ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ NGƯỜI BẠN THÂN THIẾT CỦA THÁNH TÊRÊXA AVILA
F.X. Nguyễn Quách Tiến, OCD
***
Để giúp các Ki-tô hữu hiểu đúng ý nghĩa của danh xưng của mình, Linh mục Stephano Huỳnh Trụ, thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã viết một bài phân tích đầy đủ, đặc biệt là về khía cạnh ngữ nghĩa Hán việt của danh xưng này. Trong bài viết ngài đã kết luận như sau: Trường hợp Ki-tô hữu, hữu là chữ 友, có nghĩa là bạn. Vậy nên Ki-tô hữu có nghĩa là bạn của Chúa Ki-tô thay cho cách hiểu xưa nay là người có Chúa Ki-tô mà theo ngài chưa hoàn toàn chính xác.[1] Điều này cũng phù hợp với lời của Chúa Giê-su nói với các môn đệ của Ngài: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15, 15). Cũng một ý tưởng đó, Đức thánh cha Phan-xi-cô khẳng định: “Nhờ ân ban của Ngài, chúng ta được nâng lên để trở thành thật sự là bạn hữu của Ngài” (CV 153).
Bài viết này chia sẻ kinh nghiệm của thánh nữ Tê-rê-xa Avila về tương quan của ngài với Chúa Giê-su như là một người bạn thân thiết để giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn danh xưng Ki-tô hữu của mình và sống danh xưng ấy một cách xứng đáng như Đức thánh cha Phan-xi-cô đã nhắn nhủ các bạn trẻ: “Dù các con sống kinh nghiệm những năm tuổi trẻ của mình đến mức nào, các con cũng sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa sâu xa và đầy đủ nhất của nó, nếu các con không gặp gỡ mỗi ngày với người bạn tốt nhất của mình, đó là Đức Giêsu” (CV 150).
Tình bạn của Chúa Giê-su với thánh nữ Tê-rê-xa
Nhiều lần trong các tác phẩm của mình, thánh nữ Tê-rê-xa thuật lại tương quan của mình với Đức Giê-su như là một người bạn tốt lành (x. Tự thuật 8, 6), một người bạn chân thật (x. Tự thuật 22, 6; 25, 17; 37, 15). Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa đối xử với con người cũng như với Tê-rê-xa bằng tất cả tình bạn và tình yêu (x. Tự thuật 27, 9). Tình bạn Đức Giê-su dành cho Tê-rê-xa là một tương quan của một tình yêu vô vị lợi hai người bạn dành cho nhau, nói đúng hơn là người bạn Giê-su dành cho Tê-rê-xa. Tình bạn đó không như tình bạn của những con người ở thế gian mà nơi đó người ta chỉ tìm tư lợi, đặc biệt là danh dự và tiền bạc. Và từ đó gây ra bao nhiêu hệ lụy tiêu cực, xấu xa. Bởi vậy, theo thánh nữ “nếu tất cả mọi người đều đồng ý coi tiền bạc như chút cát bụi vô ích thì thế gian này đã diễn ra tốt đẹp và người ta sẽ tránh được biết bao kiện tụng. Nếu không ai quan tâm đến tiền bạc và danh dự, thì tất cả mọi người đều thân thiết với nhau chừng nào!” (Tự thuật 20, 27). Thánh nữ xác tín rằng mọi thứ sẽ được giải quyết nếu người ta không tìm tư lợi trong tình bạn với nhau và với Chúa bởi vì theo thánh nữ những thứ này chẳng là gì so với những ơn cao cả Thiên Chúa ban cho chúng ta trong tình bạn với Ngài. Trái lại, “nhiều khi tiền bạc đưa chúng ta tới hoả ngục. Tiền bạc mua được lửa để thiêu đốt chúng ta đời đời và một thứ cực hình không bao giờ chấm dứt” (Tự thuật 20, 27).
Tình bạn đó được Đức Giê-su khởi đầu nơi Mầu nhiệm Nhập thể. Tê-rê-xa tin rằng nhờ Mầu nhiệm Nhập thể, Ki-tô hữu được ban cho một người đồng hành tinh thần trên hành trình thiêng liêng của mình để nhận được sự trợ giúp mỗi khi cần. Nếu không có sự trợ giúp đó, Ki-tô hữu sẽ có khả năng đi lạc đường (x. Suy niệm về Sách Diễm Ca 1, 10). Người bạn Giê-su không bao giờ bỏ rơi chúng ta dù chỉ là một khoảnh khắc, đặc biệt trong những lúc gian truân, đau khổ cùng cực. Chính trong những lúc cô đơn, đau khổ, thánh nữ càng cảm thấy sự gần gũi tốt lành của người bạn Giê-su của mình: “Khi chúng ta bận rộn, chịu ngược đãi hay thử thách, khi chúng ta không thể yên tĩnh được như chúng ta muốn; và những thời kỳ khô khan, thì chúng ta cần có người bạn tuyệt hảo là Đức Kitô. Chúng ta chiêm ngưỡng Ngài như một người. Chúng ta nghĩ đến những lúc Ngài lâm cảnh yếu nhược và những lúc Ngài bị hành hạ, sỉ nhục. Khi ấy Ngài trở nên người bạn đồng hành với chúng ta” (Tự thuật 22, 10).
Nhờ sự trợ giúp của người bạn Giê-su, chúng ta có thể chịu đựng và vượt qua tất cả mọi sự. Thánh nữ viết: “Bất cứ ai sống trong sự hiện diện của một người bạn tốt lành và một là một người chỉ đạo xuất sắc như thế, người đã đi trước chúng ta để làm người đầu tiên phải chịu đau khổ, thì có thể chịu đựng tất cả mọi thứ. Chúa giúp chúng ta, củng cố chúng ta và không bao giờ khiến ta thất vọng; Ngài là một người bạn thật sự” (Tự thuật 22, 6). Ngài là một người bạn thật sự tốt lành bởi vì mọi ân phúc chúng ta nhận được đều đến từ chính Ngài. Ngài dạy dỗ chúng ta mọi sự. Nhưng trên hết khi chiêm ngắm cuộc sống của Ngài, chúng ta tìm thấy nơi Ngài một mẫu gương tuyệt vời nhất. Đức Giê-su, người bạn thân thiết tốt lành của Tê-rê-xa sẽ không bao giờ bỏ rơi Tê-rê-xa trong những gian truân nhọc nhằn của cuộc sống như những người bạn ở thế gian thường làm. Bởi thế, Đức thánh cha Phan-xi-cô cũng xác tín rằng: “Tình bạn với Đức Giêsu không thể bị gãy đổ. Người không bao giờ rời bỏ chúng ta, ngay cả dù có những lúc dường như Người giữ thinh lặng. Khi chúng ta cần Người, Người tỏ mình ra cho chúng ta (x. Gr 29, 14); Người vẫn ở bên ta dù ta đi tới đâu (x. Gs 1, 9). Người không bao giờ phá vỡ giao ước của Người. Người chỉ yêu cầu rằng chúng ta không bỏ Người: “Hãy ở lại trong Thầy” (Ga 15, 4)” (CV 154).
Ngài là một người bạn luôn kiên nhẫn chịu đựng và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của chúng ta, những người bạn thân thiết của Ngài. Cho dù chúng ta đi lạc khỏi Ngài, phản bội Ngài, Ngài vẫn trung thành, vì Ngài không thể nào chối bỏ chính mình (x. 2Tm 2, 13). Thánh nữ viết: “Lạy Chúa của con, Chúa là người bạn nhân lành biết bao! Chúa an ủi chúng con, chịu đựng chúng con và chờ đợi cho tới khi bản tính chúng con có phần nào giống như bản tính của Chúa. Trong khi đó, Chúa chịu đựng cái bản chất hư hèn của chúng con lạy Chúa của con, chắc hẳn là Chúa nhớ hết những lần chúng con yêu Chúa, và chỉ một phút thống hối, thì Chúa quên ngay hết, không còn nhớ những lần chúng con đã xúc phạm đến Chúa rất nặng nề. Con đã nhận thấy điều này quá rõ trong đời con” (Tự thuật 8, 6). Thánh nữ tự hỏi rằng bên cạnh ta có một người bạn tốt lành như thế, chúng ta còn cần gì hơn? “Lạy Đấng Tạo thành con, con không thể hiểu được tại sao hết mọi người lại không đến gần Chúa với tình bằng hữu thân thiết này. Hạnh phúc cho những ai thực sự yêu mến Ngài và luôn luôn có Ngài ở bên cạnh” (Tự thuật 8, 6; x. 22, 7)
Người bạn Giê-su trao ban cho Tê-rê-xa tất cả mọi sự bằng việc trao ban chính mình để rồi Tê-rê-xa được nên một với bạn Giê-su và vui hưởng sự nên một đó. Trong sự trao ban này, Giê-su sẵn lòng chiều theo và thực hiện tất cả những gì người bạn Tê-rê-xa của mình muốn. Thánh nữ viết: “Linh hồn tràn ngập những ân huệ của Chúa đến độ không còn biết xin gì cho mình nữa, còn Chúa uy linh không bao giờ ngừng ban ơn. Không những Ngài làm cho linh hồn nên một với Ngài, kết hiệp với Ngài mà còn khởi sự đặt niềm vui trong linh hồn, tỏ cho linh hồn những sự huyền nhiệm, vui sướng vì linh hồn hiểu biết ơn trọng đại đã lãnh nhận và biết phần nào ơn Ngài dành cho linh hồn nữa… Ngài bắt đầu xử với linh hồn cách rất thân tình, không những trả lại cho linh hồn ý muốn của mình mà còn ban cho linh hồn ý muốn của chính Ngài. Chúa sung sướng xử đối với linh hồn rất thân tình đến độ, như có thể nói, cả hai ý muốn cùng làm chủ, cùng ra lệnh, Ngài làm theo ý linh hồn xin cũng như linh hồn làm theo lệnh Ngài truyền. Ngài còn làm hơn nữa vì Ngài có toàn quyền, Ngài có thể thực hiện theo như Ngài muốn và Ngài không ngừng ước muốn” (Đường Hoàn Thiện 32, 12).
Bằng chính kinh nghiệm của mình, Tê-rê-xa xác tín rằng, người bạn Giê-su là một người bạn luôn tôn trọng tự do của chúng ta trong tương quan với Ngài dù chúng ta không để ý đến Ngài, dù chúng ta bỏ Ngài đi tìm những thụ tạo chóng qua khác. Ngài không bao giờ ép buộc chúng ta phải yêu mến Ngài, phải đón nhận Ngài dù biết rằng điều đó sẽ đem lại ích lợi thiêng liêng cho chúng ta: “Ngài không muốn tỏ mình công khai, thông truyền sự vĩ đại lớn lao và trao bao những kho tàng của Ngài cho bất kỳ ai ngoại trừ những người mà Ngài biết khao khát Ngài rất nhiều; đây là những người bạn thật sự của Ngài. Tôi nói với bạn rằng bất cứ ai không phải là bạn thật sự của Ngài và không đến gần để đón nhận Ngài như vậy, bằng cách thực hiện những gì nằm trong quyền lực của người ấy, thì sẽ không bao giờ khiến Ngài bận tâm với những thỉnh cầu xin Ngài mặc khải chính mình” (Đường Hoàn Thiện 34, 13).
Tình bạn của Tê-rê-xa với Đức Giê-su
Tình bạn của Tê-rê-xa với Đức Giê-su trãi qua nhiều giai đoạn khác nhau với những mức độ gắn bó, mức độ thân thiết khác nhau. Trước khi được ơn hoán cải triệt để, tình bạn của Tê-rê-xa với Đức Giê-su chỉ ở mức độ hời hợt, chẳng có gì là thân thiết gắn bó, thậm chí Tê-rê-xa sợ đến với người bạn Giê-su của mình bởi vì Tê-rê-xa đang đắm chìm trong những tình bạn thế gian, tiêu phí thời gian vào hết cuộc giải trí này đến cuộc giải trí khác, tiêu khiển hết phù phiếm này đến phù phiếm khác, lăn xả vào hết dịp tội này đến dịp tội khác, ngay cả nhiều dịp tội nặng nề. Chính tất cả những chuyện tầm phào này đã kéo Tê-rê-xa xa lìa Thiên Chúa đến nỗi thánh nữ cảm thấy xấu hổ không muốn trở lại và chuyện trò thân mật với Chúa, là người bạn thân thiết của mình trong cầu nguyện nữa (x. Tự thuật 7, 1).
Tuy nhiên, Đức Giê-su, người bạn tốt lành, thân thiết, trung tín đã không bỏ rơi người bạn Tê-rê-xa của mình trong vũng lầy của tội lỗi. Ngài đã đến giải thoát Tê-rê-xa để đưa Tê-rê-xa vào trong mối tương quan nghĩa thiết với Ngài. Thánh nữ ghi lại biến cố ấy như sau: “Trong khi xuất thần con nghe thấy những lời này: ‘Ta muốn con từ nay nói chuyện với các thiên thần chứ không nói với người đời nữa’… Từ lúc đó trở đi, con không bao giờ còn có thể duy trì tình bạn thắm thiết với ai, cũng chẳng tìm được an ủi hay luyến ái riêng tư với bất cứ ai khác ngoài nơi những người con tin là họ yêu mến Thiên Chúa và nỗ lực phụng sự Người… Từ ngày đó, con đã có đủ can đảm để từ bỏ mọi sự vì Thiên Chúa, Đấng trong giây lát đã đoái thương biến đổi tôi tớ của Người nên một con người khác” (Tự thuật 24, 5-7).
Sau khi được ơn hoán cải, Tê-rê-xa trở nên càng ngày càng gắn bó hơn, tin tưởng hơn với Đức Giê-su, người bạn tốt lành, chân thật của mình. Đức Giê-su trở nên một người bạn mà thánh nữ có thể tâm sự, có thể đến để chia sẻ bất kỳ điều gì và bất kỳ lúc nào: “Một tình yêu lớn hơn nhiều và niềm tin vào Chúa này bắt đầu phát triển trong tôi khi tôi thấy Ngài là người mà tôi có thể trò chuyện liên tục như vậy. Tôi thấy rằng Ngài là con người, mặc dù Ngài là Thiên Chúa; rằng Ngài không ngạc nhiên về sự yếu đuối của con người; rằng Ngài hiểu bản tính khốn khổ của chúng ta, phải chịu nhiều tội lỗi vì tội lỗi đầu tiên mà Ngài đến để sửa chữa. Tôi có thể nói chuyện với Ngài như với một người bạn, mặc dù Ngài là Chúa. Tôi biết rằng Ngài không giống như những lãnh chúa chúng ta có ở đây trên trái đất này mà quyền lực của họ chỉ nằm ở những thứ giả tạo bên ngoài” (Tự thuật 37, 5).
Nhờ đi sâu vào trong tình bạn với Đức Giê-su, nhờ mỗi ngày gắn bó thân thiết hơn với Đức Giê-su, Tê-rê-xa đã khám phá ra một sự thật không mấy dễ dàng để đón nhận với rất nhiều người. Sự thật đó là: “Những người Chúa yêu nhiều, Ngài dẫn đi con đường khổ nhọc, và Ngài càng yêu nhiều hơn, thì khổ nhọc càng gia tăng, nhưng không có lý để tin rằng Chúa ghét những người chiêm niệm, vì chính Ngài ca khen họ và kể họ là bạn nghĩa thiết” (Đường Hoàn Thiện 18, 1). Tê-rê-xa đã trả lời Đức Giê-su một cách hài hước trong một lần phải chịu nhiều đau khổ khi thành lập Đan viện cuối cùng của mình ở thành phố Burgos rằng vì Chúa đối xử với những người bạn nghĩa thiết của Ngài như vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Chúa có thật ít bạn. Tuy nhiên điều đó không bao giờ khiến Tê-rê-xa nản lòng và bỏ cuộc. Thánh nữ còn khuyên các chị em trong đan viện do ngài thiết lập phải trở nên những người bạn tốt lành của Đức Giê-su: “Khi ấy cũng như bây giờ, vì thấy Chúa có nhiều thù địch và rất ít bạn nên tôi nóng lòng ước ao rằng những người bạn này phải là những người thật tốt” (Đường Hoàn Thiện 1, 2).
Nhờ cảm nghiệm được tình yêu trao ban hoàn toàn chính mình của Đức Giê-su, Tê-rê-xa sẵn sàng trao ban chính mình cho Đức Giê-su, sẵn sàng chấp nhận, chịu đựng mọi đau khổ vì người bạn Giê-su của mình. Bởi Tê-rê-xa giờ đây chỉ còn một ước muốn duy nhất là làm vui lòng người bạn Giê-su của mình và sẵn lòng làm mọi sự Đức Giê-su muốn. Thánh nữ khuyên các chị em của mình như sau: “Chị em nên nhớ rằng: có ít linh hồn ở với Chúa và theo Ngài trong đau khổ; chúng ta hãy chịu khổ ít nhiều vì Ngài, rồi Ngài sẽ trả công cho chị em. Chị em cũng nên nhớ: có những người đã không muốn ở với Chúa lại còn đuổi Chúa ra khỏi mình một cách vô lễ nữa. Vậy chúng ta hãy chịu khổ với Ngài một chút để tỏ cho Ngài thấy chúng ta ước ao chiêm ngắm Ngài. Ngài chịu khổ đủ thứ và còn sẽ chịu nữa để tìm được duy chỉ một linh hồn đón nhận Ngài và giữ Ngài ở lại với mình trong tình mến yêu; chị em hãy là linh hồn ấy đi” (Đường Hoàn Thiện 35, 2).
Thực hiện điều này thật không dễ dàng. Dù phải vất vả cố gắng để luôn là những người bạn trung thành của Ngài, theo kinh nghiệm của Tê-rê-xa, Đức Giê-su sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta nếu chúng ta xin Ngài ban cho chúng ta tình bạn này, một tình bạn sẵn sàng chịu đau khổ và hy sinh cho người bạn thân thiết của mình: “Tôi biết rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Nếu chúng ta khiêm tốn nài xin Ngài cho ta tình bạn này, Ngài sẽ không từ chối chúng ta” (Đường Hoàn Thiện 26, 2). Bởi vậy, thánh nữ cảm thấy đau buồn khi những người bạn thân thiết của Đức Giê-su phản bội Ngài: “Ôi! Lạy Đấng Cứu Chuộc chúng con, thấy cảnh tượng ấy, trái tim con không thể không đau đớn! Giờ đây các tín hữu của Chúa đã ra sao? Nào những kẻ làm phiền lòng Chúa luôn luôn lại là những kẻ mắc nợ Chúa nhiều sao? Những kẻ được Chúa ban cho nhiều ơn lành, những kẻ Chúa đã chọn để làm bạn thân tình của Chúa, những kẻ Chúa đã thông ban chính mình cho qua các bí tích, những kẻ ấy chưa thoả mãn với những khổ hình Chúa đã cam chịu vì họ sao?” (Đường Hoàn Thiện 1, 3).
Thay lời kết
Tác giả Kinh thánh xác tín rằng “không có gì quí hơn một người bạn trung thành” (Hc 6, 15). Bằng chính kinh nghiệm của mình, thánh nữ Tê-rê-xa tin rằng người bạn trung thành đó chính là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người. Nơi tình bạn với Đức Giê-su, thánh nữ Tê-rê-xa cảm nghiệm được tình yêu của Chúa. Ngài luôn hiện diện ân cần bên ta, đặc biệt trong những thời khắc khó khăn, thử thách của cuộc sống, để khích lệ, nâng đỡ, ủi an chúng ta, để tha thứ những bất trung, bội ước của chúng ta. Bởi vậy, với người bạn Giê-su, chúng ta có thể chia sẻ những bí mật sâu xa nhất một cách tự nhiên thoải mái. Chúng ta có thể cởi mở mọi điều chúng ta làm cho Ngài, thâm chí cả những tội lỗi của chúng ta. Chúng ta đi vào trong mối tương quan tình bạn đó nhờ việc cầu nguyện. “Bằng việc cầu nguyện, chúng ta có thể thường xuyên kinh nghiệm sự gần gũi với Ngài, nhiều hơn bất cứ gì mà chúng ta có thể kinh nghiệm với một người khác” (CV 156).
Bởi vậy, thánh nữ Tê-rê-xa khuyên chúng ta cách thiết lập và xây dựng tương quan tình bạn gắn bó với Đức Giê-su bằng cách thực hành cầu nguyện. Ngài viết: “Còn những ai chưa bắt đầu cầu nguyện, thì tôi xin họ, vì mến Chúa, đừng bỏ mất ơn trọng này. Ở đây không phải sợ gì cả, mà chỉ có một gì đó để khao khát. Vì ngay cả khi người ta không tiến bộ hay không cố gắng theo đuổi sự hoàn thiện để đáng được những ơn an ủi và những hồng ân Chúa ban cho những tâm hồn quảng đại hơn, thì họ cũng sẽ lần lần hiểu rõ hơn về con đường dẫn đưa tới Nước Trời” (Tự thuật 8, 5). Và thánh nữ dạy chúng ta dựa trên kinh nghiệm của chính ngài rằng “tâm nguyện không phải gì khác mà chỉ là một cuộc trao đổi thân tình giữa hai người bạn, và là cuộc đàm đạo thường xuyên một mình mình với Đấng mà chúng ta biết là Ngài yêu thương chúng ta” (Tự thuật 8, 5).
Tuy nhiên thánh nữ thú nhận rằng, để xây dựng tương quan tình bạn thân thiết, gắn bó với Đức Giê-su là điều không hề dễ dàng. Thánh nữ phải chiến đấu nhiều. Ngài tự thú như sau: “Hơn mười tám trong hai mươi tám năm kể từ khi tôi bắt đầu cầu nguyện, tôi đã sống trong tình trạng giằng co chiến đấu giữa tình bạn với Thiên Chúa và tình bạn với thế gian. Còn trong những năm tôi chưa đề cập tới dù nguyên do của cuộc chiến đấu đã thay đổi, tình trạng giao tranh không phải là không đáng kể. Nhưng ngay từ khi tôi phụng sự Thiên Chúa và tôi hiểu được những phù phiếm cố hữu trong thế gian thì mọi sự trở nên dịu ngọt đối với tôi, như tôi sẽ nói sau” (Tự thuật 8, 3). Dù phải vất vả chiến đấu, nỗ lực cố gằng, ngài khuyên chúng ta đừng vì yếu đuối vấp ngã mà bỏ cầu nguyện: “Tôi chỉ có thể nói những gì tôi biết do kinh nghiệm – nghĩa là tôi khuyên ai đã bắt đầu cầu nguyện, dù đã trót phạm nhiều tội thế nào chăng nữa, thì người ấy cũng đừng bao giờ bỏ cầu nguyện nữa. Vì đó là phương thế giúp chúng ta cải thiện cuộc đời. Còn nếu không cầu nguyện, thì việc cải thiện sẽ khó hơn rất nhiều…Và nếu cứ kiên trì thì tôi hy vọng, theo lượng Thương Xót Chúa, Đấng không bao giờ lại không ân thưởng cho những ai nhận Người làm bạn hữu, sẽ thưởng công cho họ” (Tự thuật 8, 5).
[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/kito-huu-39833