Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy Đầu Tháng Mùa Giáng Sinh

#BÁNH CHO ĐỜI – Gioan 1, 19-28

“Người sẽ đến sau tôi”

+++

Tin mừng theo thánh Gioan hôm nay giới thiệu cho chúng ta một mẫu gương để sống đời sống người Kitô Hữu, đó là ông Gioan Tẩy Giả – người được gởi đến để làm chứng về Ánh Sáng.

Và vì là người làm chứng, là sứ giả, bản thân ông được phản chiếu ánh sáng của Đấng Cứu Thế sẽ đến sau ông, và ông đến chỉ để giới thiệu Đấng Kitô cho những ai đang trông chờ người. Nơi con người của Gioan tẩy giả chúng ta được học, được nhắc nhở trở lại về nhiều điều tốt đẹp mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta.

Trước hết, nơi khuôn mặt của Gioan Tẩy Giả chúng ta thấy phản chiếu ánh sáng của sự khiêm hạ thẳm sâu.

Khi người ta đến hỏi ông: liệu ông có phải là Đấng Cứu Thế, ông thẳng thắng nói không, hơn nữa, ông cũng chẳng nhận mình là Êlia, cũng không phải là một vị ti   ên tri vĩ đại nào. Nhưng chỉ đơn giản là một tiếng kêu trong hoang địa để kêu gọi người ta dọn lòng mình đón Chúa đến. Với Đấng đang đến, ông nói, thậm chí ông chẳng đáng cởi quai dép cho người. Rất khiêm hạ và chân thành.

Nhưng cũng chính sự khiêm hạ chân thành này làm cho Gioan Tẩy Giả nên một con người rất tự do và trở nên vĩ đại trước mặt Thiên Chúa vì sự công chính của mình.

Khiêm nhường cũng là một nhân đức lớn trong đời sống của người Cát Minh, chúng ta được mời gọi sống khiêm hạ và đào sâu kho tàng của nhân đức khiêm nhường qua việc học biết và chấp nhận chính mình và người khác. Bên cạnh đó, cùng với sự từ bỏ – khiêm nhường sẽ càng làm cho chúng ta được tự do hơn, được vui những niềm vui thánh thiện và thăng tiến hơn trong đời sống nhân đức.

Thứ hai, nơi Gioan Tẩy Giả, chúng ta thấy phản chiếu ánh sáng của sự khó nghèo và bỏ mình.

Các Tin Mừng đều có một cái nhìn chung về Gioan Tẩy Giả đó là – ông là một con người khắc khổ, ông đi ra từ hoang địa, mặc áo lông, thắt dây da, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Khi gặp được Chúa thì ông rút về phía sau để “người được lớn lên, con tôi thì nhỏ lại ”

Sự khó nghèo đó của ông đơn giản giúp chúng ta thấy, ông không để mình bị lệ thuộc quá nhiều vào người ta, vào những của cải vật chất và đòi hỏi sự thoải mái ở đời này. Ông làm như thế để làm chứng rằng: con người không cần quá nặng nề với đời này, khi sống nghèo khó, Gioan Tẩy Giả cho thấy niềm hy vọng của ông được đặt ở một viễn cảnh tương lai đến nỗi ông không còn sợ chết.

Và đây cũng là điều Chúa Giêsu sẽ loan báo và sống – chúng ta thuộc về thiên quốc, không phải của thế gian này, vun vén và dính bén cho nhiều rồi chết cũng chẳng mang theo được gì.

Là những người thánh hiến, chúng ta cũng được Gioan nhắc nhở về ánh sáng của sự khó nghèo để giúp chúng ta được tự do hơn mà yêu mến Chúa và nên dấu chỉ của niềm hy vọng cho Chúa ở đời này.

Cuối cùng, nơi Gioan Tẩy Giả chúng ta thấy phản chiếu ánh sáng của lòng nhiệt thành của Đấng Kitô.

Gioan Tẩy Giả là một trong những ngôn sứ sớm nhận biết được sứ mệnh của mình – đó là làm Tiền Hô cho Chúa, cuộc đời ông gắn liền với Chúa ngay từ khi còn trong lòng Mẹ. Tuy nhiên, tất cả những điều đó sẽ không mấy ý nghĩa nếu Gioan Tẩy Giả dùng tự do của mình để chọn lựa cho mình một con đường khác hơn con đường ông được mời gọi.

Và khi đã chọn lựa, ông cho đi chính mình cùng sự nhiệt thành của trái tim và cả con người ông. Ông sống để giới thiệu Chúa cho người ta, và ông chết để làm chứng cho sự cao cả của lề luật Chúa và sự không khoan nhượng trước tội lỗi và sự dữ.

Tất cả những điều ấy diễn tả lòng nhiệt thành của ông. Ông để cho ngọn lửa của lòng nhiệt thành sống cho Chúa chiếm hữu ông đến khi ông sống như chính Chúa – sống để rao giảng và chết để cứu chuộc con người.

Ước gì ánh sáng của Đấng Kitô cũng phản chiếu trên gương mặt chúng ta hôm nay, để nơi đó, Chúa cũng tìm thấy nơi chúng ta sự phản chiếu ánh sáng của sự khiêm nhường sâu thẳm, của sự khó nghèo bỏ mình và của lòng nhiệt thành để sống và chết cho Chúa. Amen

Lm Giuse Đông, OCD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *