NGÀI Ở TRONG TÔI VÀ TÔI Ở TRONG NGÀI
Khi nói về Thánh Têrêxa thì thiết nghĩ không cần phải giới thiệu dài dòng. Người sinh ra ở Ávila vào năm 1515, và mất ở Alba de Tormes năm 1582. Là Đấng sáng lập gia đình Cát Minh Chân Trần và là tác giả thần bí nổi tiếng. Sự vĩ đại của người với bề dày kinh nghiệm kết hiệp với Thiên Chúa trong Đức Ki-tô được phản ánh rõ qua những tác phẩm do người viết. Thánh nhân được biết đến rộng rãi trong Giáo Hội qua các giáo huấn về cầu nguyện của mình.
Về chủ đề cầu nguyện của Thánh Têrêxa thì đã có nhiều sách viết và viết rất hay. Vì vậy, tôi dự định chỉ xem xét ngắn gọn chủ đề này và sự tương thích của nó trong thời đại chúng ta, một cách cụ thể là lý do tại sao nó vẫn hợp thời và mãi tạo ra tiếng vang trong một xã hội như chúng ta.
Trọng tâm của nỗ lực này là những vấn nạn và thách thức mà ngày nay chúng ta phải đối diện trong tư cách là những môn đệ của huấn quyền Têrêxa. Nếu chúng ta tự gọi mình là môn đệ, đó là bởi vì chúng ta tìm thấy trong giáo huấn của Thánh nhân những chìa khóa nhất định để soi sáng cho việc chúng ta bước theo Đức Ki-tô.
Sự uy quyền của “những sấm ngôn và lời thần thánh” đã sụp đổ vì nó chỉ phục vụ cho lợi ích của quyền lực, và mặc dù chúng ta vẫn nghe theo các vị tiên tri cổ xưa, chúng ta nhất thiết phải chọn cho mình những người hướng đạo. Trong sự lựa chọn này, các tác giả của những tác phẩm kinh điển và cách đặc biệt, những người đã giảng dạy bằng chính cuộc sống của họ với sự minh bạch, hiển nhiên là có trọng lượng hơn.
Tại sao Thánh Têrêxa vẫn là một nhân vật sống động trong ký ức của những người tin Chúa và trong kinh nghiệm về những nẻo đường thiêng liêng?
Tôi ba mươi ba tuổi. Tôi chào đời hai tháng trước khi kết thúc Công đồng Vatican II. Tôi đã bước vào đời sống tu trì theo bước chân của những người khác, những người đã đối mặt với những thay đổi khó khăn của Công đồng. Chúng tôi bước vào một vùng đất đã được khai thông và thanh lọc khỏi những hủ tục lạc hậu. Trong tôi không có sự cay đắng của một số người đối với những gì đã mất, cũng không có sự cháy bỏng của các cuộc đấu tranh, cố gắng đánh bại thời gian bằng cách ôm lấy những thực tế mới lạ muôn thuở. Chúng tôi cũng không còn là những thanh niên của thế hệ “Tháng Năm 68”. Một ngày nọ, tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi khi một số người kể cho tôi nghe về “cuộc đấu tranh của họ” như một tài liệu tham khảo duy nhất. Tôi không muốn họ nói với tôi về nhà tập của họ, về những gì họ đã làm trong những thời điểm khác nhau … về những gì họ đã sống. Tôi muốn họ cho tôi biết liệu chúng ta có thể cùng nhau mang lại ý nghĩa cho linh đạo chúng ta trong thời đại ngày nay hay không.
Có những người nói rằng họ đã cầu nguyện đủ trong nhà tập và trong những năm đào tạo. Điều này chứng tỏ họ đã bị tàn tật hay đã chết. Một số khác thì lại chôn vùi đời mình trong quá khứ vì đối với họ như thế thì an toàn hơn. Họ không tin tưởng và sợ hãi về cái mới. Còn những người khác thì mơ mộng về một ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến. Một đứa trẻ đường phố ở Bolivia không ngừng hăng hái hô vang: “Đủ rồi những lời hứa suông, chúng tôi muốn thực tế”. Một nữ tu Cát Minh trẻ tâm sự với một vị đã chiến đấu kiên cường và chị cũng thổ lộ những điều tương tự: “Xin đừng nói về những tương lai có thể xảy ra; con chỉ muốn biết liệu mọi thứ mà con đã được dạy trong quá trình đào tạo có khả thi ngày nay hay không”. Thực tế của ngày hôm nay thúc bách chúng ta.
Tôi chỉ được năm tuổi khi Đức Giáo hoàng Phaolô VI tuyên bố thánh Têrêxa Giêsu là Tiến sĩ Hội thánh. Khi ấy tôi còn quá trẻ để biết thánh Têrêxa này là ai. Chắc chắn ngày nay cũng vậy, tôi cũng còn quá nhỏ bé để nắm bắt được hết huấn quyền Têrêxa và qua đó để bản thân mình được biến đổi.
Các tác phẩm của những bậc thầy vĩ đại như Thánh Têrêxa, Thánh Gioan Thánh Giá,…, sẽ chẳng có tác dụng nhiều nếu những kinh nghiệm của họ không được hiện thực hóa ngày hôm nay. Giá trị của chúng nằm ở chỗ: khi tôi đọc các tác phẩm của họ, chúng thức tỉnh tôi và làm cho tôi được tái sinh. Thánh nữ Têrêxa không nói với tôi về kinh nghiệm của người, nhưng một cách kỳ diệu nào đó, người nói với tôi về khả năng của tôi, về những thực tại thâm sâu nhất của con người tôi, về kinh nghiệm của tôi … và người làm điều đó với sự tươi mới tuyệt vời của một người đã có được sự tự do đáng kinh ngạc của con cái Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao Thánh Têrêxa là người thầy cầu nguyện của tôi, và cũng là lý do mà tôi sẵn sàng lắng nghe, không phải những người vươn vấn quá khứ, nhưng là những ai có khả năng giúp tôi sống thực tại đời tôi với những khả năng của nó. Tôi muốn sống những trải nghiệm của Thánh Têrêxa và Thánh Gioan Thánh Giá nơi chính con người tôi: dưới ánh sáng của họ, nhưng với sự độc đáo của tôi và trong hoàn cảnh của tôi.
Một trong những đặc điểm hấp dẫn tôi nhất về Thánh Têrêxa: đó là sự ĐỘC ĐÁO của người, được sinh ra từ sự chân thành, lòng khao khát sự thật và sự tín thác vào Thiên Chúa. Sự độc đáo này được thể hiện trong chính quá trình người cầu nguyện.
Sự phân chia sau đây về đời sống cầu nguyện của Têrêxa đã được rộng rãi chấp nhận dựa trên các tác phẩm viết về cầu nguyện của người: giai đoạn tự phát(trong thời thơ ấu); giai đoạn khó khăn (18 hoặc 20 năm cầu nguyện một cách khó nhọc trong Đan viện Nhập thể); giai đoạn trực khải hoặc thần bí (28 năm còn lại của cuộc đời người). Cần đặt biệt chú ý đến giai đoạn khó khăn của người trong cầu nguyện. Những khó khăn này được tạo ra bởi sự rời rạc và sự không tương thích của các phương pháp đối với cách suy nghĩ và lối sống của người, và cũng vì người thiếu những chỉ dẫn chính xác và phù hợp. Sau một cuộc đấu tranh không mệt mỏi, trong đó người tiến bước trên những con đường không rõ ràng và rất đáng ngờ đối với những người thời đại đó (đáng ngờ bởi họ không bước đi trên con đường này); cuộc đấu tranh nơi mà người thử nghiệm các khả năng với những thành công và thất bại, nhưng không bao giờ từ bỏ, với trực giác rằng một cuộc sống mới đang bị đe dọa; cuối cùng người cũng đạt đến kinh nghiệm cầu nguyện trực khải (oración infusa). Người định nghĩa khoảnh khắc này và tổng hợp nó bằng cách diễn đạt rất đơn giản nhưng mang đậm chất thần bí:
“Như con đã nói, đôi khi Chúa đã ban cho con được nếm hưởng nhưng chỉ trong giây lát phần nào những ơn mà con sắp trình bày ra đây. Vậy khi con tưởng tượng như mình đang ở kề bên Đức Kitô theo cách con đã nói, thì đôi khi cả trong lúc đọc sách, bất thần con thấy Chúa hiện diện một cách không thể nghi ngờ được là Người hiện diện trong con hay con hoàn toàn chìm ngập trong Người” (Tự Thuật 10, 1).
Thời điểm quyết định trong hành trình tiến lên giai đoạn cầu nguyện thần bí là SỰ TÍN THÁC, vượt qua ý riêng và những thử thách để đón nhận điều tuyệt vời nhất của cầu nguyện như một quà tặng nhưng không: Chính Đức Ki-tô, Đức Ki-tô hằng sống trở thành phần thưởng vô giá. Mọi lời cầu nguyện khi này đều tập trung vào Ngôi vị. Khi ấy, điều quan trọng không phải là nói gì, cầu nguyện như thế nào, làm gì … mà là sống sự hiện diện của Chúa Kitô từ bên trong. Đây là cuộc gặp gỡ của hai cuộc đời nơi mà toàn bộ cuộc sống của con người đều hướng về Ngài.
Đó là kho tàng của một cuộc tìm kiếm lâu dài, là ánh sáng cho một cuộc đời khao khát cháy bỏng đã tìm thấy bên trong mình một dòng suối vô tận. Bí mật của Thánh Têrêxa, không giống như những người thuộc phái giác ngộ (iluminados), nằm ở chỗ là người đã có thể truyền đạt kinh nghiệm siêu nhiên của mình cho chúng ta. Người truyền đạt cho chúng ta một cách đầy quyến rũ và hấp dẫn nhờ kinh nghiệm sống phong phú cũng như sự dịu dàng, giản dị và khiêm tốn của người, ngay cả khi đối diện với những kinh nghiệm thần bí cao siêu nhất.
Khi đọc Têrêxa, người ta đôi khi quên đi sự khó khăn của thế giới chúng ta qua việc tin và sống đời sống siêu nhiên. Nó giống như một nguồn nước ngọt cho cái gọi là “thời đại trống rỗng” (Lipovetski) này. Người đã khôi phục lại niềm tin của chúng ta vào bản thân và vào vẻ đẹp bên trong; nhắc nhở chúng ta về lâu đài nội tâm mà Đấng Tình Quân đang cư ngụ ở nơi thâm sâu nhất, điều mà chúng ta phần nào quên lãng vì chúng ta thích ngắm nhìn những thứ bên ngoài.
Trong thời buổi hiện nay, thời kỳ khủng hoảng về uy tín, khi mà có những ngán ngẫm nhất định đối với lối giữ đạo cũ và với những linh đạo có tính gò bó và gượng ép, đôi khi chúng ta khao khát những luồng gió mới và sự tự do trong tinh thần. Trong khi chúng ta tiếp tục tìm thấy những “người thầy”, những người có ý định làm cho mọi thứ được hoàn hảo, được công thức hóa và đảm bảo rõ ràng để ngăn chúng ta phạm sai lầm, thì Thánh Têrêxa cảnh báo chúng ta về những nguy hiểm chính yếu của việc cầu nguyện khi chúng ta đối diện với mầu nhiệm. Người cung cấp cho chúng ta một số nơi cư ngụ, một con đường để tham khảo, nhưng người mời gọi mọi người chúng ta phải đến với kinh nghiệm độc nhất, không thể thay thế của mình trong cuộc gặp gỡ với Đức Kitô hằng sống hôm nay: “Không cần phải sợ hãi. Đừng ngủ … vì không có hòa bình trên thế gian, chúng ta hãy liều mạng”.
Tác giả: Cha Miguel Márquez Calle, OCD.
Chuyển ngữ: Cha Gioan Bosco Nguyễn Từ Chương, OCD.
Trích trong tác phẩm “EL RIESGO DE LA CONFIANZA. Cómo descubrir a Dios sin huir de mí mismo”. ( RỦI RO CỦA SỰ TÍN THÁC. Làm thế nào để khám phá Thiên Chúa mà không phải trốn chạy chính mình.).