Thứ Ba Tuần IX Mùa Thường Niên

Suy Niệm Lời Chúa: Mác-cô 12, 13-17

“của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa”

Trong bài tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dường như đứng trước một phép thử khó khăn mà các nhà lãnh đạo của người Do Thái lúc bấy giờ – là những người Biệt Phái và Phái Hê-rô-đê, đã đặt ra cho Người. Họ hỏi người: “chúng tôi có nên nộp thuế cho Cêsarê không? Chúng tôi có phải nộp hay là không?”

Thường thì trong xã hội người Do Thái, hai nhóm người này chẳng bao giờ liên hệ với nhau. Nói như vậy là vì những người Biệt Phái rất tôn trong việc tuân giữ luật Môsê, và họ không bao giờ cam lòng chịu dưới sự đô hộ của quân đội Rôma. Còn những thành viên thuộc đảng phái Hêrôđê thì không những chẳng mấy quan tâm gì mấy tới Luật Môsê, mà lại còn thân thiết với chế độ Rôma đang chiếm đóng trên đất nước họ vì những ích lợi cá nhân và chính trị. Và vì những khác biệt ấy, thế nên, họ chẳng khi nào muốn làm việc với nhau.

Ấy vậy mà hôm nay họ cùng đến tìm Thầy Giêsu để cùng nhau chất vấn Người. Nói cho cùng thì có lẽ cái triết lý “kẻ thù của kẻ thù của ta là bạn của ta” có khi lại đúng với họ trong trường hợp này. Thế nên, chẳng mất mát gì khi họ tạm thời gác bỏ những bất hoà, để cùng nhàu đi “làm khó” với kẻ thù chung của mình.

Cạm bẫy được giăng ra với một lời nịnh hót đầy chủ ý: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật không vị nể ai, vì Thầy chẳng xem diện mạo, một giảng dạy đường lối Thiên Chúa cách rất ngay thẳng”. Từng câu, từng chữ họ nhận định về Thầy hoàn toàn đúng, thế nhưng, đằng sau sự nhận định đầy đúng đắn ấy, là một lời tố cáo nghiêm trọng.

Vì khi nói “Thầy là người chân thật không vị nể ai, vì Thầy chẳng xem diện mạo, một giảng dạy đường lối Thiên Chúa cách rất ngay thẳng”, thời đó không thiếu những người như thế và họ đều bị liệt vào hàng ngũ “nguy hiểm” cho xã hội lẫn tôn giáo! Với những nhận định mang tính nịnh hót ấy, họ đã âm thầm đặt Thầy vào một tình huống không lối thoát, khi họ hỏi Người: “Vậy, chúng tôi có nên nộp thuế cho Cêsarê không?”

Đối với chúng ta, những người không sống vào thời điểm ấy nhận thấy câu hỏi chẳng có gì đáng ngại. Thế nhưng, nếu ta sống trong thời điểm lúc đó thì nó là một ‘câu chất vấn nhuốm đẫm màu sắc chính trị’ – mà sẽ không có câu trả lời toàn vẹn. Vì nếu Thầy trả lời họ “nên nộp thuế” thì Người sẽ bị lên án bởi nhóm Biệt Phái và những người Do thái yêu nước. Còn nếu như Người trả lời “không nên nộp thuế” thì chắc chắn Người sẽ bị tố cáo bởi nhóm người thuộc đảng phái Hêrôđê với chế độ Rôma đang cai quản nơi đó.

Thế nhưng, Thầy đã nhìn rõ bộ mặt thật của họ ẩn núp sau chiến thuật đầy gian xảo. Và Thầy đã nói: “Sao các ông lại thử Ta? Hãy đưa Ta xem một đồng tiền”. Họ liền đưa cho Người một đồng tiền trên đó có khắc hình hoàng đế Rôma. Cầm đồng tiền ấy trên tay, Người hỏi họ: “Hình và ký hiệu này là của ai?” Họ liền đáp “của Cêsarê”. Người liền trả lời: “Vậy thì của Cêsarê, hãy trả cho Cêsarê; của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa”.

Đó quả là một câu trả lời khôn ngoan, với phần trả lời hệ tại nơi sự trung thành với chủ của người đặt ra câu hỏi ấy. Trước sự khôn ngoan của Thầy, họ liền chỉ biết câm nín, vì câu trả lời của Thầy cùng một lúc nói lên tất cả vì họ chẳng thể tranh cãi với Thầy, nó cũng chẳng rõ ràng vì Thầy chẳng đưa ra quyết định gì với câu trả lời của mình cái gì thuộc về Thiên Chúa, hay cái gì thuộc về hoàng đế!

Hoàn cảnh éo le của Thầy trong bài tin mừng hôm nay, cũng là những gì đã xảy ra trong đời sống của các Tín Hữu thời sơ khai. Chắc hẳn họ đã phải đau khổ nhiều, vì là người Kitô Hữu, họ chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa. Nhưng dưới khía cạnh dân sự, họ bị ép phải ‘thờ lạy’ vua chúa của mình. Họ đã chọn Thiên Chúa của mình, chứ không phủ phục trước bậc quân vương quyền thế. Chính vì đó, những cơn bách hại đã đổ trên đầu họ và nhiều thế hệ tiếp đó.

Nhưng máu của họ đã đổ ra không bị quên lãng hay uổng phí. Vì chính từ những con người can trường trong Đức Tin đó, đã làm cho nền móng Giáo Hội thêm vững chắc. Từ đó, Giáo Hội của Thầy không ngừng bị bách hại dưới nhiều hình thức khác nhau bởi thế quyền, nhiều  đến nỗi bị bách hại đã trở thành đặc điểm nổi bật của Giáo Hội và những ai xưng mình là Kitô Hữu cho đến ngày hôm nay.

Đường ranh giới giữa thần quyền và thế quyền, trách nhiệm giữa Tín Hữu và công dân luôn là trung tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận. Nhiều người Kitô Hữu đã bị chất vấn Giáo Hội đôi khi đã lấn sân cả vào các vấn đề chính trị và các chính sách của các quốc gia!

Là những Kitô Hữu, chúng ta tuy thuộc về Thiên Chúa, nhưng vẫn đang sống giữa thế gian, sống trong xã hội loài người, chúng ta chẳng thể tách mình ra khỏi đời sống xã hội và cả chính trị. Do đó, một mặt, chúng ta cần phải có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải khôn ngoan trong cách xử sự với những gì thuộc về thế gian, và với những gì Thiên Chúa đã ban cho nhân loại. Trách nhiệm này còn đặc biệt cấp thiết, nhất là khi những vấn đề giá trị luân lý và Đức Tin bị chà đạp bởi thế quyền và những ai xem mình có quyền của Thiên Chúa.

Xin cho chúng ta luôn biết học nơi Thầy Giêsu, nơi các Tín Hữu sơ khai sự khôn ngoan, cũng như tinh thần trách nhiệm, luôn biết sẵn sàng lo cho Giáo Hội cũng như xã hội. Vì tát cả đều thuộc về Thiên Chúa, và chúng ta là những tiếng nói của Người cho nhân loại này. Amen

 

J.J. Duong, OCD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *