Tông thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về Áo Đức Mẹ Núi Cát Minh
VIỆC TÔN SÙNG ÁO ĐỨC MẸ LÀ MỘT TỔNG HỢP VỀ CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH THEO GƯƠNG ĐỨC MẸ MARIA.
+++
Ngày 16-7-2001 là kỷ niệm 750 năm Áo Đức Mẹ Núi Cát Minh, do đó, cả hai nhánh của Dòng Cát Minh, tức là Dòng Cát Minh Gốc và Dòng Cát Minh Về Nguồn (quen gọi là Cát Minh cải tổ), đã dành năm 2001 cho Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh. Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gởi một sứ điệp cho Cha Joseph Chalmers (Bề Trên Tổng Quyền Dòng Cát Minh Gốc), và Cha Camilo Maccise (Bề Trên Tổng Quyền Dòng Cát Minh Về Nguồn), cho thấy Áo Đức Mẹ có thể được coi như một tổng hợp về con đường nên thánh theo gương Đức Mẹ Maria.
Kính gởi
cha Joseph CHALMERS
Bề Trên Tổng Quyền
Của các Anh Em Dòng Đức Nữ Trinh Maria Núi Cát Minh (O.Carm.)
và cha Camilo MACCISE
Bề Trên Tổng Quyền
Của các Anh Em Về Nguồn
Dòng Đức Nữ Trinh Maria Núi Cát Minh (O.C.D)
1. Năm Thánh là một biến cố ân sủng đối với Hội Thánh. Biến cố này đã khiến Hội Thánh tin tưởng và hy vọng nhìn vào chặng đường của thiên niên kỷ mới, vừa mới bắt đầu. Trong tông thư Tiến vào thiên niên kỷ mới, tôi đã viết: “Bắt đầu thế kỷ mới, ta phải bước nhanh lên… Trên con đường này có Đức Mẹ Đồng Trinh đồng hành với chúng ta. Tôi đã ký thác thiên niên kỷ thứ ba này cho Ngài” (số 58).
Tôi hết sức vui mừng khi được biết rằng cả hai nhánh Dòng Cát Minh, nguyên thủy và cải tổ, cùng muốn hiến dâng năm 2001 để diễn tả lòng hiếu thảo đối với vị Quan Thầy, Đấng mà họ vẫn kêu cầu như là Hoa Núi Cát Minh, là Mẹ và là vị hướng dẫn trên con đường nên thánh. Trong cái nhìn ấy, tôi không thể không nhấn mạnh tới một sự trùng hợp tốt đẹp: Năm thánh mẫu này được toàn Dòng Cát Minh cử hành nhân dịp kỷ niệm 750 năm việc trao Áo Đức Mẹ[1], theo như truyền thống đáng kính của Dòng. Vì thế, đây là một cuộc cử hành cống hiến cho toàn thể Gia Đình Cát Minh một cơ hội tuyệt vời không những để đào sâu linh hạnh thánh mẫu của mình, mà còn để luôn luôn sống linh hạnh ấy mỗi ngày một hơn dưới ánh sáng của vai trò mà Đức Nữ Đồng Trinh, Mẹ của Thiên Chúa và của loài người, nắm giữ trong mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh. Và như vậy, anh chị em có thể bước theo Ngài, Đấng vốn là “Ngôi Sao của việc tân phúc âm hóa”[2].
2. Các thế hệ Dòng Cát Minh, từ khởi đầu đến nay, trên hành trình hướng về “Núi Thánh là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”[3], đã tìm cách rập khuôn đời mình theo gương Đức Maria.
Vì thế, việc chiêm ngắm Đức Trinh Nữ đã nở hoa trong Dòng Cát Minh cũng như nơi mỗi tâm hồn đặc biệt sùng kính mến yêu Đức Trinh Nữ và là Mẹ rất thánh của chúng ta. Ngay từ đầu, Đức Trinh Nữ đã biết cởi mở lắng nghe Lời Chúa và vâng theo Thánh Ý Ngài (Lc 2, 19.51). Quả thật, nhờ Chúa Thánh Thần giáo dục và đào tạo (x. Lc 2, 44-50) Đức Maria đã có thể đọc được lịch sử riêng của đời mình trong ánh sáng đức tin (x. Lc 1, 46-55). Mẹ đã ngoan ngoãn vâng theo những gợi ý của Thiên Chúa, đã tấn tới trong hành trình đức tin, đã tha thiết kiên trì hiệp nhất với Con mình cho đến chân thập giá. Theo chương trình của Thiên Chúa, Mẹ đã đứng đó (Ga 19,25), cùng chịu đau khổ tột độ với Con Một của mình, liên kết với hy tế của Con với một tấm lòng từ mẫu.”[4]
3. Chiêm ngắm Đức Nữ Đồng Trinh, ta sẽ thấy Ngài là một người Mẹ chu đáo, chăm lo cho Con khôn lớn tại Nadaret (x. Lc 2, 40-52), dõi bước chân con trên các nẻo đường xứ Palestina. Ta còn thấy Mẹ có mặt tại tiệc cưới Cana (Ga 2,5) và dưới chân thập giá, lúc Ngài trở thành Mẹ của tất cả. Mẹ liên kết với việc dâng mình của Con và đã được ban cho tất cả nhân loại, khi Chúa Giêsu đích thân trao Mẹ cho người môn đệ Ngài yêu mến (Ga 19,26). Với tư cách là Mẹ của Hội Thánh, Đức Mẹ hiệp nhất với các môn đệ “chuyên cần cầu nguyện”(Cv 1,14), và với tư cách Người Nữ mới, khi được nhận về thiên đàng, Mẹ sống trước nơi bản thân Mẹ những gì một ngày kia sẽ được thể hiện cho hết thảy chúng ta, khi được vui hưởng no đầy sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Được nhận về thiên đàng, giờ đây Mẹ xoè vạt áo của lòng từ ái Mẹ, che chở mọi con cái của Mẹ đang còn lữ hành hướng về Núi Thánh vinh hiển.
Khi cả lòng trí đều biết chiêm ngắm Đức Trinh Nữ như thế, ta sẽ thán phục đức tin và lòng mến của Mẹ, đức tin và lòng mến mà nhờ đó Mẹ đã chiếm hữu được những gì mà bất cứ tín hữu nào cũng khát khao và hy vọng đạt được trong mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh[5]. Chính vì thế mà các anh chị em trong dòng Cát Minh quả đã có lý khi chọn Đức Maria làm Quan Thầy, làm Người Mẹ thiêng liêng và luôn giữ lòng trí tưởng nhớ đến Ngài, là Trinh Nữ thanh khiết tuyệt vời và là người đang hướng dẫn tất cả đạt đến chỗ hiểu biết và bắt chước Đức Kitô một cách hoàn hảo.
Chính như vậy mà một sự thân mật thiêng liêng được triển nở, làm cho sự hiệp thông với Đức Kitô và Mẹ Maria được luôn tăng trưởng. Đối với các thành viên của gia đình Cát Minh, Đức Maria, Đức Trinh Nữ Mẹ của Thiên Chúa và là Mẹ của toàn dân, không những là một gương mẫu để noi theo, nhưng Ngài còn hiện diện như một người Mẹ và một người Chị mà ai cũng có thể tin tưởng. Mẹ thánh Têrêxa Avila quả có lý khi viết: “Chị em hãy bắt chước Mẹ Maria và hãy nghĩ xem Đức Mẹ cao cả dường nào và thật tốt đẹp biết bao khi chúng ta nhận Ngài làm Đấng Bảo Trợ”[6].
4. Với một cuộc sống gắn bó mãnh liệt với Đức Mẹ như thế, một sự gắn bó được diễn tả qua lời cầu nguyện đầy tin tưởng, qua lời ca ngợi hăng say và qua sự siêng năng học đòi bắt chước, ta sẽ hiểu được rằng “Áo Đức Mẹ”là một biểu hiệu giản dị nói lên lòng tôn kính Đức Mẹ, và hình thức tôn sùng chân thật nhất, được diễn tả qua biểu hiệu này, chính là việc dâng mình cho Trái Tim vẹn sạch của Mẹ[7]. Chính vì thế mà nơi cõi lòng mỗi người chúng ta đều thấy rộn lên một niềm hiệp thông và tình thân mật với Đức Mẹ, “như một phương cách mới để sống cho Thiên Chúa và tiếp diễn trên trần gian này lòng yêu mến mà Chúa Giêsu đã có đối với Đức Maria, Mẹ Ngài”[8]. Theo cách nói của chân phước Titô Brandsma, tu sĩ Cát Minh tử đạo, khi hiệp nhất sâu xa với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, thì cũng giống như Ngài, chúng ta được trở nên những người mang sự sống Thiên Chúa: “Thiên Chúa cũng sai một thiên sứ đến với chúng ta…, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải đón nhận Thiên Chúa vào lòng, mang lấy Ngài trong lòng chúng ta, nuôi dưỡng Ngài và làm cho Ngài lớn lên trong chúng ta, sao cho Ngài lại sinh ra bởi chúng ta và sống với chúng ta như Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta”[9].
Qua thời gian và qua việc phổ biến lòng sùng kính đối với Áo Đức Mẹ, di sản phong phú ấy của Dòng Cát Minh về lòng yêu mến Đức Mẹ, đã trở thành một kho báu đối với toàn thể Hội Thánh. Chính nhờ nó thật đơn sơ, thật gần gũi với cuộc sống con người và nêu rõ được vai trò của Đức Maria đối với Hội Thánh và nhân loại, lòng sùng kính ấy đã được dân Chúa đón nhận sâu xa và với cả tấm lòng, sâu rộng đến nỗi đã được nhắc đến trong lễ nhớ ngày 16.7, trong lịch phụng vụ của Hội Thánh toàn cầu.
5. Dấu chỉ Áo Đức Mẹ là một tổng hợp về con đường nên thánh theo gương Đức Mẹ Maria. Nó nuôi dưỡng lòng sùng kính của biết bao tín hữu, làm cho họ nhạy cảm đối với sự hiện diện âu yếm của Đức Mẹ trong đời họ. Áo Đức Mẹ chủ yếu là một “trang phục”. Những ai đón nhận áo này đều được gia nhập hoặc liên kết theo một mức độ nào đó với Dòng Cát Minh, là Hội Dòng được dành riêng để phục vụ Đức Mẹ vì lợi ích của toàn thể Hội Thánh[10]. Những ai mặc lấy tấm áo này của Đức Mẹ đều được dẫn đến vùng núi Cát Minh, để có thể “ăn những hoa trái dồi dào ở đó” (x. Gr 2,7), và cảm nghiệm được sự hiện diện từ mẫu của Đức Mẹ, khi chính họ hằng ngày cũng cam kết mặc lấy Đức Giêsu Kitô và làm cho Ngài hiện diện trong cuộc sống họ, vì lợi ích của Hội Thánh và của toàn thể nhân loại[11].
Có hai sự thật mà biểu hiệu Áo Đức Mẹ muốn nói lên: Một là, Đức Trinh Nữ sẽ liên tục che chở, không phải chỉ trên những bước đường trần thế này, mà ngay cả trong lúc vượt qua cõi đời này để tiến vào hưởng sung mãn vinh quang đời đời; hai là, cần phải ý thức rằng không thể giản lược việc tôn sùng Đức Mẹ vào việc thỉnh thoảng đọc một vài kinh kính Đức Mẹ, nhưng phải là một “trang phục”, nghĩa là một cách thế bền bỉ để sống đời sống ki-tô-hữu, gồm việc cầu nguyện và sống nội tâm, qua việc thường xuyên lãnh nhận các bí tích và thực thi một cách cụ thể những công việc của lòng thương xót, cả phần xác lẫn phần hồn. Như vậy, Áo Đức Mẹ trở thành một dấu chỉ của “Giao Ước” và của mối hiệp thông hỗ tương giữa Đức Maria và các tín hữu. Nó biểu lộ một cách cụ thể điều Chúa Giêsu đã làm trên thập giá, là ủy thác Mẹ Ngài cho thánh Gioan, và qua thánh Gioan, là cho chúng ta hết thảy, và đồng thời cũng uỷ thác vị tông đồ yêu dấu ấy và hết thảy chúng ta cho Đức Mẹ, để Mẹ trở nên Người Mẹ thiêng liêng của chúng ta.
6. Sự thánh thiện và khôn ngoan của biết bao vị thánh nam nữ Dòng Cát Minh, mà tất cả đều đã lớn lên dưới bóng Đức Maria và dưới sự che chở của Ngài, là một bằng chứng hùng hồn, một tấm gương rực rỡ về con đường nên thánh theo gương Đức Mẹ, con đường đang hun đúc chúng ta, làm cho chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, là Anh Cả giữa một đàn em đông đúc.
Chính bản thân tôi từ lâu cũng đã mang trên mình Áo Đức Mẹ Núi Cát Minh: Vì lòng yêu mến đối với Mẹ chúng ta ở trên trời, Đấng mà tôi luôn cảm thấy rõ sự che chở của Ngài, tôi cầu chúc sao cho năm Thánh Mẫu này giúp mọi tu sĩ nam nữ Dòng Cát Minh và các giáo dân đạo đức tôn kính Mẹ, được lớn lên trong lòng yêu mến Mẹ và biết chiếu tỏa trên thế giới sự hiện diện của Người Nữ của thinh lặng và cầu nguyện, mà chúng ta vẫn kêu cầu dưới tước hiệu là Mẹ Từ Nhân, Mẹ của niềm Cậy Trông và Ân Sủng.
Cùng với những lời chúc này, tôi sung sướng ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả anh em tu sĩ, các đan nữ, các chị em, các thành viên giáo dân của Đại Gia Đình Cát Minh, đang xả thân để phổ biến giữa Dân Chúa, lòng tôn sùng đích thực đối với Mẹ Maria, là Sao Biển và là Hoa Núi Cát Minh.
Vatican, ngày 25 tháng 3 năm 2001
Gioan Phaolô II
[1] Thánh Simon Stock là người nước Anh, làm Bề Trên Tổng Quyền dòng Cát Minh từ 1245 đến 1265. Ngài được Đức Thánh Cha Inôxentê IV che chở bênh vực và dành nhiều đặc ân cho dòng Cát Minh. Thế nhưng ngài lại gặp rất nhiều khó khăn chống đối ở các địa phương. Ngài đã trải qua nhiều đau khổ đến nản lòng. Thế nhưng ngài là một người có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Ngài đã bày tỏ những lo lắng ưu tư của ngài cho Đức Mẹ, Nữ Vương dòng Cát Minh. Vào năm 1251, trong khi cầu nguyện với hết tình con thảo, ngài van xin Đức Trinh Nữ một dấu chỉ cho thấy Đức Mẹ đã bằng lòng bảo trợ dòng Cát Minh. Đức Mẹ đã hiện ra với ngài, có các thiên thần hầu quanh, tay cầm tấm áo Dòng Đức Mẹ Núi Cát Minh, và nói với ngài: “Đây là đặc ân Mẹ ban cho con và tất cả mọi người trong Hội dòng con. Người nào khi từ trần mà mang Áo Thánh này, sẽ không bị lửa đời đời thiêu đốt.”
[2] x. Tông Thư Novo Millennio Ineunte, số 58
[3] sách lễ Roma, lời nguyện kính Đức Nữ Trinh Maria Núi Cát Minh, 16.7
[4] Hiến chế tín lý về Hội Thánh, số 58
[5] x. Hiến chế Phụng Vụ, số 103 ; Hiến chế tín lý về Hội Thánh, số 53
[6] Lâu đài nội tâm, cư thất III, 1.3
[7] x. Piô XII, tông thư Neminem profecto latet. 11.2.1950 : ASS 42, 1950, trang 390-391 ; Hiến chế tín lý về Hội Thánh, số 67.
[8] x. Diễn văn giờ kinh Truyền Tin, trong Insegnamenti XI/3, 1988, tg 173
[9] Tham luận của chân phước Titô Brandsma đọc tại Đại Hội thánh mẫu học ở Tongerloo, 8.1936
[10] Công thức làm phép Áo Đức Mẹ, trong “Nghi Thức làm phép và ban Áo Đức Mẹ”, được Thánh Bộ về việc Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật các Bí Tích chuẩn y ngày 5.1.1996
[11] x. Công thức trao Áo Đức Mẹ