Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp gặp gỡ các Tu sĩ dòng Cát Minh Têrêxa đang tham dự Tổng Tu Nghị lần thứ 92.(Buổi gặp gỡ với Đức Thánh Cha diễn ra vào sáng ngày 11/09/2021)

Anh em thân mến,

   Tôi vui mừng được chào đón anh em, nhân dịp anh em, đại diện cho khoảng bốn ngàn tu sĩ của Dòng từ khắp nơi trên thế giới, quy tụ cùng nhau cho Tổng Tu Nghị. Xin cho tôi được gửi lời chào thăm đến tất cả các tu sĩ của Dòng, cũng cho tôi được gửi lời chào đến các sơ dòng Cát Minh Têrêxa, và tất cả các thành viên của gia đình Cát Minh, những người đang dõi theo Tổng Tu Nghị trong những ngày này với lời cầu nguyện. Tôi xin chân thành cảm ơn Cha Bề Trên Tổng Quyền mới về những gì Ngài vừa nói. Và tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn đến Cha Bề Trên Tổng Quyền tiền nhiệm vì những gì Ngài đã làm. Xin cảm ơn.

   Anh em đã khởi đầu Tổng Tu Nghị với ba bản văn kinh thánh rất ý nghĩa. Bản văn thứ nhất: lắng nghe những gì Thần Khí nói (xem Kh 2: 7); thứ hai: phân biện các dấu chỉ của thời đại (x. Mt 16, 3); thứ ba: trở thành nhân chứng cho tận cùng trái đất (xem Công vụ 1,8)

   Lắng nghe là thái độ nền tảng của người môn đệ, của một người đặt mình vào trường học của Chúa Giêsu và muốn đáp lại những gì Người kêu mời chúng ta trong thời điểm tuy khó khăn nhưng luôn luôn đẹp đẽ này, bởi vì đó là thời điểm của Thiên Chúa. Lắng nghe Thánh Thần, để có thể phân biện điều gì đến từ Chúa và điều gì chống lại Ngài, và bằng cách này, có thể đáp lại, bắt đầu từ Tin Mừng, đáp lại những dấu chỉ của thời đại mà qua đó Chúa của lịch sử nói với chúng ta và tỏ mình ra cho chúng ta. Lắng nghe và phân biện, nhằm trở nên chứng tá, về sứ mạng được thực hiện với việc loan báo Tin Mừng, cả bằng lời nói và trên hết là bằng cuộc sống.

   Trong thời gian này, khi đại dịch đã đặt tất cả chúng ta trước nhiều câu hỏi và đã chứng kiến ​​sự sụp đổ của không ít điều [được cho là] chắc chắn, anh em được kêu gọi, với tư cách là những người con của Thánh Têrêxa, củng cố lòng trung thành với các yếu tố vững vàng của đặc sủng mà anh em nhận được. Nếu cuộc khủng hoảng này có điều gì đó tốt – và chắc chắn là có – thì chính là đưa chúng ta trở lại điều cốt yếu, chứ không phải để cuộc sống bị chi phối bởi những “điều chắc chắn giả tạo”. Bối cảnh này cũng là dịp tốt để anh em có thể xem lại thực trạng sức khỏe của Dòng và có thể tiếp thêm lửa từ nguồn cội.

  Đôi khi người ta hỏi về tương lai của đời sống thánh hiến; và một số nhà tiên tri về sự diệt vong nói rằng tương lai này là ngắn ngủi, rằng đời sống thánh hiến đang dần cạn kiệt. Nhưng, anh em thân mến, những cái nhìn bi quan này, cũng như những cái nhìn bi quan về chính Giáo hội, chắc chắn là để bị phủ nhận, bởi vì đời sống thánh hiến là một phần không thể thiếu của Giáo hội, của bản chất cánh chung của Giáo Hội, của sự chân thật Tin Mừng. Đời sống thánh hiến là một phần của Giáo hội như Chúa Giêsu mong muốn và Thánh Thần không ngừng tạo ra nó. Vì vậy, chúng ta không loay hoay, lo lắng về việc tồn tại, thay vào đó, chúng ta cần đón nhận và sống viên mãn ân sủng của hiện tại, ngay cả với những rủi ro kèm theo.

  Tại trường học của Chúa Kitô, đắm mình trong mầu nhiệm tình yêu của Người, ta nhắm đến sự trung thành với hiện tại, đồng thời cũng cần sự tự do, cởi mở với chân trời Thiên Chúa muốn. Đời sống Cát Minh là một đời sống chiêm niệm. Đây là hồng ân mà Thần Khí đã ban cho Giáo Hội nơi Thánh Têrêxa Avila (Santa Teresa di Gesù), Thánh Gioan Thánh Giá, và kế đó nơi rất nhiều thánh dòng Cát Minh. Trung thành với ân huệ này, đời sống Cát Minh là lời đáp trả cho cơn khát của con người đương thời, nỗi khát khao Thiên Chúa trong sâu thẳm, khát khao sự vĩnh hằng: nhiều khi con người hôm nay không hiểu điều đó, người ta tìm kiếm sự ấy khắp nơi. Đời sống Cát Minh không phải là các tâm lý thuyết (psicologismi), không phải các tâm linh thuyết (psicologismi), và cũng chẳng phải những cập nhật sai lệch che giấu một tinh thần thế tục. Anh em nhận thức rõ ràng về sự cám dỗ của các tâm lý thuyết (psicologismi), tâm linh thuyết (psicologismi) và các điều mới mẻ của thế gian: một tinh thần thế tục. Và về điều này, tôi xin anh em: hãy cẩn thận với một thứ “thế tục tâm linh” (mondanità spirituale), đó là sự dữ tồi tệ nhất có thể xảy đến với Giáo hội. Khi tôi đọc điều này trong những trang cuối cùng của bài suy niệm về Giáo Hội của cha de Lubac – ở bốn trang cuối – tôi không thể tin được: nhưng tại sao, tôi vẫn đang ở Buenos Aires, tại sao điều này lại xảy ra? Thứ “thế tục tâm linh” (mondanità spirituale) này là gì? Nó rất tinh vi, nó rất tinh vi: nó xâm nhập và chúng ta không nhận thấy nó. Bản văn trích dẫn một cha linh hướng dòng Biển Đức: de Lubac mượn những câu đó và nói: “Thật là tệ nạn tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với Giáo hội, còn tồi tệ hơn cả vào thời các Giáo hoàng có thê thiếp”. Tôi cũng đã nói điều này với các anh em dòng Claret hai ngày trước: anh em có thể thấy rằng L’Osservatore Romano đã sợ hãi trước văn bản này, không phải bản văn của tôi, mà là của de Lubac, và Ngài nói nó còn tệ hơn “các Giáo hoàng có thê thiếp”: Ngài e sợ sự thật ấy, tôi hy vọng L’Osservatore Romano có đủ can đảm.

  Chúng ta hãy nhớ rằng lòng trung thành Phúc âm không phải là sự ổn định của nơi chốn, mà là sự bình an của trái tim; điều này không hệ tại ở việc từ chối thay đổi, nhưng nằm ở việc thực hiện những thay đổi cần thiết để đáp ứng những gì Chúa đang yêu cầu chúng ta, ở đây và bây giờ. Và do đó lòng trung thành đòi hỏi một cam kết chắc chắn đối với các giá trị Tin Mừng, và đối với các giá trị của đặc sủng mình lãnh nhận, đồng thời lòng trung thành ấy cũng đòi hỏi sự từ bỏ với những gì ngăn cản chúng ta dâng mình trọn vẹn cho Chúa và cho tha nhân.

  Với những điều này, tôi khích lệ anh em không tách rời mối thân tình với Chúa, tình huynh đệ trong cộng đoàn và công việc sứ vụ, như được đề cập trong các tài liệu chuẩn bị cho Tổng Tu Nghị của anh em. Đối với Thánh Têrêxa, tình bằng hữu với Thiên Chúa có nghĩa là sống hiệp thông với Ngài, đó không chỉ là kinh nguyện, nhưng biến cuộc sống thành một lời cầu nguyện, đó là bước đi –  như Bản Luật Dòng của anh em nhắc đến – “trong ân sủng của Chúa Giêsu Kitô” (“in obsequio Iesu Christi”), và làm điều đó trong niềm vui. Tình bằng hữu với Thiên Chúa được lớn lên trong thinh lặng, trong hồi tâm, trong việc lắng nghe Lời Chúa; đó là ngọn lửa phải được nuôi dưỡng và gìn giữ từng ngày.

  Hơi ấm của ngọn lửa nội tâm này cũng giúp thực hành đời sống huynh đệ trong cộng đoàn. Đó không phải là một yếu tố phụ, mà là một yếu tố trọng yếu. Người ta nhớ đến anh em bằng chính tên riêng của anh em: “Anh em chân trần” (“Fratelli scalzi”). Bắt nguồn từ tình liên đới với Thiên Chúa Ba Ngôi Tình Yêu, anh em được kêu gọi để vun đắp các mối tương quan trong Thánh Linh, trong sự xung khắc lành mạnh (sana tensione) giữa việc sống trong cô tịnh với việc sống với tha nhân, đi ngược lại với chủ nghĩa cá nhân và sự đại chúng hóa của thế gian. Mẹ thánh Têrêxa cổ võ “phong cách của tình huynh đệ”, (“stile di fraternità”, “el estilo de hermandad”). Đó là một nghệ thuật được học mỗi ngày: trở thành một gia đình hiệp nhất trong Chúa Kitô, “anh em chân trần của Đức Maria”, giống như mẫu gương nơi Thánh Gia Nazareth và cộng đoàn tông đồ.

  Bắt đầu từ tình bằng hữu với Thiên Chúa và “phong cách của tình huynh đệ”, anh em được mời gọi để tái suy ngẫm sứ mệnh của mình, với sự sáng tạo và lòng nhiệt thành tông đồ quyết đoán, cùng sự quan tâm hết mực đến thế giới ngày nay. Tôi muốn nhấn mạnh vào điều tôi đã đề cập ở trên: sự đổi mới sứ mệnh của anh em gắn bó chặt chẽ với lòng trung thành với ơn gọi chiêm niệm. Anh em không được bắt chước sứ vụ của các đặc sủng khác, nhưng phải trung thành với đặc sủng của mình, để cống hiến cho thế giới những gì Chúa đã ban cho anh em vì lợi ích của toàn nhân loại, đó là dòng nước sống động của chiêm niệm. Thật ra, đó không phải là sự trốn tránh thực tại, khép mình trong một ốc đảo được bảo vệ, mà là sự mở ra của trái tim và sự sống để đón nhận sức mạnh thực sự biến đổi thế giới, đó là tình yêu của Thiên Chúa. Chính trong lời cầu nguyện cô tịnh bền bỉ, mỗi ngày Chúa Giêsu đã nhận được sự thúc đẩy để “bẻ vỡ” cuộc sống của mình cho dân chúng. Và các thánh cũng vậy: lòng quảng đại và can đảm trong việc tông đồ của các ngài là hoa trái của sự kết hợp sâu xa với Thiên Chúa.

  Anh em thân mến, sự hòa hợp giữa ba yếu tố này: tình bằng hữu với Thiên Chúa, đời sống huynh đệ và công việc sứ vụ, là một mục tiêu hấp dẫn, có khả năng thúc đẩy các lựa chọn hiện tại và tương lai của anh em. Cầu mong Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn những bước đi của anh em trên con đường này. Cầu xin Đức Thánh Trinh Nữ bảo vệ anh em và lời chúc lành của tôi đồng hành với anh em. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Xin cảm ơn! 

Bản dịch của Rev. John Hồng Phúc, OCD.

Nguồn: https://press.vatican.va/content/salastampa/it/bollettino/pubblico/2021/09/11/0553/01221.html?fbclid=IwAR11VoiKdFmiTm4QOtHPrwZkPz3v4BfJ_G76lA5sNHG-E_9VPxmbJvT573Q

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *