EDITH STEIN- THÁNH NỮ TÊRÊXA BÊNÊDICTA THÁNH GIÁ

EDITH STEIN – THÁNH NỮ TÊRÊXA BÊNÊDICTA THÁNH GIÁ

Tiểu sử

Edith Stein sinh ra ở Breslavia – khi đó thuộc về Đức, ngày nay là thành phố Wroclav của Ba Lan – vào ngày 12 tháng 10 năm 1891, là người con thứ mười một và là con gái út của một cặp vợ chồng Đức, gốc Do Thái, rất sùng đạo. Cô mồ côi cha khi mới hai tuổi và mẹ của cô, một người phụ nữ với lòng đạo sâu sắc và gắn bó kiên vững với truyền thống Do Thái, chăm sóc gia đình đông con này một cách khôn khéo và mạnh mẽ. Edith là một đứa trẻ độc lập với trí thông minh sắc sảo. Cho đến năm mười ba tuổi, trên thực tế Edith là một người vô thần. Ngay sau kỳ thi tú tài năm 1911, cô đăng ký vào Khoa Đức học (Germanistica), Lịch sử và Tâm lý học tại Đại học Breslau. Trong giai đoạn này, cô gặp được Hiện tượng học của Edmund Husserl (1859-1938) và vào năm 1913, Edith chuyển đến Đại học Göttingen để theo các lớp học này. Tại Göttingen, cô được biết triết gia Max Scheler (1875-1928), một người trở lại đạo Công giáo và từ đó có kiến thức vững chắc đầu tiên về Kitô giáo. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Edith stein đã viết: “Bây giờ tôi không còn cuộc sống của riêng mình nữa”. Cô đã tham gia một khóa học điều dưỡng và phục vụ trong một bệnh viện quân đội Áo trong hai năm với tư cách là thành viên Hội Chữ thập đỏ: cô chăm sóc các bệnh nhân của khu bệnh sốt phát ban, phục vụ trong phòng phẫu thuật, cô chứng kiến các thanh niên phải bỏ mạng ngay thời đỉnh cao của tuổi trẻ. Đối với cô đó là thời kỳ gian truân, những lúc cô đối diện với vực sâu của sự đau khổ ngay cả khi công việc cô cống hiến khiến cô xứng đáng nhận được huy chương dũng cảm. Khi đóng cửa bệnh viện quân đội vào năm 1916, Edith đã theo học Husserl ở Freiburg, Breisgau, nơi cô đã tốt nghiệp với kết quả xuất sắc cao nhất “summa cum laude” vào năm 1917, cùng luận án “Bàn về sự đồng cảm”. 

Vào thời điểm đó, xảy ra rằng Edith Stein nhìn thấy một người phụ nữ bình dân, với chiếc túi mua sắm dưới cánh tay, bước vào nhà thờ Frankfurt để cầu nguyện. “Nó có vẻ lạ đối với tôi. Trong các hội đường Do Thái và các nhà thờ Tin lành mà tôi đã đến thăm, người ta chỉ bước vào đó khi có các nghi thức thiêng liêng. Nhìn thấy mỗi người bước vào đây cùng với các mối bận tâm khác nhau, gần như chỉ như một thói quen hoặc chỉ là để có một cuộc trò chuyện tự phát, tôi đã rất ấn tượng đến nỗi tôi không thể quên cảnh tượng đó”. Hai sự việc khác thậm chí còn mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Tại Göttingen, Edith đã gặp một giáo viên trẻ, Adolf Reinach, người hỗ trợ Husserl trong việc liên lạc với sinh viên, Adolf Reinach đã gây ấn tượng với Edith bằng sự tốt bụng, khéo léo, và cái cảm thức nghệ thuật được phản ánh ngay cả trong ngôi nhà của anh. Edith đã trở thành bạn bè với gia đình anh, nhưng vào năm 1917, Adolf Reinach hy sinh khi chiến đấu ở Flanders. Người góa phụ trẻ sau đó nhờ Edith giúp cô ta phân loại các tác phẩm triết học của người chồng quá cố, để có thể xuất bản. Edith cảm thấy vô cùng khó khăn khi nghĩ đến việc phải trở về ngôi nhà, nơi mà cô từng biết đến với bao nhiêu vẻ đẹp và hạnh phúc, tin chắc rằng cô sẽ thấy mình chìm đắm trong tang tóc và tuyệt vọng. Nhưng không, cô tìm thấy ở đó bầu không khí bình yên không thể tả xiết và nhìn thấy người bạn của mình với khuôn mặt được đánh dấu bằng nỗi đau, nhưng như thể đã được biến đổi. “Đó là lần gặp gỡ đầu tiên của tôi với thánh giá, trải nghiệm đầu tiên của tôi về sức mạnh thiêng liêng phát ra từ thánh giá và lan truyền đến những ai đón nhận thánh giá ấy. Lần đầu tiên tôi có cơ hội để chiêm ngưỡng trong tất cả thực thể rực rỡ ấy một Giáo hội, được sinh ra trong Cuộc thương khó ban ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, trong chiến thắng vẻ vang trước sự chết. Đó là khoảnh khắc khi sự cứng lòng tin của tôi sụp đổ, Do Thái giáo dần mờ đi và Chúa Kitô đã sống lại một cách rạng rỡ trước mắt tôi: Chúa Kitô trong mầu nhiệm thập giá của Ngài! Đây là lý do tại sao, khi lãnh nhận tu phục dòng Cát Minh, tôi muốn nhận tên dòng của mình là Thánh giá”. Về sau, Edith viết: “Điều không có trong kế hoạch của tôi lại nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Trong tôi sống lại niềm tin sâu sắc rằng – nhìn từ phía Thiên Chúa – không có gì là ngẫu nhiên; toàn bộ cuộc sống của tôi, ngay cả những điều nhỏ bé nhất, đều nằm trong sự quan phòng thiêng liêng và trong ánh mắt của Thiên Chúa tất cả đều có một mối liên đới hoàn hảo”. 

Trong mùa hè năm 1921, Edith đã trải qua vài tuần tại Bergzabern (Palatinate), ở nơi của bà Hedwig Conrad-Martius, một học trò của Husserl. Quý bà này đã cùng với chồng mình trở về với Đức tin Phúc âm. Một buổi tối nọ, khi hai vợ chồng không có nhà, họ để cho Edith tự do sử dụng thư viện của họ. Đây là những gì đã xảy ra. “Một cách ngẫu nhiên, tôi [Edith Stein] đã lấy cuốn sách đầu tiên trước mặt mình. Đó là một tập sách lớn mang tiêu đề: Cuộc đời của Thánh Têrêxa thành Avila, do chính Thánh nữ viết. Tôi bắt đầu đọc nó và bị nó cuốn hút đến nỗi tôi đã không thể ngừng lại cho đến khi tôi đọc đến cuối tập sách. Khi tôi đóng sách lại, tôi đã phải thú nhận với chính mình: ‘Đây là chân lý!’ Ngoại trừ quyển “Những lời thú tội” của Thánh Augustinô, không có quyển sách nào khác trong văn học phổ quát, giống như tập sách này, mang dấu ấn của sự thật nhiều đến mức chiếu sáng, đến cả những góc khuất nhất trong tâm hồn của một người và điều đó là bằng chứng mãnh liệt cho lòng thương xót của Thiên Chúa”. Sau này, khi nhìn lại cuộc sống của mình, Edith Stein đã viết: “Niềm khao khát của tôi với chân lý là một lời cầu nguyện”. Cô đã dành cả đêm để đọc sách; vào buổi sáng, cô vào thành phố để mua một quyển sách giáo lý và một quyển sách lễ nhỏ: Edith nghiền ngẫm chúng kỹ lưỡng và sau ít ngày cô đã tham dự Thánh lễ đầu tiên của cuộc đời mình. “Không có gì còn là mơ hồ đối với tôi – cô nói – ngay cả những nghi thức nhỏ nhất. Cuối cùng, tôi đến gặp vị linh mục trong phòng áo và sau một cuộc trò chuyện ngắn, tôi đã xin vị linh mục này để được rửa tội. Ngài ngạc nhiên nhìn tôi và trả lời rằng cần có một vài bước chuẩn bị thiết yếu để được gia nhập vào Giáo hội: ‘Cô đã sống theo những chỉ dạy của đức tin Công giáo bao lâu rồi?’ – vị  linh mục hỏi tôi – ‘Ai đã hướng dẫn cô?’. Để đáp lại, tôi đã cố lắp bắp: ‘Thưa cha, con xin cha hãy chất vấn con [về đức tin]’”. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, vị linh mục nhận ra rằng không có một giáo lý đức tin nào mà Edith không học hiểu. Edith được nhận Bí tích Rửa tội vào ngày 1 tháng 1 năm 1922, và cùng ngày hôm đó, cô đã được lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, và vào ngày 2 tháng 2 năm 1922, cô nhận Bí Tích Thêm Sức. Việc Edith gia nhập Giáo hội Công giáo đánh dấu một sự chia cắt sâu sắc giữa cô và mẹ của mình, mẹ cô không thể hiểu tại sao con gái mình không trở về với Thiên Chúa của cha ông họ. Sự chia rẽ này được đào sâu hơn và chữa lành cách nhiệm mầu khi Edith quyết định gia nhập đan viện Cát Minh ở Colonia. Từ cái nhìn nội tâm, đối với Edith Stein, ơn gọi đến bí tích Rửa tội và ơn gọi Cát minh trùng khớp chặt chẽ tuyệt đối, ngay từ giây phút đầu tiên. Tuy nhiên, vị linh hướng của cô, Dom Raphael Walzer O.S.B. (1886-1966), tổng viện phụ của Beuron, đã khuyên cô không nên bước vào đời sống tu kín ngay lập tức, tin rằng cô có một sứ vụ không thể thay thế được giữa thế gian. Edith đã dành mười năm đầu tiên sau khi trở lại để làm “giáo viên”, theo nghĩa tổng thể nhất của từ này, tại Học viện đào tạo ở Spira của các sơ dòng Đaminh, nơi mà vị “Nữ Giáo Sư” đã cống hiến hết mình trong việc dạy các thiếu nữ đang chuẩn bị tốt nghiệp trung học, dạy ngôn ngữ và văn học Đức. Sau khi kết thúc giảng dạy, Edith bắt đầu hoạt động với tư cách là một diễn giả, việc này đã đưa cô đến hầu hết các thành phố của Đức, Ba Lan và Áo. Trên thực tế, từ năm 1928 đến 1931, cô đã tham gia nhiều hội nghị và được mời nói chuyện ở Colonia, Freiburg, Basel, Vienna, Salzburg, Prague, Paris, đặc biệt là về các chủ đề liên quan đến phụ nữ. “Trong thời gian ngay trước khi trở lại và cả một thời gian sau đó, tôi đã từng nghĩ rằng, việc sống một đời sống linh đạo có nghĩa là rời bỏ tất cả những sự vật trần thế và chỉ sống nghĩ đến những điều thiêng liêng. Dần dần tôi đã học được cách hiểu rằng giữa thế giới này, chúng ta được mời gọi để sống cho một thực tại khác với chính mình và ngay cả trong cuộc sống chiêm niệm nhất, mối liên kết với thế giới không thể bị gián đoạn. Hơn thế nữa, tôi tin rằng một người càng được lôi cuốn mạnh mẽ bởi Thiên Chúa, thì người ấy càng cảm thấy phải ‘ra khỏi chính mình’, nghĩa là dấn thân vào thế giới để mang vào nơi ấy sự sống thiêng liêng”. Các sinh viên của Edith viết như sau: “Hơn ai hết, Cô ấy là giáo viên luôn bảo vệ quan điểm Công giáo một cách không thỏa hiệp… Cô đã vượt qua tất cả các giáo viên khác bởi trí thông minh sắc sảo, hiểu biết văn hóa rộng lớn, hình thức diễn giải hoàn hảo và một nội tâm vững chãi”. Cô có một cuộc sống rất kín đáo, gần như lối sống của đan viện, và cùng lúc ấy, cô đã nghiên cứu truyền thống triết học Công giáo (đặc biệt là Thánh Thomas) với ý định so sánh nó với các tư tưởng của hiện tượng học. Bản dịch và bình luận của Edith về quyển “Bàn về Chân Lý” (De Veritate) của thánh Thomas được coi là một tác phẩm nghệ thuật cả về sự rõ ràng của bản dịch, được điều chỉnh phù hợp với ngôn ngữ cổ của Vị Thánh Tiến Sĩ, cả về chiều sâu của các chú thích. 

Năm 1933, màn đêm ập xuống nước Đức. “Trước đây tôi đã từng nghe nói về các đạo luật nghiêm khắc chống lại người Do Thái. Nhưng bây giờ tôi đột nhiên bắt đầu hiểu rằng Thiên Chúa thêm một lần nữa đặt tay Ngài cách nặng nề trên dân của Ngài và số phận của dân tộc này cũng là định mệnh của tôi”. Sự ra đời của Luật chủng tộc Nuremberg khiến Edith không thể tiếp tục giảng dạy. “Nếu tôi không thể tiếp tục ở đây, thì cũng chẳng có hy vọng nào cho tôi ở Đức”. “Tôi đã trở thành một người xa lạ trên thế giới này”. Đức tổng viện phụ Walzer của Beuron không còn ngăn cản cô gia nhập đan viện nữa. Ngay khi cô còn ở Speyer, Edith đã khấn hứa đức nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời. Vào ngày 14 tháng 10 năm 1933, cô gia nhập đan viện Cát Minh ở Colonia, lấy tên là Têrêxa Benedicta Thánh giá. “Không phải hành động của con người, mà chỉ có Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô mới có thể cứu giúp chúng ta. Khao khát của tôi là được dự phần vào Cuộc Thương Khó ấy”. “Cát Minh là một khu vườn nơi Chúa và linh hồn sống thân mật với nhau… Điều tuyệt vời nhất là tinh thần Cát Minh là tình yêu, và tinh thần ấy thật sống động trong nhà này… Tôi không biết điều gì lớn lao hơn thực tế này!” Năm 1938, chị viết: “Dưới Thập giá, tôi hiểu ra số phận của dân Chúa, điều mà bây giờ (1933) đang bắt đầu được tỏ lộ. Tôi nghĩ họ hiểu rằng đó là Thập giá của Đức Kitô, rằng họ cần đón nhận nó cho hết mọi người khác. Tất nhiên, bây giờ tôi hiểu rõ hơn về những điều này, về ý nghĩa của việc trở thành hiền thê của Thiên Chúa dưới Thánh giá. Dĩ nhiên, sẽ không bao giờ có thể hiểu tất cả những điều này, vì đó là một mầu nhiệm”.

Việc Edith Stein vào đan viện Cát Minh không phải là cuộc chạy trốn. “Bất cứ ai gia nhập Cát Minh không phải là một mất mát cho những người thân của họ, nhưng trên thực tế thậm chí còn gần gũi hơn với những người thân; điều này là do phận vụ của chúng ta là sống với Thiên Chúa cho tất cả mọi người”. Trên hết, Edith sống trước Nhan Chúa cho dân tộc của mình. “Tôi tin rằng Chúa đã lấy cuộc sống của tôi vì lợi ích của tất cả mọi người. Tôi phải suy nghĩ nhiều hơn về Nữ hoàng Esther, người đã bị tách biệt khỏi người dân của mình để đại diện cho họ trước Nhà vua. Tôi là một Esther nhỏ bé, nghèo nàn và yếu đuối, nhưng Nhà Vua, Người đã chọn tôi, thì thật là vĩ đại và có lòng thương xót vô hạn. Đây là một niềm an ủi lớn lao” (31-10-1938). 

Trong nội vi đan viện, Edith sống khiêm tốn, giống như tất cả các nữ tu khác, những người không hề biết gì về danh tiếng hay khả năng của chị, và đánh giá chị, một cách nhân từ, duy bởi sự lúng túng đáng kể của chị trong công việc chân tay. Tuy nhiên, các bề trên đánh giá rằng khả năng của chị ấy nên được coi trọng và đề nghị Edith tiếp tục– trong cách hài hòa với nếp sống đan viện và cầu nguyện– công việc học thuật của mình. Do đó, chị đã viết lại đầy đủ tác phẩm triết học chính của mình “Hoàn thiện và Vĩnh cửu”: hơn một nghìn ba trăm trang, trong đó chị bổ sung vài sửa đổi cho bản thảo, nhưng sau đó nhà xuất bản đã từ chối việc xuất bản, vì sợ hãi. Tuy nhiên triết học, đối với Edith, ngày càng trở thành một “sự thật không có linh hồn”, khi cô dần dần nếm trải “chân lý được biết đến bởi tình yêu”. 

Năm 1938, khi nạn phân biệt chủng tộc lan rộng, để bảo vệ sự an toàn cho Edith, người ta quyết định chuyển chị đến đan viện Echt ở Hà Lan, ở đó Edith ở cùng chị gái Rosa, người cũng đã trở lại đạo như em mình và cũng đang chờ đợi để được gia nhập đan viện. Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Vào ngày 9 tháng 6 năm 1939, ở Echt, Edith phác thảo bản những lời này: “Giờ đây tôi đã đón nhận với niềm vui, hoàn toàn phục tùng theo ý muốn thánh thiện nhất của Ngài, cái chết mà Thiên Chúa đã định sẵn cho tôi. Tôi cầu xin Thiên Chúa đón nhận cuộc sống và cái chết của tôi… để mọi người có thể nhận biết Chúa và để cho vương quốc của Ngài ngự đến với tất cả vinh quang cho ơn cứu rỗi của nước Đức và nền hòa bình của thế giới…” Têrêxa Bênêdicta hiến tế chính mình như của lễ chuộc tội cho nền hòa bình chân thật: “Tôi biết tôi chẳng là gì cả, nhưng Chúa Giêsu muốn điều đó”. Chị ôm lấy thập giá bởi vì chị biết chắc chắn rằng Thập giá của Đức Kitô, dấu hiệu tối cao của Tình yêu thiên Chúa, là câu trả lời cho cuộc kiếm tìm chân lý của chị. Chị viết lại niềm xác tín của mình: “Tôi tin vào Chúa, tôi tin rằng bản tính của Thiên Chúa là Tình yêu, tôi tin rằng trong tình yêu con người tồn tại, con người được Thiên Chúa giữ gìn và cứu rỗi”. Bề trên đề nghị Têrêxa viết một quyển sách về suy tư và kinh nghiệm của Thánh Gioan Thánh Giá, vị tiến sĩ thần nhiệm của Giáo hội, nhân dịp kỷ niệm bốn trăm năm ngày sinh của Thánh nhân. Chị vui vẻ vâng lời và đặt tiêu đề cho quyển sách là: Khoa học Thánh giá (Scientia Crucis).

Năm 1940, tình hình cũng trở nên gay gắt ở Hà Lan. Khi các sắc lệnh [chống lại người Do Thái] trở nên khắc nghiệt hơn, các nữ tu tìm cách để chuyển chị Têrêxa đến Thụy Sĩ. Trong khi các cuộc đàm phán cho người nước ngoài đang được tiến hành, người Do Thái Công giáo ở Hà Lan cũng bị đưa đến trại tập trung. Chị Têrêxa, cùng với chị gái Rosa, cũng được đưa đi khỏi đan viện. Trên bàn của mình, quyển Khoa học Thánh giá gần như đã hoàn thành: quyển sách đã được viết đến đoạn mô tả cái chết của Thánh Gioan Thánh Giá. Những lời cuối cùng mà các nữ tu nghe được từ Edith là những lời chị nói với chị Rosa, người đang sợ hãi: “Hãy đến đây, chúng ta hãy đi tìm dân tộc của chúng ta”.

Các nữ tu nhận được một lá thư Têrêxa Bênêdicta viết gửi đến Mẹ bề trên, trong đó chị xin được từ bỏ những nỗ lực đã được khởi xướng để dõi theo chị và cố tìm cách giải cứu chị. Têrêxa viết thế này: “…Con xin được không làm bất cứ điều gì nữa trong vấn đề này. Con hài lòng với mọi thứ. Một Khoa học Thánh giá chỉ có được nếu người ta cảm thấy sức nặng của thánh giá trong tất cả trọng lực của thánh giá ấy. Con cảm thấy được thuyết phục về điều này ngay từ giây phút đầu tiên và con đã thốt lên từ trái tim: ‘Ôi, Thánh giá, Niềm hy vọng duy nhất’ (Hail, Crux, spes unica)”. Vào ngày 2 tháng 8 năm 1942, Têrêxa được chuyển đến Amersfoort và ngày 3 tháng 8 đến Westerbork. Một nhân chứng kể lại: “Trong số tất cả những người bị trục xuất, Têrêxa Bênêdicta đã thu hút sự chú ý vì sự điềm tĩnh và thái độ phó thác của mình. Những tiếng la hét và sự rối loạn trong trại tập trung thật là kinh khủng. Têrêxa đã ở đó như một thiên thần giữa những người phụ nữ để an ủi, giúp đỡ và trấn an họ. Nhiều bà mẹ, bấy giờ gần như trở nên điên rồ, không còn quan tâm đến con cái của họ và nhìn về phía trước với sự tuyệt vọng tột độ. Têrêxa đã lau rửa con cái họ, chải tóc cho chúng và chăm sóc chúng. Edith tâm sự với một người bạn tù: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng con người lại có thể trở nên như thế này… rằng các anh chị em Do Thái của tôi phải chịu đựng nhiều thế này… Bây giờ tôi cầu nguyện cho họ. Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện của tôi chứ? Chắc chắn Thiên Chúa sẽ lắng nghe lời than khóc của tôi”. Vào ngày 7 tháng 8, cùng với chị gái Rosa và những người bị trục xuất khác, Têrêxa bị nhốt trong một toa xe lửa, cô được đưa đến trại tập trung Auschwitz, một hành trình kéo dài hai ngày. 

Nữ tu Têrêxa Bênêdicta Thánh Giá đã bị giết trong một buồng hơi ngạt vào cùng ngày chị đến trại Auschwitz, tức là Chúa nhật, ngày 9 tháng 8 năm 1942, và sau đó bị đốt cháy tại một trong những lò hỏa thiêu: khi Têrêxa vẫn chưa tròn năm mươi mốt tuổi.

Nhân dịp tôn phong Têrêxa Bênêdicta Thánh Giá lên bậc Chân phước tại Nhà thờ Colonia, vào ngày 1 tháng 5 năm 1987, Giáo hội tôn vinh Têrêxa Bênêdicta trong ngôn từ của Giáo hoàng Gioan Phaolo II, “một người con gái của Israel, người mà trong các cuộc bách hại của Đức Quốc xã, với đức tin và tình yêu, vẫn luôn liên kết với Thiên Chúa Chịu Đóng Đinh, Đức Giêsu Kitô, như một người Công giáo và gắn bó với dân tộc của mình với tư cách là một người Do Thái”.

Têrêxa Bênêdicta Thánh Giá được phong thánh vào ngày 11 tháng 10 năm 1998 bởi Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II. Vào ngày 2 tháng 10 năm 1999, cũng Đức Giáo hoàng này tuyên bố Têrêxa Bênêdicta là vị thánh đồng bảo trợ của Châu Âu, cùng với Thánh Brigitta của Thụy Điển và Thánh Catarina Siena. Edith Stein, một người phụ nữ có trí thông minh và học vấn xuất chúng, đã để lại nhiều tác phẩm triết học-thần học, những tác phẩm này cũng mang dấu ấn của những kinh nghiệm thần nhiệm mãnh liệt của thánh nhân.

 

Người dịch: Lm. Gioan Nguyễn Hồng Phúc, OCD.

Nguồn: Edith Stein Santa Teresa Benedetta della Croce – Carmelodisicilia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *