Ga 5,1-16

“Này, anh đã được khỏi bệnh.

Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!”

 

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng thấy hình ảnh của người bất toại đã nằm chờ bên bờ hồ Bethsaiđa ròng rã 38 năm để hy vọng có một cơ hội được xuống hồ và được khỏi bệnh. Anh đã được Đức Giêsu chữa lành và còn niềm vui mừng nào hơn niềm vui được giải thoát khỏi bệnh tật hiểm nghèo. Tuy nhiên Đức Giêsu lại cảnh báo anh: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!”. Chúa Giêsu không dừng lại ở việc chữa lành tật bệnh thể xác, nhưng Ngài muốn tiến xa hơn nên đã kêu gọi người được chữa lành hãy nghĩ đến phần linh hồn quan trọng hơn: “Anh đừng phạm tội nữa”.

Thường thì bệnh hoạn về thân xác, chúng ta rất dễ nhận ra. Với những lương y giỏi, chỉ cần nhìn mặt hay bắt mạch là đã biết và có thể biết được tình trạng bệnh tật của bệnh nhân. Nhưng còn những căn bệnh trong tâm hồn, nếu không có ơn Chúa, chúng ta khó có thể mà nhận ra được.

Câu hỏi “ngươi có muốn khỏi bệnh không?” của Chúa Giêsu có vẻ như dư thừa, vì ai bị bệnh mà lại không muốn được chữa khỏi. Thế nhưng, câu hỏi đó của Người cốt để gợi lên hy vọng nơi người bệnh và để anh ta nói lên tình trạng tuyệt vọng của mình. Nếu muốn được chữa lành, anh ta phải chọn chỗi dậy; và nếu muốn khỏi bệnh anh ta phải tỉnh thức để giữ mình chừa bỏ tội lỗi sau khi đã được làm cho lành mạnh. Bởi vì, Chúa Giêsu cho biết, giữa tội lỗi và bệnh tật có một mối liên hệ rất gần gũi.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đặt câu hỏi đó đối với mỗi người trong chúng ta là những người mang những canh bệnh khác nhau trong tâm hồn: “Ngươi có muốn khỏi bệnh không?”.  Chắc hẳn đã có lần chúng ta cảm thấy bất lực và khốn khổ vì sự tái phạm cùng một thứ tội nào đó mà không thể vượt qua được? Thực ra, một phần lớn là vì chúng ta không thực sự muốn đoạn tuyệt với tội, vẫn còn có một chút yêu thích luyến tiếc nào đó đối với tội lỗi và muốn ở lại trong tình trạng cũ; hoặc chúng ta không nhìn nhận mình bất lực mà cứ cậy dựa vào sức riêng để chống lại tội lỗi để rồi chuốc lấy thất bại thảm hại; hoặc tệ hơn, chúng ta ngã lòng không tin tưởng vào tình yêu tha thứ và chữa lành của Thiên Chúa để rồi không chịu chỗi dậy sau mỗi lần vấp ngã.

Nhưng vấp phạm và tái phạm là bình thường và không tránh được trong thân phận làm người. Cái “khốn hơn” ở đây là nằm bẹp luôn sau mỗi lần té ngã thay vì vác chõng mà đi; cái “khốn hơn” còn là việc tin rằng tất cả đều hoàn tất mà không biết việc vô cùng cần thiết cần phải làm là tỉnh thức để chăm sóc sự sống hầu cho nó mang lại hoa trái; nói cách khác, chúng ta đừng dựa vào ân sủng để rồi cứ nằm im trong sự bất lực.

Tội lỗi vốn đã làm cho con người trở nên mất nhạy cảm thiêng liêng, từ đó dẫn tới việc e ngại hay thậm chí khép kín với những mời gọi hoán cải. Tội làm cho chúng ta dần tê liệt về mặt thiêng liêng. Và từ từ người ta cũng đánh mất đi niềm hy vọng. Còn hy vọng thì còn cần tới ơn tha thứ, mất hy vọng thì tội nhân trở nên bất cần. Nên càng phạm tội thì càng lây lất, càng phạm tội thì càng cứng lòng.

Như vậy, điểm nhấn quan trọng trong bài Tin Mừng hôm nay là sự chữa lành trong tâm hồn. Đức Giêsu là Đấng Messia đến để giải thoát con người khỏi xích xiềng tội lỗi. Ngài băng bó và chữa lành những tâm hồn tan nát đau thương. Vì thế, qua bài Tin mừng, Giáo hội mời gọi mỗi Kitô hữu chúng ta hãy nhìn lại bản thân mình, ý thức được tình trạng bệnh hoạn tội lỗi của mình, chạy đến với Đức Giêsu để xin ơn được chữa lành. Gặp gỡ Chúa Giêsu là gặp Đấng chữa lành. Người là Đấng làm cho chúng ta không những được tha thứ mà còn làm cho chúng ta được lành mạnh trong linh hồn.

Lạy Chúa, Chúa đã tha thứ và phục hồi sự sống thiêng liêng cho chúng con trong bí tích Giải tội; xin cho chúng con biết giữ gìn sự sống ấy và làm cho nó tăng triển mỗi ngày để những ân huệ Chúa ban cho chúng con không trở nên vô ích. Amen.

 

TS Antôn Trần Đức Thiện, OCD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *