Thứ Năm Tuần IV Thường Niên-Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giê-su Trong Đền Thánh

Luca 2: 22-40

”Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thờ theo truyền thống cũng như những gì ghi chép trong Luật Mô-sê “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và Lời Chúa trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe trích từ tin mừng theo thánh Luca, đã chẳng kể lại chi tiết những gì diễn ra trong ngày đó. Nhưng trái lại, Luca lại cho hai nhân vật già nua, công chính và thánh thiện xuất hiện trong khung cảnh của Đền Thờ hôm đó như những vai chính ở trong câu truyện thánh nhân kể.
Người thứ nhất đó chính là ông Simeon. Chính ông đã được Thiên Chúa khẳng định rằng sẽ chẳng chết trước khi chính mắt ông nhìn thấy “Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa”. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, ông vào đền thờ lúc Giuse và Maria bồng Chúa Hài Nhi trên tay tiến về đền thánh để thi hành những gì đã dạy trong lề luật. Nhìn thấy hai ông bà và hài nhi, ông liền nhận ra đó chính là “Ơn Cứu Độ” của nhân loại và liền dâng lời chúc tụng Thiên Chúa qua lời cầu nguyện mà ngày nay Giáo Hội không ngớt dâng lên Thiên Chúa mỗi kinh tối: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân” Và những gì mà ông nhìn thấy: “là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”. Đức Giêsu, đấng là Ngôi Lời nhập thể, là Ánh Sáng của Thiên Chúa chiếu soi cho dân ngoại, cũng chính Người là vinh Quang của dân Chúa Israel.
Trước những lời cao quí ấy của Simeon, Giuse và Maria chẳng hiểu gì, mà còn thêm bối rối vì dường như còn có rất nhiều điều mà hai ông bà đã chẳng biết về người con của mình. Simeon đã chẳng giải thích gì về những lời ông nói, nhưng còn tuyên báo cho Maria những gì sẽ xảy đến với bà: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!” đó chính là nghịch cảnh trong sứ vụ của Đức Giêsu. Người đến để rao giảng và loan báo Tin Mừng đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. thế nhưng, chính nhân loại này đã chẳng đón nhận những lời chân lý và sự sống của Người. Sẽ có nhiều người nhờ Người mà được sống, nhưng cũng không ít người sẽ vấp ngã vì Người. Những lời này của Simeon đã tạo nên nỗi đau vô tận trong tâm hồn của người mẹ trẻ, nỗi đau mà chỉ khi người mẹ ấy đứng dưới chân cây thập tự ngước mắt nhìn đứa con yêu dấu đau đớn và chết đi trong cơn hấp hối.
Lời tiên tri này của Simeon chắc hẳn đã làm cho Giuse và Maria bối rối và hoang mang, nhưng cũng cảnh báo hai ông bà về tương lai của sứ vụ cao cả mà hài nhi Giêsu sẽ gánh trên vai mình.
Nhân vật thứ hai xuất hiện trong câu truyện là bà Anna. Bà là bà goá, ở với chồng được 7 năm rồi chồng bà qua đời. Phận bà là người goá bụa đã được hơn 60 năm. Luca miêu tả bà: “không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa.” Như muốn nói rằng cuộc gặp gỡ giữa bà và Đấng Cứu Độ của bà không phải là duyên cớ, nhưng là ý định của Thiên Chúa, để qua bà mọi người được nghe biết về chính Đấng Cứu Thế của mình như là Ánh Sáng của Thiên Chúa.
Thế nên ngày lễ hôm nay, tuy có ý nghĩa ban đầu là ngày ‘thanh tẩy’ của các bà mẹ sau khi sinh đứa con của mình. Nay được Giáo Hội gọi là ngày lễ “Đức Mẹ Dâng Chúa Trong Đền Thờ” như muốn hướng các tín hữu về Đức Giêsu Đấng là Ánh Sáng của Thiên Chúa, đem lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại. Chính vì thế mà các bài đọc ngày hôm nay đều đề cập tới ‘ánh sáng’.
Bài đọc thứ nhất trích từ sách Tiên tri Malakhi, chứa đựng những lời tiên tri báo trước về sứ vụ của Đấng Cứu thế là Đức Giêsu. Lời mở đầu gợi nhớ cho chúng ta về hình ảnh của Gioan Tiền Hô: “Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Đây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta!” Nhưng để rồi câu kế tiếp lại chỉ ra cho chúng ta ngày lễ hôm nay: “Lập tức Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người.” Như thế quả là rõ ràng rằng Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa Đấng thiết lập một Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa là loài người. Nhưng chẳng phải ai cũng đón nhận được Giao Ước ấy, mà chỉ có những ai “có thể đứng vững để trông nhìn Người? Vì Người sẽ như lửa thiêu đốt, như thuốc giặt của thợ giặt. Người sẽ ngồi như thợ đúc và thợ lọc bạc, Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi, và làm cho chúng nên sạch như vàng bạc.” Như thế với những người đón nhận Tin mừng của Người thì sẽ được sống, còn những ai từ chối tin mừng ấy sẽ phải chết muôn đời.
Bài đọc thứ hai cũng cho ta thấy sứ vụ của Đấng Cứu Thế chỉ được thực hiện khi Người chấp nhận “ở giữa chúng ta” hay nói cách khác, khi Người chấp nhận trở nên như chúng ta trong kiếp làm người. Đó cũng chính là tâm điểm của ngày lễ hôm nay. Chính trong cách thế này mà Ơn cứu độ mới đến với nhân loại khi Người “huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời.” và “ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân.” Để rồi trên bàn thờ là cây thập giá, Đức Kitô đã dâng lễ tế (như một thượng tế) là chính mình (như là của lễ) để đền tội thay cho nhân loại. Chính vì thế: “bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách.”
Vậy ngày lễ này có ý nghĩa gì với chúng ta hôm nay? Thưa, qua việc mừng lễ này, chúng ta được nhắc nhớ về tình yêu của Thiên Chúa giành cho ta, hầu ta được hưởng ơn Cứu Độ. Nhưng, ta chỉ thực sự đạt tới ơn Cứu Độ ấy khi ta trở nên như tấm gương phản chiếu Ánh Sáng sự sống của Thiên Chúa cho mọi người xung quanh bằng chinh con người và lối sống của ta, như một chứng tá về giá trị tin mừng của sự sống đời đời mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Xn cho chúng ta luôn ý thức về điều ấy như là ơn gọi của mình khi ta mang danh Kitô Hữu. Amen

Lm. Giuse Dương  Đức Nghĩa, OCD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *