Thứ Hai, Tuần XVIII Thường Niên

Mt 14: 13-21

Chúa chạnh lòng thương

(Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi)

Chúa Giêsu trong ba năm đi giảng đạo cùng với các môn đệ, Ngài đã đối diện với đám đông dân chúng. Ngài đã hiểu rõ dân cần gì, dân khao khát gì. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã không dạy giáo lý với những lý thuyết xa vời, khô khan. Ngài đã không cho dân chúng những lời nói cứng nhắc, hay những tư tưởng cao vời, những khái niệm trừu tượng, trên mây trên gió. Chúa luôn thực tế, Ngài chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền, xoa dịu những người đau khổ, khó khăn. Ngài thương dân chúng bơ vơ, lạc lõng không có người chăn dắt. Hôm nay, Chúa thấy đám đông dân chúng đi theo Ngài, nghe Ngài giảng dạy, Ngài sợ họ đói, họ khát, nên “Ngài chạnh lòng thương” (Mt 14, 14).

Lịch sử dân Do Thái còn rõ rành rành cho nhân loại và bài học Thiên Chúa nuôi dân Do Thái đi trong sa mạc về đất hứa xưa luôn là bài học để đời. Môsê đã cầu khẩn Chúa khi dân chúng không có lương thực, không có nước uống trong sa mạc tiến về hứa địa. Lời khẩn cầu của Môsê luôn được Chúa chấp nhận. Ngài đã ban Manna cho họ. Hôm nay, trước một đám dân đông đúc, Chúa thương họ. Dù rằng các môn đệ cũng thương dân nhưng các Ngài vẫn chưa hiểu thấu nỗi lòng của những người dân trong hoang địa hiu quạnh, xa vắng, không có gì ăn. Nên, lòng thương xót của Chúa quả thực cao vời, Ngài đã làm cho bánh và cá hóa ra nhiều để nuôi dân chúng. Và chỉ với năm chiếc bánh, với hai con cá, Chúa đã làm phép lạ để nuôi “năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà trẻ con” (Mt 14, 21) được ăn no nê và còn dư dật. Chúa thực hiện phép lạ này để minh chứng lòng thương xót của Chúa đối với đám đông, đối với nhân loại, đối với mỗi người chúng ta. Nếu giải pháp các môn đệ đưa ra là ” giải tán đám đông ” được coi là ổn thì quả thực lòng thương xót chưa phải là thật vì đó mới chỉ là thương xót nói trên đầu môi, chóp lưỡi. Chúa thực hiện phép lạ ấy để dạy chúng ta hãy làm như Chúa, hãy sống và đối xử, có thái độ như Chúa trước nhu cầu thiết thực của con người.

Ngày nay, Chúa cũng mời gọi chúng ta góp phần nhỏ bé và hết sức âm thầm của mình cho anh em đồng loại, đặc biệt cho những người nghèo chung quanh chúng ta. Chúa đợi chờ chúng ta một chút tế nhị, một chút tình thương. Chắc chắn, qua cử chỉ bác ái, qua tình thương của chúng ta đối với những người nghèo, những người gặp khó khăn, nhiều người sẽ nhận ra bộ mặt đầy nhân từ và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Vâng, những người nghèo sẽ không đáng chết vì thế giới còn biết bao nước giầu, thế giới còn biết bao lương thực, tài nguyên chưa được phân phối đồng đều. Tin Mừng cho thấy, người phú hộ giầu có đâu có biết chạnh thương người nghèo Lazarô ăn xin.Thế giới còn nhan nhản những người giầu ăn không hết, của cải không biết bỏ đâu, nhưng họ không biết cho đi, chia sẻ và làm việc từ thiện. Nhiều nước giầu đã đem lương thực đổ ra biển vì sơ quá hạn xử dụng. Thế giới quả không thiếu lương thực nhưng chỉ thiếu những người biết chạnh lòng thương. Lương thực rất cần thiết để sống nhưng con người rất cần tình thương để tồn tại. Chúa Giêsu đã thấu hiểu điều đó, nên Ngài đã truyền lệnh cho các môn đệ: “Chính các con hãy cho họ ăn”.

Biết bao nhiêu gương của những vị thánh, của những con người có lòng tốt, có lòng chạnh thương đã để lại cho nhân loại sự kính phục, trân trọng vì nhờ họ mà bao nhiêu người được chia sẻ, được cứu sống. Chân phước Têrêsa Calcutta đã làm say đắm và thán phục cả thế giới vì gương bác ái của Mẹ. Biết bao vị thánh đã trao ban chính bản thân của mình để cứu nhiều người. Bạc tiền, lương thực cần thật đó, nhưng lòng thương sâu xa sẽ giải thoát và cứu sống con người. Thánh Phaolô đã nói: “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh”.

Thế giới này, nhân loại này sẽ đẹp, sẽ tốt hơn, sẽ ấm áp hơn nếu con người có lòng chạnh thương và biết cho đi, biết trao ban. Chúa Giêsu đã làm gương cho nhân loại khi Ngài trao ban chính Mình Máu của Người làm lương thực nuôi sống con người. Tình yêu vô vị lợi, tình yêu xả kỷ của Người được thể hiện nơi Thập Giá. Chính cái chết của Chúa Giêsu nơi Thập Giá là lời chứng hùng hồn nhất về tình yêu xả kỷ, tình yêu trao ban Chúa để lại cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta.

Trao ban sẽ được lại và cho đi sẽ đem lại hạnh phúc cho con người. Chúa Giêsu đã để lại cho nhân loại tình yêu cao vời nhất, tình yêu hoàn hảo nhất: “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13) và Ngài nói: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói. Ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35).

Lạy Chúa, Chúa không ngừng ban ơn phù trợ và lấy bánh bởi trời bồi dưỡng chúng con; xin tiếp tục chở che nâng đỡ để chúng con xứng đáng hưởng nhờ ơn cứu chuộc muôn đời (Lời nguyện hiệp lễ, Chúa Nhật XVIII thường niên, năm A).

 

Nguồn: https://giaophannhatrang.org/vi/news/PHUNG-VU/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-18-thuong-nien-a-nhieu-tac-gia-20053.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *