Mẹ Thánh Têrêxa và Các việc đạo đức bình dân

Mẹ Thánh Têrêxa và Các việc đạo đức bình dân

  1. Tây Ban Nha ở thời kỳ hoàng kim, trong cấu trúc xã hội, trong phong tục và trong cả cảm thức cộng đồng ẩn chứa những nét tôn giáo rất đặc trưng. Trong xã hội Tây Ban Nha lúc bấy giờ, những việc đạo đức bình dân trở thành một yếu tố phổ quát. Có lẽ, so với các vùng miền khác của quốc gia này, điều đó trở nên đậm nét hơn ở Castile. Nhìn chung, việc đạo đức bình dân có mặt ở tất cả các tầng lớp, với xu hướng tràn lan và thậm chí bị bóp méo. Khi còn nhỏ, Têrêxa đã sống nét tôn giáo này trong chính gia đình mình. Sau này, trong cuộc sống dâng hiến, ngài thực hành nhiều việc đạo đức bình dân khác nhau song song với các giờ phụng vụ của tu viện. Và cuối cùng, Têrêxa còn hòa hợp những việc đạo đức bình dân vào cuộc sống thần bí của mình. Trong tất cả những điều này, chúng ta sẽ chỉ nhìn vào các khía cạnh ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của Thánh Nữ. Trước tiên, chúng ta cần lưu ý đến một số khía cạnh tiêu cực, mê tín của lòng đạo đức bình dân.

  1. Tại thành phố Avila, các biểu hiện của việc đạo đức bình dân gắn liền với cuộc sống của con người ở đây: vô số các nhà nguyện được thánh hiến cho các vị thánh, nhiều ẩn thất được xây bên ngoài bức tường của thành phố, ở mỗi cổng của các bức tường có một nhà nguyện nhỏ được lập để người ta có thể cầu nguyện liên lỉ khi đi ra ngoài tường thành và dâng lời tạ ơn khi trở về từ mỗi chuyến đi (Hiện nay vẫn còn “Bốn Cổng Thành”), các buổi rước kiệu, và các cuộc hành hương, nến thắp sáng, thánh giá, của lễ dâng cúng, các ý khấn, nước thánh, v.v. Sự thái quá phổ biến có thể – và thường xuyên – được kiểm soát bởi hai nhân tố: hội đồng và các nghị định của Tòa án dị giáo. Về nguyên tắc, ở một trong những sắc lệnh ban hành sau cùng của Công đồng Trentô, “về việc cầu khẩn, tôn kính, về thánh tích và về ảnh tượng thánh” (phiên họp 23, năm 1563), việc đạo đức bình dân được ủng hộ. Và trong danh mục của những sách bị cấm năm 1559, trong đó Tòa án dị giáo đưa ra một loạt những cắt giảm và kêu gọi sự thận trọng đối với “những hình ảnh táo bạo” (omnes picturae), những hình ảnh về sự chết, những sách chỉ dẫn tà thuật (“sách về ma thuật hoặc về cách gọi ma quỷ”), những sách kinh nhật tụng sai lạc (false Diurnals and Books of the Hours), và vô số kinh nguyện bằng tiếng địa phương (“kinh cầu cho người bị giam cầm”, “lời kinh giao ước của Chúa Kitô”, “kinh cầu cho bá tước”, “kinh cầu cho sự công bình”, “kinh Thánh Marina”, và vân vân. (Danh Mục – trang 46).

  1. Lúc còn nhỏ Têrêxa đã được mẹ mình hướng dẫn thực hành các việc đạo đức bình dân thánh thiện, những điều này dần được khắc sâu trong cô (“lòng sùng kính của tôi được dâng lên cho Đức Mẹ trong chuỗi Mân Côi”). Hãy nhớ lại khi mẹ của Têrêxa qua đời, ngài đã đến trước bức tượng Đức Mẹ và nhận Đức Mẹ làm mẹ của mình. Trong tu viện Nhập Thể, Têrêxa, theo nếp sống và phong tục của cộng đoàn, thực hành các buổi rước kiệu long trọng, ví dụ như Rước kiệu kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Cũng ở đó, từ năm 1560, Hiệp hội Trái Tim Đức Mẹ Bị Đâm Thâu (Transpiercing of Our Lady) phát triển mạnh mẽ. Lòng sùng kính này trở thành việc đạo đức quan trọng đối với Têrêxa. Khi nhận được hung tin về những người anh em của mình bị thương hoặc thiệt mạng trong trận chiến Iñaquitos (Perú 1546), Têrêxa đã hành hương đến đền thờ Guadalupe ở Tây Ban Nha. Sự việc vĩ đại nhất xảy đến vào những năm 1560-1562 khi Vua Philip II gửi một bản kiến nghị đến tu viện – nhà vua cũng làm như vậy với nhiều tu viện khác – nhờ các sơ cầu thay nguyện giúp cách khẩn thiết và thực hành những buổi rước kiệu nhằm cầu nguyện cho sự gắn kết giữa các Kitô hữu và cho hòa bình tôn giáo ở Pháp. Ước muốn của nhà vua nhanh chóng được đáp ứng trong tu viện Nhập Thể. Tinh thần ấy vang vọng cách đặc biệt trong những chương đầu tiên của quyển Đường hoàn thiện và trong Đan viện Cát Minh – thánh Giuse. Tuy nhiên, thật không may, trước đó không lâu (1531), sự hiểu lầm về những việc đạo đức bình dân đã có ảnh hưởng xấu đến các thực hành thánh thiện của tu viện. Như một ví không mấy hay ho: lúc ấy, ở Avila, cũng như trong tất cả Castile, suy tư về cuộc sống của chính mình ở thế giới bên kia là một điều rất phổ biến. Một trong những Lãnh chúa khá giả của thành phố (Señor Robles), do lo lắng quá đỗi về phần rỗi của linh hồn mình sau khi chết, đã để lại cho tu viện của cải của ông, với điều kiện hài cốt của ông ta phải được chôn cất ở chánh điện của nhà thờ và “ở đó, trước phần mộ của ông, các nữ tu của tu viện thay phiên nhau cả ngày lẫn đêm để canh thức với một ngọn nến thắp sáng trong tay, cầu nguyện cho phần rỗi linh hồn của ông ta, theo cách này sẽ luôn có một nữ tu khấn xin Chúa cho ông ta”. Tất cả những điều này thật là vô lý, nó trở thành gánh nặng quá mức cho các nữ tu. Chỉ khi Têrêxa được bầu làm bề trên điều này mới được thanh đổi.

  1. Trong tiểu sử của Têrêxa, giai đoạn quan trọng nhất chắc chắn là khi Têrêxa đắm mình trong các kinh nghiệm thần bí, trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa, trong Nhân Tính của Chúa Kitô, trong Bí tích Thánh Thể, và v.v. Tuy nhiên, cùng với những kinh nghiệm ấy, Thánh Nữ luôn trung thành với các thực hành đạo đức bình dân: Người dựng các ẩn thất (hermitages) trong đan viện Cát Minh của Thánh Giuse, tổ chức những buổi rước kiệu “Chúa Kitô rất thánh của Tình Yêu” (Santo Cristo del Amor); hơn thế nữa, Người hun đúc lòng sốt mến sâu sắc dành cho Thánh cả Giuse; khi Têrêxa trở lại tu viện Nhập Thể với tư cách bề trên, Têrêxa đặt một bức tượng Đức Trinh Nữ Maria trên chiếc ghế của bề trên, Têrêxa hướng dẫn các nữ tu biết chuyển mình từ những thực hành trần tục đến những điều thánh thiêng, những bài hát và điệu nhảy đại chúng đã được khoác lên một ý nghĩa thiêng liêng hơn vào lễ Giáng sinh và các lễ kính khác. Trong những chuyến đi với mục đích thành lập các đan viện, Têrêxa luôn mang theo một bức tượng Chúa Kitô (hoặc tượng Thánh cả Giuse, hoặc Đức Trinh Nữ Maria), để được hướng dẫn, chở che. Têrêxa đã đến thăm “Chúa Kitô rất thánh” (Santo Cristo) ở Burgos. Người đã mang theo một loạt các lời nguyện (blessings) trong sách kinh cá nhân của mình (lời nguyện làm phép nước của Thánh Albert, lời nguyện cho lữ khách, lời nguyện Chiên Thiên Chúa (Agnusdeis), lời nguyện chúc lành cho nhà ở, lời nguyện trên nho, trên quả vả, trên pho mát, lời nguyện cho lửa, cho thuyền buồm, cho trẻ em, v.v.). Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất trong những kinh nghiệm thần bí của Têrêxa là lòng quý mến đối với nước thánh (Tiểu sử tự thuật Thánh nữ Têrêxa Chúa Giêsu 31.4) và sự mộ mến của thánh nhân dành cho ảnh tượng thánh (Các bức chân dung của Chúa Kitô hoặc của các thánh).

  1. Trong tất cả những điều này có một ghi chú trái nghịch: điều này được gọi là “chủ nghĩa ma quỷ” (demonism). Những hình thức đạo đức bình dân của cả thế kỷ, cũng như trong thời kỳ trước đó, nảy sinh từ sự lôi kéo không ngừng nghỉ của chủ nghĩa ma quỷ. Có một xu hướng bó buộc vào các hiện tượng lạ thường, kỳ bí, nhưng theo hướng tiêu cực. Người ta tin chắc rằng đời sống Kitô giáo (của mọi tín hữu nam nữ) luôn bị ma quỷ quấy rối, làm phiền. Từ đó nảy sinh những trò đàn áp phù phiếm khôn nguôi. Cũng từ đó nảy sinh việc sử dụng và lạm dụng những phương thức mê tín dị đoan. (Têrêxa xác quyết rằng, ngay từ khi còn nhỏ, Têrêxa không khi nào rơi vào những thói mê tín dị đoan đó: “Tôi chưa bao giờ quan tâm đến những thói quen sùng bái khác như một số người thực hành, đặc biệt là phụ nữ, những phương thức đó trở nên khá phiền toái đối với tôi” (Tiểu sử tự thuật 6. 6) ; “Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những lề thói sùng kính viển vông” (Tiểu sử tự thuật 13, 16). Nhưng chính Têrêxa cũng trở thành “nạn nhân” của sự mê tín dị đoan này. Tình hình bị làm cho trầm trọng hơn bởi những học giả (các nhà thần học) chính trong giai đoạn mà Têrêxa có những trải nghiệm thần bí. Người ta tìm cách ghi khắc vào tâm trí vị nữ tu này cái suy nghĩ rằng những kinh nghiệm của cô là đến từ ma quỷ. Người ta khăng khăng khẳng định điều này và làm cho Têrêxa đau đớn rất nhiều. Thậm chí họ còn khuyên cô nên phớt lờ những thị kiến cô có được về Chúa Kitô, để làm cho ma quỷ phải kinh hãi – mặc dù Têrêxa không thể nào tin rằng họ đang đúng. Trên thực tế, trong nhiều năm, Têrêxa bị giằng co giữa hai thái cực: một mặt là nỗi sợ mình sẽ trở thành nạn nhân của ma quỷ, như người ta nói, và mặt kia là niềm tin tuyệt đối rằng những thế lực quỷ quyệt không thể làm gì cô: “Tôi không chú ý đến chúng nữa… Tôi tin chắc rằng, chúng sợ tôi. Tôi nghĩ người ta thật là những kẻ hèn nhát… và tôi phớt lờ mọi thứ quỷ quyệt” (Tiểu sử tự thuật 25. 20-22). Nhưng trên thực tế, Têrêxa tiếp tục có những thị kiến về Chúa Kitô ở những thời điểm nhất định trong cuộc đời mình.

  1. Điều quan trọng hơn hết là sự liên kết các việc đạo đức bình dân với những kinh nghiệm thần bí: Têrêxa trải nghiệm mỗi ngày vẻ đẹp huyền nhiệm của Thánh Nhan Chúa Kitô, Têrêxa sống trong Chúa Ba Ngôi, v.v. Tuy nhiên trong sinh hoạt hàng ngày của cộng đoàn, ảnh tượng thánh, nước thánh, những buổi rước kiệu, những bài hát, gần như không thể thiếu. Tiêu biểu là những lời sau đây của Thánh nữ: “Thật không may cho những kẻ dị giáo đã đánh mất đi sự an ủi có được từ tượng ảnh thánh. Được nhìn thấy hình ảnh của Đấng rất đáng được chúng ta yêu mến quả là một điều tuyệt vời. Dầu ở đâu chăng nữa, tôi cũng muốn được nhìn thấy hình ảnh của Người” (Đường Hoàn Thiện 34. 11). Têrêxa đã hòa hợp kinh nghiệm thần bí với những việc đạo đức bình dân.

Trích từ sách: Thánh nữ Tê-rê-xa Avila, 100 Chủ Đề Về Cuộc Đời Và Sự Nghiệp.

Dịch giả: Lm. Gioan TC Nguyễn Hồng Phúc, OCD.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *