Bức Tâm Thư Của Cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Cát Minh Têrêxa Giữa Thời Đại Dịch Covid -19

MỘT NIỀM MONG ƯỚC TRONG LÚC GIAN TRUÂN

Anh chị em Cát Minh thân mến,

Những gì chúng ta đang trải nghiệm trên toàn thế giới trong vài tuần qua ít nhiều có thể chắc chắn được gọi là một sự thử thách. Trong Tân Ước có một từ thlipsis, thường được dịch là “gian truân” mà có lẽ giúp chúng ta đặt tên cho những gì chúng ta đang trải nghiệm. Tôi không chỉ nhắm đến một tên gọi khoa học (chẳng hạn đại dịch covid-19) hoặc một tên diễn tả sự phản ứng tức thời của chúng ta (chẳng hạn tình trạng khẩn cấp, chiến tranh, tai ương) nhưng là một tên đưa chúng ta trở về với lịch sử cứu độ, về với sự thật của một Thiên Chúa đã nói với nhân loại, Đấng đã trở nên người phàm và tiếp tục cùng bước đi với con cái loài người.

Thực ra, mối nguy cơ khi đối diện với thời gian thật nghiêm trọng và quan trọng này là hoàn toàn bỏ qua một bên đức tin hoặc ngược lại tìm đến tín ngưỡng mà không có chút gì liên hệ đến Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Giê-su Ki-tô. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã cảnh báo chúng ta: “Đừng lãng phí những ngày khó khăn này!” Thật bình thường khi mỗi người chúng ta cũng như mọi công dân có trách nhiệm tuân theo các luật lệ một cách tỉ mỉ để tránh sự lây lan và quảng đại chấp nhận những hy sinh nhỏ bé do điều này gây ra và thực hiện những gì chúng ta có thể để giúp đỡ tha nhân và kiến tạo một bầu khí bình an huynh đệ chung quanh chúng ta. Cũng vậy cũng bình thường khi chúng ta là những tín hữu chạy đến với Chúa và cầu nguyện cho các bệnh nhân, cho những người chăm sóc họ, cho những người đã qua đời, cho các nhà khoa học tham gia vào việc tìm kiếm vắc xin, và cho những ai lâm cảnh túng thiếu vì khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, có một cấp độ sâu xa hơn liên hệ đến việc đọc lịch sử bằng đức tin, bằng sự hiện diện của Thiên Chúa giữa những gian truân và thử thách của nhân loại. Đó là cấp độ mà có lẽ chúng ta chọn không muốn đi vào và ở lại trong thinh lặng. Thinh lặng là vàng khi nó là một khoảng không gian để suy tư, để tìm kiếm nội tâm, để lắng nghe trong sâu thẳm. Thinh lặng không phải là vàng khi nó là kết quả của sự ù lì tinh thần và một sự bế tắc của tư tưởng, khi chúng ta tự giới hạn mình vào việc tiêu thụ một lượng lớn thông tin mà không hấp thụ, đánh giá, xử lý nó; những thông tin không đào tạo chúng ta mà ngược lại xâm chiếm và đè nặng chúng ta.

Thật đúng để tự hỏi chính mình: chúng ta có lời nào xuất phát từ suy niệm trong thinh lặng và có thể giúp chúng ta lúc này không? Một lời để tin và cầu nguyện mà có thể hướng dẫn chúng ta, là “ngọn đèn soi cho chúng ta bước đi và là ánh sáng dẫn lối của chúng ta”? Tôi thú nhận rằng những câu hỏi như thế này sẽ được trả lời ngay và đơn giản là không; ít ra là bây giờ chúng ta không có lời nào. Sự thừa nhận về sự nghèo nàn này có lẽ dù sao cũng chân thực và đáng trân trọng hơn nhiều lời phát biểu dễ dãi và đôi khi còn làm lạc lối. Thế nhưng chúng ta không thể giữ bình tĩnh và không hoạt động khi chúng ta thiếu ánh sáng này và chúng ta lại có bổn phận cùng bước đi và đồng hành với những người khác trên hành trình. Nếu chúng ta chỉ lo lắng về tình trạng khẩn cấp sức khỏe và khủng hoảng kinh tế kèm theo, thì “bạn có đang làm gì khác hơn người ta đâu? Chẳng phải dân ngoại cũng làm như thế sao?” (Mt 5, 47). Chúng ta được mời gọi một điều gì hơn thế: “rên rỉ tìm kiếm” như Pascal đã nói, nài xin, gõ cửa không mệt mỏi cho đến khi có tia sáng, một ánh sáng lờ mờ của trời cao mở ra cho chúng ta và cho phép chúng ta andar en verdad, bước đi trong sự thật.

Trong tinh thần này, tôi trở lại cái từ kia của Tân Ước: thlipsis, nỗi gian truân. Để bắt đầu, nỗi gian truân không phải là một điều tốt lành, nó không phải là một ân sủng. Các từ đồng nghĩa của nó là âu lo, bách bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy (Rom 8:35). Quyền lực của sự chết hoạt động nơi mỗi hình thức của sự gian truân và quyền lực này thử thách chúng ta, dẫn chúng ta vào sự cám dỗ bằng việc đứng giữa chúng ta và Đức Ki-tô, giữa nhân tính yếu đuối và bị tổn thương của chúng ta và quyền lực của đời sống phục sinh của Ngài. Bóng tối của sự chết mà quyền lực của nỗi gian truân phủ lên chúng ta đến độ nó làm lu mờ khiến chúng ta không thấy Ngài ở phía sau đó. Chúng ta sẽ bị tách khỏi áng sáng và sự sống nếu trong bóng tối đó, trong sự chết đó không có một dấu chỉ nào về sự hiện diện của sự sống. Đối với Ki-tô hữu, nỗi gian truân luôn là nơi mà Đức Ki-tô đi qua. Thực ra, đó là nơi mà Đức Ki-tô tiếp tục đi qua và dẫn chúng ta đến với ánh sáng Phục Sinh. Khi chúng ta nói rằng chúng ta được cứu độ, rằng chúng ta tin vào sự cứu độ, một cách cụ thể chúng ta tin rằng sự dữ và cái chết đã hoàn toàn bị đánh bại. Nhưng chúng ta cũng nói một điều khó mà chấp nhận và trên hết khó mà sống và làm chứng. Đó là gặp gỡ với sự sống phục sinh luôn luôn là sự vượt qua sự dữ và cái chết. Nỗi gian truân sẽ tiếp tục những gì nó là: kinh nghiệm về nỗi đau và âu lo, về sự bối rối và đau khổ, nhưng sức mạnh kéo xuống, nghiền nát và đè nặng bị tương phản với sức mạnh đẩy tới và đẩy lên thu hút và kéo lên. Tất cả sức mạnh có tính tiêu cực, làm nhục, và hủy diệt của nỗi gian truân cốt là để cám dỗ tách chúng ta ra khỏi Đức Ki-tô. Nếu không nhờ vết thương của thân xác bị đóng đinh và phục sinh của Ngài, chúng ta đã không được cứu độ, chúng ta cũng không ra khỏi cuộc đấu tranh toàn thắng. Thậm chí như thể nhờ ma lực, ngày mai đại dịch sẽ chấm dứt, như thể mọi thứ lại bắt đầu trở lại một cách ma lực như thể chưa có chuyện gì xảy ra, thì chúng ta vẫn không được cứu độ.

Trong từ thlipsis có một chuyển động về phía trước như thể ở một thời điểm nào đó, lịch sử có thể thực hiện một cú nhảy, một sự tăng tốc tiến về tương lai. Tôi nghĩ rằng một trong những yếu tố của sự an ủi trong cơn gian truân (x. 2 Cor 1:4) chính xác là điều này: có thể nhận ra sự ngắn ngủi của thời gian, Nước Trời đang đến. Trong sự thinh lặng của cuộc khủng hoảng này, chúng ta có thể nghe không “tiếng còi của vị chủ chiên”? Tiếng còi ấy dường như không thể cảm nhận được nhưng có một sức mạnh dẫn chúng ta trở về với Ngài và về với chính chúng ta trong Ngài (x. Lâu đài 4, 3, 2).

Ngay lúc này đây, chúng ta đang bị cách ly ở nhà. Chúng ta mất tự do đi lại. Đặc biệt thật nặng nề khó chịu khi không được cử hành Thánh Thể với tín hữu, ngồi tòa giải tội, xức dầu cho các bệnh nhân, cử hành thánh lễ an táng cho nhiều người đã qua đời và đồng hành với các gia đình. Nếu như trong các đại dịch trong quá khứ nam nữ tu sĩ, linh mục và giám mục là những người ở tuyến đầu cùng với những người chịu đau khổ thì hôm nay điều đó là không thể. Chúng ta được yêu cầu lùi lại phía sau và để dành chỗ cho các bác sĩ, y tá, và những tình nguyện viên. Họ là những anh hùng thực sự của đại dịch của Thiên niên kỷ thứ 3 này. Thật chính đáng khi chúng ta dành cho họ lời ca tụng, lòng tri ân và sự ngưỡng mộ. Chúng ta có nên lo lắng về điều đó không? Giáo hội đang mất đi sự hiện diện của mình và thậm chí có lẽ mất đi sự khả tín của mình chăng? Có người nghĩ và nói về sự bình đẳng và sự lệ thuộc của Giáo hội với quyền bính dân sự. Tôi hiểu sự cay đắng. Tôi hiểu sự khó chịu nhưng tại sao chúng ta lại luôn luôn quên mất rằng đường lối của Chúa không luôn là đường lối của chúng ta và tư tưởng của Ngài không phải là tư tưởng của chúng ta? “Chắc chắn được đón nhận các Bí tích là một ân huệ lớn lao, nhưng khi Chúa nhân lành của chúng ta không cho phép điều đó thì mọi thứ đều như nhau, tất cả đều là ân sủng” (Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, Carnet jaune, 5.6.4). Tại sao chúng ta cứ tiếp tục nghĩ rằng Giáo hội phải áp đặt mình lên thế gian bằng sức mạnh và sự khôn ngoan của thế gian? Nếu hôm nay chúng ta được ban cho thời gian để sống tự hủy, một thời gian để ẩn mình và để thua thiệt, thì tại sao lại khước từ nó? Tôi nhớ lại những lời có tính tiên tri sau đây mà nhà thần học Giu-se Ratzinger đã nói cách đây 50 năm trên đài truyền thanh về tương lai của Giáo hội:

Từ cuộc khủng hoảng hôm nay, Giáo hội ngày mai sẽ xuất hiện – một Giáo hội đã bị mất mát nhiều. Giáo hội sẽ trở nên nhỏ hơn và ít nhiều cũng phải bắt đầu lại từ đầu. Giáo hội sẽ không còn có thể hiện diện nơi nhiều công trình lớn mà Giáo hội đã xây thời thịnh vượng. Khi con số tín hữu của mình giảm sút thì cũng là lúc Giáo hội sẽ mất đi nhiều đặc quyền xã hội của mình […] Nhưng trong tất cả những sự thay đổi mà người ta có thể đoán, Giáo hội sẽ tìm thấy bản thể của mình được hồi sinh và hoàn toàn xác tín vào điều đã luôn luôn ở chính tâm của mình: Đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, vào sự hiện diện của Thánh Linh cho đến ngày tận thế. Trong đức tin và cầu nguyện, Giáo hội sẽ lại nhận ra rằng các bí tích là để thờ phượng Thiên Chúa chứ không phải là một chủ đề của việc nghiên cứu về phụng vụ. Giáo hội sẽ là một Giáo hội thánh thiêng hơn, không mang vào mình nhiệm vụ chính trị, chạy theo ve vãn một chút với cánh Tả, một chút với cảnh Hữu. Giáo hội sẽ phải rất vất vả vì tiến trình kết tinh và gạn lọc sẽ đòi hỏi Giáo hội nhiều năng lượng quí báu. Nó sẽ làm cho Giáo hội trở nên nghèo và là Giáo hội của những người yếu kém. Tiến trình càng trở nên vất vả hơn nhiều vì sẽ phải loại bỏ những nhóm có đầu óc hẹp hòi cũng như thích phô trương và theo ý riêng.

Ratzinger nói rằng sự biến đổi này cần nhiều thời gian. Và tôi cũng thêm rằng nó sẽ trãi qua nhiều gian truân để mở rộng những tầm nhìn của chúng ta và khuất phục sự cứng lòng của chúng ta. Có lễ một phần của tiến trình này cũng là nỗi gian truân hôm nay đang vây quanh và giam cầm chúng ta mà khi đối diện với nó chúng ta cảm thấy bất lực.

Giới hạn về tự do đi lại là khía cạnh đập chúng ta mạnh nhất, buộc chúng ta phải thay đổi tận căn các thói quen của mình. Thế nhưng khi anh chị em nghĩ về điều đó, nó chủ yếu không phải là chúng ta thiếu không gian, đặc biệt với chúng ta là những tu sĩ và đan nữ thường sống trong những tòa nhà rộng rãi, thậm chí có lẽ với một khu vườn mênh mông. Điều chúng ta thiếu chính là thời gian. Rõ ràng bây giờ chúng ta nhận ra điều này bởi vì chúng ta có quá nhiều thời gian. Thời gian mà chúng ta có làm chúng ta khám phá ra rằng chúng ta không biết làm sao để sống trong thời gian, rằng chúng ta đã đánh mất chiều kích thời gian và vì vậy chúng ta phải tìm lại nó. Ngày nay có vô vàn người chạy bộ, đi bộ, đi bộ đường dài, leo núi…về mặt nghĩa thì tất cả đều thuộc về ngôn ngữ toàn cầu, một koine, một ngôn ngữ chung, mà có lẽ thậm chí những người nói tiếng Anh cũng không thể nhận ra như là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Thay vào đó là sự thiếu vắng những viatores, những hành giả và những người hành hương trong thời gian. Con mắt của người hành hương không nhìn vào hành trình mà vào đích điểm; người hành hương không quan tâm đến số km đã đi được nhưng quan tâm đến những điều đang thiếu để đi đến nơi mà toàn bộ hữu thể của mình được đòi hỏi. Bởi vì đó là lý do tại sao người ấy lên đường, bởi vì người ấy được một điều gì đó không có ở đây mà ở đằng kia cuốn hút, một điều gì đó mà người ấy không thấy nhưng luôn khao khát.

Việc bị giới hạn di chuyển hoàn toàn không ngăn cản chuyển động hướng về tương lai này. Trái lại, nó có thể cổ võ và khuyến khích nó. Hôm nay, chúng ta nhận ra rằng với chúng ta không di chuyển có nghĩa là ngồi xuống ở hiện tại như ngồi trên một cái hộp trống rỗng và dễ vỡ mà cần phải được lấp đầy bởi đồ vật, bởi những vật cụ thể, rắn chắc và có thể chiếm hữu. Chúng ta đã quên ý nghĩa của sự chờ đợi; chúng ta không thể chống lại sự trống rỗng và sự căng thẳng của lòng ao ước mà từ đó phát xuất sự chờ đợi. Thực ra, chờ đợi là dành cho những ai yêu mến và xét cho cùng không biết chờ đợi có nghĩa là không biết yêu mến. Chờ đợi không lấp đầy khoảng trống vắng của chúng ta với những đồ vật nhưng là với đối tượng mà chúng ta yêu mến. Vì lý do này, chờ đợi cũng còn là lúc để nhớ lại, để ôn lại thời gian đã trải qua để nhận ra những dấu vết, những dấu chỉ, những dụ ngôn của người đã đến và sẽ đến. Quả thực, ngài đang đến “để đảm bảo cho tôi về ngài và kho tàng của tôi”. Không có ký ức và không có đợi chờ, thì chúng ta sẽ còn lại gì, hỡi anh chị em nhỏ bé?

Đợi chờ Đấng Phục Sinh, Mừng Chúa Phục Sinh tất cả anh chị em!

Roma, ngày 05 tháng 04, 2020

Lm. Saverio Canistra, OCD

Bề trên Tổng quyền

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *