Thứ Sáu, Tuần III, Mùa Chay

Mc 12,28-34

“Giới răn trọng nhất chính là: ‘Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi.”

 

Tình yêu là điều kì diệu nhất trong cuộc sống, là nguyên lí và con đường đưa con người đến hạnh phúc. Tình yêu đích thực là chính Thiên Chúa – một tình yêu viên mãn lấp đầy mọi khắc khoải thâm sâu của con người. Đến muôn đời, Thiên Chúa vẫn mời gọi từng người đi vào tình yêu ấy để “chìm sâu trong Ngài”. Lời mời gọi của Thiên Chúa được cụ thể trong giới răn “Mến Chúa Yêu Người” và đó là giới răn trung tâm của toàn bộ đời sống Kitô giáo.

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã tóm Luật Môsê trong động từ yêu mến. Trước tiên là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực, vì Ngài là căn cội và cùng đích của đời sống con người. Tình yêu không thể nài ép mà là nhận ra và đáp trả. Chính sự đáp trả này làm cho con người là người, là con cái của Thiên Chúa và là anh em với nhau. Vì vậy, điều răn đứng đầu gắn liền với điều răn thứ hai:“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Chính trong Chúa, ta nhận ra phẩm giá đích thực của một con người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay người mất trí. Chỉ trong Chúa, ta mới yêu thương đến cùng, vì nhận ra mỗi người là hình ảnh của Ðức Kitô đang sống.

Để giải quyết bài toán “yêu tha nhân như chính mình”, chúng ta hãy hướng tình yêu của mình về Thiên Chúa. Nghĩa là ta yêu mến Thiên Chúa như Thiên Chúa dạy và nhất là yêu thương nhau như chính Chúa đã yêu thương chúng ta. “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chỉ khi nào thực sự cảm nhận, đụng chạm đến tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, thấy Ngài yêu ta như thế nào thì ta mới có thể họa lại cách yêu của Chúa. Khi yêu mến Thiên Chúa, chúng ta học được cách để yêu thương chính mình và yêu thương tha nhân. Bởi đó, không thể nói yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu mến tha nhân.

Thực ra mến Chúa yêu người không phải là hai giới răn tách biệt, nhưng là một giới răn duy nhất, như hai mặt của một tấm huy chương. Lòng mến Chúa phải được chứng minh bằng việc yêu người. Tình mến mọi người phải được dựa trên nền tảng lòng mến Chúa, vì đó là lòng mến vô vị lợi, không dựa trên những tiêu chuẩn trần gian, không phân biệt và không biên giới. Thánh Gioan đã khẳng định với chúng ta: ai nói mến Chúa mà không thực hành đức thương yêu với tha nhân thì là kẻ nói dối, vì tha nhân là những người nhìn thấy mà họ không thương yêu, thì làm sao họ mến Đấng mà họ không nhìn thấy?  

Đức Giêsu đã truyền dạy giới luật tình yêu, nhưng giới luật Ngài ban không bắt nguồn từ bản tính con người, mà là từ Ngài; không lớn lên nhờ cố gắng sống tốt của con người, mà là nhờ sức sống của chính Ngài. Người tín hữu có một mẫu gương về lòng mến hoàn hảo, đó là Đức Giêsu Kitô. Người là vị tư tế thánh thiện, vô tội tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Trên cây thập giá Đức Giêsu đã minh chứng tình mến đối với Chúa Cha và tình mến đối với nhân loại. Tác giả thư gửi tín hữu Hípri đã chứng minh Chúa Giêsu là vị tư tế tối cao. Ngày hôm nay, vị Tư tế đó vẫn đang chuyển cầu cho chúng ta.

Ta không thể chỉ gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa trong tâm tưởng hay trong ước muốn, mà còn chính ở tha nhân, nơi những hành động cụ thể trong những tương quan hằng ngày. Thiên Chúa và tha nhân hòa hợp làm một trong cõi lòng ta. Ta yêu tha nhân trong Chúa và yêu Chúa nơi tha nhân. Cầu nguyện là đặt mình trong Chúa để có thể yêu tha nhân như chính mình. Tình yêu với Thiên Chúa đưa ta vào cuộc sống với anh em. Tình yêu thương anh em đòi ta chìm sâu trong Thiên Chúa, để kín múc nguồn sinh lực hầu tiếp tục hiến trao. Cuối cùng tình yêu ấy lại quay trở về với Thiên Chúa như cùng đích tối hậu của nó và như vậy sẽ phát sinh sự “hợp nhất” toàn hảo, mà Đức Kitô đã ao ước thực hiện giữa Thiên Chúa với chính Ngài và các kẻ tin. Đẹp biết bao vương quốc của Thiên Chúa, nơi chỉ có tình yêu chiếu rạng ngời, dành cho tất cả những ai đã một đời phấn đấu để hiến dâng.

Đứng trước một xã hội đang dần loại bỏ Thiên Chúa và tương quan tình yêu giữa con người với người, Chúa Giêsu mời gọi con người, bằng cách riêng mỗi người Kitô hữu cần phải làm tất cả với những dấu chỉ biểu lộ ra bên ngoài, để diễn tả tình yêu của mình với Thiên Chúa và tha nhân. Điều đó có thể được thể hiện nơi những mối tương quan thường ngày giữa người với người; hoặc trong mối tương quan láng giềng, bạn bè, kể cả cha mẹ, con cái, anh chị em trong gia đình hay giữa tình thân vợ chồng. Từ những dấu chỉ đơn sơ, vị tha đến chỗ hy sinh để tha thứ cho nhau và yêu thương nhau nhiều hơn.

Lạy Chúa! Chúa đã ban cho mỗi người chúng con có một trái tim biết yêu thương, nhưng trái tim của chúng con dường như đã bị khô cằn khiến cho chúng con khó mở lòng để yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình. Xin cho chúng con có một quả tim quảng đại như Chúa để chúng con đừng khép lại chính mình, nhưng có thể vượt lên mọi tình cảm tầm thường mà mặc lấy tinh thần bao dung tha thứ, bỏ đi mọi oán hờn nhỏ nhen, mọi ích kỉ để có thể yêu thương tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen

 

TS Antôn Trần Đức Thiện, OCD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *