Thử thách và cám dỗ
Phụng vụ luôn đặt vào Chúa nhật thứ 1 mùa Chay bản văn về sự cám dỗ của Chúa Giê-su trong hoang địa. Năm nay là bản văn của thánh Lu-ca, của năm C.
Cám dỗ của Chúa Giê-su trong hoang địa : liên quan đến việc gì ? Tại sao Giáo hội cho ta bản văn này để suy niệm vào đầu mùa Chay?
Người ta biết rằng tự cám dỗ không phải là tội. Có tội khi người ta nhượng cho cám dỗ, khi người ta không kháng cự cám dỗ.
Ba cơn cám dỗ nhắc nhớ những thử thách mà dân Do-thái đã sống trong hoang địa suốt 40 năm. Việc đi qua hoang địa không được thực hiện trong sự vâng lời Thiên Chúa, nhưng có nhiều sự kháng cự. Dân đã thử thách Chúa và thử thách Chúa là điều trầm trọng nhất trong sự bất trung.
Trải nghiệm của Chúa Giê-su trái lại là một sự trải qua trong vâng phục mặc dù có thử thách. Chúa Giê-su bị ma quỷ cám dỗ chứ không phải Chúa. Trong Kinh Thánh, Chúa không cám dỗ.
Chúa Giê-su chịu cám dỗ để biểu lộ nhân tính của Người. Con người không thể không bị cám dỗ. Ở chương trước (3) của Tin mừng theo thánh Lu-ca, Chúa Giê-su được giới thiệu trong gia phả từ A-đam. Như thế Chúa Giê-su thật là một con người vì phát xuất từ người đàn ông đầu tiên là A-đam. Sự khác biệt giữa Đức Giê-su và A-đam là A-đam đã nhường cho sự cám dỗ của con rắn trong Sáng thế, (3,6) trong khi Đức Giê-su kháng cự 3 lần tấn công liên tiếp của ma quỷ. Số 3 tượng trưng cho ngôi vị Thiên Chúa.
Ma quỷ biết rằng Đức Giê-su không chỉ là con người, mà còn là Con Thiên Chúa. Kiểu nói : « Nếu ông là Con Thiên Chúa » phải được hiểu như « Vì ông là Con Thiên Chúa ».
Trong cơn cám dỗ đầu tiên, nó đề nghị Đức Giê-su làm một phép lạ để hạ cơn đói, sau 40 ngày nhịn ăn, biến đá thành bánh. Ma quỷ không nói Đức Giê-su làm điều dữ, không vâng phục Chúa Cha, nhưng chỉ là tự nuôi ăn để không suy yếu. Ở đây bản chất không có tội. Kháng cự với cơn cám dỗ này đòi hỏi sự hãm mình, một sự tự chủ lớn lao. Đức Giê-su dựa vào một lời của Kinh Thánh, trong sách Đệ Nhị Luật (8,3) : « Con người không chỉ sống bằng cơm bánh ».
Trái lại cám dỗ thứ hai rõ ràng mời Đức Giê-su phục vụ ma quỷ. Nó mời Đức Giê-su thờ lạy nó để được các nước và vinh quang của chúng. Điều đó cho thấy một sự thiếu tế nhị, làm thế nào nó dám nói thế với Con Thiên Chúa ? Nó không nói Đức Giê-su bỏ Chúa Cha, nhưng cho Đức Giê-su biết là Người đã nhận quyền hành và vinh quang – của ai, nếu không phải là của Chúa ? – trên mọi vương quốc trần gian. Ở đây, Đức Giê-su dùng Đệ Nhị Luật (6,13) để chống cám dỗ, « ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người mà thôi ».
Cám dỗ thứ ba có vẻ ít mạnh hơn cám dỗ trước, vì điều ma quỷ trình bày tự nó không xấu. Khi trích dẫn thánh vịnh 91/92, ma quỷ, biết rõ Kinh Thánh, cho thấy hai điều : vì là Con Thiên Chúa, Chúa sẽ bảo vệ, như đã hứa với các tín hữu. Ma quỷ cám dỗ Đức Giê-su dưới hình dạng của điều tốt : tin rằng Chúa Cha luôn che chở mình. Sa chước cám dỗ này là bó buộc tay Chúa, là cám dỗ Người. Cám dỗ thứ 3 này sẽ được lặp lại, khi bị đóng đinh vào thập giá, Đức Giê-su nghe các địchthù kêu Chúa xuống thập giá và tự cứu mình. Đức Giê-su cũng lại kháng cự khi trích sách Đệ Nhị Luật (6,16) : « Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi ».
Với ba cơn cám dỗ trên, Đức Giê-su đối chiếu sự trung thành của mình với Kinh Thánh, Người là Con vâng phục Chúa Cha, Người chứng tỏ một sự tự chủ lớn của chính mình, sự khiêm tốn, khôn ngoan, Người kháng cự và chiến thắng ! Quả thật sự chiến thắng này cho thấy Người không chỉ là một con người. Chỉ có Con Thiên Chúa mới có thể chống cự các cơn cám dỗ, mà vẫn đau khổ trong thân phận con người.
Với thánh Tê-rê-sa, ngang qua «giông tố» « Phúc cho ai cảm thấy xứng đáng chịu đau khổ khi bị cám dỗ ! … » Đó là những từ cuối cùng trong thư (105) thánh Tê-rê-sa viết cho chị Céline ngày 10.5.1890. Céline lúc đó đang đi du lịch với chị Léonie và gia đình Guérin. Quả thật, đó là chuyến hành hương đến Lộ Đức từ ngày 6 đến 17 (hoặc 18) tháng 5, với nhiều điểm dừng du lịch : Le Mans, Tours (với việc đi ngang qua nhà nguyện củaNhan Thánh của M. Dupont), Bordeaux, trước khi đến Lộ Đức (gánh xiếc Gavarnie) và sau đó : Pau, Bayonne, Saint-Sébastien, Biarritz, Bordeaux, La Rochelle, Nantes, Angers.
Phúc khi đau khổ vì cám dỗ ? Cám dỗ luôn là một yếu tố đau khổ vì khi bị cám dỗ, Tin Mừng Chúa nhật này chứng minh, là một thử thách đặt chúng ta trước những giới hạn của mình. Nếu Đức Giê-su vượt qua thử thách cách rực rỡ, chúng ta có thể nói, về phần chúng ta, là người phàm, thì như thế nào ?…
Chị Tê-rê-sa mến yêu của chúng ta hình như có bổ sung thêm một khó khăn khi chị kết hợp « đau khổ khi bị cám dỗ » với cụm từ « Phúc cho người » !
Người ta biết Tê-rê-sa Nhỏ là một vị thánh lớn, vì thế chúng ta hãy lắng nghe chị muốn nói gì.
Trong bức thư gởi cho Céline, Tê-rê-sa hỏi chị mình điều được sống trong chuyến đi tập trung vào Lộ Đức. Chị có hạnh phúc không, có nhận được nhiều ơn khi viếng nhũng nơi được chúc lành, đặc biệt là nhà nguyện Nhan Thánh ở Tours, khi chiêm ngắm cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, núi sông. Quả thật, tất cả vẻ đẹp đó nâng tâm hồn lên, nhưng Tê-rê-sa mời gọi chị mình từ bỏ thế gian, từ bỏ những sự an ủi của Đức Giê-su để chỉ gắn bó với một mình Người ! Chị cũng mời gọi Céline gần gũi Rất Thánh Trinh Nữ, sống trong sự trong sạch , vì người có lòng trong sạch sẽ nhìn thấy Chúa. Nhưng những lòng trong sạch đôi khi được gai bao quanh, một thuật ngữ để chỉ những cám
dỗ không thể tránh khỏi. Chị kết thúc bằng cách xác nhận hạnh phúc của những người đau khổ, nghĩa là chống cự cám dỗ. Chị đi đến việc biểu lộ phẩm cách của người đau khổ vì cám dỗ.
Cũng ngày đó, Tê-rê-sa đã viết một bức thư khác (106) gửi cho chị Agnès de Jésus. Lúc đó chị này đang tĩnh tâm, không thể nói chuyện với em gái được, nên Tê-rê-sa viết cho chị: « Em thật hạnh phúc khi luôn được ở tù trong dòng Cát-Minh, em không muốn đến Lộ Đức để được ngất trí, em thích hơn “ sự đơn điệu của hy sinh”. Thật hạnh phúc được giấu ẩn để không ai nghĩ đến mình! … được là người vô danh đối với những người sống với mình … »
Chúng ta nghĩ gì về hai bức thư trên? Nội dung khác nhau, nhưng trái lại không mâu thuẫn. Người ta có thể đọc được cùng một ý tưởng, cùng một sự xác tín của Tê-rê-sa về hạnh phúc trong sự lựa chọn Chúa Giê-su, nghĩa là Nước Trời, để sống sự lựa chọn đó trong sự khắc nghiệt và cô độc của Cát-Minh, chị cũng dùng từ tù nhân, không phải để tránh cám dỗ, nhưng để đương đầu với bóng tối, chấp nhận đau khổ và như thế để chiến thắng cám dỗ như Chúa Giê-su đã làm nơi hoang địa.
Cuộc chiến chống cám dỗ có thể dữ dội như một trân bão! Chính như thế mà Tê-rê-sa hiểu trong một bức thư (171) động viên người chị Léonie (Sơ Thérèse-Dosithée), ngày 11.10. 1894, chị viết: « Không, Chúa Giê-su không ngủ khi hôn thê đáng thương của Người chống chọi các cơn sóng cám dỗ, nhưng chúng ta sẽ nhẹ nhàng đánh thức Người ngay, để Người truyền cho gió và bão phải im ngay… »
Trong một bức thư khác, được viết nhiều năm sau, cho cha sở Maurice Bellière, ngày 21.10. 1896, Tê- rê-sa đã viết : « Bây giờ bão táp đã qua, con tạ ơn Chúa Nhân Lành đã cho cha trải qua cơn bão táp, vì chúng ta đọc trong các sách thánh các lời tốt đẹp này : “Phúc cho người chịu đựng cơn cám dỗ ” (Gia-cô- bê 1,12) và còn nữa : “Người không bị cám dỗ, thì biết gì? …” (Siracide 34,10) Quả thật, khi Chúa Giê-su kêu gọi một tâm hồn để hướng dẫn, để cứu độ vô số tâm hồn khác, thì tâm hồn đó cần trải nghiệm các cám dỗ và thử thách ở đời. Vì Chúa ban ơn để thắng cuộc chiến, kính thưa cha sở, con hy vọng Chúa Giê-su nhân lành của chúng ta sẽ thực hiện những ước mơ lớn của cha.Con cầu xin Chúa cho cha, không chỉ là một nhà truyền giáo tốt mà còn là một vị thánh rực nóng tình yêu Chúa và các linh hồn; con nài van cha cũng cho con được tình yêu đó để con có thể giúp cha trong sứ vụ tông đồ của cha. »
Đối với Tê-rê-sa, hiển nhiên cám dỗ là đoạn đường bắt buộc cho ai muốn đi theo Đức Ki-tô.
Trong tuổi trẻ, chị đã đối mặt với một dạng cám dỗ, có thể nói là với cường độ thấp, nhưng rất cổ điển trong đời sống thiêng liêng , đó là cám dỗ của sự ngại ngùng. Chị đã viết trong Bản thảo A (39r) : « Một năm trôi qua sau lần Rước lễ lần đầu không có thử thách nội tâm cho linh hồn con, nhưng trong lần tĩnh tâm trước khi Rước lễ lần 2 [21.5.1885]thì con bị tấn công bởi căn bệnh khủng khiếp của sự ngại ngùng …Phải trải qua sự tử đạo này để hiểu rõ, con không thể nói những điều con đã chịu đựng trong một năm rưởi … »
Vì biết thế nên Tê-rê-sa trong một bức thư (92), ngày 30.5.1889, viết cho chị họ Marie Guérin, đã có thể trả lời : « Chị nhỏ yêu quí của em, chị đã đúng khi viết cho em, em đã hiểu tất cả …tất cả, tất cả !… Chị đã không che giấu sự dữ, em rất biết những loại cám dỗ mà em không sợ, hơn nữa Chúa Giê-su đã nói tận lòng em…Cần phải coi thường mọi cám dỗ, không quan tâm đến chúng. » Phần sau bức thư cho thấy Marie đã trải qua cơn khủng hoảng ngại ngùng. Như thế coi thường các cám dỗ cũng là một dạng đề kháng. Như tẩu thoát trước một sự dữ làm ta quật ngã là một điều tốt.
Tê-rê-sa cho chúng ta một sứ điệp tin tưởng vào Chúa Giê-su, chị biết Chúa là Đấng chiến thắng cám dỗ, với Chúa chúng ta vượt qua dạng thử thách đó.
Trong đầu mùa Chay này, chúng ta hãy cầu xin Chúa Giê-su, qua lời chuyển cầu của thánh Tê-rê-sa , cho ta sức mạnh chịu đau khổ và chiến thắng mọi cám dỗ một cách hạnh phúc!
1
Thư mục : Jean-Noël ALETTI, Tin mừng theo thánh Lu-ca. Bình luận, Lessius, 2022 ; Ghi chú của T.O.B. ;
Jean CLAPIER, « Yêu đến chết vì yêu » Tê-rê-sa và mầu nhiệm phục sinh, cerf, 2003 ; Guy GAUCHER, Thánh Tê-rê-sa Li-si-ơ (1873-1897), cerf, 2010 ; Những lời của Thánh Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su. Concordance, cerf, 1996 ; TÊ-RÊ-SA LI-SI-Ơ, Tác phẩm đầy đủ, cerf-DDB, 1992.