Luca 1:26-38
Lễ Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội
+++
“Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai”
Trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 491, có viết như sau:
Suốt dọc chiều dài lịch sử, Hội Thánh đã nhận thức rằng Đức Ma-ri-a, vì được Thiên Chúa ban cho “đầy ơn phúc” (Lc 1, 28), nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai. Đó là nội dung tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội do Đức Pi-ô IX công bố năm l854: “Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Ma-ri-a, đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố nguyên tội ngay từ lúc tượng thai, do ân sủng và tình thương đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô Đấng Cứu Độ loài người” (DS 2803).
Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội cho ta thấy vai trò quan trọng của Mẹ Maria trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Đức Maria được chọn để Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người. Vai trò đáng quý này của Mẹ Maria không đánh mất đi sự gần gũi giữa Mẹ với chúng ta. Thánh sử Gioan thuật lại: “Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Gioan 19: 25-27) Từ lúc ấy, Mẹ Maria trở nên Mẹ hiền của mỗi người chúng ta. Mẹ là một thành viên trong lòng giáo hội, Mẹ đồng hành với từng người con mình. Điều này được thể hiện trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium, 61) của Công đồng Vaticano II: “Mẹ đã cộng tác vào công trình của Đấng Cứu Thế một cách hoàn toàn riêng biệt, nhờ sự vâng phục, với đức tin, đức cậy và đức ái nồng nàn, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Chính vì thế, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ của chúng ta.”
Nếu đạo thảo hiếu của người Việt Nam dạy ta biết sống đẹp lòng các vị sinh thành, chắc hẳn mỗi chúng ta cũng được mời gọi để noi theo mẫu gương của Mẹ Maria. Mẹ nhân đức. Mẹ ân sủng. Trích đoạn tin mừng hôm nay vẽ nên chân dung của một Maria đầy niềm tin và khiêm tốn. Khi nhận lời chào của sứ thần truyền tin và thông điệp được chọn làm nơi Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, Mẹ Maria đáp lại: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1: 34) Đây không phải là sự nghi ngại, mà là lời nói của lòng khiêm tốn với nhận thức về giới hạn của chính mình, và là ngôn từ của sự chân thành muốn biết phương thế của kế hoạch thánh thiêng này. Chính tâm tình ấy khiến Mẹ Maria đón nhận ý Chúa cách trọn vẹn: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1: 38)
Nếu đức tin và lòng khiêm tôn của Mẹ Maria là sự hiệp thông vào chương trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa. Chắc hẳn mỗi chúng ta cũng được mời gọi sống như Mẹ, để ý Chúa được thực hiện trong cuộc sống của mỗi người chúng ta.
Lm. Hồng Phúc, OCD