Mt 25:1-13
“Chú rể kia rồi, ra đón đi”
+++
Trong sách Giảng Viên có câu: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế” (Gv 3:1). Sự chết là một thực tế không thể chối bỏ của kiếp người. Có người rời bỏ cuộc sống tại thế khi đã cao niên, nhưng cũng không ít người kết thúc hành trình ấy ở tuổi đời khá trẻ. Sự chết đến ít báo trước, do đó tin mừng ví von biến cố ấy “như một tên trộm đến bất ngờ lúc nửa đêm” (Mt 24: 43) hay như “một chiếc lưới bất thần chụp xuống” (Lc 21: 34).
Hơn thế nữa, khả năng tự nhiên của con người không thể nắm bắt được điều gì sẽ xảy đến cùng sự chết. Những câu hỏi như: Có một thế giới bên kia khi con người nhắm mắt xuôi tay hay không? Nếu có một cuộc sống sau cái chết, Sẽ là hạnh phúc hay sẽ là đau khổ triền miên? Sự giới hạn của kiếp người thường dẫn ta đến tâm trạng lo âu, sợ hãi trước mầu nhiệm sự chết.
Tuy nhiên, mặc khải Kitô giáo giúp ta nhận ra rằng sự chết không là chấm hết của cuộc sống để rồi sau đó ta không còn tồn tại nữa. Trái lại, Đức Kitô tử nạn và phục sinh đã đem lại cho sự chết một ý nghĩa mới đầy hy vọng. “Cái chết được biến đổi nhờ Đức Ki-tô. Dù là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chịu chết vì mang thân phận con người. Đứng trước cái chết, tuy sợ hãi (x. Mc 14,33-34; Dt 5,7-8), Người đã chấp nhận nó vì hoàn toàn và tự nguyện tùng phục ý Chúa Cha. Nhờ vâng phục, Đức Giê-su đã biến đổi cái chết từ chỗ là lời nguyền rủa trở thành lời chúc lành (x. Rm 5,19-21).” (Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1009)
Bài đọc thứ hai hôm nay cũng giúp ta nhận ra điều đó. Thánh Phaolô viết: “Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giê-su đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su” (1 Tx 4:14) Như vậy, sự chết không là sự huỷ diệt thuần tuý, mà là hành trình trở về với Thiên Chúa là Cha, là Đấng Tạo Hoá của mỗi chúng ta. “Qua cái chết, Thiên Chúa gọi chúng ta về với Người” (GLHTCG, số 1011)
Vị tiến sĩ hội thánh của Dòng Cát minh Têrêxa, cha thánh Gioan Thánh giá có viết: “Khi chết chúng ta sẽ bị Thiên Chúa xét xử căn cứ trên tình yêu” (Bài giảng số 64) Do đó, hành trình tại thế là bước chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh hằng. Mỗi người chúng ta được mời gọi sống đức ái như chính Chúa Giêsu đã yêu ta. Sống như thế là ta đang hiện tại hóa Mầu Nhiệm Nước Trời trong cuộc sống hôm nay.
Đó chính là hình ảnh của năm cô trinh nữ khôn ngoan trong trích đoạn tin mừng hôm nay. Các cô đi đón Chàng Rể, “vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo”(Mt 25:4) Đó là đèn của đức tin mãnh liệt. Đó là dầu của đức ái nồng nàn. Đó là sự “sẵn sàng” (Mt 25:10) của niềm cậy trông bền bỉ. Hy vọng một ngày kia, chúng ta cũng sẽ nên như những trinh nữ khôn ngoan “được đi theo Chú Rể vào dự tiệc cưới” (Mt 25:10). Amen
Tu sĩ Hồng Phúc, OCD