Thứ Tư Tuần XXIII Mùa Thường Niên – THÁNH GIOAN KIM KHẨU, giám mục, tiến sĩ Hội thánh – Lễ nhớ

Lu-ca 6:20-26

“Phúc cho những ai nghèo, đói, khổ đau, và vì Chúa mà bị thù ghét”

Có ai trong chúng ta từng nghĩ mình là người có phúc vì nghèo, đói, khổ đau vì sống theo tinh thần Phúc Âm Chúa dạy chưa? Hay ngược lai có ai trong chúng ta đã từng cảm nhận được mình là người chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ, bị bách hại, thù ghé vì theo Chúa và sống theo lời Người dạy chưa?

Trong thời đại ngày nay những người giàu có thường được nhiều người quý mến, tôn trọng, có tiếng nói trong xã hội. Người Ki-tô hữu dường như khó có được địa vị cao, quyền bính gì, nhất là trong xã hội Việt Nam chúng ta. Nhìn lại lịch sử Giáo hội, chúng ta cũng thấy hình bóng của hạn chế này trong đời sống tu trì. Nghèo, đói, khổ đau, và sống theo “con đường hẹp” mà Chúa Giê-su dạy lại càng có thể bị người đời nhìn với đôi mắt “khác thường.”

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Lu-ca 6:20-26 dường như cho thấy điều trái ngược với thực tế này. Chúa Giê-su nói các môn đệ của Ngài rằng “phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói khát, vì Thiên Chùa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa” (Lc 6:20-22).

Thánh sử Lu-ca chỉ đề cập tới “bốn mối phúc” và “bốn mối họa”, trong khi Thánh sử Mát-thêu (Mt 5:1-12) cho chúng ta đầy đủ hơn về “các mối phúc”, có tám mối phúc.

Nhưng cả hai thánh sử đều quy chung về một mục đích. Thiên Chúa không bao giờ muốn các môn đệ của Ngài và cả những ai theo Chúa ngày nay phải sống trong đói, khổ, nghèo nàn, bách hại, đau thương. Ngược lại Ngài muốn con người được hạnh phúc, sung túc, đầy đủ và bình an. Nhưng nếu theo Chúa mà phải chịu thiệt thòi, bị bách hại, bị đói khát, oán ghét, khai trừ, sỉ vả thì chúng ta là người “có phúc.” Có Chúa là có tất cả. Những ai tin theo Chúa và sống theo lời Ngài dạy thì sẽ được ban cho hạnh phúc vĩnh cửu. Và không có Chúa thì không có gì trong cuộc đời này.

Thánh sử Lu-ca cũng cho chúng ta thấy, các mối phúc Chúa Giê-su dạy gồm ba phần. Thứ nhất là “phúc cho anh em”, được nhắc đến trước tiên ở các mối phúc. Thứ hai là tình thế mà các môn đệ của Ngài phải chiu “những kẻ nghèo khó; những kẻ bây giờ đang bị đói; những kẻ bây giờ đang phải khóc.” Thứ ba là lý do các môn đệ của Ngài được cho là có phúc “vì Nước Thiên Chúa là của anh em; vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng; vì anh em sẽ được vui cười; phần thưởng cho anh em trên trời thật lớn lao.”

Ngược lại với các “mối phúc” thì Chúa Giê-su cũng dạy các môn đệ các“mối khốn.” “nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ, khóc than. Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6:24-26).

Những ai tin Chúa và sống theo lời Người dạy chắc chắn sẽ gặp gian nan, thử thách, bị bách hại, bị thua thiệt trong xã hội. Nhưng vì hạnh phúc của những ai tin và theo Chúa không phải những gì thuộc về thế gian mà là hạnh phúc với chính Thiên Chúa trên quê trời. Chính vì thế tìm kiếm Chúa là ưu tiên của đời sống Kitô hữu. Khiêm tốn nhìn nhận mình cần có ơn Chúa. Đó cũng là điều kiện để Chúa ban cho những ai tin và theo Người những ơn cần thiết trong cuộc đời. Chúa Giêsu đã hứa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau và nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gioan Chrysostom, một mẫu gương đời sống hết lòng vì dân chúa và tìm kiếm hạnh phúc trong Chúa để nhờ ơn Chúa chúng ta đủ can đảm, khiêm tốn và kiên vững trên hành trình tin và sống theo lời Chúa dạy. Và hy vọng chúng ta cũng sẽ được nghe “phúc cho anh em….”Amen.

Ts Michael Phạm Quang Diệu, OCD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *