Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Suy Niệm Lời Chúa: Lc 24:35-48

Một ngày kia, khi thánh nữ Tê-rê-xa thành Avial đang đắm chìm trong cầu nguyện, bỗng thánh nữ như thấy Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với mình và nói với thánh nữ nhiều điều. Thế nhưng, với kinh nghiệm của một người sống đời sống cầu nguyện nhiều năm, thánh nữ liền nhận ra đó không phải là Chúa Giêsu Phục Sinh mà chính là Satan đã dùng hình ảnh của Chúa Giêsu mà quấy phá thánh nữ cầu nguyện, thế nên người đã từ chối lắng nghe những gì nó nói. Satan lấy làm lạ tại sao thánh nữ biết đó không phải là Đức Kitô Phục Sinh, liền hỏi: “Tại sao ngươi biết ta phông phải là Giêsu?” Thánh nữ đáp: “vì trên hai tay và chân ngươi không có dấu đinh như Người vẫn mang trên thân thể Người, dù Người đã Phục Sinh.”

Dấu vết của những vết thương nơi chân tay của Đấng đã sống lại từ cõi chết là dấu tích cho thánh Tê-rê-xa nhận biết Người là Chúa Giêsu đích thực.

Tin mừng theo thánh Luca hôm nay cũng cho chúng ta một câu chuyện tương tự và nó cũng lôi kéo sự tập trung của chúng ta vào vết thương trên tay, chân và cạnh sườn của Chúa Giêsu, khi Người hiện ra với các môn đệ trong căn phòng đóng kín cửa. Các ông vô cùng ngạc nhiên và hoảng hốt vì “tưởng mình thấy ma”. Chỉ khi Chúa Phục Sinh cho các ông xem những vết thương còn lưu lại trên thân xác vinh hiển của Người, họ mới tin đó chính là thầy mình.

Hoá ra là thế, vết thương lại là cơ sở của niềm tin nơi các ông. Để rồi qua các ông, niềm tin ấy cũng được thông truyền cho chúng ta là những người Kitô Hữu đến sau các ngài. Hay nói cách khác, Đức Tin của những Tín Hữu chúng ta không phải được xây dựng trên một sự ảo giác, tưởng tượng và hoang tưởng của một nhóm người sợ ma. Đức tin đó cũng không được xây dựng trên một sự mơ tưởng của những con người mang trong mình sự thất vọng tràn trề. Nó cũng không dựa trên những tuyên bố ‘chúng tôi đã thấy Chúa Giêsu Phục Sinh’ của một nhóm người có vấn đề về tâm thần hay sang chấn tâm lý.

Nhưng nó được đặt trên một nền tảng vững chắc của một chân lý là chính Đức Giêsu Kitô đã Phục Sinh, đó là một sự thật mang tính lịch sử. Con Người của Đấng đã bị đóng đinh vào thập tự cũng chính là Con Người của Đấng đã sống lại và hiện ra với các môn đệ của Người. Người vẫn sống cho tới muôn đời.

Chúa Giêsu, một cách đầy kiên nhẫn đã từng bước dẫn đưa các môn đệ của mình vào niềm tin sâu sắc ấy bằng những ‘bằng chứng’ không thể sai được là những vết thương trên thân xác Người, là sự ăn uống bình thường của một con người như chúng ta, là sự đụng chạm của các ông vào thân xác vinh hiển của người. Nếu Chúa Giêsu Phục Sinh năm xưa đã phải kiên nhẫn với các môn đệ của mình, thì hôm nay Người cũng kiên nhẫn với Đức Tin của chúng ta như vậy.

Người từng bước dẫn chúng ta vào sự sống mới của Đức Tin với sự kiên nhẫn của Người. Sự kiên nhẫn luôn đặt trên cơ sở của sự tin tưởng mạnh mẽ. nó làm cho chúng ta trở nên tin tưởng vào những gì là tốt đẹp của cuộc đời khi ta biết nhìn nhận mọi sự với đôi mắt tích cực, ngay cả khi chúng ta đang phải đối mặt với một sự thất vọng tràn trề như các môn đệ năm xưa. Chẳng phải thế mà thánh nữ Tê-rê-xa thành Avila cũng đã tuyên bố: “Kiên nhẫn sẽ đạt được tất cả!”. Chúa Giêsu đã thực sự kiên nhẫn với các mộn đệ của mình khi Người cho họ đụng chạm vào những vết thương trên thân xác vinh hiển của Người. Vì Người biết chỉ khi nào họ lại được đụng chạm vào những vết thương của Tình Yêu đó, họ mới bị thuyết phục và tin vào sự Phục Sinh của Người.

Hay ta cũng có thể nói, những vết thương trên thân xác của Đức Giêsu là bằng chứng của Tình Yêu vô vị kỉ mà Người đã trao cho các ông. Tình yêu đích thực luôn mang trên mình những vết thương, vì tình yêu đích thực luôn đi cùng với sự hy sinh, như thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu nói: “không có hy sinh thì không phải là tình yêu”.

Suy niêm tới đây, tôi bỗng nhớ tới những vết sẹo trên thân xác của các bậc làm cha làm mẹ theo năm tháng, vì những lần bôn ba, buôn thúng bán bưng hay những lần quỵ ngã vì gánh nặng cuộc đời, chỉ mong sao con cái mình được khôn lớn nên người.

Những vết thương như vậy thì đâu có gì là xấu xí, đâu có gì phải che đậy. Chúng là những bằng chứng thiết thực của một tình yêu vô bờ bến, những hy sinh âm thầm, là những huy chương vàng của những vận động viên chiến thắng trong cuộc đua của tình yêu và hy sinh…

Ấy thế mà, đã hơn một lần tôi và các bạn, chúng ta ngại ngùng hay thậm chí chạy trốn khỏi những đau khổ, những hy sinh trên bước đường theo Chúa hay trên đường đời. Nhưng nếu tôi còn muốn nói với Chúa “con yêu Chúa lắm”, hay với những người sống chung với tôi rằng “tôi yêu mến anh, chị, em lắm”. Thì chắc chắn tôi cũng sẽ phải đón nhận những đòi hỏi của Tình Yêu là những ‘vết thương’ trên thân xác tôi.

Những vết thương của Tình Yêu thì không xấu, không bao giờ nên làm ta phải xấu hổ. Nhưng trái lại, chúng đáng để ta cho nhau xem với niềm tự hào vì Tình Yêu đích thực nơi bản thân. Chúa Giêsu Phục Sinh đã cho các môn đệ của mình xem những vết thương trên thân xác Người, để rồi làm cho các ông vui mừng hớn hở vì thầy mình đã sống lại. Nhưng, qua đó, Người cũng mời gọi các ông cũng như chúng ta hôm nay, hãy mang vào mình những vết thương của sự hy sinh, nhất là khi chúng là ‘hậu quả’ của một Tình Yêu đích thực dành cho Thiên Chúa và cho nhau. Amen.

J.J. Duong, OCD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *