Cruz, Diputación Provincial de Ávila. Institución Gran Duque de Alba, Ávila 1988, 35.

[5] GARCÍA, Ciro, o.c., 745-746; Cfr. Segundo Concilio Vaticano, Gaudium et Spes, 19.

[6] GARCÍA, Ciro, Juan de la Cruz y el misterio del hombre, Monte Carmelo, Burgos 1990, 29-34.

[7] GARCÍA, Ciro, Hombre, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 751.

[8] GARCÍA, Ciro, Juan de la Cruz y el misterio del hombre, 31.

[9] GARCÍA, Ciro, Antropología sanjuanista, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 128-129.

[10] Ibid., 127.

[11] GARCÍA, Ciro, Antropología sanjuanista, 129.

[12] GARCÍA, Ciro, Hombre, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 753.

[13] Ibid., 754.

[14] GARCÍA, Ciro, Juan de la Cruz y el misterio del hombre, 113-114.

[15] GARCÍA, Ciro, Antropología sanjuanista, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 133.

[16] Thiên Chúa là Đấng vô biên, hằng hữu, thánh thiện vô cùng còn chúng ta là thụ tạo thấp hèn, phải chết, mau qua; Thiên Chúa là sự thật, là Đấng không bao giờ sai lầm, thông suốt mọi sự. Còn chúng ta thì hạn chế, luôn có cái nhìn phiến diện, dễ mắc sai lầm; Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín, không bao giờ thay đổi. Còn chúng ta thì ngược lại, dễ lỗi lời hứa của mình, hay thay đổi tùy theo cảm tính của mình…

[17] GARCÍA, Ciro, Hombre, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 750.

[18] HERRAÍZ, Maximiliano, Unión con Dios, Gracia y Proyecto, Catecismo Sanjuanista, EDICEP, Valencia 1991, 38-39.

[19] RUIZ, Federico, Síntesis doctrinal, en AA.VV., Introducción a la lectura de San Juan de la Cruz, Junta de Castilla y León, Salamanca 1993, 238.

[20] HERRAÍZ, Maximiliano, Sensualidad, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 1292-1293.

[21] GARCÍA, Ciro, Antropología sanjuanista, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 129.

[22] GARCÍA, Ciro, Juan de la Cruz y el misterio del hombre, Monte Carmelo, Burgos 1990, 99-100.

[23] URBINA, Fernando, Comentario a Noche oscura del espíritu y Subida al Monte Carmelo de San Juan de la Cruz, Ediciones Marova S.L., Madrid 1983, 42.

[24] GAITÁN, José Damián, Purificación, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 1230.

[25] DUQUE, María Jesús Mancho, El símbolo de la noche en San Juan de la Cruz, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 1232.

[26] GARCÍA, Ciro, Antropología sanjuanista, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 133.

[27] GARCÍA, Ciro, Purificación, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 1238.

[28] HERRAÍZ, Maximiliano, La unión con Dios. Gracia y proyecto, EDICEP C.B., Valencia 1991, 101.

[29] GARCÍA, Ciro, Antropología sanjuanista, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 133.

[30] HERRAÍZ, Maximiliano, Sensualidad, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 1296.

[31] HERRAÍZ, Maximiliano, o.c., 1297.

[32] GARCÍA, Ciro, Antropología sanjuanista, en PACHO, Eulogio (Dir.), Diccionario de San Juan de la Cruz, Monte Carmelo, Burgos 2006, 128

Tải về file Word: Con-người theo thánh Gioan

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *