Tĩnh Tâm Mùa Vọng 2024 với Thánh Tê-rê-sa Lisieux.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

(21, 25-28.34-36)

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng : « Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao ; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người. »

 

Rorate cæli desuper, et nubes pluant iustum.

Ne irascaris Domine, ne ultra memineris iniquitatis: ecce civitas Sancti facta est deserta: Sion deserta facta est: Ierusalem desolata est: domus sanctificationis tuæ et gloriæ tuæ, ubi laudaverunt te patres nostri.

[Lạy Trời, xin hãy cho sương sa xuống, và mây mưa Đấng Công chính

Lạy Thiên Chúa, xin đừng nổi giận, xin đừng nhớ đến tội chúng con nữa : đây thành thánh hoang vắng, Xi-on hoang tàn, nhà của sự thánh thiện và vinh quang Thiên Chúa, nơi cha ông chúng con đã tôn vinh Thiên Chúa.]

Mùa Vọng là thời gian tối ưu để đợi chờ sự đăng quang thứ nhất của Ngôi Lời ở trần gian, Đức Ki-tô đến với chúng ta và chúng ta mừng Ngài đến trong xác phàm chúng ta ngày Giáng sinh ; nhưng cũng là sự đợi chờ ngày quang lâm cuối cùng trong vinh quang, vào thời cuối cùng, như đức tin Giáo hội bày tỏ trong kinh Tin Kính : « Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, và Nước Người sẽ không bao giờ cùng… »

Thuật ngữ từ tiếng La-tinh « adventus », chính xác có nghĩa là « đăng quang ». Toàn thể Giáo hội đợi chờ sự đang quang này trong cầu nguyện, trung tâm cho đức tin và lịch sử của toàn thế giới. Sự đợi chờ đào sâu niềm khao khát sự hiện diện của Đức Ki-tô giữa chúng ta. Đức Ki-tô, Đấng Công chính duy nhất có khả năng « điều chỉnh » chúng ta phù hợp với thánh ý tình yêu của một Thiên Chúa xót thương. Rorate caeli là một điệp khúc Grê-goa, được cảm hứng từ Sách I-sai-a (Isaïe 45, 8), bày tỏ tuyệt vời sự chờ đợi các lời hứa của Thiên Chúa được hoàn thành cho chúng ta : « Rorate caeli desuper et nubes pluant Justum ». Đấng Công chính, là Ngôi Lời, nhờ Chúa Thánh Thần (« sương sa » được thánh ca nói tới, xuống trong lòng Đức Ma-ri-a để mặc lấy xác phàm.

Thánh ca là tiếng hát tuyệt vời của mùa Vọng. Chúng ta có thể dùng thánh ca này đặc biệt trong các thánh lễ Chúa nhật của mùa Vọng, nhưng cũng có thể dùng trong các giờ kinh phụng vụ Sáng hay Chiều một cách phù hợp. Cũng có những thánh lễ được gọi là Rorate, mà truyền thống trở về thời Trung Đại nói tiếng Đức Thụy Sĩ, được cử hành vào sáng sớm, dưới ánh nến (xem Nhật ký Cuộc đời ngày 27/11/2022). Các Ki-tô hữu được mời canh thức và cầu nguyện trong thời gian phụng vụ này, theo sự khuyến cáo của Đức Giê-su trong ngày Chúa nhật đầu tiên mùa Vọng này : « hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn {…}, để đứng vững trước Con Người » (Lc 21, 36).

Tỉnh thức và cầu nguyện như Tê-rê-sa

Chúng ta đừng quên Tê-rê-sa là nữ đan sĩ Cát-Minh. Chúng ta không thể tách rời thánh nữ khỏi truyền thống Cát-Minh đã cho cầu nguyện và chiêm niệm có chỗ đứng then chốt. Tê-rê-sa rất ý thức điều đó nên không ngại kết thúc các Bản thảo của chị bằng một kiểu ca tụng nguyện gẫm, như là một dạng cầu nguyện ưu tiên trong dòng Cát-Minh : Một nhà bác học đã nói : “hãy cho tôi một đòn bẫy, một điểm tựa, và tôi sẽ nâng cả thế giới.” Điều mà Archimède không thể thực hiện vì không xin Thiên Chúa và chỉ được thực hiện về mặt vật chất, thì các Thánh có thể đạt được trong sự viên mãn hoàn toàn. Đấng Toàn Năng đã cho họ điểm tựa : chính Thiên Chúa và duy chỉ có Người. Về đòn bẫy : sự nguyện gẫm, được lửa tình yêu nung nấu, và chính vì thế mà các thánh đã nâng thế giới lên, cũng vì thế mà các Thánh còn đang chiến đấu nâng thế giới lên và đến tận thế, các thánh sẽ đến cũng nâng thế giới lên. (Bản thảo C, số 36 v°).

Một văn bản là di ngôn, cho thấy Tê-rê-sa đã kín múc « khoa học tình yêu » của chị trong sự lòng kề lòng thân mật với Thiên Chúa trong đời sống nguyện gẫm, mà các nam nữ tu sĩ Cát-Minh dành 2 giờ mỗi ngày. Cầu nguyện không thể tách rời khỏi đời sống Cát-Minh, cũng như trong toàn đời sống Ki-tô hữu. Tại sao ? Vì đó là nguồn suối ẩn giấu mà chúng ta luôn được mời gọi đến được no thỏa. hơn nữa : đó là sự liên kết sống còn với Thiên Chúa muốn là Cha chúng ta. « Khi các con cầu nguyện, hãy thưa : ‘Lạy Cha chúng con’ » như Chúa Giê-su dạy các tông đồ cầu nguyện (Lc 11, 2). Cầu nguyện đầu tiên là mối quan hệ của người con đối với Thiên Chúa là cha chúng ta.

Như các Tin Mừng đã chứng minh, chúng ta cũng biết, cách chính Chúa Giê-su vun trồng sự cầu nguyện như mối quan hệ mật thiết với Cha của Người trên Trời, vì đó là cách biểu lộ sâu thẳm của người con : « Tất cả nhân cách của Đức Giê-su được chứa đựng trong cầu nguyện » như Đức hồng y Joseph ratzinger đã tuyên bố trong bài giảng tĩnh tâm mùa Chay tại Vatican trước Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II (Đấng Phục Sinh, DDB, 1986, tr. 92).

« Phẩm tước cao cả nhất của Đức Giê-su, phản ảnh tính thần linh của Người, không hệ tại ở quyền năng của Người : nó đặt nền tảng trên bản thể của Người được hướng về Đấng khác : Thiên Chúa là Cha » (ibid., p. 79). Nói cách khác, qua cả đời sống của mình, Đức Giê-su đã không ngừng mặc khải bản thể Người Con, luôn hướng về Cha. Và sự cầu nguyện là hành vi biểu lộ tột đỉnh thân phận làm con. Chính Đức Giê-su là người đầu tiên trong con đường thơ ấu, vì là Người Con đón nhận tất cả từ Cha trên Trời. Đó cũng là con đường mà chúng ta phải đi theo.

Sự cầu nguyện của chị Tê-rê-sa, như suốt đời chị, cũng được mang dấu ấn của sự đơn sơ trong mối quan hệ của người con ; chính chị nói với chúng ta trong một định nghĩa tuyệt vời : « Cầu nguyện là nâng lòng lên, là một ánh nhìn đơn sơ hướng về trời, một tiếng kêu biết ơn và yêu thương giữa thử thách cũng như niềm vui, là một điều lớn lao làm nẩy nở tâm hồn và kết hợp tôi với Đức Giê-su » (Bản thảo C 25 v°). Chính ánh nhìn và sự tiếp xúc đức tin giống như linh hồn của cầu nguyện người con. Một ánh nhìn yêu thương không ngừng hướng về vật thể thần linh, mặc dù có vẻ thoát khỏi tầm nhìn.

Trong Bản thảo B, chị Tê-rê-sa, tự so sánh với một chim nhỏ yếu đuối với lông tơ nhẹ, mặc dù nhỏ bé, nhưng dám nhìn Mặt Trời thần linh ; không có gì làm cho nó đổi sang hướng khác ,  « không có gì làm cho nó sợ, cho dù là gió, mưa và nếu các đám mây xám đến che khuất Mặt Trời Tình Yêu, thì con chim nhỏ biết rằng sau đám mây, Mặt Trời luôn chiếu sáng »… Đó là ánh nhìn đức tin mà chị Tê-rê-sa hướng về Đấng Tình Quân của linh hồn chị. Trong sự yếu đuối, khô khan và an ủi, trong sự chia trí và giấc ngủ, « giữa thử thách cũng như niềm vui », chi Tê-rê-sa vẫn ngước nhìn Chúa một cách táo bạo, không bao giờ nản lòng. Các sơ kể rằng chị nữ tu Cát-Minh nhỏ của Lisieux “đã dành thời gian để chạy sau khi thức giấc”… Nhất là mùa hè, khi giờ giấc của cộng đoàn làm giảm thời gian ngủ trong đêm. Chị Tê-rê-sa, « rất ghét thói giả vờ » và « luôn tìm kiếm chân lý », đã thẳng thắn thú nhận : « Từ lúc 7 tuổi, tôi đã đau buồn vì ngủ gật trong giờ nguyện gẫm và tạ ơn » (Ms A, 75 v°). Thay vào đó, chị đã thú nhận rằng « các trẻ nhỏ làm vui lòng cha mẹ trong lúc ngủ cũng như lúc thức » … Chị Tê-rê-sa tỏ ra trung thành với con đường thơ ấu của chị : việc ngủ trong nguyện gẫm, thay vì làm cho chị lo lắng, thì lại là cơ hội phó thác hoàn toàn hơn cho Chúa và nhìn nhận sự hư vô của mình trước Chúa : « Cuối cùng, tôi nghĩ Chúa thấy sự mỏng dòn của chúng ta, Người nhớ chúng ta chỉ là cát bụi ». Chị cũng cho chúng ta thấy chiêm niệm rất đơn sơ cho linh hồn được hưởng nhờ. Cha Đáng Kính Marie-eugène đã nhấn mạnh điều đó trong sách Tôi muốn nhìn thấy Chúa. Đối với ngài, chị Tê-rê-sa xác nhận định nghĩa của thánh Tô-ma về chiêm niệm như « một ánh nhìn đơn sơ về sự thật dưới tác động của tình yêu » (simplex intuitus veritatis sub influxu amoris). 

Đối với vị Tiến sĩ thiên thần, yếu tố chủ yếu hình thành việc chiêm niệm là cái nhìn đơn sơ về Chúa, Mặt Trời không ngừng chiếu sáng mặc dù có những đám mây do tính nhạy cảm của chúng ta can thiệp. Kinh nghiệm của Tê-rê-sa rất chiêm niệm vì dựa vào việc đón nhận từ Thiên Chúa, trong một ánh nhìn thuần túy đức tin, luồng tình yêu thấm nhập vào chị mặc dù chị gặp phải sự khô khan và buồn ngủ . Chính Tê-rê-sa làm chứng rằng ảnh hưởng thần linh được chị cảm nhận nhiều hơn trong ngày sống :

« Không bao giờ tôi nghe Chúa nói, nhưng tôi cảm nhận Chúa ở trong tôi ; ở mỗi khoảnh khắc, Chúa linh hứng cho tôi phải nói gì hay làm gì. Tôi khám phá ngay lúc tôi cần những ánh sáng mà tôi chưa thấy, thường không phải những ánh sáng dồi dào nhất trong giờ nguyện gẫm, nhưng là giữa ngày sống của tôi » (Bản thảo A, 83 v°). Sự khô khan mà Tê-rê-sa đã sống trong giờ nguyện gẫm là hoa quả của tác động thầm kín của Thiên Chúa trong đáy lòng được chị tôn trọng một cách uyển chuyển và trung thành tuyệt đối. Quả thật, thánh nữ  Lisieux dạy chúng ta, theo chân của tất cả các nhà huyền bí lớn của dòng Cát-Minh, tôn trọng sự đón nhận tác động của Thiên Chúa trong chúng ta. Tâm hồn cầu nguyện phải biết ngoan ngoãn với tác động thần linh và triển khai một sự khổ luyện thực sự để đón nhận tác động đó để nhờ sự hiểu biết tổng quát và yêu thương của chiêm niệm, được Tiến sĩ thần bí nói, Thiên Chúa có thể truyền cho tâm hồn sự khôn ngoan thần linh của Người, « yên tĩnh, cô tịch, bình an, vô cùng ngọt ngào, làm say sưa tinh thần » (Ngọn Lửa Tình Nồng, 3, 33). Chúng ta tìm thấy nơi Tiến sĩ thần bí cùng một sự phó thác như Tê-rê-sa. Đối với Tiến sĩ cũng như Tê-rê-sa, Thiên Chúa không phải là một con mồi để bắt lấy nhưng là một thượng khách để đón tiếp. « Trong nguyện gẫm Têrê-sa, điểm nhấn trước hết dựa trên sự khởi xướng của Thiên Chúa và tình yêu của Người đối với chúng ta mà chúng ta chỉ đơn sơ tiếp nhận », như cha Guido Stinissen đã xác nhận (Làm thế nào nguyện gẫm, Cerf 1997, tr. 17). Và cha Chân phước Marieeugène, đã là một trong những người đầu tiên đã đọc và cảm phục thánh nữ Lisieux, không ngại dùng lại những hình ảnh Tê-rê-sa để minh họa tác động của Thiên Chúa trong nguyện gẫm : ngài đã tóm tắt trong một bài viết : « Thái độ tin tưởng : thánh Têrê-sa Hài-đồng Giê-su nói gì với chúng ta ? Không gì khác hơn là : con đường nhỏ, thang máy, là gì ? “Đó là đôi cánh tay của Chúa Giê-su” (Thủ bản C, 3 r°), đó là ân sủng của Chúa. Đời sống thiêng liêng là gì ? Đó là, ở cuối cầu thang, giơ bàn chân nhỏ bé của chị, không thể bước lên bậc thang thứ nhất, và gọi Chúa nhân lành : đó là thái độ để nguyện gẫm. Cố gắng gọi Chúa, khi biết rằng chúng ta sẽ không cô đơn, chúng ta sẽ không làm gì, sự cố gắng của chúng ta sẽ không hiệu quả » (Nguyện gẫm của người nghèo, Tạp chí Cát-Minh Carmel, 1989, số 53, tr. 141).

Con đường thiêng liêng của Tê-rê-sa hệ tại trước hết trong khả năng thuần khiết của Chúa mà thiện chí bất lực của con người kêu cầu, không ngừng kêu lên Chúa trong sự phó thác và không bao giờ nản chí, vì biết rằng mình được yêu thương vĩnh viễn…

Những đường hướng trong tuần

Tôi có thực sự dành thời gian để trò chuyện thân mật với Chúa trong cầu nguyện không ? Cầu nguyện, là dành thời gian cho việc ấy.

Trong mùa Vọng này, tôi sẽ cố gắng dành thời gian quyết tâm nguyện gẫm, là « đòn bẫy », như Têr-ê-sa đã tin, « để nung đốt lửa yêu mến và nâng thế giới lên » …

                     Cha Jean-Gabriel rueg,                

  ocd (Toulouse)

 

 

 

 

 

 

Cầu nguyện mỗi ngày trong tuần 1

Thứ hai 2.12: Trái tim của trẻ thơ

„Xin Chúa dạy chúng con về đường lối Chúa và chúng con sẽ đi trên lối bước của Người.“ (Is 2,1-5)

„Chúa Giê-su không cần sách hay các tiến sĩ để dạy các linh hồn, chính Người là Tiến sĩ của các tiến sĩ, Người dạy không qua sự ồn ào của lời nói … Không bao giờ tôi nghe Người nói, nhưng tôi cảm nhận Người ở trong tôi, trong từng khoảnh khắc, Người hướng dẫn tôi, linh hứng cho tôi điều tôi phải nói hay phải làm.“ (Bản thảo A, 84 r°))

Chúng ta hãy xin ơn có lòng ngoan ngoãn để được Chúa Giê-su hướng dẫn trên con đường mà Chúa sẽ chọn cho chúng ta trong suốt mùa Vọng để dẫn chúng ta đến Giáng sinh.

 

 

Thứ ba 3.12: Tâm hồn khó nghèo

„Lạy Cha, là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha : Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.“ (Luc 10,21)

„Trong những ngày sống ở trần gian, Chúa Giê-su đã hớn hở vui mừng và nói :

“Lạy Cha, con ngợi khen Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn ”

Người đã muốn vang lên trong tôi lòng thương xót của Chúa, vì tôi nhỏ bé và yếu đuối, Người hạ xuống tôi, và kín đáo dạy tôi những điều về tình yêu của Người.“ (Bản thảo A, 49 r°)

Chúng ta hãy xin Chúa mặc khải cho chúng ta lòng thương xót sâu thẳm của Chúa, ước muốn dâng hiến, không phải cho các linh hồn ưu tuyển, nhưng cho các linh hồn khiêm tốn và khó nghèo.

 

 

Thứ tư 4.12 : Sự trông cậy thần linh  

„Đây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này.“ (Is 25,10)

„Một ngày kia, con hy vọng, Ôi Đại Bàng Quý Yêu, Chúa sẽ đến tìm con chim nhỏ của Chúa và đưa với Chúa đến Lò lửa Tình Yêu, Chúa sẽ nhấn chìm nó trong Vực thẳm cháy bừng Tình Yêu đến muôn đời và nó sẽ được dâng hiến như một vật hiến tế.“ (Bản thảo B, 5 v°)

Chúng ta hãy xin Chúa ơn được cắm chặt trong một niềm hy vọng càng sâu thẳm hơn để giữ lòng ta không ngừng hướng về Chúa, cho dù bao khó khăn có thể xảy ra trên đường đời của chúng ta.

 

 

Thứ năm 5.12: Ơn tin tưởng

„Hãy cậy dựa vào Đức Chúa, đến muôn đời, vì Đức Chúa là Đá Tảng Đời Đời.“ (Is 26,1-6)

„Sự phó thác là hoa quả tuyệt vời của Tình Yêu : chỉ có sự phó thác phó nộp con trong cánh tay của Chúa, ôi Chúa Giê-su. Chính Chúa làm cho con sống cuộc đời của những người được ưu tuyển.“ (PN 52,7)

Chúng ta hãy mang những người đau khổ vào lời cầu nguyện của chúng ta và xin ơn trông cậy cho họ.

 

Thứ sáu 6.12 : Được Đức Ki-tô lôi kéo

„Đức Chúa là sự Sáng và là Đấng Cứu độ, tôi sợ chi ai?“ (Tv 26-27)

„Tôi không thể sợ một Thiên Chúa đã trở nên thật nhỏ bé vì tôi … tôi yêu Chúa ! …  vì Chúa chỉ là Tình Yêu và Thương Xót.“ (Lt 266)

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người do dự đến gần Chúa.  Xin cho họ được ánh sáng Chúa lôi cuốn.

 

 

 

Thứ bảy 7.12 : Cam kết trong Giáo hội

„Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa.“ (Mt 9, 38)

„Tại sao Chúa Giê-su lại nói : « Các con hãy xin Chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa ? »

Tại sao ?… À ! Vì Chúa Giê-su yêu chúng ta với một tình yêu khó hiểu đến nỗi Chúa muốn chúng ta thông phần với Chúa vào việc Cứu độ các linh hồn. Chúa không muốn làm gì mà không có sự cộng tác của chúng ta.“ (Lt 135)

Chúng ta hãy cầu nguyện để mỗi người tìm thấy vị trí của mình trong Giáo hội và cầu nguyện cho các ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ.

 

 

 

2024Advent_W1_VT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *