Thứ Năm Tuần XXXII Mùa Thường niên

Luca 17:20-25

“Chúng ta hiểu thế nào về Triều đại của Thiên Chúa?”

Chúng ta hiểu thế nào về Nước Thiên Chúa, về triều đại của Thiên Chúa? Nhiều lúc chúng ta đã hiểu sai về Nước của Thiên Chúa. Thật vậy, không chỉ những người Pha-ri-sêu mới muốn biết khi nào Nước Thiên Chúa sẽ đến. Nhưng những người theo Chúa qua các thế hệ cũng muốn được biết như vậy. Thế nhưng, tất cả đều mong đợi rằng Đấng Mê-si-a và vương quốc của Người sẽ là một vương quốc chính trị, triều đại của Người sẽ giúp họ thoát khỏi sự xâm lăng và quấy rầy của ngoại bang. Hơn nữa, sau khi hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Chúa Giê-su làm vua, vị vua sẽ cho họ no bụng mà không phải vất vả làm việc (Gioan 6: 15). Thêm nữa, mẹ của hai ông Gioan và Gia-cô-bê xin cho con của bà được ngồi ở bên phải và bên trái của Chúa Giê-su trong vương quốc của ngài (Mt 20: 21). Vào một dịp khác, Chúa Giê-su bắt gặp các môn đệ đang tranh luận về việc ai trong số họ là người lớn nhất (Mc 9: 34). Dường như cuộc thảo luận của họ về ai là người lớn nhất đã được lặp lại trong Bữa Tiệc Ly (Luca 22: 24-25). Chưa hết, ngay cả dấu hiệu trên đỉnh thập giá cũng ghi, “Giê-su Na-za-rét, Vua dân Do Thái” (Gioan 19: 19). Cho đến ngày nay, đôi khi người ta muốn rút gọn công cược cứu chuộc của Chúa Giê-su thành một luận thuyết chính trị.

Dường như, với khả năng của con người, nhiều lúc chúng ta tưởng chừng là đã biết, và đoán được lúc nào triều đại của Thiên Chúa sẽ đến. Thế nhưng, Chúa Giê-su đáp: “Nước Thiên Chúa đến không ai có thể đoán trước được, và cũng chẳng ai có thể nói, ở đây này hay ở kia kìa. Triều đại của Thiên Chúa đang ở giữa các ngươi. ‘”Trong cuốn sách Đức Giê-su người Na-za-rét, Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã nói về ba cách mà Nước Thiên Chúa có thể được hiểu. Thứ nhất, chính Chúa Giêsu là Nước đó. Thứ hai, chúng ta hiểu rằng theo nghĩa huyền bí, Chúa Giêsu hiện diện bên trong chúng ta. Cuối cùng, Hội thánh là hiện thân Nước Thiên Chúa trên mặt đất này. Cả ba đều làm suy yếu sự hiểu biết chính trị về Vương quốc của Thiên Chúa chúng ta. Trong Chúa Giê-su, Vương quốc của Thiên Chúa thực sự hiện diện những người Do Thái, nhưng ít người nhận ra điều đó. Sự hiện diện thần bí của Thiên Chúa trong chúng ta là có thật và không phải là điều gì đó có thể kiểm chứng được bằng kinh nghiệm. Trong khi Giáo hội là một thực tại hữu hình, thì quyền lực của nó chủ yếu không phải về bản chất chính trị, mà là tinh thần và luân lý. Chúa Giê-su đề cập đến vấn đề về sự tái lâm của Ngài và, mặc dù ngài đã nói, sự kiện này vẫn bị che đậy trong bí ẩn. Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo. Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.” Trong Tin Mừng của thánh Matthêu, Chúa Giê-su cũng có nói: “Vậy, hãy coi chừng, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa các ngươi sẽ đến” (Mt 24:42). 

Chúa đang đến với chúng ta từng ngày trong Bí tích Thánh Thể, và qua các biến cố trong cuộc sống. Thế nhưng, vì chúng ta bị chi phối bởi quá nhiều vấn đề, lo lắng quá nhiều thứ nên chẳng có thời gian để nhận ra. Nhiều lúc chúng ta làm các việc đạo đức cho xong, tham dự thánh lễ cách miễn cưỡng, nếu lễ dài chút xíu là khó chịu liền. Nếu chúng ta biết rằng ngay lúc đó Chúa đang đến, đang ở cùng thì ắt hẳn thái độ của chúng ta đã khác. Xin Chúa giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn cách xứng đáng để đón chờ Chúa đến. Tốt hơn là chuẩn bị, để Chúa đến bất ngờ, ít nhất chúng ta đã sẵn sàng để nghênh đón Chúa. Hãy để cho Thiên Chúa làm chủ cuộc đời của chúng ta bằng cách sẵn sàng cộng tác với Chúa trong các biến cố vui buồn của cuộc sống. Amen.

Cát sĩ Khát Vọng, OCD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *