MẸ THÁNH TÊRÊXA TRƯỚC TOÀ ÁN DỊ GIÁO TÂY BAN NHA

THÁNH TÊRÊXA TRƯỚC TOÀ ÁN DỊ GIÁO TÂY BAN NHA

  1. Trong Giáo Hội, đặc biệt ở Tây Ban Nha thời bấy giờ, tòa án dị giáo là một trong những cơ quan trọng yếu và nguy hiểm nhất. Cơ quan này cũng mang tính quyết định trong cuộc đời của thánh Têrêxa. Những điều tra viên đã chất vấn về cuộc đời và tác phẩm chính Tự thuật của thánh nhân. Về phần mình, mẹ Têrêxa đã trả lời dưới nhiều hình thức khác nhau về Danh Sách Các Sách Cấm nổi tiếng năm 1559. Người ta thường trình bày Têrêxa trong số những người không chỉ bị đàn áp trí tuệ mà còn bị quấy rối bởi những điều tra viên, trên hết là bởi tác động của xã hội đối với tự do tư tưởng, cuộc sống và hành động trong xã hội thời bấy giờ.
  2. Từ quan điểm xã hội, tòa án dị giáo đã có những ảnh hưởng độc hại. Tòa án này đã thể hiện sự hiện diện cách rõ rằng hoặc lén lút ở khắp mọi nơi. Thánh Teresa cũng biết rõ sức mạnh gần như vô hạn và bầu khí ảm đảm của nó vốn đã làm nảy sinh một làn sóng sợ hãi, đặc biệt là trong các lĩnh vực tôn giáo. Rõ ràng làn sóng sợ hãi này cũng tác động ít nhiều đến Têrêxa. Khi những ân sủng thần bí không thể kiểm soát bùng phát trong những năm 1554-1560, những cố vấn mới của thánh nữ kể lại những trường hợp của những người có ơn thị kiến giả đã bị tòa án dị giáo lột trần được. Thánh Têrêxa nói: “họ đến gặp tôi với nỗi sợ hãi và nói với tôi rằng chúng tôi đang gặp rắc rối và có thể có những người khác đã buộc tội tôi trước tòa án dị giáo về điều gì đó.” Bất chấp sự xáo trộn sâu sắc mà Têrêxa đang trải qua vào thời bấy giờ, thánh nhân kể lại phản ứng của mình trước nỗi sợ hãi lớn lao này: “Điều này làm tôi thích thú và bật cười, vì tôi chưa bao giờ sợ hãi về khả năng như vậy… Tôi đã nói với họ rằng họ không nên sợ hãi về những lời buộc tội có thể xảy ra này… tôi nghĩ rằng nếu tôi có làm điều gì đó để phải sợ hãi, tôi sẽ tự mình đi tìm những điều tra viên của tòa án dị giáo” (Tt33, 5). Chúng ta không biết liệu câu trả lời của thánh Têrêxa có vẻ khoe khoang với những người cố vấn này hay không. Tuy nhiên, liên quan đến việc sợ hãi hay không sợ hãi, điều chắn chắn là thánh Têrêxa đã tách mình ra khỏi mẫu số chung. Chúng ta thấy điều này qua lời khẳng định của mẹ thánh rằng mẹ không bao giờ có bất kỳ nỗi sợ hãi nào về tòa án dị giáo. Tuy nhiên, trong các sự kiện liên tiếp của cuộc đời mẹ thánh đã xảy ra một loạt các biến cố liên quan đến các tác phẩm và cuộc đời của mẹ.
  1. Trên hết, trong tác phẩm đầu tiên, Đường Hoàn Thiện, mà mẹ đã biên tập lại nhằm để hướng dẫn cho các nữ tu của mình tại đan viện thánh Giuse, mẹ đã nói cách thẳng thắn trong lời xin lỗi nổi tiếng dành cho phụ nữ: “vì các thẩm phán trên thế giới đều là con trai của Adam và tất cả đều là đàn ông, nên không có đức tính nào ở phụ nữ mà họ không nghi ngờ.” Qua lời kêu gọi ẩn ý sau đó lên thẩm phán của tóa án tối cao, mẹ đã ám chỉ trực tiếp đến những hành vi bách hại của tòa án dị giáo, trong đó bạn của mẹ chính là người kiểm duyệt- Linh mục García de Toledo- đã vội vàng xóa cả một đoạn văn vốn không được duyệt vào bản biên tập thứ hai của cuốn sách. Những gì còn lại trong bản biên tập thứ hai này là những ám chỉ về việc tòa án dị giáo đã cướp khỏi tay người đọc các quyển sách về đời sống cầu nguyện (được đề cập nhiều lần nhưng không bị xóa bởi người kiểm duyệt).
  2. Nghiêm trọng hơn nhiều là sự cố xung quanh Tự Thuật. Việc này xảy ra vào năm 1575 và cả những năm sau đó cho đến sau cái chết của tác giả. Quyển sách đã bị tố cáo cùng lúc ở Andalusia và Castile trước tòa án dị giáo và đã tịch thu nó vào năm đó. Bá tước Alvaro de Mendoza đã nộp nó lại vào tháng Hai. Vào tháng Bảy, Cha Báñez đã bỏ phiếu thuận cho tác phẩm này thế nhưng nó vẫn bị tịch thu. Năm 1577, thẩm phán tối cao và cũng là tổng giám mục của Toledo thời bấy giờ, Đức Cha García de Quiroga cùng với thánh Têrêxa và cha Gracián đã yêu cầu tòa án dị giáo trả nó lại nhưng vô ích. Cuốn sách tiếp tục “trong tù” cho đến khi Têrêxa qua đời ở Alba (1582). Cuốn sách chỉ được phép lọt ra ngoài vào năm 1587 để chuẩn bị cho việc xuất bản nó. Sau đó, nó được chuyển vào tay nữ tu Anne of Jesus và từ tay sơ đến thầy Luis de León, người đã xuất bản nó vào năm 1588. May mắn thay, bản thảo này đã không bị xóa hay bị vận chuyển cách cẩu thả hoặc bị ghi chú thích (chỉ một số ít bởi một bàn tay nhân từ). Tuy nhiên, sự lan truyền của tác phẩm đã bị ngăn trở. Điều này đã làm mẹ Têrêxa đau khổ như thể linh hồn của mẹ đã bị bắt làm tù binh.
  3. Cùng một ngày mà tác phẩm Tự Thuật của mẹ Têrêxa gặp trục trặc trước tòa án dị giáo, chính mẹ cũng bị cáo buộc lên toàn án này. Lúc bấy giờ mẹ đang ở Đan Viện Cát Minh ở Seville. Bị nghi ngờ và bị tố cáo bởi nhiều nguồn khác nhau ở Andalucia, cuối cùng một quận chúa vốn đã từng sống thử tại Đan Viện Cát Minh ở Seville đã viết báo cáo chống lại mẹ Têrêxa. Tòa án dị giáo đã vào cuộc với tất cả sự nhiệt tình của mình để điều tra vụ án và về đời sống thiêng liêng của mẹ Têrêxa. Chẳng lâu sau mẹ đã thoát ra khỏi sự bất hạnh này một cách vô hại. Hai trong số những người được tham khảo ý kiến của tòa án dị giáo là cha Rodrigo và cha Enríquez. Họ chính là những người rất thân thiện với mẹ Têrêxa mà mẹ rất ngưỡng mộ. Mẹ đã viết về họ trong Spiritual Testimonies số 58 và 59. Số đầu tiên mẹ viết về những người dã từng là cha linh hướng uyên bác và thánh thiện của mẹ; số thứ hai kể lại các giai đoạn của việc cầu nguyện thần bí như mẹ đã giải thích chúng trong những chuyên luận nhỏ về đời sống cầu nguyện trong tác phẩm Tự Thuật. (Chương 11 – 22)
  4. Khi nói về áp lực của tòa án dị giáo, người ta thường nói về cách Têrêxa ném vào lửa quyển sách nguyện ngẫm mà mẹ viết về sách Diễm Ca. Rất có thể đây là phần được viết ra trong khoảng năm năm khi thầy Luis de Leon bị giam giữ trong nhà tù của tòa án dị giáo vì đã dịch sang tiếng Tây Ban Nha bản văn kinh thánh này. Có thể cho rằng bầu khí của tòa án dị giáo vào thời điểm bấy giờ ảnh hưởng lớn đến sự cố này trong cuộc đời của Têrêxa. Nhưng theo như một nhân chứng kể lại thì thực tế đã xảy ra như sau: “Cha Yanguas đã nói với nhân chứng này rằng Têrêxa đã viết một cuốn sách về Sách Diễm Ca và theo như cha thì việc một người phụ nữ viết một cuốn sách về sách Kinh thánh là không đúng. Vị linh mục này đã nói điều ấy với mẹ Têrêxa và mẹ đã nhanh chóng vâng lời và làm theo lời khuyên của cha giải tội này và đốt nó ngay lập tức …” Chính María Gracián đã đưa ra lời khai này (BMC 18, 320). Theo người này, tòa án dị giáo không phải là nguyên nhân khiến quyển sách bị ném vào lửa mà chính là định kiến chống chủ nghĩa nữ quyền của nhà thần học đến từ Segovia, Diego de Yanguas.
  5. Thái độ của Têrêxa trước các quyết định của tòa án dị giáo vẫn còn lưu giữ cách rõ ràng trong bản văn nguyên thủy của Hiến pháp dòng Têrêxa. Khi chỉ định những cuốn sách cần thiết cho thư viện nhỏ của một đan viện Cát Minh, mẹ Têrêxa đã không ngần ngại đưa vào danh sách những cuốn sách của thầy Luis de Granada, khi các sách của thầy vẫn còn nằm trong Danh mục Sách Cấm, mặc dù có thể lúc bấy giờ thầy đã được Roma phục hồi. Những lời tố cáo gay gắt và dai dẳng nhất của Têrêxa đối với tòa án dị giáo chỉ được thấy sau khi mẹ qua đời. Nguồn gốc của điều này là việc xuất bản các cuốn sách của mẹ bởi thầy Luis de León, sau khi họ đã khởi xướng quá trình phong thánh cho mẹ ở Salamanca. (Xem thêm E. Llamas, Santa Teresa y la Inquisicion, Madrid 1972).
  6. Tóm lại: có khả năng là từ khi còn nhỏ, Têrêxa đã biết về sambenito (một bộ quần áo sám hối) do tòa án dị giáo áp đặt cho ông nội và gia đình của Têrêxa ở Toledo. Tuy nhiên, không có dấu vết nào trong các tác phẩm của mẹ nói về sự kiện này. Điều chắc chắn là mẹ đã không chịu khuất phục trước nỗi sợ hãi chống lại tòa án dị giáo vốn lan truyền ở Castile. Thêm vào đó, Têrêxa cũng là nạn nhân của việc tòa án dị giáo cấm đoán các sách thiêng liêng được viết bằng ngôn ngữ bản địa. Chính bản thân mẹ cũng đã bị điều tra ở Sevilla. Trong những năm cuối cuộc đời, bản thảo về cuộc đời của mẹ đã bị tịch thu bởi tòa án dị giáo. Từ năm 1577 – 1578, ngay khi mẹ hoàn thành quyển Lâu Đài Nội Tâm, mẹ đã gửi bản thảo đến Seville để nó có thể được cất giữ an toàn trong tay của mẹ Maria de San Jose. Tuy nhiên, mẹ cũng không thấy có vấn đề gì phải sợ khi cha Rodrigo, một trong các ủy viên của tòa án dị giáo biết về cuốn sách. Nói cách ngắn gọn, cả mẹ Têrêxa và cuốn sách bị tịch thu Tự Thuật đều không bị đối xử tệ bạc hoặc xử lý tồi tệ từ tòa án dị giáo.

Trích từ sách: Thánh nữ Tê-rê-xa Avila, 100 Chủ Đề Về Cuộc Đời Và Sự Nghiệp.

Dịch giả: Tu sĩ Đa minh Phạm Đình Phú, OCD.