Thứ Hai Tuần XII Thường Niên
MÁT-THÊU 7: 1- 5
“ĐỌC KINH TO, ĐỌC KINH NHỎ”
Chuyện của đời tu nó cũng lý thú, ly kỳ lắm nhé! Mỗi cái chuyện đọc kinh hay hát kinh chung với nhau thôi cũng đã có nhiều cái để ngẫm suy và rút ra bài học cho bản thân rồi.
Trong Dòng Cát Minh Chân Trần, đối với các tu sĩ nam, mỗi ngày chúng tôi đọc kinh phụng vụ chung với nhau năm lần, nguyện gẫm chung với nhau hai giờ sáng tối. Đây như là dấu chỉ của việc thánh hiến các giờ trong ngày cho Thiên Chúa. Đọc kinh không còn là việc đọc râm ran cho xong nhiệm vụ của người tu sĩ, nhưng là lời khẩn nguyện nài van của một tâm hồn trước Thiên Chúa. Với tâm tình cảm mến, tri ân, mỗi người được mời gọi cầu nguyện liên lỉ chung với tất cả các thành viên trong cộng đoàn vì “ở đâu có hai hay ba người tụ họp vì nhân danh thầy thì thầy sẽ ở giửa họ.”
Trong nhà nguyện, một nữa số người ngồi bên trái, một nữa còn lại ngồi bên phải. Cộng đoàn được chia ra làm hai bè để hát hay đọc đối đáp với nhau cho cân xứng. Ai cũng cần phải đọc to, rõ ràng, theo cung điệu nhịp nhàng. Vậy mà nghĩ cũng lạ! Mỗi lần tới phiên bè của tôi đọc, mà có một ai đó đọc nhỏ hơn bình thường, không đủ âm lượng cho người khác nghe, thì tôi cảm thấy hơi khó chịu trong lòng. Câu hỏi cứ dấy lên làm tôi lo ra chia trí khủng khiếp: Tại sao anh ấy không đọc lớn lên một tí cho mọi người trong nhà nguyện cùng nghe? Tại sao anh ấy không giúp bè phía bên mình bằng cách đọc thành tiếng kia chứ? Tại sao anh ấy không có tinh thần sống cộng đoàn gì cả? Tại sao anh ấy phải để người khác gánh vác phần xướng kinh chung thay cho mình?….Vô vàn câu hỏi tại sao, làm cho bản thân tôi như rơi vào vực thẳm, mà quên bén đi mình cần phải hiệp tâm cầu nguyện với Chúa, chứ không phải lo chuyện nhỏ nhặt tế nhị kia.
Suy nghĩ trong đầu không thôi chưa đủ, thỉnh thoảng tôi còn làm ra hiệu để cho người anh em ấy biết là họ đang làm sai nữa kia! Thế mới khổ kia chứ! Tôi sẽ đổi giọng, đọc to hơn bình thường để khỏa lấp khoảng trống mà người kia để lại. Mà đọc to hơn mình thường thì sẽ gằn dọng, rất mau mệt, rồi dẫn đến khan tiếng.Thế nên, càng chỉnh người ta, càng bực trong lòng. Thế nên, đôi khi tôi lại chuyển cách chỉnh người khác qua việc giữ thinh lặng hay đọc nho nhỏ vửa đủ nghe bên tai thôi. Tự nhiên, cả một bè đọc kinh trở nên yếu hằn! Chắc chắn nó sẽ gây sự chú ý cần thiết đến cho thầy kia; nhưng đồng thời nó cũng gây chia trí cho cả cộng đoàn vì tự dưng, nhiều người không thèm đối đáp kinh chung với nhau nữa. Nhiều lúc trong lòng, tôi muốn thôi, không đọc kinh chung nữa cho “bỏ ghét”cái tật đoc kinh thì thầm trong miệng, nhưng chợt nghĩ lại, mình ở đây đọc kinh là để trò chuyện với Thiên Chúa, chứ có phải để hơn thua với người khác đâu, hay là bắt lỗi người khác đâu. Nhiểu lúc phải tự nhủ lòng như thế, để tâm được bình, tríđược tĩnh mà tập trung vào việc quan trọng hơn, đó là cầu nguyện.
Có muôn vàn cách, tôi, một người tu sĩ, nghĩ ra để gây sự chú ý, để chỉnh sửa lỗi của người khác, dù nó chẳng phải là lỗi gì to tát. Bởi vì, biết đâu được, hôm ấy người anh em trong nhà dòng đang bệnh thì sao? Hay người anh em ấy đang buồn trong lòng? Hay có khi anh ấy đang được ơn kết hiệp thâm sâu qua lời kinh đang đọc? vv. Suy đi nghĩ lại, chỉ thấy mình thật nhỏ nhặt hay chấp nhất người khác mà quên đi việc quan trọng của mình đó là suy niệm và trải lòng mình ra với ThiênChúa qua lời kinh mình đang đọc trên môi. “Đọc kinh to, đọc kinh nhỏ” đâu phải là cái bận tâm của người tu sĩ Dòng Cát Minh Chân Trần. Làm sao để kết hiệp nênmột với Thiên Chúa mới là mối bận tâm duy nhất!
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nhắc nhở các môn đệ đừng bao giờ xét đoán người khác, đừng chỉ thấy cái dằm trong mắt người anh chị em bên cạnh mà “cố ý” quên đi cái xà trong mắt mình. Lời Chúa dạy làm tôi giật mình! Vì nhiều lúc bản thân chỉ chăm chú vào lỗi của người khác mà quên đi lỗi của mình. Chỉ vì mình ghen tị, hơn thua với người khác mà mình lại phạm tội. Chỉ vì muốn người khác phải cúi đầu, ngã mủ trước mình mà bản thân lại đi soi mói, bêu rếu lỗi của người bên cạnh. Hay thậm chí còn tồi tệ hơn, khi mình chỉ muốn vạch áo của người khác cho thiện hạ xem lưng, để đừng ai để ý đến lỗi mình đã phạm. Đúng là tự mình hại mình!
“Đọc kinh to, đọc kinh nhỏ” chỉ là một ví dụ rất tầm thường nhưng cũng không kém phần điển hình, cho thầy người tu sĩ, người thánh hiến đời mình cho Thiên Chúa vẫn còn rất yếu đuối và mỏng dòn. Họ cần phải sửa đổi nhiều lắm mới có thể nên giống thầy Giê-su của mình. Thế nên, có ai đó đã định nghĩa Tu là Sửa! Thật chí phải! Người tu sĩ cần sửa mình mỗi ngày cho đẹp lòng Chúa hơn.
Cát sĩ Thiện Tâm, OCD