Giới thiệu chung về Thánh Gioan Thánh Giá

Giới thiệu chung về Thánh Gioan Thánh Giá

Kieran Kavanaugh, ocd và Otilio Rodriguez, ocd

Mạc Tường dịch
Lm. Trăng Thập Tự hiệu đính

 

Sinh tại Tây Ban Nha năm 1542, nhờ gương cha mẹ, từ bé Gioan đã biết được tầm quan trọng của tình yêu hy sinh. Cha cậu đã từ bỏ hết của cải, địa vị, sự thoải mái và từ bỏ cả gia đình thượng lưu khi lấy con gái của một người thợ dệt. Sau khi cha cậu qua đời, mẹ cậu bồng bế cả gia đình nghèo khổ đi lang thang tìm việc làm kiếm sống. Tấm gương hy sinh này sẽ được Gioan noi theo trên đường mến yêu Thiên Chúa.

uối cùng, gia đình cũng tìm được việc làm nhưng Gioan vẫn bữa no bữa đói giữa thành phố giàu có bậc nhất Tây Ban Nha. Lên mười bốn, Gioan được nhận vào chăm sóc bệnh nhân tại một bệnh viện chuyên khoa về các chứng nan y và bệnh tâm thần. Vượt lên trên cảnh nghèo khổ ấy, Gioan đã học biết phải tìm kiếm cái cao đẹp và hạnh phúc không phải trên trần gian nhưng nơi Thiên Chúa.Sinh tại Tây Ban Nha năm 1542, nhờ gương cha mẹ, từ bé Gioan đã biết được tầm quan trọng của tình yêu hy sinh. Cha cậu đã từ bỏ hết của cải, địa vị, sự thoải mái và từ bỏ cả gia đình thượng lưu khi lấy con gái của một người thợ dệt. Sau khi cha cậu qua đời, mẹ cậu bồng bế cả gia đình nghèo khổ đi lang thang tìm việc làm kiếm sống. Tấm gương hy sinh này sẽ được Gioan noi theo trên đường mến yêu Thiên Chúa.

Gioan đã gia nhập dòng Cát Minh và được Thánh nữ Têrêxa Avila yêu cầu cộng tác với phong trào cải tổ của bà. Bà xác tín rằng nhà Dòng cần trở về với nếp sống cầu nguyện ban đầu. Gioan ủng hộ điều ấy. Tuy nhiên, nhiều tu sĩ Cát Minh cảm thấy cuộc cải cách này đang đe dọa họ. Họ đã bắt ông nhốt vào một phòng giam chật hẹp, tăm tối. Ông bị họ đánh đập mỗi tuần ba lần. Chỉ có một cửa sổ nhỏ cao gần trần nhà. Trong nơi ẩm thấp, tối, lạnh và vắng vẻ, khó mà chịu nổi, tình yêu và đức tin của ông lại như lửa bừng bừng cháy sáng. Ông không còn gì nhưng chính Thiên Chúa đã đem đến cho ông niềm vui lớn nhất ngay giữa phòng giam chật chội.

Sau chín tháng, Gioan đã phá được khóa cửa và trốn thoát, chỉ đem theo những bài thơ huyền giao đã viết ở phòng giam. Ông dùng một sợi dây thừng làm bằng dải mền, leo qua cửa sổ. Không biết mình đang ở đâu, ông đã đi theo một con chó để tìm đường và đến được một đan viện. Các nữ tu giấu ông trong bệnh xá của đan viện để che mắt những kẻ săn đuổi. Ông đã đọc và giải thích những bài thơ của ông cho các nữ tu. Từ đó cuộc đời của ông được dành cho việc chia sẻ và giải thích kinh nghiệm của ông về tình yêu Thiên Chúa.

Cuộc sống đói nghèo và bị ngược đãi lẽ ra đã biến ông thành một người hay chỉ trích cay đắng. Thay vào đó nó đã sinh ra một nhà thần bí nhân hậu, người sống theo niềm tin rằng “Có ai đã từng thấy người nào bị ép buộc phải yêu mến Thiên Chúa cách bất đắc dĩ?” và “Ở đâu không có tình yêu, bạn hãy gieo tình yêu vào đó và bạn sẽ gặt được tình yêu.”

Gioan để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm với những lời khuyên thực tế về sự trưởng thành tâm linh và về cầu nguyện mà ngày nay vẫn còn hợp thời: Đường Lên Núi Cát Minh, Đêm Dày, Ca Khúc Tâm LinhNgọn Lửa Tình Nồng.

NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI

Vào một ngày tháng không rõ, năm 1542, Gioan de Yepes đã chào đời tại một thị trấn nhỏ có tên là Fontiveros. Thị trấn nằm trên đất đá cằn cỗi tại cao nguyên Castilla, giữa Madrid và Salamanca. Với dân số khoảng 5.000 người, thị trấn bao gồm một số cửa hàng dệt nhỏ. Cha của Gioan, Gonzalo de Yepes, con trai của một gia đình giàu có buôn tơ lụa ở Toledo, đã dừng lại ở Fontiveros trên cuộc hành trình kinh doanh đến Medina del Campo, và đã gặp Catalina Alvarez, một cô thợ dệt nghèo và khiêm nhường. Mặc dù không môn đăng hộ đối, hai người đã yêu nhau và kết hôn vào năm 1529. Gia đình Gonzalo thấy bị xúc phạm khi ông kết hôn với một cô gái nhà nghèo, nên đã tước quyền thừa kế của ông. Bị tước mất những bảo đảm tài chính, ông đã phải thích ứng với công việc cực nhọc của giới nghèo, cụ thể là mua bán hàng dệt. Giữa hoàn cảnh khó khăn, cả Gonzalo và Catalina đã tìm thấy sức mạnh trong tình yêu tha thiết dành cho nhau. Họ có ba người con trai: Francisco, Luis, và người trẻ nhất, Gioan (sau này sẽ là Thánh Gioan Thánh Giá). Khi Gioan chưa được hai tuổi, ông bố đã qua đời, kiệt sức từ nỗi khổ đau khủng khiếp của một căn bệnh lâu dài. Nghèo túng, người góa phụ trẻ khổ đau nhưng can đảm đã không quản đường xa vất vả đã lặn lội đến thăm các thành viên giàu có của gia đình chồng, hy vọng có thể xin họ giúp đỡ nhưng họ đã từ chối. Bà quay lại Fontiveros, xoay xở một mình. Trong thời gian này anh trai của Gioan là Luis chết, có lẽ do thiếu dinh dưỡng. Bà Catalina thấy buộc lòng phải tìm nơi khác. Bà bỏ ngôi nhà nhỏ, dọn đến Arévalo, nhưng ở đây cũng chẳng có gì khá hơn. Cuối cùng bà đến Medina del Campo, trung tâm thương mại nhộn nhịp của Castilla, tiếp tục làm nghề dệt…

Tại đây Gioan theo học tại một trường dành cho trẻ em nghèo. Cậu được hưởng nền giáo dục tiểu học, được học giáo lý Kitô giáo căn bản, và có cơ hội trở thành một người học nghề, tập mua bán hoặc làm một nghề nào đó. Trường học ở đây giống một trại mồ côi, các em được nhận thức ăn, quần áo, và chỗ ở. Thời gian này, vị linh mục giám đốc trường đã chọn Gioan giúp lễ tại La Magdalena, một tu viện gần đó của các nữ tu dòng Thánh Augustinô. Cậu bé phụ việc, túc trực trong phòng thánh suốt bốn giờ vào buổi sáng và buổi chiều mỗi khi bề trên, các giáo sĩ, hoặc những người giữ đồ thánh cần cậu. Gioan có vẻ không nhiệt tình gì đối với các chương trình học nghề – nghề mộc, nghề may, nghệ thuật điêu khắc và hội họa. Thay vào đó, sự dịu dàng và kiên nhẫn của cậu lại có thể là một nguồn an ủi đầy tình thương dành cho người bệnh. Ông Alonso Alvarez, quản trị viên của bệnh viện cho những người nghèo ở Medina đang bị bệnh dịch hạch và các bệnh truyền nhiễm khác, đã nhận ra điều đó nơi Gioan và đã đưa cậu vào làm y tá phục vụ ở bệnh viện. Ông cũng cung cấp cho cậu có cơ hội để nghiên cứu thêm. Ở tuổi 17, cậu theo học trường các cha Dòng Tên, học ngữ pháp, hùng biện, tiếng Latin và Hy Lạp. Nhà thơ tương lai đã tiếp xúc với tiếng Latin và văn chương cổ điển Tây Ban Nha, tiếp xúc với nhiều thứ nhưng chưa được sâu lắm, vì dòng Tên đòi hỏi tiêu chuẩn cao, đòi phải làm nhiều bài tập, đọc sách, và nghị luận. Làm quen với hình ảnh cổ điển, cậu học sinh có năng khiếu học về kỹ thuật văn học và tự mở lòng ra thế giới xung quanh. Những năm làm việc tại bệnh viện và nghiên cứu đòi hỏi trách nhiệm và sự siêng năng, đã bổ sung cho kinh nghiệm ít ỏi đầu đời của Gioan.

ƠN GỌI CÁT MINH

Khi Gioan học xong, ông Alonso đề nghị cậu trở thành linh mục tuyên úy cho bệnh viện. Như thế, cậu cũng có thể giúp mẹ và anh trai thoát khỏi cảnh đói nghèo của họ. Các tu sĩ dòng Tên, đánh giá cao năng khiếu trí tuệ và lòng đạo đức của cậu, cũng đã gợi ý để Gioan đi theo Dòng Tên. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, năm 1563, ở tuổi 21, Gioan đã bước vào tập viện Dòng Cát Minh mới được thành lập tại Medina. Điều đưa đến quyết định bất ngờ này có lẽ là tinh thần chiêm niệm và lòng sùng kính của Dòng Cát Minh dành cho Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Với tên dòng là Tu huynh Gioan Thánh Matthias, Gioan đã trải qua thời gian nhà tập, nghiên cứu luật Dòng Cát Minh và linh hạnh nguyên thủy của Dòng. Trong quyển Những Tu Sĩ Tiên Khởi, một tác phẩm Cát Minh thời trung cổ nói về tinh thần Dòng mà Gioan đã cân nhắc nhiều trong thời gian nhà tập, có lời giáo huấn sau đây:

“Cuộc sống này có một mục đích kép. Một phần chúng ta sẽ đạt được nhờ ơn Chúa giúp, qua những cố gắng và việc thực hành nhân đức của chúng ta. Đây là việc dâng lên Thiên Chúa một trái tim thuần khiết, thoát khỏi mọi vết nhơ tội lỗi thực sự. Chúng ta đạt được điều ấy khi chúng ta nên hoàn thiện và sống trong suối Cơ-rít, tức là ẩn mình trong đức ái mà bậc Khôn ngoan đã nói: “Tình yêu khỏa lấp mọi lỗi lầm” (Cn 10,12). Thiên Chúa ước mong cho Êlia tiến xa trên đường ấy khi Ngài bảo ông: “Ngươi hãy ẩn mình nơi thung lũng Cơ-rít” (1V 17,3-4). Phần kia của mục đích cuộc sống được ban cho chúng ta như là món quà miễn phí của Thiên Chúa: đó là, không phải chỉ sau khi chết, nhưng ngay trong cuộc sống trên trần thế này, hãy nếm thử trong lòng và cảm nghiệm trong tâm hồn sự hiện diện mãnh liệt của Thiên Chúa và vị ngọt ngào của vinh quang trên trời. Như thế chính là uống tận nguồn mạch tình yêu của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã hứa cho Êlia nơi những lời này: “Ngươi sẽ uống nước suối”. Chính trong nhãn giới của mục đích kép ấy mà người tu sĩ dấn thân sống đời ẩn sĩ và ngôn sứ.”

Rồi cuối năm 1564, sau thời gian tập viện, Gioan Thánh Matthias đã đến Salamanca học triết học và thần học. Cảnh quan của làng Đại học này với các nhà thờ và nhà thờ Chính tòa, cung điện và cơ ngơi các lãnh chúa chắc hẳn khiến lòng Gioan rộn ràng. Trường đại học Salamanca đang ở thời hoàng kim của nó, với những giáo sư có uy tín cao, với số lượng sinh viên đông đảo đến từ khắp các miền xứ Tây Ban Nha, trổi vượt về khoa Kinh thánh và thần học, với nhiều trường phái tư tưởng. Nó được xếp vào hàng ngũ các trường đại học lớn của Bologna, Paris, và Oxford. Ở đó bạn sẽ gặp những giáo sư nổi tiếng thời ấy như Tu huynh Luís de León, người đã dạy thần học trên bục giảng của Durando; Mancio de Corpus Christi, một người xứng đáng kế nhiệm Vitoria và Melchor Cano, người giữ chức giảng sư thần học, quan trọng nhất trong các trường đại học; Augustinô Juan de Guevara, người đã có những bài giảng và giải thích được cho là kỳ diệu; Gregorio Gallo, tiếp nối vai trò của Domingo Soto, người đã tiếp nhận chức giáo sư Kinh thánh; và Cristóbal Vela, người trình bày về Scotus. (Các chi tiết về những vị trên đây, có thể xem tại https://es.wikipedia.org)

Tên của Gioan xuất hiện trên các hồ sơ trúng tuyển vào các trường học thuật trong ba năm. Hiện nay người ta vẫn còn giữ được thông tin về những khóa học ở đó và tên của những vị chủ chốt trong ban giáo sư thời ấy. Tôn sư Enrique Hernández, tác giả của một luận thuyết về triết học, dạy các lớp triết học tự nhiên; Francisco Navarro giữ chức trưởng khoa ngành đạo đức; Hernando Aguilera, người đã sáng chế ra một thiên thể kế, vẫn giữ chức trưởng khoa thiên văn học; Francisco Sanchez dạy ngữ pháp, mãi đến nay vẫn được coi là một tác giả thế giá về vấn đề này; Tôn sư Martin de Peralta người đã quảng diễn Summulas (một quyển nhập môn về luận lý học); và Juan de Ubredo giữ chức trưởng khoa âm nhạc. Quy chế nhà trường đại học quy định dùng các tác phẩm của Aristoteles cho các khóa học thuật, nhưng điều này chỉ có nghĩa là đầu niên học người ta có đọc một văn bản của nhà hiền triết; rồi sau đó giảng viên có thể giải thích nó cách rất tự do hoặc cũng có thể hoàn toàn gác nó sang một bên. Tuy nhiên ta không rõ Gioan đã theo lớp học thuật nào.

Niên khóa 1567-1568, Gioan đã đăng ký học thần học. Ta không giữ được hồ sơ về những khóa học ông đã theo. Có lẽ ông đã làm phụ khảo bộ môn chính, mỗi ngày một giờ rưỡi, bắt đầu từ sáng sớm. Tại đây, Mancio de Corpus Christi, dòng Đa Minh, giải thích Tổng luận Thần học của Thánh Tôma Aquinô. Ông này theo phương pháp và phong cách của trường phái Đa Minh do Vitoria và Cano khởi xướng. Nó nhấn mạnh sự trở về nguồn (Kinh thánh, các Giáo phụ và Thánh Tôma Aquinô) đồng thời cũng quan tâm đáp ứng các chủ đề mới và những vấn nạn đương đại. Khoa thần học này được thể hiện bằng ngôn ngữ chừng mực và trực tiếp. Liệu Gioan có tham dự giáo trình của Gaspar Grajal về Kinh thánh hay không? Đó là một vấn đề còn phải nghiên cứu. Vào thời điểm ấy tại các trường đại học đã có một cuộc tranh luận sôi nổi về việc giải thích Kinh thánh. Những người thuộc trường phái kinh viện, kiên quyết trung thành với truyền thống Kinh thánh của thế kỷ trước, đã phản đối nhóm “duy sách thánh” là những người dùng các phương pháp khoa học và khoa nghiên cứu ngôn ngữ lúc ấy đang phát triển để tìm nghĩa đen của Kinh thánh. Grajal nổi bật trong nhóm “duy sách thánh” và sau đó, do những ý tưởng của ông, ông đã bị tòa Tòa án dị giáo tống giam một thời gian. Bên cạnh việc học tại Đại học, cũng như tất cả các tu sĩ khác, các sinh viên Cát Minh còn phải học ở nhà với các bậc thầy trong Dòng của họ, đặc biệt là Gioan Baconthorp (c. 1290-1348, cháu của Roger Bacon), một người từng dạy tại Đại học Cambridge.

Chúng ta được biết rằng Tu huynh Gioan nổi bật với “tài năng xuất sắc” của anh, bằng chứng anh được bổ nhiệm làm giám học đang khi còn là sinh viên. Với chức vụ này, anh phải đứng lớp hàng ngày, bảo vệ các luận đề, và giải quyết các vấn nạn được nêu lên. Thế nhưng có một số lý do khiến người tu sĩ Cát Minh trẻ chói sáng này không hài lòng. Liệu bầu khí học tập theo đuổi kiến ​​thức có dễ biến thành chuyện theo đuổi sự tự tôn, tìm kiếm hư danh, chức vụ, sự tiến thân và các phần thưởng? Gioan bắt đầu phân biện tự hỏi liệu có nên gắn bó sống chết với các hệ thống tư tưởng quen thuộc và miễn cưỡng chấp nhận rằng mọi chiêm nghiệm và nghiên cứu cuối cùng đều khập khiễng? Liệu đây có phải là điều anh đã tìm kiếm khi khấn dòng? Trong mọi trường hợp, chân trời của anh nằm ở chỗ khác; anh thấy mình thường chú tâm đến cuộc sống hoàn toàn chiêm niệm của các tu sĩ Carthusians. Mặc dù Gioan vẫn thích thú với việc học, cuộc sống chiêm niệm đã từng thu hút anh đến với dòng Cát Minh lúc đầu giờ đây đang đấu tranh để giành lại chỗ đứng ưu tiên.

BƯỚC THEO LÝ TƯỞNG TÊRÊXA

Giữa lúc khủng hoảng ơn gọi như thế, năm 1567, Tu huynh Gioan đã được thụ phong linh mục và đến Medina dâng thánh lễ đầu đời. Ở đó, khi trời chớm sang thu, Gioan đã có cuộc gặp gỡ định mệnh với Mẹ Têrêxa Chúa Giêsu. Bà đến thành phố này để xây dựng một cộng đoàn thứ hai cho những nữ tu sẽ tuyên khấn sống đời Cát Minh theo phong cách chiêm niệm mới mà bà đã phát triển tại Avila. Tại đây, bà Mẹ Bề trên kiên quyết này đang cân nhắc liệu có thể đem nếp sống mới mở rộng áp dụng cho các nam tu sĩ chăng? Được nghe biết về những phẩm chất đặc biệt của cha Gioan, bà đã sắp xếp để gặp gỡ và trao đổi với cha. Lúc ấy bà đã 52 tuổi; cha Gioan 25. Gioan bảo rằng cha khao khát được sống cô tịch và cầu nguyện hơn và cha đang có ý chuyển sang dòng Carthusians. Bà đã chỉ ra cho cha thấy rằng cha có thể có được tất cả những điều đang tìm kiếm mà không cần phải rời bỏ “Dòng của Đức Mẹ”. Với lòng nhiệt thành đặc trưng và sự thân thiện, bà đã sôi nổi trình bày cho cha thấy kế hoạch thích nghi nếp sống mới cho các nam tu sĩ. Tu huynh Gioan lắng nghe, phấn khởi, tìm được sự nhiệt tình, và nhìn thấy một tương lai mới mở ra trước mắt. Cha hứa sẽ tham gia công cuộc của Têrêxa, nhưng với một điều kiện – là đừng để cha phải chờ đợi quá lâu. Sự háo hức của thành viên trẻ tuổi mới thu nạp được và sự kiện cha không muốn bị trì hoãn khiến Mẹ Têrêxa rất vui mừng. Về sau, Gioan đã viết một khảo luận hướng dẫn người ta làm thế nào để đạt được hiệp nhất với Thiên Chúa cách nhanh chóng. Năm sau, vào tháng Tám, với một nhóm nhỏ, Mẹ Têrêxa lên đường từ Medina đi Valladolid, để thành lập một đan viện mới. Tu huynh Gioan, nay đã học xong, cùng đi với họ để tìm hiểu thêm về nếp sống Cát Minh mới.

Ý tưởng của Têrêxa là lập ra cộng đoàn nhỏ, ngược lại với tu viện Nhập Thể bà đã sống trước đây ở Avila, nơi có đến 180 nữ tu sống. Ý tưởng ấy nằm trong bối cảnh một phong trào cải cách rộng lớn đang lan khắp Tây Ban Nha thế kỷ XVI. Tinh thần cuộc cải cách Tây Ban Nha này được đánh dấu bằng một số đặc điểm chung: sự trở về nguồn, về với quy luật ban đầu và về với tinh thần vị sáng lập; sống đời cộng đoàn, thực hiện đức nghèo khó, nhịn ăn, thinh lặng và giữ luật nội vi; hơn nữa, quan trọng nhất là đời sống cầu nguyện. Dân chúng dùng nhiều kiểu nói khác nhau để chỉ các cộng đoàn mới có những đặc điểm ấy: cải cách, tuân thủ, lắng đọng, chân trần, ẩn sĩ, chiêm niệm. Cái tên “chân trần” đã trở thành phổ biến khi nói đến các nữ tu và tu sĩ của Têrêxa vì họ mang dép chứ không mang giày. Những cố gắng cải cách đời tu đã bắt đầu vào thế kỷ XV để đáp ứng với những biến động trong đời tu gây ra bởi trận Dịch hạch đen. Những nỗ lực ban đầu dẫn đến khuynh hướng chống duy trí, nhấn mạnh về tình cảm, nghi lễ bên ngoài, tôn sùng, và cầu nguyện cộng đoàn lớn tiếng. Thế nhưng việc đọc kinh cầu nguyện lâu giờ ngày này qua ngày khác đã trở nên tẻ nhạt và máy móc. Nó khiến người ta khao khát một điều gì khác, muốn có nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện nội tâm. Kết quả thực tế là một thực hành mới đã phát triển trong nhiều tu viện Phan Sinh. Lối thực hành này được gọi là “hồi tâm, lắng đọng” và những người đi theo được gọi là “recogidos” (những người “trầm lắng”). Linh hạnh này bận tâm trước hết đến việc hiệp nhất với Thiên Chúa trong tình yêu và giúp thực hiện điều ấy bằng cách tìm nuôi dưỡng mình qua Kinh thánh và các tác phẩm tâm linh cổ điển. Những tác phẩm này, do các tác giả như Augustinô, Grêgôriô Cả, Bernarđô và Bonaventura hồi ấy vừa được ấn hành bằng máy in mới phát minh. Một tu sĩ Phan Sinh thời ấy là Francisco de Osuna trình bày linh hạnh này trong quyển Tập đánh vần tâm linh số 3. Quyển sách này đã tạo cảm hứng cho Têrêxa và đưa bà vào con đường cầu nguyện nội tâm. Osuna dạy rằng để tiến trên đường tâm linh, cần phải thực hành việc hồi tâm bắt chước Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã vào sa mạc một mình để cầu nguyện riêng với Chúa Cha. Osuna giải thích rằng nhờ sự hồi tâm này, còn gọi là tâm nguyện, ta rời xa mọi ồn ào của nhân thế và vào tận bên trong bản thân mình. Têrêxa đã qua một thời dao động và phải kiên trì nhiều năm đấu tranh để có thể dành hai giờ mỗi ngày cho tâm nguyện. Thế nhưng những ơn huyền giao Thiên Chúa bắt đầu ban cho Têrêxa đã dạy bà nhiều hơn mọi sách bà có được. Chỉ nhờ cầu nguyện với Chúa Giêsu Kitô bà mới có thể vào tận bên trong lâu đài nội tâm. Ở đó bà càng tiến vào những mức ở lại sâu thẳm nhất, sự hiện diện của Chúa càng dâng cao. Chính sự hiện diện với Chúa Kitô làm cho việc cầu nguyện của Têrêxa tốt đẹp, từ giai đoạn đầu, qua mức giữa và đến tận đỉnh cao nhất. “Đừng bao giờ lìa bỏ Chúa Kitô, Ngài luôn là bạn đồng hành của ta, chính nơi Ngài, con người và Thiên Chúa nên một.” Bà đã cảnh báo như thế với những nhà thần học đang đến với bà để tìm hiểu về chiêm niệm. “Chính nhờ Ngài mà mọi ơn lành đến với chúng ta. Ngài đang luôn luôn nhìn bạn. Làm sao bạn có thể không hướng đôi mắt tâm hồn lên nhìn Ngài?” Cũng thế, các cộng đoàn của bà sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có Chúa Giêsu Kitô ở giữa. Họ phải là những cộng đoàn nhỏ, lúc đầu chỉ có 12 nữ tu, qui tụ quanh Đức Kitô như những người bạn của Ngài. Không có phân biệt giai cấp. Những phân biệt giai cấp lộ rõ trong nội vi các nữ tu thời ấy, do tầng lớp quý phái điều hành, tiêu biểu như trường hợp đan viện Nhập thể. Têrêxa nhấn mạnh: Trong Chúa Giêsu Kitô tất cả chúng ta đều bình đẳng, và bề trên là người đầu tiên có phiên lau quét sàn nhà.

Đến lúc này Mẹ Têrêxa đã viết hai cuốn sách của riêng bà: Quyển thứ nhất tựa đề Đời tôi, viết cho các vị linh hướng của bà, trong đó bà cẩn thận phân tích tất cả các giai đoạn của sự cầu nguyện và giải thích nhiều ơn huyền giao Thiên Chúa đã ban cho bà, minh chứng rằng Đấng Cao Cả ban ơn không mệt mỏi; quyển thứ hai tựa đề Đường Hoàn Thiện, viết cho các nữ tu của bà, trong đó bà nêu rõ nếp sống và lối cầu nguyện họ sẽ thực hiện trong cộng đoàn, không chỉ để thánh hóa bản thân, nhưng còn vì Giáo hội, một Giáo hội đang đau khổ và bà đau khổ vì Giáo hội không kém gì những lúc suy nghĩ về những đau khổ của Chúa Kitô. Đối với Têrêxa, những đau khổ của Giáo hội cũng chính là đau khổ của Chúa Kitô.

Thế đó, Gioan Thánh Matthias có bao nhiêu điều để học hỏi từ người nữ tu khiêm tốn, giản dị và tuyệt vời này. Về phần bà, khi đã nhận biết rõ hơn về người tu sĩ bé nhỏ nọ, bà rất kinh ngạc. “Mặc dù ngài có tầm vóc nhỏ, tôi tin rằng trong mắt Thiên Chúa, ngài rất lớn lao”, bà viết vào thời điểm đó. Gioan đã nói về những kỳ diệu của Thiên Chúa và những mầu nhiệm về sự tốt lành của Ngài cách rõ ràng và chói sáng đến nỗi nhóm bắt đầu gọi cha là “kho tài liệu về Thiên Chúa”.

Giữa Mẹ Bề trên và vị tu sĩ đầu tiên của bà cũng có nhiều khác biệt. Bà thú nhận đã lắm lúc bực mình với cha Gioan. Bà mong muốn các cộng đoàn nam tu sĩ mới của bà có nhiều người thông thái để họ có thể là những vị hướng dẫn tốt không chỉ qua kinh nghiệm của cùng một nếp sống nhưng còn qua kiến thức của họ. Chính Têrêxa đã phải khổ sở nhiều do những sự thiếu hiểu biết không đáng có của các cha giải tội, nên bà đã quan tâm tìm cách tránh cho các nữ tu của mình những chuyện tương tự. Vào thời điểm ấy, cha Gioan có xu hướng nhấn mạnh những giới hạn của việc học. Mẹ Têrêxa thì nghĩ một chuyên gia phải là một người có trình độ, phải biết rất nhiều về một cái gì đó; còn cha Gioan dường như không nghĩ rằng một chuyên gia cần phải biết nhiều về một điều gì đó, nhưng một chuyên gia là người biết những sai lầm mà người ta có thể mắc phải và biết phải làm thế nào để tránh được chúng. Têrêxa sợ rằng khổ hạnh và việc đền tội có thể khiến sinh viên đại học lánh xa cộng đoàn tu sĩ mới của bà, cho nên bà nhấn mạnh đến một nếp sống cân bằng, trong đó các nhân đức Kitô giáo như bác ái, từ bỏ và khiêm nhường cần được quan tâm nhiều hơn các khổ chế. Vào thời ấy, khổ hạnh được coi là có liên quan chặt chẽ với sự thánh thiện, và Gioan, mặc dù công nhận quan điểm của Têrêxa, nhưng vẫn nghiêng về phía khổ hạnh, cả các tu sĩ cải tổ khác cũng nghĩ thế, họ coi khổ hạnh là con đường của nam tính. Về sau, trong các tác phẩm của ngài, Gioan cũng bàn đến khổ hạnh với một thái độ hoài nghi nhất định. Ông nêu rõ làm sao, cùng với rất nhiều điều tốt đẹp khác, cuối cùng các khổ chế lại có thể phá hỏng đời sống tinh thần. Têrêxa nghĩ rằng niềm vui Kitô hữu phải thấm nhuần các cộng đoàn của bà; các nữ tu đã dành thời gian để giải trí với nhau mỗi ngày, ca hát và làm thơ tặng nhau. Không có lý do gì để họ phải ảm đạm. Têrêxa nồng nhiệt khuyên rằng: “Hãy niềm nở, dễ chịu, và làm hài lòng những người mà bạn gặp gỡ, nhờ vậy mọi người sẽ nói chuyện với bạn và mong muốn theo cách sống và hành động của bạn.” Gioan cần phải có thời gian để quen với điều ấy. Việc đọc kinh Thần vụ trong các cộng đoàn của Têrêxa đơn giản hơn nhiều so với ở đan viện Nhập Thể. Nhờ đó họ có thể dành được một giờ ban sáng và một giờ ban chiều cho việc tâm nguyện. Như các ẩn sĩ thuở đầu trên núi Cát Minh, hằng ngày các nữ tu sống chủ yếu trong thinh lặng và cô tịch, một mình trong các tu phòng của họ, lao động chân tay kéo sợi để góp phần nuôi sống chính mình. Thế nhưng công việc hàng ngày của các nam tu sĩ của Têrêxa lại khác, bà muốn họ chăm lo nghiên cứu, giảng dạy và cử hành các bí tích.

Têrêxa ghi lại rằng, sau đó, từ giữa tháng Tám đến tháng Mười, Têrêxa hăng hái chu toàn vai trò của bà như một giáo viên đối với cha Gioan, mặc dù bà thú nhận bà cảm thấy rằng Tu huynh Gioan quá tốt, bà đã có thể học được nhiều từ nơi cha hơn là cha học được nơi bà. Kết thúc thời gian “tập viện” ngắn gọn dưới sự hướng dẫn của Mẹ Bề trên, Gioan Thánh Matthias rời Valladolid với một nhiệt huyết mới theo tinh thần Têrêxa, bắt đầu làm việc để biến đổi cái trang trại nhỏ Têrêxa vừa mua lại thành một tu viện cho các tu sĩ đầu tiên của Dòng. Nó nằm trong một nơi hẻo lánh gọi là Duruelo, giữa Avila và Salamanca. Đến cuối tháng Mười Một, Tu huynh Gioan đã biến ngôi nhà nhỏ với mái hiên, căn phòng chính, góc tường, gác xép, và nhà bếp nhỏ thành tu viện đầu tiên dành cho các tu sĩ Cát Minh cải tổ. Vào ngày 28 tháng 11 năm 1568, với một phó tế trẻ và Tu huynh Antonio de Heredia (người đã từng là Bề trên tại Medina), trong sự hiện diện của vị giám tỉnh, Tu huynh Gioan Thánh Matthias ôm lấy cuộc sống mới, hứa sẽ sống mà không giảm nhẹ Quy luật Cát Minh cổ đại. Lúc đó ngài đã đổi tên dòng thành Gioan Thánh Giá. Mùa xuân sau đó cha giám tỉnh bổ nhiệm Tu huynh Antonio làm Bề trên và Tu huynh Gioan làm giám sư tập viện, đến mùa thu thì có hai tập sinh đến. Sau đó cơ sở đã trở thành quá nhỏ, cho nên tháng Sáu năm 1570 cộng đoàn đã chuyển đến gần thị trấn Mancera de Abajo. Cũng trong năm ấy, Gioan đến Pastrana để giúp tổ chức một tập viện khác, rồi lại chuyển đến Alcalá de Henares để thiết lập một học viện cho các tu sĩ mới gần trường đại học nổi tiếng của Alcalá. Ông trở thành Giám đốc đầu tiên của học viện, hướng dẫn sinh viên học tập và phát triển tâm linh. Rồi sau đó, cũng ngay từ đầu, Gioan dấn thân vào một nhiệm vụ cấp bách trước mắt, linh hướng. Với Kinh thánh, với kinh nghiệm riêng, và nắm vững cả triết học và thần học, ngài bắt đầu suy nghĩ về sự phát triển tâm linh, quan sát đường lối của nhân loại, để nhận rõ ra đường lối của Thiên Chúa.

Công cuộc của ngài bây giờ đã phải mở rộng. Têrêxa vừa được cha Pedro Fernández, kinh lược, gửi đi làm Bề trên tại đan viện Nhập Thể ở Avila, đã được phép mời Tu huynh Gioan Thánh Giá làm cha giải tội và linh hướng lành nghề cho số lượng đông đảo các nữ tu ở đó. Đó là một cộng đoàn bị áp lực với nhiều vấn đề kinh tế và xã hội. Đức Giáo hoàng Piô V đã ký thác việc cải cách của họ cho các tu huynh dòng Đa Minh. Theo lệnh ngài, Cha Fernández, dòng Ða Minh đã đến giải quyết các vấn đề của dòng Cát Minh ở Castilla, với tư cách kinh lược. Một cha Đa Minh khác, Francisco Vargas, lo cho dòng Cát Minh ở Andalusia. Những vị kinh lược này có quyền hành rất lớn. Họ có thể thuyên chuyển tu sĩ từ nhà này sang nhà khác, và từ tỉnh dòng này sang tỉnh dòng khác, hỗ trợ các Bề trên trong chức vụ của họ, và đề cử các bề trên khác từ dòng Ða Minh hoặc dòng Cát Minh. Họ được quyền thực hiện mọi hành vi cần thiết để “thăm viếng, sửa đổi và cải cách cả các bề trên lẫn các thành viên của tất cả các nhà của các tu sĩ nam và nữ”. Với một sự tôn trọng lẫn nhau sâu sắc cũng như với sự lịch thiệp và khôn khéo, cha Fernández đã tạo cho mẹ Têrêxa những điều kiện thuận lợi để giải quyết các công việc.

Vào cuối tháng năm 1572, Gioan Thánh Giá đến Avila và bước vào thế giới nữ tu, một thế giới đã trở thành lĩnh vực đặc biệt của ngài trong tác vụ tâm linh. Tác vụ này bao gồm cả việc linh hướng cho chính Mẹ Têrêxa. Trong những năm này, qua những cuộc trò chuyện sâu sắc và cởi mở ngài nhận được từ Mẹ nhiều không kém những gì ngài đã cho. Có lần, vào Chúa nhật lễ Chúa Ba Ngôi hai vị nói chuyện ngây ngất đến nỗi không những được xuất thần mà người ta còn thấy hai vị được nâng cao lên khỏi mặt đất. Vào ngày 18 tháng 11 năm 1572, trong khi cha Gioan đang linh hướng, thánh nữ Têrêxa bất ngờ nhận được ơn hôn phối tâm linh. Bà đạt tới mức ở lại thứ bảy và là mức cuối cùng trên hành trình tâm linh của bà. Tại tâm điểm của lâu đài nội tâm, bà đã đạt tới trạng thái cao nhất của sự kết hiệp thân mật với Thiên Chúa. Kinh nghiệm của những năm ấy, khi được đứng ở một vị trí rất đặc ân, vị linh mục giải tội đã có thể thấy công cuộc của Thiên Chúa nơi Têrêxa, đã để lại trong các tác phẩm sau này của Gioan những dấu vết sâu đậm hơn lúc đầu người ta đã có thể mường tượng. Ngoại trừ Kinh thánh, Mẹ Têrêxa đã cung cấp một nguồn ánh sáng lớn hơn tất cả những sách mà Tu huynh Gioan đã học được. Bản thân mẹ đã không tiếc lời ca ngợi những ân điển nơi vị linh hướng của bà. Trong một lá thư, bà mô tả ngài như là một “người của Thiên Chúa, của cõi trời” và khẳng định rằng trong khắp cả Castilla bà đã không tìm thấy được vị linh hướng nào như ngài. Hai vị đã ở Avila như thế đó, Têrêxa và Gioan: Vừa rất giống nhau, vừa rất khác nhau, để rồi có thể bổ sung cho nhau trong các tác phẩm của họ. Tác vụ linh hướng của Gioan lan rộng cả thành phố, với một đám đông người, kể cả những người nổi tiếng là tội lỗi. Cha đã cố gắng dành thời gian cho tất cả mọi người, cả những trẻ em nghèo. Nhớ lại thời thơ ấu của mình, cha đã quy tụ trẻ em lại, dạy cho chúng biết đọc, biết viết.

XUNG ĐỘT THẨM QUYỀN TÀI PHÁN

Vua Philip II đã xen mình cách kỳ cục vào chuyện cải cách các dòng tu, dẫn đến một chuỗi những hiểu lầm và một đêm dày cho người tu huynh thấp bé. Cha Fernández đã thi hành quyền hạn của mình cách thận trọng và hài hòa với tỉnh dòng Cát Minh Castilla. Đang khi đó ở phía Nam, cha Francisco Vargas yêu cầu các tu sĩ cải tổ xây thêm cơ sở ở Sevilla, Granada và La Peñuela (tất cả đều thuộc tỉnh dòng Andalusia), một việc làm đi ngược với những lệnh truyền công khai của Bề trên Tổng quyền không cho mở rộng các tu viện cải tổ tại khu vực đó. Tại tu nghị dòng được triệu tập tại Piacenza (Italia) tháng năm 1575, dòng Cát Minh đã có một số quyết định mạnh mẽ về tất cả những gì họ nghe nói đã diễn ra ở Tây Ban Nha, đặc biệt là ở Andalusia. Thật không may là cả hai vị giám tỉnh từ Castilla và Andalusia, là những người có thể nêu rõ một số ánh sáng về những chuyện ấy, đều vắng mặt. Vì vậy, các pháp lệnh quy định rằng những người đã được đặt làm bề trên “ngược với sự vâng phục cần có đối với bề trên trong dòng, cũng như những ai đã nhận những trách vụ hoặc đã sống trong những tu viện hoặc những nơi mà các bề trên ấy đã cấm đều phải rời khỏi chức vụ, với sự giúp đỡ của thế quyền nếu cần.” Những ai chống lại sẽ được coi là bất tuân, nổi loạn và ngoan cố, và đáng bị trừng phạt nặng nề. Cha Jerónimo Tostado được bổ nhiệm làm kinh lược của Dòng đi Tây Ban Nha, với đầy đủ quyền hạn để thực hiện các quyết định của tu nghị.

Trong một tông sắc vào tháng Tám năm trước, theo yêu cầu của dòng Cát Minh, Đức Giáo hoàng Grêgoriô XIII đã tuyên bố chấm dứt sự kinh lược của các cha Đa Minh và ra lệnh từ ấy các tu sĩ Cát Minh cần được kinh lược bởi Bề trên Tổng quyền và các đại diện của ngài, giữ nguyên hiệu lực những gì đã được các vị kinh lược trước đây thiết lập. Thế nhưng nhà vua không hài lòng. Tại sao vấn đề này đã không được trình bày cho ông để được ông chấp thuận trước đã? Sứ thần của Đức Thánh Cha là cha Nicolás Ormaneto, làm việc chặt chẽ với nhà vua, đã nhận được sự đảm bảo rằng với tư cách sứ thần ngài vẫn có quyền kinh lược và cải cách các dòng tu. Cha Ormaneto chỉ định Jerónimo Gracian (một linh mục học thức xuất thân từ đại học Alcalá, đã gia nhập dòng Cát Minh cải tổ và trở thành một cộng tác viên gần gũi với Mẹ Têrêxa trong nhiều công cuộc của Mẹ) làm kinh lược mới cho dòng Cát Minh ở Andalusia.

Sau khi Mẹ Têrêxa mãn nhiệm kỳ viện trưởng tại đan viện Nhập Thể, cha Gioan được lệnh của sứ thần tiếp tục ở lại đan viện này, có lẽ vì những việc ngài đã làm được ở đó rất tốt. Theo quan điểm của tu nghị Piacenza, Gioan ý thức rằng việc ngài hiện diện ở đó gây nhiều căng thẳng nên ngài tìm cách xin thuyên chuyển. Thật ra, ngài đã bị các tu sĩ Cát Minh bảo thủ bắt giữ vào tháng Giêng năm 1576, nhưng rồi đã được thả ra do sự can thiệp của sứ thần. Dù vì lý do gì, ngài đã vẫn ở đó, và khi sứ thần Ormaneto qua đời vào tháng 6 năm 1577, Gioan đã không còn ai bảo vệ và sự hiện diện của ngài tại Avila ngày càng gây bực bội cho những người nghĩ rằng nó trái với quyết định của tu nghị Piacenza. Rồi điều phải đến đã đến sớm. Đêm 02 tháng 12 năm 1577, một nhóm tu sĩ Cát Minh, thường dân và cả người có vũ trang đã đột nhập vào nhà ở của vị linh hướng, bắt Tu huynh Gioan và dẫn đi. Theo lệnh của Tostado, họ chở ngài đi bằng xe bò, bị còng tay và bịt mắt thường, theo một lộ trình bí mật, đến tu viện ở Toledo, tu viện đẹp nhất của Dòng tại Castilla, nơi có gần 85 tu sĩ sống. Họ đọc to cho Gioan nghe các văn kiện của tu nghị Piacenza và theo đó ngài bị tố cáo là nổi loạn và ngoan cố. Ngài phải thuận phục hoặc phải bị trừng phạt nặng. Nhưng vị tu sĩ bị tố cáo lập luận rằng các văn kiện của tu nghị không áp dụng đối với ngài vì ngài đã ở đan viện Nhập Thể theo lệnh của quyền bính hợp pháp, và ngài xác tín mình không bị buộc phải từ bỏ nếp sống mà ngài đã chấp nhận cùng với Têrêxa. Thế là, theo hiến pháp, ngài bị bỏ tù.

Thoạt đầu những kẻ tố cáo nhốt ngài trong phòng giam tu viện, nhưng sau hai tháng, sợ ngài trốn thoát, họ đưa ngài đến một nơi khác, một căn phòng hẹp và tối tăm, chỉ có đôi chút không khí và ánh sáng lọt qua một khe nhỏ trên cao ở vách tường. Căn phòng chỉ rộng hai mét, dài ba mét. Cha Gioan ở đó một mình, không có gì ngoài quyển sách nguyện, qua những tháng mùa đông lạnh thấu xương và mùa hè nóng như thiêu đốt. Thêm vào đó còn bị đánh đòn, chỉ ăn bánh mì chay, uống nước lã, chỉ có một bộ đồ mặc suốt tháng này qua tháng khác mà không được giặt – rồi còn rận. Mẹ Têrêxa đã viết thư cho nhà vua và xin nhà vua hãy vì tình yêu của Thiên Chúa mà truyền phóng thích Tu huynh Gioan lập tức. Giữa cảnh thiếu thốn ấy, Tu huynh Gioan tìm sự cứu trợ bằng cách tự soạn trong tâm trí những bài thơ của ngài, để lại cho hậu thế một số đoạn thơ trữ tình vĩ đại bậc nhất văn học Tây Ban Nha – trong đó có phần lớn bài Ca Khúc Tâm Linh. Những câu thơ này gợi cho thấy rằng trong phòng giam chật chội, bị tước lột hết mọi tiện nghi trần thế, ngài đã rất cảm động chỉ với một số tia sáng từ Thiên Chúa. Những cái chật chội vây quanh thành vô nghĩa, ý thức của vị tu huynh vươn rộng. “Đấng Chí Ái của em, là những núi”. Cũng chính nơi đây, giữa sự trống rỗng tối tăm, một tổng hợp tâm linh bắt đầu trổ hoa. “Đức tin và tình yêu sẽ dẫn bạn qua những nẻo đường bạn chẳng biết, đến tận nơi Thiên Chúa ẩn mình” (CaB 1,11). Mọi thứ khác đều qua đi, nhưng không ai có thể tước đoạt được đức tin và tình yêu của ngài, và chính những điều này đem Thiên Chúa lại cho ngài.

Nhờ một người cai ngục mới tốt bụng và khoan dung hơn, Gioan xin được ít giấy mực để ghi lại những bài thơ của ngài. Nhờ những lúc được ra khỏi phòng giam, ngài đã quen dần với khung cảnh xung quanh tu viện. Rồi, vào một đêm tháng Tám oi bức, sau khi bị giam giữ chín tháng, hốc hác tiều tụy đến gần chết, Gioan quyết chọn cuộc sống. Ngài đã thực hiện một cuộc trốn thoát nguy hiểm mà nhờ những khoảnh khắc ngắn ngủi được ra khỏi phòng giam ngài đã phác họa được. Ngài phát hiện ra một cửa sổ nhìn xuống sông Tajo, và bên dưới cửa sổ là đỉnh của một bức tường. Tất nhiên, cửa phòng giam bị khóa. Lợi dụng lúc người canh giữ vắng mặt, ngài đã nới lỏng các ốc vít của bộ khóa. Đang khi các tu sĩ có vẻ đã ngủ và tu viện rất yên ắng, ngài đẩy mạnh vào cánh cửa phòng giam và bộ khóa bung ra. Nhờ đó ngài đã rời khỏi phòng giam và lần mò trong bóng tối để tới chỗ cửa sổ ấy. Ngài dùng dải vải của hai khăn trải giường cũ bện thành một sợi dây, cột vào một cái móc đèn, và trốn thoát qua cửa sổ phía trên cao của bức tường. Các bức tường rào bao quanh tu viện và khắp cả khu vườn, do đó, ngài đã đi vòng quanh trên bức tường rào ấy cho đến khi đến một chỗ mà ngài nghĩ là sát vệ đường. Ngài nhảy xuống khỏi tường rào, rơi vào một tình huống khó xử. Ngài đã nhảy nhằm vào trong sân các nữ tu Dòng Phanxicô của tu viện Conception sát liền nhà dòng Cát Minh. May thay, trong một góc vườn các nữ tu, ngài thấy những viên đá trên tường có thể dùng làm nấc thang trèo qua tường để đến được các nẻo đường của thành phố và tự do. Phải nói cuộc vượt ngục của ngài thật kỳ diệu. Đi một lúc, ngài đã có thể tìm thấy được nơi trú ẩn, trước hết là tại nhà các nữ tu của Mẹ Têrêxa tại Toledo và sau đó, nhờ họ giúp đỡ, ngài đã tới được bệnh viện Santa Cruz gần đó và được bí mật chăm sóc. Vị sứ thần mới, cha Felipe Sega, không giống như người tiền nhiệm. Ông tỏ ra không hài lòng với Têrêxa, và đặc biệt là các tu huynh của bà mà con số lúc ấy đã hơn 300. Với sự giúp đỡ của Tostado, ông đã tìm cách lập lại một thứ trật tự nào đó. Gần như tuyệt vọng, tháng 10 năm 1578, các tu sĩ cải tổ đã triệu tập một tu nghị tại Almodóvar del Campo, phía Tây Nam Toledo, bất chấp những nghi ngờ về tính hợp pháp của nó. Họ tuyên bố rằng đơn giản họ chỉ muốn thực hiện những gì họ đã nhất trí trong một tu nghị trước đã được cha Gracian triệu tập năm 1576, thời Ormaneto vẫn còn sống. Vị Tu huynh vượt ngục, Gioan Thánh Giá, đã được bổ nhiệm làm đại diện của El Calvario, một tu viện nằm trong miền núi thanh vắng gần Beas ở Andalusia. Ở đây, ngài sẽ được an toàn hơn so với bất kỳ nỗ lực nào muốn bắt lại ngài.

Khi Sega nghe biết về tu nghị Almodóvar ông tuyên bố nó vô hiệu, kể như không có. Ông giận dữ tống giam Gracian và những người khác. Ông đặt các tu sĩ và các nữ tu cải tổ dưới thẩm quyền xét xử của vị giám tỉnh thuộc dòng Cát Minh bảo thủ. Thế nhưng nhà vua đã có kế hoạch khéo léo tìm cách giảm sự cuồng nhiệt của Sega: ông lập một ủy ban nghiên cứu những cáo buộc chống lại cải tổ. Trong tháng 4 năm 1579, ủy ban đạt quyết định, bổ nhiệm Angel de Salazar, một cựu giám tỉnh của dòng Cát Minh bảo thủ, phụ trách các tu sĩ và nữ tu của Mẹ Têrêxa. Mẹ Têrêxa vui mừng về việc bổ nhiệm này, và cha Gracian ca ngợi cha Salazar là một người nhẹ nhàng và kín đáo mà mối quan tâm chính là để an ủi những người sầu khổ và thúc đẩy hòa bình.

NHÀ THƠ VÀ CHA LINH HƯỚNG

Cha Gioan đã cảm thấy an ủi và bình an khi một năm và mấy tháng trước đó[1], ngài đến để đảm nhận chức vụ mình tại El Calvario, một nơi có vẻ đẹp ngoạn mục, xa những xung đột và các mối đe dọa về quyền tài phán. Ngài không hề quan tâm đến quá khứ và chẳng nói gì về thời gian bị tù. Ngài không thù oán, chẳng than phiền cũng không tự hào về những gì đã phải chịu đựng. Hơn bao giờ hết, giờ đây ngài có thể lắng nghe thiên nhiên qua các giác quan của mình: những bông hoa, những làn gió huýt sáo, đêm, bình minh, các dòng suối cuồn cuộn, tất cả đều nói chuyện với ngài. Thiên Chúa hiện diện khắp nơi.

Nhưng chưa đầy một năm, ngài đã phải chuyển về thành phố một lần nữa, lần này đến thị trấn đại học Baeza để làm Giám hiệu trường đại học mới dành cho các tu sĩ Têrêxa ở phía Nam. Dù không thể cạnh tranh với những nơi như Salamanca hay Alcalá, Trường Đại học Baeza đã có một uy tín nhất định và đã có những đóng góp quan trọng về nghiên cứu Kinh thánh. Trong thời gian làm Giám hiệu cho đại học Cát Minh (1579-1582), Gioan hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, quen thuộc với giới giáo sư tại trường đại học. Sử liệu để lại cho thấy họ thường xuyên tham khảo ý kiến ​​và nói chuyện lâu với ngài về Kinh thánh. Những năm sau khi trốn thoát, Gioan đã một lần nữa đảm nhận sứ vụ linh hướng, không chỉ cho các tu sĩ mà còn cho các nữ tu. Ngài thường xuyên vượt các ngọn núi để đến Beas, một thị trấn nhỏ của vùng Andalusia điển hình với những ngôi nhà nhỏ quét vôi, có lưới tản nhiệt phía trước cửa sổ lớn và ban công với nhiều loại cây có hoa. Thị trấn này quan trọng trong cuộc sống của Gioan, vì ở đây ngài đã gặp Ana de Jesús, một nữ viện trưởng lúc đầu không nhận ra chiều sâu và linh hạnh của ngài. Trong một bức thư gửi Ana, đáp lại lời bà than phiền rằng không có cha linh hướng, Mẹ Têrêxa nêu rõ suy nghĩ của mình về Tu huynh Gioan Thánh Giá:

“Con ạ, mẹ thực sự ngạc nhiên với phàn nàn vô lý của con, khi con đang có Cha Gioan Thánh Giá ở với con. Ngài là một người của Thiên Chúa, là người của trời cao. Mẹ có thể nói với con rằng kể từ khi ngài ra đi, thì khắp cả Castilla mẹ đã chẳng tìm thấy ai như ngài. Cũng chẳng ai khác có thể truyền cảm hứng cho những người có rất nhiều nhiệt tình muốn đến thiên đàng. Con khó mà hiểu mẹ đã cảm thấy lẻ loi như thế nào khi thiếu vắng ngài. Con nên xét lại mà coi, con còn có một kho tàng lớn lao biết bao nơi vị thánh ấy, và tất cả những chị em trong tu viện nên gặp gỡ ngài và cởi mở tâm hồn của họ với ngài, họ sẽ thấy được bổ ích đến ngần nào và thấy mình được tiến nhanh trên đường tâm linh và hoàn thiện biết bao, bởi vì Thiên Chúa đã ban cho ngài một ân huệ đặc biệt để phục vụ mục tiêu ấy” [Tháng 12 năm 1578].

Mẹ Têrêxa tiếp tục ca tụng sự thánh thiện, lòng tốt, kinh nghiệm và sự hiểu biết của cha Gioan. Nữ tu Ana de Jesús đã sớm nắm được lời của Mẹ Têrêxa qua kinh nghiệm riêng của chị. Gioan chia sẻ những bài thơ của mình với các nữ tu, và qua những buổi nói chuyện dành cho họ, ngài bắt đầu minh giải bài Ca Khúc Tâm Linh. Trong thời gian vị tu sĩ thánh thiện làm Hiệu trưởng tại Baeza, các tu sĩ Cát Minh cải tổ, nhờ sự can thiệp của nhà vua, đã giành được sự độc lập về quyền tài phán. Năm 1580, Tòa Thánh cho phép họ thiết lập một tỉnh dòng tự trị, trực thuộc Bề trên Tổng quyền của Dòng. Mãi đến năm 1593, sau khi cả hai thánh Têrêxa và Gioan đều đã qua đời, họ mới có được sự độc lập hoàn toàn, khi Đức Giáo hoàng Clêmentê VIII ban cho dòng Cát Minh cải tổ những quyền hạn và đặc ân như các Dòng tu khác. Năm 1582, Tu huynh Gioan được bầu làm Bề trên một tu viện tiếp giáp với vùng Alhambra, với toàn cảnh nổi bật của miền Sierra Nevada và nhìn ra thành phố Granada thú vị với dấu vết kỳ lạ của nền văn hóa Hồi giáo còn sót lại khắp mọi nơi. Ở đây, ngoài việc lãnh đạo cộng đoàn, Gioan còn thiết kế và xây dựng một kênh thoát nước mới và một tòa nhà tu viện mới, về sau đã trở thành một mô hình cho các tu viện cải tổ. Đồng thời, tác vụ linh hướng của ngài không dành riêng cho các tu sĩ nam nữ mà còn cho cả giới giáo sĩ và những giáo dân đến gõ cửa tu viện tìm kiếm sự giúp đỡ. Ngài khởi đầu công việc của một nhà văn, bắt đầu viết những tác phẩm kinh điển về mặt tâm linh. Năm 1585, tại tu nghị ở Lisbon, Gioan được bầu làm phó giám tỉnh Andalusia. Chức vụ này buộc ngài phải thường xuyên đi lại. Ngài đã chăm sóc tất cả các nhà của tu sĩ và nữ tu ở Andalusia, viếng thăm chính thức mỗi nơi ít nhất một lần một năm. Ngài thành lập bảy tu viện mới. Tất cả những việc này đã đưa ngài đến Córdoba, Málaga, Caravaca, Jaén, và các thành phố nổi tiếng khác ở phía nam của Tây Ban Nha.

NHỮNG NĂM CUỐI CÙNG

Mùa hè năm 1588, cha Gioan đã được bầu làm ủy viên thứ ba của hội đồng cố vấn, phụ giúp cha tổng đại diện Cát Minh cải tổ, cha Nicolás Doria, và phải quay về Segovia miền Castilla, và với tư cách ấy, ngài cũng là Bề trên ở đó. Tại nhiệm sở mới, một cảnh quan tuyệt vời của Segovia và phụ cận, ngài lại dành nhiều giờ cho việc lao động tay chân, thiết kế một phần bổ sung cho tu viện, kiếm đá để làm, và lo xây dựng. Ngài không còn viết nữa, nhưng dành nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện, thường đến một hang động trong vườn nơi có thể nhìn thấy các vùng nông thôn và dễ được cô tịch để chiêm niệm thật sâu. Ngài đã đẩy tác phẩm mới nhất của ngài, Ngọn Lửa Tình Nồng, tới một kết thúc nhanh đến bất ngờ, thú nhận rằng ngài không muốn giải thích gì thêm về hơi thở của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn, “bởi tôi thấy rõ mình không biết nói gì về điều ấy, mà nếu tôi có nói lên điều gì thì cũng chẳng bằng không nói ra”. Cha Gioan tiếp tục chức vụ linh hướng của ngài, không bao giờ tránh những người đến xin giúp đỡ. Những công việc quản trị Dòng vẫn luôn được ngài quan tâm chu đáo. Thế nhưng chuyện này lại nhen nhúm một xung đột khác, lần này là giữa các tu sĩ cải tổ với nhau. Cuộc đụng độ bắt đầu khi Nicolás Doria triệu tập một tu nghị đặc biệt vào tháng 6 năm 1590 nhằm thực hiện hai thay đổi gây tranh cãi. Việc thứ nhất là, ngài muốn khước từ quyền tài phán đối với các nữ tu, đáp lại sự chống đối của Mẹ Ana de Jesús người phản đối kế hoạch của ngài. Cha Doria hy vọng sửa đổi được hiến pháp của Mẹ Têrêxa để hướng dẫn các nữ tu qua một cơ chế hội đồng chứ không phải qua một tu sĩ được chỉ định cho việc này. Thứ hai, ngài đề nghị trục xuất cộng tác viên gần gũi của Thánh nữ Têrêxa, là Cha Jerónimo Gracian, khỏi dòng Cát Minh cải tổ. Tu huynh Gioan đã lên tiếng phản đối cả hai thay đổi. Trong tu nghị năm sau, những vị cố vấn khác đã được bầu lên để hỗ trợ Doria, Gioan không còn một chức vụ nào. Chuyện này trở thành vấn đề cho người khác hơn cho Gioan. Khi hay tin, một số người đã phản đối mạnh mẽ. Thế nhưng Gioan lại nhìn những chuyện ấy một cách khác, như ngài vẫn thường làm, và nói lên ý nghĩ của mình trong một lá thư gửi cho nữ tu Bề trên ở Segovia:

“… Đừng để những gì xảy đến cho cha khiến con muộn phiền bởi lẽ điều đó chẳng gây muộn phiền gì cho cha. Điều khiến cho cha hết sức đau lòng là người ta đã đổ lỗi cho người không có lỗi. Không phải nhóm nam giới ấy thực hiện những điều đó mà là chính Thiên Chúa, vì Chúa biết điều gì phù hợp với chúng ta. Ngài sắp đặt mọi sự vì thiện ích của chúng ta. Con chớ nghĩ gì khác ngoài việc Chúa an bài mọi sự. Và ở đâu không có tình yêu, con hãy đặt tình yêu vào đó và con sẽ gặt hái được tình yêu…” [ngày 06 tháng Bảy năm 1591].

Dường như để trả đũa, Doria gửi Gioan Thánh Giá về lại Andalusia, đến một tu viện hẻo lánh tên là La Peñuela, một nơi cô quạnh như Duruelo hoặc El Calvario. Tuy nhiên, Gioan lại tranh thủ thời gian ở đấy để chuẩn bị cho sứ vụ Mexico, ngài sẽ phải dẫn một nhóm 12 tu sĩ tới đó. Ngài sống hạnh phúc trong cô tịch, nhưng lại có những kẻ xúc xiểm bắt đầu quấy rầy sự yên ổn của các bạn bè ngài, những người ngài đang giúp linh hướng, và phá vỡ sự im lặng đầy ấn tượng của La Peñuela. Tu huynh Diego Evangelista, vốn oán giận vị cựu bề trên của mình đến cay nghiệt, đang hăm dọa tìm cách thu thập thông tin chống lại vị tu sĩ linh hướng để vận động trục xuất ngài khỏi nhóm cải tổ. Tu huynh Diego sẽ chẳng bao giờ có thời gian để tiến xa trong dự định ấy. Giữa tháng Chín, Gioan bắt đầu bị sốt nhẹ do chân bị sưng. Nghĩ rằng chẳng có gì nghiêm trọng, ngài không bận tâm, nhưng rồi nó cứ kéo dài buộc ngài phải đi Ubeda điều trị vì tại La Peñuela không có sẵn phương tiện y tế. Khi được chọn giữa Baeza và Ubeda, ngài đã chọn Ubeda, “ít ra tại Baeza người ta biết rõ về tôi, còn ở Ubeda chẳng ai biết tôi”. Và đó là cuộc hành trình cuối cùng của đời ngài.

Bề trên tu viện Ubeda, Tu huynh Francisco Crisostomo, chẳng hân hoan gì khi tiếp đón người bệnh. Học thức cao và nổi tiếng là một nhà giảng thuyết, Tu huynh Crisostomo có điểm yếu của mình, trong đó có một xu hướng là keo kiệt và cứng nhắc. Ngài thấy ngay một tu sĩ bệnh tật sẽ là một phiền toái và một khoản chi phí lớn, và ngài đã để lộ sự bực tức; ngài cũng chẳng quan tâm gì tới người đã được cho là thánh. Bệnh của cha Gioan càng lúc càng tồi tệ. Chân cha bị lở loét và căn bệnh viêm quầng lây lan đến lưng cha với một khối u bằng nắm tay mới phát. Ngày 13 tháng 12, Tu huynh Gioan Thánh Giá biết rằng thời giờ chẳng còn mấy, cha đã mời cha Bề trên đến, xin ngài tha thứ cho tất cả những phiền toái cha đã gây ra. Điều ấy đã khiến vị Bề trên thay đổi cách sâu xa. Ngài đã xin cha Gioan tha thứ và rời khỏi phòng trong nước mắt, hoàn toàn biến đổi. Các nhân chứng cho biết về sau Tu huynh Francisco Crisostomo đã chết trong hương thơm thánh thiện. Đêm ấy, khi các tu sĩ bắt đầu đọc những lời cầu nguyện cho những người hấp hối, Tu huynh Gioan Thánh Giá nài xin: “Đừng, xin hãy đọc một số câu của sách Diễm ca”, rồi thốt lên: “Ôi, những lời châu ngọc!”. Đến nửa đêm, không chút đớn đau, dằn vặt, ngài qua đời, khi đang lặp đi lặp lại lời thánh vịnh: “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác linh hồn con”. Những ơn ngài đã xin cho những năm cuối đời, giờ đây ngài đã nhận được: được chết khi không làm bề trên, được chết ở một nơi không ai biết đến, và được chết sau khi đã phải chịu nhiều đau khổ.

CHÂN DUNG MỘT VỊ THÁNH

Những sự kiện chính trên đây trong cuộc đời ngắn ngủi của Thánh Gioan Thánh Giá chưa vẽ nên hình ảnh đầy đủ về tính cách và linh hạnh riêng của ngài. Ngài đã sớm quen với sự túng thiếu, đến sau thì bị hiểu lầm và bị ở tù, rồi những bách hại phải chịu lúc cuối đời, tất cả lẽ ra đã sản sinh ra một kẻ yếm thế hay chỉ trích cay cú; nhưng thay vào đó, lại là một người được thanh luyện và được khai sáng. Những sự kiện nhìn bề ngoài thật buồn nhưng bên trong biến thành những hoa trái đầy lòng yêu người và cảm thông sâu sắc với những ai đau khổ. Cùng với những điều ấy là một cái nhìn rõ ràng hiếm có về vẻ đẹp nơi các thụ tạo của Thiên Chúa và về sự thân mật với Thiên Chúa Ba Ngôi mà Gioan đã nhận ra là chỉ có thể mô tả được phần nào qua những ẩn dụ về cuộc sống của vinh quang. Trước tiên, về ngoại hình thể lý, Tu huynh Gioan Thánh Giá là một người thấp bé, chỉ cao một mét rưỡi. Mỗi khi nhắc đến ngài, Thánh Têrêxa hầu như luôn thấy phải dùng thêm từ “bé nhỏ”. Khi mô tả về cảnh tù tội của ngài, bà viết: “Trong chín tháng ngài đã ở trong một nhà tù nhỏ đến nỗi, dù nhỏ bé như ngài, cũng không có đủ chỗ để ngài đi qua đi lại”. Ngài tuy gầy gò, nhưng khuôn mặt trái xoan xương xẩu với vầng trán rộng và hói, đã tạo nên một diện mạo đáng kính. Mũi hơi khoằm, đôi mắt ngài đen và lớn. Tương ứng với hình ảnh ấy của Tu huynh Gioan là chiếc áo dòng nâu đã cũ và một chiếc áo choàng trắng thô dường như làm bằng lông dê.

Từ thơ ấu đã phải chịu cảnh nghèo, cả đến khi đã là một tu sĩ cũng nghèo, cho nên ngài thấy khó mà làm ngơ trước cảnh những người khác phải khốn khó về vật chất. Với những người đến xưng tội, ngài không tự giới hạn vào việc tìm kiếm lợi ích tâm linh cho họ, nhưng còn tìm cách giúp đỡ khi họ cần. Đôi khi ngài chia sẻ cho họ bằng quỹ từ thiện ít ỏi của tu viện, đôi khi ngài đi xin những người sùng đạo khác bố thí cho họ. Có lần, thấy một linh mục đến xưng tội mặc tấm áo chùng đã sờn rách, ngài đã xin mấy nhà hảo tâm một số tiền để mua cho vị linh mục ấy một chiếc áo mới. Ngài đau lòng khi chứng kiến cảnh nghèo khó của nhiều nữ tu tại đan viện Nhập thể, những người không có các nguồn lực vật chất để thụ hưởng những thứ tốt đẹp từ gia đình. Một ngày nọ, khi vào đan viện làm phận vụ linh hướng, ngài thấy một nữ tu lau sàn nhà đi chân trần, không phải vì bà có ý đền tội nhưng vì bà không có giày. Ngài liền ra phố, hỏi xin một số người từ thiện cho tiền, và quay lại cho người nữ tu để bà có thể mua giày. Rồi đến năm 1584, một năm khô hạn và thiếu đói ở Andalusia, là Bề trên tu viện Granada, cha Gioan đã làm hết sức có thể để giúp đỡ hoặc thực phẩm hoặc tiền bạc cho tất cả những người nghèo đến gõ cửa tu viện. Với những người xuất thân từ dòng dõi sang trọng ngài đã giúp cách bí mật bởi vì, mặc dù thiếu thốn, họ thường xấu hổ không dám xin cách công khai. Đi đâu ngài cũng tìm người nghèo và cả các bệnh nhân. Giờ đây ngài hiểu sâu sắc hơn những buồn khổ của các bệnh nhân ngài từng gặp hồi còn thanh niên khi làm việc trong bệnh viện tại Medina. Ngài cũng chịu đau để có thể biết đồng cảm với người bệnh cách tinh tế nhất, để biết cách chăm sóc cho họ, an ủi họ, và cho họ niềm hy vọng. Ngài đã không cho phép chuyện tiền nong xen vào nỗi ước mong tìm cách giúp cho các tu huynh bị bệnh sự chăm sóc tốt nhất có thể. Có lần ngài đã xin một bác sĩ tìm bất cứ cách nào để giúp một anh em trợ sĩ đang chịu đau đớn quá sức. Vị bác sĩ đáp rằng ông có biết một thứ thuốc rất tốn kém và chẳng giúp gì hơn là chỉ giảm sự đau đớn được phần nào. Mặc dù cộng đoàn rất chật vật, Gioan vẫn gửi tiền mua loại thuốc ấy để lo cho người anh em đang bệnh nặng ấy, và ngài đã làm như vậy một cách hạnh phúc. Khi đến một tu viện, sau khi viếng Thánh Thể, bao giờ ngài đến thăm các bệnh nhân trước hết.

Ngài rất bén nhạy trước nỗi buồn hoặc sự chán nản của người khác và tha thiết muốn an ủi những người tự ti mặc cảm, ngài biết cách vận dụng tính hài hước. Các nhân chứng đã kinh ngạc kể về khiếu hài hước của ngài và cho biết ngài rất vui khi làm được cho người khác cười. Họ thích thú chờ đợi sự có mặt của ngài. Là Bề trên, ngài có trách nhiệm kêu gọi người khác đóng góp, nhưng ngài không muốn làm nản lòng bất cứ ai. Ngài cho rằng: “Nếu người ta bị bề trên đối xử khắc nghiệt thì sẽ trở nên rụt rè không dám dấn thân đảm nhận những việc đòi hỏi nhân đức cao”. Ngài cũng không nghĩ mình có giải đáp cho mọi vấn đề. Cách của ngài là tham khảo ý kiến những ​​người khác trong cộng đoàn, một phương cách quản trị giúp tạo được bầu khí thanh thản. Là một vị thánh cũng không khỏi những sai lầm, là Bề trên cũng vậy. Có lần khi nhìn lại mình cuối chặng đường đời, cha Gioan đã nói: “Khi tôi nhớ lại những sai lầm ngốc nghếch đã mắc phải khi làm Bề trên, tôi đỏ mặt”.

Nhu cầu của con người không chỉ có vật chất và tâm lý; mà còn có những nhu cầu nổi bật về tâm linh nữa. Trong lời giáo huấn thường ngày, cha Gioan thường chỉ ra rằng chúng ta càng yêu mến Thiên Chúa thì càng mong ước cho tất cả mọi người đều yêu mến phụng thờ Ngài và niềm mong ấy càng gia tăng, ta càng quyết chí phấn đấu cho mục đích ấy, cả trong lời cầu nguyện lẫn trong mọi việc làm khác có thể có được. Công việc ngài ưa thích nhất là làm linh hướng, qua đó ngài có thể giúp mỗi người vượt thoát khỏi những căn bệnh về đạo đức và tinh thần của họ. Trong việc này, ngài không hề tiếc chính mình, quả là ngài có một nhận thức hết sức đặc biệt về định mệnh cao cả của chúng ta. Từ các giáo sư đại học đến những bà vợ khiêm nhường thất học của những người chăn cừu, dân chúng mọi tầng lớp đều cảm thấy tòa giải tội của ngài thật lôi cuốn. Trường hợp chị trợ sĩ khiêm tốn, Catalina de la Cruz đã trải nghiệm là một trường hợp điển hình qua loại câu hỏi chị đã hỏi ngài: “Tại sao khi con đi ra vườn bọn ếch lại nhảy xuống nước?” Thấy ngay đây là dịp để đưa ra một bài học tâm linh, Gioan trả lời rằng đó là vì chúng cảm thấy được an toàn khi lặn sâu xuống hồ và “đó cũng là những gì con phải làm, trốn thoát khỏi mọi thụ tạo và ẩn mình trong Thiên Chúa”. Những người tội lỗi cũng thấy mình có thể đến với ngài mà không sợ hãi. Ngài thường bảo: “Một cha giải tội càng thánh thiện người ta càng ít sợ”. Khi linh hướng cho người khác, Gioan tập trung vào sự hiệp thông với Thiên Chúa trong đức tin, đức cậy và tình yêu, được nhiều người gọi là “cuộc sống hướng về Thiên Chúa”. Cuộc sống này có tính cách vừa chủ động vừa thụ động, bao trùm hết tất cả, từ những bước đầu tiên trong đời Kitô hữu đến những thành tựu cao nhất trên hành trình huyền giao. Giữa một thời đại đang nhìn sự khắc kỷ tu thân như một phần hấp dẫn và cần thiết trên đường tu đức, giáo huấn khổ hạnh của ngài lại nêu rõ đức tin, đức cậy và tình yêu mới là con đường nên thánh khi bước theo Đức Kitô.

Ngài quan tâm sâu sắc nhất đến những người phải đau khổ trong đời sống tâm linh. Nhu cầu khẩn thiết của những linh hồn đang phải vất vả đấu tranh nội tâm khiến ngài viết nên Đường Lên Núi Cát MinhĐêm Dày. Những mô tả mãnh liệt của ngài về những phiền não của đêm dày có thể khiến một số người hoảng sợ, nhưng khi trình bày những đau khổ dưới dạng cùng cực của chúng như thế ngài chỉ mong giúp tất cả mọi người hiểu rằng đó là chuyện ai cũng có thể trải qua. Ngài muốn mọi người được bình thản hiểu rằng dù chúng cay nghiệt đến đâu, thì bàn tay dịu dàng của Thiên Chúa vẫn còn đó, Ngài sẽ dọn sạch mọi rác rưởi của mê thích để chúng nhường chỗ cho ánh sáng thần linh. Với ngài, đau khổ không phải là một bất hạnh nhưng là một giá trị khi người ta chịu đau khổ với và cho Chúa Kitô. Không một chi tiết nào trong cuộc sống của Gioan cho thấy ngài nghĩ mình là một chuyên gia nên cần được ưu tiên trong việc sử dụng thời giờ. Ngài đã dự phần vào tất cả những nhiệm vụ khác nhau cần thiết để giữ cho cuộc sống cộng đoàn được chạy đều. Ta gặp ngài tại ca triều, tại tòa giải tội, lo nhà bếp, tưới vườn, làm cỏ, trang trí bàn thờ, thiết kế bản vẽ kiến ​​trúc, tham gia việc xây dựng, thăm người bệnh, và dĩ nhiên, viết. Dù nhỏ người và mảnh khảnh, dường như ngài vẫn bị thu hút làm những việc chân tay nặng nhọc. Phải chăng đó là cách ngài phản đối quan niệm của nhóm Thiên khải là những người chủ trương rằng các tôi tớ của Thiên Chúa không nên làm lao động chân tay? Cả ở Granada và Segovia, trong thời gian xây cất tu viện, ngài tham gia ra mỏ đá, khai thác đá đem về xây dựng. Tại Beas, khi không phải linh hướng cho các nữ tu, ngài làm việc nhà giúp họ, dựng những vách ngăn, xếp gạch xây tường và chà sàn nhà.

Ngài nhận thấy các thụ tạo có thể trở thành nô lệ, rơi vào tăm tối và đau khổ đến mức nào. Nhưng những thú vui giả dối của những người dính bén với thụ tạo không sao sánh được với niềm vui của người siêu thoát khỏi thụ tạo. Nhìn thấy nơi thụ tạo đâu đâu cũng đầy dấu vết của vẻ đẹp, sức mạnh, và sự khôn ngoan đầy yêu thương của Thiên Chúa, Gioan không dễ cầm lòng trước sự quyến rũ của thiên nhiên. Tiếc nhớ cảnh thôn dã cô tịch và trữ tình của El Calvario, sau khi thành lập Trường Đại học Baeza, ngài mua lại một thửa đất trong vùng, tôn tạo nó thành nơi cho ngài và anh em Cát Minh trẻ thoát khỏi cái rộn ràng ô hợp của thành phố. Nhiều khi ngài đưa các tu sĩ đến vùng núi, để thư giãn. “Để họ khỏi rơi vào cám dỗ muốn lìa bỏ tu viện vì phải cầu nguyện trong cô tịch quá lâu giờ ở đó”, như ngài đã từng có lần nhận xét; và đôi khi, là để mỗi người có thể sống cả ngày ở đó “cầu nguyện trong cô tịch”. Tại Segovia có một hang động ngài rất ưa thích, do thiên nhiên tự đào sâu xuống, vách thì cao lên vô tội vạ lại nhìn ra một khoảng bầu trời tuyệt vời với dòng sông và quang cảnh chung quanh. Ngài ngày càng yêu hang động im lặng này và bất cứ lúc nào có thể ngài đều đến đó. Những lá thư của cha Gioan lộ rõ sự nồng ấm ngài vẫn thường chia sẻ với những người khác. Cách riêng anh trai của ngài là Francisco dường như vẫn là một niềm hạnh phúc đặc biệt cho ngài. Mỗi lần giới thiệu Francisco ngài thường nói: “Tôi có thể giới thiệu với bạn đây là anh tôi, kho tàng giá trị nhất tôi có được trên đời này.” Khỏi cần nói, cả Thánh nữ Têrêxa cũng thế, đã gợi lên nơi ngài một sự ngưỡng mộ đặc biệt. Đến nỗi ngài vẫn giữ một bức chân dung của thánh nữ bên mình. Song song với vẻ bên ngoài rất giản dị của Tin mừng là cả một linh hồn bừng cháy, hệt như Thánh nữ Têrêxa. Về sự sống thân mật với Thiên Chúa, có lần tại Granada Ngài đã thừa nhận: “Thiên Chúa thông ban mầu nhiệm Ba Ngôi cho kẻ tội lỗi này cách lạ lùng đến nỗi nếu Ngài không bổ sức cho sự yếu đuối của tôi bằng một sự trợ giúp đặc biệt, tôi sẽ không thể nào sống nổi!” Choáng ngợp trước nhận thức về sự tốt lành của Thiên Chúa, ngài vẫn thường thốt lên: “Ôi, chúng ta có một Thiên Chúa tốt lành biết bao!” Ngài ít cần ngủ, cho nên thường dành nhiều thời giờ ban đêm để cầu nguyện, đôi khi quỳ tại bậc cấp bàn thờ trước Thánh Thể; có những lúc khác ngài quỳ dưới tán cây trong vườn, và lắm khi ngay tại cửa sổ tu phòng, từ đó ngài có thể nhìn ra trời và tất cả các vùng nông thôn. Trong những năm cuối cuộc đời ngắn ngủi, ngài bị hút vào trong Thiên Chúa sâu xa đền độ thường phải khó khăn lắm mới can dự được vào các vấn đề thông thường, phải kín đáo nhấn các khớp ngón tay vào tường mới có thể chú tâm vào câu chuyện đang trao đổi.

Kinh nghiệm của ngài về Thiên Chúa luôn bắt rễ từ đời sống Giáo hội, được nuôi dưỡng bởi các bí tích và phụng vụ. Các nhân chứng về cuộc đời ngài đều nói rằng ngài cử hành Thánh Lễ rất sốt sắng. Thánh Lễ thường là dịp cho những ơn lành đặc biệt. Khi cử hành ngài có thể bị mất hút trong Thiên Chúa đến độ không còn ý thức về thực tế xung quanh. Nỗi đau khổ lớn nhất của ngài khi bị cầm tù tại Toledo là bị tước mất Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là “tất cả vinh quang của ngài, tất cả hạnh phúc ngài, và khiến ngài vượt khỏi mọi chuyện trần thế”. Đặc ân duy nhất ngài đã chấp nhận khi làm bề trên tại Segovia là sống gần Thánh Thể.

Các lễ và các mùa phụng vụ không chỉ là những kỷ niệm bên ngoài; đó là những dịp để tâm linh được biến đổi từ bên trong theo tinh thần của mầu nhiệm đang cử hành. Vào ngày trước lễ Giáng sinh ngài thường cùng với các tu sĩ tổ chức một loại đi kiệu á phụng vụ để nhớ lại Mẹ Maria và Thánh cả Giuse đã phải đi tìm chỗ trọ cho Hài nhi thánh ra đời. Hơn bao giờ hết, mùa Giáng sinh khiến tim ngài đập rộn rã với tình yêu dành cho Chúa Hài đồng Giêsu. Một Giáng sinh nọ, nhìn thấy tượng Chúa Hài đồng đặt nằm trên đệm, ngài thốt lên: “Lạy Chúa, nếu tình yêu là để giết con, thì nay đã đến giờ rồi!” Một lễ Giáng sinh khác, với tình yêu nồng nàn, ngài đã ẵm lấy tượng Chúa Hài đồng trong tay và bắt đầu nhảy múa với niềm vui xuất thần. Quả thật, sắc mặt ngài dường như tương ứng với phụng vụ của Giáo hội. Có lần vào Tuần Thánh ngài đồng cảm với Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô mãnh liệt đến độ dường như không thể rời tu viện để đi giải tội cho các nữ tu. Trong những ngày lễ ngài yêu thích, ngoài lễ Chúa Ba Ngôi và lễ Thánh Thể, là những ngày lễ kính Đức Trinh Nữ. Khi người ta hỏi, sau chín tháng thiếu thốn mọi thứ trong phòng giam, vào Đêm Vọng Đức Mẹ Lên Trời, ngài đã suy nghĩ gì? Ngài đáp: “Tôi đã nghĩ rằng ngày mai là lễ Đức Mẹ và sẽ là dịp đem cho tôi niềm vui tuyệt vời được dâng lễ”. Viễn cảnh về hình ảnh Mẹ Thiên Chúa đã đem lại tình yêu và sự sáng suốt cho tâm hồn ngài. Một lần, đang khi giảng dạy cho các nữ tu tại Caravaca, ngài nhìn thấy hình ảnh Đức Mẹ và không giấu nổi lòng mình yêu mến Mẹ, ngài đã thốt lên: “Hạnh phúc biết bao nếu tôi được sống một mình trong sa mạc với hình ảnh ấy!” Kinh thánh là quyển sách ngài trìu mến hơn hết, đã giúp ngài tiến sâu vào cuộc sống mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngài thích rút lui vào những nơi ẩn khuất của tu viện với quyển Kinh thánh. Hồi ở Lisbon, các tu huynh khác rủ ngài đi thăm một người được in năm dấu thánh nổi tiếng ở thành phố đó, nhưng ngài đã từ chối. Giữa dòng đời cuồn cuộn, ngài vẫn ngồi yên trên bờ đọc Kinh thánh đang khi thiên hạ đi xem hiện tượng lạ. Nhờ đọc Kinh thánh và sống gần Thiên Chúa, Gioan nhận ra rằng lòng tin tưởng trìu mến nơi Chúa Quan Phòng là giải đáp thích đáng nhất cho những khắc khoải âu lo của cuộc sống. Ngài ghi nhận rằng đang khi Thiên Chúa, như một người mẹ yêu thương đứa con bé bỏng, muốn bồng ẵm đưa chúng ta đi nhanh, thì chúng ta lại vùng vẫy, khóc lóc, đòi xuống tự đi bộ và chẳng đi tới đâu cả. Một số người tưởng rằng khi làm bề trên một tu viện nghèo hẳn ngài sẽ quan tâm nhiều về nhu cầu vật chất. Họ mong thấy ngài phải lo lắng. Thế nhưng ngài vẫn giữ thói quen trông chờ mọi sự nơi bàn tay Chúa, nhờ đó trong thực tế ngài đã góp phần đem lại một không khí an bình và tĩnh lặng. Đó cũng là cách phản ứng của ngài khi bị bách hại. Ngài nhìn thấy bàn tay Chúa ở đó và yêu cầu những người khác đừng nói gì lỗi bác ái với kẻ bắt bớ ngài, nhưng hãy nghĩ rằng “chỉ một mình Thiên Chúa đang điều động tất cả.” Ngài viết rằng phải tin cậy vào Thiên Chúa mãnh liệt đến độ dù cả thế giới có sụp đổ cũng không nên hốt hoảng. Ngài nói: Nhờ thanh thản hứng chịu mọi sự ta sẽ gặt được nhiều phước lành, và giúp cho những người đang chịu nghịch cảnh có thể nhận định đúng và biết chọn lựa đúng. Nhờ hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa như thế, trong cơn bệnh cuối đời, ngài luôn được bình an. Khi Bề trên nhắc tới tất cả những gì đã phải chịu đựng, ngài đáp lại bằng những lời lẽ đáng chú ý như sau: “Thưa Cha, đây không phải là lúc để nghĩ về điều đó, vì chỉ là do công lao của máu Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà con hy vọng sẽ được cứu”.

NIÊN BIỂU TIỂU SỬ

1529 Hôn lễ tại Fontiveros của Gonzalo de Yepes và Catalina Alvarez, cha mẹ của Gioan.

1530 Francisco, con trai đầu, chào đời.

1532-1540 Luis, con trai thứ hai, chào đời; không rõ năm nào.

1542 Gioan (Juan de Yepes) chào đời; không rõ ngày tháng.

1545 Don Gonzalo chết.

1545-1546 Doña Catalina đưa ba đứa con đi Toledo mong được phía gia đình chồng giúp đỡ. Một người anh em rể nhận nuôi Francisco, nhưng cả một năm vợ ông đã nhục mạ cháu liên tục. Doña Catalina không chấp nhận được nên đã đưa các con về Fontiveros.

1547 Luis chết.

1548-1551 Cả nhà chuyển đến Arévalo. Tại đây Francisco cưới Ana Izquierdo.

1551 Cả nhà chuyển đến Medina del Campo.

1551-1558 Gioan theo học trường Giáo Lý. Cố gắng theo học các ngành nghề khác nhau. Phục vụ như chú giúp lễ tại La Magdalena.

1556 Thánh Inhaxiô Loyola chết. Charles V thoái vị (+ 1559). Philip II lên ngôi.

1559-1563 Gioan học các môn nhân văn và có lẽ cả triết học với các tu sĩ Dòng Tên, đồng thời khiêm tốn phục vụ tại bệnh viện ở Medina.

1562 Thánh Têrêxa khởi đầu cuộc cải cách tại đan viện Thánh Giuse ở Avila.

1563 Công đồng Trentô kết thúc. Gioan bước vào tập viện Dòng Cát Minh tại Santa Ana ở Medina và năm sau thì khấn dòng.

1564-1568 Gioan theo học Đại học Salamanca: ba năm trong chương trình học thuật và một năm về thần học.

1567 Những tháng đầu năm: Tổng quyền Dòng Cát Minh, cha Juan Bautista Rossi (Rubeo) thăm Castilla, cho phép Têrêxa thành lập các tu viện Cát Minh cải tổ cho các tu sĩ và nữ tu cả những nơi khác ngoài Avila.

1567 Tháng Tư: Gioan được tu nghị tỉnh dòng họp tại Avila đặt làm giám học. Tháng Bảy: Thụ phong linh mục tại Salamanca. Tháng Tám: Dâng lễ mở tay tại Medina. Tháng Chín-Tháng Mười: Cuộc gặp gỡ đầu tiên với Thánh Têrêxa, người đã thuyết phục được Gioan ủng hộ công cuộc của bà.

1568 Gioan kết thúc chương trình thần học tại Salamanca và đồng ý tham gia cộng đoàn đầu tiên của các tu sĩ Cát Minh cải tổ. Tháng Tám: Ngài cùng đi với Mẹ Têrêxa đến Valladolid và ở lại mấy tháng để học nếp sống của cộng đoàn cải tổ tại đó. Tháng Mười: Chuyển đến Duruelo để sửa một ngôi nhà thành một tu viện. Ngày 28 tháng 11: Khánh thành ngôi nhà đầu tiên của các tu sĩ cải tổ tại Duruelo; Gioan được bổ nhiệm làm phó Bề trên và phụ trách các tập sinh.

1569 Mùa Chay: Thánh Têrêxa thăm Duruelo.

1570 Tháng Sáu: Duruelo không được tốt cho sức khỏe. Cộng đoàn dời đến Mancera de Abajo. Cuối năm Gioan thăm Pastrana để thống nhất các tiêu chí đào tạo.

1571 Tháng Giêng: Ngài cùng Mẹ Têrêxa đi Alba de Tormes để lập cơ sở cho các nữ tu tại đó. Ngài trở thành Giám hiệu trường Đại học ở Alcalá de Henares. Thăm Pastrana lần nữa.

1572 Tháng Năm: Tại Avila, theo yêu cầu của Têrêxa, Tu huynh Gioan Thánh Giá trở thành đại diện và cha giải tội tại tu viện Nhập Thể. Ngài vẫn ở đó đến năm 1577, chỉ vắng mặt ngắn hạn vài lần.

1574 Tháng Ba: Ngài đồng hành với Mẹ Têrêxa trong việc lập tu viện ở Segovia và quay về vào cuối tháng Tư.

1575 Ngài đi Medina để phân định tâm linh cho một nữ tu cải tổ. Tháng Năm: Tổng tu nghị Dòng tại Piacenza (Italia) quyết định sát nhập lại các tu sĩ Cát Minh cải tổ vào Dòng.

1576 Tháng Giêng: Tu huynh Gioan và một bạn đồng hành bị các tu sĩ Cát Minh bảo thủ bắt giữ lần đầu. Nhờ sự can thiệp của sứ thần, cả hai được thả ra. Ngày 9 Tháng Chín: Các tu sĩ Cát Minh cải tổ họp tại Almodóvar del Campo. Tu huynh Gioan có tham dự. Cha Gracian chủ trì. Lễ Giáng sinh: Gioan tham dự buổi Phê bình châm biếm do Têrêxa đề xuất và đánh giá, với chủ đề “Hãy tìm chính con trong Ta”.

1577, Ngày 02 tháng 6: Thánh Têrêxa bắt đầu viết Lâu Đài Nội Tâm tại Toledo. Sứ thần Ormaneto qua đời. Vị kế nhiệm ngài không mặn mà gì với các tu sĩ Cát Minh cải tổ. Ngày 2 tháng 12: Gioan bị bắt cóc ở Avila; giữa ngày 4 và ngày 8 ngài được đưa đến Toledo, nơi ngài bị giữ chín tháng trong phòng giam tu viện.

1578 Tháng Tám: trong tuần bát nhật sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, khoảng 2-3 giờ sáng, ngài trốn thoát khỏi nhà tù. Ngài chỉ đem theo một quyển sổ tay có ghi một số bài thơ và vẫn còn lẩn trốn tại Toledo ít lâu. Tháng Mười: Trên đường đến Andalusia, tham dự tu nghị kín của anh em Cát Minh cải tổ tại Almodóvar. Ngài được chọn làm phó bề trên tu viện El Calvario (Sierra del Segura, Jaén). Tháng Mười Một: Gioan đến El Calvario đảm nhận trách vụ của ngài.

1579 Ngài hoạt động rất hiệu quả giữa các nữ tu ở Beas. Vẽ “Phác đồ đường lên núi Cát Minh”, viết phần lớn “Những châm ngôn của ánh sáng và tình yêu”, viết một số đoạn bình giải chưa triển khai trên các khổ thơ từ Ca Khúc Tâm LinhĐêm Dày. Tháng Tư và tháng Năm: Ngài thường đi Baeza để lên kế hoạch thiết lập một trường đại học mới. Tháng Sáu: Gioan sáng lập trường đại học Baeza và trở thành Giám hiệu.

1580 thân mẫu của Gioan, bà Catalina, qua đời tại Medina. Gioan thăm Caravaca theo yêu cầu của Têrêxa. 22 Tháng Sáu: Đức Giáo hoàng Grêgôriô XIII ký đoản sắc tách dòng Cát Minh cải tổ khỏi dòng Cát Minh nguyên thủy (cho phép lập tỉnh dòng riêng nhưng vẫn thuộc Dòng Cát Minh nguyên thủy). Gioan được tặng một khoảnh bất động sản tại Castellar de Santisteban làm nơi để thư giãn và cầu nguyện.

1581 Tháng Ba: tham dự tu nghị tại Alcalá nơi áp dụng đoản sắc về việc tách ra thành tỉnh dòng riêng. Cha Gracian được bổ nhiệm làm giám tỉnh; cha Gioan, là giám định thứ ba. Tháng Sáu: Gioan đi đến Caravaca. Tháng Mười Một: Gioan đi Avila với ý định đưa Mẹ Têrêxa đến Granada để thiết lập một đan viện mới các nữ tu ở đó. Nhưng Mẹ Têrêxa không đi được nên ngài qua Beas mời Ana de Jesús đi lập Dòng ở Granada.

1582 Tháng Giêng: tiếp tục chuyến hành trình đi Granada. Họ đến vào ngày 20. Doña Ana de Peñalosa nhập cuộc vào kế hoạch lập Dòng. Gioan trở thành Bề trên Tu viện Los Martires ở Granada, nơi ngài đã viết hầu hết các bài bình giải và một số bài thơ. Ngày 08 tháng Tư: năm tu sĩ Cát Minh cải tổ được chỉ định đi truyền giáo Congo xuống tàu rời cảng Lisbon. Ngày 04 tháng Mười: Thánh Têrêxa qua đời tại Alba de Tormes.

1583 Tháng Năm: Cha Gioan tham dự tu nghị ở Almodóvar. Ngài được tiếp tục chỉ định làm Bề trên tại Granada.

1585 Tháng Hai: Gioan đi đến Malaga lập dòng cho các nữ tu. Tháng Năm: Tham dự tu nghị tỉnh tại Lisbon. Ngài được bầu làm giám định thứ hai. Tháng Sáu – Tháng Bảy: Ngài trở về từ Lisbon qua ngả Sevilla, rồi đi Málaga. Tháng Bảy – Tháng Tám: Những chuyến đi xa hơn đến những cộng đoàn khác nhau. Tháng Mười: Đến Pastrana để tiếp tục cuộc tu nghị đã bắt đầu tại Lisbon. Vị giám tỉnh mới, cha Doria, là người đầu tiên phải quay về từ Italia. Gioan được bổ nhiệm làm phó giám tỉnh Andalusia, nhưng vẫn ở Granada.

1586 Tháng Hai: Ngài đi Caravaca. Tháng Năm: Đi Córdoba để lập một tu viện mới. Tháng Sáu: Đến Sevilla để thuyên chuyển các nữ tu dòng Cát Minh cải tổ. Ngài lo thủ tục để lập một nhà mới cho các tu sĩ tại đền Đức Mẹ ở Guadalcázar. Ngài đi Ecija, Guadalcázar và Córdoba. Tháng Bảy: Ngài đi Málaga. Tháng Tám và tháng Chín: Tham dự cuộc họp các giám định ở Madrid. Ngài đem Ana de Jesús đi theo để lập một nhà mới cho các nữ tu ở Madrid. Hội nghị các giám định quyết định xuất bản các tác phẩm của Mẹ Têrêxa và dùng phụng vụ Rôma thay cho phụng vụ Mồ thánh mà các tu sĩ Cát Minh đã quen. Tháng Mười: Lập một tu viện mới cho các tu huynh tại Manchuela (Jaén). Tháng Mười Một: Lại đi Málaga. Tháng Mười Hai: Đi đến Caravaca lập một tu viện cho các tu huynh. Đi Bujalance để lên kế hoạch lập dòng.

1587 Tháng Giêng: Kế hoạch lập dòng tại Bujalance thất bại. Tháng Hai: Đi Madrid thời gian ngắn theo yêu cầu của giám tỉnh, cha Nicolás Doria. Tháng Ba: đi Caravaca để can thiệp vào một vụ kiện tụng giữa các nữ tu và các tu sĩ Dòng Tên. Sau đó ngài chuyển sang Baeza. Ngày 8, đến đền Thánh Mẫu ở Fuensanta (Jaén), được ủy thác cho các tu sĩ Cát Minh cải tổ. Tháng Tư: Đi Valladolid dự tu nghị. Ngài thôi giữ chức phó giám tỉnh. Và được bầu làm Bề trên Granada một lần nữa.

1588 Tháng Sáu: Doria triệu tập một tu nghị ngoại thường tại Madrid. Gioan (một giám định phụ trách ủy ban lo về thủ tục) được bầu làm cố vấn thứ nhất (trong số sáu vị) trong hình thức quản trị mới gọi là Hội đồng Cố vấn. Ngài sẽ ở tại Segovia. Khi cha tổng đại diện (Doria) vắng mặt, cha Gioan sẽ hành động như tổng giám định và là chủ tịch của Hội đồng Cố vấn. Ngài cũng là Bề trên tu viện. Một số tu sĩ Cát Minh cải tổ xuống tàu với hải đội “Invincible Armada.”

1589-1590 Với tư cách Bề trên tại Segovia, ngài đã thực hiện những cải tiến quan trọng về cơ sở vật chất và đảm nhận việc xây dựng tu viện mới. Doña Ana de Peñalosa là ân nhân tài trợ.

1590 Tháng Sáu: Một tu nghị ngoại thường được tổ chức tại Madrid. Có vẻ như bất đồng nghiêm trọng. Gioan không hỗ trợ kế hoạch của Doria về cha Gracian và về một số nữ tu đã thất vọng với ý tưởng của Hội đồng Cố vấn.

1591 Ngày 01 Tháng Sáu: Vào đêm trước lễ Ngũ tuần, tu nghị bắt đầu ở Madrid. Doria tái đắc cử. Gioan không có chức vụ, sẵn sàng để đi Mexico. Tháng Bảy – Tháng Tám: Ngài lui về sống cô tịch tại La Peñuela ở Andalusia. Tháng 09: Ngài bị sốt và loét hoại tử trên bàn chân. Ngài chuyển đến Ubeda để được chăm sóc y tế. Ngày 27 tháng 11: Cha phó giám tỉnh, Antonio de Jesús, đến Ubeda. Ngày 07 và 08 tháng 12: Tình trạng của Gioan trở nên tồi tệ. Ngày 11 tháng 12: Ngài xin được rước lễ. Ngày 13 tháng 12: Ngài nói lời từ biệt và cầu xin Bề trên tha thứ những phiền toái có thể ngài đã gây ra và xin được mặc chiếc áo dòng cũ để mai táng. Ngài lãnh nhận các nghi thức cuối cùng và thường xuyên nhắc đến giờ chết của mình. Khi đồng hồ điểm nửa đêm (sang ngày 14) và chuông tu viện bắt đầu giờ kinh Mai, ngài ra đi, như đã nói trước, để “hát kinh Mai ở trên trời”.

1593 Tháng Năm: Hài cốt của ngài được chuyển về Segovia. Việc này có lẽ được Cervantes ám chỉ tới trong quyển Don Quixote (1.19).

1618 Ấn bản đầu tiên các tác phẩm của Gioan Thánh Giá (Alcalá), không có Ca Khúc Tâm Linh.

1622 Ấn bản tiếng Pháp đầu tiên của Ca Khúc Tâm Linh (Paris).

1627 Ấn bản tiếng Tây Ban Nha đầu tiên của Ca Khúc Tâm Linh (Brussels).

1630 Ấn bản đầu tiên của tác phẩm toàn tập bằng tiếng Tây Ban Nha, do Jerónimo de San José sắp xếp chuẩn bị (Madrid).

1675 ngày 22 tháng 01: Đức Giáo hoàng Clêmentê X đưa Gioan Thánh Giá lên hàng chân phước.

1726 ngày 27 tháng 12: Được Đức Thánh Cha Bênêđictô XIII phong hiển thánh.

1874 Viện Hàn lâm Hoàng gia về Tiếng Tây Ban Nha đưa Gioan Thánh Giá vào danh mục chính thức những nhà văn có thế giá trong việc dùng từ và và đặt câu trong tiếng Castilian.

1926 ngày 24 tháng 8: Đức Thánh Cha Piô XI công bố Thánh Gioan Thánh Giá là một Tiến sĩ Hội thánh toàn cầu. Hài cốt ngài được chuyển về ngôi mộ hiện nay tại Segovia, do Félix Granda thiết kế.

1952 Bộ Quốc gia Giáo dục Tây Ban Nha chọn Gioan Thánh làm bổn mạng các nhà thơ Tây Ban Nha.

CÁC TÁC PHẨM

Các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá không sánh được với các tác phẩm của những Tiến sĩ Hội thánh vĩ đại khác về số lượng và sự đa dạng các chuyên đề. Là một nhà thơ, trước hết, Gioan trình bày những nội dung phong phú kinh nghiệm huyền giao của mình qua thơ trữ tình, và bằng cách này đã đóng góp một kho báu tuyệt vời cho văn học Tây Ban Nha. Ngoài ra, ngài đã để lại cho chúng ta bốn tác phẩm lớn bằng văn xuôi: Đường Lên Núi Cát Minh, Đêm Dày, Ca Khúc Tâm LinhNgọn Lửa Tình Nồng. Những tác phẩm khác chỉ còn lại một ít thư tín, một số châm ngôn khác nhau và những lời khuyên. Được viết trong 14 năm cuối đời, sau khi đã chín muồi trong sự trưởng thành trí tuệ và tâm linh. Bộ tác phẩm hiện còn của ngài toát ra một tổng hợp giáo lý về đời sống tâm linh đã thành toàn đáng kể trong tâm trí ngài khi ngài bắt đầu viết. Không có thay đổi quan trọng của tư tưởng xảy ra trong giảng dạy của ngài; không có “Gioan thời đầu” tương phản với “Gioan thời sau”. Các chủ đề ngài nhấn mạnh cũng không thay đổi: hiệp nhất với Thiên Chúa, nguồn gốc Ba Ngôi của sự hiệp nhất và kết quả cuối cùng của nó là vinh quang; Chúa Giêsu Kitô, là Ngôi Lời và là Đấng Chí Ái; đức tin vừa là nội dung của các mầu nhiệm vừa là con đường tăm tối dẫn đến hiệp nhất; yêu thương, tức là ra khỏi mình để sống nơi ngôi vị khác; sự phát triển chủ động và thụ động của đời sống hướng thần; việc hiệp thông với Thiên Chúa trong cầu nguyện thinh lặng; sự mê thích là một nguồn lực đưa đến tội lỗi và hủy diệt.

Trên văn đàn Tây Ban Nha, Gioan Thánh Giá đã giành được một vị trí nổi bật cho thơ của ngài. Về văn xuôi, ngài viết theo những văn phong khác nhau. Đôi khi ngài minh giải qua những biểu tượng thông thường, đôi khi ngài dùng ngôn ngữ Kinh thánh, cũng có khi qua cả những thuật ngữ chuyên môn theo khái niệm của các nhà thần học kinh viện; đôi khi với một phong cách đầy sáng tạo, rất riêng. Nhưng rõ ràng không phải là ngài chuyên lo trau chuốt văn từ. Đôi khi câu văn của ngài có thể khá phức tạp, lặp đi lặp lại, và lộn xộn. Không thường xuyên, tuy nhiên, nguồn cảm hứng của thơ ca đã tràn vào văn xuôi của ngài đã để lại cho chúng ta những đoạn văn có tính văn chương nổi trội, độc đáo và đẹp.

Ngoại trừ Những Châm Ngôn của Ánh Sáng và Tình Yêu và một số thư tín đã được bảo tồn nguyên bản với bút tích, bản thảo gốc các tác phẩm của Gioan Thánh Giá đã bị thất lạc. Tác phẩm của ngài còn lại cho chúng ta qua khá nhiều bản sao chép tay khá trung thực. Như vậy một vấn đề quan trọng đặt ra cho chúng ta liên quan đến việc đọc ra bản gốc và việc chọn lựa bản sao nào có vẻ trung thành nhất với bản gốc. (Trong ấn bản Anh ngữ của Kavanaugh và Rodriguez, phần dẫn nhập cụ thể vào từng tác phẩm có nêu rõ những bản sao nào được các chuyên gia coi là đáng tin cậy nhất; bản sao ấy sẽ được dùng để phiên dịch).

Dưới đây là một tổng quan về các tác phẩm đích thực cùng với nơi chốn và thời gian sáng tác thực tế hoặc gần đúng của chúng:

Ở TÙ TẠI TOLEDO (năm 1578)

Ca Khúc Tâm Linh (bài thơ, 31 đoạn thơ).

Vì tôi biết lắm dòng suối (thơ).

Các Tình khúc: Bài dựa theo đoạn Tin Mừng “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời” (thơ).

Bài dựa theo thánh vịnh “Bên sông Babylon” (thơ).

CALVARIO, BEAS, BAEZA (1578-1581)

Đêm Dày (thơ, 1578 hoặc 1579).

Bản phác họa ngọn núi.

Những châm ngôn của ánh sáng và tình yêu.

Các biện pháp phòng chống.

Lời khuyên gửi một tu sĩ.

Đường Lên Núi Cát Minh (chuyên luận, 1581-1585).

Bổ sung Bài Ca Khúc Tâm Linh (bài thơ); những bài thơ khác (1580-1584).

GRANADA (1582-1588)

Ca Khúc Tâm Linh (minh giải trong một soạn thảo đầu tiên, 1584).

Đêm Dày (minh giải, 1584-1585).

Bài thơ cuối cùng tại Granada (1585).

Ngọn Lửa Tình Nồng (minh giải, phiên bản đầu tiên, 1585-1586).

Ca Khúc Tâm Linh (minh giải, phiên bản thứ hai, 1585-1586).

LA PEÑUELA (1591)

Ngọn Lửa Tình Nồng (minh giải, phiên bản thứ hai).

NGUỒN

Trong tác phẩm, Thánh Gioan tận dụng cơ hội để giao tiếp với các độc giả của mình như là một nhà huyền giao, một nhà thơ, một thầy dạy và là một người nồng nàn yêu mến Thiên Chúa. Với mục đích giáo huấn, ngài dựa trên những kiến ​​thức về thần học, tâm lý học và linh hướng. Khởi đi từ những biểu tượng thơ ca của ngài, ngài đã dẫn người đọc đến hệ thống khái niệm của mình với một ngôn ngữ và những ứng dụng riêng của nó. Về vấn đề những nguồn của tư tưởng, vào thời Gioan, nguồn tài liệu không chỉ đơn thuần dựa trên kinh nghiệm quá khứ nhưng phải dựa vào thẩm quyền truyền thống. Giáo hội công nhận một số tác giả nào đó là có thẩm quyền. Trên tất cả, Kinh thánh giải quyết mọi vấn đề. Một đoạn Kinh thánh được coi là một thẩm quyền từ Kinh thánh, và thường được Gioan gọi như thế. Mối quan tâm hiện đại về sự chính xác văn bản và sự uyên bác có tính phê bình không thành vấn đề; có vẻ như Gioan thường trích dẫn Kinh thánh theo trí nhớ hoặc từ sưu tập thời trung cổ. Một vài tác phẩm ngoài Kinh thánh mà ngài trích dẫn nay được gọi là giả mạo. Vấn đề là thay vì một sự uyên bác lịch sử, sự chính xác văn bản, và một tâm trí thận trọng đối với sự khôn ngoan được tiếp nhận, thế giới của Thánh Gioan đã lập nên được một sự dồi dào ở tầm cao, một truyền thống được truyền lại qua nhiều thế kỷ và nhiều khi qua trung gian những văn bản bị hỏng.

Cả trong cấu trúc và phác thảo tư tưởng, tác phẩm của Gioan để lộ những ảnh hưởng của Tôma Aquinô và các nhà kinh viện. Một số yếu tố của chủ nghĩa huyền giao phản ánh Thánh Augustinô và tân thuyết Platon. Một số hình ảnh và giai đoạn cũng gợi nhắc tới những tác giả huyền giao của Đức và Pháp cũng như các chủ đề, vấn đề và ngôn ngữ của các nhà huyền giao Tây Ban Nha trước đó. Một sự nhạy cảm với những ấn tượng giác quan và nét đặc trưng sính biểu tượng của thơ Tây Ban Nha thời kỳ ấy cũng rất rõ; cũng có thể có những ảnh hưởng mang tính biểu tượng và ngôn ngữ từ Hồi giáo. Tuy nhiên mặc dù chúng ta có suy đoán về tất cả điều ấy, cuốn sách duy nhất có thể được gọi đúng là nguồn mạch của kinh nghiệm và các tác phẩm của Gioan là Kinh thánh.

Đối với Gioan, Kinh thánh được dùng như là một suối nguồn linh động tuôn chảy không bao giờ cạn. Nước của suối nguồn ấy thâm nhập khắp toàn bộ hữu thể của nhà huyền giao, nhà tư tưởng, nhà thơ và nhà văn này. Kinh thánh là quyển sách để ngài hát và suy niệm, một quyển sách để khám phá, để chiêm niệm và để viết. Những trích dẫn Kinh thánh suốt các tác phẩm của ngài cho thấy ngài đã tiêu hóa được Lời Chúa cách sâu sắc, nhưng ngài không bao giờ bám theo một cách chú giải duy nhất; khiến người đọc có thể thấy bối rối.

Ba cách chính để được hưởng lợi từ các bản văn Kinh thánh đã thu hút Gioan. Đầu tiên, Kinh thánh cung cấp cho ngài một cách diễn tả tuyệt vời cho kinh nghiệm tâm linh của chính mình. Thứ hai, ngài tìm thấy nơi Kinh thánh sự xác nhận cho lập luận thần học của ngài. Cuối cùng, ngài thích thú theo đuổi cách thực hành thời ấy là dùng những đoạn Kinh thánh trong một ý nghĩa thích ứng với hoàn cảnh. Gioan phát hiện ra sự gắn bó chặt chẽ giữa lịch sử Kinh thánh và lịch sử cá nhân của riêng mình, một cách đồng nhất kinh nghiệm cổ xưa với những kinh nghiệm hiện tại. Đọc Kinh thánh như một Kitô hữu, dưới ánh sáng quy Kitô, ngài nhận ra cuộc sống của mình được phản ánh và mô tả ở đó. Ngài nhận ra rằng ân sủng và sự thật của Lời Kinh thánh được hoàn thành ngay ở đây và bây giờ. Những mê thích lệch lạc có thể so với lòng yêu mến tà thần của Israel xưa. Những nhân vật chịu đau khổ như Gióp, tác giả thánh vịnh và Giêrêmia được đưa vào bài ca đêm tâm linh. Cuộc đi tìm hiệp nhất được lặp lại theo những bước của sách Diễm Ca.

Bằng những cách đặc biệt, ngài tự đồng hóa với các nhân vật Kinh thánh như: Môsê, Đavít, Gióp, Tác giả Thánh vịnh, Giêrêmia, Phaolô và Gioan. Ngài đã rút ra những kinh nghiệm cá nhân, cụ thể được trình bày nơi Kinh thánh, nhất là nơi những người được gọi và đáp lại rõ ràng cũng như những người đã kể kinh nghiệm bằng ngôi thứ nhất. Không phải ngài chỉ trưng dẫn các việc làm và lời dạy của những người này, nhưng đã chú tâm vào những kinh nghiệm của họ trong mối quan hệ với Thiên Chúa. Ngài kể lại và hát lên những niềm vui và những đau khổ của riêng ngài, cũng như kinh nghiệm về lòng thương xót và ân huệ của Thiên Chúa, nhưng che giấu chúng trong những lời của các ngôn sứ, các thánh vịnh hay Thánh Phaolô. Trong khi đó, vẫn bàng bạc cái ý thức chung mãnh liệt của toàn thể Giáo hội. Trong giáo huấn của Gioan, Thiên Chúa không tỏ rõ và xác nhận sự thật với trái tim của một kẻ cô độc. Một kẻ cô độc như vậy có thể sẽ rất yếu ớt và lạnh lùng với sự thật. Khi đã ra khỏi chính mình và trải qua đêm tâm linh, Gioan ngày càng dấn sâu vào bản chất của Giáo hội, vào nơi Thiên Chúa tự bày tỏ trong lịch sử. Ngài không hề thấy khó khăn gì khi dựa vào phán quyết của Giáo hội, trong tất cả những vấn đề liên quan đến cách diễn tả kinh nghiệm và giảng dạy của mình. Đời sống Giáo hội, giáo lý, và cầu nguyện đem lại cho ngài bối cảnh thích hợp, trong đó ngài đọc và sử dụng Kinh thánh.

Gioan cũng nhận ra rằng chúng ta không thể hiểu được sự thật của Chúa Kitô mà không có Chúa Thánh Thần. Ngài không bảo rằng Chúa Thánh Thần “đã nói” với chúng ta, nhưng “đang nói” với chúng ta trong Kinh thánh, để dẫn chúng ta đến sự thật toàn diện. Chúng ta không bao giờ có thể hiểu hết những sự thật bí ẩn và những ý nghĩa khác nhau nơi những lời Chúa nói, tuy nhiên, những lời này, một cách nào đó sẽ lớn lên theo những người đọc chúng trong Chúa Thánh Thần. Là một nhà huyền giao, Gioan không hề định tâm viết nên tác phẩm như một vị linh hướng hay một nhà thần học. Mục đích chính của ngài chỉ là để truyền tải nội dung kinh nghiệm huyền giao của mình. Kinh nghiệm ấy được những người suy tư thần học ưa thích vì nhà huyền giao ưa dùng lối nhận thức đặc biệt được soi sáng để nói về các mầu nhiệm của Thiên Chúa, về hành động của Thiên Chúa, và về đời sống ân sủng nơi mỗi người. Với một quan điểm mục vụ như thế, nhà huyền giao biết mục tiêu cần nhắm đến, vì ngài đang có được một vị trí khá tốt để vạch đường đi và lượng giá các phương tiện.

Được soi sáng bởi kinh nghiệm riêng mình và kinh nghiệm của những người khác, đôi khi – đặc biệt là trường hợp của thánh nữ Têrêxa Cả – cũng phong phú và sâu sắc như kinh nghiệm riêng của ngài, ngài đã thâm nhập như một nhà thần học tiến vào vùng khó khăn nhất và chưa được khám phá. Ngài tìm cách vận dụng những mầu nhiệm mạc khải đã được các nhà thần học phân tích và tạo ra một tổng hợp giáo lý có sức mang lại sự thống nhất và hài hòa cho tất cả những thực tại đồng quy cuối quá trình thần hóa. Nhưng trong công việc của mình như là một nhà thần học, một cách kín đáo, Gioan cũng có tìm cách để truyền tải một cái gì đó nơi kinh nghiệm thâm sâu của bản thân về mầu nhiệm Thiên Chúa để đánh thức một kinh nghiệm tương tự nơi độc giả của mình. Ngài đã trình bày mầu nhiệm để những người khác có thể đến gần và được mầu nhiệm ấy hoàn toàn biến đổi: “Người ta sẽ nói sai về những chiều sâu thân mật của tâm linh nếu không nói bằng một linh hồn lắng đọng thật sâu”.

GHI CHÚ

Một ngày nọ, hồi đang là tuyên úy tại tu viện Nhập Thể ở Avila, hầu chắc là giữa năm 1574 và 1577, Tu huynh Gioan Thánh Giá cầu nguyện tại một gác đàn, nhìn lên Nhà Tạm. Đột nhiên ngài nhận được một thị kiến. Lấy một cây bút, ngài phác thảo trên một mảnh giấy nhỏ những gì ngài đã trông thấy.

   Đó là phác họa vẽ Chúa Kitô chịu đóng đinh, được nhìn từ một phối cảnh mới. Ngài bị treo trong không gian, đang hướng về phía người dân của mình. Thập giá đứng thẳng. Toàn thân Chúa không còn sức sống, bị vặn vẹo, đầu gục xuống, treo ngã về phía trước với hai cánh tay chỉ được giữ bằng những chiếc đinh. Chúa Kitô được nhìn thấy từ trên, từ quan điểm của Đức Chúa Cha. Ngài là một con sâu hơn là một con người, bị tội lỗi nhân loại đè nặng, nghiêng về phía thế giới mà vì nó ngài đã chết. Gioan, người đã viết rất nhiều cảnh báo chống lại thị kiến và hình ảnh, sau đó đã tặng bản bút họa cho một trong những hối nhân sùng tín của mình tại đan viện Nhập Thể, là Ana María de Jesús. Bà giữ nó cho đến lúc chết, năm 1618, khi bà đưa nó lại cho María Pinel, người sau này trở thành nữ tu viện trưởng.

Năm 1641, khi Mẹ María qua đời, bản vẽ đã được đặt trong một hào quang nhỏ, dạng elip, nơi nó được bảo tồn cho đến năm 1968. Sau đó nó được gửi đi nghiên cứu và phục chế tại Viện Trung ương bảo tồn và phục chế tác phẩm nghệ thuật tại Madrid. Ngày nay, sau khi nó được khôi phục và đặt trong một hộp đựng thánh tích mới, một lần nữa mọi người đều có thể đến xem tại tu viện Nhập Thể ở Avila. Nhà viết tiểu sử Cát Minh người Pháp viết về Thánh Gioan Thánh Giá, là Bruno de Jésus-Marie, những năm 1945 và 1950 đã thảo luận các bản vẽ với hai họa sĩ Tây Ban Nha nổi tiếng của thế kỷ XX, José María Sert và Salvador Dalí. Cha Bruno quay bản vẽ sang một bên và giải thích rằng tác phẩm diễn tả cho thập giá nghiêng về phía trước như một cây thánh giá ép lên môi của một người sắp chết. Lúc ấy ta thấy như Chúa Kitô đang kéo ra khỏi nó, cánh tay Ngài dãn ra đến độ sắp gãy, đầu gục xuống. Tuy nhiên, việc nghiên cứu cẩn thận về bản vẽ đã chứng minh rằng Chúa Kitô bị đóng đinh của Gioan ở trong một vị trí thẳng đứng.

Về sau, họa sĩ Dalí đã lấy cảm hứng ở đó để làm một bức tranh với một phối cảnh tương tự, và ghi “Đức Kitô của Thánh Gioan Thánh Giá”. Trong bức tranh Dalí, trái ngược với bản vẽ gốc của Gioan, cơ thể bị đóng đinh khiến người ta liên tưởng tới cơ thể một vị thần Hy Lạp hơn là cơ thể của người Tôi trung đau khổ. René Huyghe, có thời đã là Trưởng ban Bảo vệ các bức tranh ở Bảo tàng Louvre, đã viết về bản vẽ của vị tu sĩ Cát Minh người Tây Ban Nha:

Thánh Gioan Thánh Giá đã thoát hẳn ra khỏi những cách nhìn quen thuộc của tất cả những nghệ sĩ họp thành một phần của thời đại họ. Ngài không biết gì về các quy tắc và giới hạn của tầm nhìn đương đại; ngài không phụ thuộc vào cách nhìn thông dụng của thế kỷ; ngài chẳng phụ thuộc vào gì cả, ngoài đối tượng ngài đang chiêm ngắm… Phối cảnh thẳng đứng, dốc ngược, gần như bạo lực, nhấn mạnh bằng ánh sáng và bóng tối – trong đó ngài bắt lấy Chúa Kitô trên thập giá – không thể xuất hiện trong nghệ thuật đương đại; trong bối cảnh nghệ thuật này, nó hầu như không thể tưởng tượng.

[1] Trước sự kiện Đức Giáo hoàng Grêgôriô XIII ký đoản sắc tách dòng Cát Minh cải tổ khỏi dòng Cát Minh nguyên thủy (22 Tháng Sáu 1580) sẽ nói dưới đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *