Mt 21,28-32
“ Con không muốn đâu!’ Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.”
Chủ đề chung trong các bài đọc Chúa Nhật tuần này là hãy tạo và giữ cho ta một đầu óc cởi mở, chấp nhận sự thay đổi. Vì sự đổi mới giúp ta đạt tới sự tốt đẹp trong hành trình làm môn đệ của Thầy Giêsu. Khả năng cởi mở để dám thay đổi cách suy nghĩ hay ngay cả con người của mình là một món quà Thiên Chúa ban cho ta. Nhưng không phải lúc nào ta cũng dám đón nhận khả năng ấy. Bởi nó có thể mở ra cho ta những hệ quả tốt với niềm hy vọng khiến ta dễ dàng đón nhận. Nhưng nó cũng đưa ra những hệ quả khiến ta phải rụt rè, tính toán, vì khi ta chấp nhận để thay đổi ta cũng sẽ phải từ bỏ nhiều, khiến ta cảm thấy sự mất mát hay đau khổ trong đời.
Câu chuyện trong bài tin mừng hôm nay cho ta thấy sự cao quí của sự khiêm tốn chấp nhận thay đổi. Người con thứ nhất ‘đã chọn phần tốt hơn’ khi dám thay đổi cách suy nghĩ của mình dẫu nó đi ngược lại với những gì anh đã quyết định từ trước. Trong khi đó, người con thứ hai trong câu chuyện cũng thay đổi cách suy nghĩ của mình nhưng cái thay đổi ấy lại mang lại cho anh ta những bất lợi. Như thế, khả năng chấp nhận sự thay đổi theo hướng tích cực ‘cho phần tốt hơn’ là yếu tố quan trọng để ta có được những mối quan hệ tốt đẹp với nhau và với cả Thiên Chúa. Một đầu óc khép kín không chấp nhận sự thay đổi như tính kiêu căng hay đầu óc bảo thủ… sẽ làm cho những mối quan hệ của ta bị tổn thương. Vì khi ta không dám chấp nhận những khiếm khuyết hay sự bất toàn của mình, khi ta không có đủ khiêm nhường để nói lời xin lỗi và thay đổi cách suy nghĩ, hành động và con người của mình, khi ta cố nắm lấy cái tôi, chủ kiến đến nỗi sẵn sàng gạt qua người khác hay cả cộng đoàn, là ta đã làm rạn nứt tình thân thiết của ta với những người xung quanh.
Trong bài đọc thứ hai trích từ thư thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Philipphê hôm nay, ngài cũng đề cập đến sự thay đổi tích cực này trong Chúa Kitô: “Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giêsu Kitô.” Đó chính là sự thay đổi mà những người môn đệ của Thầy phải chấp nhận xảy ra từng ngày trong đời mình “để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau”. phao-lô cũng nhấn mạnh tới sự ‘thay đổi’ mà chính Đức Kitô đã thực hiện khi Ngài khiêm tốn vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ và sẵn sàng cho đi tất cả cho dù đó là chính mạng sống mình: “Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá.” Hình ảnh vâng phục, khiêm tốn chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa của Thầy Giêsu được Phao-lô diễn tả như một ‘Adam mới’ trái ngược hoàn toàn với ‘Adam cũ’. Nếu Adam cũ đã bất tuân Thiên Chúa, thì trong Adam mới, ta thấy một sự vâng phục tuyệt đối. Nếu trong Adam cũ ta thấy một sự ích kỉ, cao ngạo. Thì nơi Adam mới ta tìm được sự khiêm nhường khôn tả. Là con cháu của ‘Adam cũ’ chúng ta được sinh ra và mang trong mình những khuyết điểm của sự bất tuân phục, cùng sự ích kỉ, cao ngạo. Những khuyết điểm này cùng lớn lên và trở nên mạnh mẽ hơn với ta theo thời gian. Nó đi vào trong từng khía cạnh của đời ta như những mối quan hệ, tiền tài, nghề nghiệp, danh vọng, quyền lực, tham vọng và sự kiêu ngạo. để rồi ta chỉ biết sống trong sợ hãi, tính toán và luôn cảm thấy bất an. Thực tế cho ta thấy bất cứ ai mang đầu óc bảo thủ, không chấp nhận sự thay đổi, luôn mang trong mình sự sợ hãi, luôn khiến ta bám víu hay phụ thuộc vào cái gì hay người nào đó, như những đứa trẻ không dám rời tay mẹ nó bởi sự sợ hãi trong mình.