Tĩnh Tâm Mùa Chay Với Edith Stein – Tuần 4 : Sống Bằng Thánh Thể

Mùa Chay 2019 – Đường Phục Sinh Với Edith Stein 

Tuần 4 : Sống Bằng Thánh Thể

 

Suy gẩm Kinh Thánh : Sách Giô-suê 5, 10-12

Con cái Ít-ra-en đóng trại ở Ghin-gan và cử hành lễ Vượt Qua ngày mười bốn trong tháng, 10 vào buổi chiều, trong vùng thảo nguyên Giê-ri-khô. 11 Hôm sau lễ Vượt Qua, họ dùng thổ sản trong xứ, tức là bánh không men và hạt lúa rang, vào đúng ngày đó. 12 Hôm sau, không còn man-na nữa, khi họ dùng thổ sản trong xứ ; thế là con cái Ít-ra-en không còn có man-na nữa. Năm ấy, họ đã dùng hoa màu của đất Ca-na-an.

  1. Bình giải : « Thầy khao khát ăn lễ Vượt Qua . » (Lc 22,15)

Với ánh sáng của mọi Văn tự, đoạn văn ngắn này hàm chứa một sự phong phú không thể ngờ được. Sách Giô-suê là bài tường trình về việc dân tiến vào Đất Hứa, từ khi vượt qua sông Gio-đan. Sách đã không ngừng cho thấy những điều song song giữa việc ra khỏi Ai-cập, đời sống trong sa mạc và tiến vào đất Ca-na-an. Vì thế, trong chương 3 của sách này, việc vượt qua sông Gio-đan đã được mô tả một cách long trọng như việc lặp lại phép lạ ở Biển Đỏ.

Bài đọc 1 của Chúa nhật mùa Chay này mô tả sự Vượt Qua đầu tiên khi vào Đất Hứa và phép lạ Gio-Đan. Lễ Vượt qua này luôn được cử hành vào ngày thứ mười bốn của tháng đầu tiên, vào ngày trăng tròn đầu tiên trong năm (xem Ds 16) : « Họ cử hành lễ Vượt Qua, ngày thứ mười bốn trong tháng, vào buổi chiều ». Việc cử hành lễ Vượt Qua đánh dấu việc ra khỏi Ai-cập và phép lạ Biển Đỏ. Cũng trong tinh thần đó, Thánh vịnh 113(114) cũng lặp lại tính song song của hai lần vượt qua mầu nhiệm Biển Đỏ và sông Gio-đan : « Biển thấy và chạy trốn, sông Gio-đan chảy ngược dòng; sao biển chạy trốn  ? Sao sông Gio-dan chảy ngược dòng ? Đất hãy run lên, trước mặt Thầy, trước mặt nhan thánh Thiên Chúa của Gia-cóp. » Từ đó việc cử hành lễ Vượt Qua hàng năm sẽ là việc tưởng nhớ, không chỉ tưởng nhớ đêm Xuất hành, mà còn tưởng nhớ việc đi vào Đất Hứa ; đó luôn là công trình của Thiên Chúa giải phóng dân Người. Thiên Chúa trung thành với các lời hứa của Người.

« Từ ngày đó, man-na ngừng đổ xuống, vì họ dùng thổ sản. Không còn man-na nữa cho con cái Ít-ra-en, vì năm đó họ thu hoạch trên đất Ca-na-an. » Một trang sử được lật qua, một cuộc sống mới bắt đầu. Từ đó, dân Ít-ra-en đã đến Đất được Thiên Chúa ban ; họ không còn là người du mục nữa, họ sẽ trở thành người định cư, sẽ là một dân số làm nghề nông ; họ sẽ ăn thổ sản. Nhưng bài học cũng theo một hướng : lúc xưa Thiên Chúa tỏ vẻ hữu hình trong man-na rơi từ trời xuống sa mạc. Bây giờ Người vô hình trong bánh phát xuất từ thổ sản. Thế nhưng « bánh của đất và bánh của trời có cùng nguồn gốc. Con người không là gì trong bánh của trời. Con người hiện diện trong bánh của đất. Con người hiện diện bằng hai cách. Đầu tiên bằng sự lao động : con người làm cây lớn lên. Sau đó bằng lời nói : con người đặt tên bánh là ơn Chúa, vì bánh đó phát xuất từ đất mà Thiên Chúa đã ban theo lời Người hứa … Con người không thể dâng man-na cho Thiên Chúa vì  (…) không có gì phát xuất từ con người, mà thuộc về Thiên Chúa, chứ không do con người. Con người có thể dâng bánh cho Chúa, vì đó là bánh của con người … Ngày mà chế độ ăn của dân Ít-ra-en được biến đổi cũng là ngày lễ Vượt Qua đầu tiên ở Đất Hứa. » (Paul Beauchamp, năm mươi chân dung Kinh Thánh, nxb Seuil 2000, tr. 86)

Hơn nữa, truyền thống rab-bi diễn giải sự ban phát man-na như một lời mời gọi ban phát lương thực cho người nghèo . « Thiên Chúa đã dạy chúng ta nuôi dưỡng người nghèo khi ban xuống bánh từ trời cho con cái Ít-ra-en ». Từ rày về sau chúng ta chia sẻ hoa trái lao động của chúng ta với những người đói kém. Để kết thúc, chúng ta đừng quên : theo tiếng Do-thái, Giô-suê và Giê-su, là một tên. Trong Đức Giê-su tự xưng là man-na đích thực, bánh sự sống, điều phát xuất từ Thiên Chúa và từ con người gặp nhau. Chúa phán : « Tôi là bánh hằng sống, từ trời xuống : ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời, Bánh tôi sẽ ban, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống. » (Ga 6,51) Thánh Thể là « bánh hằng sống ». Thánh Thể được thiết lập trong viễn cảnh » cuộc Vượt Qua được hoàn tất trong Nước Thiên Chúa » theo lời Đức Giê-su : « Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa. » (Lc 22,16)

 

Bài tập thiêng liêng 

 « Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian. » (Ga 6,33)

Chúng ta cầu xin Thiên Chúa « củng cố đức tin để người ki-tô hữu mau mắn mừng lễ Phục sinh sắp đến với tình yêu. » Không phải chỉ »biết » mà còn trải nghiệm nữa. Bản văn về man-na trong sa mạc mời gọi chúng ta không chiếm hữu ơn Chúa ban và không giữ như của riêng mình. Đức Chúa để chúng ta qua các thử thách để dạy chúng ta tìm sự an ủi trong Người, chứ không phải trong chúng ta, và chúng ta không tùy ý sử dụng.

 

  1. Suy niệm của bà Edith Stein về Thánh Thể
  • Sự biến đổi Thánh Thể

Năm 1931, Edith đã thuyết trình về Mầu nhiệm Giáng sinh, tại trụ sở phái đoàn của Hội Công giáo đại học. Bản văn đó dẫn chúng ta vào mầu nhiệm Nhập Thể và ý nghĩa của nó trong đời sống ki-tô hữu, được kêu gọi kết hiệp với Thiên Chúa .

     Và Ngôi Lời đã làm người. Mầu nhiệm này đã trở thành sự thật nơi hang đá Bê-lem. Nhưng nó còn được thực hiện dưới một hình thức khác. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi sẽ được sống đời đời. Đức Chúa biết chúng ta là con người yếu đuối, ngày qua ngày, Người đến cứu vớt con người một cách thật sự thiêng liêng. Cũng như thân xác vật chất cần lương thực hằng ngày, cũng thế đời sống thiêng liêng cũng luôn cần lương thực.  Đây là bánh sự sống từ trời xuống, người làm thực sự bánh hằng ngày thấy sự lặp lại hằng ngày mầu nhiệm Giáng sinh trong mình, sự Nhập Thể của Ngôi Lời. Và đó chắc chắn là con đường bảo đảm nhất để duy trì sự hiệp nhất với Thiên Chúa và hàng ngày càng đâm rể sâu và chắc chắn vào Nhiệm Thể Chúa Ki-tô.

     Tôi biết rằng đối với nhiều người điều đó có vẻ như con đường quá triệt để. Đối với đa số những người mới bắt đầu cam kết, điều đó có nghĩa là một sự đảo lộn cả cuộc sống, bên ngoài và bên trong. Nhưng đó là chính là điều phải làm ! Chúng ta phải tạo trong cuộc sống chúng ta một không gian của Đấng cứu độ Thánh Thể để Người có thể hoán cải đời ta thành đời Người. Có phải đòi hỏi quá đáng không ? Người ta có thời gian cho biết bao điều vô ích : đọc sách phù phiếm, tạp chí, những giờ trong quan cà phê hoặc tán gẫu ở một góc đường – lãng phí thời gian và sức lực trong những cách giải trí. Phải chăng khó tìm một giờ, buổi sáng, để tập họp thay vì phân tán, để múc lấy sức mạnh thay vì phung phí, để đối phó với những công việc hằng ngày ?

     Hẳn là cần hơn một giờ. Từ giờ đó đến giờ tiếp theo, chúng ta phải sống để có thể trở lại giờ trước. Không được tự bớt giảm, cho dù trong khoảnh khắc. Khi ta gặp những người cũ hằng ngày, cho dù không nói một lời nào, ta cảm nhận ánh mắt và sự phê phán của họ trên ta ; ta cố gắng thích nghi với môi trường xung quanh và nếu ta không đạt được, thì đời sống chung trở thành khổ hình.

     Đó cũng chính là điều xảy ra trong mối quan hệ hằng ngày của ta với Đức Chúa. Càng ngày ta càng trở nên nhạy bén hơn với điều làm Người thích và điều làm Người không thích. Nếu, trong quá khứ, ta đã khá hài lòng về bản thân, thì mọi sự sẽ thay đổi. Ta bắt đầu khám phá nhiều điều xấu xa mà ta sẽ cố gắng sửa đổi, và những bất toàn mà ta khó gạt bỏ. Dần dần ta trở nên nhỏ bé và khiêm tốn, ta trở nên kiên nhẫn và khoan dung với cọng rơm trong mắt người khác, vì bận lo cái xà trong mắt mình. Cuối cùng ta tập tự chịu đựng trong ánh sáng da diết của sự Hiện diện thần linh và phó thác cho lòng thương xót Chúa có thể đi đến cùng mọi sự vượt quá sức lực của ta. Điều đó rất xa sự tự hài lòng của « người công giáo tốt », làm việc bổn phận, đọc sách báo tốt, đi bầu cử đúng,v.v.. , còn lại là làm điều mình thích – đến một đời sống được bàn tay Chúa dìu dắt và đón nhận từ bàn tay Chúa, trong sự đơn sơ của trẻ con và sự khiêm tốn của người thu thuế. Thế nhưng ai đã dấn thân trên con đường đó sẽ không quay bước trở lại .

     Vì thế, là con Thiên Chúa có nghĩa là vừa nhỏ xuống và vừa lớn lên. Sống bằng Thánh Thể có nghĩa là từ từ ra khỏi sự chật hẹp của cuộc sống mình để sinh trong sự sống bao la của Đức Ki-tô. Ai tìm Đức Chúa trong Nhà Người sẽ không muốn chỉ lo cho chính mình và những việc của mình. Người đó sẽ bắt đầu quan tâm đến việc của Đức Chúa. Sự tham gia vào Hiến tế hằng ngày sẽ tự nhiên kéo chúng ta vào đời sống phụng vụ. Trong suốt chu kỳ năm phụng vụ, những lời cầu nguyện và nghi thức Thánh lễ gợi nhớ lại trong tâm hồn ta lịch sử Ơn Cứu Độ, và cho phép ta hiểu ý nghĩa càng ngày càng sâu hơn. Hiến tế Thánh làm mới lại trong ta mầu nhiệm trung tâm của đức tin chúng ta, cột trụ lịch sử thế giới : mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc. Ai có thể tham dự vào Hiến Tế Thánh của thánh lễ, với lòng trí cởi mở, mà không bị lôi cuốn bởi tinh thần hy sinh và lòng khao khát cho bản thân và đời sống riêng tư, được tan chảy trong công trình to lớn của Đấng Cứu Thế?

 (Mầu nhiệm Giáng sinh trong Máng cỏ và thập giá, Ad Solem 2007, tr.31-32)

 

  • Mầu nhiệm Thánh Thể

 « Chúa đến như lương thực

mỗi sáng cho con,

Và Mình Máu Chúa

là rượu và bữa ăn của con.

Đó là kỳ công huyển diệu

Chúa đã thực hiện!

Trong mầu nhiệm đó, Mình Chúa

thấm nhập vào mình con

và linh hồn Chúa

kết hợp với linh hồn con.

Lúc đó con không còn

là con lúc trước nữa. »

(Bài thơ « Ta sống giữa các bạn » trong Nguồn ẩn giấu, CerfAd Solem tr. 332)

 

 

Ngẫm nghĩ

Đâu là vị trí thực sự của thánh lễ trong đời ki-tô hữu của tôi? Nếu tôi là người « không sống đạo », tôi có chọn sống nhu thế không ? Đâu là những lý do? Nếu, trái lại, tôi tham dự thánh lể đều đặn, khi tôi đến gần bàn Thánh Thể, tôi có dành thời gian « xét mình trước khi ăn bánh và uống chén rượu không » (Xem 1 Co 11,27-29) ? Tôi có bình an với Chúa và với anh chị em không ?

 

Cha Philippe de Jésus, ocd (Tu viện Avon)

 

 

  1. Cầu nguyện mỗi ngày với Edith Stein

 

Thứ hai 1.4 : đứng trước Thiên Chúa cho mọi người

« Thưa Ngài ! Xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất ! » (Ga 4, 49)

« Đứng trước Thiên Chúa cho mọi người : đó là ơn gọi của chúng ta. »  (Thư ngày 14.5. 1934)

Thường chúng ta kêu cầu Đức Giê-su để xin Người giúp đỡ cho một ai đó. Điều đó tốt. Chúng ta không luôn được Chúa nhậm lời một cách ấn tượng, nhưng tình yêu lan tỏa như ánh sáng mặt trời. Chúng ta hãy tin như thế !

 

Thứ ba 2.4 : loan báo Đức Giê-su

« Anh ta(được chữa lành)đi nói với người Do-thái : Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh. » (Ga 5, 15)

« Thuộc về Chúa trong sự tự do dâng hiến tình yêu và phụng sự Chúa, đó không chỉ là ơn gọi của vài người được tuyển chọn nhưng là của mọi ki-tô hữu : là người tận hiến hay không, người nam hay người nữ, mỗi người được kêu gọi đi theo Chúa Ki-tô. » (Ơn gọi của người nam và người nữ)

Mọi ki-tô hữu được gọi để loan báo được Đức Giê-su chữa lành. Bằng cách này hay cách khác. Cách của tôi như thế nào ? Tôi có còn hơi  « bị liệt » để loan báo Đức Giê-su không ?

 

Thứ tư 3.4 : đón nhận Sự Sống

« Như Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì Người Con cũng ban sự sống cho ai tùy ý. » (Ga 5, 21)

« Có phải đây là man-na dịu ngọt trong vòm miệng tôi,

lương thực của thiên thần và các vị thánh

được Thánh Tâm Người Con tuôn tràn vào lòng tôi không ?

Đấng đã chỗi dậy từ cõi chết đến sự sống,

Người đã đánh thức tôi dậy từ sự chết

đến sự sống mới.

Người ban cho tôi mỗi ngày sự sống mới

và đến một ngày, lòng tôi tràn đầy sự viên mãn,

Sống bằng sự sống của Người, trong chân lý,

Ôi Chúa Thánh Thần, sự sống vĩnh hằng ! »

(Nguồn ẩn giấu)

Thiên Chúa loan báo màu sắc : chúng ta được kêu gọi đến sự sống chan chứa. Đó là kế hoạch của Thiên Chúa cho chúng ta. Điều đó được ban cho tôi trong Thánh Thể. Tôi có khao khát được ăn và đón nhận sự Sống ấy không ?

 

Thứ năm 4.4 : một cho tất cả và …

« Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt Đức Chúa, Thiên Chúa của ông, dịu lại bằng cách thưa … » (Xh 32, 11)

« Chỉ khi một cá thể đứng trước Thiên Chúa, qua sự đối chất và sức hấp dẫn giữa sự tự do thần linh và sự tự do của con người, thì con người được ban sức mạnh để đứng vững cho mọi người và để » mọi người cho một người và một người cho mọi người » để làm nên Giáo hội. » (Tự do và ân sủng)

Ông Mô-sê đứng trước Thiên Chúa để cầu xin ơn hoán cải và cứu độ của dân. Có khi nào tôi van nài cho người khác không ? « Mọi người cho một người, một người cho mọi người. »

 

Thứ sáu 5.4 : quan tâm đến các việc của Đức Chúa

« Những quân vô đạo không ở trong sự thật khi họ tự lý luận như thế … » (Kn 2, 1)

«Ai tìm Đức Chúa trong Nhà Người sẽ không muốn chỉ lo cho chính mình và những việc của mình. Người đó sẽ bắt đầu quan tâm đến việc của Đức Chúa.» (Mầu nhiệm Giáng sinh)

Mùa Chay đang tiến tới. Dần dần phụng vụ khuyến khích chúng ta luôn nhìn ngắm Đấng chịu đóng đinh nhiều hơn, và đừng tập trung vào chính bản thân. Chúng ta hãy đến với Người, hãy ngắm nhìn Người …

 

Thứ bảy 6.4 : lời cầu nguyện của Giáo hội

« Lạy Thiên Chúa công minh, Chúa dò thấu lòng dạ con người, xin làm cho bọn ác nhân hết đường tác hại và cho người công chính được vững vàng! » (Tv 7)

« Mọi lời cầu nguyện đích thật là lời cầu nguyện của Giáo hội : xuyên qua mọi lời cầu nguyện đích thật, có điều gì xảy ra trong Giáo hội và chính Giáo hội cầu nguyện vì Chúa Thánh Thần sống động trong Giáo hội, trong từng linh hồn duy nhất «  cầu bàu cho chúng ta bằng những tiếng la khôn tả ”. » (Nguồn ẩn giấu)

Chúng ta nhận biết trạng thái tội lỗi của chúng ta, chúng ta nhìn thấy sự công chính và tốt lành của Chúa Giê-su. Cái sốc của tội lỗi và của Tình Yêu dẫn đến sự chết. Qua cầu nguyện, chúng ta nên một với Người. Những việc làm, miệng lưỡi, tinh thần chúng ta, có thể trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa được chăng ?…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *