Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên

Mát-thêu 16: 13- 23

Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”

 Trích đoạn Tin Mừng hôm nay tường thuật lại cho chúng ta lời tuyên xưng đức tin của thánh Phê-rô tông đồ trước thầy Giê-su. Chắc hẳn đây không đơn thuần là bày tỏ ý kiến hay luận điểm cá nhân, mà như đại diện của nhóm Mười Hai, và cùng cả nhóm này, Phê-rô tuyên xưng niềm tin mãnh liệt vào Chúa Giê-su, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16: 16). Hơn thế nữa, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 126, nhắc đến ba giai đoạn của việc hình thành các sách Tin Mừng bao gồm: [1] Cuộc đời và Giáo Huấn của Đức Giê-su, [2] Truyền khẩu và [3] Các sách Tin Mừng. Như vậy, lời tuyên xưng đức tin được truyền lại cho chúng ta trong tin mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay là hoa quả của truyền thống sống động trong cộng đoàn tín hữu sơ khai. Nói cách khác, đây là đức tin được lưu giữ, được tuyên xưng và được sống bởi cả cộng đoàn các tín hữu. Do đó, trích đoạn này được nhắc đến trong cả ba sách Tin Mừng Mt 16: 13- 23; Mc 8: 27 -30; và Lc 9: 18 -21. Nói như thế không có nghĩa là Mát-thêu chỉ đơn thuần lặp lại những gì Mác-cô đã viết. Người đọc có thể nhận ra những nét riêng biệt: nếu như theo thánh sử Mác-cô, Phê-rô tuyên xưng với Chúa Giê-su rằng: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8: 29) và theo Tin Mừng thứ ba, “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9: 20), thì dường như Thánh Mát-thêu viết chi tiết hơn: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16: 16) Cùng với những lời này, thánh sử Mát-thêu dẫn dắt người đọc đến hai danh xưng của thầy Giê-su Na-za-rét là: Đấng Kitô, và Con Thiên Chúa hằng sống.

Vậy Đấng Kitô là gì? “Kitô” là phiên âm một từ Hy lạp dịch từ tiếng Hypri là “Mê-si-a” nghĩa là “được xức dầu”. Danh xưng này trở thành tên riêng của Đức Giê-su vì Người đã chu toàn tuyệt hảo sứ mạng thần linh bao hàm trong danh xưng đó. Quả thế, trong Ít-ra-en, những người được thánh hiến để thi hành một sứ mạng Thiên Chúa giao phó đều được xức dầu nhân danh Thiên Chúa. Đó là trường hợp của các vua ( x. l V 1: 39), các tư tế ( x. Xh 29: 7; Lv 8: 12) và đôi khi cả các ngôn sứ nữa (x. 1V 19: 16). Vậy càng đúng hơn cho trường hợp của Đấng Mê-si-a do Thiên Chúa cử đến để thiết lập dứt khoát Vương Quốc của Người ( x. Tv 2: 2; Cv 4: 26-27). Đấng Mê-si-a phải được Thánh Thần Chúa xức dầu ( x Is 11: 2), vừa để làm Vua và tư tế ( x. Gcr 4: 14; 6: 13), vừa để làm ngôn sứ nữa ( x. Is 61: 1; Lc 4: 16-21). Đức Giê-su đã thực hiện niềm hy vọng về Đấng Mê-si-a của Ít-ra-en qua ba sứ vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế. (sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 436)

Danh xưng “Con Thiên Chúa hằng sống”. Trong Cựu Ước “Con Thiên Chúa” là danh hiệu ban cho các thiên thần ( x. Đnl (LXX) 32: 8; G l: 6), dân được tuyển chọn ( x. Xh 4: 22; Hs 11: 1; Gr 3: 19; GV 36: 11; Kn 18: 13), con cái Ít-ra-en ( x. Đnl 14: 1; Hs 2: 1) và các vị vua của họ ( x. 2Sm 7: 14; Tv 82: 6). Trong những trường hợp ấy, danh hiệu nầy nói lên quan hệ nghĩa tử. Quan hệ này tạo ra những mối liên hệ thân tình đặc biệt giữa Thiên Chúa và thụ tạo. Khi được gọi là Con Thiên Chúa ( x. 1Sbn 17: 13; Tv 2: 7), vị Vua Mê-si-a của lời hứa không nhất thiết phải trổi vượt hơn phàm nhân, nếu theo sát nghĩa đen của các bản văn. (sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 441). Tuy nhiên, trong trường hợp của thánh Phê-rô hôm nay thì khác (xem thêm GLHTCG, 442-445). Lời tuyên xưng này thể hiện bản tính Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Nazaret. Người là Thiên Chúa thật và là người thật. Người là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể cho ơn cứu rỗi của chúng ta.

Do đó, lời tuyên xưng đức tin của thánh tông đồ Phê-rô trong bài Min Mừng hôm nay là lời tuyên xưng của giáo hội, cũng là mặc khải cứu chuộc được Thiên Chúa tỏ bày trong con người của Chúa Giê-su Kitô. Như thánh Phê-rô đã tuyên xưng đức tin và làm nhân chứng cho đức tin ấy bằng cuộc sống của mình; hay như giáo hội từ thời sơ khai cho đến nay vẫn luôn trung tín với đức tin ấy, xin cho mỗi người chúng ta không ngừng tìm hiểu, học hỏi, đào sâu đức tin trong cầu nguyện, và nhất là sống đức tin ấy cách cụ thể, sống động trong từng ngày sống.

Hôm nay cũng là ngày lễ nhớ của thánh Gio-an Ma-ri-a Vianney, thánh nhân đã  tin và sống trọn ơn gọi của mình nơi Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa cho dù gặp biết bao khó khăn vây quanh, chịu nhiều sự thiệt thòi về nhiều thứ, thế nhưng với một niềm tin tuyệt đối vào sự yêu thương của Chúa nơi ơn gọi của ngài. Ngài không chỉ loan truyền về Đấng Ki-tô nhưng đã sống vì Đấng Ki-tô.  Thánh nhân đã trở thành một món quà kỳ diệu của Thiên Chúa dành cho những linh hồn đang sống nơi trần gian, đặc biệt là các linh hồn tội lỗi qua việc giải tội đầy lòng yêu thương. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các cha xứ, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn. Xin Chúa chúc lành và gìn giữ chúng ta.

Lm. Gioan TC Nguyễn Hồng Phúc, OCD.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *